Bao nhiêu người thuê viết - Tấm tắc ngợi khen tài - “Hoa tay thảo những nét - Như phượng múa rồng bay.“
Mỗi năm hoa đào nở Lại thấy ông đồ già Bầy mực tàu giấy đỏ Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết Tấm tắc ngợi khen tài “Hoa tay thảo những nét Như phượng múa rồng bay.“
Nhưng mỗi năm mỗi vắng Người thuê viết nay đâu? Giấy đỏ buồn không thấm; Mực đọng trong nghiên sầu…
Ông đồ vẫn ngồi đây, Qua đường không ai hay, Lá vàng rơi trên giấy; Ngoài trời mưa bụi bay
Năm nay đào lại nở, Không thấy ông đồ xưa Những người muôn năm cũ Hồn ở đâu bây giờ?
Những ngày cận Tết, hầu như “Những người muôn năm cũ” đều nhớ lại bài thơ Ông Đồ của cụ Vũ Đình Liên. Nhắc tới ông đồ người ta lại hình dung đến một ông già choàng trên người chiếc áo the thâm, chiếc quần trúc bâu trắng, đầu chít chiếc khăn đen, chòm râu thưa dài, khơi gợi thời Nho học suy tàn, đang phủ phục trên chiếu hoa viết câu đối thuê, nhưng kể từ thập niên 50 trở đi đã không một ai còn trông thấy ông đồ bầy giấy bút ra viết giữa phố phường, họa hoằn rơi rớt một hai cụ lạc lõng trường thi, ngơ ngác trải bàn ra ngồi viết thuê. Mấy chữ đại tự các cụ dùng bút nhỏ vẽ và tô lại cho đậm, nét sổ, ngang, chấm không còn bay bướm, linh hoạt. Không còn những người hiếu kỳ đứng trầm trồ khen ngợi.
Cũng theo Nhật Thịnh kể lại lúc sinh thời Vũ Đình Liên làm bài Ông Đồ do cám cảnh hình ảnh một ông đồ ngồi viết thuê câu đối ở phố Hàng Bồ – Hà Nội. Phố này chuyên bán hàng xén có đầy đủ các mặt hàng giấy, bút, mực. Ông đồ nghèo không trữ sẵn giấy, chờ khi đông khách đặt hàng mới vào bên trong cửa hiệu mua giấy. Nhạc mẫu và vợ (chưa cưới) của Vũ Đình Liên là người thường bán giấy cho ông đồ và chính nơi đây Vũ Đình Liên thêm phần nữa vì có cảm tình với người con gái chủ tiệm, xúc động sáng tác nên bài thơ Ông Đồ.
Bài thơ Ông Đồ in lần đầu tiên trên tờ Kim Hoa mà ngày nay mỗi năm vào dịp Tết bài thơ ấy lại được nhiều báo nhắc nhở tới và làm rung động nhiều người.
Tình cờ có lần Bùi Xuân Phái ghép bức tranh Ông Ðồ bằng giấy màu tại nhà Trần Văn Lưu. Bức tranh này ông Phái tặng Trần Văn Lưu, Vũ Ðình Liên tới chơi, thấy bức tranh Ông Đồ, cảm xúc liền đề thơ ở dưới. (*)
Tranh ngắm lòng càng rộn ý thơ, Cả hồn quá khứ xót ông đồ. Ba vần thơ đã khơi nguồn nhớ, Mấy mảnh giấy còn chắp cánh mơ.
Thanh sắc chưa phai màu lệ cũ Ảnh hình thẫm đượm mối thương xưa Hồn người nghiên bút nghìn năm trước Khối hận đến giờ đã nhẹ chưa … (Ngắm Tranh – 1974)
Bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên đẹp quá, cảm khái quá tuy có chút chạnh lòng nhưng là bài thơ nổi bật trong rừng thơ cùng với “Nhớ rừng” của Thế Lữ, “Đây thôn Vỹ Dạ” của Hàn Mặc Tử” hay “Tống biệt hành” của Thâm Tâm….Bài thơ Ông Đồ thuộc trong số những thi phẩm mà nhắc tới, dường như người yêu thơ nào cũng biết, cho dù họ có thể quên tên tác giả. Vậy mà sau kỳ Đại hội kỳ 4 của Đảng cộng sản Việt Nam, Vũ Đình Liên đem Ông Đồ ra thêm vào ba đoạn, bốn câu năm chữ, viết tặng cho báo Đoàn Kết số Xuân năm 1977 ở Paris:
Năm nay đào nở rộ Mừng Hội Đảng Hội Dân Bút ông đồ lại họa Những nét chữ đẹp, thân
Nghiên bút xưa vẫn đợi Từ ngàn năm bài thơ Từ ngàn năm câu đối Đảng sáng tác bây giờ
Nghệ sĩ với ông đồ Tình nước non vô tận Như Đảng với Bác Hồ Hương đất trời cộng sản
Bùi Bảo Trúc mai mỉa: “Và do đó, đúng 40 năm sau, ông đồ đã chết, lại được lôi cổ dậy, một con mèo được leo qua người ông, cái xác ướp vì chưa được các chuyên viên Liên Xô dùng kỹ thuật tẩm ướp, đã biến thành một con quỉ nhập tràng kinh khủng ra mừng Đại hội Đảng lần thứ 4. Nhà thơ vì áo cơm và những tập tem phiếu đã phải thêm những câu thơ ngớ ngẩn, cho Đảng biết làm thơ, làm câu đối và nghiên bút đợi cả ngàn năm nay mới có dịp viết xuống. Ông đồ quỉ nhập tràng không còn thảo được những chữ như “phượng múa rồng bay“ nữa. Ông là ông đồ giả hiệu không biết viết, ông chỉ biết “vẽ“ chữ, một hình thức thất học nhất mà chỉ những kẻ không biết viết chữ Hán mới làm: “Bút ông đồ lại họa – Những nét chữ đẹp, thân” Rõ là bậy!”
Đúng là Vũ Đình Liên đã xổ tuẹt vào bài thơ của mình. Nhưng dù sao thì đây chỉ là một loại “Sùng bái lãnh tụ” của dân chúng ở các chế độ độc tài mà vũ khí bảo vệ sự tồn tại của nó là chính sách ngu dân đến tận cùng, cộng với sự dối trá và đàn áp bạo lực, nhấn chìm xã hội trong sự sợ hãi triền miên.
Suy nghĩ lan man, tôi lại chợt nghĩ đến bài viết của Lê Diễn Đức “Đàn Cá Trong Ao Bác Hồ Và Những Con Chó Của Pavlov” tôi đã đọc nhiều lần, nhưng đọc lại vẫn còn thấy ngậm ngùi: “… .Cả xã hội miền Bắc, mỗi một con người được nhào nặn, rèn luyện, nhồi nhét tư tưởng vào trí não, để không còn là mình nữa, chỉ biết suy nghĩ và hành động theo những lời dạy dỗ của Đảng và Bác, đi theo con đường mà Bác và Đảng vạch ra, như con rối, như cái máy. Cái bóng Đảng, Bác bao trùm lên đời sống. Bằng quản lý trong tay sổ hộ khẩu, sổ gạo, sổ dầu, phiếu thực phẩm, phiếu vải, học đại học; nay thêm sổ đỏ, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy chủ quyền xe, v.v… – ông Hồ và Đảng từ lúc cầm quyền đến nay đã biến đất nước thành một phòng thực nghiệm vĩ đại của “phản xạ có điều kiện”, biến dân tộc thành một bầy đàn ngoan ngoãn. Hàng chục triệu người Việt đã, đang và tiếp tục trở thành những con cá trong ao hay là những con chó của Pavlov….” (ngưng trích) Ông Vũ Đình Liên hay nhiều ông Vũ Đình Liên cũng chỉ là những con cá trong ao ông Hồ trong Phủ Chủ Tịch không hơn, không kém. Không ngạc nhiên chút nào.
Có đáng kinh ngạc là những hạng người sau đây: “Vậy mà, lạ lùng thay, có những người không sinh ra trong chế độ ấy, đầu đã hai thứ tóc, mà giờ đây bắt đầu muốn yêu Bác Hồ như thế hệ chúng tôi mấy chục năm trước đây! Lạ lùng nữa, vì những người ấy đã tháo thân chạy khỏi chế độ cộng sản và được lớn lên, ăn học, trở thành kỹ sư, giáo sư, tiến sĩ ở các quốc gia dân chủ, tự do.
Lạ lùng hơn, vì những người ấy, được gọi là trí thức, không thể không biết đến tội ác mà chủ nghĩa cộng sản toàn trị đã gây ra cho nhân loại nói chung và đối với dân tộc Việt Nam nói riêng trong suốt gần một thế kỷ. Lạ lùng đến kinh ngạc, vì những bi kịch Cải Cách Ruộng đất, Nhân Văn Giai Phẩm, vụ Xét Lại Chống Đảng, Thảm sát Tết Mậu Thân Huế 1968, Cải tạo Tư bản, Tư thương miền Nam sau 1975, Chiến dịch bán bãi thu vàng, các vụ án Minh Phụng-Epco, Năm Cam, PMU 18, PCI, Hoàng Sa, Trường Sa, thác Bản Giốc vân vân và vân vân… – chẳng mang đến cho họ một chút ý thức gì về dã tâm khủng khiếp và ghê tởm của lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam….”** (ngưng trích) Để kết thúc bài viết này, tôi đưa thêm chuyện thật cuối đời của ông Chế Lan Viên, thi sĩ Cộng Sản quyền uy đầy mình. Theo như Trần Mạnh Hảo bài viết gần đây nhất trên Quê Choa và Khổng Đức trên blog Nguyễn Trọng Tạo: “… .Còn nhớ vào năm 1988 trong những ngày anh lâm bệnh nặng, trong dịp tổ chức đêm thơ, chúng tôi đến nhà anh kiếm ít bài thơ mới nhất chưa hề đăng báo hay xuất bản thành sách, chị Vũ Thị Thường có đưa một quyển sổ tay khá dày để tìm ít bài hay in vào cái “dépliant” làm thiệp mời cho trang trọng. Lúc bấy giờ anh đã khi tĩnh khi mê, nhưng khi nhìn chúng tôi dở sổ tay anh ra xem (những ghi chép và những bài thơ được viết ra trong những năm cuối đời trong sổ cầm tay giấu kỷ) anh tỏ ý – xuyên qua tiếng nói thì thào: “Là chớ nên đưa ra…!?”
Sau khi Chế Lan Viên mất, ba tập thơ Di Cảo khổng lồ của ông được nhà văn Vũ Thị Thường (là vợ) công bố, trưng ra một Chế Lan Viên khác, một Chế Lan Viên dùng thơ để phản biện chính trị, để nói toẹt ra rằng ông đã bị lừa (bài “Bánh Vẽ”), ông đã có tội với nhân dân (bài “Trừ Đi” – các ông Cộng vào thì Chế ta Trừ đi), ông đã đi nhầm đường…
Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn Cầm lên nhấm nháp Chả là nếu anh từ chối Chúng sẽ bảo anh phá rối Đêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc… Thế thì còn dịp đâu nhai thứ thiệt? Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn Như không có gì xảy ra hết Và những người khác thấy anh ngồi Họ cũng ngồi thôi Nhai nhồm nhoàm (Chế Lan Viên – Bánh Vẽ)
Ôi “Cái Bánh Vẽ Cộng Sản Việt Nam” ai cũng thấy, ai cũng sợ, chỉ muốn tháo chạy, trốn thoát thế mà tại hải ngoại có một nhúm đang ”Làm người”, không biết vì cái gì lại chịu đánh đổi chui đầu về cho họ “Gia súc hoá” mình? Ngay trong “Thông điệp thư ngỏ gửi Chủ tịch nước” đăng trên BBC ngày 31 tháng 12, 2011, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một trí thức đảm nhận nhiều chức vụ và hiện sống tại Việt Nam chua chát xác nhận: “Chứ còn hiện nay, chúng tôi bị đối xử hơn những con bò”!!! . thụyvi (Hầm Nắng, Khai Bút Đầu Năm 2012) • Quý vị nào chưa kịp đọc bài “Đàn Cá Trong Ao Bác Hồ Và Những Con Chó Của Pavlov” của Lê Diễn Đức. Mời đọc:http://nguoivietboston.com/%20http:/quocgiahungvong.com/page7#CaPavlov • * Nhật Thịnh • ** Lê Diễn Đức • Tranh của Bùi Xuân Phái (lấy từ Google)
|