Home Tin Tức Tin Nóng Rượu vang Pháp trong tầm ngắm của Trung Quốc

Rượu vang Pháp trong tầm ngắm của Trung Quốc PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Hà   
Thứ Ba, 30 Tháng 10 Năm 2012 08:36

Trên 30 cơ ngơi sản xuất rượu của hai vùng Bordeaux và Bourgogne đã lần lượt ngả vào tay các chủ nhân Trung Quốc.

 

Vang đỏ, một biểu tượng của nước Pháp
DR

 

Châu Á đang trở thành thị trường tiêu thụ rượu vang mạnh nhất thế giới. Sau khi bắt rễ ở vùng Bordeaux - miền Nam, các nhà đầu tư Trung Quốc đã hướng tới những ruộng nho nổi tiếng của vùng Bourgone -ở phía đông - để nắm bắt bí quyết làm rượu vang của Pháp.

Các đại gia Trung Quốc  không chỉ hài lòng khi làm chủ những tòa lâu đài trên quê hương Victor Hugo mà còn muốn chiếm đoạt luôn bí quyết làm ra những chai rượu vang đỏ, vang trắng mà tên tuổi đã đi vào huyền thoại.
 
Từ năm 2008 trên 30 cơ ngơi sản xuất rượu của hai vùng Bordeaux và Bourgogne đã lần lượt ngả vào tay các chủ nhân Trung Quốc.

 Ở Bordeaux chẳng hạn, tập đoàn chế biến lượng thực Trung Quốc, COFCO cách nay 2 năm đã mua lại Château de Viaud nổi tiếng với những chai Pomerol. Hai nhà sản xuất lừng danh khác trong vùng là Château Latour Laguens và Lafite Rothschild cũng đã trở thành « tài sản » của các đại gia Trung Quốc.
 
Tuy nhiên tới nay các nhà đầu tư đến từ quê hương Mao Trạch Đông hãy còn trong giai đoạn thăm dò thị trường và mới chỉ nhắm tới những cơ ngơi mà trong bảng xếp hạng về rượu ngon của Pháp chỉ được coi là những đồn điền hạng 2, và thậm chí là hạng 3.
 
Oliver Vizerie, giám đốc cơ quan môi giới địa ốc Millésime Immobilier tại Libourne, chuyên mua bán các đồn điền trồng nho giải thích :
 
« Ban đầu các nhà đầu tư Trung Quốc mua lại những cơ ngơi khoảng từ 1 đến 5 triệu euro với diện tích khoảng từ 10 đến 20 hecta. Nhưng cũng có một vài ông chủ đã chi ra đến 10 triệu euro để mua lại các đồn điền lớn hơn.

Giờ đây thì khách hàng của chúng tôi chịu chi ra khoảng 30 triệu euro. Tôi nghĩ là bước đầu họ đến đây để tìm hiểu môi trường, để làm quen với nghệ thuật làm rượu vang. Bây giờ thì họ thực sự muốn phát triển.

Trong những tháng tới chúng tôi sẽ còn có những khách hàng nặng ký hơn nữa và họ sẽ nhắm tới những nhãn hiệu còn nổi tiếng hơn nữa, như là trường hợp vừa mới đây tại vùng Bourgogne, với khu vực của lâu đài Château de Gevrey-Chambertin ».
 
Tại Bordeaux chẳng hạn các nhà đầu tư Nhật Bản, hay Mỹ ngay từ đầu đã chủ trương chỉ nhắm tới những cơ ngơi sản xuất vang được gọi là « vin classé » tức phải là những loại rất nổi tiếng. Chẳng hạn như các nhà đầu tư Nhật Bản gần đây đã mua lại cơ ngơi của Château Lagrange và Beychevelle cả hai cùng thuộc loại được coi là vang ngon nhất của vùng trồng nho Saint Julien. Những đồn điền nổi tiếng như vậy được bán với giá là 1,1 triệu euro/hecta.
 
Chiến lược từng bước của các nhà đầu tư Trung Quốc
 
Tới nay chiến lược của các nhà đầu tư Trung Quốc còn được coi là rất thận trọng. Điển hình là khi Daisy Chang, con gái của nhà thầu địa ốc Longhai International Trading của Trung Quốc mua lại khu trồng nho thuộc về Château Laguens ở Bordeaux.

Năm 2008 Longhai International Trading đã chi ra 1,4 triệu euro để làm chủ Château Laguens và để cho cô gái chưa đầy 30 tuổi là Daisy điều hành. Đây chỉ là một đồn điền được xếp vào hạng 2 nhưng không phải tình cờ mà gia đình họ Chang chọn cắm dùi vào vùng đất này.

 Séphane Toutoundji, một chuyên gia về rượu vang Bordeaux giải thích :
 
« Lần đầu tiên tôi đến đây, chủ nhân lâu đài Château Laguens là một phụ nữ còn rất trẻ. Cô đặt lên bàn tất cả mọi loại rượu được cất từ đồn điền nho của mình. Trong đó có những chai rượu trắng và đương nhiên là phải kể đến vang đỏ, đặc sản của vùng Haut Medoc và cô chủ đồn điền tuyên bố thích loại rượu như thế này. »
 
Về sở thích của người tiêu dùng Trung Quốc Séphane Toutoundji cho biết thêm :
 
« Người Trung Quốc có thói quen uống trà và họ thích vị đắng của trà. Khi uống rượu họ cũng thích tìm thấy vị đắng và hơi chát một chút đó. Chính vì thế người sành điệu thích những loại rượu với những hương vị rất đều nhau : không quá nhiều mùi gỗ, không quá nhiều vị ngọt hay quá chát »
 
Cô Daisy Chang là người Trung Quốc đầu tiên tấn công vào một đồn điền trồng nho của vùng Bordeaux và cũng đã không tránh khỏi nhiều dị nghị. Séphane Toutoundji giải thích :
 
« Ban đầu đã có rất nhiều nghi vấn chung quanh việc một nhà đầu tư Trung Quốc mua lại ruộng nho và cả tòa lâu đài, cả vùng đất đai chung quanh ngay tại nơi trồng nho và sản xuất rượu vang nổi tiếng của Bordeaux. Nhưng rồi mọi người đều nhận thấy rằng đó là những khoản đầu tư.

 Các doanh nhân Trung Quốc muốn làm chủ hẳn một cơ ngơi, không hẳn đấy phải là những thửa ruộng nho nổi tiếng nhất vùng ; nhưng họ muốn mua luôn cả cơ ngơi tương đối rộng rãi chung quanh để có thể sản xuất với một khối lượng lớn. Tính toán đằng sau là sản xuất đủ để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc »

 


Nho Bordeaux
DR

 

Cái hay của nữ chủ nhân Trung Quốc là cô đã giữ lại hầu hết nhân viên, những người đã quá quen thuộc với từng chân nho, từng giống nho và từng loại rượu làm ra từ cơ ngơi này. Jean Baptiste Soula là người đứng đầu, trông coi và quản lý Château Laguens cho biết mục tiêu mà cô chủ người Trung Quốc của ông đang hướng tới.
 
« Rượu vang với nhãn hiệu của Château Laguens hiện đã được phân phối cho khoảng 15 cửa hàng tại Trung Quốc. Mục tiêu là trong không bao lâu chúng tôi có thể cung cấp một cách có hệ thống trên toàn quốc. Tuy nhiên, với khả năng sản xuất 200 000 chai /năm, hiện tại là không đủ để đáp ứng nhu cầu cho các khách hàng Trung Quốc ».
 
Một nguồn đầu tư với nhiều nghi vấn
 
Đương nhiên là trong giai đoạn đầu, gia đình họ Chang phải chịu khá nhiều tốn kém : bên cạnh khoản 1,4 triệu euro để mua lại cơ ngơi này, còn phải tính đến những khoản đầu tư để nâng cao năng suất và khối lượng hòng thỏa mãn nhu cầu rất lớn của thị trường Trung Quốc. Ông Jean Baptiste Soula cho biết thêm :
 
« Trồng lại nho, mở rộng thêm diện tích trồng nho, mua các thùng chứa rượu mới… chủ nhân đã tốn thêm 700 ngàn euro. Bên cạnh đó phải tính thêm là trong tương lai, tòa lâu đài này phải được trùng tu và tốn kém sẽ tăng thêm ít nhất là từ 2 đến 3 triệu euro nữa. Dù sao theo tôi khi bỏ tiền ra để đầu tư vào các ruộng đất trồng nho, thì trước hết là mình phải thực sự yêu thích vùng đất và công việc này.
 
Tuy nhiên cô chủ Château Laguens cũng đã bỏ nhiều thời gian để tìm hiểu về nho, về chất lượng của rượu vang ở đây trước khi lấy quyết định sau cùng.

Cô cũng đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia. Trong buổi tiếp xúc đầu tiên cô đã đề ra cho tôi những mục tiêu rất rõ ràng : thứ nhất là chất lượng phải được nâng cao hàng năm, thứ hai là cán cân chi, thu phải được cân bằng ».
 
Trung Quốc, Hồng Kông tương lai của vang Pháp ?
 
Thực tế cho thấy là Longhai International Trading Co nhắm vào thị trường rượu thuộc gam trung bình vào cao cấp tại Trung Quốc. Nhưng theo các cơ quan môi giới địa ốc chuyên mua bán các vườn nho đẻ làm rượu của vùng Bordeaux hay Bourgogne đang nhận thấy rằng, chính sách đầu tư vào rượu vang Pháp của Trung Quốc đang chuyển hướng. Georges Haussalter, chủ tịch nghiệp đoàn các nhà sản xuất rượu Bordeaux phân tích :
 
« Nếu tính về khối lượng thì trong 12 tháng trở lại đây, vang Bordeaux đã cung cấp 90 triệu trai cho thị trường Trung Quốc và Hồng Kông. Ở trung hoa đại lục chúng tôi bán tất cả các loại vang Bordeaux. Nhưng riêng tại Hồng Kông thì chúng tôi chỉ phân phối loại vang hạng sang mà thôi. Từ 2008 chính quyền Hồng Kông bão bỏ mọi hàng rào thuế quan đối với rượu nhập từ nước ngoài. Điều này càng tạo thuận lợi cho chúng tôi. Hồng Kông có một bề dày lịch sử lâu đời với rượu vang của Pháp. Có khá nhiều chuyên gia rất sành về vang Bordeaux tại đây ».
 
Về kim ngạch xuất khẩu của Pháp, rượu vang chiếm hạng thứ nhì, chỉ sau có ngành công nghiệp hàng không không gian, nhưng lại đem về nhiều ngoại tệ hơn so với ngành mỹ phẩm và nước hoa. Hàng năm nước Pháp thu về đến 10 tỷ euro nhờ xuất khẩu các loại rượu và champagne. Đây cũng là một lĩnh vực bảo đảm 250 000công việc làm. Hiện tại Châu Á được coi là một trong những thị trường quan trọng nhất của các nhà sản xuất Pháp, chiếm đến ¼ thị phần.

Riêng Trung Quốc mỗi năm nhập vào đến 1 tỷ euro rượu và champagne của Pháp. Đấy chính là điều mà giới trong ngành cho rằng tương lai của ngành rượu vang Pháp đang được đặt ở Châu Á.
 
Sau rượu Bordeaux đến lượt vang Bourgogne
 
Tháng 8 vừa qua, cơ ngơi trồng nho và sản xuất rượu vang nổi tiếng của vùng Bourgogne Gevrey Chambertin đã được một ông chủ sòng bạc ở Macao mua lại đã khiến các nhà sản xuất rượu ở vùng Bourgogne vô cùng hoang mang.
 
Trước hết, đây là lần đầu tiên, một nhà sản xuất vang truyền thống của vùng Bourgogne về tay một ông chủ ngoại quốc.

Khác với ở vùng Bordeaux vốn có truyền thống giao mở rộng các hoạt động với các nhà đầu tư nước ngoài từ hàng trăm năm qua, vang của Bourgogne, đến nay đều do người dân của vùng này sản xuất. Trong số trên dưới 8 000 đồn điền trồng nho và sản xuất rượu vang Bordeaux, đã có 30 cơ sở thuộc về các chủ nhân Trung Quốc.

Nhưng trước những nhà đầu tư Trung Quốc thì đã có không ít các đại gia người Nhật Bản, người Hà Lan, Anh Quốc, Đan Mạch hay Bỉ, Đức… đến đây lập nghiệp và khai thác lĩnh vực kinh tế được coi là hái ra tiền này.
 
Oliver Vizerie, giám đốc cơ quan môi giới địa ốc Millésime Immobilier tại Libourne, chuyên mua bán các đồn điền trồng nho nói về sức thu hút lớn của các cơ ngơi vùng Bordeaux :
 
« Trước đây, chính phủ Pháp có đề ra hẳn một chính sách hỗ trợ để khuyến khích các nhà đầu tư quan tâm đến công nghệ sản xuất rượu vang. Hơn nữa vang Bordeaux có sức hấp dẫn lớn nhờ những thương hiệu nổi tiếng.

Lafite Rothschild rất nổi tiếng ở Trung Quốc và thậm chí tại Pháp, giá những chai rượu này cũng đã tăng vọt nhờ vào thị trường của Trung Quốc. Các nhà đầu tư Trung Quốc nhận thấy rằng đây thực sự là một lĩnh vực kinh tế có rất nhiều tiềm năng. Ngoài ra cũng nên biết rằng, hiện có khá nhiều người trồng nho của Pháp đến Trung Quốc để đào tạo cho nông dân Trung Quốc trồng nho và làm rượu. Kết hợp rượu sản xuất từ Trung Quốc với rượu vang sản xuất từ Pháp … thì thực sự đây là một thị trường hết sức hấp dẫn »
 
Về điểm này, Georges Haussalter, chủ tịch nghiệp đoàn các nhà sản xuất vang Bordeaux giải thích thêm :
 
« Nếu tính về khối lượng thì trong 12 tháng trở lại đây, vang bordeaux đã cung cấp 90 triệu trai cho thị trường Trung Quốc và Hồng Kông.

 Ở trung hoa đại lục chúng tôi bán tất cả các loại vang Bordeaux. Nhưng riêng tại Hồng Kông thì chúng tôi chỉ phân phối loại vang hạng sang mà thôi.

Từ 2008 chính quyền Hồng Kông bãi bỏ mọi hàng rào thuế quan đối với rượu nhập từ nước ngoài. Điều này càng tạo thuận lợi cho chúng tôi. Hồng Kông có một bề dày lịch sử lâu đời với rượu vang của Pháp. Có khá nhiều chuyên gia rất sành về vang Bordeaux tại đây ».
 
Về kim ngạch xuất khẩu của Pháp, rượu vang chiếm hạng thứ nhì, chỉ sau có ngành công nghiệp hàng không không gian, nhưng lại đem về nhiều ngoại tệ hơn so với ngành mỹ phẩm và nước hoa.

Hàng năm nước Pháp thu về đến 10 tỷ euro nhờ xuất khẩu các loại rượu và champagne. Đây cũng là một lĩnh vực bảo đảm 250 000công việc làm. Hiện tại Châu Á được coi là một trong những thị trường quan trọng nhất của các nhà sản xuất Pháp, chiếm đến ¼ thị phần.

 

Vang trắng Bourgogne
DR
 

Riêng Trung Quốc mỗi năm nhập vào đến 1 tỷ euro rượu và champagne của Pháp. Đấy chính là điều mà giới trong ngành cho rằng tương lai của ngành rượu vang Pháp đang được đặt ở Châu Á.
 
Nếu như Bordeaux có truyền thống mở rộng cửa đón các nhà tư bản quốc tế, thì ngược lại vùng Bourgogne tới nay hãy còn khá khép kín và là độc quyền của các nhà sản xuất địa phương. Tới nay, trên 4000 nhà làm rượu của Bourgogne, mới chỉ có hai cơ sở được bán lại cho người ngoại quốc. Cho nên việc chuyển nhượng một cơ ngơi vào tay người nước ngoài đã không khỏi là dấy lên một sự hoài nghi.
 
Nhưng có điều khiến giới trong ngành lo ngại hơn cả là khi cơ ngơi cùng tòa lâu đài Gevrey Chambertin được rao bán thì đã có những nhà đầu tư địa phương đề nghị mua lại với giá từ 3,5 cho tới 4 triệu euro. Đề nghị đó không hấp dẫn bằng khoản tiền 8 triệu mà ông chủ sòng bạc Macao đã dễ dàng chi ra để làm chủ cả một dịnh thự và 2 hecta đất trồng nho.
 
Pierre Henry Gagey chủ tịch nghiệp đoàn các nhà sản xuất rượu vang của vùng Bourgogne trở lại về tranh cãi chung quanh việc cơ ngơi Gevrey Chambertin rơi vào tay một chủ nhân Trung Quốc :
 
« Diện tích đất trồng nho ở vùng Bourgogne không thể mở rộng thêm được, cho nên nếu như các nhà sản xuất trong vùng tập trung bán vang cho Trung Quốc thì họ sẽ không thể tiếp tục cung cấp cho các thị trường của Hoa Kỳ, Canada và Pháp như hiện nay. Các nhà sản xuất rượu Bourgogne, mong muốn hiện diện ở mọi nơi và Trung Quốc sẽ chỉ là một trong số 3 thị trường lớng của chúng tôi mà thôi ».
 
Hiện tại trên tổng số 4000 nhà sản xuất rượu ở vùng Bourgogne, hiện mới chỉ có hai nhà cơ ngơi đã được bán đứt cho Trung Quốc. Nhưng cũng đủ để dân trong vùng nêu lên nhiều câu hỏi.
 
Điều quan trọng hơn đối với ông Gagey là các nhà sản xuất địa phương cần phải có một chiến lược rõ ràng tránh để đe dọa đến tương lai của một loại rượu nổi tiếng như vang của vùng Bourgogne :
 
« Thực ra đầu tư của Trung Quốc không phải là một sự kiện. Mọi người thắc mắc chẳng qua chỉ vì Château Gevrey Chambertin là một nhãn hiệu quá nổi tiếng đối với giới sành điệu của thế giới. Tuy nhiên điều này khiến các nhà sản xuất phải suy nghĩ rất nhiều về tương lai, về chiến lược của ngành làm rượu ở Bourgogne.

Có một điều chắc chắn là ở đây không ai muốn giá địa ốc tăng vọt quá đáng, một khi các nhà đầu tư ngoại quốc tung tiền ra mua lại các ruộng nho có tiếng trong vùng để đầu cơ. Bản thân chúng tôi là những người sống vì ruộng, đất. Do vậy chúng tôi muốn là những người đầu tư vào đây phải là những người cũng yêu quý cây nho, tha thiết với nghề làm rượu vang với truyền thống và những nét đặc thù của vùng Bourgogne.

 Chúng tôi không chấp nhận những nhà đầu tư chôn tiền vào đây chỉ với mục đích kiếm lời ».
 
Đành rằng ở Pháp, trong số các loại vang Bourgogne, nhãn hiệu Château Gevrey Chambertin không được ưa chuộng bằng những chai Nuits Saint Georges, hay Pommard thể nhưng Château Gevrey Chambertin đã trở thành một chuẩn mực nhất định trong bảng xếp hạng về rượu vang đối với giới sành điệu từ Tokyo đến New York.  Việc mua lại một đồn điển danh tiếng như Château Gevrey Chambertin cho thấy là các nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu tăng tốc trong chiến lược thâu tóm thị trường vang Pháp.