Nợ tiền học, phải hoãn lập gia đình, chậm có con |
Tác Giả: Lê Tâm (theo Wall Street Journal) | |||
Thứ Năm, 03 Tháng 5 Năm 2012 15:46 | |||
Nợ tiền học đang có ảnh hưởng lớn đến đời sống nhiều người ở Mỹ Lo lắng về món tiền phải trả hàng tháng, lắm khi lên tới cả ngàn dollars, đang là nỗi ám ảnh và sự kềm kẹp đối với các cựu sinh viên đã tốt nghiệp, ở đủ mọi giai tầng trong lực lượng lao động. Thư viện Parish Library đại học Purdue University. Nợ tiền học đại học lên cao, khiến nhiều người phải hoãn lập gia đình, chậm có con. (Hình: Purdue University photo/Mark Simons)
Từ năm 18 tuổi đến năm 22, cô Jodi Romine mượn tổng cộng $74,000 nợ tiền học để giúp chi trả cho chương trình cử nhân ngành quản trị kinh doanh tại đại học Kent State University tại Ohio. Nhưng điều cô từng nghĩ là một sự đầu tư hiệu quả, nay sẽ làm trì trệ sự nghiệp, việc lập gia đình và ảnh hưởng tới quyết định có con của cô. Số tiền $900 phải trả nợ học hàng tháng nay chiếm hết 60% tiền lương của cô, với công việc làm thâu ngân viên tại ngân hàng ở thành phố Beaufort, tiểu bang South Carolina, công việc tốt nhất mà cô có được sau khi tốt nghiệp năm 2008. Vị hôn phu của cô, anh Dean Hawkins, 31 tuổi, cũng phải chi khoảng 40% tiền lương để trả nợ học. Mỗi người phải làm hơn 60 tiếng một tuần. Anh Dean dạy học và làm huấn luyện viên đội baseball cùng football của trường. Anh cũng học lấy bằng cao học và cuối tuần làm nhân viên phục vụ trong một nhà hàng. Cô Jodi, năm nay 26, cũng có công việc thứ nhì là làm nhân viên phục vụ nhà hàng. Cô đều đặn trả đủ, đúng hạn, các nợ tiền học của mình. Nhưng họ không dám nghĩ đến việc mua nhà, về thăm gia đình ở Ohio thường xuyên hơn, hay có các cuộc đi chơi tuy thích thú nhưng cũng tốn kém. Các dự tính làm đám cưới hay có con nay đều phải tạm gác sang một bên, theo cô Jodi. “Tôi phải tìm cách ổn định tài chánh của mình,” cô nói. Tổng số tiền nợ học ở Mỹ đã vượt quá $1 ngàn tỉ hồi năm ngoái, theo Cơ Quan Bảo Vệ Tài Chánh Người Tiêu Dùng (CFPB) của chính phủ Mỹ. Số tiền này tiếp tục tăng lên vì các sinh viên đang đi học phải mượn thêm tiền và các sinh viên từng đi học không trả nổi nợ. Theo một ước tính của Investor Services thuộc công ty Moody's thì số người mượn nợ tiền học từ các công ty tư nhân đang xù nợ hay không trả nợ đúng hạn nhiều gấp đôi so với mức độ trước khi có suy thoái kinh tế. Phần lớn các sinh viên không được nhà trường chỉ dẫn cặn kẽ khi chọn các chương trình vay nợ hay tính toán mức tiền phải trả sau này. Phần lớn các dịch vụ tư vấn mượn nợ chính phủ chỉ được thực hiện trên mạng và nhiều sinh viên cũng không chú ý đọc kỹ các giấy tờ mà công ty cho vay đưa họ ký. Nhiều sinh viên khi ký giấy mượn tiền học “rất mù mờ và không hiểu rõ về tầm mức quan trọng của sự việc,” theo lời Deanne Loonin, một luật sư của trung tâm tư vấn luật National Consumer Law Center ở Boston và cũng là người đứng đầu chương trình trợ giúp nợ học Student Loan Borrower Assistance Project. Có hơn một nửa số sinh viên đã không chịu mượn hết số tiền tối đa mà họ có thể mượn của chính phủ trước khi xoay sang các công ty tư nhân, theo kết quả nghiên cứu của tổ chức thiện nguyện Project on Student Debt. Năm 2006, đại học Barnard College khởi sự chương trình tư vấn từng cá nhân sinh viên về việc mượn nợ học. Và sang năm sau đó, con số sinh viên mượn nợ từ các công ty tư nhân giảm 74%, theo Nanette DiLauro, giám đốc đặc trách trợ giúp tài chánh sinh viên. Năm 2007, đại học Mount Holyoke College đưa ra một chương chình tương tự, và khoảng 50% sinh viên được tư vấn đã thay đổi chương trình vay mượn của họ, theo Gail W. Holt, một giới chức dịch vụ tài chánh của trường. Ðại học San Diego State University ở California bắt đầu tư vấn và theo dõi tình trạng sinh viên mượn nợ từ năm 2010 và thấy rằng số sinh viên mượn nợ tư có giảm xuống. Ðây là điều sẽ có ảnh hưởng cả đời cho nhiều người. Kết quả một cuộc thăm dò do hiệp hội các luật sư chuyên về khánh tận thực hiện được công bố gần đây cho hay thành viên của họ thấy có sự gia tăng lớn lao trong số người phải hoãn việc lập gia đình hay có chi dùng lớn lao vì nợ tiền học. Nhìn lại, cô Jodi Romine ước gì cô chỉ mượn số tiền “tối thiểu, thật cần thiết” cho việc học. Cô nói đã giúp chi trả tiền học phí bằng cách đi làm bán thời gian trong nhà hàng. Nay cô ước gì mình đã chịu khó đi làm nhiều hơn nữa. Nếu có cơ hội đi lại từ đầu, “Tôi sẽ không, không bao giờ mượn nợ từ các công ty tư nhân,” cô cho hay. Cô Jodi nay hy vọng sẽ tháo được gông cùm nợ nần bằng cách thăng tiến trong việc làm. Nhưng Michael Matthews, một luật sư chuyên về khánh tận ở Beaufort, tiểu bang South Carolina, cho hay cô sẽ còn phải chịu đựng hoàn cảnh này trong nhiều năm nữa. Các món nợ tư nhân thường không bị các giới hạn về phân lời, và cũng không phải đưa ra các giải pháp trả nợ uyển chuyển theo khả năng của con nợ. Trong khi đó, các món nợ chính phủ thường có mức lời nhất định và các giải pháp trả nợ thuận lợi cho người vay, như trả theo khả năng lợi tức hay hoãn trả nợ vì hoàn cảnh khó khăn. Nhưng cả nợ tư và nợ chính phủ về tiền học đều thiếu những “bảo vệ căn bản nhất so với các loại nợ khác,” theo Alan Collinge, người sáng lập tổ chức StudentLoanJustice.org, một nhóm tranh đấu cho quyền lợi sinh viên mượn nợ tiền học. Ngay cả việc xin hoãn trả nợ vài tháng để tránh không đi đến việc phải xù nợ cũng tạo thêm tốn kém. Cô Danielle Jokela, ở Chicago, có bằng đại học hai năm và đi làm một thời gian để dành dụm tiền trước khi quyết định ghi danh học, ở tuổi 25, tại một đại học tư vùng Chicago, về ngành trang trí nội thất. Các nhân viên trường đại học này giúp cô điền đơn, mượn nợ chính phủ và tư nhân lên đến $79,000. Ðến khi cô ra trường năm 2008, số nợ kể cả tiền lời và lệ phí lên tới hơn $100,000. Cô không kiếm ra việc trang trí nội thất và hai lần phải xin chủ nợ cho hoãn trả nợ trong vài tháng. Sau khi cộng tiền lời và tiền phạt, cô vẫn còn nợ $98,000 dù rằng đã đều đặn trả hàng tháng trong phần lớn thời gian qua. Cho đến khi trả dứt nợ, khoảng 25 năm nữa, số tiền tổng cộng cô phải trả là $211,000. Cô và ông chồng nay phải tính đến việc bán căn condo của họ và đi thuê để có thể tiết kiệm khoảng $600 một tháng. Cô Jokela nay phải từ bỏ ước mơ học lấy bằng MBA, mở công ty trang trí nội thất của mình, hay có con. “Làm sao tôi có thể nghĩ đến việc có con khi mà chính tôi phải vất vả lắm mới nuôi nổi mình?” Cô cho hay.
|