Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-10-2012 |
Tác Giả: Minh Anh |
Thứ Ba, 30 Tháng 10 Năm 2012 08:23 |
Trung Quốc : Đấu đá nội bộ bùng nổ thành các vụ tai tiếng
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trở thành trung tâm của một vụ tai tiếng mới
Năm 2012 quả là một năm đầy chấn động cho nền chính trị Trung Quốc. Trong khi vụ Bạc Hy Lai vẫn còn chưa đến hồi kết thúc, thì một vụ tai tiếng mới lại xảy ra có liên quan đến thủ tướng Ôn Gia Bảo. Vụ tờ báo Mỹ New York Times cho đăng bài điều tra về tài sản kếch sù của thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khiến cho bầu không khí chính trị tại Trung Quốc thêm căng thẳng hơn bao giờ hết, khi mà chỉ còn có hơn mười ngày nữa là khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18. Chủ đề này được tờ nhật báo cộng sản L’Humanité số ra hôm nay đề cập đến qua bài viết đề tựa: « Tại Trung Quốc, đấu đá nội bộ bùng nổ thành các vụ tai tiếng ». L’Humanité cho rằng ngoài việc phải tìm hiểu mục đích đăng bài của nhật báo Mỹ, thì câu hỏi đặt ra là : ai ngay trong lòng ban lãnh đạo Trung Quốc được lợi khi cho tiết lộ các thông tin đó ? Chưa bao giờ bầu không khí chính trị tại Trung Quốc lại căng thẳng đến như thế. Theo một số nhà quan sát, việc tiết lộ các thông tin về tài sản gia đình ông Ôn Gia Bảo, người luôn được xem là nhà cải cách, có thể đến từ những người ủng hộ ông Bạc Hy Lai. Tờ báo cho rằng phe ủng hộ ông cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh đã không mặn mà với các tuyên bố của ông Ôn Gia Bảo. Theo đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải tiến hành cải cách toàn diện, không những về mặt kinh tế mà ngay cả trên phương diện chính trị. Một mặt, vụ tai tiếng về lối sống xa hoa lần này không những ảnh hưởng đến uy tín của người đứng đầu nhà nước, ông Hồ Cẩm Đào mà còn tác động đến vị chủ tịch nước tương lai Tập Cận Bình. Mặt khác, sự việc còn cho thấy rõ một bầu không khí căng thẳng đang bao trùm lên Bắc Kinh xung quanh việc bổ nhiệm các thành viên mới trong ban lãnh đạo. New York Times cho đăng bài viết đúng vào lúc xã hội Trung Quốc đang có những bất ổn. Cách biệt thu nhập giữa kẻ giàu, tầng lớp trung lưu và những người sống lay lắt trong đói nghèo ngày càng lớn đang tạo ra những mối căng thẳng xã hội nghiêm trọng. « Người cha già Ôn Gia Bảo » làm suy yếu đảng Cộng sản Trung Quốc Đồng quan điểm với L’Humanité, báo Le Monde, trong bài xã luận đề tựa « Người cha già Ôn Gia Bảo làm suy yếu đảng Cộng sản Trung Quốc », cũng nhận định rằng, các cuộc tranh giành quyền lực ngay trong lòng đảng Cộng sản Trung Quốc, không những thể hiện rõ qua vụ án Bạc Hy Lai, mà còn cho thấy các vụ đấu đá để bảo vệ các lợi ích của những gia đình khác nhau trong giới cầm quyền. Đối với đại đa số người dân Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo được ví như là người « cha già đáng kính». Ông đã chiếm được cảm tình của người dân vì những mối bận tâm mà ông luôn dành cho những người nghèo khổ nhất. Kể từ khi lên cầm quyền cách đây mười năm, không một cái Tết nguyên đán nào hay một thảm họa thiên nhiên nào xảy ra mà không có sự có mặt của ông để động viên những người công nhân di cư hay để an ủi các nạn nhân trong vụ các thảm họa thiên nhiên. Giản dị, gần gũi là những gì người dân ghi nhận được từ vị thủ tướng. Ông Ôn Gia Bảo còn nổi bật với các bài diễn văn kêu gọi chống tham nhũng. Vào năm 2007, ông từng kêu gọi các nhà lãnh đạo cao cấp không nên để các thành viên trong gia đình, bạn bè và người thân của mình lợi dụng ảnh hưởng chính trị để trục lợi. Thế nhưng, bài điều tra do New York Times đăng tải đã giáng vào ông một đòn chí mạng. Theo Le Monde, bài điều tra đó đã xác nhận những gì mà nhiều người nghi ngờ : gia đình thủ tướng đã lợi dụng vị thế của « cha già » để làm giàu. Tác động của vụ việc thật tàn khốc khi chỉ còn có mười ngày nữa là khai mạc đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 18. Sự việc cho thấy rõ con cái của giới « quý tộc đỏ » đang nắm giữ khối kinh tế của đất nước. Và chính sách gia đình trị đang làm suy yếu dần đảng Cộng sản Trung Quốc, hiện phải đối mặt với làn sóng bất bình ngày càng dâng cao và phải tìm cách giảm sự bất công ngày càng rõ nét trong lòng xã hội Trung Hoa. Nếu như vụ án Bạc Hy Lai cho thấy có sự đấu đá trong nội bộ, thông tin tiết lộ trên nhật báo Mỹ cũng giải thích rõ các cuộc chiến đang xảy ra trong lòng nội bộ Đảng Cộng sản Trung Qu ốc chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của nhiều gia đình quyền lực khác nhau. Cuối cùng, bài xã luận nhắc lại lời kết luận của Tưởng Giới Thạch, trước khi bị Mao Trạch Đông đánh bại, về thế khó xử mà giới chính khách Trung Quốc luôn phải đối mặt. Ông nói : Chống tham nhũng thì mất đảng ; nhưng không chống thì mất nước ». Thủ tướng Trung Quốc phản ứng bài điều tra về tài sản của ông Cũng theo báo Le Monde, thì Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã lên tiếng phản ứng, phủ nhận mọi lời cáo buộc của tờ New York Times, cho rằng các thành viên trong gia đình ông sở hữu nhiều tài sản với tổng trị giá lên đến 2,7 tỷ đô-la. Le Monde còn cho biết là chính quyền Bắc Kinh trước đó đã cố can ngăn việc đăng nhưng không thành. Hai ngày sau khi nhật báo Mỹ đăng bài điều tra về tài sản kếch sù của thủ tướng Trung Quốc, hôm thứ bảy 27/10/1012 vừa qua, thủ tướng đã có những phản ứng đầu tiên, thông qua hai vị luật sư của mình. Theo nội dung bản thông cáo, hai vị luật sư tại Bắc Kinh đã phủ nhận hoàn toàn mọi lời cáo buộc cho là mẹ ông Ôn Gia Bảo đang nắm giữ trong tay số cổ phiếu lớn trị giá khoảng 120 triệu đô-la và phủ nhận vai trò của thủ tướng trong các hoạt động kinh doanh của các thành viên trong gia đình. Cả hai vị luật sư tuyên bố sẽ tiếp tục làm sáng tỏ những lời cáo buộc dối trá đó và có thể sẽ kiện tờ báo ra công lý. Theo Le Monde, những thông tin tiết lộ trên đã bị kiểm duyệt chặt chẽ tại Trung Quốc. Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội trong nước, các cư dân mạng vẫn tiếp tục bình phẩm và nhắc lại tại Trung Quốc, ai cũng biết chuyện bà thủ tướng phu nhân và con trai của ông đang nắm trong tay những ngành kinh doanh béo bở. Một bài điều tra gây phiền hà cho thủ tướng, người chiếm được nhiều cảm tình của dân chúng, theo như nhận xét của Le Monde. Tờ New York Times còn tiết lộ rằng chính quyền Bắc Kinh đã cố can ngăn tòa soạn đăng bài viết. Lãnh sự Trung Quốc tại Washington đã đến gặp giám đốc tòa soạn trước khi bài viết được đăng lên. Để biện hộ cho việc đăng bài, và phản đối ý kiến cho là đã bị điều khiển bởi phe chính trị đối lập với Ôn Gia Bảo, David Barboza, thông tín viên tờ báo tại Thượng Hải giải thích rằng ông đã làm việc về chủ đề này từ một năm nay và hàng ngàn trang tài liệu đã được tòa soạn New York Times đặt hàng từ các luật sư chuyên về đăng ký doanh nghiệp. Miến Điện lại xảy ra các vụ tàn sát mới chống người Rohingya Nhìn sang khu vực Đông Nam Á, báo Le Monde cho biết « Tại Miến Điện, lại xảy ra các vụ tàn sát chống người Rohingya ». Tổ chức Nhân quyền Human Rights Watch e ngại rằng các vụ tấn công nhắm vào sắc tộc thiểu số Rohingya có thể sẽ lan rộng thành bạo động tôn giáo chống cả những người theo đạo Hồi, không thuộc sắc tộc Rohingya. Liên Hiệp Quốc cho là có đến 26 ngàn người chạy tỵ nạn. Còn theo chính quyền Naypyidaw thì đã có 88 người thiệt mạng. Tuy nhiên, các tổ chức Nhân quyền nghi ngờ rằng con số chính thức sẽ còn cao hơn. Theo nhận định Human Rights Watch, bạo động sắc tộc giữa cộng đồng theo Phật giáo và cộng đồng thiểu số Rohingya vẫn sẽ tiếp diễn trong vòng luẩn quẩn tấn công – trả đũa do khó có thể xác định trách nhiệm thuộc về bên nào. Nhưng có điều chắc chắn là các vụ tấn công này mang tính chất phân biệt chủng tộc. Tộc người thiểu số Rohingya bị khinh khi, và từ lâu bị đa phần những người Miến Điện xem như là những kẻ « xâm lược » và người « nước ngoài » đến định cư trên mảnh đất của người theo Phật giáo. Một vị quan chức của Human Rights Watch, phụ trách châu Á cho rằng « nếu chính quyền Miến Điện không giải quyết đến tận gốc rễ của vấn đề, sự việc chỉ có thể trở nên thêm tồi tệ ». Bên cạnh đó, các nhà quan sát của Liên Hiệp Quốc tại Miến Điện và một số người tỵ nạn Rohingya còn e ngại rằng « bạo động có nguy cơ lan rộng tại Miến Điện, không chỉ riêng chống lại người Rohingya mà còn chống lại tất cả những ai theo đạo Hồi ». Tổng thống Miến Điện tuyên bố sẽ bố trí thêm quân đội trong khu vực. Tuy nhiên, theo ghi nhận, của báo Le Monde, hồi tháng sáu năm nay, cảnh sát và chính quyền địa phương, đa số theo đạo Phật – chí ít – là đã làm ngơ để cho người dân tỉnh Arakan tấn công những người theo Hồi giáo. Chữa trị Parkinson bằng liệu pháp gien ? Về đề tài sức khỏe, Le Figaro mang đến một tia hy vọng cho những ai mắc phải chứng bệnh Parkinson. Trong bài viết đề tựa « Parkinson : những bệnh nhân được chữa trị bằng liệu pháp gien », tờ báo cho biết các nhà nghiên cứu của Pháp đã thu nhặt được nhiều kết quả khích lệ sau khi thử nghiệm điều trị trên 12 bệnh nhân tại Pháp và 3 tại Anh quốc. Đây chỉ mới là kết quả sơ bộ được công bố ngày hôm qua, thứ hai 29/10/2012, tại Paris, nhân Hội nghị châu Âu về liệu pháp gien và tế bào lần thứ 20, do nhóm nghiên cứu của ông Stéphane Palfi - giáo sư về giải phẫu thần kinh thuộc bệnh viện Henri – Mondor, thành phố Créteil thực hiện. Theo Le Figaro, dù rằng bản báo cáo của giáo sư chỉ trình bày vài nét chính của nghiên cứu, nhưng mở ra nhiều triển vọng mới trong tương lai. Tuy nhiên, giáo sư Stéphane Palfi cũng khẳng định rằng về lâu dài liệu pháp chữa trị này không gây hại nhưng việc phổ biến rộng rãi vẫn chưa thể nào thực hiện được trong vòng 8 đến 10 năm tới. Le Figaro cho biết, tại Pháp hiện nay có khoảng hơn 10 000 người mắc chứng bệnh Parkinson. Đây là một dạng bệnh thoái hóa thần kinh mãn tính có ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Nguyên nhân căn bệnh là do sự suy giảm hình thành và sản xuất tế bào thần kinh dopaminergic của não giữa (hay còn gọi là Niger locus – tạm dịch là chất đen). Hậu quả là người mắc bệnh có các triệu chứng thiểu năng : run rẩy, cứng cơ, cử động khó khăn… Thông thường, bệnh nhân sẽ được chữa trị bằng thuốc L-DOPA, nhằm kích thích sự sản xuất dopamine trong tế bào thần kinh não. Thế nhưng, việc điều trị bằng thuốc L-DOPA cũng có bất lợi lớn là gây ra những cử động bất bình thường, cũng gây khó chịu. Nguyên nhân có lẽ bắt nguồn từ sự kích thích không đồng đều của chất dopamine. Theo nghiên cứu của giáo sư Stéphane Palfi, các nhà khoa học đã thử cấy các gien vào trong não, cho phép duy trì việc tiết chất dopamine liên tục và cục bộ. Nghĩa là về mặt kỹ thuật, sau khi gây tê toàn thân, các bệnh nhân sẽ được tiêm một liều lentivirus có chứa ba bộ gien mã hóa các chất enzyme cần thiết cho hoạt động tiết chất dopamine. Liệu pháp này đã được nhóm nghiên cứu thử nghiệm trên động vật từ năm 2003. Và thử nghiệm đầu tiên trên người được tiến hành vào năm 2008, trên 15 bệnh nhân nhằm đánh giá mức độ chấp nhận của tiến trình.
|