Mua Nước Thiên Đàng |
Tác Giả: Trà Lũ | ||||
Thứ Năm, 16 Tháng 12 Năm 2010 11:16 | ||||
Tuần qua Toronto nơi tôi cư ngụ đã đón rước Ông Già Santa Claus vào thành phố để mở đầu Mùa Giáng Sinh. Đoàn rước dài 6 cây số, 31 xe hoa và 25 ban nhạc. Bao nhiêu người tham dự. Khắp nơi rộn rã tiếng trống tiếng kèn và tiếng reo hò. Trung tâm thành phố được ngăn lại dành chỗ cho người đi đón chào Ông Già. Vui nhất là các em bé. Các em tươi cười và mặt mũi phón phở trông đẹp như những thiên thần bé nhỏ, dễ thương hết sức. Không biết ai bảo mà các em bé ở Canada đều tin ông Santa Claus là sứ giả của Thiên Chúa sai xuống trần gian để mang quà cho các em. Văn phòng của ông đặt tại Bắc Cực. Nhiều em đã viết thư cho ông, vừa kể lể chuyện gia đình vừa xin qùa. Bưu điện Canada có một cơ quan đặc biệt phụ trách nhận thư cho ông, cũng như phúc đáp cho ông. Thư chỉ cần đề ‘Kính gửi Ông Santa Claus ở Bắc Cực’ là tới. Báo chí kể rằng có một em bé viết thư như thế này : Thưa Santa Claus, ba má con chỉ đẻ ra mình con, con cô đơn lắm, xin Santa Claus cho con một đứa em’. Santa Claus đã trả lời : Ta rất sẵn lòng và rất sung sướng cho con một đứa em. Con hãy gửi mẹ con lên đây với ta một đêm’. Ha ha. Các cụ thấy chưa, Santa Claus cũng là người như chúng ta chứ bộ. Rõ ràng nha. Sau lễ rước Santa Claus thì thành phố như chính thức bước vào hội mùa đông, mùa trưng bày hoa đèn và cây thông, mùa mua qùa tặng qùa, mùa dạ tiệc và mùa đi lễ nhà thờ. Làng An Hạ của tôi cũng mừng lễ Giáng Sinh rất trọng thể. Chúng tôi đã trở thành người Canada 99%, lâu rồi mà. Cũng qùa bánh, cũng tiệc mừng, cũng hát chúc nhau ‘We Wish You a Merry Chrstmas. Mà nhắc đến tiệc mừng là tôi lại nhớ tới Guy de Maupassant. Các cụ biết ông nhà văn lớn của Pháp thuộc thế kỷ 19 này chứ. Người Mỹ đọc Hemingway, người Nga đọc Dostoyevsky, người Tàu đọc Lỗ Tấn, người Pháp đọc Maupassant. Ông là nhà văn, nhà thơ, chuyện ngắn chuyện dài thứ gì cũng hay và cũng nổi tiếng hết. Tôi đã nhớ tới chuyện ngắn Đêm Giáng Sinh / Nuit de Noel của ông. Hình như ngày xưa tôi có kể cho các cụ rồi thì phải. Năm nay hai cô Huế và bà cụ B.95 theo lời xúi của Chị Ba Biên Hòa đã bắt tôi kể lại. Đành vâng lời. Các bà phán là trời phán. Tôi vui vẻ thi hành lệnh truyền vì thực ra câu chuyện này vui lắm. Nó chép rõ ràng trong sách Tây, với nhân vật chính trong truyện là ông Tây Henri Tenylier. Ông ta tự kể như thế này : … Cách đây 2 năm, tôi bận làm việc qúa nên tôi từ chối mọi lời mời ăn tiệc nửa đêm sau lễ nhà thờ. Tiếng Tây gọi là ăn réveillon Tôi định sẽ ăn réveillon một mình rồi sẽ làm việc tiếp. Nhưng đến 10 giờ tối thì không khí tưng bừng của đêm Noel Paris huyên náo qúa, tự nhiên tôi thấy bồn chồn và không làm việc được nữa, tôi bèn quyết định ăn réveillon. Tôi liền gọi chị giúp việc Angela và bảo chị đi phố ngay và mua cho được sò huyết, chim đa đa, thịt nguội, bánh ngọt và hai chai champagne, đủ ăn cho 2 người. Chị đi ngay. Rồi tôi tự hỏi : mình cần có bạn cùng ăn thì mới vui mới có ý nghĩa, nhưng mời ai bây giờ? Bạn bè ai cũng có hẹn hò hết rồi. Qúa trễ mất rồi. Cuối cùng thì tôi nghĩ tới một việc từ thiện. Paris thiếu gì ngươì đẹp nghèo khổ. Đêm nay tôi sẽ đóng vai Thượng Đế ban phước cho một người đẹp xấu số. Thế là tôi xuống phố. Tôi đã gặp rất nhiều cô xinh đẹp, nhưng tính tôi xưa nay chỉ thích những cô gái mập mạp. Mãi rồi tôi mới tìm ra một cô mập, mặt khá xinh, khoác một tấm áo lớn. Tôi đưa nàng về nhà tôi. Nàng vui mừng và cảm động lắm. Nàng ăn réveillon với tôi, ăn rất tận tình. Cuối tiệc, khi tôi lui cui thu dọn bàn thì nàng kêu khó chịu và xin được lên giường nằm. Nàng đắp chăn. Rồi bỗng nàng kêu thét lên. Nàng đau thật. Hèn chi trong bữa ăn tôi thấy đôi lúc nàng nhăn mặt. Tôi tiến đến bên giường và lật chăn ra. Và trơi ơi, nàng là một thiếu nữ có bầu. Nàng trông mập là vì cái bầu lớn này. Nàng đang chuyển bụng đẻ. Tôi kêu cứu. Thiên hạ đổ xô đến nhà tôi, nhưng không ai biết đỡ đẻ. Tôi vội chạy đi kiếm bác sĩ. Lúc tôi và bác sĩ về tới nhà thì bà bán sữa đầu lối trao cho tôi một đứa bé đỏ hỏn và nói : Xin mừng ông, bà nhà sinh con gái. Trời ơi, ai cũng tưởng tôi là cha đứa bé. Bác sĩ săn sóc cô gái và cho toa mua thuốc, cùng hứa sẽ gửi vú nuôi đến giúp. Chúa ơi, tôi làm phước phải họa. Chẳng lẽ tôi đuổi nàng đi trong những ngày băng giá đầu năm sao! Thế là tôi đã nuôi nàng 6 tuần lễ rồi mời nàng ra khỏi nhà. Còn đứa bé tôi phải nhờ người nuôi giúp. Cô gái tuy bị tôi đuổi nhưng nàng đâm ra yêu tôi thật. Nàng không đi xa. Nàng cứ rình rập tôi. Hễ tôi ra khỏi nhà là nàng xông tới ôm hôn tôi. Tôi đã học được một bài học đắt giá là từ nay sẽ không bao giờ mời khách ăn réveillon đêm Giáng Sinh nữa. Cả làng tôi vỗ tay khen truyện hay và cảm động. Nhà văn lớn Guy de Maupassant viết có khác. Và phe các bà cũng rút ra nhiều bài học từ chuyện này lắm. Nào là chớ bao giờ mời khách lạ tới ăn cơm. Nào là phải cẩn thận với những bà những cô mập. Nào là đàn ông lớn rồi phải lấy vợ, ở một mình thì chẳng tốt. Nào là đàn ông thì nên mời khách đàn ông. Nào là khi đến lễ Giáng Sin thì phải nghỉ làm việc .. Mãi rồi làng tôi mới ngưng bàn chuyện ông Tây làm phưóc phải tội trên đây. Trong khi làng uống trà thì anh John đưa một tin vui nóng hổi, cũng liên quan tới văn chương, cũng liên quan đến tiếng Pháp. Đó là tin một thuyển nhân tỵ nạn VN nay đã là dân Tây Canada vừa đoat giải văn chương Pháp Văn tại Quebec. Theo báo chí Canada thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một nhà văn người Canada gốc Việt đoạt giải văn chương 2010 của Toàn Quyền Canada , The Governor’s Literacy Awards. Đây là một giải văn chương lâu đời và cao qúy nhất tại quốc gia này cho các tác phẩm viết bằng Anh Văn và Pháp văn. Đó là nhà văn nữ Lý Kim Thúy, với tác phẩm mang tên ‘RU’. Tác giả Kim Thúy sinh năm 1968 tại Saigon. Khi mới 10 tuổi, Kim Thúy theo cha mẹ vượt biên trốn CS. Sau một thời gian sống ở trại tỵ nạn Mã lai, cô đưọc Canada nhận và cho định cư ở Quebec, miền nói tiếng Pháp. Kim Thuý vừa đi làm vừa đi học. Cô làm nhiều nghề : hái rau, thợ may, giữ két…Kim Thúy đã tồt nghiệp trường Luật và Trường Ngôn Ngữ ở Đại Học Montréal. Cô hành nghề luật sư. Cô mới cầm bút và tác phẩm đầu tay RU đã được giải thưởng ngay. Quả là thiên tài. RU đây không phải là tiếng Việt như ru em, ru ngủ, mà là tiếng Pháp, RU là con lạch nhỏ, con suối nhỏ. Trong tác phẩm, tác giả nói về chính cuộc đời mình, nhận xét tinh tế và sắc bén nhưng rất khiêm tốn. Tác phẩm được chào đón khắp nơi. Theo nhật báo bên Pháp, tờ Le Figaro, thì văn Kim Thúy đẹp như những vần thơ, chuyên chở đầy ý nghĩ thâm trầm, đầy sinh lực và bắt người đọc suy nghĩ. Sách đang được dịch sang tiếng Ý, tiếng Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển. Chưa nghe nói về việc dịch sang tiếng Việt. Vui qúa chứ, phải không các cụ. Người Việt viết văn Pháp tài giỏi hơn người Pháp, lạ chứ và đáng nể chứ. Thật là tuyệt vời. Xin nhiệt liệt chúc mừng Nhà văn nữ Kim Thúy. Chị là niềm hãnh diện của người Việt Nam chúng tôi. Chị mang trong người hạt giống tốt của nói giống Tiên Rồng, hạt giống gặp đất tốt là nở bung ra ngay. Chưa hết tin mừng. Cuối năm 2010 này cộng đồng VN ở đây còn có nhiều tin vui khác. Như trung tuần tháng Mười Một, tại Montréal, đất của nhà văn nữ Kim Thúy trên đây, đã có một ngày hội thảo ‘ Thế Hê Trẻ và Văn Hóa Việt’ khá sôi động và thành công. Có hai diễn giả chính là bà Jackie Bông từ Hoa Kỳ sang và Bà Hải Phong, phu nhân của GS Nguyễn Hải Bình từ Quebec xuống. Rất đông người tới tham dự. Đây là đất Montréal. Còn ở Toronto cũng có một sinh hoạt văn hóa khác rất đặc sắc. Đó là ngày Văn Hóa Á Châu do Trung Tâm Văn Hóa Nhật Bản tổ chức, với sự tham gia của nhiều sắc dân như Tây Tạng, Miến Điện, Phi Luật Tân, Thái Lan, Đài Loan, Lào, và Việt Nam. Con chim đầu đàn của đoàn Việt Nam là Anh Hoàng Mạnh Hùng. Đoàn đã tham dự với gian hàng thực phẩm, tiểu công nghệ, trình diễn múa hát và thời trang. Đoàn đã gặt hái được nhiều thành công. Cụ B.95 ngồi nghe các tin vui thì thích lắm nhưng hình như chưa hả dạ. Cụ lên tiếng gọi : Hai người đẹp đất Thần Kinh đâu? Cô Cao Xuân cô Tôn Nữ đâu? xin góp chuyện vui đi coi. Hai cô Huế được kêu là ‘người đẹp’ có vẻ sướng trong bụng nhưng vẫn làm dáng e lệ không dám nhận. Cô Cao Xuân thưa : ‘Cháu mà đẹp cái gì!’. Cụ B.95 đáp ngay : các cô đất nhà vua mà không đẹp thì ai đẹp bây giờ? Cô Cao Xuân ngày xưa là hoa khôi trong trường mà. Cô lại học ban văn chương nên chũ nghĩa đầy trong bụng. Cô Huế đáp ngay : - Miền Trung xứ dân nghèo, đất cầy lên sỏi đá, nên gái miền Trung không đẹp bằng các cô gái miền Nam của đất phù sa trù phú. Không cần phải tìm chứng từ gì đâu xa, cứ nghe bài vè bình dân này là thấy liền à. Cháu thuộc bài này từ hồi còn ở trung học: Gái Cần Thơ Vĩnh Long Đất gạo trắng nước trong Người mơn mởn như xoài Da trắng như bông bưởi Mắt đen như hạt nhãn Tóc thơm mùi hoa cau . . . Quý vị đã thấy các cô gái miền Nam đẹp chưa, nét đẹp không son phấn thành thị mà là sắc đẹp thiên nhiên đồng quê, như trái xoài, bông bưởi, hoa cau. Cả làng ngồi nghe, trong bụng ai cũng khen cô Cao Xuân này giỏi qúa. Hình như ngày xưa ở Việt Nam cô là luật sư chứ phải chơi đâu. Thấy ai cũng vỗ tay, được hứng cô nói tiếp: - Đấy là các cô Nam Kỳ. Các cô Bắc Kỳ đẹp cũng hãi lắm. Cứ nghe bài Đi Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp là thấy rõ. Vì chạm tới gái Bắc Kỳ nên cụ B.95 muốn nghe chi tiết. Cụ xin cô Cao Xuân hát bài Đi Chùa Hương cho cụ nghe. Cô liền lắc đầu xin chịu. Cô đáp: - Cháu không biết hát. Xin đùng bắt cháu hát. Cháu mà hát thì đêm nay cụ và cả làng sẽ mất ngủ vì ác mộng. Để cháu tóm tắt cái đẹp của cô Bắc Kỳ, theo sách vở ngày xưa, như thế này: . khăn vấn đuôi gà . yếm thắm . áo tứ thân ôm sát vòng eo . nhai trầu hồng đôi má đôi môi . mắt bồ câu . da trứmg gà bóc . bàn tay búp măng . giọng oanh vàng thỏ thẻ . dáng đi nhẹ nhàng như bước sen lãng đãng . . . Đấy là hình ảnh mấy cô ngày xưa, chắc là vào thời của Cụ đây. Hiện nay cháu có nhiều bạn Bắc Kỳ lắm. Cô Bắc Kỳ nào cũng đẹp hết. Đến đây thì anh H.O. giơ tay xin nói : - Chắc gái Bắc Kỳ phải đẹp nhất nước vì cứ xem các cuộc thi hoa hậu gần đây tại VN thì đủ rõ. Bao giờ hoa hậu cũng là cô gái Hà Nội. Nghe đến đây thì cụ B.95 giơ tay xin thôi. Cụ bảo hoa hậu phải là người Bắc Kỳ vì là đất thủ đô của Đảng. Anh đang lái sang chuyện chính trị nhức đầu mất rồi. Xin ngưng nha. Rồi cụ quay vào anh John thần tượng của cụ : - Nãy giờ chúng tôi toàn nghe chuyện người đẹp VN. Bây giờ đang mùa Giáng Sinh xin nói về đạo Chúa. Thế trong sách Thánh Kinh có đoạn nào tả về đàn bà đẹp không? Chà, cụ chuyển đề nhanh qúa và khéo qúa. Chàng John của làng tôi qủa là thiên tài. Anh đáp ngay: - Thưa có. Thánh Kinh không những tả đàn bà đẹp mà còn tả đàn ông đẹp nữa cơ. Cả làng xưa nay chỉ nghe tả đàn bà đẹp, đây là lần đầu tiên làng nghe nói tới việc tả đàn ông đẹp. Thấy lạ, ai cũng chú tâm nghe nhà kinh thánh John giảng bài . - Tôi xin trich một đọan nói về người đẹp Judita trong sách Cựu Ước : ... Dân Do Thái bị quân ngoại vây hãm, các mạch suối dẫn nước vào thành đều bị cắt đứt. Dân hầu chết khát và bắt đầu kêu trách cấp chỉ huy. Bấy giờ Judita, một góa phụ trẻ, đẹp lộng lẫy và đạo đức, đã tình nguyện xin dùng mỹ nhân kế. Nàng ra khỏi thành, vào trại giặc xin gặp vị chỉ huy, đó là tướng Hôlôphê. Vừa nhìn thấy Judita, tướng Holôphê liền chết mê chết mệt. Tướng cho nàng mọi đặc ân, được ở lều riêng, muốn đi lại chỗ nào và lúc nào cũng được. Judita đã ở mấy ngày trong trại mà chưa cho Holôphê đụng tới nàng. Nàng cứ khất lần. Đến tối ngày thứ ba thì Hôlôphê cho mở đại tiệc thết người đẹp. Judita liền lập kế. Bữa đó nàng chuốc rượu cho Hôlôphê uống say ngất. Hôlôphê hồn chơi vơi nhìn nàng đắm đuối vì nghĩ trong bụng đêm nay ông sẽ chiếm được nàng. Cuối tiệc thì Hôlôphê say qúa lăn ra ngủ li bì. Mọi người ra về, mình Juđita ở lại trong lều. Ai cũng tưởng Judita sẽ săn sóc tận tình cho vị chủ tướng. Ai dè trong đêm khuya Judita đã chặt đầu Hôlôphê và bỏ vào túi xách vẫn đem theo. Rồi Judita tiến ra bờ suối như thường lệ nàng vẫn ra cấu nguyện. Quân canh không hề để ý. Judita đã băng qua suối và tiến về trại Do Thái. Nàng giơ đầu Hôlôphê lên cho mọi người xem. Toàn trại hân hoan vô cùng nhưng ra sức giữ kín. Sáng hôm sau Do Thái dẫn đại quân xuống núi. Lúc bấy giờ quân giặc mói đánh thức Hôlôphê, nhưng than ôi, tin sét đánh, Hôlôphê đã bị chặt đầu. Thế là hàng quân rung động và tan nát. Quân Do Thái toàn thắng. Cụ B.95 nghe thì thích quá vì lần đầu nghe chuyện lạ. Cụ bảo cụ cứ tưởng chuyện Tàu mới có mỹ nhân kế, ai dè chuyện Tây cũng có nữa sao. Rôi cụ chợt nhớ là anh John còn nói trong Thánh Kinh cũng tả đàn ông đẹp nữa, cụ xin anh kể. Anh John kể ngay. Cái anh chàng John da trắng này giỏi thật, phải không các cụ? Tôi phục anh qúa chừng. Anh John thủng thẳng đáp : Sách Thánh tả đàn ôn đẹp nhưng không tả dài dòng. Chỉ có chút xíu. Đó là phần nói về chàng Absalôm, con trai vua David. Sách tả như sau : ‘…Trong toàn dân Israel thât không có ai đẹp trai như Absalôm, mọi người hết lời ca ngợi. Từ bàn chân đến đỉnh đầu thât không có chỗ nào chê được’. Tiếc rằng Absalôm đã mưu toan chiếm ngôi cha, đã làm loạn và bị giết chết. Vua David đã ôm xác con mà khóc. Cả làng ai cũng sung sướng vì bữa nay được nghe những chuyện hấp dẫn không ngờ có trong sách thánh. Rồi làng nghỉ giải lao. Trong khi các bà rủ nhau đi nấu chè thì phe liền ông chúng tôi tụm lại để bàn các việc quốc sự. Anh John nhìn trước nhìn sau không thấy vợ đâu liền nói nhỏ : - Lúc nãy tôi nói mấy chuyện vui trong Kinh Thánh, nhưng có một chuyện này vui nhất mà không dám kể. Đó là chuyện ông lão bộc của Abraham. Chúng ta biết rằng tổ phụ của Israel là cụ Abraham. Cụ có vợ là bà Sara. Khi cụ đã gìa rồi Chúa mới cho cụ có con. Đó là cậu Isaac. Khi cậu con trai này đã lớn thì Cụ Abraham nghĩ tới việc lấy vợ cho con. Nhìn chung quanh không thấy ai xứng đáng, cụ liền sai người lão bộc thân tín về quê nội kiếm vợ cho con. Lão bộc đã tìm ra nàng Rebecca và đem về cho Isaac. Điều đáng nói là trước khi lão bộc ra đi, cụ già Abraham đã bảo thế này : - Vì đây là việc hệ trọng, ngươi hãy đặt tay dưới đùi ta mà thề rằng ngươi sẽ về tận quê nội của ta và tìm cho ra vợ cho con ta. Lão bộc đã đặt tay mà thề. Kể đến đây rồi anh John cười hề hề : - ‘Đặt tay dưới đùi’ là đặt ở chỗ nào? Đó là cách dịch nhẹ nhàng chứ không đúng. Tôi đã đọc kỹ bản gốc và tìm xem các lời chú giải. Tôi đã phát giác ra việc này, là theo phong tục Do Thái, khi thề độc thì tay người thề phải sờ vào con chim của người kia! Nghe đến đây thì phe đàn ông chúng tôi phá ra cười như sấm nổ, bò lăn bò càng. Lúc này ông ODP mới lên tiếng. Kinh Thánh là sách thánh, sách thánh thì phải chép đùng sự thực. Chuyện nàng Judita thu hút tướng giặc Holôphê và chuyện Isaac lấy vợ, đó là những chuyện bình thường của loài người. Mà chẳng riêng gì loài người, loài vật cũng đực cái thu hút nhau. Sáng nay tôi mới đọc một cuốn sách kể các chuyện cổ nước Ba Tư ngày xưa, trong đó có chuyện vua Darius cũng lý thú lắm. Rằng ngày xưa hồi thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên, Ba Tư bị một bạo chúa cai trị rất độc ác, dân chúng hết sức lầm than. Rồi có 7 nhà cách mạng hợp lực lật đổ được bạo chúa. Lật xong, bảy anh hùng này họp lại để chọn một người lên làm vua. Ai cũng tài giỏi hết, vậy chọn ai bây giờ. Cuối cùng thất hiền đồng ý như thế này : sáng sớm mai, ai đua ngựa mà ngựa hí vang lên, thì sẽ làm vua. Tướng Darius lo lắng, đem chuyện này kể với người hầu cận. Anh hầu này bảo việc đó không khó gì. Anh ghé vào tai Darius nói nhỏ một câu. Hai bên cười hinh hích một chập rồi đi ngủ. Sáng sớm hôm sau có cuộc đua ngưa để chọn vua. Sáu tráng sĩ lên ngựa chạy hết mấy vòng mà không hề có con ngựa nào hí lên một tiếng. Đến lượt Darius. Người hùng Darius lên ngựa, vừa chạy chưa hết vòng thì con ngựa đã hí vang, hí vừa to vừa lâu. Thế là Darius lên làm vua nước Ba Tư và trờ thành một vị vua lỗi lạc. Tại sao con ngựa của Darius hí ư? Theo bí sử kể lại thì người hầu cận Darius đã dẫn một con ngựa cái tới giấu gần đoạn đường Darius sẽ chạy qua. Con ngựa đực của Darius đã ngửi thấy mùi ngựa cái nên nó đã hí ầm lên là thế! Các bạn thấy chưa. Đây là luật trời đất : âm dương thu hút nhau. Có âm dương, có vợ chồng, ông bà đã dạy từ ngàn xưa. Có hút nhau thì loài người và loài vật mới tồn tại chứ. Đúng y như cái câu đố mà ngày xưa ông thày văn chương đố học trò chúng tôi. Khi ông giảng về cách chấm câu, cách dùng dấu phẩy dấu phết, ông đố cả lớp như thế này : - Các em hãy làm cho câu sau đây biến thành 2 câu có nghĩa đối nghịch nhau: ‘ Đàn bà không có đàn ông là man rợ’ Cả lớp nghĩ mãi mà không ra lời giải, ông thày bèn cười rồi đáp : Đó là sự quan trọng của dấu phết. Tôi đặt dấu phết vào hai chỗ khác nhau thì ta có 2 câu đối chọi sau đây : - Đàn bà không có đàn ông , là mọi rợ. - Đàn bà không có , đàn ông là mọi rợ Qủa đúng như vậy, trái đất này nếu chỉ có một giống, hoặc chỉ đàn bà, hoặc chỉ đàn ông, thì sự gì sẽ xảy ra, thưa các triết gia? Anh H.O. hiểu được cái thông điệp âm dương cần có nhau nên anh xin kể tiếp câu chuyện mấy tháng trước đã kể trong làng. Không biết các cụ còn nhớ câu chuyện Đèo Ngang không? Rằng có một nhà phong thủy và điạ lý nổi tiếng kia đi qua Đèo Ngang ở Miền Trung thấy dân chúng nghèo qúa nên thấy tội nghiệp. Ông đã đề nghị dân làng nên đổi tên đèo thì sẽ hết nghèo. Ông đề nghị đổi Đèo Ngang ra Đèo Nghếch. Ông dùng phép nói lái. Đèo Ngang là ‘đang nghèo’ nay đổi ra Đèo Nghếch là ‘đếch nghèo’. Đếch nghèo nghe như một lời xua đuổi con ma nghèo. Và quả thực từ khi có tên mới Đèo Nghếch thì dân chúng hết nghèo. Nhưng rồi ít lâu sau, vì trở nên giầu có, nhiều sâm nhung tẩm bổ, dân miền này tự nhiên đông con, có nạn nhân mãn. Làm sao hết nạn nhân mãn bây giờ? Dân làng lại chạy đến xin nhà phong thủy địa lý cứu. Ông suy nghĩ một chập rồi bảo : Muốn hết nhân mãn thì hãy tạm ngưng yêu nhau. Vậy hãy đổi tên một lần nữa. Bây giờ Đèo Nghếch’ phải đổi ra ‘ Đèo Đứng’. Làng tôi xưa nay rất giỏi về cách ‘nói lái’. Nghe đến đây thì làng tôi hiểu ngay lập tức và phá ra cười, ai cũng cười chảy cả nước mắt nước mũi, các bà thì tái diễn trò cũ là vừa cười vừa đấm nhau thùm thụp. Làng An Lạc của tôi vui thế đấy, các cụ a. Xin ngưng chuyện âm dương Đèo Ngang Đèo Đứng để trình các cụ vài tin thời sự Canada còn nóng hổi. Chuyện nóng thứ nhất là các khoa học gia Canada ở Đại Học McMaster tại bang Ontario vừa tìm ra cách chế được máu từ da của bệnh nhân. Đây là một tin vui mừng cho các bệnh nhân. Tế bào gốc được lấy từ chính da của bệnh nhân, chứ không phải đi xin máu của người khác. Đây mới là bước đầu. Bước đầu này sẽ đẻ ra nhiều bước kế tiêp, và nhiều phép lạ về máu sẽ xảy ra sau này. Canada giỏi không các cụ? Đấy là chuyện đời sống vật chất. Đời sống tinh thần cũng nhiều chuyện vui và cảm động lắm. Kỳ trước tôi kể chuyện nhà triệu phú Karl Rabeder bên Áo bán hết tài sản để giúp người nghèo, kỳ này tôi xin kể chuyện Ông bà Allen Violet Large ở bang Nova Scotia, miền đông Canada. Ông bà đã trúng số độc đắc 11 triệu hồi tháng Bảy, và cuối tháng 11 vừa qua ông bà mới cho báo chí được biết về nhưng chi tiêu số tiền lớn này. Ông bà chỉ giữ lại 2 phần trăm cho riêng mình, còn bao nhiêu thì phân phát cho các nhà thờ, bệnh viện, nghĩa trang, sở cứu hỏa và các cơ quan bác ái. Ông Allen năm nay đã 75 tuổi. Ông vừa cười vừa nói với mọi người : Trước khi trúng số chúng tôi có thiếu gì đâu. Nay trúng số tức là Chúa mượn tay chúng tôi để giao tiền cho những ai cần hơn chúng tôi. Đáng kính phục qúa, phải không các cụ. Lời Ông Large làm tôi nhớ tới một bài nghiên cứu mới đây cho biết đại đa số người Canada vẫn tin có Thượng Đế và đời sau. Ông bà Large đang chuyển tiền về đời sau đấy, các cụ ạ. Theo Kinh Thánh thì tiền giúp đỡ những người đói khát nghèo khổ là đồng tiền mua được nước thiên đàng mai sau. Lễ Giáng Sinh đã gần kề, kính chúc các cụ mừng lễ Giáng Sinh vui vẻ đầm ấm, và có sẵn tiền để chuyển về đời sau.
|