Home Biến Cố CG SJ Sách Tiếng Lương Tâm Tiếng Lương Tâm (Phần 2)

Tiếng Lương Tâm (Phần 2) PDF Print E-mail
Tác Giả: Đỗ Văn Hiến   
Thứ Năm, 03 Tháng 12 Năm 2009 23:45

 

11-  NHẬN ĐỊNH VỀ BÀI
“Giáo Dân nghe cuốn băng nhựa Cha Thiệp”


 Lời Tòa Soạn Báo Chính Nghĩa:   Chúng tôi hận hạnh đăng BỨC THƯ NGỎ của ông Đỗ Văn Hiến. Nhân dịp ông Hiến nêu lên một số vấn đề trong thư, chúng tôi xin nói rõ về 2 điểm sau đây:

 1. VỀ BUỔI CẦU NGUYỆN: Chiều ngày 29-9-86 có buổi họp riêng giữa Cha Nguyễn Đức Thiệp và ông Trần An Bài tại Milpitas. Cha Thiệp cho biết: chính Cha đề nghị xin phép tổ chức buổi cầu nguyện lên Toà Giám Mục, trên nguyên tắc đã được chấp thuận. Ông Bài đề nghị chọn ngày 7-10-86 và xin Cha Thiệp liên lạc với Đức Cha ngay đêm đó để xin phép. Sáng ngày 30-9-86 lúc 8giờ45. Cha Thiệp gọi Ông Bài cho biết Đức Cha đã đồng ý. Ngay sau đó, Ông Bài viết thư xác nhận và cho người cầm tay đến trao cho Cha Thiệp. Tối  ngày 30-9-86, Ông Bài mới công bố cho giáo dân biết. Sáng ngày mồng 1 tháng 10 năm 1986, Ông Chủ Tịch Trần Công Thiện đã báo cáo biến cố nầy với Sứ Thần Tòa Thánh. Nhưng chiều ngày mồng 1 tháng 10, 86 Cha Thiệp lại gọi cho Ông Bài lại nói rằng: Đức Cha tạm hoãn buổi cầu nguyện để đạt ra các tiêu chuẩn mới. Do đó, ngày mồng 4 tháng 10, 86 Ông Thiện lại phải báo cáo lại với Sứ Thần. Các tài liệu nầy còn lưu trữ tại Tòa Sọan. Sở dĩ khi trước chúng tôi không được Ông Bài cho công bố vì ông nêu ra một lý lẽ rằng: một khi nguời ta đã xấu hỗ, muốn chạy quanh thì ta không nên cản đường của họ.

 2. Về bản tường trình cuối cùng của Cha Thiệp:

 Mặc dù Tòa Giám Mục đã tuyên bố với ký giả Jack Foley ngày 4-11-86 rằng: “không cần đếm xỉa gì đến nội dung của bản tường trình cuối cùng của Cha Thiệp”. Nhưng mới đây Tòa Giám Mục cho công bố bản tường trình 3 trang để lấy cớ mở đầu cho một cuộc hòa đàm. Qua sự kiện nầy, công luận rút ra các nhận xét sau đây:

 - Về việc làm của Cha Thiệp chẳng có giá trị gì đối với Tòa Giám Mục, chỉ là để tuyên truyền một chiều.
 - Chính sách bất nhất của Tòa Giám Mục.
 - Chuyến đi thủ đô Washington của Phái Đoàn Đại diện giáo dân tại San Jose thật sự rất có ý nghĩa đối với Đức Cha Du Maine.
 - Lúc nào giáo dân cũng chứng tỏ thiện chí để giúp Tòa Giám Mục giải quyết cơn khủng hoảng.
 - Nếu Đức Cha thoả mãn nguyện vọng của giáo dân, ngọn lửa đấu tranh sẽ tắt. Nếu Tòa Giám Mục tìm mưu lược để dập tắt ngọn lửa này, thì chắc . . . còn lâu lắm!

Kính gửi: Cha Nguyễn Đức Thiệp
P.O. Box 836
Carthage, Missouri 64836
Ngày 24/11/86

Thưa Cha,

1. Trước đây một tháng, sau khi đọc bài “Giáo dân nghe cuốn băng nhựa Cha Thiệp” đăng trong TÍN HỮU số 3 ngày 25-10-86, con đã định viết thư gửi đến Cha. Nhưng con ngừng lại vì con muốn chờ xem Cha có lên tiếng gì không. Đến nay vẫn thấy Cha im tiếng nên con mới viết và gửi thư nầy đến Cha.

 Hai tháng trước đây, khi được tin Đức Khâm Sứ, do sự yêu cầu của ĐGM Du Maine, bổ nhiệm Cha về San Jose để làm công việc hoà giải, tìm phương thế chấm dứt tình hình bất an ở đây. Tất cả giáo dân đều hồ hởi vui mừng, đặt rất nhiều hy vọng vào tài ba, đạo đức và sự khôn ngoan của Cha. Sau cả tháng trời vất vả làm việc ngày đêm cho sứ mạng cao cả, Cha đã rời San Jose. Chúng con đang trông chờ kết quả công lao của Cha, thì ngày 25-10-86 trong TÍN HỮU số 3, phe Linh Mục Dương cho đăng bài : “Giáo dân nghe cuốn băng nhựa Cha Thiệp.” Con rất sửng sốt. Con không tin được mắt con đang đọc những dòng chữ đó. Nhưng rồi con bình tĩnh lại và sau vài phút suy luận, con không còn thấy ngạc nhiên nữa. Con nghĩ là Cha đã bị lừa, vì đã quá tin những kẻ không đáng tin và quá dễ dãi nói những điều không đáng nói với những kẻ không đáng nghe. Cha đừng vội trách con ăn nói bậy bạ. Con xin trình bày sau đây để Cha biết tại sao con nói như vậy:

2. Trước hết con xin phép đặt câu hỏi:

 a. Những người trong phe Cha Dương có xin phép Cha để thâu băng cuộc tiếp xúc giữa Cha và họ không? Nếu không, thì việc thu băng nầy là gian dối và bất hợp pháp. Cha có thể truy tố hành động ma giáo nầy trước pháp luật.

 b. Cha có cho họ công bố những gì đã nói trong cuộc tiếp xúc này trước khi bản tường trình của Cha được tuyên bố không? Nếu không, thì việc họ tiết lộ này là gian dối, là thất tín, là đáng khinh.

 c. Họ đã tuyên bố là Cha đã tiếp xúc với họ 3 tiếng đồng hồ. Như vậy dĩ nhiên cuốn băng nhựa cũng lâu 3 tiếng đồng hồ. Có bao nhiêu điều đã nói trong thời gian này. Nhưng tuyệt nhiên trong bài báo đó (vỏn vẹn 2 trang) con không hề thấy họ trình bày với Cha ý kiến của họ liên quan đến cuộc tranh đấu này như Cha đã làm đối với giáo dân ở Trung Tâm. Con đoán phe Cha Dương chỉ chọn đưa ra những gì có lợi cho họ thôi và lờ đi những gì bất lợi cho họ. Chẳng hạn như Cha đã cho Đại Diện giáo dân Họ Đạo biết giải pháp đề nghị của Cha lên ĐGM Du Maine là:

  - Đề nghị Đức Cha công bố ngay việc chấp nhận thành lập Giáo Xứ Thể Nhân với các điều kiện tiên quyết hợp lý . . .
  - Một vị quyền Chánh Xứ sẽ được bổ nhiệm thay Cha Dương . . . (CHÍNH NGHĨA số 21, trang 21) (đại diện giáo dân chỉ tiết lộ những điều này sau khi TGM đã cho công bố Bản Nhận Định của Cha)

3. Bây giờ con xin trình bày những nhận định của con, hoàn toàn dựa theo hình thức và nội dung của bài“Giáo dân nghe cuốn băng nhựa Cha Thiệp.” Nếu Cha thấy những nhận định của con không đúng như ý Cha, thì đó không phải là con muốn như thế nhưng là vì con chỉ dựa theo bài báo đó và tức là bài báo đó đã xuyên tạc ý của Cha.

 a. Bài báo đó viết, “Tôi (Cha Thiệp) phải cầm lòng cầm trí lắm mới không nổi giận để ngồi nghe. Ngay từ câu đầu tiên tôi chỉ thấy toàn là nói láo, đạo đức giả hình.”

 Thưa Cha, làm sao Cha mới nghe câu đầu tiên mà Cha đã kết luận là giáo dân ở Trung Tâm nói láo và đạo đức giả hình. Như vậy tỏ ra rằng Cha đã có thành kiến chống đối giáo dân ngay từ đầu rồi. Giáo dân còn trông nhờ gì vào thái độ vô tư của Cha, một thái độ phải có cho một người trung lập hoà giải.

 b. Bài báo đó viết tiếp, “Trong các ý kiến Cha được nghe, thường có một luận điệu giống nhau, nhắc lại hai nguyện vọng của cuộc tranh chấp, còn hầu hết là phản đối và nói xấu ĐC Du Maine và Cha Dương.”

 Thưa Cha, Cha tuyên bố mục đích của Cha đến gặp giáo dân là để tìm hiểu sự thật và cảm nghĩ của giáo dân. Vậy thì giáo dân phải nói những gì họ biết là sự thật cho Cha nghe. Nếu sự thật là xấu thì làm sao họ nói là tốt được. Con xin nhắc lại một vài ví dụ, chẳng hạn Bà Nguyễn Văn Hợi nói, chính Cha Dương đã từng soạn thư nặc danh tố cáo Cha Tịnh đưa cho bà con và chính bà đã cản trở, đã van xin Cha Dương đừng làm như vậy . . . (CN số 13 trang 2). Ông Hoàng Ngọc Văn là một cựu chiến sĩ Thuỷ Quân Lục Chiến đã vào sinh ra tử bao nhiêu lần, thế mà phải sụt sùi tủi nhục cùng với BCH vì cử chỉ khinh miệt của ĐGM. Ông Văn biết rõ Cha Dương vì đã nhiều lần sinh hoạt với Cha. Ông kể lại câu chuyện đau lòng, khi Cha Dương từ chối, không giải tội cho một bà và Cha Dương nói, “Hãy tìm Cha Tịnh mà xưng tội vì tôi không phải là Cha Xứ . . . “ (CN 14, trang 9).

c. Thưa Cha, căn cứ vào đâu mà Cha nói là Bà Hợi, Ông Văn và những người khác nói láo, là đạo đức giả hình? Nếu Cha nghi ngờ điều gì, sao Cha không vặn hỏi cho ra lẽ? Thưa Cha, nếu bài “Giáo dân nghe cuốn băng nhựa Cha Thiệp.” nói đúng sự thật thì con thây là hành động của Cha đáng trách. Cha đã thiên vị chống giáo dân ở Trung Tâm và nói xấu con chiên sau lưng họ. Con chiên tin tưởng ở Cha là người Cha nhân lành và thổ lộ tâm tình buồn tủi, đau khổ với Cha. Cha nỡ lòng nào phản bội lòng tin của họ!

4. Trong tiểu đề “Buổi cầu nguyện” cỉa bài báo này, TÍN HỮU, trang 4, đăng như sau:

 “Cha Thiệp cho biết theo đề nghị của ĐC Du Maine, ĐC muốn có một buổi cầu nguyện chung. Cha Thiệp nói mọi người phải hiểu thấu tấm lòng quý hoá chúng ta của ĐC dành cho. Buổi cầu nguyện được tổ chức sẽ nằm trong những điểm sau đây:

 - Phải do Cha Thiệp đứng ra tổ chức.
 - Dành cho tất cả mọi giáo dân VN, không phân biệt phe nhóm.
 - Buổi cầu nguyện gồm đọc kinh, sách Thánh, nhưng không có Thánh Lễ trong lúc này.
 - Địa điểm sẽ là nơi tập trung như nhà thờ chính toà chẳng hạn.

 Khi Cha Thiệp nêu ý kiến trên cho Ông Bài thì ông này tỏ ra rất hoan hỉ đón nhận và đề nghị với Cha xin tổ chức vào ngày 7-10-86. Cha Thiệp hứa sẽ hỏi lại ý Đức Cha. Trong khi đó hai ông Bài và Thiện phổ biến trên báo chí và viết thư về Sứ Thần Toà Thánh báo tin “Ngày cầu nguyện”. ĐC có hỏi lại Cha Thiệp chuyện này khi nhận “bản thông cáo” bức thư của ông Thiện, Cha Thiệp đã gọi điện thoại cho hai ông Thiện và Bài hỏi tại sao các ông làm như vậy thì ông Bài trả lời vì vui mừng nên loan tin đi. Cha Thiệp nhận định rằng đây “là việc làm gian dối, những việc được ghi bằng giấy trắng mực đen mà họ còn nói sai huống chi những lời nói . . .”

 Thưa Cha, tại sao Cha lại có thể nhận định về việc ông Bài loan tin này là một việc làm gian dối? Gian dối ở chỗ nào? Chính Đức Cha muốn và đề nghị có một buổi cầu nguyện chung. Ông Bài tỏ ra hoan hỉ đón nhận. Như thế chứng tỏ Ông Bài không phải là người cố chấp, sẵn sàng đón nhận mọi cơ hội để làm hoà. Một khi ĐC đề nghị và Ông Bài đồng ý đón nhận thì Ông Bài có quyền loan tin chứ. Nếu đề nghị đó là của Cha thì dĩ nhiên Cha phải hỏi lại ý kiến của Đức Cha, nhưng chính Đức Cha đề nghị thì tại sao phải hỏi lại Đức Cha? Tại sao Đức Cha không nghĩ kỹ trước đi rồi hẳn đề nghị? Con nghĩ là phe Cha Dương đã cắt xén, chắp nối băng nhựa nên mới nghe nó vô lý như thế. Khi Cha hỏi hai ông Bài và Thiện “tại sao các ông làm như thế?” thì ông Bài trả lời, “vì vui mừng quá nên loan tin đi”. Một câu trả lời rất thành thực, đầy thiện chí làm hoà, mà sao Cha lại nhận định rằng đây là việc làm gian dối? Có ai hiểu nổi cách lý luận này không? Thật uổng, một cơ hội làm hoà đã qua đi một cách vô lý và lý do, theo con, không phải là tại hai ông Bài, Thiện. Còn việc phe Cha Dương thâu băng Cha và bán băng Cha thì Cha nhận định đây là việc làm như thế nào? Chắc phải gọi là lừa dối, quỷ quyệt mới đúng.

 Viết đến đây, con có linh cảm một điều gì không ổn, vì con biết ông Bài là người rất thận trọng, chín chắn trong các lời tuyên bố. Con đích thân tìm đến gặp ông Bài và khi con hỏi về vụ này, ông Bài chỉ cười, một nụ cười cố hữu, vừa có vẻ muốn cải chính, vừa có vẻ khinh bỉ, vừa có vẻ muốn che dấu một điều gì.

 Phải sau một thời gian lâu lắm, ông Bài với vẻ mặt buồn buồn nói:

  - Buổi cầu nguyện đó thật sự tôi đề nghị và được Cha Thiệp chấp thuận. Nhưng một ngày sau đó Đức Cha đổi ý, gọi cho Cha Thiệp và khi Cha gọi cho tôi, tôi đã phải cố gắng lắm mới giữ được uy tín cho Ngài trước các giáo dân. Nhưng rồi cuối cùng Ngài lại cư xử với tôi như vậy.

 Nói xong ông Bài đưa cho con một bản sao lá thư của ông viết cho Cha đề ngày 30-9-86, trong đó có đoạn như sau:

 “Như đã được sự chấp thuận của Cha Bề Trên trong cuộc điện đàm sáng nay, lúc 8:45, Họ đạo của chúng con sẽ được đón rước Cha Bề Trên về chủ toạ buổi cầu nguyện bình an vào lúc 6 giờ chiều ngày thứ Ba mồng 7 tháng 10 năm 1986 nhằm ngày Lễ Kính Đức Mẹ Mân Côi. Những nét chính của buổi cầu nguyện sẽ gồm có: Dâng hoa và Lần Chuỗi Mân Côi, đọc sách Thánh, Phúc Âm, thuyết giảng và hát kinh Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse và các Thánh Tử Đạo VN.”

5. Thưa Cha, đối với phe chống đối thì Cha quá khắc nghiệt, mà đối với phe Cha Dương thì Cha quá dễ dãi.

 Khi tiếp xúc với giáo dân phe Cha Dương, con tưởng Cha chỉ cần hỏi họ để tìm sự thật và để biết cảm tưởng của họ như Cha đã làm đối với giáo dân ở Trung Tâm. Cha chỉ phải báo cáo với Bề Trên. Tại sao Cha báo cáo về giáo dân ở Trung Tâm với phe Cha Dương. Giáo dân ở Trung Tâm có quyền bực tức về hành động của Cha.

 Khi Cha nói chuyện riêng với hai ông Bài và Thiện và Cha lấy tình cha con khuyên nhủ, trách móc các ông ấy như cha mẹ dạy bảo con cái, cái đó là chuyện thường. Chúng con rất thông cảm. Nhưng Cha đem chuyện riêng đó nói với phe Cha Dương thì cái đó là thiếu chín chắn.

6. Thiện chí của hai ông Bài và Thiện để kết thúc cuộc tranh chấp đau thương này đã được chứng tỏ trong tiêu đề “Buổi cầu nguyện” nói trên. Thế mà có kẻ còn cố tình gán cho các ông ấy là cố chấp, muốn kéo dài cuộc tranh chấp để mưu tư lợi. Nghe nó mâu thuẫn như vậy mà cũng có người tin được.

 Nếu bài “Giáo dân nghe cuốn băng nhựa Cha Thiệp” thật sự phản ảnh những gì Cha đã nói với phe Cha Dương về giáo dân chống đối thì con phải nghĩ là những nhận định đó không đúng đắn, thiên vị và vì vậy không có giá trị. Những giáo dân biết suy nghĩ, dù ở trong cuộc hay ngoài cuộc cũng sẽ nhận thấy như vậy.

 Thưa Cha, danh dự của Cha đã bị tổn thương vì băng nhựa đó và bài báo đó trong Tín Hữu. Con mong Cha lên tiếng để đưa mọi sự ra ánh sáng cho mọi người đều biết sự thật như thế nào. Con xin chịu trách nhiệm về những lời con viết và con mong là Cha cũng đòi những kẻ làm và bán băng nhựa phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ.

7. Nhân tiện đây con xin bày tỏ ý kiến về bài báo của Jack Foley đăng trong báo San Jose Mercury ngày 4-11-1986, trong đó có câu “ Những vị có chức quyền cao cấp trong Toà Giám Mục nói là ĐGM Du Maine đã thực sự tuyên bố quyết định của Ngài rồi, không cần đếm xỉa gì đến nội dung của bản tường trình cuối cùng của Cha Nguyễn (Thiệp)” (Ranking Diocesan officials say that, regardless of what’s contained in Nguyen’s final report, Du Maine has in effect already announced his decision). Đọc câu nầy con thấy lòng buồn ngao ngán. Nếu ĐGM không cần đếm xỉa đến bản tường trình của Cha thì tại sao ĐGM lại xin Đức Khâm Sứ yêu cầu Cha về San Jose để tìm cách hoà giải? Bao nhiêu công lao thời giờ quý báo của Cha vô ích sao? Bao nhiêu ước mong mơ tưởng đợi chờ hồi hộp của Cộng Đồng giáo dân nói chung và Cộng Đồng VN nói riêng đều là vô vọng sao? Nếu câu nói đó mà đúng thì chỉ có người nào ngu xuẩn mới không hiểu về tư cách của ĐGM này.

8. Rồi đến một thời điểm nào đó, cuộc tranh chấp này phải chấm dứt. Ai cũng mong ước có một sự bình an vĩnh viễn thực sự. Nhưng nếu Bề Trên dùng quyền lực mà ép buộc thì bình an này chỉ là một thứ bình an giả tạo, mong manh. Lòng người uất hận có thể bùng nổ như ngọn núi phun lửa, khó mà ước lượng trước được.

 Thưa Cha, con chắc là Cha buồn lòng khi đọc thơ của con. Con xin lỗi Cha. Nhưng con thấy cần vạch ra những gì con nghĩ là sai. Con yêu cầu Cha công khai lên tiếng về bài “Giáo dân nghe cuốn băng nhựa Cha Thiệp” để vấn đề được sáng tỏ và để giáo dân khỏi hiểu lầm Cha.

Con xin trân trọng chào Cha
Kính Thư

12-  BIẾT TIN AI BÂY GIỜ

 Vì ở xa nên thỉnh thoảng tôi mới nhận được mấy tờ báo do bạn hữu hay họ hàng gửi cho. Mỗi lần nhận được là cố gắng đọc cho bằng hết. Lần nầy tôi nhận được một lúc 2 tờ TÍN HỮU 7, 8 và CHÍNH NGHĨA 21, 22. Đọc xong tôi thấy hoang mang nên ghi ra mấy hàng sau đây.

 1. Tôi đọc bản tường trình vắn tắt của Cha Thiệp đăng trong TÍN HỮU 7. Tôi xin miễn phê bình những gì đã nói trong bản tường trình đó vì tôi biết được là Thứ Sáu này (5-12), hai Ông Thiện, Bài sẽ gặp Cha Sullivan lần thứ hai để tiếp tục của thảo luận. Giai đoạn thảo luận bao giờ cũng tế nhị. Không ai nên nói hay làm gì có thể gây trở ngại cho cuộc thảo luận. Nhưng tôi muốn đưa ra một vài ý kiến về những gì đáng lẽ phải nói nhưng đã không nói trong bản tường trình này.

 Ở điểm 2 trong bản tường trình vắn tắt của Cha Thiệp, Cha Thiệp nói là những người chống đối có hai thỉnh nguyện có thể tóm tắt như sau: (1) Xin một giáo xứ thể nhân và (2) không chấp nhận Cha Dương. Nhưng bản tường trình này tuyệt nhiên không hề đề cập đến thỉnh nguyện thứ hai.

 Bất cứ ai cũng phải nhận thấy cái lỗ hổng của bản tường trình này và tự hỏi tại sao có sự thiếu sót quan trọng đó? Cha Thiệp đã “duyệt xét các văn kiện của mọi phía và có những cuộc gặp gỡ riêng với những người liên hệ mật thiết trong cuộc tranh chấp.” Như vậy, Cha đã nghe và đọc biết bao nhiêu điều về Cha Dương. Cha Thiệp phải có một nhận định về thỉnh nguyện thứ hai liên quan đến Cha Dương. Vậy thì tại sao bản tường trình này không đề cập đến thỉnh nguyện thứ hai này? Người nào tóm tắt bản tường trình phải chịu trách nhiệm về sự cắt xén này, vì nó gây ra nhiều hoang mang bất lợi cho Cha Dương. Chẳng hạn như nhiều người sẽ nghĩ là có lẽ Cha Thiệp đã đề nghị Cha Dương nên từ chúc và điều đó bất lợi cho lập trường của ĐGM nên bị cắt đi.

 Về thỉnh nguyện thứ hai này, hai Ông Bài và Thiện nói là Cha Thiệp đã tiết lộ với các ông là Cha đề nghị với ĐGM nên bổ nhiệm một vị quyền Chánh Xứ. Cha Dương sẽ lánh mặt một thời gian rồi sẽ đi giữ nhiệm vụ khác (CN 21, trang 21). Nhưng Tín Hữu 8, trang 14 thì lại nói thì lại nói là theo ĐPV của họ đã tiếp xúc với Cha Thiệp thì Cha Thiệp đề nghị với ĐGM không thay đổi Cha Dương. BIẾT TIN AI BÂY GIỜ?

 2. Trong Tín Hữu số 7, trang 6, ở cuối bài “News Release” của Toà Giám Mục do Cha Eugene Boyle phụ trách, đã viết là trong một bức thư gửi cho hai Ông Bài và Thiện, Cha Sullivan đã nói  “. . . Tôi mời các ông họp với tôi để bắt đầu (công cuộc) tiến trình này (I am inviting you to meet with me to begin this process).” Lời của Cha Sullivan rõ rệt như vậy mà Tín Hữu lại đăng trong “Tin Giờ Chót” ở trang 20 là “những người trong phe chống đối đã xin lên gặp ĐGM để bày tỏ lời tạ lỗi”. Cũng nên nhắc lại là bài “News Release” của Toà Giám Mục bằng tiếng Anh và được đăng ở trang 6, tức là ở phần đầu. Như vậy Tín Hữu phải biết điều này (Cha Sullivan mời hai Ông Bài, Thiện) trước khi đăng “Tin Giờ Chót” ở trang 20, tức là phần cuối của tờ bào. Không lẽ những người trong Tín Hữu không hiểu tiếng Anh hay sao? Tôi không tin như thế. Như vậy thì chủ đích của Tín Hữu là gì, nếu không phải là “mập mờ đánh lận con đen”,  hy vọng nhiều người không đọc phần tiếng Anh mà chỉ đọc phần tiếng Việt rồi chuyền nhau loan tin vịt này đi các nơi. Dân chúng lại một lần nữa bị lừa. Quả thật, nhiều người đã bị lừa; vì sáng Thứ Bảy (29-11) một người họ hàng của tôi ở Huntington Beach nói với tôi. “Mọi việc sắp xong rồi vì hai Ông Bài, Thiện đã lên xin lỗi Đức Cha.” (!?)

 Về điểm này, Chính Nghĩa 21, trang 22 đã viết. Đáp lời mời của LM Tổng quản Terrence Sullivan, hai ông Trần An Bài và Trần Công Thiện đã kết hợp với Ngài tại nhà thờ Chính Toà St. Patrick’s từ 2 giờ  đến 5 giờ chiều ngày thứ sáu 21 tháng 11 năm 1986.”

 Dựa trên những sự kiện trên, tôi thấy là Chính Nghĩa đã nói đúng sự thật và Tín Hữu đã nói sai sự thật.
TÔI BIẾT TÔI PHẢI TIN AI BÂY GIỜ.

 

13-  NHẬN ĐỊNH VỀ BÀI ‘GIÁO DÂN SAN JOSE NỔI LOẠN’
CỦA ÔNG NGUYỄN CÔNG MINH, ĐẶC PHÓNG VIÊN CỦA CÔNG GIÁO THỜI LUẬN

LTS.  Kể từ khi cuộc biến động San Jose xảy ra, Cộng Đồng Công Giáo San Jose bị nhiều lời tuyên truyền rỉ tai xuyên tạc, rất có hại cho cuộc tranh đấu. Một trong những tin đồn thất thiệt đó là sự liên hệ giữa nhóm chủ trương nguyệt san Công Giáo Thời Luận và cuộc nổi dậy của giáo dân San Jose.

 Khi cho đăng tải ý kiến của ông Đỗ Văn Hiến dưới đây, chúng tôi thiết tưởng đây là một câu trả lời rõ rệt nhất cho tin đồn đãi nói trên.

Tôi đã đọc bài ‘Giáo dân San Jose nổi loạn’ của ông Nguyễn Minh, đặc phóng viên Nguyệt San CÔNG GIÁO THỜI LUẬN, đăng trong CGTL số 6, tháng 10, 1986. Ngay từ hàng mở đầu ông Minh đã công nhận là cuộc rối loạn bây giờ rối “như mớ bòng bong”, và ông cố tìm cách lý luận để “soi sáng phần nào cho vụ tranh chấp ở đây”. Tôi phải thú thực là sau khi đọc bài của ông, tôi không được “soi sáng” một chút nào cả. Ngược lại, cách lập luận của ông càng đưa tôi sâu vào trong bóng tối, làm cho trí tôi rối loạn hơn. Tôi xin lần lượt trình bày sau đây.

I. Trước hết, để dẫn đường cho cách lập luận (và so sánh) của ông về vụ rối loạn như hiện nay ở San Jose, ông đã kể lại một câu truyện có thật – theo ông -  đã xảy ra 40 năm trước ở miền Bắc Việt Nam. Câu chuyện gồm có những điểm chính sau đây:

1. Một cô tông đồ Nghĩa binh có mối liên hệ với Cha sở. Mối liên hệ này đã đem đến cho cô “một bầu tâm sự”.
2. Gia đình cô khiếu nại lên Đức Giám Mục.
3. Đức Giám Mục cho điều tra (cha sở là tác giả của “bầu tâm sự”).
4. Đức Giám Mục quyết định thuyên chuyển cha sở đi làm phó xứ ở một nơi xa.
5. Đức Giám Mục cấm gia đình cô không được nói ra với ai.
6. Giáo dân không biết lý do của sự thuyên chuyển Cha Sở, nên đã bất mãn và đã nói xúc phạm đến Đức Giám Mục.
7. Cha sở phải hết sức năn nỉ họ mới thôi.

 Ông Minh nói là “câu chuyện đưa ra không có một sự tương đồng để chúng ta gán ghép hai câu chuyện thành một”. Tuy nhiên, đọc bài của ông Minh, tôi thấy ông đưa ra những diễn tiến về sự thuyên chuyển cha sở trong chuyện và sự thuyên chuyển Cha Tịnh có nhiều điểm đi song song với nhau. Sau đây, ta đọc những ý kiến mà ông Minh đưa ra có thể được hiểu như là lý do đưa đến sự thuyên chuyển Cha Tịnh.

1. Tuy Cha Tịnh không bị tai tiếng gì về vụ “đàn bà con gái” Nhưng theo lập luận của ông Minh dựa theo bài báo của Trung Chính trong CHÍNH NGHĨA  số 11, trang 5, thì vì Cha Tịnh “vô tình cho đăng mấy bài báo có thể hiểu lầm như phương hại cho Quốc Gia mà ủng hộ cộng sản nên phe Cha Dương lợi dụng cơ hội kết bè để lên án Cha Tịnh, mở đầu chiến dịch bôi nhọ”.

2. “Phe Cha Dương có thể vin vào mấy bài báo đó để tố cáo với Đức Giám Mục và để lên án Cha Tịnh”.

3. Tuy không thấy ông Minh nói là ĐGM có điều tra về Cha Tịnh hay không, nhưng theo lập luận của ông thì ĐGM có thể “nghĩ rằng Cha Tịnh có lập trường đáng nghi ngờ.”

4. Nên ĐGM “quyết định thuyên chuyển Cha Tịnh ra khỏi địa phận . . . mời Cha Tịnh đi chơi chỗ khác.”

5. Tuy không thấy chỗ nào ông Minh nói ĐGM cấm ai nói gì với ai về Cha Tịnh. Nhưng ông Minh lại viết là Cha Trác nói rằng “có nhiều điều thầm kín không thể nói ra được”. Tại sao không nói ra được? Hay là những điều đó có thể liên hệ đến hoặc Cha Tịnh, Cha Dương, Cha Trác, các Cha Việt Nam hay ĐGM . . .?

6. Giáo dân không biết lý do của cuộc  thuyên chuyển Cha Tịnh nên cho đó là một việc “bất công”.

7. Ông Minh đặt câu hỏi “Tại sao Cha Tịnh tìm đủ mọi cách để ngăn cản giáo dân chống đối ĐGM trong việc bổ nhiệm Cha Dương?” Đối với những người quen biết Cha Tịnh thì câu trả lời thật dễ dàng và giản dị: Vì Cha quý Đức vâng lời và yêu chuộng hoà bình. Câu hỏi của Ông Minh xem vẻ có nhiều ẩn ý.

II. Câu chuyện mà Ông Minh kể ra để làm ví dụ không thể áp dụng cho trường hợp này được. Hành động của ĐGM trong câu chuyện cô Tông đồ Nghĩa binh là hợp lý; vì tất cả sự việc trong câu chuyện đã thật sự xảy ra. ĐGM đã điều tra, đã biết sự thực và cha sở nọ đã phải nhận với ĐGM là mình là tác giả “bầu tâm sự” của cô Tông đồ nọ, nên Cha đã hết sức năn nỉ giáo dân đừng chống ĐGM kẻo sự thật ra ánh sáng thì Cha sẽ bị khinh miệt.

 Trong trường hợp Cha Tịnh, ai là người có thể nghi ngờ Cha thân Cộng chỉ vì “một bài báo có thể hiểu lầm là có lợi cho Cộng sản đăng trên báo Liên Lạc?” Tuy Cha là chủ nhiệm và trách nhiệm chính là ở Cha, nhưng làm sao Cha luôn luôn kiểm soát được hết mọi bài đăng trên báo? Thử hỏi ông chủ nhiệm các báo hoặc là hỏi ngay Ông Trương Tiến Đạt, chủ nhiệm CGTL, xem ông có thể kiểm soát được tất cả các bài trong CGTL không? Chẳng hạn như bài “CHUYỆN LẪM CẨM” thật là tục tĩu đăng trong CGTL số 1? Không lẽ tôi dựa vào bài đó mà tố rằng ông chủ nhiệm Đạt là con người thô lỗ, ăn nói tục tĩu, vô nhân cách? Liệu có ai có thể đồng ý với cách tố cáo của tôi không? Hay là họ sẽ cho là tôi quá vội vàng, thiếu suy nghĩ, nông nỗi và chắc là tôi thù oán gì với ông Đạt nên mới có thái độ như thế đối với ông?

 Trong các bài ủng hộ lập trường của ĐGM về việc không cho lập giáo xứ thể nhân và thuyên chuyển Cha Tịnh thì phải kể bài ‘TỔNG LUẬN 1’ của ông  Uyển Ngữ và bài ‘CUỐN PHIM LỊCH SỬ’ của ông Ngọc Vũ là hai bài chủ chốt nấht. Nhưng tuyệt nhiên hai bài đó không hề đưa ra giả thuyết gì nghi ngờ Cha Tịnh thân Cộng.

 Cha Tịnh là người thế nào, không ai hiểu rõ Ngài bằng giáo dân. Và theo giáo dân thì Cha Tịnh là một Linh Mục nhân đức, tốt lành, không thể nào thân Cộng được. Nếu vì một bài báo đó mà phe Cha Dương tố cáo Cha Tịnh là thân Cộng như ông Minh đã đặt giả thuyết thì Cha Dương và các người theo Cha quả là nông nỗi, ấu trĩ hoặc có hiềm thù với Cha Tịnh. Thế mà ông Minh lại nói hành động đó “chẳng có gì đáng trách”! Nếu vì bài báo đó mà ĐGM nghĩ là Cha Tịnh thân Cộng nên phải chuyển Cha thì chả hoá ra ĐGM nhẹ dạ quá đến như thế sao? Nếu quả thật ĐGM nghĩ là Cha Tịnh thân Cộng nên phải thuyên chuyển Cha thì ĐGM phải nói cho Cha Tịnh biết để Ngài có dịp phân trần, giải thích. Đức Giám Mục cũng nên nói cho giáo dân biết để tránh những tai hoạ, đỗ vỡ như hiện nay.

 Ngày nay, nhất là ở Mỹ, những chuyện tày trời mà Giáo Hội còn công bố nữa là chuyện Cha Tịnh (nếu chuyện có thật). Chắc hẳn ai cũng thừa biết vụ Đức Giáo Hoàng khiển trách và giới hạn quyền của Đức Tổng Giám Mục Hunthausen, Tổng giáo phận Seatle. Các báo Việt như Trống đồng, Dân Chúa . . . các báo Mỹ và ngay cả các báo đạo cũng đều đăng tin này. Các báo còn kể ra những việc làm sai trái của Đức Tổng Giám Mục Hunthausen nữa. Ở giáo phận Monterey, tháng trước đây, Đức Giám Mục Shubsda cũng “mời” Cha Brunsman, một Cha Dòng Tên, ra khỏi địa phận của Người vì ĐGM không chấp nhận những ý kiến có tính cách cấp tiến của Cha. Đức Giám Mục Shubsda đã ra thông báo tuyên bố lý do để giáo dân khỏi thắc mắc. Cha Brunsman, trong Thánh Lễ từ giã giáo dân, đã công nhận có sự bất đồng ý kiến giữa Cha và ĐGM Shubsda. Tin này đã được đăng trong các bạo địa phương và cả báo đạo của địa phận. Và còn biết bao nhiêu vụ khác nữa mà chúng ta đã nghe Giáo Hội công khai lên tiếng. Vậy thì, tại sao trong việc này Cha Trác còn nói là “có nhiều điều thầm kín không thể nói ra được?” Xin Cha Trác cứ nói thẳng ra. Cách nói úp mở như thế này không hợp với tinh thần công giáo hiện nay. Nó gây hoang mang trong giáo dân, gây nhiều thiệt hại chứ không có ích lợi gì cả.

III. Về câu hỏi ông Minh tự đặt ra: “Tại sao ĐGM không bổ nhiệm Cha Nguyễn Chính hay Cha Đỗ Văn Đĩnh hiện là hai Cha phó của Cha Tịnh? thì  ông Minh giải thích rằng: “Xưa nay lể lối thông thường của Giáo Hội là bổ nhiệm một vị từ xa tới.” Ông Minh đưa ra ví dụ ĐGM Nguyễn Bá Tòng từ Nam ra Phát Diệm, ĐGM Hồ Ngọc Cẩn từ Trung ra Bùi Chu v.v. . . Ví dụ này không đứng vững. Vì lúc đó các địa phận Phát Diệm, Bùi Chu không có Đức Giám Mục thì phải đưa các Giám Mục ở nơi khác đến. Còn nếu đã có Giám Mục Phó sẵn đó thì thường thường Đức Giám Mục Phó lên làm Giám Mục Chính. Ví dụ khi Đức Cha Tòng về hưu thì Đức Cha Phùng, đang làm Phó, được lên làm Chính. Khi Thanh Hoá được tách rời ra khỏi địa phận Phát Diệm để thành một địa phận riêng, thì Đức Cha Hành, đang làm Phó ở Phát Diệm, được bổ nhiệm làm Đức Cha của địa phận Thanh Hoá. Ngay ở San Jose này, khi San Jose được tách khỏi Tổng giáo phận San Francisco và thành một giáo phận riêng, thì Đức Giám Mục Du Maine, đang làm Phó, được bổ nhiệm làm Giám Mục San Jose. Đức Giáo Hoàng có cử ĐGM ở nơi khác đến San Jose đâu. Ví dụ ngay trước mắt mà sao ông Minh không thấy? Hơn nữa, khi được hỏi, tại sao không cử Cha Chính hay Cha Đĩnh lên làm cha sở Họ Đạo, thì Cha Sullivan đã trả lời là vì Cha Dương giỏi tiếng Anh hơn hai Cha kia. Lời giải thích ngay từ của miệng của Vị Đại Diện Toà Giám Mục rõ như ban ngày mà sao Ông Minh không nhận thấy? Tại sao ông còn cố mất công mò mẫm từ Nam ra Bắc, từ Trung ra Bắc để giải thích dông dài cho buồn cười!

 Lý do tiếng Anh mà Cha Sullivan đưa ra để bổ nhiệm Cha Dương chẳng thuyết phục được ai. Vì thật ra hai Cha Chính và Đĩnh đâu có kém về tiếng Anh. Vả lại, làm cha sở thì nhiệm vụ chính là làm việc với giáo dân.

 Ông Minh còn nói là, “giáo dân đâu có thể nghĩ rằng cứ chấp nhận Cha Dương thì sớm muộn gì ĐGM cũng cho phép thành lập giáo xứ”. Tại sao Ông Minh dám chắc như thế? Hay là ông chỉ tưởng tượng, đoán mò?

IV. Thưa Ông Minh, tôi không thể nào tin vào cách lập luận và giải thích của ông. Tôi thấy nó vu vơ, mơ hồ quá. Ông có một trí tưởng tượng mạnh quá nó chi phối và đưa sự lập luận của ông quá xa thực tế. Liệu ông có biết rằng ông đang “múc dầu đổ vào lửa” bằng những luận điệu mò mẫm “nếu . . . ” “có thể . . .” “có lẽ” của ông? Ông nói là ông muốn tìm hiểu để “soi sáng” cho giáo dân. Nhưng rồi ông tự nhận là sự tìm hiểu của ông “có thể đúng, có thể sai” (trang 47, cột 1). Như thế nghĩa là thế nào? “Soi sáng” mà có thể sai thì soi sáng cái gì? Làm sao chúng tôi có thể tin được cách lập luận của ông? Có lẽ ông thực tình có hệin chí muốn giúp đỡ cái “mối bòng bong”, nhưng tôi nghĩ việc làm của ông càng làm cho nó rối thêm, và sự “soi sáng” của ông càng làm cho tình thế tối tăm hơn.


14-  GÓP Ý VỀ “BẢN TƯỜNG TRÌNH VẮN TẮT CỦA CHA THIỆP”

 Tuần trước tôi có dịp đọc “Bản Tường Trình Vắn Tắt của Cha Thiệp.” Tôi phải thú thực là tôi chưa bao giờ đọc một văn kiện quan trọng nào mà lại có nhiều sơ hở và khuyết điểm như bản tường trình của Cha Thiệp. Tôi xin trình bày sau đây.

A. MỘT VĂN KIỆN VÔ NGHĨA VÀ LẠC ĐỀ

 Khi Cha Thiệp mới đến San Jose, các báo Mỹ cũng như Việt Nam đều đăng tin là Cha về đây để làm “trung gian hoà giải.” Chính Cha Thiệp cũng tự nhận như vậy. Cha tuyên bố với báo Dân Tộc (DT số 241, trang 5), “Lúc này tôi đang làm sứ mạng trung gian hoà giải . . .” Vậy trung gian hoà giải là gì, nếu không phải là đứng giữa để giàn xếp hai bên. Nhưng theo“Bản Tường Trình Vắn Tắt của Cha Thiệp” ta không thấy Cha đứng giữa mà thấy Cha hoàn toàn đứng về phía ĐGM. Cha làm việc cho ĐGM và theo ý muốn của ĐGM.

 Việc ĐGM từ chối chấp thuận hai thỉnh nguyện của giáo dân là nguyên nhân gây ra cuộc tranh đấu. Thế nhưng những điểm nêu ra trong bản tường trình của vị làm trung gian hoà giải vụ tranh chấp này lại không có gì liên quan đến hai thỉnh nguyện này. Vì vậy bản tường trình này vô nghĩa vì nó bị lạc đề.

B. LỜI NÓI KHÔNG ĐI ĐÔI VỚI VIỆC LÀM

 Trong thời kỳ Cha Thiệp ở San Jose để làm công việc trung gian hoà giải, tuần báo Dân Tộc đã được tiếp xúc với Cha nhiều nhất. Vậy tôi xin trích trong báo Dân Tộc để dẫn chứng.

 1. Dân Tộc số 240, trang 4, đã viết, “Người ta thấy rõ ĐGM Du Maine đã có thiện chí hoà giải khi Ngài gặp Đức Khâm Sứ để thỉnh thị ý kiến và chấp thuận việc bổ nhiệm Cha Thiệp vào vai trò trung gian hoà giải.”

 Đâu là thiện chí hoà giải của ĐGM, khi các Vị Đại Diện Toà Giám Mục tuyên bố với báo San Jose Mercury News, số ra ngày 4-11-86 là, “Đức Giám Mục Du Maine đã thực sự tuyên bố quyết định của Ngài rồi, không cần đếm xỉa gì đến nội dung của bản tường trình cuối cùng của Cha Nguyễn (Thiệp)”? Câu tuyên bố này thật là thô bạo, vì như thế chẳng hoá ra bản tường trình của Cha Thiệp đối với ĐGM chỉ là tờ giấy lộn hay sao? Nhưng lại buồn cười là bây giờ chính Toà Giám Mục lại công bố bản tường trình vắn tắt đó và phe Cha Dương khai thác nó triệt để.

Như thế có mâu thuẫn không?

 2. Dân Tộc số 240, trang 2, viết, “Theo Cha Thiệp vì điều kiện tiên quyết để giải quyết vấn đề khủng hoảng là cả hai phía đều phải có sẵn thiện chí hoà giải và biết tương nhượng, nếu cần.”

 ĐGM “tương nhượng” ở chỗ nào? Cha Thiệp đã làm gì để yêu cầu ĐGM “tương nhượng” Ta chỉ thấy là trong bản tường trình Cha Thiệp ép buộc giáo dân chống đối phải hoàn toàn theo ý ĐGM. Như thế thì gọi là “tương nhượng”, là “hoà giải” sao được?

 3. Dân Tộc số 240, trang 2, viết, “Cha Thiệp giải thích một cách thận trọng hai chữ ‘hoà giải’ có nghĩa là làm cho tình hình căng thẳng hiện tại của hai phía lắng dịu đi chứ không phải ‘hoà giải’ là phải ở về bên này, lên án phía bên kia.”

 Cha Thiệp nói thế, nhưng Cha có làm như thế đâu, Cha lên án, nói xxấu giáo dân ở Trung Tâm (Tín Hữu số 3). Thay vì làm “lắng dịu tình hình căng thẳng” thì Cha đã làmcho tình hình càng thêm căng thẳng. Thêm vào đó, Toà Giám Mục lại khiêu khích bằng cách cử người phe Cha Dương đi thu tiền ở nhà thờ trong các Lễ Chúa Nhật, gây ra xô xát. Toà Giám Mục biết rõ như thế nhưng vẫn cố tình. Lắng dịu ở chỗ nào? Tương nhượng ở chỗ nào?

 4. Dân Tộc số 241, trang 5, viết, “Cha Thiệp cho biết Cha cũng đã gặp một số các Linh Mục Việt Nam tại San Jose như Cha Thư, Cha Chính, Cha Dương. Theo Cha Thiệp, ĐGM Du Maine cũng rất muốn biết nguyện vọng thực sự của Cộng đồng giáo dân VN tại San Jose . . .” Cha Thiệp nói tiếp, “Đức Cha yêu cầu tôi gặp gỡ đại diện của tất cả mọi khuynh hướng giáo dân, càng nhiều càng tốt, rồi cho Ngài biết các con chiên VN muốn Ngài làm gì.”

 Mục tiêu ĐGM đặt ra cho Cha Thiệp thật rõ rệt và hợp lý. Nhưng tuyệt nhiên trong bản tường trình, Cha Thiệp không hề đề cập đến những điều này. Tại sao thế? ĐGM và giáo dân muốn biết ý kiến của các Linh Mục Việt Nam và nguyện vọng thực sự của Cộng đồng giáo dân VN tại San Jose. Tại sao Cha Thiệp không công bố ra? Những điểm chính yếu, quan trọng đến thế mà sao lại có thể thiếu sót trong bản tường trình được? Một bản tường trình như thế liệu còn giá trị gì không?

C. VẤN ĐỀ CHA DƯƠNG

 Còn vấn đề Cha Dương thì sao? Việc bổ nhiệm Cha Dương làm chủ chiên và việc ĐGM từ chối xét đơn của các Hội Đoàn giáo dân liên hệ đến việc bổ nhiệm Cha Dương và châm ngòi cho sự bùng nổ cuộc tranh đấu. Chắc chắn Cha Thiệp đã hỏi ý kiến giáo dân và các Cha Việt Nam về Cha Dương. Cha Thiệp đã nghe gì và đã đề nghị những gì để hoà giải về vấn đề này? Tại sao Cha Thiệp lại có thể hoàn toàn bỏ qua, không đưa ra một ý kiến nào cả về thỉnh nguyện thứ hai này? Một vấn đề then chốt như vậy mà cố tình bỏ qua thì ta phải tự hỏi bản tường trình của Cha Thiệp có giá trị gì không?

D. MỤC ĐÍCH VÀ KẾT QUẢ

 Khi mới đến San Jose để thi hành sứ mệnh “cao cả”, Cha Thiệp đã tuyên bố mục đích của Ngài là làm “trung gian hoà giải” Nếu ta đem so  sánh mục đích đó với kết quả của cuộc làm “trung gian hoà giải” mà Cha đã đưa ra trong “Bản tường trình vắn tắt” của Cha, thì không ai là không thấy cái ngớ ngẩn và vô lý của nó, vì nó không ăn khớp với nhau. Rõ ràng là “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” Thế mà “Bản tường trình” lại được công bố một cách long trọng, được phe Cha Dương tán tụng như là một thành công rực rỡ. Thật là một điều kỳ quái. Nó sỉ nhục sự thông minh của bất cứ ai còn có đuợc một chút khả năng để suy luận.

E. Kết luận

 Tất cả những điều tôi đã viết ở trên tự nó đã là kết luận rồi. Nếu cần nhắc lại thì tôi xin kết luận là “BẢN TƯỜNG TRÌNH VĂN TẮT CỦA LINH MỤC BANABÊ M. THIỆP, CMC, VỀ CUỘC TRANH ĐẤU CỦA GIÁO DÂN HỌ ĐẠO VIỆT NAM TẠI SAN JOSE” không có giá trị gì cả. Nó không xứng đáng với công việc “trung gian hoà giải” của một vị mệnh danh là “Sứ giả Hoà Bình.”

Monterey ngày 8-12-1986

15-  AI LÀ NẠN NHÂN CỦA AI?

 Cuộc đấu tranh của giáo dân VN tại San Jose đã bước sang tháng thứ sáu. Nó gây ra nhiều đau thương và chưa biết bao giờ mới kết thúc.

 Nhìn lại quãn đường đã qua, nhận xét kỹ càng lại những biến cố đã xảy ra, ai cũng ngạc nhiên tự hỏi tại sao hai bên (ĐGM và giáo dân chống đối) vẫn chưa có thể tìm được một điểm nào đồng ý, mà ngược lại ngày càng xa nhau đến nỗi bây giờ chẳng những ĐGM không cho phép hai Cha Phó Chính và Đĩnh được ở hay làm các phép bí tích tại Họ Đạo mà cả các Lễ tiếng VN ở các nhà thờ Mỹ cũng bị ĐGM huỷ bỏ.

 Tại sao có thảm trạng này? Ai là nạn nhân trong thảm trạng này? Dĩ nhiên câu trả lời là (1) giáo dân VN là những nạn nhân trong thảm trạng này; vì họ đã bị tướt đoạt hết các quyền lợi pháp định của họ và các nhu cầu tôn giáo của họ cũng không được đáp ứng. (2) ĐGM Du Maine cũng là nạn nhân trong thảm trạng này; vì Ngài đã bị dư luận trong và ngoài địa phận chê trách là đã quá cứng rắn, cố chấp tới mức không kể gì đến sự sống đạo của giáo dân VN. Đến đây, ta có thể đặt thêm một câu hỏi nữa: Vậy giáo dân VN và ĐGM là nạn nhân của ai? Nếu tìm được câu trả lời cho câu hỏi này thì có lẽ cũng có thể tìm được phương cách giúp cho cả hai bên (đều là nạn nhân) để giải quyết kết thúc cuộc khủng hoảng này.

 Sau đây tôi xin thử đưa ra một vài ý kiến để tuỳ độc giả bàn luận.

 Tôi xin nhắc lại để dễ đường phân tích. Cuộc khủng hoảng này gây ra là vì ĐGM không chấp thuận hai thỉnh nguyện mà giáo dân tin là chính đáng, hợp tình, hợp lý, hợp pháp. Hai bên chính yếu ở đây là ĐGM và giáo dân chống đối. Nhưng tôi theo dõi các văn thư, các tin tức trên báo chí, thì từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng, tôi chưa hề thây đại diện giáo dân có một cơ hội nào được trực tiếp hầu chuyện ĐGM, mà luôn luôn phải gặp gỡ và tiếp xúc với một người đại diện của ĐGM. Đó là Cha Sullivan. Và ai cũng thấy là Cha Sullivan được sự phục vụ, cố vấn và hợp tác chặt chẽ của phe Cha Dương. Ta nhận thấy là ĐGM đã bị tách rời khỏi giáo dân, sống trong tháp ngà rồi hoàn toàn tin cậy vào sự cố vấn của Cha Sullivan và phe Cha Dương.

 Đến đây tôi xin tạm ngưng nói về Cha Sullivan và phe Cha Dương để đưa ra một vài ví dụ minh chứng rằng ảnh hưởng của các người thuộc hạ của một vị lãnh đạo quan trọng như thế nào. Ta có thể nói là sự thành công hay thất bại tuỳ thuộc một phần vào tài năng đức độ của những người cố vấn, tay chân giúp việc của người lãnh đạo.

 Trong lịch sử cổ kim của các quốc gia cũng như trong các công việc xảy ra hàng ngày trong mọi tổ chức lớn nhỏ đã chứng tỏ rằng một khi kẻ có quyền biết dùng những người tài ba, chính trực, vì công ích, dám nói sự thật, dám làm những điều phải thì tổ chức đó,  quốc gia đó mới mong phát triển và thành công. Ngược lại nếu kẻ có quyền lực nghe theo những lời nịnh hót, tham quyền cố vị, chỉ nghĩ đến tư lợi mà quên công ích thì gây ra biết bao nhiêu thiệt thòi, tai hại cho tổ chức đó,  quốc gia đó.

 Trong thế kỷ 19, nước VN ta ngang hàng với Nhật Bản về mọi phương diện. Nhưng Vua Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật Bản là một ông vua tài đức, nhìn xa trông rộng muốn tìm mọi cách làm cho Nhật Bản canh tân tiến triển. Ngài cho người đi học mọi nơi, khi về điều trần những gì mắt thấy tai nghe cho Vua. Vua sẵn sàng đón nhận rồi cùng triều thần gồm  những người trung chính tài ba tìm mọi cách để xây dựng một nước Nhật giàu mạnh tới mức độ đã đánh bại được nước Nga trong chiến tranh Nga-Nhật năm 1905.

 Trái lại, ở nước ta cũng thời kỳ đó, dưới triều Tự Đức, vua quan thì cổ hủ, không muốn tìm biết những thay đổi mới trong thế giới. Vua thì bị bọn nịnh thần bao quanh bưng bít không cho Vua biết sự thật, sợ mất quyền lợi riêng tư của mình. Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Điều có dịp được ra ngoại quốc, chứng kiến sự văn minh, tiến triển của nước người mà lo cho tiền đồ của nước mình. Các ông này dâng sớ xin vua thay đổi canh tân các việc trong nước để tiến cho kịp với người ta. Nhưng bị các nịnh thần chê bai “tường trình” với vua là bọn này “nói láo”, “đi xa về nhà nói khoác”. Vì vậy, nước mình cứ ở trong tình trạng hủ lậu. Đến khi quân Pháp xâm chiếm, trước sức mạnh của quân Pháp, vua quan, quân dân mình đành chịu cảnh nhục mất nước. Hỏi rằng trách nhiệm của cái cảnh mất nước nhà tan này đổ trên đầu ai? Dĩ nhiên là đổ trên đầu mấy vị vua “con trời” và bọn nịnh thần cố tình bưng bít không cho vua biết sự thật để sửa đổi canh tân trong nước theo kịp với người ta như nước Nhật đã làm.
 Nhìn lại tình trạng bất an của giáo dân mình, ta có thể nói được là Cha Sullivan và phe Cha Dương cũng đang làm cái việc tai hại đó cho ĐGM và giáo dân. Cha Sullivan dùng phe Cha Dương, đã bưng bít không cho ĐGM nhìn thấy sự thật về giáo dân. Họ đã trình bày sai lạc với  ĐGM là phe chống đối chỉ có 282 người, càng ngày càng ít đi. Nhưng khi Ban Chấp Hành Họ Đạo xin trưng cầu dân ý để xem bên nào có đa số thì họ lại lờ đi và nói quanh là bỏ phiếu không phải là cách làm việc của Giáo Hội. Tiếc một điều là ĐGM lại tin họ.

 - ĐGM tin họ, nên Ngài mới làm lễ tấn phong cho Cha Dương, dù phải dùng chó và cảnh sát canh gác cả ngoài lẫn trong nhà thờ.
 - ĐGM tin họ, nên Ngài mới ra lệnh cho hộ tống Cha Dương về nhậm chức ở Trung Tâm đến hai lần, nhưng đều bị giáo dân không cho vào.
 - ĐGM tin họ, nên Ngài mới ra lệnh “giải nhiệm” Ban Chấp Hành được toàn giáo dân Họ Đạo bầu lên.
 - ĐGM tin họ nên mới cắt cử người của phe Cha Dương làm việc phục vụ trong nhà thờ thay những người đã làm từ trước đến nay, gây ra xô xát đáng tiếc.
 - ĐGM tin họ nên mới lấy cớ xoá bỏ các Thánh Lễ  VN để buộc giáo dân phải đi lễ Mỹ và như vậy gò ép giáo dân vào xứ Mỹ khi họ chưa sẵn sàng.

 Bao giờ ĐGM mới tỉnh ngộ và nhận thấy là Ngài đang bị thuộc hạ “hướng dẫn sai lạc”?

 Theo thói thường, khi có một cuộc khủng hoảng thì việc đầu tiên một người lãnh đạo phải làm là tìm cách dập tắt ngay cái ngòi để làm cho tình hình lắng dịu ngay, bằng cách sa thải những nhân vật được coi là liên hệ đến cuộc khủng hoảng hoặc các nhân vật đó tự ý từ chức. Bà Tổng Thống Phi Luật Tân Aquino đã yêu cầu cả nội các của bà từ chức để trấn an dân chúng. Ông Alain Devaquet, bộ trưởng Bộ Giáo Dục Pháp đã tự ý xin từ chức khi các sinh viên đại học biểu tình chống chính sách giáo dục của chính phủ. Ông Poindexter, cố vấn an ninh cho Tổng Thống Reagan đã từ chức vì cuộc khủng hoảng do vụ bán khí giới cho nước Iran gây ra. Về việc đạo cũng vậy, ta có nhiều dịp thấy, ở Mỹ cũng như ở VN, khi một Cha xứ không còn được sự kính mến của giáo dânhay bị tai tếing gì thì ĐGM thường đổi Cha đi nơi khác. Nếu Cha Dương, nguyên nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng này, xin từ chức thì Họ Đạo có phúc biết bao, và đã tránh được cái cảnh đau thương cho tất cả mọi người. Một sự hy sinh nhỏ của Cha là một ân huệ lớn cho Giáo Hội, và ai cũng sẽ biết ơn Cha. Nhưng tiếc thay! Chẳng những Cha Dương không từ chức, lại còn được tấn phong với bất cứ giá nào, cho dù là cái giá đắt nhất mà tiếng tăm và danh dự của ĐGM phải trả, là dùng chó và cảnh sát cả ngoài lẫn trong nhà thờ. Không một ai (công giáo hay không công giáo) khi nghe về biến cố này mà không ngẩn ngơ, lắc đầu về việc sai lầm vô tiền khoáng hậu này. Thế nhưng đã hết đâu, các viên chức của Toà Giám Mục còn tuyên bố với báo San Jose Mercury News, ngày 14-11-86 là, “Cho đến bây giờ ĐGM Du Maine vẫn chưa thấy dấu gì tỏ ra là Cha Dương không thể thi hành được nhiệm vụ của một vị chủ chiên” (Diocese officials say that Du Maine has yet to see anything indicating that Luu (Cha Dương)  can not perform his duties as a pastor). Thật là cố chấp hết chỗ nói! Sự chống đối Cha Dương ròng rã năm tháng trời, lúc âm thầm, lúc ồn ào, lúc âm ỉ, lúc mãnh liệt, vang dội như vậy mà ĐGM chưa thấy sao? Sự việc quá hiển nhiên như vậy mà nói là “chưa thấy dấu hiệu gì” thì có ai mà hiểu nổi được câu tuyên bố này không? Đối với giáo dân các xứ Mỹ thì một Linh Mục bị chống đối như thế, dù chỉ đến giúp việc mục vụ cũng còn phải tránh, chứ đừng nói chi đến làm chủ chiên. Tại sao đối với giáo dân VN, ĐGM lại khinh thường chèn ép đến thế? Tôi chỉ còn một cách để cắt nghĩa. Đó là vì ĐGM đã bị thuộc hạ bưng bít và vì thế cho đến ngày hôm nay Ngài vẫn chưa biết rõ sự thật về cuộc chống đối của giáo dân, nên Ngài mới có những hành động quá sai lầm gây ra tai hại như hiện nay.

 Dựa theo nhận xét được trình bày ở trên, ta có thể nhận thấy rằng: giáo dân là nạn nhân của ĐGM. ĐGM là nạn nhân của thuộc hạ Ngài, tức là Cha Sullivan và phe Cha Dương.

 Vì vậy, bao lâu ĐGM còn ngụ trong tháp ngà, bị tách rời khỏi giáo dân, còn tin dùng những người thuộc hạ này thì cuộc khủng hoảng còn kéo dài, gây đau thương tai hại cho tất cả mọi người.

 Viết đến đây tôi được tin trong Chính Nghĩa số 24 là Họ Đạo NVCTTĐ đã quyết định thành lập một uỷ ban liên lạc bên cạnh Toà Giám Mục. Tôi thấy đó là một đường lối đúng. Nhưng nếu uỷ ban liên lạc không được trực tiếp gặp ĐGM mà vẫn phải qua Cha Sullivan và Cha Sullivan vẫn còn dùng phe Cha Dương thì tôi sợ là tình hình cũng chẳng sáng sủa hơn gì.


16-  CHA THIỆP SẼ CÓ CUỘC HỌP BÁO?

A. Từ khi tôi được đọc ‘Bản Tường Trình Vắn Tắt của Cha Bề Trên Nguyễn Đức Thiệp’ về cuộc tranh đấu của giáo dân Việt Nam, San Jose tôi có rất nhiều thắc mắc về công việc của Cha đã được đúc kết lại trong bản tường trình này. Tôi thấy nó chẳng giúp đỡ gì để làm cho tình hình sáng sủa như mọi người đã mong đợi ở sứ mạng “Hoà giải” của Cha. Trái lại nó còn gây thêm ra nhiều nghi vấn, nhiều câu hỏi.

 Thường thì khi có những nghi vấn, thắc mắc hay hoang mang về một vấn đề gì thì người có trách nhiệm có một cuộc họp báo để giải thích cho dân chúng hiểu rõ vấn đề để khỏi hoang mang. Vì vậy tôi ao ước có một cuộc họp báo của Cha Thiệp để Cha trực tiếp trả lời những câu hỏi, giải đáp những thắc mắc của mọi người. Tuần báo Dân Tộc số 251, trang 3, loan tin là “Cha Thiệp sẽ trở lại San Jose để cố gắng hoà giải lần chót và có lẽ sẽ có một cuộc họp báo”. Tôi vui mừng, và tôi tin là biết bao nhiêu người khác cũng vui mừng như tôi, vì hy vọng những thắc mắc của mình sẽ được Cha giải đáp. Nhưng rồi Tín Hữu số 10 đưa tin là Cha không về được vì lý do bận công việc Nhà Dòng, vì Cha bị hăm doạ (?) và vì ngay cả trường hợp Cha có “lên tiếng trong Thánh Lễ mà không có lợi cho họ (giáo dân chống đối), họ cũng sẽ đứng lên và phá rối ngay câu chuyện” Đọc tin này tôi thất vọng vì tôi nghĩ bao lâu Cha Thiệp chưa lên tiếng giải thích thì thắc mắc còn đó và không một ai có thể giải thích thay cho Cha được. Tôi tin là ai cũng có những thắc mắc của riêng mình, có khi giống nhau, có khi khác nhau.

B. Sau đây là một vài hàng trong số những thắc mắc của tôi.

 1. DANH CHÍNH NGÔN THUẬN

 Theo tin của các cơ quan có thẩm quyền như Toà Giám Mục San Jose, Toà Khâm Sứ, các báo chí Việt Mỹ, các cơ quan truyền thông và ngay cả lời tuyên bố của Cha Thiệp, thì công việc của Cha ở San Jose là “hoà giải” Báo chí Mỹ gọi Ngài là ‘Mediator’ dịch sang tiếng Việt theo tự điển Anh – Việt là “Người làm trung gian để điều đình” Từ trên xuống dưới, ai cũng tin công việc của Cha ở San Jose là như thế. Mà không tin sao được, khi lời tuyên bố đó đã phát xuất từ chính Cha, người chính yếu trong việc hoà giải này. Vì thế ai cũng thấy là Cha có quyền hành, ảnh hưởng to tát. Những người trong cuộc ai cũng hồi hộp chờ đợi lời tuyên bố của Cha. Đặc san Đức tin, ra ngày 15-11-86, trang 44, viết “Cha Dương vừa hy vọng vừa lo lắng . . .” “. . . Những người tranh đấu cũng tràn đầy hy vọng . . .” Người phe Cha Dương thì thấy mình rất quan trọng vì “được được hân hạnh đàm đạo với Linh Mục Bề Trên tỉnh Dòng Barnaba Nguyễn Đức Thiệp trong 3 tiếng đồng hồ - Khi vị sứ giả mới đến đây trong những ngày đầu . . .” Thậm chí, Đức Tin viết tiếp, “Kể cả Bà Cố lúc này cũng bận bịu nghe điện thoại và nhận những lời thăm hỏi bất đắc dĩ” (!) Ai cũng tin vào tầm mức quan trọng của công việc của Cha . . . Nhưng rồi, trong báo Dân Chúa 120, trang 17, nhân bài phỏng vấn Cha Thiệp, Cha đã cải chính là Cha “không đến San Jose với tư cách một “Sứ giả hoà giải”  như ít nhiều người lầm tưởng”, nhưng chỉ được mời đến “để tìm hiểu vấn đề và trình bày nhận định lên các vị có thẩm quyền”. Đọc mấy dòng này, ai cũng sửng sốt, ngẩn ngơ. Thật như tiếng sét bên tai. Ai cũng lầm chứ không phải chỉ có một số người lầm. Ai cũng bị hướng dẫn sai lạc.

 Vì đâu có sự hiểu lầm nghiêm trọng này? Khi ĐGM Du Maine yêu cầu Đức Khâm Sứ cử Cha Thiệp về San Jose để giúp đỡ, thì công tác lệnh mà Cha nhận được phải rõ rệt chứ. Tại sao có sự thay đổi đột ngột về danh xưng như thế này? Giữa Toà Giám Mục và Cha Thiệp đã có một bên không nói sự thật. Vì vậy tất cả mọi người đã bị lầm, chính phe Cha Dương, tay chân của Toà Giám Mục cũng bị lầm luôn, vì trong Đức Tin, 15-11-86 trang 44, đã viết . . . “Vị sứ giả có đủ yếu tố cần thiết: Danh chính, và cũng bởi đó: Ngôn thuận. Bây giờ thì ta thấy là “Danh” đã không “chính” và vì vậy “Ngôn” (tức bản tường trình) đã không thể nào “thuận” được. Thảo nào mà Bản Tường Trình Vắn Tắt của Cha Thiệp có nhiều khuyết điểm quá.

 2. TẠI SAO VẮN TẮT? TẠI SAO KHÔNG TOÀN DIỆN?

 Theo bản thông cáo “Nhận định về Bản Tường Trình Vắn Tắt của L.M Nguyễn Đức Thiệp” do hai ông Thiện, Bài ký và đăng trong CN 21, thì Bản Tường Trình của Cha Thiệp dài chín trang . Tại sao phải tóm tắt? Một văn kiện liên quan đến một biến cố quan trọng như biến cố San Jose, phải được công bố toàn diện. Chín trang chứ dù 90 trang hay 900 trang hay nhiều hơn nữa cũng phải công bố đầy đủ.

 Thường thường khi một văn kiện quan trọng, nếu quá dài thì báo chí thường rút ngắn gọn các điểm chính để giúp độc giả đọc qua cho biết. Nhưng những người liên hệ muốn biết hoặc có ai muốn nghiên cứu thì họ phải được cung cấp văn bản đầy đủ. Giáo dân muốn biết toàn diện Bản Tường Trình, vậy Cha Thiệp hay Toà Giám Mục có bổn phận phải công bố toàn diện Bản Tường Trình này. Không công bố toàn diện tức là công nhận có điều gì bất lợi cho Toà Giám Mục nên phải ém nhẹm đi. Làm như thế không hợp lý. Mọi người sẽ nhận thấy sự lạm quyền của Bề Trên và giáo dân VN phải chịu một sự bất công trắng trợn nữa. Vậy không có lý do gì mà Bản Tường Trình đầy đủ của Cha Thiệp không được công bố.

 Phàm một bài văn gì dù có tầm thường như bài luận văn của một học trò tiểu học cho đến một văn kiện quan trọng như một khế ước, tường trình, hiệp ước . . . luôn luôn phải đi sát với đề tài. Nếu không sẽ bị lạc đề và vô nghĩa. Hai thỉnh nguyện của giáo dân là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng đến nỗi ĐGM phải xin Đức Khâm sứ cho Cha Thiệp về giúp. Thế mà Bản Tường Trình Vắn Tắt của Cha đã không hề có chỗ nào đề cập đến hai thỉnh nguên này. Tôi rất thắc mắc tự hỏi tại sao không có những phần chính yếu này. Bản Tường Trình của Cha có khác gì một bức vẽ chân dung mà thiếu cái đầu. Như vậy không còn phải là hình người nữa mà là hình một quái vật. Chúng ta không thể chấp nhận sự kiện này được.

 3. VỀ HAI THỈNH NGUYỆN.

 a. Xin lập Giáo Xứ Thể Nhân.

 Cha Thiệp đã cải chính là Ngài được mời về San Jose không phải để “hoà giải” nhưng là để “nhận định tình hình . . .” Vậy Cha Thiệp nhận định gì về thỉnh nguyện này? Việc giáo dân xin lập Giáo Xứ Thể Nhân có đúng với Giáo Luật không? Nếu không đúng thì không đúng ở điểm nào? Nếu đúng thì Cha Thiệp có trình bày với Bề Trên như thế không? . . . Tôi nghĩ Cha Thiệp đã đề nghị lên Toà Giám Mục là Họ Đạo VN hội đủ điều kiện trở thành Giáo Xứ Thể Nhân (như Cha đã nói với hai ông Thiện, Bài) – CN 21, trang 21) và điều này đã không làm đẹp lòng Toà Giám Mục nên Cha Thiệp đã bị áp lực phải cắt bỏ khi viết Bản Tường Trình Vắn Tắt.

 b. Xin ĐGM rút lại lệnh bổ nhiệm Cha Lưu Đình Dương.

 Lý do là vì giáo dân thấy Cha Dương không có tình nghĩa cha con với họ, đã chống lại thỉnh nguyện chính đáng của họ? Cha Thiệp đã nhận định gì về việc Cha Dương làm Chánh Xứ Họ Đạo? Cha đã nghe, đã đọc, đã thấy sự chống đối Cha Dương thế nào rồi. Cha phải có một nhận định. Cha có thấy là trong tình trạng gay cấn như hiện nay, liệu Cha Dương có thể có sự hợp tác của đa số giáo dân để công việc mục vụ của Ngài có thể đem lợi ích cho giáo dân không? Cha đã trình bày với ĐGM thế nào về vấn đề này?

 Tôi nghĩ Cha Thiệp đã nhận thấy rõ công việc mục vụ của Cha Dương ở Họ Đạo VN không thể thành công được và Cha đã trình bày với ĐGM nên bổ nhiệm một linh mục khác (như Cha đã nói với hai ông Thiện, Bài) – CN 21, trang 21) và điều này đã không làm đẹp lòng Toà Giám Mục nên Cha Thiệp đã bị áp lực phải cắt bỏ khi viết Bản Tường Trình Vắn Tắt.

 Trên đây chỉ là những lời được đọc trong các báo Dân Tộc, Tín Hữu, Chính Nghĩa mà thôi. Không ai dám chắc đâu là sự thật, phải chờ Cha Thiệp lên tiếng trong một cuộc họp báo rộng rãi thì mới hết được thắc mắc.

C. DÂN CHÚA PHỎNG VẤN CHA THIỆP

 Đọc bài phỏng vấn Cha Thiệp của báo Dân Tộc đăng trong Dân Tộc số 253, trang 9-10, tôi càng thất vọng hơn. Vì, tuy ở đoạn mở đầu, ký giả dân Chúa nói là “muốn được biết thêm một số những chi tiết liên hệ cần thiết mà tờ phúc trình chưa nói tới, tôi thấy đây là một cuộc dàn cảnh, hy vọng che lấp các thiếu sót của Bản Tường Trình, nhưng thật ra nó càng lộ thái độ thiên vị của Dân Chúa. Ví dụ, ta thử nghe câu hỏi đầy gian ý của Dân Chúa:

 “Hỏi – Thưa Cha, như Cha đã thấy thì vấn đề chính yếu của sự chống đối là gì? Cái diện là chống lại lệnh bổ nhiệm Cha Lưu Đình Dương làm chánh xứ thay thế Cha Nguyễn Văn Tịnh và xin được thành lập Giáo Xứ Thể Nhân. Nhưng cái điểm của cuộc đấu tranh là gì?”

 Trong câu hỏi này, ký giả Dân Chúa đã gian ý cố tình xuyên tạc rằng mục tiêu của giáo dân không phải là thực sự tranh đấu cho hai thỉnh nguyện, nhưng chỉ dùng hai thỉnh nguyện làm bình phong để tranh đấu cho những mục tiêu khác. Chiếc mặt nạ của Dân Chúa đã rơi xuống là thiên vị chống giáo dân tranh đấu. Làm sao độc giả còn có thể tin tưởng vào những bài vở, ý kiến thiếu khách quan của Dân Chúa để tìm biết sự thật. Dân Chúa đã không phục vụ độc giả trong việc tìm kiếm sự thật mà lại còn hướng dẫn độc giả một cách sai lạc. Là một độc giả của Dân Chúa, tôi thấy bực mình vì bị lừa. Là một giáo dân, tôi thấy hỗ thẹn vì thái độ thiên vị bất xứng của ký giả Dân Chúa trong bài phỏng vấn này.

 Đọc bài phỏng vấn này làm tôi nhớ lại thái độ thiên vị của Dân Chúa trong bài “Nước Mắt Đầy Máu” của Dân Chúa số 117. Dạo đó tôi có viết một bài trả lời và yêu cầu Dân Chúa đăng bài của tôi vì luật lệ về sự công bằng của Báo Chí và quyền lợi của độc giả được đọc ý kiến khác biệt về một vấn đề. Nhưng Dân Chúa không đăng và cũng không trả lời.

D. HỌP BÁO

 Nếu ta được cái may mắn có cuộc họp báo hay phỏng vấn Cha Thiệp thì chắc là ta sẽ hết thắc mắc về hành động của Cha. Tôi chắc ai cũng đã có sẵn một số câu hỏi và sẽ được hỏi thẳng Cha. Như vậy Cha cũng dễ trả lời. Sau đó ta được trực tiếp góp ý với Cha để tìm cho ra sự thật về nội dung Bản Tường Trình đầy đủ của Cha cũng như ý kiến của Cha về các vấn đề liên hệ khác chẳng hạn như cuốn băng nhựa, Cha Dương v.v. . . Ở cái xã hội cởi mở của nước Mỹ này và nhất là thái độ của giáo hội Công Giáo ngày nay đòi hỏi mọi công việc của giáo hội phải quang minh chính đại, ta có nhiều hy vọng được gặp lại Cha để Cha có dịp giải đạp mọi thắc mắc của ta.

E. TẠI SAO DÙNG THÁNH LỄ?

 Viết đến đây, tôi muốn góp ý về câu của Cha Thiệp viết trong thư gửi cho Cha Sullivan đăng trong Tín Hữu số 10, trang 6 mà tôi đã ghi ở đầu bài này. Câu đó như sau: “Theo chỗ con (Cha Thiệp) biết, ngay cả trường hợp con có lên tiếng trong Thánh Lễ mà không có lợi cho họ (giáo dân chống đối), họ cũng sẽ đứng lên và phá rối ngay câu chuyện của con.” Tôi ngạc nhiên vì tại sao Cha Thiệp lại có ý nghĩ như vậy? Theo tôi hiểu thì Thánh Lễ là llúc để cho giáo dân thờ phượng Chúa. Tại sao lại muốn dùng Thánh Lễ để nói chuyện này nọ. Nếu Cha mốn nói chuyện này nọ thì dùng nơi khác như Toà Giám Mục, trụ sở của USCC, Trung Tâm Họ Đạo v.v . . . thiếu gì chỗ khác, chứ sao lại dùng Thánh Lễ. Làm như thế tục hoá Thánh Lễ rồi. Nhớ lại những vụ xô xát xảy ra trong nhà thờ là vì Bề Trên cố tình cho phép phe Cha Dương dùng Thánh Lễ để tranh giành ảnh hưởng, làm sai mục đích của Thánh Lễ. Nói thẳng ra, nếu Bề Trên hành động đúng mục như Cha Sở ở nhà thờ Our Lady of Peace thì có xảy ra rối loạn gì đâu. Những điều đơn sơ, giản dị như vậy ai cũng biết nhưng  Bề Trên cứ cố tình làm. Phe Cha Dương cứ cố tình lợi dụng để gây ra khiêu khích. Khi một bên khiêu khích thì bên kia phải phản ứng, gây ra xô xát rồi đổ lỗi cho người ta phá lễ. Cách tranh giành này là một hành động rất ấu trĩ, không bao giờ giải quyết được gì cả. Và theo pháp luật, bên cố tình khiêu khích bao giờ cũngcó lỗi nặng hơn.

 Tôi tin là Cha Thiệp vẫn thường đọc Chính Nghĩa, Đức Tin và Tín Hữu như Cha đã tỏ ra trong bài phỏng vấn của Dân Chúa. Cha đã thấy những thắc mắc của giáo dân được biểu lộ trong Chính Nghĩa. Vậy, vì lợi ích của mọi người và của chính Cha, xin Cha tổ chức một cuộc họp báo rộng rãi để làm sáng tỏ các vấn đề, càng sớm càng hay.

17-  TÔI ĐỌC ĐẶC SAN ĐỨC TIN

                                                                                                     
 Trong Chính Nghĩa số 26 , ngày 3-1-87, tôi đã có dịp trình bày mấy lời bàn luận về việc ĐGM Du Main có thể đã bị Cha Sullivan và phe Cha Dương bưng bít và xuyên tạc về giáo dân với Ngài. Vì vậy cho đến bây giờ ĐGM cũng chưa biết rõ sự thật về cuộc tranh đấu của giáo dân.

 Những người lãnh đạo trong phe Cha Dương là những người như thế nào, tôi chỉ được biết họ qua các bài họ viết trong Đức Tin và Tín Hữu. Một số bài có tính cách tham luận, phân tích. Nhưng những  bài này bị lu mờ bởi các bài khác mang tính cách hằn học, chửi bới, nguyền rủa đoàn thể hoặc cá nhân của đối phương (tức phe tranh đấu). Sau đây là một vài ví dụ về giọng điệu chửi bới, nguyền rủa của họ.

1. CHỬI BỚI VU VƠ

 Phe Cha Dương cứ ào ào chửi bới giáo dân tranh đấu là chống Giáo Hội. Họ biết rằng nói thế là nói àn nhưng họ cứ nói, hy vọng nói mãi rồi mấy người nhẹ dạ nghe dần sẽ quen tai, tin theo họ. Thử hỏi, giáo dân chống Giáo Hội ở chỗ nào? Giáo dân hoàn toàn tin theo, tuân phục Giáo Hội. Giáo dân chỉ chống lệnh bất công của ĐGM vì lệnh đó không phù hợp với cách làm việc của Giáo Hội, thiệt hại cho việc sống đạo của Giáo dân.

 Họ còn cố chấp nói Giáo dân chống đối là ly khai. Tại sao lại là ly khai? Những người nói như thế có hiểu mình nói gì không? Ly khai là gì? Nói một cách ngắn gọn, ly khai là tách rời khỏi Giáo Hội vì không chấp nhận những điều phán dạy về Tín Lý hay Luân Lý của Giáo Hội và như vậy, không chấp nhận quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng. Giáo dân chống đối đâu có phạm vào những điều kể trên. Hãy xem cái cảnh Ông Thiện và Ông Bài rước lễ từ tay ĐGM Du Main và nghe lời tuyên bố của Cha Sullivan là Ông Thiện và Ông Bài vẫn được hưởng mọi quyền lợi và ân sủng của Hội Thánh như mọi giáo dân. Ấy thế mà phe Cha Dương cứ một mực ghép cho Giáo dân chống đối là ly khai. Điều đó tỏ ra hoặc họ không am tường về lẽ đạo hoặc họ cố tình gây chia rẽ giữa giáo dân.

 Hành động đó là một hành động không-Công-Giáo. Thế nhưng họ lại vỗ ngực ra vẻ chỉ có họ mới đúng là Công Giáo. Thật ra, việc họ đang làm đi ngược lại với tinh thần Công Giáo, gây thiệt hại cho Giáo Hội, cho giáo dân và cho chính họ.

2. MỈA MAI NHỮNG NGƯỜI CÓ THIỆN CHÍ GIÚP ĐỠ HOÀ GIẢI

 Họ khinh rẻ ngay cả những người trung lập có thiện chí thấy cảnh bất hoà muốn giúp đỡ để đem lại bình an. Đọc những dòng chữ chế diễu của họ đối với những người đó, ai cũng thấy bực mình vì cái giọng trịch thượng của họ, bợ đỡ Bề Trên, khinh miệt người khác. Trong Đức Tin ngày 15-11-86, trang 44, họ viết, “. . . Nhóm (trung lập) này tạm gọi là nhóm trần-nhị-vũ. Nhóm này được ĐGM tiếp xúc một lần rồi thôi. Thất bại, nhóm này xin Toà Giám Mục giấu tên họ. Nhóm khác tạm gọi là nhóm nhi đồng cứu Chúa, qui tụ một số người trẻ non dạ, nhưng muốn làm một cái gì. Muốn-làm-một-cái-gì-không-ra-cái-gì, nên đành chạy dài, không ai tiếp. Nhóm khác nữa, sợ bóng sợ vía, sợ mất lòng ba bốn phía. Cũng họp hành bàn tán xôn xao, không viết nổi một bản tuyên ngôn. Chuyên trị: “boxer la bouche”. Họ khinh miệt cho rằng những người muốn giúp đỡ việc hoà giải là “cầu miếng cơm manh áo, thấy người ta ăn khoai mài, mình cũng vác mai chạy quấy.” (Đức Tin 15-11-86, trang 44). Họ dựa vào thế ĐGM, tự cao tự đại, chê cười hết mọi loại người già, trẻ, lớn, bé. Thái độ của họ làm tôi nhớ bọn quan lại hủ lậu ngày xưa được thực dân Pháp đào tạo thành tay sai đắc lực. Trước mặt quan thày thì cúi rạp người, dạ dạ, vâng vâng. Nhưng khi đến làng thì thị uy nạt nộ hết mọi người trong đám dân thường. Tàn tích nô lệ của cái thời hủ lậu xa xưa đến nay vẫn chưa gột rửa hết nơi họ.

3. NÓI XẤU NGAY CẢ NGƯỜI VẮNG MẶT.

 Họ chỉ trích bêu xấu cả người vắng mặt, đi xa không còn ở đây nữa. Đó là trường hợp Cha Tịnh. Đáng lẽ tôi không nên nhắc lại tên Cha Tịnh vì Cha đã bị đau khổ quá nhiều, ta nên để Cha yên phận. Nhưng phe Cha Dương vẫn cố tình lôi Cha Tịnh ra mà xỉ vả hạ nhục. Họ diễu cợt dáng dấp của Cha, khi Cha bị đau ốm kịch liệt mấy lần phải vào nhà thương cấp cứu vì thần kinh căng thẳng nên đi đâu cũng phải nhờ người khác lái xe cho khỏi nguy hiểm. Thế mà họ cũng diễu là Cha làm vẻ quan trọng dùng tài xế riêng.

 Họ còn ngỗ ngược làm cái việc thấp hèn là chế diễu cả cái tấm lòng hiếu thảo của Cha đối với phụ mẫu của Cha. Họ viết trong Đức Tin, 15-10-86, trang 17, “Suốt 11 năm ở với Cộng Đồng, cho tới năm cuối cùng Cha mới tổ chức giỗ phụ mẫu một cách trọng thể, như là một màn trình diễn, lòng hiếu thảo.” Đọc mấy dòng trên, tôi thấy buồn hết sức; vì đối với người VN chúng ta, dù có thù oán nhau đến mức có thể đánh giết nhau, nhưng không bao giờ đả động đến cha mẹ tổ tiên của nhau.Tấm lòng của người VN đối với cha mẹ tổ tiên thật là thiêng liêng cao cả, không ai có quyền diễu cợt. Kẻ nào dám chế diễu thì kẻ đó đi ngược lại truyền thống, văn hoá và phong tục của người VN ta. Tôi nghĩ, về phương diện này, kẻ viết những dòng này trong Đức Tin nên xin lỗi Cha Tịnh mới đúng đạo làm người.

 Họ còn phao tin đồn nhảm về Cha Tịnh. Họ gọi Cha là “Linh hồn vất vưởng”. Họ dám cả quyết là họ “Nhận diện được (Cha Tịnh) ở Milpitas, có lúc thì ở Hayard, lúc khác ở Fremont, nhiều lúc tại San Jose, một thời gian ngắn thì ở cách Đông Bá Linh không xa . . . kể từ lúc bị đuổi ở vườn địa đàng” (Đức Tin, 15-11-86, trang 48). Thật là hồ đồ, thế mà có kẻ tin được họ thì cũng lạ.

4. HỌ ĐẢ KÍCH ĐỜI TƯ VÀ GIA ĐÌNH NGƯỜI KHÁC.

 Trong một cuộc tranh luận về tư tưởng, ý thức hệ mà họ đả kích đời tư cá nhân và gia đình vợ con đối phương thì đó là một biểu hiệu tuyệt vọng của họ. Làm thế, họ đã phá hết mọi luật lệ về liêm sỉ làm cho người đọc chán ghét họ. Trong đời tôi, tôi chưa hề đọc trên giấy trắng mực đen những câu đệ tiện như những câu họ viết (trong Đức Tin, Giáng Sinh 86, cột 2 trang 42, và cột 2 trang 43) về Lê Đức An và Hồ Sinh Giang Tử, tác giả một số bài trong Chính Nghĩa. Tôi không dám trích lại đây vì sợ nó làm bẩn mắt độc giả.

 Sau khi đoán mò về những điều bất hạnh của người ta, họ đã dại dột dám nói rằng đó là “quả báo, trời phạt”.

 Tôi không biết phải xếp kẻ viết những câu đó vào loại người nào. Họ là người Công Giáo, nhưng thật sự lòng trí họ không được thấm nhuần một chút nào của đạo Công Giáo. Lòng họ đầy hằn thù, không phải lòng của người Công Giáo. Trí họ không được dạy dỗ theo giáo lý Công Giáo. Vì giáo lý Công Giáo dạy chúng ta rằng: Chúa thường gửi sự khó là Thánh Giá đến cho ta, con cái Chúa, để thử lòng ta và để ta chịu sự khó để lập công cho sáng danh Chúa. Sự khó Chúa gửi cho ta, đến dưới đủ mọi hình thức: bệnh hoạn, tật nguyền, chết bất ngờ, tai nạn xe cộ hay ngoài biển khơi như bao nhiêu đồng bào ta đã chịu . . . Và Chúa gửi đến cho mọi người: cho chính ta, cho vợ con, cha mẹ, anh em họ hàng ta. Vậy mỗi người trong chúng ta, kể cả kẻ viết bài này trong Đức Tin kia, thử nhìn vào mình, vào gia đình, cha mẹ anh em họ hàng mình xem có ai được Chúa thương gửi Thánh Giá cho không. Chúa nói: “Thánh Giá Cha ngọt ngào, chúng con hãy vác Thánh Giá mình mà theo Cha”. Dù một em nhỏ học giáo lý cũng biết cái điều căn bản này của đạo Công Giáo ta. Tại sao kẻ viết bài này trong Đức Tin lại xuyên tạc giáo lý của ta? Kẻ đó dám nói rằng đó là “quả báo, trời phạt”.

THAY LỜI KẾT

 Tôi xin mạn phép có lời khuyên kẻ viết bài đó trong Đức Tin.

 Ông bạn, ông sai quá rồi. Ông có tên là Công Giáo nhưng lòng trí ông không còn là Công Giáo nữa. Ông hãy đọc lại bài của ông, rồi tỏ lòng hối hận. Hãy khiêm nhường xin lỗi Lê Đức An, Hồ Sinh Giang Tử và toàn thể giáo dân vì không một gia đình nào mà không được Chúa thương gửi Thánh Giá bằng cách này hay cách khác. Ông đã làm buồn lòng mọi người vì cách ăn nói bậy bạ của ông.

 Đời ông còn dài, vợ chồng ông còn trẻ, còn sinh đẻ, có con cái. Ông còn có anh em họ hàng. Sống trong cái xã hội vật chất máy móc này, không một ai dám cả quyết là mình sẽ an toàn suốt đời. Ông phải loại bỏ sự hận thù khỏi lòng ông và phải luôn luôn tâm niệm rằng những điều mà trước đây ông cho là bất hạnh thì đó không phải là quả báo hay trời phạt, nhưng đó là Thánh Giá Chúa thương gửi cho ta để lập công làm sáng danh Chúa.

 Tôi viết mấy lời khuyên ông với tất cả lòng thành thực. Nếu ông nghĩ tôi mỉa mai ông thì tức là lòng ông vẫn thế. Tôi nghe nói ông và bạn ông mà tôi có trích bài trên đây là lãnh tụ của phe Cha Dương. Tôi thật ái ngại cho những người nhận các ông là lãnh tụ. Với cách suy luận sai lầm của các ông, với lời ăn tiếng nói và thái độ kiêu căng của các ông vậy.

18-  LÒNG TIN CỦA GIÁO DÂN BỊ KHỦNG HOẢNG

 Trước khi đi sâu vào nội dung của bài này, tôi xin có mấy lời minh xác để tránh hiểu lầm giữa hai danh từ ‘Đức tin’ và ‘lòng tin’.

 Đức tin là sự tin tưởng ở Thiên Chúa hay Giáo Hội, còn lòng tin là sự tin tưởng ở con người hay một tổ chức trần gian.

 Đức tin ở Thiên Chúa hay Giáo Hội của người Công Giáo chúng ta luôn luôn vững mạnh và càng gặp khó khăn trắc trở, Đức tin của ta càng trở nên sắt son.

 Trong bài này tôi chỉ nói về lòng tin của người giáo dân mà thôi.

 Tôi đã phân vân và đắn đo nhiều vì chủ trương của tôi là xây dựng chứ không bao giờ có xu hướng ngược lại. Một đôi khi, nếu bài tôi viết có nội dung gây cấn, thì đó cũng chỉ là vì tôi thấy cần nói lên sự thật, một sự thật không đẹp, theo quan điểm của tôi.
 Cuộc tranh đấu chính đáng của giáo dân San Jose, cũng như những cuộc đấu tranh tương tự của các đoàn thể, phong trào đi tiên phong chống lại các kẻ nắm trọn quyền bính trong tay, thường ít khi đem lại một cuộc thắng lợi tức thời. Nhưng ảnh hưởng của các cuộc đấu tranh đó đã từ từ lan rộng, âm thầm thấm vào lòng người, vào lương tâm của quần chúng, và chính những kẻ nắm quyền bính; và dần dần cảm hoá con người để rồi cuối cùng, những kẻ hậu sinh được hưởng những thành tựu của những cuộc tranh đấu của những người đi tiên phong. Những nhà cách mạng tiên phong của chúng ta là Nguyễn Thái Học, Nguyễn Minh Luân, Phan Bội Châu và vô vàn liệt sĩ khác có được hưởng gì cho chính bản thân đâu? Ngược lại, các Ngài đã bị tù đày, đau khổ và hy sinh luôn cả tính mạng mình. Nhưng kết quả của các cuộc tranh đấu của các Ngài đã làm cho người Việt ta nhận thức được quyền lợi của mình, đã thức tỉnh được lòng yêu nước thương nòi trong con người VN và cảnh cáo được bọn thực dân phải từ từ thay đổi chính sách cai trị đối với dân tộc ta.

 Trong quá trình tranh đấu của giáo dân San Jose, ta cũng thấy là nó đem lại nhiều đổi thay. Ta hãy nhìn lại những diễn tiến đã qua.

 - Khi San Jose còn thuộc Tổng Giáo Phận San Francisco, Đức Tổng Giám Mục Quinn đã cho phép thành lập Họ Đạo cho cộng đồng Công Giáo San Jose.
 
- Sau khi San Jose được tách rời thành giáo phận riêng. ĐGM Du Maine được tấn phong Giám Mục của tân giáo phận San Jose. Ngài đã thay đổi chính sách của Đức Tổng Giám Mục Quinn đối với Cộng đồng Công Giáo VN. Ngài hạ Họ Đạo xuống hàng Trung Tâm Mục Vụ theo bức thư của Ngài gửi các linh mục VN đề ngày 31-5-84.
 
- Giáo dân dâng thỉnh nguyện, âm thầm thắp nến cầu nguyện tập thể . . . ĐGM Du Maine lại nâng Trung Tâm Mục Vụ trở lại định chế Họ Đạo.

 - Trong lệnh bổ nhiệm Cha Dương thay Cha Tịnh, ĐGM lại hạ Họ Đạo xuống hàng Trung Tâm Mục Vụ.
 - Bị báo động về chính sách mục vụ của ĐGM, đi đôi với việc bổ nhiệm Cha Dương, một linh mục đã ủng hộ lập trường của ĐGM, giáo dân dâng hai thỉnh nguyện. Sau khi hai thỉnh nguyện bị ĐGM bác bỏ, cuộc tranh đấu bùng nổ.

 Giáo dân lo sợ, vì chính sách mục vụ của ĐGM đã được hoạch định rõ ràng trong bức thư gửi các linh mục VN. Chính sách đó dựa trên căn bản khả năng Anh Ngữ của giáo dân, có thể tóm tắt như sau: trừ những người cao niên không biết và cũng không học được tiếng Anh, còn những giáo dân VN trưởng thành và những vị gia trưởng cả nam lẫn nữ, các thanh thiếu niên, nhi đồng phải khởi sự tích cực tham gia vào đời sống của toàn thể giáo hội trong địa hạt họ đang cư ngụ và làm việc. “ĐIỀU NÀY CÓ NGHĨA LÀ GIA NHẬP VÀO ĐỜI SỐNG CỦA GIÁO XỨ ĐỊA PHƯƠNG (MỸ)” (Chính sách của Toà Giám Mục đăng trong bản Thông Tin của giáo phận số tháng 9-86, được đặc san Đức Tin dịch đăng trong số ra ngày 15-10-86, trang 8). ĐGM nói tiếp, “Niềm xác tin này đã hướng dẫn tôi đi dến việc thành lập một TRUNG TÂM MỤC VỤ cho giáo dân Việt Nam thay vì một NHÀ THỜ QUỐC GIA cho giáo hữu VN”. ĐGM còn nói rõ thêm “ . . . (quý Cha VN) cộng tác với các giáo xứ địa phương để cử hành Thánh Lễ buộc,  phép Rửa Tội và các nghi thức Hôn Phối: TẤT CẢ NHỮNG VIỆC SAU NÀY SẼ ĐƯỢC THI HÀNH TẠI CÁC NHÀ THỜ GIÁO XỨ (MỸ) HƠN LÀ TẠI TRUNG TÂM MỤC VỤ”. (Dân Chúa số 120, trang 6: Thư của ĐGM gửi các Linh Mục VN, ngày 31-5-84).

 Theo tinh thần của bức thư này, rõ ràng là ĐGM có ý định từ từ đồng hoá giáo dân VN vào giáo xứ Mỹ. Trung Tâm Mục Vụ hay Họ Đạo chỉ là một trạm chuyển tiếp mà thôi. Vậy mà trong bản tường trình vắn tắt, Cha Thiệp lại nói rằng, Họ (giáo dân VN) có sự hiểu lầm lớn lao về vị Giám Mục của họ. Giáo dân hiểu lầm điều gì? Cha Thiệp hiểu tinh thần bức thư này như thế nào? Tại sao Cha không giải thích ý nghĩa của bức thư này cho giáo dân nghe?

 Nói là Giáo dân hiểu lầm rồi không cắt nghĩa cho giáo dân biết phải hiểu như thế nào, thì có ích lợi gì? Chỉ làm cho giáo dân thêm hoang mang mà thôi.

 Nhưng nay, trong báo San Jose Mercury News số ra ngày 25-1-87 ĐGM quả quyết là không bao giờ Ngài có ý định bắt các giáo dân VN đồng hoá vào giáo xứ Mỹ. Ngài cũng nói là giáo xứ thể nhân đòi hỏi giáo dân phải tự túc được các cơ sở và phải có nguồn tài chánh mà Ngài tin là giáo dân VN có lòng rộng lượng sẽ cung ứng được. Nếu thật như vậy, thì đây là một thay đổi lớn lao trong chính sách của ĐGM đối với cộng đồng công giáo. Và cuộc tranh đấu của giáo dân, không nhiều thì ít, đã ảnh hưởng đến sự thay đổi này. Tuy vậy, giáo dân vẫn thắc mắc tự hỏi: Nếu quả thật ĐGM thương giáo dân và muốn cho giáo xứ thể nhân thì đối với Ngài có gì khó đâu? Tại sao ĐGM vẫn chưa cho giáo xứ? Nhiều nơi còn kém San Jose về mọi phương diện: dân số, cơ sở, tài chánh thế mà đã được ĐGM địa phương cho giáo xứ rồi.

Vậy vấn đề được đặt ra ở đây là, nhìn vào những diễn biến, đổi thay trong quá khứ, liệu giáo dân còn có được lòng tin nơi ĐGM không? Hay giáo dân sợ rằng rồi đây ĐGM lại tìm lý do để trở về chính sách cũ của Ngài.

Tôi rất ái ngại viết mấy dòng này, vì có vẻ như là tôi thiếu kính trọng đối với Bề Trên. Xin thưa là không phải như vậy. Từ nhỏ, mọi người công giáo VN chúng ta đã được dạy dỗ theo truyền thống là phải kính trọng các Đấng Bề Trên thay mặt Chúa. Chúng ta vẫn giữ truyền thống đó. Nhưng nếu phải nói thẳng, nói rõ vì lợi ích cho đời sống đạo và phần rỗi của ta, thì đó là điều “chẳng đặng đừng”, ta phải nói lên sự thật, dù là sự thật phủ phàng.

Những tiếng than trách của các phụ huynh học sinh Mỹ trong vụ ĐGM đóng cửa trường St. Joseph còn văng vẳng bên tai (CN số 1, trang 16)

Khi ĐGM bổ nhiệm Cha Dương về làm cha sở, giáo dân đệ đơn kêu xin ĐGM xét lại lệnh bổ nhiệm này vì có sự xung khắc giữa Cha Dương và giáo dân. Nhưng ĐGM không cứu xét mà cứ một mực tấn phong Cha Dương, dùng bạo lực cảnh sát và chó. Sau bao nhiêu biến động chống đối Cha Dương mà ĐGM còn tuyên bố trong ‘The Valley Catholic, Jan, 1987’ là, “Cha Dương được sự ủng hộ của giáo dân VN địa phương”. (He (Father Duong) had support from local Vietnamese Catholics). Như vậy giáo dân rất khó tin tưởng vào sự sáng suốt của ĐGM.

Hiện nay giáo dân lại gặp một tình trạng khó khăn nữa. Đó là: LÒNG TIN Ở ĐGM CỦA GIÁO DÂN BỊ KHỦNG HOẢNG.
Còn về Cha Dương thì sao? Trước khi Cha Dương được bổ nhiệm thay Cha Tịnh, giáo dân đã nhìn Cha Dương dưới cặp mắt nghi ngờ v2 trách móc vì những hành động, mưu toan của Cha đối với Cha Tịnh,  đối với Họ Đạo, và vì sự ủng hộ của Cha đối với chính sách mục vụ của ĐGM. Nhưng sau khi được bổ nhiệm thay Cha Tịnh, thì Cha Dương đã gửi một bức tâm thư cho giáo hữu, trong đó Ngài khẳng định . . . “Tôi nhận lệnh của Bề Trên về đây để tiếp tục công việc dang dở của Cha Giuse Tịnh và xây đắp Họ Đạo mỗi ngày thêm lớn mạnh, trên căn bản mà Cha Tịnh đã khởi công . . .” Ngài nói tiếp, “vói thiên chức Linh Mục, tôi sẽ vì Ông Bà và Anh Chị Em đề đạt lên Đức Giám Mục nguyện vọng xin nâng Họ Đạo của chúng ta lên hàng Giáo Xứ Thể Nhân . . .”

Một lần nữa, LÒNG TIN CỦA GIÁO DÂN BỊ KHỦNG HOẢNG. Nhìn vào những hành động trong quá khứ của Cha Dương, giáo dân tự hỏi: giáo dân có tin được Cha Dương không? Với những đổ vỡ tan tành giữa Cha và giáo dân, làm sao cha con có thể hợp tác làm việc với nhau. Nếu Cha Dương thật tình thương giáo dân, Cha nên hy sinh từ chức để tránhkéo dài sự đâu khổ cho giáo dân, cho ĐGM và cho cả chính Cha nữa. Trong tương lai, Cha còn bao nhiêu dịp gây lại tìnhnghĩa cha con đối với giáo dân. Giáo dân sẽ vô cùng biết ơn Cha.

Cuộc tranh đấu của giáo dân, tuy qua đau thương, nhưng chắc chắn sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng giáo dân. Tuy nhiên, như lời Ông Thiện và Ông Bài đã việt trong San Jose Mercury News, ngày 25-1-87, “Chúng tôi không hề quan niệm thua hay thắng trong cuộc tranh đấu này. Mọi sự chúng tôi có đều do Chúa ban, qua vị Đại Diện của Người là Đức Cha Du Maine.”
Giáo dân ta hãy tiếp tục cầu nguyện nhiều để xin Chúa, Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse và các Thánh Tử Đạo ban ơn soi sáng cho Bề Trên và cho mọi người chúng ta được biết làm theo Thánh Ý Chúa.

19-  VÔ TƯ HAY THIÊN VỊ

Ở đời có cuộc tranh đấu nào mà không gặp khó khăn, vì nếu không gặp khó khăn thì đâu gọi là tranh đấu nữa. Một cuộc tranh đấu lại còn bị khó khăn gấp bội nếu những người đáng lẽ nên đứng vào hàng ngũ đấu tranh thì lại tích cực chống lại cuộc đấu tranh. Trường hợp này xảy ra hầu hết trong mọi cuộc đấu tranh lớn nhỏ, và cuộc đấu tranh của giáo dân San Jose cũng không thoát khỏi trường hợp rủi ro này.

Thật ra ta chưa hề thấy ai lên tiếng công khai nói rằng thỉnh nguyện xin giáo xứ thể nhân là sai cả. Ta chưa hề thấy một người nào chống lại thỉnh nguyện này, vì ai cũng biết đây là một thỉnh nguyện chính đáng có lợi cho hết mọi người.

Còn thỉnh nguyện xin đổi lệnh bổ nhiệm Cha Dương. Sau khi thấy rõ sự bất hoà giữa Cha Dương và đa số giáo dân, trong thâm tâm, ai  cũng thấy rằng việc Cha Dương về nhậm chức chủ chiến của Họ Đạo là một điều không hợp với lề lối làm việc bình thường. Ai cũng biết như thế. Vậy thì tại sao cuộc tranh đấu vẫn còn kéo dài, gây đau thương cho tất cả mọi người. Theo tôi, đây là hai lý do chính:

1. Toà Giám Mục không muốn dùng quyền lực để bắt giáo dân phải phục tùng hơn là dùng tình thương và lẽ phải. Nếu khi nhận được thỉnh nguyện của giáo dân, ĐGM tạm ngưng lệnh bổ nhiệm Cha Dương, rồi triệu tập giáo dân hoặc các người đại diện để ĐGM giải thích và cho giáo dân có dịp được trình bày ý kiến, thì làm gì có chuyện tranh đấu này. Nhưng ĐGM đã không quan tâm đến nguyện vọng của giáo dân, cứ một mực dùng quyền lực của Ngài, ngoảnh mặt làm ngơ, cố tình bắt giáo dân phải tuân theo lệnh của Ngài.

2. Có một số người, đáng lẽ ra nên ủng hộ giáo dân, và nếu họ không muốn ủng hộ thì họ nên im lặng. Ngược lại, họ tích cực chống đối và lên án giáo dân. Tôi muốn nói là số anh em trong phe Cha Dương đã kịch liệt chống lại giáo dân tranh đấu. Họ dùng mọi phương cách kể cả những phương cách bất chính: chụp mũ, chửi bới, moi móc đoán mò để chế diễu đời tư, gia đình của người tranh đấu. Rất hạ cấp.

 Thêm vào đó, mấy vị trong hàng giáo sĩ VN, tôi xin phép mở một dấu ngoặc ở đây (Ta biết có nhiều vị đang ỏ trong một hoàn cảnh khó khăn nên dù muốn cũng không thể lên tiếng ủng hộ giáo dân được. Chúng ta rất thông cảm và cảm ơn các vị đó. Xin các vị cứ tiếp tục cầu nguyện cho giáo dân), có mấy vị đã thiên vị, lợi dụng địa vị của mình, chống lại giáo dân, đổ dầu vào lửa nên cuộc tranh đấu còn kéo dài.

 a. Đọc Dân Chúa, ta thấy Dân Chúa thiên vị, một chiều quá rõ rệt. Là một tờ báo phục vụ giáo dân, Dân Chúa có bổn phận, như mọi tờ báo khác, phải trình bày sự thật cho độc giả biết trước rồi mới bình luận theo xu hướng của mình. Dân Chúa đã không làm thế. Dân Chúa nặng lời trách móc là giáo dân gây rối loạn mà không nói cho độc giả biết nguyên nhân tại sao. Bất cứ một người nào có óc suy luận cũng thấy là Dân Chúa có thái độ bất công, và vì thế coi thường bình luận của Dân Chúa.

 b. Tôi được đọc bài “Nhà thờ Việt Nam” đăng trên tờ Đồng Vọng số 15 của Cha Trác, tôi được phấn khởi bởi những ý kiến Cha đưa ra trong bài đó. Nó phù hợp với nguyện vọng của giáo dân San Jose, muốn có một nơi  để thờ phượng Chúa theo phong tục, tiếng nói và truyên thống của nguời VN. Bài đó viết “Theo kinh nghiệm của chính giáo dân VN tại Hoa Kỳ, Canada, Úc Châu, những gia đình VN qui tụ thành giáo xứ riêng vẫn có cơ hội tiến bộ và sống đạo dễ dàng sâu xa hơn những gia đình sống chung với giáo xứ Mỹ.” Và trong Đồng Vọng số 16, mục tin tức, viết, “Tuy đã ở Mỹ hai ba bốn nam cho đến mươi mười hai năm, mà (giáo dân VN) vẫn không quen với mục vụ Mỹ, hay nói đúng ra, không thích mục vụ Mỹ. . . ” Vậy mà khi giáo dân VN ở San Jose dâng thỉnh nguyện xin giáo xứ thể nhân và bị ĐGM bác bỏ thì Cha Trác laị ủng hộ lập trường của ĐGM và trách “giáo dân đòi hỏi quá đáng” (Đồng Vọng 16, trang 1).

 Trong bài ‘Vụ lộn xộn tại San Jose’ (Đồng Vọng 16), Cha Trác viết, “Ngài (Cha Thiệp) được chính nhóm tranh đấu nâng lên hàng Sứ Giả Hoà Bình.” Cha Trác đã sai lầm một trăm phần trăm khi viết câu này. Khi Cha Thiệp về công tác ở San Jose, các báo Việt, Mỹ đã gọi Ngài là “Sứ Giả Hoà Bình”, giáo dân tranh đấu (báo Chính Nghĩa) chỉ theo các báo kia mà gọi Ngài như thế. Sau đây là bằng chứng:

 - Tín hữu (số 3, trg 6) gọi Cha Thiệp là Sứ Giả Hoà Bình.
 - Đức Tin (ra ngày 15-11-86 tr.44) gọi Cha Thiệp là Sứ Giả của vị Khâm Sai Toà Thánh.
 - Bản Tuyên Cáo của Phong trào BVĐTCGSJ, Hội đồng Giáo dân VNSJ, Lực lượng cựu QCCCG VNSJ (Đức Tin, Giáng sinh 86, tr.3) ) gọi Cha Thiệp là Sứ Giả Hoà Giải.
 - Báo Dân Tộc (số 240 ngày 20-9-86) gọi Cha Thiệp là Sứ Giả Hoà Bình, Sứ Giả Toà Thánh Vatican.
 - Báo San Jose Mercury News (ngày 13-9-86) gọi Cha Thiệp là Vatican’s mediator.
 - Báo The Catholic Voice (ngày 24-11-86) gọi Cha Thiệp là mediator.
 - Báo San Jose, Asian Week (ngày 12-12-86) gọi Cha Thiệp là mediator delegated by the Vatican’s U.S Ambassador.
 - Và gần đây nhất, báo Dân Chúa (số 120, Jan, 87, trong bài phỏng vấn) cũng gọi Cha Thiệp là Sứ Giả Hoà Giải.

 Cha Trác theo dõi cuộc tranh đấu thì phải thấy rõ sự kiện này. Không lẽ các báo Việt, Mỹ kia đã theo Chính Nghĩa, bắt chước Chính Nghĩa gọi Cha Thiệp là Sứ Giả Hoà Bình sao? Dĩ nhiên là không? Vậy thì sao Cha Trác lại dựng đứng lên chuyện này và vu cho Chính Nghĩa là đã “nâng Cha Thiệp lên hàng Sứ Giả Hoà Bình”. Cha Trác có thâm ý gì? Có phải chăng vì Cha Trác cũng nhận thấy là “Bản Tường Trình Vắn Tắt” của Cha Thiệp quá mơ hồ, thiếu sót không xứng đáng với danh hiệu Sứ Giả Hoà Bình, nên muốn gỡ tiếng cho Cha Thiệp?

 Cha Trác còn nói là sau khi bản tường trình của Cha Thiệp được công bố thì “nhóm đấu tranh đã phản ứng lại Cha Thiệp và đã bôi nhọ, chửi bới Cha Bề trên dòng Đồng Công . . .” Tôi không đồng ý với sự nhận định này. Những người viết trong Chính Nghĩa đã đưa ra lý do vững chắc để kết luận là “Bản Tường Trình Vắn Tắt” vô nghĩa, vô giá trị, không xứng đáng với sứ mệnh “hoà giải”, một sứ mệnh mà chính Cha Thiệp tự đặt cho mình khi trả lời cuộc phỏng vấn của báo Dân Tộc (số 241, ngày 27-9-86). Cha Thiệp nói “Lúc này tôi đang làm sứ mạng trung gian hoà giải.” Nhưng rồi về sau, trong bài phỏng vấn của báo Dân Chúa, số 120, tháng 1-87, Ngài lại chối và lại nói là Ngài chỉ được mời đến San Jose để nhận định tình hình . . . Giáo dân tranh đấu đã dám nói sự thật về việc làm của Cha Thiệp, một sự thật không đẹp đẽ gì và họ đã nói thẳng ra như thế. Như vậy, làm sao gọi là bôi nhọ, là chửi bới được.

 Cha Trác còn nói là, “Họ (giáo dân tranh đấu) tăng cường những hành động loạn đảo, khiến ngày 14/12/86, ĐGM Du Maine phải ra lệnh đình chỉ các Thánh Lễ VN trong toàn giáo phận” (Đồng Vọng số 16). Cha Trác đã tỏ ra không am tường chút nào về tình trạng này. Sự loạn đảo xảy ra không phải vì giáo dân tranh đấu gây ra, nhưng là vì Toà Giám Mục, qua Cha Sullivan, đã truất phế Ban Chấp Hành họ đạo được giáo dân bầu. Rồi Ngài cử người của phe Cha Dương đi làm việc phục vụ trong nhà thờ thay những người đã làm từ trước do Ban Chấp Hành đề cử. Ban Chấp Hành Họ Đạo phản đối. Cha Sullivan biết thế nhưng vẫn cố tình dùng phe Cha Dương nên mới xảy ra xô xát trong nhà thờ. Sau đó ĐGM đã dùng việc này làm lý do để cấm Lễ VN.
 Mọi sự xảy ra là do kế hoạch của Toà Giám Mục, vì, sau khi cấm Lễ VN, một viên chức của Toà Giám Mục tuyên bố với báo San Jose, Asian Week, ngày 14/12/86 là “Ngài hy vọng giáo dân VN, không còn được hưởng các nghi lễ bằng tiếng Việt, sẽ làm áp lực đối với Ông Trần và các người lãnh đạo khác để chấm dứt những cuộc biểu tình chống đối” (A diocesan official said he hoped the Vietnamese Catholics, deprived of services in their own language, would put pressure on Tran and other leaders to end the demonstration).

 Báo Dân Tộc số 249, viết “Nguồn tin thân cận cho biết: Các giáo dân trong phong trào BVĐT và Hội Đồng giáo dân đã sẵn sàng hành động nếu ĐGM có những quyết định cứng rắn với phe tranh đấu.” Như vậy ta đã thấy là phe Cha Dương chỉ đợi Toà Giám Mục bật đèn xanh là họ ra tay mạnh, có nghĩa là xô xát trong nhà thờ.

 Căn cứ vào các sự kiện trên, ta thấy rõ là mọi xô xát trong nhà thờ đưa đến việc bãi bỏ Thánh Lễ VN đã xảy ra theo đúng kế hoạch của Toà Giám Mục.

 Nhưng Toà Giám Mục và phe Cha Dương đã tính sai. Chẳng những giáo dân không làm áp lực đối với Ông Thiện, Bài như Toà Giám Mục mong muốn, mà ngược lại họ bất mãn với Toà Giám Mục và phe Cha Dương. Họ cho đó là một sự lạm dụng quyền bính và là một việc làm tàn nhẫn đối với sự sống đạo của giáo hữu. Do đó, giáo dân tranh đấu càng đoàn kết hơn. Nhiều người trước kia hờ hững, thì nay họ có cảm tình với giáo dân tranh đấu vì họ thấy ĐGM dùng quyền lực chèn ép giáo dân VN.

 c. Tôi đọc bài ‘Giáo dân nghe cuốn băng nhựa của Cha Thiệp’ đăng trong Tín Hữu số 3, ngày 25-10-86, tôi rất bất bình với Cha Thiệp. Tôi muốn nói đến truờng hợp sau đây: Cha Thiệp đến gặp giáo dân tranh đấu ở Trung Tâm Mục Vụ Họ Đạo. Cha đã hỏi họ nhiều vấn đề để tìm hiểu về tình hình. Giáo dân đã thành tâm trình bày với Cha những điều họ thấy, họ nghe, họ biết. Thế rồi, khi Cha Thiệp đến gặp phe Cha Dương, Cha Thiệp chỉ trích, nói xấu miệt thị giáo dân tranh đấu với phe Cha Dương. Phe Cha Dương thâu băng Cha Thiệp và bán băng đó. Cha Thiệp làm thế là phản bội lòng tin của giáo dân. Làm sao giáo dân còn có thể giữ được sự kính trọng đối với cá nhân của Cha. Cha Trác nghĩ gì về hành động này của Cha Thiệp?

 d. Cha Dương bị giáo dân chống đối ròng rã 6 tháng trời. Hai lần Cha Dương có cảnh sát và viên chức Toà Giám Mục hộ tống về nhậm chức tại Trung Tâm, nhưng đều bị giáo dân ngăn chận. Với sự chống đối mãnh liệt như vậy, Cha Trác có nghĩ là công việc mục vụ của Cha Dương còn hiệu quả đối với giáo dân không?

 Với thái độ vô tư và hiểu rõ về các trường hợp các sự việc đã xảy ra, chắc là không ai có thể trách giáo dân tranh đấu là “đòi hỏi quá đáng” là đã tự ý nâng Cha Thiệp lên hàng sứ giả hoà bình” là đã “gây ra những vụ loạn đảo.”

 Giáo dân tranh đấu không dám mong gì hơn là một thái độ vô tư nơi Dân Chúa, Cha Thiệp, Cha Trác.

20-  Trả lời bài
‘TIẾNG NÓI CỦA LƯƠNG TÂM” trong HIỆP THÔNG
                                                                 

 

Tôi được người quen gửi cho tờ Hiệp Thông, ra ngày 25-1-87 của Cha Đỗ Thanh Hà. Sau khi đọc bài “Tiếng nói của lương tâm” trong mục “Mách cho nhau” tôi xin góp một vài ý kiến sau đây.

Đọc bài đó, tôi thấy Cha Hà đã dè vặt, muốn cho độc giả thấy là Cha có thái độ khách quan đối với cuộc tranh đấu của giáo dân ở San Jose. Nhưng dù Cha đã rào đón trước sau, tôi vẫn thấy là Cha đã không khách quan, vì Cha không có cái nhìn bao quát mà chỉ nhìn theo một hướng thôi. Tôi xin trình bày sau đây:

A. Theo Cha Hà thì về phía người Mỹ, họ công khai phản ứng chống lại giáo dân tranh đấu ở San Jose.

 Tôi thấy ngay là nhận xét này cũng như những nhận xét khác của Cha trong suốt bài báo đều dựa vào tin tức do những phần tử chống giáo dân cung cấp. Vì thế, cách lập luận của Cha không khách quan, một chiều, bất công.Thật đáng tiếc. Tôi xin thưa với Cha Hà là về phía Mỹ, chắc Cha đã không được đọc báo San Jose Mercury News hay báo San Francisco Chronicle những bài như “A Bishop against his flock” (Vị Giám Mục chống lại đàn chiên) hay bài “Bishop Du Maine should communicate, not excommunicate” (Đức Giám Mục Du Maine nên đối thoại không nên ra vạ tuyệt thông) . . . Hai bài nầy tiêu biểu cho nhiều bài khác đã phân tách khá rõ cuộc tranh đấu của giáo dân. Chắc Cha Hà cũng không xem hoặc đọc về các đài truyền hình ABC, NBC, CBS trong dịp Giáng Sinh khi họ loan tin và bình luận về buổi lễ cầu nguyện xin hoà giải của giáo dân San Jose. Ban tổ chức có mời Đức Giám Mục nhưng Ngài đã từ chối không đến dự. Cả ba đài TV này đều có những lời lẽ ủng hộ nguyện vọng của giáo dân. Ví dụ, phóng viên đài CBS đã bình luận : “ Trong khi dời sống tâm linh của người Công Giáo Hoa Kỳ gặp nhiều khó khăn và đang đi xuống, thì có một nhóm người thiểu số, người tị nạn VN với trên 7000 người Công Giáo tại San Jose đã xin thành lập một Giáo Xứ Thể Nhân để phát huy đời sống đạo đức mà không hiểu tại sao Đức Giám Mục Du Maine lại làm lơ trước nguyện vọng của họ” (Việt Nam nhật báo trích đăng trong số ra ngày 27-12-1986). Trên đây chỉ là một vài ví dụ điển hình về dư luận của người Mỹ đối với cuộc đấu tranh của giáo dân San Jose. Ta thấy nó ngược lại với nhận xét mà Cha Hà đưa ra.

 Còn về phía Cộng Đồng VN tị nạn ở San Jose thì sao? Phải công nhận là lúc đầu họ rất dè dặt và thận trọng như Cha Hà đã nói. Nhưng rồi họ bắt đầu theo dõi nội vụ và nhất là sau dịp Lễ Giáng Sinh và Hội Chợ Tết, họ đã tỏ ra có cảm tình với cuộc tranh đấu của giáo dân vì họ nhận ra đâu là sự thật. Chính Đức Giám Mục cũng bắt đầu thay đổi, không quá cố chấp như trước. Viên chức của Toà Giám Mục, gần đây mới tuyên bố là “Đức Giám Mục sẽ cho Giáo Xứ Thể Nhân khi giáo dân hội đủ những điều kiện về tài chánh và tổ chức” (San Jose Mercury News, 25-1-87). Vậy xin Cha Hà hãy đưa mắt nhìn về hướng này nữa để có được cái nhìn khách quan.

B. Sau khi có những nhận xét thiếu khách quan về phản ứng của phía người Mỹ và  Cộng Đồng VN tị nạn ở San Jose, Cha Hà còn nói thêm là Cha “xin phép được khách quan trưng dẫn một số sự kiện xác thực mà vì không nắm vững, những người trong cuộc đã nhìn sai vấn đề”.

 Tôi xin được thưa lại với Cha Hà: giáo dân VN trong cuộc đã nắm vững những sự kiện này từ lâu rồi. Người không nắm vững sự kiện về giáo dân San Jose là Cha Hà. Sau đây tôi xin trình bày về từng điểm mà Cha Hà đã đưa ra.

1. Cha Hà viết, “Mọi cơ sở vật chất do giáo dân quyên góp và tạo mãi đều thuộc chủ quyền quản trị và xử dụng của Giáo Hội qua Giáo quyền địa phận sở tại mà Đức Giám Mục là đại diện chính thức”.

 - Tôi xin trả lời: Giáo dân đều hiểu như Cha Hà nói và hành động theo sự hiểu biết đó. Giáo dân dùng Trung Tâm Họ Đạo để họp nhau cầu nguyện, thờ phượng Chúa. Giáo dân mời Đức Giám Mục, các Cha, hết mọi người đến hợp cùng giáo dân trong việc thờ phượng. Nhưng Đức Giám Mục chẳng những đã không đến dự mà còn cấm các Cha, các tu sĩ đến nữa . . . Điều mà Cha Hà muốn nói nhưng lại không nói ra, có lẽ là về việc Cha Dương bị ngăn cản không về nhận nhiệm sở ở Họ Đạo được. Đây là một vấn đề dài dòng cần phải đối thoại cho ra lẽ phải, trái. Nó không liên quan gì đến chủ quyền của cơ sở Họ Đạo.

2. Cha Hà viết, “Một trong những đặc tính tông truyền của Giáo Hội là tinh thần vâng phục . . .”

 - Tôi xin trả lời: So sánh với giáo dân các nước, nhất là các nước Tây Phương kể cả ở nước Mỹ này, giáo dân Việt Nam vâng phục giáo quyền hơn ai hết. Sự chống đối này xảy ra chỉ vì Đức Giám Mục đã không muốn dùng lòng thương và lẽ phải để cứu xét nguyện vọng của giáo dân. Ngược lại, Ngài dùng quyền lực để ép buộc giáo dân phải chấp nhận một quyết định thất nhân tâm, là phải chấp nhận Cha Dương làm chủ chiên. Một lần nữa lại chuyện Cha Dương, một Linh Mục mà giữa Ngài và giáo dân có sự xung khắc từ mấy năm qua. Làm sao Đức Giám Mục lại có thể bổ nhiệm một Linh Mục trước kia đã chống nguyện vọng của Họ Đạo bây giờ lại về làm Chủ Chiên của Họ Đạo. Thật là trái ngược với lương tri, với lề lối làm việc của Giáo Hội, không ích lợi cho sự sống Đạo của giáo dân. Vì thế giáo dân phải dâng thỉnh nguyện để xin Đức Giám Mục cứu xét lại, nhưng Đức Giám Mục không cứu xét, cứ ép buộc giáo dân phải tuân lệnh. Cách làm việc đó ngược lại với tinh thần của Giáo Hội, của Cộng Đồng Vatican.

 Nhân thể tôi xin được phép nhắc lại hai trường hợp liên quan đến sự dùng quyền lực và đức vâng lời.

 a. Vụ Galillée. Năm 1633 Đức Giáo Hoàng Urbano VIII đã nghe theo các vị cận thần ghen tương, ích kỷ, xúi bẩy, nên Người đã dùng quyền lực của Giáo Triều lên án Galillée, bắt ông tự nhận là sai quấy. Trước uy quyền của Giáo Triều, tuy Galillée biết mình là phải mà vẫn phải vâng phục. Vì vậy mà bây giờ Giáo Hội phải chịu tiếng xấu về vụ này, thế giới chê cười. Đó là một vết nhơ không tẩy rửa được trong Giáo Sử. Ta thử đặt câu hỏi: nếu ngày nay có thể làm lại được lịch sử thì có người Công Giáo nào muốn Đức Giáo Hoàng dùng quyền lực của mình như thế không? Chắc chắn là ta sẽ tìm mọi cách để ngăn cản Người. Vụ Galillée không thuộc về tín lý. Có lẽ ý Chúa nhiệm mầu cho nó xảy ra để nhắc nhở cho Bề Trên trong Giáo Hội biết là dù có quyền thế đến đâu đi nữa thì Bề Trên cũng phải dùng quyền đó một cách khôn ngoan, dè dặt và nhất là nên lắng tai nghe để tránh có những quyết định sai lầm như vụ Galillée.

 b. Đức vâng lời. Nếu các Cha di cư Việt Nam đã theo đúng đức vâng lời như đã khấn hứa khi được thụ phong, thì liệu có Linh Mục Việt Nam nào dám bất tuân lệnh của Đức Giám Mục Việt Nam của mình trốn ra nước ngoại quốc, lánh nạn cộng sản không? Về vấn đề này, có nhiều ý kiến khác biệt nhau. Tôi xin miễn bàn. Riêng tôi, tôi chỉ dám nghĩ là mỗi người, kể cả Linh Mục, khi hành động đều có lý do riêng của mình. Và tôi quan niệm rằng khi một việc đã xảy ra không thay đổi lại được, thì ta nên tìm cái khía cạnh khả quan của nó để sống bình an với mình và với nhau. Khía cạnh tôi muốn nói đến trong trường hợp này là, nếu tất cả các Linh Mục VN đều theo lệnh Đức Giám Mục, không một Cha nào di cư sang một quốc gia thứ ba thì ngày nay giáo dân di cư đã không có các Cha VN dẫn dắt trong đời sống tinh thần.

 Sở dĩ tôi nhắc lại hai trường hợp kể trên là để góp ý với Cha Hà khi Cha nhắc lại tinh thần vâng phục trong Giáo Hội.

3. Cha Hà viết, “Mọi mưu toan xách động chống giáo quyền bằng phương tiện thế tục như phỉ báng, bạo hành, tự nó đã phản lại tinh thần Kitô.”

 Tôi xin thưa: Ai là người có mưu toan để nảy sinh ra vụ tranh đấu này? Theo các văn kiện đã được công bố, theo các bằng chứng và nhân chứng, thì Cha Dương là người đã có mưu toan chống lại Cha Tịnh và nguyện vọng của giáo dân. Toà Giám Mục đã tục hoá Thánh Lễ vì đã dùng quyền lực của mình, cho phép phe Cha Dương tranh giành ảnh hưởng trong việc phục vụ nhà thờ, gây ra xô xát để Toà Giám Mục lấy cớ cấm Thánh Lễ Việt Nam, hy vọng là giáo dân sẽ chán nản và bỏ cuộc tranh đấu. Toà Giám Mục đã bạo hành trong việc dùng cảnh sát và chó trong và ngoài nhà thờ ngăn cản giáo dân vào Thánh đường. Giáo dân đã phải phản ứng để nói lên những sự thật không đẹp này của Cha Dương và Toà Giám Mục. Nói lên sự thật mà sao lại có thể gọi là phỉ báng? Vậy, theo các sự việc đã xảy ra, ai là người đã phản lại tinh thần Kitô?

4. Cha Hà viết, “Lịch sử Giáo Hội đã chứng minh rằng tất cả những hiện tượng ly giáo, chối bỏ tính cách tông truyền của ngai Thánh Phêrô đều khơi nguồn từ thái độ tự kiêu, thiếu tinh thần vâng phục.”

 - Tôi xin thưa: vụ tranh đấu cho hai thỉnh nguyện chính đáng của giáo dân khơi nguồn ly khai ở chỗ nào? Chống lại Giáo Hội ở chỗ nào? Giáo dân sẵn sàng đón nhận mọi ý kiến, mọi sự chỉ giáo đúng đắn và xây dựng của mọi người, mọi đấng bậc. Nhưng xin đừng ai nguỵ biện về sự tranh đấu của giáo dân vì làm thế là gây chia rẽ, gây hiểu lầm và là thiếu trách nhiệm. Cha Hà còn ám chỉ là giáo dân có thái độ tự kiêu. Cha Hà còn sai hơn nữa. Giáo dân chỉ là con cái trong gia đình Giáo Hội. Giáo dân không quan niệm được, thua với Bề Trên là cha mẹ. Con cái không dám tự kiêu với cha mẹ. Trong mọi hoàn cảnh, con cái vẫn là con cái và cha mẹ vẫn là cha mẹ. Điều khó khăn ở đây là Bề Trên, là cha mẹ, không muốn nhìn nhận sự sai lầm của mình vì tự ái, tự kiêu, nên cứ một mực bắt con cái phải theo ý riêng của mình. Cho dù con cái có nói phải, cha mẹ cũng không muốn nghe theo vì quá tự ái.

5. Cha Hà viết, “Sự công khai lên tiếng của Sứ Thần Toà Thánh tại Hoa Kỳ mới đây để tái xác nhận sự tín nhiệm của Vatican về tư cách và việc làm của Đức Cha Du Maine, Giám Mục giáo phận San Jose, hẳn phải mang một ý nghĩa đặc biệt trong lúc này.”

 - Tôi xin thưa: Chắc là Cha Hà muốn nói về bức thư của Đức Khâm Sứ Toà Thánh gửi cho ông chủ tịch Ban Chấp Hành Họ Đạo. Trần Công Thiện đề ngày 24-9-86, trong đó Đức Khâm Sứ cám ơn ông Thiện đã trình cho Ngài biết về sự việc xảy ra ở San Jose. Ngài viết, “Bishop Du Maine enjoys the esteem of this office and the Holy See.” Báo Dân Chúa số 120 dịch câu đó như sau: Đức Giám Mục Du Maine được sự ngưỡng mộ của văn phòng tôi và của Toà Thánh.”Tại sao Cha Hà lại hiểu câu đó như Cha đã viết ở trên? Ngưỡng mộ hay quý trọng một người không nhất thiết có nghĩa là đồng ý với tất cả mọi việc người ấy làm.

 Tuy vậy, mục đích chính của thư đó là khuyên Ông Thiện và giáo dân “cộng tác với Đức Giám Mục Du Maine để đạt tới sự hoà giải hầu đem lại sự đoàn kết . . . ” (Dân Chúa số 120, trang 13). Cha Hà có biết rằng đã nhiều lần hai Ông Thiện, Bài xin được yết kiến Đức Giám Mục, nhưng Đức Giám Mục không cho phép? Hai ông nhờ cả Cha Thiệp, Đại diện Đức Khâm Sứ, dàn xếp để xin được gặp Đức Giám Mục nhưng cũng không được gặp. Dịp Giáng Sinh, dịp Tết, giáo dân đông đảo họp mặt mời Đức Giám Mục đến để xin hoà giải nhưng Đức Giám Mục không đến và cũng không cho một Cha hay tu sĩ nào dưới quyền Ngài đến. Như vậy thì làm sao hoà giải được. Giáo dân muốn hoà giải nhưng vô phương. Nếu không có đối thoại, làm sao hoà giải? Các cơ quan truyền thông đã phê bình thái độ cố chấp nầy của Đức Giám Mục. Tôi sợ là các Cha, các giáo dân ở xa không biết rõ sự thật về các sự việc nên cứ nghĩ xấu về giáo dân San Jose. Thật là một điều bất công cho giáo dân San Jose. Xin quý vị hãy suy nghĩ lại.
 Những điểm Cha Hà nêu ra trên đây chứng tỏ Cha chỉ nhìn một chiều và hiểu biết rất ít về nội vụ. Cha chỉ nghe hoặc đọc những tin tức do phe Cha Dương cung cấp. Như vậy thì làm sao biết được sự thật, làm sao nắm vững được các sự kiện để có được một sự nhận xét đúng đắn. Địa vị Giám Đốc của Cha còn đòi hỏi Cha phải có một thái độ vô tư. Bằng không giáo dân sẽ coi thường những lời của Cha.

C. Một sự kiện liên quan đến vụ tranh đấu này mà tôi chắc là Cha Hà nắm vững được, đó là việc giáo dân chống đối Cha Dương. Nó kéo dài ròng rã 6 tháng rồi. Nó sôi sụt và quyết liệt như thế nào, chắc Cha Hà cũng biết rồi. Vậy Cha Hà có lời khuyên gì cho Cha Dương không? Trong bài “Tiếng nói của lương tâm” của tờ Hiệp Thông, tuyệt nhiên tôi không thấy có chỗ nào Cha Hà đề cập đến Cha Dương. Nếu Cha Hà quên, thì Cha vẫn còn thì giờ để ngỏ lời với Cha Dương. Muộn còn hơn không.

KẾT LUẬN
 
 Đọc bài “Tiếng nói của lương tâm” tôi cảm thấy rất buồn vì nghĩ rằng chính các Cha mà còn có những nhận định sai lầm về giáo dân ở San Jose thì làm sao các giáo dân dưới quyền của các Cha biết được sự thật. Giáo dân ở San Jose không phải là ai xa lạ. Họ là bà con, thân thuộc, bạn bè của quý vị đồng hương khắp nơi. Quý vị đều quen biết họ bằng liên hệ này hay liên hệ khác. Họ không phải là người xấu như quý vị đã có thể bị tuyên truyền xuyên tạc về họ. Và tôi tin là một khi quý vị hiểu rõ công việc họ làm, quý vị sẽ mừng và sẽ không hỗ thẹn về họ.

Trở về  MỤC LỤC   *   Phần 3