Home Đời Sống Xuân Tân Mão 2011 Chuyện vỉa hè: Tết có vui?

Chuyện vỉa hè: Tết có vui? PDF Print E-mail
Tác Giả: Tạ Phong Tần   
Thứ Ba, 08 Tháng 2 Năm 2011 09:04

Thử google câu “vui như Tết” tức thì cho ra kết quả 510,000 liền

Không biết bắt đầu từ đâu và từ bao giờ mà “báo ta” bỗng nhiên sính dùng câu sáo ngữ “Vui như Tết” trong mọi nơi, mọi lúc, mọi tình huống, mọi ngữ cảnh... những khi muốn diễn tả tâm trạng, trạng thái vui quá xá là vui, vui tột cùng mà không biết dùng cách nào để mô tả thì “báo ta” lại quết vào câu “vui như Tết”.

 
Các diễn viên trình diễn trên đường phố Hà Nội ngày 7 tháng 2, 2011 đánh dấu kỷ niệm quân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Vua Quang Trung đã chiến thắng quân Thanh xâm lược ở Gò Ðống Ða ngày mùng 5 Tết cách đây 221 năm. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Thử google câu “vui như Tết” tức thì cho ra kết quả 510,000 liền, mà nguồn gốc chủ yếu là trong các bài viết của “báo ta”, kế tiếp là các trang web khác đăng lại bài của “báo ta” (trong bài có câu ấy).

Ðiểm lại vài bài báo thời gian gần đây sẽ thấy: “Dòng họ nhà Công Vinh, Hồng Sơn ‘vui như Tết’” (Gia đình & Xã hội, 31/12/2008), “ÐT nữ Việt Nam: Tập luyện ‘vui như Tết’” (Thể thao & Văn hóa, 03/12/2009), “U23 Việt Nam ‘vui như Tết’ sau trận thắng người Mã” (Ðất Việt, 08/12/2009), “Ðể vui như Tết...” (Ðại Biểu Nhân Dân, 21/01/2009), “Ðám cưới vui như Tết của diễn viên Hải Anh” (2sao, 25/2/2010), v.v.

Nghe câu “vui như Tết” có thể hiểu rằng Tết là đồng nghĩa với vui, Tết là phải vui, vui hạng nhất trong các thứ thú vui là Tết, và Tết thì không bao giờ buồn.

Không biết người khác thế nào, chớ tôi rất “dị ứng” và khó chịu mỗi khi đọc báo mà vấp phải mấy chữ “vui như Tết” của “báo ta”, cứ như đang ăn ngon bỗng nhai đánh cốp phải cục sạn bự bằng hột đậu xanh làm ê điếng cả hai hàm răng.

Tết hẳn sẽ vui với những kẻ thừa mứa nhiều tiền, nên Tết cũng là dịp để phô trương, “Chí cha chí chét khua giày dép/Ðen thủi đen thui cũng lượt là” (Tú Xương). Nhưng Tết sẽ không thể nào vui với ông đồ nho “ngồi suốt buổi chợ mà không bán được tí gì” (Ông đồ nho của Thạch Lam, Phong Hóa 1936). Tết cũng không vui đối với hai cô gái nhà săm Liên và Huệ (Tối Ba Mươi, Thạch Lam), cô đầu Cúc Nương (Tết Ăn Mày, Vũ Trọng Phụng)... Ðó là Tết của thời các cụ ngày xưa ở Hà Nội.

Tết hồi xưa, như lời kể của người lớn thì đầu Tháng Chạp, nhà nào cũng chuẩn bị tích trữ đậu xanh, nếp dẻo tốt để gói bánh tét, dự trữ các loại trái cây như dừa, chuối, mận, cà chua, khóm, mãng cầu, vỏ quít, vỏ bưởi... và đường để làm mứt. Kho một nồi thịt đùi heo với trứng vịt theo kiểu Tàu thiệt bự, làm dưa chua củ cải, củ kiệu để ăn trong mấy ngày Tết khỏi phải đi chợ.

 Cha tôi nói nhà nào cũng có ít nhất là một khạp đường mía màu vàng sẫm ở góc bếp. Người ta cũng thi nhau quét dọn nhà cửa, lau chùi sạch sẽ, có nhà sơn lại cửa, quét lại vôi tường nhà rồi mua tranh, câu đối về treo hai bên bàn thờ gia tiên.

Tết cũng là dịp con nít được cho mặc quần áo mới, được sắm thêm giày dép mới, và được cho tiền lì xì ăn hàng rong vặt. Ðêm 30, nhà nào cũng nổi lửa ngồi canh nồi bánh tét thiệt bự ngoài sân. Tất nhiên, lúc đó ở nông thôn nhà nào cũng có cái sân đất rộng trước nhà. Trước khi gói bánh, người ta đã đào đất sét bỏ lên sân trộn với rơm, vỏ trấu rồi đắp cái lò bự vừa với cái nồi luộc bánh.

Ðó là chuyện ngày xưa. Khi tôi lớn lên, bắt đầu nhận biết cuộc sống xung quanh mình thì tôi chỉ thấy cha tôi đắp những cái lò nhỏ bằng đất sét trộn rơm trấu để làm lò nấu cơm trong nhà, kiểu lò đất trẹt trẹt không có vỉ này dân quê kêu bằng cái cà ràng. Hổng biết tại sao kêu là cà ràng nữa, có lẽ lai Miên. Tôi cũng không thấy nhà tôi luộc bánh tét bao giờ, chắc tại hổng có tiền mua nếp, mua thịt heo, đậu xanh, củi nấu.

Nói đến củi, tôi lại nhớ đến thời gian mới mười mấy tuổi, ngoài giờ đi học ở trường tôi có nhiệm vụ đi xếp hàng mua dầu lửa, nước mắm, xà bông, gạo, củi... phân phối theo tem phiếu.

Tôi nhớ tháng nào cũng đi xếp hàng, mỗi nhà mua được nửa si-te củi. Ban đầu, tôi không biết si-te là cái giống gì, ở trường đâu có dạy đơn vị đo lường nào là si-te đâu. Sau này, hỏi tới hỏi lui mấy cô mậu dịch viên, mới phát hiện hóa ra si-te là mét khối trời ạ. Tại các “quan ta” sính tiếng Nga, thời đó nói cái gì cũng chêm tiếng Nga vô cho nó ra vẻ “trí thức”. Tỷ như: Biểu tình không nói biểu tình, mà nói mít-tinh. Cái quán nội bộ (trong trường học, cơ quan) không nói là cái quán, mà kêu là căn-tin, giảng bài đạo đức thì không nói giảng bài, kêu là giảng mô-ran, v.v. Thiệt kinh khủng.

Có nửa mét khối củi đước một tháng, mà khi đo người ta chất củi quẹo qua quẹo lại đầy những lỗ hổng, tháng nào nấu cơm cũng thiếu củi, phải đi lượm củi vụn trôi dưới sông thêm, thì lấy đâu ra củi nấu bánh tét suốt đêm.

Còn quần áo thì mới là vui. Hợp tác xã bán vải giống y như nhau. Ðàn ông vải màu xanh thợ, đàn bà vải ú đen, con nít vải trắng in bông, mà bông cũng giống nhau y chang nữa chớ, ra đường thấy người nào cũng giống y như nhau. Vải bán lại cận Tết quá, cả xóm ráp nhau đi may đồ một lượt, tất nhiên là thợ may ở xóm may không kịp, bèn ưu tiên may trước cho gia đình, bà con giòng họ mình, những khách hàng khác thì “hãy đợi đấy”.

 Thường thì mẹ tôi may đồ cho chúng tôi bằng tay (không có máy), lại không phải thợ may chuyên nghiệp, thành thử vừa chậm vừa xấu xí. Hậu quả là chúng tôi Tết thường phải mặc đồ cũ, qua Tết mới có đồ mới mặc. Con nít ham Tết vì có quần áo mới, có bánh mứt ăn, có tiền lì xì... mà giờ hông có thì còn vui nỗi gì nữa.

Xuân Tân Mão ở Sài Gòn năm nay, ở các chợ bình dân lẫn chợ hoa ban quản lý đã thông báo sẽ ngưng buôn bán để thu dọn vệ sinh vào lúc 12 giờ trưa ngày 30 (Âm lịch). 12 giờ trưa, những giỏ hoa cúc vàng rực, hoa mồng gà đỏ ối, hoa đồng tiền đủ màu... giá bán từ 30 ngàn đồng/giỏ tuột xuống còn 5 ngàn đồng/giỏ nhưng vẫn còn ê hề khắp chợ.

Những cây tắc đầy trái tròn xoe vàng rực đung đưa trong nắng, nhánh cây quấn dây kẽm uốn éo cầu kỳ, chủ hàng kêu giá bán 250 ngàn đồng/cây cao hơn 1 mét, mà riêng cái chậu đựng cây giá bán ngày thường đã đến 100 đồng rồi.

“Giờ G” đã qua mà bạn hàng chợ Trương Minh Giảng, chợ Hoàng Hoa Thám, chợ Tân Ðịnh vẫn “yên vị” bày hàng buôn bán. Ban quản lý chợ cũng đành để họ bán hàng đến 7-8 giờ tối vì chính họ cũng biết rằng mấy ngày giáp Tết chợ buôn bán “ế chảy nước”. Họ cũng mong bạn hàng buôn bán được thì họ mới có “chút cháo” về ăn Tết. Người trong chợ “trưng bày” cho khách xem những khuôn mặt ỉu xìu, những ánh mắt buồn bã, cùng với lời than thở giống nhau: “Tết năm ngoái bán được 10 phần, năm nay chỉ còn 3”.

Cô chủ quán cà phê hàng xóm, mỗi năm ngày mùng 1 Tết cô đãi “khách ruột” mỗi người 1 ly “quen” (tùy khẩu vị khách vẫn uống mỗi ngày) không lấy tiền, gọi là “lì xì”. Năm nay, cô “xin phép” được lấy tiền, mà còn lên giá thêm 1 ngàn đồng/ly nữa chớ, vì “Năm nay em buôn bán ‘bèo’ quá cỡ”.

 Cô chủ quán cà phê này còn “đạo đức” hơn mấy chủ xe mì gõ. Tô mì gõ nước lõng bõng, có 1 vắt mì (ăn liền) với mấy miếng thịt và gan heo luộc, miếng nào miếng nấy bằng hai ngón tay và cắt mỏng như tờ giấy quyến, ngày thường giá 5 ngàn đồng/tô, từ ngày mùng 1 đến mùng 5 họ chém đến 20 ngàn đồng/tô.

 Duy nhất giá cước xe taxi và xăng dầu là không lên giá.

Ngày Tết, đường phố rộng thênh thang, tiết trời hơi se lạnh làm cho người Sài Gòn tạm quên đi những lúc nắng cháy da, nước ngập, khói bụi đến nghẹt thở, chen lấn giành đường và nỗi khổ lô cốt quanh năm. Rồi lại cảm thấy kém vui khi nghĩ đến chỉ vài ngày nữa thôi, lô cốt lại “mọc ra” đầy đường và cái sự “thiếu điện năm nay nhiều hơn năm ngoái” mà kinh hãi.