Học ngành business? Cần xét lại |
Tác Giả: Lê Tâm (theo WSJ) | |||
Thứ Bảy, 05 Tháng 5 Năm 2012 15:33 | |||
Hiện nay cứ năm người tốt nghiệp cử nhân ở Mỹ thì có hơn một người ra trường trong ngành business - thương mại. Thế nhưng nhiều người cho rằng ngành học này nay đã giảm giá trị, có thể không đáng để nhiều người theo đuổi như vậy. Hiện có hơn 20% sinh viên cử nhân ở Mỹ đang theo đuổi ngành thương mại, gần như gấp đôi con số theo các ngành nhiều người học khác như khoa học xã hội. Ðiều đáng nói là tỷ lệ như vậy đã duy trì đều đặn từ 30 năm nay, nhưng lúc này các giáo sư giảng dạy, các giới chức điều hành nhà trường, và ngay cả giới tuyển mộ của các công ty cũng đang đặt vấn đề về giá trị của văn bằng thương mại cấp cử nhân. Ðiều bị nhiều người than phiền nhất là chương trình đào tạo cử nhân thương mại chú trọng quá nhiều về khía cạnh chuyên môn của tài chánh và kế toán mà không phát triển được tinh thần suy luận phán đoán cũng như khả năng giải quyết vấn đề qua các bài luận văn, qua các cuộc tranh luận trong lớp cũng như các phương cách huấn luyện khác thường thấy trong các ngành về khoa học nhân văn. Các công ty Mỹ nay cho hay họ cần những người có tinh thần suy nghĩ uyển chuyển, với các ý tưởng mới và sự hiểu biết rộng rãi nhờ học qua nhiều môn khác. Và trong khi các giới chức tuyển mộ không hoàn toàn bỏ qua các sinh viên ngành thương mại, các công ty trong kỹ nghệ tư vấn, kỹ thuật và ngay cả tài chánh cũng nói rằng họ muốn kiếm những ứng viên có học vấn rộng rãi hơn. William Sullivan, người từng nêu lên vấn đề phải duyệt xét lại cách giáo dục của ngành thương mại bậc cử nhân, nói rằng sự phân biệt giữa ngành thương mại và khoa học nhân văn vô hình trung làm hại sinh viên vì cho họ ý tưởng là ngành thương mại của họ đứng riêng ra đối với các ngành học khác. Và các đại học nay cũng thấy có nhu cầu phải thay đổi. Các trường thương mại tại các đại học như George Washington University, Georgetown University, Santa Clara University và nhiều trường khác, nay đang thay đổi chương trình giảng dạy để đưa sự hiểu biết về lịch sử, cách viết các bản báo cáo, phân tích, cùng là tinh thần đạo đức vào các lớp về tài chánh và tiếp thị. Cùng với hơn 20 trường đại học thương mại khác ở Mỹ và Âu Châu, những trường này hồi tháng qua đã họp tại Ðại Học George Washington để thảo luận phương cách hòa nhập giáo dục khoa học nhân văn vào chương trình thương mại. Những thay đổi này nhiều phần sẽ làm hài lòng giới tuyển mộ của các công ty, vốn đang tìm kiếm những ứng viên từ các ngành học khác với sự hiểu biết hài hòa như Anh văn, kinh tế và kỹ sư. Ngay cả các công ty trong kỹ nghệ tài chánh cũng cho hay các sinh viên này thường có khả năng suy luận vững vàng và phương cách giải quyết các vấn đề gặp phải mà người học ngành thương mại thường thiếu. “Các công ty nay tìm kiếm người có tài năng. Họ không chỉ kiếm những người có sự hiểu biết về một nội dung nào đó,” theo lời Scott Rostan, người sáng lập công ty Training the Street Inc., chuyên cung cấp các lớp huấn luyện dành cho các nhân viên mới được thu nhận. Facebook Inc., một công ty mà nhiều sinh viên mơ ước được nhận vào làm việc, cho hay họ không tuyển mộ dựa trên một ngành học nào nhất định: “Ðây không phải là về những gì bạn đã học hay chưa học tới,” theo lời Kristen Clemmer Meeks, một giới chức tuyển mộ của Facebook. Bà cho biết thêm là tuy một số loại việc đòi hỏi có sự hiểu biết về phân tích, những người được nhận cho công việc này có thể đến từ các ngành như thương mại, kinh tế, toán hay các ngành học khác.
|