Home Biến Cố CG SJ Sách Cuộc Tự Vệ VH Việt tại SJ Chương 6 - Mẫu Người Việt Bất Khuất

Chương 6 - Mẫu Người Việt Bất Khuất PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Kim Vinh   
Thứ Năm, 08 Tháng 10 Năm 2009 13:50

 

            Chúng tôi không ngạc nhiên khi cuộc tự vệ văn hóa của đồng bào Công giáo VN tại San Jose bùng nổ. Cuộc tự vệ ấy là sự nối tiếp dễ hiểu và tự nhiên trong tác phong của người Việt tại xứ người khi danh dự của xứ sở và của dân tộc họ bị tổn thương.

 Có người đã ngạc nhiên khi thấy giáo dân tại San Jose trao vai trò lãnh đạo cuộc chiến đấu tự vệ ấy cho Tiến Sĩ Trần An Bài. Những người ngạc nhiên về điều này giải thích rằng theo họ thì ông Trần An Bài không phải là người có “thành tích tranh đấu” từ trườc tới nay. Họ hiểu từ ngữ thành tích tranh đấu theo nghĩa tham gia các tổ chức chính trị để hò hét giải phóng quê hương, hoặc thành tích xuống đường cùng với đám đông để la hét chống cộng v.v...

 Các tiêu chuẩn lượng định giá trị như thế đã sai lầm ấy chứng tỏ đồng bào Công giáo tại San Jose đã rất khôn ngoan và sàng suốt khi trao lá cờ lãnh đạo vào tay ông Trần An Bài.

 Trước khi lưu vong vào năm 1975, ông trần An Bài là một thẩm phán lương thiện, mẫn cán, hiếu học, và có bề ngoài rất ôn hòa. Lòng yêu nước và ý chí bất khuất của ông chưa có dịp thử thách ở trong nứơc. Nhưng ít ra, đã có một dấu vết chứng tỏ con người đầy tình nhân loại của ông. Đó là tinh thần biểu lộ trong Luận Án Luật Khoa của ông, thuộc ngành hình luật. Tuy đó là một ngành khô khan, nhưng tác giả luận án ấy đã bày tỏ sự quan tâm rất sâu xa và rất tha thiết đến thân phận con người trong một hệ thống xã hội dùng pháp trị. Có may mắn được đọc luận án ấy, chúng tôi đã nghĩ rằng ông Trần An Bài sẽ không còn ôn hòa nữa, nếu một ngày nào đó, ông phải dấn thân tranh đấu cho lý tưởng cao đẹp ông hằng ấp ủ.

 Còn một điều quan trọng khác nữa đã làm cho các quan sát viên thiếu suy nghĩ sâu xa phải bỡ ngỡ khi hay tin ông Trần An Bài dấn thân vào cuộc chiến đấu tự vệ văn hóa tại San Jose. Đó là tinh thần sùng đạo của ông Trần An Bài. Ông là con của một gia đình rất mến mộ đạo, và nếu chỉ căn cứ vào điều này thì ít ai tin rằng ông Bài dám đương đầu với Tòa Giám Mục San Jose. Đây là một cơ hội khác để chứng tỏ rằng giáo dân VN tại San Jose đã chọn đúng ngừơi để trao nhiệm vụ lãnh đạo.

 Bây giờ, khi cuộc chiến đấu cao cả của giáo dân VN tại San Jose đã tới cuối năm thứ hai, ngừơi vô tư tối phải cũng phải kết luận rằng nếu không phải do ông Trần An Bài lãnh đạo thì cuộc chiến đấu ấy đã bị đè bẹp ngay từ đầu. Nhìn vào những phản ứng điên cuồng và rối loạn của phe đàn áp, nhìn vào sự lúng túng của ngay chính Tòa Thánh La Mã, người ta càng hiểu tại sao chúng tôi viết những lời trên đây.

 Điều thứ nhất là tinh thần hy sinh và dấn thân của ông Trần An Bài hiện có đời sống rất ổn định. Nếu chỉ là người cầu an thì ông đã không có lý do nào xác đáng để hy sinh sự ổn định đó. Điều thứ hai là trong những năm ông Bài định cư tại San Jose, có rất nhiều người tỵ nạn VN biết rõ ràng ông ta không có mưu đồ tham vọng chính trị cho cá nhân ông.

 Điều thứ ba là lòng sùng đạo của ông Bài, nhưng là lòng sùng đạo trong sự thông minh và sáng suốt. Giáo dân VN tại San Jose ở gần ông ta càng ngày càng hiểu rõ tinh thần này trong con người của ông.

 Điều thứ tư là sự am hiểu lối sống của người Mỹ, và am hiểu luật chơi trong các trò tranh đấu hoặc chính đáng, hoặc bất lương của dân tộc Mỹ.

 Điều thứ năm là tinh thần trọng pháp của ông Trần An Bài. Là con người được đào tạo trong môi trường pháp luật của VN, ông Bài tiếp tục nghiên cứ về luật pháp của nứơc Mỹ khi ông định cư tại xứ này. Dầu cho người Mỹ có nặng đầu óc kỳ thị đến đâu thì sự kỳ thị ấy cũng bắt buộc phải giảm cường độ khi họ đối thoại với một người thiểu số có căn bản vững chăc, và có kiến thức sâu rộng về luật pháp của chính người Mỹ như ông Bài.

 Điều thứ sáu là đời sống đạo đức của ông Trần An Bài là điều đã quá hiển nhiên, đến nỗi không ai cần nghĩ tới sự phải tìm hiểu đời sống ấy nữa.

 Sau hết, khí giới đáng sợ nhất trong con người của ông Trần An Bài, dứơi cái bề ngoài rất ôn hòa, là sự hãnh diện được làm một người Việt Nam, và cái ý chí bất khuất không để cho ngoại nhân làm nhục hai chữ VIỆT NAM.

 Trên đây mới chỉ là những nét chính về con người của ông Trần An Bài, nhưng bấy nhiêu đã tạm đủ để kết luận rằng trong cuộc chiến đấu tế nhị như cuộc tự vệ văn hóa của đồng bào Công giáo VN tại San Jose, đồng bào đã trao vai trò lãnh đạo thật đùng người để điều khiển cuộc chiến đấu ấy trước sự quan sát của toàn thể thế giới bên ngoài.

 Ông Trần An Bài quả thật đã không phụ lòng yêu mến, tin cậy và kỳ vọng của 4000 giáo dân tại San Jose. Sự chọn lựa khôn ngoan và chính đáng của người Công giáo VN tại San Jose đã mang lại kết quả tốt đẹp trong việc đối nội cũng như đối ngoại của phía Chính Nghĩa.

 Hàng giáo phẩm của Giáo Hội Công giáo Mỹ và Giáo Hội La Mã chắc chắn đã phải thắc mắc nhiều về uy tín của ông Trần An Bài đối với 4000 ngàn giáo dân VN tại San Jose. Do phép lạ nào mà 4000 giáo dân ấy vui vẻ và tỏ ra rất có kỷ luật tự giác để nghe sự hứơng dẫn của ông Trần An Bài, trong khi họ không còn tin cậy và nghe theo sự “lãnh đạo” của tòa giám mục San Jose nữa? Ông Trần An Bài đã cho một lời giải đáp tuy ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa khi ông được một đài truyền hình Mỹ tại San Jose hỏi lý do đưa đến chiến thắng và sức mạnh của phía Chính Nghĩa: “Đó là tình yêu thương nhau trong Tự Do.”

 Về đối ngoại, người ta chỉ cần nhìn tác phong của ông Trần An Bài khi ông trực tiếp đối thoại với cái gọi là tổng quản Terrence Sullivan trên truyền hình, và quan sát phản ứng của ông trước công chúng Mỹ là đủ để có thể kết luận rằng giáo dân VN tại San Jose không thể tìm được một người lãnh đạo nào xuất sắc hơn ông Trần An Bài.

 Từ lúc bùng nổ cuộc chiến đấu tự vệ này cho đến nay, một trong những điều nổi bật hiển nhiên là phe đàn áp vô cùng lúng túng khi tìm cách tấn công ông Trần An Bài trên mặt trận truyền thông. Đọc những lời của bọn chó săn Lê Chiêu Thống viết trên mặt báo, trên truyền đơn hoặc nói ra cho một số thính giả nào đó, chúng tôi chỉ thấy những lập luận vu vơ, lời lẽ mơ hồ, luẩn quẩn, tất cả đều nói lên sự bế tắc hòan toàn của bọn chúng trước một bức tường đã hết sức kiên cố: chúng không thể nào tìm được chỗ sơ hở trong đời sống cá nhân cũng như trong đời sống cộng đồng của ông Trần An Bài để đâm chém, để phun máu hoặc phun nọc độc!

 Ở hậu bán thế kỷ này, khi nói đến danh từ Hiệp Sĩ, có lẽ người ta tin rằng chỉ còn tìm thấy mẫu người ấy trong chuyện Tầu và trong phim tuồng, phim ảnh. Sự hy sinh, sự dấn thân và tinh thần bất khuất của ông Trần An Bài khiến chúng tôi tin rằng thành tích cao quý ấy làm cho ông xứng đáng được phong tặng chức “Hiệp Sĩ” trong tinh thần những Hiệp Sĩ của thời Trung Cổ.

 Đối với quý vị giáo dân Chính Nghĩa, chúng tôi cúi đầu kính phục vì sự lựa chọn người cầm quân tài đức nơi ông Trần An Bài. Từ đây, mỗi khi giáo dân trong thế giới đau khổ và thiệt thòi vì những kẻ đội lốt tu hành áp bức, hành hạ thì họ có thể noi gương sáng súôt và can đảm của những người Công giáo Việt Nam Chính Nghĩa. Ở đây, chúng tôi ngậm ngùi vì chưa thấy Đức Giáo Hòang Phaolô II gửi cho mỗi giáo dân Chính Nghĩa một lá thư cám ơn, vì họ đã giúp Ngài mang ra ánh sáng những kẻ từ lâu nay dám nhân danh Công giáo để làm nhục tôn giáo ấy.

 Đối với hàng giáo phẩm của Công giáo Mỹ, ông Trần An Bài là một nhắc nhở không thể tránh được. Nếu không có sự dấn thân của ông ta trong tinh thần sùng đạo nhưng sáng suốt thì giờ này, bọn thực dân đội lốt tu hành đã ôm nhau nhảy múa, ồn ào khen tặng lẫn nhau rằng chính sách ngu dân của chúng đã hòan toàn thành công với đám “con mồi dễ ăn” (ngôn ngữ của chúng gọi là EASY PREY!) tức là khối người tỵ nạn Việt Nam tại Mỹ.

 Đối với người Việt lưu vong, không phân biệt họ có là người Công giáo hay không, ông Trần An Bài đã làm một cử chỉ rửa mặt chung cho ngừơi Việt tại xứ người khi ông thực hiện đúng tinh thần của một KẺ SĨ VIỆT NAM. Ông ta là một Kẻ Sĩ hiếm có còn laị trong kỷ nguyên khiếp nhược và hưởng thụ hèn hạ này.

Đối với Tòa Thánh La Mã, sự cam đảm, sáng súôt và hy sinh của ông Trần An Bài cũng như cuộc chiến đấu khắc kỷ của dân Việt Chính Nghĩa phải được coi là biến chuyển trọng đại nhất của lịch sử Công Giáo Thế Giới, vì nếu cơ quan lãnh đạo tối cao ấy không mắc bệnh bao che tội lỗi của tay chân thì cơ quan ấy phải cảm tạ Chúa là đã mang đến cho La Mã khối ngưới Công giáo VN vì nhờ thông minh và can đảm nên đã khám phá được những kẻ đang nhân danh Công giáo làm hại uy tín và danh dự của Công giáo.

 Dù cho những người bảo thủ và thiện cận chung quanh Đức Giáo Hoàng có cố tình che đậy sự thật, có cố tình tường trình sai lạc sự thật trong cuộc tự vệ văn hóa ở San Jose thì giờ này, thế giới bên ngoài đã biết có cuộc chiến đấu ấy. Người Công giáo Chính Nghĩa tại San Jose đã thật sự làm lịch sử, thật sự hứơng dẫn ngứơi Công giáo thế giới để họ hiểu rằng bảo vệ đức tin cho Công giáo không bao giờ được hiểu là nhắm mắt, cúi đầu vâng lời một cách cực kỳ ngu xuẩn, trong khi sự việc diễn ra hàng ngày trên trái đất này cho thấy con người dầu ở địa vị nào cũng có thể phạm tội, và rằng ở địa vị cao mà phạm tội thì càng đáng khinh bỉ nhiều hơn nữa.

 Chúng tôi tiếp tục ngạc nhiên và buồn phiền vì chưa thấy Tòa Thánh ban khen cho Tiến Sĩ Trần An Bài. Tòa Thánh đã triệt tiêu thủ đoạn “vạ  tuyệt thông” áp đặt lên đầu ông Trần An Bài. Thế chưa đủ. Thế giới bên ngoài sẽ nghĩ rằng Tòa Thánh La Mã không bao che tội lỗi của tay chân nếu cơ quan ấy ban khen cho ông Trần An Bài, và còn nên gửi cho ông ta lời cảm tạ nồng nhiệt nhất.

Lúc trước tại VN, chúng tôi thật sự nản lòng khi nghe Giáo sư Công giáo Nguyễn Văn Lan nói rằng ngừơi Công giáo nói chung rất “bảo thủ và cầu an”. Nay, chúng tôi cảm thấy tin tưởng và phấn khởi hơn, sau khi chúng tôi được biết cuộc chiến đấu thiêng liêng của giáo dân Việt Chính Nghĩa tại San Jose. Cuộc chiến đấu ấy đã đẩy lui nhận xét bi quan của GS. Nguyễn Văn Lan vào dĩ vãng.

Khi có cả mấy ngàn người nhất trí, thương yêu nhau, bảo vệ lẫn nhau, cùng chung chấp nhận mọi thiệt thòi và hiên ngang cùng nhau đương đầu với mọi thử thách để bảo vệ danh dự cho tên gọi của xứ sở họ, của dân tộc họ thì chỉ có những kẻ ngu dại lắm mới tiếp tục ngoan cố nại ra những thứ như là lề luật thế tục, giáo luật, Đức Tin, Đức Vâng Lời Tối Mặt để bào chữa tội lỗi của một vài kẻ kém đạo đức mà không hiểu tại sao lại leo lên được tới địa vị giáo phẩm của một trong vài tôn giáo lớn nhất của nhân loại.

Trở về  MỤC LỤC   *   Chương 7