Home CĐ Singleton

Tiếng Lương Tâm (Phần 3) PDF Print E-mail
Tác Giả: Đỗ Văn Hiến   
Thứ Năm, 03 Tháng 12 Năm 2009 22:48

 

21-  Trả lời bài ‘RÔMA ĐÃ LÊN TIẾNG’ trong Dân Chúa

A. Bài ‘Rôma đã lên tiếng’ trong mục Dân Chúa trước thời cuộc, đăng trong Dân Chúa, số 120 tháng 01, 1987, trang 3, đã dựa hoàn toàn vào bức thư của Đức Tổng Giám Mục Pio Laghi, Sứ Thần Toà Thánh tại Mỹ gửi cho Ông Trần Công Thiện, đề ngày 24-9-86.

Dân chúa đã nhấn mạnh là “Khi Rôma đã lên tiếng về những ý kiến đối nghịch nhau tại Họ Đạo Việt Nam, thuộc giáo phận Jose tức là phán quyết của Rôma đã được biểu lộ rõ rệt.” Viết thế, tức là Dân Chúa muốn nói rằng hai bên, Toà Giám Mục và những giáo dân tranh đấu, phải nghe theo những điều mà Đức Tổng Giám Mục, Đại Diện Toà Thánh, đã viết trong bức thư đó. Và ta có thể hiểu thêm rằng, nếu ai không nghe theo những điều đó có thể bị coi là đi ngược lại “phán quyết của Rôma”. Tôi rất đồng ý với Dân Chúa về kết luận trên đây.

B. Bây giờ ta thử đọc lại bức thư đó -  bản chính bằng tiếng Anh đăng ở Chính Nghĩa số 14, trang bìa trong. Bản dịch bằng tiếng Việt đăng ở Dân Tộc sổ, trang 3 và ở Dân Chúa số 120, trang 13 -  để tìm hiểu nội dung của nó để biết chủ ý của vị Sứ Thần Toà Thánh như thế nào.

1. Vị Sứ Thần Toà Thánh, ngay ở đầu bức thư, đã viết, “Kính gởi: Ông Trầ Công Thiện, chủ tịch Ban Chấp Hành Họ Đạo Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo.

2. Vị Sứ Thần Toà Thánh nhắc nhở Ông Thiện rằng, “Đức Giám Mục Pierre Du Maine được sự ngưỡng mộ của văn phòng tôi và của Toà Thánh”.

3. Vị Sứ Thần Toà Thánh cảm ơn Ông Thiện đã cung cấp tin tức hiện tại liên quan đến Cộng Đồng cho Ngài và khuyến khích Ông Thiện, trong tinh thần bác ái và thiện chí, “cộng tác với Đức Giám Mục để đạt tới sự hoà giải hay đem lại sự đoàn kết . . .”

C. Sau đây là những nhận định của tôi về bức thư đó:

1. Khi Toà Giám Mục đã tự ý giải nhiệm Ông Thiện và Ban Chấp Hành Họ Đạo thì Vị Sứ Thần Toà Thánh vần công nhận Ông Thiện là Chủ Tịch BCH Họ Đạo NVCTTĐ được giáo dân Họ Đạo bầu lên. Như thế, Toà Giám Mục đã đi ngược lại ý muốn của giáo dân và của Vị Sứ Thần Toà Thánh. Vì vậy mà cho đến nay giáo dân vẫn một mực chấp nhận ông Thiện và các thành viên của Ban Chấp Hành trong cương vị của họ. Làm thế là đúng luật, đúng với truyền thống và cách làm việc của giáo dânViệt Nam. Toà Giám Mục cắt cử những người mới để làm các việc phụng vụ trong nhà thờ thay những người đã được Ban Chấp Hành đề cử, nên đã gây ra những vụ xô xát đáng tiếc trong nhà thờ. Như thế thì đâu có phải là lỗi ở giáo dân.

2. Vị Sứ Thần Toà Thánh viết, “Đức Giám Mục Du Maine được sự ngưỡng mộ của văn phòng tôi và của Toà Thánh.”

 Câu trên đây đã được Dân Chúa và tờ Hiệp Thông khai thác triệt để. Vậy ta thử phân tích nó để biết được rõ ý nghĩa của nó.

 Câu đó đã được dịch từ câu tiếng Anh trong thư vị Sứ Thần gửi cho ông Thiện. Câu đó như sau: “Bishop Du Maine enjoys the esteem of this office and the Holy See.” Thật ra danh từ ‘esteem’ phải dịch là ‘sự kính mến’ hay ‘sự quý trọng’ mới đúng (theo tự điển Anh-Việt của Nguyễn Văn Khôn, Khai Trí, Sài Gòn và tự điển Anh-Việt của Nhà Xuất Bản Khoa Học, Hà Nội). Vậy Sứ Thần Toà Thánh kính mến hay quý trọng Đức Giám Mục Du Maine, điều đó không có nghĩa là Ngài đồng ý với tất cả các việc làm của Đức Giám Mục Du Maine. Tôi xin đưa ra một ví dụ khác. Đức Giáo Hoàng được sự kính trọng và quý mến của biết bao nhiêu người trên thế giới trong đó có cả những bậc vua chúa, các nhà chánh trị, các nhà lãnh đạo các quốc gia và tôn giáo. Nhưng như vậy đâu có nghĩa là các vị này hoàn toàn đồng ý với các việc Đức Giáo Hoàng làm hay các  lời Đức Giáo Hoàng nói, vì ‘kính mến’ hay ‘đồng ý’ khác nhau quá xa. ‘Kính mến’ thuộc về tình cảm. ‘đồng ý’ thuộc về lý trí.

 Đọc bài ‘Rôma lên tiếng’ tôi có cảm tưởng là Dân Chúa muốn cho độc giả hiểu rằng Vị Sứ Thần Toà Thánh Rôma đồng ý với các quyết định của ĐGM Du Maine trong vụ này. Nếu thật như vậy, thì theo tôi, Dân Chúa đã hiểu sai chủ ý của Vị Sứ Thần.

 3. Sứ Thần Toà Thánh khuyến khích ông Thiện trong tinh thần bác ái và thiện chí, “cộng tác với Đức Giám Mục để đạt tới sự hoà giải.” Như vậy, ta thấy chủ đích của Sứ Thần Toà Thánh trong thư này thật là rõ ràng. Ngài khuyên ông Thiện:

 a. Cộng tác với Đức Giám Mục.

 Ông Thiện và Ông Bài đã tìm mọi cơ hội để cộng tác với ĐGM. Các ông đã viết thư nhiều lần xin gặp ĐGM; nhưng ĐGM không cho gặp. Hai ông đã nhờ cả Cha Thiệp giúp mà cũng không được phép. Các ông ấy luôn luôn sẵn sàng cộng tác nhưng ĐGM không muốn. Để cộng tác phải có hai bên. Nếu một bên muốn, một bên không muốn thì làm sao có thể cộng tác được.

 b. Đạt tới sự hoà giải.

 Hai chữ hoà giải luôn luôn là mục tiêu của giáo dân. Giáo dân tìm mọi cách để đạt mục tiêu này. Khốn nỗi, mục tiêu này như một bóng ma. Giáo dân càng cố đến gần thì nó càng chạy xa. Trong dịp Cha Thiệp về công tác ở San Jose, dịp Giáng Sinh, dịp Tết, giáo dân hội họp đọc kinh, thắp nến cầu nguyện, van nài ĐGM đến để cha con hoà giải mà Ngài im lặng làm thinh. Các đài truyền hình đến thu hình và loan tin bình luận về các buổi lễ này đều than phiền về thái độ không cộng tác, không hoà giải của ĐGM, vì họ thấy rõ thiện chí cộng tác và hoà giải của giáo dân.

 Giáo dân đã không đến được gần ĐGM, cầm lễ, cấm các phép Bí tích. Giáo dân không thiếu thiện chí. Nhưng một khi ĐGM không muốn thì giáo dân làm gì được. Đâu có phải lỗi giáo dân không muốn hoà giải.
D. Khi đăng bài ‘Rôma lên tiếng’, có vẻ Dân Chúa muốn nói là giáo dân S.J không theo phán quyết của Sứ Thần Toà Thánh. Nhưng đọc cho kỹ, suy nghĩ cho kỹ thì ta thấy Dân Chúa đã bất giác buộc tội ĐGM là Ngài đã cố chấp, vì Ngài không nghe theo lời khuyên của Sứ Thần Toà Thánh để cộng tác với giáo dân hầu đạt tới sự hoà giải.

 Nếu Dân Chúa thực tình muốn giúp giải quyết vụ này, thì Dân Chúa nên khuyên ĐGM Du Maine hãy nghe theo lời khuyên nhủ của Sứ Thần Toà Thánh, cho phép giáo dân hoặc đại diện giáo dân được yết kiến Ngài, mở đường đối thoại, thì chắc chắn là cuộc khủng hoảng này sẽ chấm dứt mau chóng như mọi người mong muốn. Như thế mới tỏ ra Dân Chúa thật là khách quan, vô tư và có tinh thần xây dựng. Liệu Dân Chúa có dám làm việc này không? Hay là Dân Chúa sợ làm mất lòng Bề Trên, hoặc nghĩ rằng Bề Trên là người cầm quyền bính, nên Bề Trên nói gì hay làm gì, giáo dân phải một mực cúi đầu vâng theo, vì Bề Trên không thể sai lầm được kể cả những Đấng Bề Trên đã lạm dụng địa vị và quyền hạn của mình?

 Tôi còn nhớ ở quê tôi, Bắc Việt, có một Cha xứ rất là hống hách, thường hay chửi mắng con chiên. Có lần Ngài bắt một ông trùm họ nằm xuống và lấy roi đánh ông ấy chỉ vì họ của ông ấy không góp đủ số những gánh rạ cho nhà xứ để dùng trong việc bếp núc. Đấy giáo dân đã bị xử như thế đó.

 Đây là cuối thế kỷ 20, thời của Cộng Đồng Vaticano không nên còn tư tưởng hủ lậu của thời đầu thế kỷ nữa. Dân Chúa nên suy nghĩ lại để có một thái độ đúng đắn và công bằng đối với giáo dân SJ, là hàng con cái trong gia đình Giáo Hội của Chúa Kitô. Giáo dân sẽ biết ơn Dân Chúa.


22-  BÓP MÉO SỰ THẬT

Câu “Bóp méo sự thật” nghe rất quen tai vì ta thường nghe và đọc thấy trong các báo chí của các phe nhóm chống đối nhau để tố cáo lẫn nhau. Gần đây ta đọc thấy câu này lại xuất hiện trong tờ Hiệp Thông, ngày 8-2-87, của Cha Đỗ Thanh Hà, Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo địa phận Orange, California.

 Tôi rất ái ngại khi phải nghe hay đọc nó vì nó rất tiêu cực và dễ gây hiểu lầm nơi độc giả, nhất là khi những người dùng nó lại không trưng dẫn được bằng chứng làm hậu thuẫn cho lời tố cáo của mình.

 Hiệp Thông số ra  ngày 8-2-1987, trong bài “Khi thiện chí của đám đông bị lạm dụng”, Cha Hà đã viết những câu có tính cách tố cáo giao dân tranh đấu San Jose mà không đưa ra một bằng chứng nào để làm hậu thuẫn cho lời tố cáo của Cha.

 A. Ta đọc thử câu sau đây: Nó (cuộc đấu tranh) đã bung ra quá xa mục tiêu và phương thức thỉnh nguyện ban đầu mà những thành phần xướng xuất đưa để lôi cuốn đám đông.” Tôi không hiểu tại sao Cha Hà lại có thể nói là “nó đã bung ra quá xa mục tiêu”. Cha có biết mục tiêu của cuộc tranh đấu của giáo dân San Jose là gì không? Có lẽ tôi cần nhắc lại giúp Cha. Mục tiêu đó là hai thỉnh nguyện: (1) Xin ĐGM cho giáo dân được giáo xứ thể nhân như Giáo Luật cho phép và (2) Xin ĐGM rút lại lệnh bổ nhiệm Cha Dương làm chủ chiên của Họ Đạo. Hai thỉnh nguyện này chưa hế được ĐGM cứu xét, nó vẫn nằm yên trong tủ sắt của Ngài, không hề nhúc nhích, chưa tiến được một bước nào tới gần mục tiêu. Như vậy thì làm sao nó “đi quá xa mục tiêu lúc ban đầu” được. Hiệp Thông 25-1-87. Cha Hà cònnói thêm là “mục tiêu ban đầu đã biến dạng” (Hiệp Thông 8-2-87). Mục tiêu của giáo dân, trước sau vẫn là một. Xin Cha Hà cho biết mục tiêu của giáo dân đã biến dạng ở chỗ nào? Cha nói mơ hồ như thế, làm sao Cha thuyết phục được những người có trí suy luận. Xin Cha đừng coi thường sự hiểu biết của giáo dân. Cách nói của Cha Hà có thể làm cho người đọc có cảm tưởng là giáo dân đã đạt được mục tiêu rồi mà lại còn đòi hỏi thêm nữa như kiểu “được voi đòi tiên”. Nếu đó là điều Cha Hà định nói thì Cha đã sai hoàn toàn. Càng ngày ta càng thấy Cha Hà không biết gì về cuộc tranh đấu của giáo dân San Jose mà lại muốn phê bình, chỉ trích làm cho người ta càng thấy rõ tính cách thiên vị của Cha. Một khi người ta thấy là một người có thái độ thiên vị thì những lời nói hay lời phê bình của người đó còn giá trị gì không?

 B. Về phương diện áp dụng của hai bên trong cuộc tranh đấu này. Tôi nghĩ là cả hai bên đều đã mắc phải những lầm lỗi như tôi đã có dịp trình bày trước đây. ĐGM đã quá dựa vào quyền lực của Ngài, dồn ép giáo dân vào góc tường nên giáo dân đã phải phản ứng lại một cách đáng tiếc. Bình thường, một vị Bề Trên khác không thể để xảy ra cuộc khủng hoảng này.

 Việc náo loạn trong nhà thờ xảy ra là vì ĐGM đã dùng quyền lực của Ngài một cách ức chế. Giáo dân thấy là ĐGM chẳng những không cứu xét thỉnh nguyện của họ lại còn thẳng tay chèn ép họ bằng Lễ Tấn Phong Cha Dương, dùng Cảnh Sát và chó săn. Trước sự khiêu khích tột bực này, họ không còn tự kiềm chế được nữa. Tôi rất buồn thấy cảnh tượng nơi Thánh Đường này. Toà Giám Mục đã phạm lầm lỗi nhiều hơn là giáo dân vì, như tôi đã nói, hành động của Toà Giám Mục là một sự khiêu khích tột bực. Vậy thì Cha Hà không còn ý do để tố cáo giáo dân là gây rối loạn trong nhà thờ mà không quy trách nhiệm cho Toà Giám Mục đã gây ra sự khiêu khích trắng trợn này.

 C. Trong mấy số Hiệp Thông liên tiếp Cha Hà hay dùng cách nói bóng gió, ám chỉ là giáo dân bị “những phần tử trong bóng tối đấy ác ý, lừa gạt, giật giây.” (Hiệp Thông ngày 8 và 15 tháng 2, 87). Tôi thật ái ngại cho một vị Linh Mục mà lại có thể dùng cách nói này. Người dân thường mà dùng cách này còn bị chê bai. Nếu biết sự thật thì tại sao không nói thẳng ra? Tại sao lại phải dùng cách nói mập mờ, hồ đồ, có ác ý vu cáo người khác? Chỉ có kẻ yếu thế mới dùng cách này vì họ không có lý lẽ gì vững chắc, chính xác. Họ có thể nhằm vào những người nhẹ dạ, nông nổi, không biết suy nghĩ nghe ai nói gì cũng tin. Còn những người biết suy nghĩ thì sẽ mĩm cười bỏ qua, coi thường lời của họ. Người thường còn không nên dùng cách nói bóng gió, ám chỉ ác ý này, phương chi là một Linh Mục; vì Linh Mục là người rao giảng lời Chúa, nói ra lời nào, giáo dân coi như lời Chúa, phải đường đường chính chính, làm mẫu mực cho giáo dân nghe theo, không thể nói vu vơ được.

 Tranh luận đường hoàng là một phương thức để cho dân chúng tìm ra phải, trái, hay, dở; vì thế, rất được ưa chuộng ở nước Mỹ tự do này. Ngược lại, những cách ăn nói hồ đồ, chụp mũ không đưa ra được bằng chứng thì đâu có giá trị gì. Cách ăn nói này bị người ta khinh dễ vì nó ấu trĩ và hủ lậu, không xứng đáng với trình độ văn minh của xã hội này.

 D. Sự mâu thuẫn của Cha Hà. Trong tờ Hiệp Thông 25-1-87, Cha Hà quả quyết là phía người Mỹ đã công khai phản ứng chống lại giáo dân. Nhưng trong tờ Hiệp Thông 15-2-87, Cha Hà lại công nhận là nhóm chống đối “đã tạo được một nguồn dư luận bất lợi về tư cách vị đại diện Chúa trong Giáo Hội địa phương.” Nói một cách nôm na, trước đây Cha Hà muốn nói là dân địa phương “chê” nhóm giáo dân chống đối. Bây giờ Cha Hà muốn nói là dân địa phương “chê” Đức Giám Mục. Như thế có phải là Cha Hà tự mâu thuẫn không? Có nhiều người đã ngạc nhiên về sự mâu thuẫn này của Cha. Riêng tôi, tôi không ngạc nhiên chút nào cả, vì tôi biết là khi một người không nắm vững được các sự kiện của một việc gì mà lại lên tiếng phê phán về việc đó thì rồi không sớm thì chầy người đó sẽ vấp phải lỗi lầm như thế và còn nhiều lỗi lầm khác.

 E. Lời nói của Cha Hà không đi đôi với việc làm của Cha Hà. Cha Hà nói, Ngài muốn “giúp giải quyết tình trạng một cách êm đẹp và mau chóng hơn.” (Hiệp Thông 25-1-87). Cha nói thế, nhưng những bài Cha viết trong Hiệp Thông mang đầy tính cách thiên vị, một chiều chống giáo dân. Cha muốn giúp “giải quyết êm đẹp” mà Cha lại hùa vào một bên rồi thoá mạ bên kia một cách bất công thì làm sao“giải quyết êm đẹp và mau chóng” được. Thật là mâu thuẫn. Cha đã không giúp giải quyết mà lại còn đổ thêm dầu vào lửa, làm cho cuộc khủng hoảng còn kéo dài thêm. Như vậy, việc làm của Cha đã đi ngược lại ý muốn của Cha. Xin Cha Hà bình tĩnh, vô tư, suy nghĩ lại, đừng vội vả nóng nảy, đừng để thiên kiến chi phối thì Cha mới hy vọng tìm được một phương cách hợp tình, hợp lý, nếu thực tình Cha muốn giúp “giải quyết tình trạng một cách êm đẹp và mau chóng” như Cha đã nói.

 Trong mọi trường hợp, không có gì quý bằng sự thật, vì sự thật ở Chúa mà ra. Xin Cha Hà đừng vì thiên kiến mà nói năng mập mờ, hồ đồ, cắt nghĩa sai lạc về giáo dân San Jose.

 Thực tình tôi không bao giờ dám vô lễ với Bề Trên. Nhưng nếu cần nói sự thật thì tôi phải nói, dù rằng sự thật đó có làm buồn lòng Bề Trên. Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm về những điều tôi nói và tôi mong rằng bất cứ ai, kể cả Đấng Bề Trên, cũng phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình.
Monterey ngày 28-2-1987

23-  AI CÔNG KÍCH AI?

 Cuối tuần qua tôi được đọc bài ‘Chiêu bài Chính Nghĩa’ trong Hiệp Thông, bản tin hàng tuần của Cộng Đồng Công Giáo VN, giáo phận Orange, CA, ra ngày 22-2-87, do Cha Hà làm Giám Đốc. Tôi thấy bài này chứa đựng lời lẽ rất thâm độc, dựa vào những suy luận vu vơ và định kiến.

 Thường thì bất cứ bài nào trong báo chí cũng có tên tác giả để độc giả biết. Nếu không thì độc giả phải hiểu bài đó của cá nhân hay đoàn thể chủ trương tờ báo đó. Vậy tôi xin được phép nghĩ rằng, vì Cha Hà là Giám Đốc nên Cha có trách nhiệm về bài này. Và tôi xin được góp ý với Cha Hà về những lời lẽ trong bài đó như sau:

1. Cha Hà thường dùng cách nói mơ hồ là cuộc tranh đấu của giao dân ở San Jose bị giật giây bởi những “thế lực nghịch với Giáo Hội.”

 Tôi đã có dịp trình bày là cách nói mơ hồ, đầy ác ý này thường bị khinh rẽ ở cái xã hội văn minh pháp trị của nước Mỹ này vì nó ấu trĩ. Ở một xã hội chậm tiến, dân chúng chưa biết suy luận tự lập thì cách nói mơ hồ của Cha Hà rất hiệu quả vì dân chúng rất dễ nghe theo nhất là những lời nói đó phát xuất từ cửa miệng của người có địa vị như một Linh Mục. Nhưng giáo dân VN ở đây đâu có phải là những ngừi có trình độ thấp kém như thế.

 Tục ngữ VN có câu: “Nói có sách, mách có chứng.” Nếu Cha Hà có bằng chứng là có kẻ thù nghịch Giáo Hội giật giây giáo dân thì xin Cha Hà phanh phui ra . Bằng không, Cha nên thận trọng kẻo người ta chê cười là ăn nói hồ đồ, không xứng đáng với địa vị Linh Mục của Cha. Tôi tin là Cha Hà không có bằng chứng gì cả, nhưng vì quá thiên vị chống giáo dân nên Cha tưởng tượng ra như thế.

 Nhân tiện tôi xin hỏi lại Cha Hà: giáo dân San Jose phản Giáo Hội ở chỗ nào? Giáo dân chỉ chống đối cách làm việc bất công của ĐGM đối với giáo dân VN. Như vậy mà Cha có thể gọi là chống phá Giáo Hội sao?
2. Cha Hà nói là “nhóm chống đối công kích và nói xấu Cha Thiệp.”

 Thật là buồn phải nói lại chuyện Cha Thiệp. Nhưng Cha Hà khơi lại thì buộc lòng phải trả lời Cha. Không nhiều thì ít, ai cũng biết về chuyện Cha Thiệp: từ danh xưng “Sứ giả” của Cha cho đến công việc “nhận định” của Cha, từ “bản tường trình vắn tắt” của Cha đến cuốn băng nhữa của Cha, từ buổi tiếp đón chuyện trò tâm phúc của giáo dân với Cha ở Trung Tâm đến vụ Cha đem chuyện họ và nói xấu họ với phe Cha Dương. Giáo dân đã chỉ trích “bản tường trình vắn tắt” của Cha là vô nghĩa, là vô giá trị; vì sự thật nó như thế. Lý do họ nói như thế được trình bày rất rõ rệt trong liền mấy số CN bắt đầu từ số 22. Tôi không muốn nhắc lại vì sợ làm mệt trí độc giả.

 Cha Hà còn nói là giáo dân nói xấu Cha Thiệp thì không đúng. Phải nói là Cha Thiệp nói xấu giao dân thì mới đúng, vì sự thật đã rõ rệt như tôi đã nói ở trên. Bằng chứng còn rõ ràng trong cuốn băng nhựa mà phe Cha Dương đã thâu và bán lấy tiền. Bằng chứng còn trên giấy trắng mực đen trong Tín Hữu số 3, trang 3-4.

3. Cha Hà nói là “nhóm chống đối công kích Cha Trác.”

 Sự thật, nhóm chống đối đã nói thẳng cho Cha Trác biết là họ không thể chấp nhận được việc Cha Trác đã vu cho họ là đã “tự ý nâng Cha Thiệp lên hàng Sứ giả”. Họ cũng không chấp nhận việc Cha Trác nói là “họ đã tăng cường những hành động loạn đảo, khiến ngày 6-12-1986 ĐGM Du Maine phải ra lệnh đình chỉ các Thánh Lễ VN trong toàn giáo phận”, vì đó là hoàn toàn sai sự thật như đã được chứng minh trong Chính Nghĩa số 31 trang 10. Họ có lý do để trách Cha Trác đã lạm dụng địa vị của mình và xuyên tạc những điều kể trên về họ. Thật ra, Cha Trác công kích họ, chứ họ không công kích Cha Trác. Họ chỉ tự vệ.

4. Cha Hà nói là “tờ Dân Chúa và hai tờ khác đã bị giáo dân tranh đấu lăng mạ, đập đánh tơi bời chỉ vì dám loan tin, bình luận một cách trung thực, đúng tinh thần Kitô.”

Tôi nghĩ là Cha Hà đã đi ra ngoài lẽ phải khi viết những dòng trên. Bài “Nước Mắt Đầy Máu” của Dân Chúa đăng trong Dân Chúa số 117 tháng 10, 1986, đã có những cái nhìn thiên lệch một chiều, vu cáo giáo dân một cách thâm độc cũng như những bài trong Hiệp Thông của Cha Hà. Dịp đó tôi có viết bài trả lời và xin Dân Chúa đăng, nhưng Dân Chúa đã lời đi không đăng, cũng như tôi đã gửi bài trả lời cho Cha Hà và xin đăng ở Hiệp Thông để độc giả có dịp đọc, rồi tuỳ độc giả nhận định nhưng Cha Hà cũng lờ đi không đăng. Nếu Dân Chúa và Hiệp Thông “dám loan tin, bình  luận một cách trung thực, đúng tinh thần Kitô” như Cha Hà đã nói ở trên, thì tại sao lại lờ đi không đăng bài trả lời của độc giả? Chính Cha Hà và Dân Chúa đã bưng tai, bịt mắt giáo dân, có lẽ là vì sợ giáo dân thấy mình nói sai sự thật và sẽ không nghe theo mình nữa. Thế mà Cha Hà lại tố cáo là Chính Nghĩa bưng tai, bịt mắt giáo dân. Vậy có lạ không? Còn hai tờ báo kia mà Cha Hà cũng nói là giáo dân chống đối lăng mạ thì tôi không nhớ ra được trong trường hợp nào. Vậy xin Cha Hà cho biết. Hay là Cha lại tưởng tượng nữa?

5. Một điều rấ mỉa mai là Cha Hà trong Hiệp Thông, ngày 25-1-87, đã tỏ ra muốn “giúp giải quyết tình trạng một cách êm đẹp và mau chóng hơn” trong khi đó Cha Hà lại viết những bài sặc mùi đả phá, lên án, vu cáo, buộc tội giáo dân. Trước thái độ của Cha như vậy, làm sao giáo dân còn tin tưởng ở Cha, dám tín nhiệm ở “thiện chí và vô tư” của  Cha để hy vọng Cha “giúp giải quyết”?

6. Nguy hiểm và tệ hại hơn nữa là Cha Hà đã liều lĩnh gọi những hành vi của giáo dân tranh đấu là “phản đạo” (Hiệp Thông ngày 22-2-87). Đây là một điều vu không nghiêm trọng đầy ác ý. Giáo dân xin Cha Hà đưa bằng chứng về câu nói trên. Nếu Cha không có bằng chứng thì đó là một việc làm vô trách nhiệm và phạm pháp. Có lẽ Cha Hà nghĩ rằng ở cái nước Mỹ tự do ngôn luận này, ai muốn nói gì cũng được. Nếu Cha nghĩ thế thì sai lầm quá. Điều này làm tôi nhớ lại lời ông Nguyễn Trân trong một bài bình luận về tác phẩm “Việt Nam máu lửa” của ông Đỗ Mậu đăng trong báo “Việt” số 145, ngày 20-2-1987. Ông Trân có nhắc lại sự nhận định của tờ Hiệp Thông ngày 28-12- 86 đối với ông Đỗ Mậu như sau: “Giữa một quốc gia mà quyền tự do cá nhân được tôn trọng gần như tuyệt đối như Hoa Kỳ, ông Đỗ Mậu có quyền mặc tình nói ngược, nói xuôi theo ý của ông ta.” ông Nguyễn Trân không đồng ý với nhận định của tờ Hiệp Thông và có nhắc cho Hiệp Thông biết là “Ở xứ này quyền tự do cá nhân quả thật được luật pháp tôn trọng và bảo vệ nhưng nếu dùng quyền đó để nói xấu, nhục mạ danh dự người khác hay tập thể khác, thì quyền tự do của cá nhân hay tập thể bị nói xấu hay nhục mạ cũng được luật pháp bảo vệ. Toà án là cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ thanh danh của người hay tập thể bị xâm phạm đó.”

 Trên đây Cha Hà nói là giáo dân (Chính Nghĩa) công kích Cha Thiệp, Cha Trác và đánh phá báo Dân Chúa . . . Nhưng nhìn kỹ lại quá trình tranh đấu của giáo dân, ai cũng thấy là giáo dân không bao giờ công kích ai trước mà luôn luôn phải tự vệ sau khi bị công kích. Ta cứ xem lại các trường hợp sau đây thì sẽ rõ.

 a. Cha Thiệp nói xấu giáo dân với phe Cha Dương, làm tờ tuờng trình “vắn tắt” mơ hồ, thiên lệnh, bất công . . . sự kiện này quá hiển nhiên – vì thế, giáo dân đã phản ứng lại để tự vệ.

 b. Báo Dân Chúa, trong bài “Nước Mắt Đầy Máu” đã thiên vị, xuyên tạc, miệt thị giáo dân; vì thế, giáo dân đã phản ứng lại để tự vệ.

 c. Cha Trác đã vu cho giáo dân là đã tự ý nâng Cha Thiệp lên hàng Sứ giả và gây ra loạn đả trong nhà thờ, chỉ trích thậm tệ giáo dân; vì thế, giáo dân đã phản ứng lại để tự vệ.

 d. Cha Hà, trong tờ Hiệp Thông, đã công kích, vu cáo giáo dân; vì thế giáo dân đã phản ứng lại để tự vệ.

 Ai cũng nhận thấy là trong những trường hợp trên đây. Cha Thiệp, Cha Trác, Cha Hà và Dân Chúa, Hiệp Thông đã “gây sự” với giáo dân trước, chứ có ai thấy giáo dân “gây sự” trước đâu.

8. Về các bài chống đối giáo dân đăng trong Hiệp Thông, tôi xin phép hỏi Cha Hà rằng “Giáo dân San Jose có làm gì chống Cha hay là chống giáo dân của  Cha đâu mà sao Cha lại khởi sự cho đăng những bài có tính cách vu cáo, miệt thị, đả phá giáo dân San Jose như thế? Cha có nghĩa là Giáo dân San Jose ngồi im khoanh tay, chịu trận những sự chửi bới, vu khống của Cha không? Khi giáo dân trả lời Cha một cách đàng hoàng, rõ rệt, chính xác thì sao Cha lại nghĩ là họ công kích Cha?

 Từ đầu, giáo dân tranh đấu San Jose đã phải chịu nhiều sự bất công. Nhưng một điều an ủi cho giáo dân là càng gặp khó khăn, bị chèn ép, bị đánh phá thì giáo dân càng thấy thương yêu nhau hơn, đoàn kết chặt chẽ hơn và gây được cảm tình với người ngoại cuộc hơn, vì càng ngày họ càng nhận thấy là giáo dân bị ức chế quá mức mà vẫn kiên nhẫn chịu đựng vì quyền lợi và sự sống đạo của mình.

9. Còn về Cha Dương thì Cha Thiệp Cha Trác, Cha Hà nghĩ sao?

 Cha Dương là một đối tượng nghịch của một trong hai thỉnh nguyện của giáo dân. Thế mà tuyệt nhiên các Ngài và Dân Chúa, Hiệp Thông không bao giờ đề cập đến. Tôi thật không hiểu tại sao một vấn đề quan trọng đến như thế mà các Ngài lại bỏ qua được. Vậy mà các Ngài cứ to tiếng là muốn “loan tin và bình luận một cách khách quan, trung thực.” Trung thực ở chỗ nào? Hay là các Ngài thấy rằng không tìm được lý do nào để bênh đỡ Cha Dương, nên các Ngài im đi cho xuôi chuyện vì nếu nói đến Cha Dương thì các Ngài biết nói gì bây giờ. Thái độ các Ngài như thế đó. Các Ngài không thể che giấu được sự thiên vị của các Ngài chống đối giáo dân. Thái độ đó là thái độ “đem con bỏ chợ”. Làm sao các Ngài có thể đòi hỏi giáo dân phải kính trọng các Ngài như kính trọng các linh mục VN khác được. Không ai gò ép được sự kính trọng vì nó phát xuất tự nhiên từ trong lòng của mỗi người đối với người khác.

Monterey ngày 7-3-1987

24-  AI MẮC MƯU CỘNG SẢN?

 Là một giáo dân VN , mặc dù sống ngoài giáo phận San Jose, tôi rất quan tâm đến cuộc tranh đấu của giáo dân VN ở đó. Tôi cố gắng tìm các tài liệu, báo chí, tin tức liên quan đến cuộc tranh đấu này để theo dõi.

 Đã lâu tôi không được đọc Tín Hữu, bản tin của phe Cha Dương. Tuần này được người bạn gửi cho tờ Tín Hữu 16, ngày 7-3-87, tôi đọc luôn một lúc cho hết. Đọc đến bài “Ai mắc mưu cộng sản” do ông Quách Văn Nghĩa viết trong báo Đồng Tâm số 4, Portland, Oregan, Nov, 81, được Tín Hữu đăng lại trong số này, nơi trang 20, tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao Tín Hữu lại đăng bài này trong lúc này. Tôi đoán có lẽ Tín Hữu đã định dùng bài này để ám chỉ những giáo dân VN đang tranh đấu. Nhưng đọc đi đọc lại thì thấy nó có mục đích ngược lại. Tôi xin trình bày nơi đây để tuỳ độc giả nhận định.

 Xin độc giả kiên nhẫn vì tôi phải trích lại đoạn văn mà ông Quách Văn Nghĩa nói là của một cán bộ cao cấp Hà Nội. Lời lẽ của cộng sản cũng như những hành vi của chúng rất là mập mờ, phải tỉnh táo mới tránh khỏi sự hoang mang và ngộ nhận. Đoạn văn của tên cán bộ cao cấp Hà Nội như sau:

 “. . . Đế quốc hiếu chiến Reagan đang cung cấp tiền bạc, phương tiện cho bọn tay sai cũ đã trốn khỏi nước ta từ năm 1975 đến nay, để bọn này chống lại nhân dân ta ngay từ nước ngoài . . . Đầu sỏ của các lực lượng nước ngoài, mà đặc biệt là tại Mỹ, các tổ chức nấp dưới danh nghĩa tôn giáo, mà nguy hiểm hơn hết là các thành phần phản động công giáo, chúng đưa các tên Linh Mục Việt Nam ra tổ chức các xứ đạo, các ổ phản động gọi là cộng đồng công giáo Việt Nam, chúng dùng những tay sai mà tất cả đều là những tên đã phạm nhiều tội ác nhất trước năm 1975 để làm đại diện cho giáo dân, chúng tổ chức các đoàn thể nằm trong xứ đạo, điều hành như một giáo xứ ở Việt Nam, nhưng thực chất không phải nhằm vào việc hành xử đạo nghĩa mà chính là để chống lại khối Việt kiều yêu nước tại hải ngoại. Dung thứ để cho chúng tự do hoạt động là ta tự đưa ta vào thế cô độc và tự trói tay mình . . .”

 Tôi xin nhắc lại, lời lẽ trong đoạn văn trích trên đây là của cộng sản, kẻ thù của ta. Do đó, những ý tưởng của chúng ngược lại với những ý tưởng của ta. Khi ta làm điều gì mà cộng sản sợ, tức là ta làm đúng, vì lợi cho ta, hại cho chúng. Những người mà cộng sản gọi là “thành phần phản động công giáo” thì đối với ta, họ là những thành phần công giáo chân chính. Còn những giáo dân hay linh mục mà cộng sản gọi là “yêu nước” thì đối với ta họ là những người phản đạo mà ta thường gọi là “quốc doanh”. Hiểu như thế rồi thì ta sẽ thấy là, theo đoạn văn trích trên đây, cộng sản rất sợ các cộng đồng công giáo, các giáo dân và các “tên” linh mục tổ chức các xứ đạo; vì chúng biết rằng các giáo dân, các linh mục, các cộng đồng công giáo, các xứ đạo này chống lại “khối Việt kiều yêu nước”  tại hải ngoại. Ai còn lạ gì danh từ “Việt kiều yêu nước” mà cộng sản dùng để gọi tay chân của chúng, và danh từ “phản động”, cộng sản dùng để chỉ những người chống lại chúng.

 Tôi không bao giờ có ý nghĩ là những người trong Tín Hữu của phe Cha Dương có xu hướng thân Cộng? Nhưng tôi lo ngại về những tư tưởng và hành động thiếu chín chắn của họ đã nhiều lần biểu lộ ra trong những vụ náo loạn nơi nhà thờ và trong bài đăng trên Đức Tin và Tín Hữu. Chính bài “Đừng mắc mưu cộng sản” mà họ đăng lại trong Tín Hữu là một bằng chứng về sự thiếu phán đoán của họ, vì họ đã lầm tưởng rằng, khi đọc bài đó, độc giả sẽ có cảm tưởng là giáo dân và cộng đồng công giáo Việt Nam đang tranh đấu cho việc lập giáo xứ thể nhân tại San Jose là phản động, làm tay sai cho cộng sản. Sự thật đã ngược lại như tôi đã trình bày ở trên. Độc giả đâu có ngây thơ tin theo chúng, vì không nhiều thì ít ai cũng đã sống dưới bạo quyền cộng sản và biết rõ mưu lược thâm độc của chúng.

 Tín Hữu đã bất giác xác nhận rằng công việc mà cộng đồng công giáo và giáo dân đang làm để xin giáo xứ là một việc chính đáng. Cộng sản đã tỏ ra rất lo sợ nếu giáo dân thành công, vì Việt cộng không sợ ai bằng người công giáo và những người quốc gia chân chính. Tín Hữu nên thận trọng đừng làm chia rẽ Cộng Đồng Công Giáo kẻo vô tình làm lợi cho cộng sản tức là mắc mưu chúng.

 Cũng trong số 16 trang, 5, Tín Hữu đề cập đến “tư cách phạm Giáo luật của Cha Tân” (!) Nếu Tín Hữu nghĩ rằng Cha Tân đã phạm Giáo luật thì đó một nhận định hồ đồ, thiếu chín chắn, vì ta biết rằng Cha Tân là một Cha Dòng, nên bất cứ việc gì Cha làm trong hoàn cảnh như thế này đều phải theo lệnh của Cha Bề Trên Dòng của Ngài. Vậy nếu có sự phạm Giáo luật thì Cha Bề Trên Dòng Thánh Phanxicô khó khăn đã phạm Giáo luật chứ không phải Cha Tân. Và điều đó ngoài khả năng phán đoán của ta, vì ta không nắm vững được các sự kiện liên hệ đến việc này. Một lần nữa tôi khuyên Tín Hữu nên thận trọng trong lời ăn tiếng nói và hành động của mình, để tránh chia rẽ và hiểu nhầm chẳng những giữa giáo dân mà còn cả với các Cha nữa.

25-  CUỘC HỌP BÁO CỦA ĐGM CÓ GÌ MỚI?

 Tôi đã được xem trên Tivi cuộc họp báo của ĐGM Du Maine, ngày 5-3-1987 về cuộc tranh đấu của giáo dân San Jose. Thật ra xem Tivi không biết được gì nhiều chỉ độ 2, 3 phút có tính cách thông tin sơ qua mà thôi. Mãi đến khi đọc được bản tuyên bố của ĐGM – tức là bức thư của Ngài gửi các Linh Mục, 5-3-1987 – tôi mới biết rõ được mục đích của cuộc họp báo. ĐGM đưa ra 3 điểm chính, tóm tắt như sau:

 1. Mở lại Thánh Lễ VN.
 2. Dùng pháp luật lấy lại Trung Tâm Họ Đạo VN.
 3. Chấm dứt liên lạc với ông Thiện và những người lãnh đạo nhóm chống đối.

 Tôi xin góp vài ý kiến sau đây về cuộc họp báo này.
A) 1. Mở lại Thánh Lễ.

 a) ĐGM đã nói, lý do đình chỉ Thánh Lễ là vì “một số phần tử đã phá rối Thánh Lễ . . .” ĐGM nói tiếp (trang 4, số 3, bản tuyên bố), “Họ (những người chống đối) chỉ phản đối những thừa tác viên và nhân viên trật tự trong các Thánh Lễ vì lý do là những người này không do Ban Chấp Hành cắt cử”.

 Theo lời tuyên bố trên đây ta thấy là ĐGM đã phải công nhận sự phản đối này đã gây ra rối loạn trong các Thánh Lễ, vì các thừa tác viên do BCH cắt cử đã bị thay thế bằng các thừa tác viên do Toà Giám Mục, qua Cha Sullivan cắt cử. Ai cũng phải đồng ý với nhận định nầy của ĐGM. Vậy, ta phải đặt vấn đề ở đây: Việc phá rối Thánh Lễ là lỗi ở ai?

 Nội quy của Họ Đạo điều 38, khoản 4 về sự giải nhiệm BCH Họ Đạo viết như sau: “Sau khi được sự chấp thuận của thẩm quyền giáo phận và đề nghị của đa số bán đoàn viên của Cộng Đồng, Linh Mục Chánh Xứ có quyền giải nhiệm toàn thể Ban Chấp Hành (CN 32, trang 8, cột 2).

 Như vậy, theo Nội quy, BCH chưa bao giờ bị  giải nhiệm và vì vậy vẫn có quyền cắt cử thừa tác viên giúp việc nhà thờ. Tại sao Toà Giám Mục đi ngược lại Nội quy, tự ý cử người khác làm thừa tác viên? Tuy vậy, khi thấy hành động của Toà Giám Mục gây ra tình hình căng thẳng nơi thánh đường, và vì tôn trọng Thánh Lễ, BCH đã linh động không cử thừa tác viên nữa. Như thế là BCH đã nhượng bộ, BCH yêu cầu TGM cũng đừng cử thừa tác viên để tránh gây xô xát, nhưng Toà Giám Mục cứ một mực cử thừa tác viên mới, không kể gì đến sự phản đối kịch liệt của giáo dân. Làm thế là trái với Nội quy của Họ Đạo, trái với cách làm việc truyền thống của giáo dân VN. Giáo dân đã theo đúng Nội quy, không chấp nhận thừa tác viên mới do Toà Giám Mục cử. Giáo dân đã làm một việc hợp lý và hợp pháp. Như vậy Thánh Lễ bị phá rối không phải do giáo dân gây ra mà do quyết định của Toà Giám Mục gây ra.

 Ai cũng thấy là Toà Giám Mục cố tình áp đặt đường lối của mình. Tìm lý do để cấm Thánh Lễ, làm áp lực đối với giáo dân phải bỏ cuộc chống đối. Nhưng giáo dân càng đoàn kết hơn. Vì thế sau 3 tháng, Toà Giám Mục đã phải mở lại Thánh Lễ với “bảo đảm là sẽ không bị phá rối nữa” ) Diocese News Release, Feb, 17, 1987). Nhưng Toà Giám Mục đã không đưa ra một biện pháp nào rõ rệt để bảo đảm cho Thánh Lễ khỏi bị phá rối. Tôi lo ngại rằng nếu Toà Giám Mục vẫn cử thừa tác viên mới trái với Nội quy của Họ Đạo thì đâu lại hoàn đó, nghĩa là Thánh Lễ vẫn bị phá rối. Lúc đó, Toà Giám Mục sẽ làm gì? Cấm Thánh Lễ lại ?

 b) ĐGM nói “Tôi đã yêu cầu Cha Chánh Xứ của Họ Đạo NVCTTĐ bắt đầu mở lại các Thánh Lễ Chúa Nhật bằng tiêng Việt, tuỳ quyền xét đoán của một vị Chánh Xứ, bắt đầu từ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay (March 8).”

 Tôi đọc báo San Jose Mercury News loan tin là cuối tuần sẽ chỉ có một Lễ VN tại nhà thờ xứ Maria Goretti lúc 4 giờ chiều ngày thứ bảy (March 7) thay cho Lễ Chúa Nhật. Tôi đã đến dự. Giáo dân VN đông nghẹt. Nhà thờ hết chỗ ngồi, rất nhiều người phải đứng ở hai bên và cuối nhà thờ, phần vì khao khát Lễ VN, phần vì muốn biết tự sự ra sao. Vị chủ tế là Cha Hiền, phó xứ Maria Goretti, các thừa tác viên là người thuộc Cộng Đoàn Đồng tâm của xứ Maria Goretti. Được dự lễ VN, ai cũng vui, nhưng không được thoải mái. Lý do là vì giáo dân cảm thấy mình đi dự lễ nhờ mà thôi, chẳng khác gì đoàn người vô gia cư phải đi ở nhờ tạm bợ nhà người khác. Nhà thờ không phải nhà thờ Họ Đạo. Cha làm lễ không phải là cha của Họ Đạo. Cái cảnh “ăn nhờ ở đậu” lại ám ảnh lòng trí giáo dân. Nếu cảnh này kéo dài, sợ không ổn được. Nếu Cha Dương làm lễ, chắc chắn sẽ bị phá rối. Nếu Cha Đĩnh và Cha Chính làm lễ ở các nhà thờ đã mượn trước đây, thì các thừa tác viên của Họ Đạo và của Toà Giám Mục không tránh khỏi đụng chạm nhau. Khi cho phép mở lại Lễ VN, ĐGM có dự liệu trường hợp này không?

 Tôi vẫn thấy là ĐGM đã không giải quyết vấn đề tự nguồn gốc mà vẫn còn dùng quyền lực của mình hơn là lòng thương và lẽ phải. Vì thế không thể giải quyết một cách lâu dài được.

2. ĐGM nói Ngài đã “chỉ thị cho luật sư của địa phận bắt đầu tuần tự làm các thủ tục theo pháp luật để chấm dứt việc chiếm cứ bất hợp pháp Họ Đạo Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, và việc ngăn chận các công việc mục vụ thông thường”

 Tôi không được biết rõ luật pháp trong trường hợp này, nên không dám bàn tới. Nhưng tôi xin đưa ra một vài ý kiến cụ thể về trường hợp này.

 Giả thử như luật pháp cho phép ĐGM lấy lại Trung Tâm Họ Đạo đi chăng nữa, liệu Cha Dương có giữ được Trung Tâm không? Không lẽ lúc nào Cha cũng phải có một đoàn cảnh sát bên mình. Giáo dân chống Cha, một mục “NO FATHER DUONG” tại Trung Tâm, liệu Cha có chịu nỗi cảnh này ngày này qua ngày khác không? Trung Tâm của họ đạo cũng là quyền của giáo dân nữa. Có ai, kể cả cảnh sát, có quyền cấm giáo dân đến không? Có lẽ có người nghĩ rằng sau khi lấy lại Trung Tâm, ĐGM sẽ bán đi và mua chỗ khác. Rất có thể, nhưng giáo dân vẫn cứ một mực tới chỗ mới và “NO FATHER DUONG” thì Cha làm sao? Tôi nghĩ là dù có lấy lại được Trung Tâm, nhưng Cha Dương không làm việc được ở nhiệm sở thì có ích gì? Càng thất nhân tâm hơn, càng đổ vỡ hơn, càng khó hàn gắn hơn.

 Tôi vẫn nghĩ là ĐGM phải tìm cách giải quyết tự nguồn gốc. Lòng dân còn phẫn uất vì bị ức chế thì làm sao có bình an lâu dài được.
3. ĐGM nói: “Tôi đã cảnh cáo ông Trần Công Thiện là việc ông đã nhiều lần từ chối chấp nhận những điều kiện hợp lý để hội họp hầu giải quyết những khó khăn, việc đó đã buộc tôi phải kết luận rằng có liên lạc thêm với ông cũng chẳng đạt tới mục đích gì hết”.

 Lý do ông Thiện đưa ra là vì trong những lần họp trước, Cha Sullivan đã nhục mạ các ông, nên ông thấy gặp Ngài không có lợi ích gì. Cái đó dễ hiểu. Tại sao phải họp với người nhục mạ mình? Vì thế một phóng viên Mỹ, trong cuộc họp báo đã hỏi ĐGM, “Ngoài Cha Sullivan, Toà Giám Mục còn Cha nào khác chẳng hạn như Cha Boyle để họp với đại diện giáo dân không?” ĐGM cứ một mực trả lời là Cha Sullivan tốt và không chịu thay đổi. Tôi nghĩ là Toà Giám Mục cố chấp, vì nếu có thiện chí hoà giải thì hai bên đều phải linh động mới mong đạt được kết quả.

 Cũng trong tờ tuyên bố này, nơi trang 4, số 6, ĐGM nói: “Họ (đại diện những người chống đối) từ chối điều đình với bất cứ giáo dân VN nào bất đồng ý kiến với họ”. Tôi nghĩ đại diện giáo dân đã làm đúng. Vấn đề này gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ giữa ĐGM và giáo dân tranh đấu mà thôi, không có liên hệ gì đến phe nhóm nào cả. Tại sao phải điều đình với những người mà mình không có vấn đề gì với họ. Họ không có quyền hành gì nên không thể nào giải quyết được gì cả. Vậy thì dựa trên căn bản gì mà đại diện giáo dân phải điều đình với họ?

B. (Cuối trang 3, số 3) ĐGM viết: “Họ (những người tranh đấu) đã khước từ bản phân tích và bản tường trình về những hiểu lầm của Cha Barnabas Thiệp . . .”

 Chắc là ĐGM muốn nói đến “Bản Tường Trình vắn tắt” của Cha Thiệp, vì ngoài văn kiện này ra Cha Thiệp không có văn kiện nào khác được công bố cả. Văn kiện này đã gây ra biết bao lời bàn luận rồi.

 Trước hết, ta có thể dựa vào cái tên bản tường trình “vắn tắt” để biết chắc rằng đã có một bản tường trình “đầy đủ” vì nếu không có bản “đầy đủ” thì cần gì phải đặt cái tên “Vắn tắt”. Vậy bây giờ bản tường trình đầy đủ đó ở đâu? Nhiều người đã hỏi Cha Thiệp, nhưng Cha không hề lên tiếng. Tại sao vậy? Đây là một uẩn khúc rất lớn. Bao lâu bản “Đầy đủ” chưa được công bố thì bấy lâu giáo dân và bất cứ ai hiểu biết về vụ này còn có nhiều hoài nghi về công việc của Cha Thiệp và áp lực của ĐGM đối với Cha.

 Trong CN số 21 trang 21, ông Thiện và ông Bài đã quả quyết là ‘Cha Thiệp đã tiết lộ cho đại diện giáo dân biết rằng trong bản tường trình đầy đủ chín trang của Cha đệ trình lên ĐGM, Cha Thiệp đã đề nghị với ĐGM nên công bố ngay việc chấp nhận thành lập giáo xứ thể nhân với những điều kiện tiên quyết, vì Họ Đạo hội đủ nhiều điều kiện so với các giáo xứ VN trên toàn nước Mỹ. Còn Cha Dương, thì Cha Thiệp đề nghị Ngài sẽ được giữ một chức vụ khác. Nếu cần, Dòng Đồng Công sẽ đứng ra cấp dưỡng cho Ngài vì với tình huống chống đối hiện tại của giáo dân, Cha Dương không thể làm tròn chức vụ Chánh Xứ Họ Đạo được.”

 Người ta tin đó là nội dung chính của bản tường trình đầy đủ của Cha Thiệp. Nhưng vì ĐGM không thích những đề nghị của Cha nên đã làm áp lực với Cha, và sau đó Cha đã phải viết bản tường trình khác gọi là bản tường trình vắn tắt một cách vội vàng đến nỗi quên cả ký tên và đề ngày tháng. Một bằng chứng nữa về sự chống đối của ĐGM đối với bản tường trình đầy đủ của Cha Thiệp là việc các viên chức của Toà Giám Mục tuyên bố trong báo San Jose Mercury News, ngày 4-11-86 là, “ĐGM Du Maine đã thực sự quyết định rồi không cần đếm xỉa đến nội dung của bản tường trình cuối cùng của Cha Thiệp.” Như vậy có nghĩa là công việc của Cha Thiệp ở San Jose không có giá trị gì đối với ĐGM. (Chắc là ĐGM đã tưởng rằng Cha Thiệp sẽ không thay đổi ý kiến và giữ lập trường như trong bản tường trình đầy đủ, nên Toà Giám Mục đã phải tuyên bố trước đi như vậy. Không ngờ Cha Thiệp, dưới áp lực, đã phải thay đổi lập trường. Người ta buồn và tiếc cho Cha Thiệp đã bỏ qua một cơ hội bênh vực quyền lợi chính đáng của giáo dân, làm rạng rỡ hàng giáo sĩ tỵ nạn trong cái sứ mạng của người con được Giáo Hội Mẹ sai đi. Nếu Cha Thiệp giữ vững lập trường, chắc là tình hình không còn tệ hại như hiện nay).

 Nhưng rồi về sau, khi bản tường trình vắn tắt ra đời, có lợi cho Toà Giám Mục thì Toà Giám Mục và phe Cha Dương khai thác triệt để, coi nó có giá trị tuyệt đối mọi giáo dân phải theo. Cha Trác, Cha Hà và Dân Chúa cũng phụ hoạ ầm ĩ! Đâu là sự thật. Ai cũng hoang mang nghi ngờ, mất tin tưởng nơi Cha Thiệp, nơi Toà Giám Mục . . .

C. Trong cuộc họp báo ĐGM đã nói là Ngài đã mệt mỏi về cuộc khủng hoảng này rồi và không thể để nó kéo dài được nữa. Giáo dân cũng muốn nó sớm kết liễu. Nhưng ĐGM chỉ muốn giải quyết nó theo ý Ngài, bắt giáo dân phải hoàn toàn theo lệnh Ngài, thì làm sao gọi là hoà giải được. Thế mà trong bản tuyên bố Ngài đã nhắc chữ “Hoà Giải” tới 5 lần.

 Nhổ có phải nhổ tận gốc. Cuộc khủng hoảng này cũng phải giải quyết từ tận gốc thì mới hy vọng có hoà bình lâu dài. Nếu giải quyết một chiều thì chỉ là tạm bợ. Ở đời có cái gì tạm bợ mà bền vững lâu dài được đâu!

Monterey 21-3-87


26-  AI CÓ THIỆN CHÍ? AI THIẾU THIỆN CHÍ? AI CÓ ÁC Ý?

Từ năm 1975 tôi được tiếp xúc với nhiều đồng hương tỵ nạn. Họ đã kể cho tôi nghe nhiều chuyện về quê hương tôi, những vui buồn đau khổ, những kẻ tốt người xấu . . . Dĩ nhiên họ bất đồng ý kiến với nhau về hầu hết mọi vấn đề. Nhưng có một điều tôi thấy họ đều đồng ý với nhau: Họ khen một câu nói của Tổng Thống Thiệu. Có người còn nói là Ông Thiệu làm cái gì cũng sai, trừ câu nói đó là đúng thôi. Câu đó là: “Chúng ta chớ tin những gì cộng sản nói, nhưng hãy xem những gì cộng sản làm”. Tôi muốn áp dụng câu ấy trong bài này, nhưng tôi xin được đổi đi một danh từ cho hợp với trường hợp trong bài này. Tôi xin đổi là: “CHÚNG TA CHỚ TIN NHỮNG GÌ NGƯỜI TA NÓI, NHƯNG HÃY XEM NHỮNG GÌ NGƯỜI TA LÀM.”

Từ khi giáo dân bắt đầu tranh đấu cho hai thỉnh nguyện, ĐGM Du Maine đã có lần tuyên bố với các cơ quan truyền thông, và lần gần đây nhất trong cuộc họp báo ngày 5-3-87, là những người lãnh đạo giáo dân trong cuộc tranh đấu không có thiện chí, vì vậy Ngài đã quyết định “Không còn liên lạc với họ nữa, vì nếu có liên lạc thêm với họ thì cũng chẳng đạt được mục đích gì hết.”

Lời tố cáo này rất nghiêm trọng, nhất là khi nó phát xuất từ vị Giám Mục của địa phận, nơi đang có cuộc tranh đấu. Vậy ta thử nhìn lại từ khi có cuộc tranh đấu đến bây giờ, xem ai đã nói gì và làm gì để biết ai có thiện chí, ai không có hoặc thiếu thiện chí, ai có ác ý.

1. Ngay sau khi ĐGM đổi Cha Tịnh và bổ nhiệm Cha Dương về là chánh xứ Họ Đạo, giáo dân xôn xao, bối rối về sự phế lập này, đi đôi với việc thay đổi chính sách mục vụ của ĐGM đối với giáo dân VN; giáo dân đệ trình hai thỉnh nguyện xin ĐGM cứu xét. Nhưng ĐGM đã lờ đi và cứ một mực buộc giáo dân phải tuân lệnh của Ngài. Mặc dù giáo dân phản đối kịch liệt, Ngài cứ một mực tiến hành lễ phong chức cho Cha Dương, dùng cảnh sát và chó săn, gây tình hình căng thẳng và dư luận xấu khắp nơi. Theo tôi, việc này tỏ ra ĐGM thiếu thiện chí đối với thỉnh nguyện của giáo dân.

2. Khi tình hình căng thẳng, ĐGM yêu cầu Đức Sứ Thần cho người về giúp đỡ. Đức Sứ Thần cử Cha Thiệp và Cha Thiệp nhận lời đến San Jose để giúp đỡ. Trong việc này ĐGM, Đức Sứ Thần, Cha Thiệp đều tỏ ra thiện chí.

 Về phần giáo dân, họ rất vui mừng khi được tin này. Họ đã trở lại đóng góp tiền nhà thờ ngày chủ nhật, để tạo nên bầu không khí lắng dịu cho cuộc hoà giải được dễ dàng. Như thế là giáo dân đã tỏ ra có thiện chí.

3. Nhưng sau đó, Toà Giám Mục phá tan bầu không khí lắng dịu này bằng cách cắt cử thừa tác viên mới thay thế các thừa tác viên được BCH Họ Đạo cắt cử. làm cho tình hình thêm căng thẳng nơi thánh đường. Trước sự căng thẳng này, các thừa tác viên của Họ Đạo tự ý ngưng giúp việc trong Thánh Lễ và yêu cầu các thừa tác viên của Toà Giám Mục cũng ngưng để cứu vãn tình thế. Như thế là giáo dân đã tỏ ra có thiện chí. Nhưng Toà Giám Mục cứ một mực ra lệnh cho các thừa tác viên mới làm việc trước sự phản đối của giáo dân, gây ra xáo trộn trong nhà thờ để Toà Giám Mục lấy cớ đình chỉ mọi Thánh Lễ tiếng Việt, hy vọng giáo dân sẽ chán nản và bỏ cuộc tranh đấu. Như thế là Toà Giám Mục đã tỏ ra không có thiện chí.

4. Bị mất Thánh Lễ tiếng Việt, giáo dân bảo nhau đi dự lễ tại nàh thờ Chánh Toà. Khi thấy giáo dân VN đông quá ba phần tư nhà thờ và khi đọc kinh, đọc Sách Thánh, nghe giảng tiếng Anh, giáo dân VN không hiểu gì cả, nên Cha xứ Mỹ cho phép giáo dân VN được đọc sách tiếng VN sau giáo dân Mỹ. Nhưng Cha Dương và tay chân đã đến phản đối và yêu cầu cha Mỹ ngưng ngay việc cho giáo dân VN đọc Sách Thánh tiếng VN (CN 28, trang 13). Có ai hiểu được hành động này của Cha Dương không? Con cái bị đói, cha mẹ không cho ăn. Khi người ngoài đường thương tình cho con miếng bánh ăn cho đỡ đói, thì cha mẹ lại trách móc người ta, rồi giật miếng bánh khỏi tay con. Thật là độc ác, tàn nhẫn. Trong việc này, ta thấy là Cha Mỹ có thiện chí còn Cha Dương có ác ý.

5. Khi được tin Cha Thiệp về hoà giải, giáo dân không dấu nỗi sự vui mừng. Họ đã đón tiếp Cha rất nồng nhiệt và thành tâm hợp tác với Cha. Chính ĐGM cũng nhận thấy điều này như Ngài đã nói trong bản tuyên bố dịp Ngài họp báo: “Họ (giáo dân tranh đấu) đã niềm nỡ đón tiếp Cha Barnabas Thiệp như là vị trung gian vô tư và đáng kính.” Giáo dân đã hoàn toàn tín nhiệm Cha, thổ lộ tâm tình đau buồn, lo lắng với Cha. Cả hai ông Thiện, Bài cũng bộc lộ tâm can riêng tư, thầm kín với Cha như xưng tội vậy, và Cha khuyên nhủ dạy bảo các ông. Nhưng rồi Cha lại đem chuyện riêng tư của họ nói với phe Cha Dương, phe Cha Dương thâu băng, tuyên truyền. Giáo dân thấy mình bị lừa dối, bị phản bội, bị bất công, liền lên tiếng kêu ca, phản đối Cha Thiệp về hành động bất xứng của Cha, thì lại bị trách móc là “bất kính với Cha Bề Trên.” Những ai hiểu chuyện này thì thấy là giáo dân có thiện chí,  Cha Thiệp không có thiện chí và phe Cha Dương có ác ý.

6. Về bản tường trình đầu tiên đầy đủ của Cha Thiệp đặc trình ĐGM, báo Dân Tộc số 243, trang 2 viết như sau: “Nguồn tin thân cận vị sứ giả Toà Thánh cho biết, Cha Thiệp đã gửi cho ĐGM Du Maine phúc trình đầu tiên ghi nhận tất cả mọi ý kiến giáo dân thuộc các khuynh hướng khác nhau mà Cha đã ghi nhận được, qua những buổi tiếp xúc với từng cá nhân. Theo nguồn tin thì Cha Thiệp hiện đang chờ Toà Giám Mục chính thức yêu cầu Cha cho biết ý kiến về cuộc tranh chấp đã làm dư luận người Công Giáo VN toàn thế giới e ngại. Nguồn tin nói rằng sau khi nhận được thư của ĐGM Du Maine, Cha Thiệp sẽ ‘đóng cửa tạ khách’ trong một thời gian, để suy nghĩ về những khuyến cáo gửi đến ĐGM với tư cách ‘Sứ giả Hoà bình’ của vị Sứ Thần Toà Thánh tại Mỹ.”

 Trong khi chưa trả lời Cha Thiệp về bản phúc trình đầu tiên đầy đủ của Cha, mà Toà Giám Mục đã tuyên bố với báo chí là ĐGM không cần bản tường trình cuối cùng của Cha Thiệp, ĐGM Du Maine đã quyết định rồi. (San Jose Mercury News Now 4, 1986). Mời Cha Thiệp về giúp rồi lại tuyên bố không cần đến sự giúp đỡ của Cha. Câu tuyên bố trên đây của Toà Giám Mục thật là thô bạo. Toà Giám Mục đã bất nhã với Cha Thiệp và không có thiện chí.

7. Cha Thiệp nói với đại diện giáo dân là Ngài đã viết bản tường trình đầy đủ, đề nghị ĐGM chấp nhận hai thỉnh nguyện của giáo dân (CN 21, trang 21). Nhưng rồi bị áp lực của Toà Giám Mục, Ngài lại đổi ý và viết bản tường trình vắn tắt, trách móc giáo dân gây ra cuộc tranh đấu chỉ vì “hiểu lầm” ĐGM, nhưng Ngài không nói cho họ biết hiểu lầm ở chỗ nào. Cha Thiệp nói với đại diện giáo dân một đàng rồi Cha làm một nẻo. Như vậy là thiếu thành thực và không có thiện chí. Ai cũng buồn Cha Thiệp và trách Cha quá yếu đuối bị gẫy dưới áp lực và bị Toà Giám Mục lợi dụng.

8. Cha Trác, Cha Hà, báo Dân Chúa có thái độ thiên vị, chỉ nghe theo một bên, không biết rõ chuyện của giáo dân tranh đấu ra sao, lợi dụng tờ báo và địa vị của mình vu khống, miệt thị giáo dân nặng lời. Khi giáo dân phản đối gửi bài xin đăng để cải chính thì lại lờ đi, chẳng những không đăng mà còn đăng những bài chống đối và vu khống giáo dân, ủng hộ ĐGM. Như thế là Cha Trác, Cha Hà, báo Dân Chúa đã tỏ ra bất công, không có thiện chí, không xứng đáng với địa vị của mình.

9. Dịp Tết Nguyên Đán, Liên Hội Người Việt Bắc Cali tổ chức Hội Chợ Tết cho toàn thể cộng đồng VN, yêu cầu Cộng đồng Công Giáo tham dự. Cha Dương tuyên bố không tham dự. Nhưng giáo dân, vì đoàn kết và lợi ích của người Việt nói chung và của giáo dân nói riên, tham dự, có gian hàng, làm cổng Tam Quan đại trào, to tát nguy nga, ai cũng khen công lao, tài tình và thiện chí của giáo dân. Cha Dương và tay chân lên án cộng đồng là “giả mạo giáo dân” và đe doạ sẽ biểu tình gây xáo trộn. Như thế có ngược đời không. Điều đó tỏ ra Cha Dương không có thiện chí.

10. Khi đại diện giáo dân theo ĐGM lên tận Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ họp tại Washington DC, năn nỉ với Ngài về hai thỉnh nguyện, thì Ngài trả lời: “Đợi về San Jose, sẽ giải quyết”. Trong dịp Hội Chợ Tết, giáo dân đón tiếp Ngài nồng nhiệt trong tình nghĩa cha con khi Ngài đến thăm gian hàng Công Giáo. Giáo dân, già trẻ, lớn bé, quây quần lấy Ngài cầu xin Ngài thương cho hai thỉnh nguyện. Ngài nói: “Cứ chờ, sẽ liệu”. Các phóng viên báo chí Việt cũng như Mỹ, thấy cảnh cha con niềm nở, đều lạc quan, loan tin và bình luận là giáo dân có hy vọng  ĐGM sẽ giải quyết thoả đáng cho. Giáo dân cũng nuôi rất nhiều hy vọng, hồi hộp, mong đợi. Nhưng rồi ngày 5-3-87 trong cuộc họp báo. ĐGM cho nổ một quả bom với ba quyết định. Mọi người ngẩn ngơ, thất vọng. Giáo dân đã lầm tưởng là Ngài có thiện chí để hoà giải, nhưng sự việc đã xảy ra ngược lại.

11. Trong buổi họp báo ĐGM nói là những người lãnh đạo giáo dân không có thiện chí, họ là “một chướng ngại vật, không phải nhịp cầu”. Ngay sau đó ông Bài đã tự ý tuyên bố rút lui khỏi chức vụ lãnh đạo, để tỏ thiện chí cho việc hoà giải. Theo sự nhận định của giáo dân và của nhiều người ngoài cuộc, thì Cha Sullivan và Cha Dương mới là chướng ngại vật, cản trở mọi sự hoà giải, nhưng hai vị này vẫn còn đó, vẫn được ĐGM bênh đỡ. Ông Bài đã tỏ ra có thiện chí. Toà Giám Mục tỏ ra không có thiện chí.

12. Cha Dương là nhân vật chính bị giáo dân chống đối. Suốt 8 tháng trời ròng rã, càng ngày sự chống đối càng mạnh. Nhiều vị linh mục đã công khai hay âm thầm, trực tiếp hay gián tiếp khuyên Cha từ chức vì lợi ích và chấm dứt đau khổ cho mọi người và cho chính Cha. Nhưng Cha Dương cứ nại đức vâng lời, không từ chức, vì vậy kéo dài cuộc khủng hoảng đến tình trạng tệ hại hiện nay. Không còn ai tin được đức vâng lời của Cha nữa. Tôi nghĩ Cha Dương không có thiện chí.

13. Ngày 7-3-87 tôi được dự lễ VN – Lễ đầu tiên sau 3 tháng bị cấm – tại nhà thờ Maria Goretti do Cha Hiền làm lễ và giảng. Cha Hiền đã giảng nhiều về Chúa bị cám dỗ và về đức khiêm nhường. Thói quen của tôi là trong mỗi bài giảng tôi cố nhớ một, hai điều để suy gẫm. Tôi còn nhớ hai điều Cha nói về đức khiêm nhượng và người Công Giáo phải tập cho có, nhất là trong Mùa Chay này. Điều thứ nhất Cha Hiền giảng là: “Chúng ta hãy cầu nguyện nhiều, xin được lòng khiêm nhượng để tự nhận biết rằng, không phải tất cả những gì chúng ta nói hoặc làm đều đúng cả.” Tôi thấy lời giảng này rất hay. Tôi âm thầm ao ước rằng giá ĐGM, Cha Sullivan, Cha Trác, Cha Hà, Cha Thiệp, Dân Chúa, Cha Dương và phe nhóm của Cha cũng có mặt ở nhà thờ hôm đó, để nghe câu này, rồi áp dụng trong đời sống của mình thì lợi ích biết mấ. Và tôi chắc là khi giảng câu này, Cha Hiền cũng biết rằng lời giảng này cũng áp dụng cho chính Cha nữa. Điều thứ hai tôi còn nhớ, Cha Hiền giảng là: “Chúng ta hãy khiêm nhường, đừng miệt thị những người không đồng ý vói ta, hoặc miệt thị những vị đại diện thay mặt Chúa”. Tôi nghe có tiếng thì thầm trong giáo dân, tỏ vẻ không phục lời giảng của Cha. Nhưng giáo dân rất trưởng thành và đàng hoàng, vì chỉ sau vài giây, toàn thể giáo dân lại im lặng nghe hết bài giảng và Thánh Lễ đã kết thúc rất an lành và trang nghiêm. Tôi thầm nghĩ, giá cha Hiền trông xa nhìn rộng hơn  và để cho lời giảng của mình được đầy đủ ý nghĩa, Cha nên thêm vào câu đó như sau: “và cả những người càng có nhiều quyền bính, có địa vị cao thì càng phải khiêm nhường, đừng cậy quyền và địa vị của mình mà miệt thị những người bề dưới mình.”

 Tôi rất tiếc là lời giảng của Cha, đáng lẽ phải là chia sẻ lời Chúa, thì lại làm cho nhiều người buồn tức, vì vậy họ mất bình an trong lòng, không thể rước Mình Thánh hôm đó (San Jose Mercury News, March 9, 87, page 3). Tôi không dám xét đoán về ý định của Cha Hiền. Nhưng nếu thật Cha định dùng lời giảng này để ám chỉ giáo dân tranh đấu, thì tôi thấy là Cha không khôn ngoan, thiếu thiện chí. Thánh Lễ là nơi giáo dân đến dự tiệc Thánh, tìm sự hoà hợp thân mật với Chúa, với nhau, cho lòng trí thanh thản, thoải mái, xa cách mọi cảnh trần tục. Nếu khi dự lễ mà giáo dân cảm thấy buồn bực, lo lắng có gì bất trắc sẽ xảy ra thì đó là trái với mục đích của Thánh Lễ. Vì vậy, Bề Trên không nên dùng Thánh Lễ để tranh giành ảnh hưởng. Làm thế là lạm dụng quyền bính, là trái ý Chúa, là không có thiện chí.

 Càng nghĩ về câu nói của ông Thiệu, tôi càng thấy nó thấm thía, và đồng ý với mọi người: “TA CHỚ TIN NHỮNG GÌ NGƯỜI TA NÓI, NHỮNG HÃY XEM NHỮNG GÌ NGƯỜI TA LÀM.”


27-  CÁI CÀY ĐẶT TRƯỚC CON TRÂU

 Đã nhiều lần ĐGM Du Maine và lần gần đây trên đài truyền hình Việt Nam, Cha Sullivan khi trả lời câu hỏi của ông Nguyễn Mạnh, đã tuyên bố là để có được Giáo Xứ Thể Nhân thì giáo dân VN phải tỏ ra:

 1. Đoàn kết
 2. Có khả năng về tài chánh.

 Theo tôi nghĩ giáo dân VN sẽ có ngay hai điều kiện này nếu Toà Giám Mục có thiện chí cho giáo dân có cơ hội.

1. Một mặt Toà Giám Mục đòi giáo dân đoàn kết, nhưng mặt khác chính Toà Giám Mục lại dùng phe Cha Dương để chia rẽ giáo dân thì làm sao có đoàn kết được. Bất cứ người nào còn một chút trí suy luận cũng không thể nào hiểu được hành động của Toà Giám Mục và của phe Cha Dương, một Linh Mục đang bị đại đa số giáo dân phản đối kịch liệt ròng rã 8 tháng trời, bị chặn đường, đóng cổng, đến nỗi có cảnh sát hộ tống mà cũng không vào được nhiệm sở. Như vậy làm sao Ngài còn làm việc được với giáo dân. Thế mà Toà Giám Mục vẫn không muốn nhìn nhận sự kiện này. Nếu cứ gây chia rẽ rồi đòi giáo dân đoàn kết thì có ai tin được thiện chí của Toà Giám Mục không? Để giúp giáo dân có sự đoàn kết, Toà Giám Mục chỉ cần chấp nhận thỉnh nguyện thứ hai của giáo dân, tức là rút lại lệnh bổ nhiệm Cha Dương. Một điều hợp tình hợp lý dễ hiểu như vậy, ai cũng thấy mà sao Toà Giám Mục không thấy? “Cái cày đặt trước con trâu” thì làm sao con trâu kéo cày được.

 Cha Sullivan trong chương trình truyền hình Việt Nam cũng đã nói Cha Dương là người (Linh Mục) tốt nhất cho công việc mục vụ của giáo dân Họ Đạo Việt Nam. Nói thế là nghĩa thế nào? Có thể Cha Dương là người tốt nhất để thi hành chính sách mục vụ của Đức Giám Mục, nhưng chắc là người tệ nhất đối với công việc mục vụ của giáo dân Họ Đạo Việt Nam. Vì vị chánh xứ phải được sự hợp tác và kính trọng của giáo dân thì công việc mục vụ của Ngài mới thành công được. Sự thật về giáo dân đối với Cha Dương đã quá rõ rệt, thế mà Cha Sullivan còn tuyên bố như trên thì thật Ngài đã quá sai lầm hoặc cố chấp. Sự khó khăn trong cuộc hoà giải là ở chỗ đó. Nếu Cha Dương đã thành công trong khi làm phó xứ Mỹ, điều đó không có nghĩa là Ngài sẽ thành công ở Họ Đạo Việt Nam vì lòng dân khác nhau. Tôi nghĩ Đức Giám Mục nên giữ Cha Dương ở nhiệm vụ phó xứ Mỹ như trước kia thì có lợi ích cho tất cả mọi người.

 Tôi đã có dịp trình bày là, ở một xứ Mỹ, nếu một Linh Mục Mỹ bị  giáo dân Mỹ chống đối như trường hợp Cha Dương thì dù là đến giúp việc mục vụ tạm thời trong các dịp Lễ trọng, cũng còn phải tránh chứ đừng nói gì đến làm chủ chiên của họ. Vậy tại sao ĐGM Du Maine lại khinh thường giáo dân Việt Nam đến thế? Có phải là Ngài kỳ thị không?

2. Toà Giám Mục đòi giáo dân phải có khả năng về tài chánh.

 Trong những năm qua, giáo dân đã tỏ ra tự lực cánh sinh, làm việc vất vả hàng tháng, tiền đóng góp và tiền thu được tại các Thánh Lễ Chủ Nhật chẳng những đủ để trả tiền lãi cho Toà Giám Mục như ta trả cho nhà băng mà còn dư được 65 ngàn Mỹ Kim bàn giao lại cho Toà Giám Mục khi Cha Tịnh bị đổi (CN 36, trang 22)

 Trong tình trạng tranh đấu hiện nay, giáo dân đã quyết định để dành tiền khi được giáo xứ thể nhân sẽ đóng góp cho giáo xứ. Vậy nếu Toà Giám Mục tạo cơ hội cho giáo dân đóng góp thì tài chánh đâu còn phải là một vấn đề khó khăn nữa. Nghĩa là nếu Toà Giám Mục giải quyết cuộc khủng hoảng này một cách an hoà thì giáo dân lại trở lại đóng góp như trước, chắc chắn khả năng tài chánh sẽ được chứng  tỏ như Toà Giám Mục đòi hỏi. Nhưng Toà Giám Mục không chịu giải quyết một cách an hoà, hợp lý mà chỉ muốn dùng quyền lực, ép buộc giáo dân. Cuộc khủng hoảng còn kéo dài. Giáo dân không chịu trở lại đóng góp như trước. Toà Giám Mục dựa vào đó mà nói rằng giáo dân chưa có khả năng tài chánh. Làm như thế tức là Toà Giám Mục “đặt cái cày trước con trâu” thì làm sao con trâu kéo cày được.

 Giáo dân sẵn sàng “kéo cày” làm cho cánh đồng lúa của Chúa ngày càng tươi tốt sinh nhiều hoa màu. Nhưng xin Toà Giám Mục hãy nghĩ lại, hãy ban phát cơ hội cho giáo dân để giáo dân thực hiện được những điều kiện mà Toà Giám Mục đòi hỏi. Có như thế, Toà Giám Mục mới tỏ ra có thiện chí giúp đỡ giáo dân trong việc sống đạo của họ. Bằng không, Toà Giám Mục đang làm một việc vô lý tức là “đặt cái cày trước con trâu.”

 Đức Giám Mục và phe Cha Dương đã nhiều lần nói là giáo dân theo đuổi mục đích chính trị trong cuộc đấu tranh này. Tôi rất ái ngại cho Đức Giám Mục khi Ngài nói câu đó; rõ rệt là Ngài nghe theo lời cố vấn của phe Cha Dương là những người thù ghét giáo dân; lời ăn tiếng nói và hành động của họ thiên lệch, thiếu chín chắn như đã được chứng minh nhiều lần trên tờ báo này. Về điểm này Ông Bài đã viết trong thư ngỏ gửi các Linh Mục, Tu Sĩ và cộng đồng, đề ngày 14-3-1987 đăng trong CN 35, cuối trang 10 như sau: “Đức Cha kết tội chúng tôi là có âm mưu chính trị, nhưng Đức Cha sẽ nghĩ sao nếu Ngài cho thành lập giáo xứ và tất cả các uỷ ban tranh đấu đều đồng ý giải tán ngay?”

 Một lần nữa chứng tỏ là cuộc tranh đấu này không có một mảy may xu hướng chính trị nào cả mà chỉ hướng vào hai thỉnh nguyện chính đáng của giáo dân mà thôi; và Toà Giám Mục đã tỏ ra thiếu thiện chí trong việc hoà giải.

 Chúng ta hãy kiên nhẫn và cầu nguyện nhiều, xin Chúa và Mẹ thương đến cộng đồng chúng ta đang trải qua cơn đau khổ này.
Monterey, ngày 1-4-87

28-  SUY GẪM LỜI ĐỨC THÁNH CHA


 Trước đây các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm thường chỉ ở trong cung làm việc, rất ít khi ra khỏi Rôma. Ngày nay Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Nhị muốn trực tiếp tiếp xúc với con chiên của người khắp mọi nơi trên thế giới, muốn được mắt thấy tai nghe những khó khăn đau khổ của con cái Người. Người không sợ nguy hiểm, đã vượt đại dương đi khắp năm châu, đến những hang cùng ngõ hẻm để chia sẻ sự đau khổ, bất công và ân cần an ủi đàn chiên lạc lõng ít được ai chăm sóc. Mấy lần tính mạng của Người bị nguy hiểm. Lúc thì bọn tay sai cộng sản ám hại, bị thương tích. Lúc thì bị chính người trong hàng ngũ Linh Mục bảo thủ mưu hại. Nhưng Chúa và Mẹ còn thương Giáo Hội. Người đã thoát được những cơn nguy hiểm đó và vẫn một mực cương quyết tìm đến gặp đoàn con côi cút, bị áp bức, ruồng rẫy, bỏ rơi.

Theo dõi cuộc hành trình của Người, tôi thấy lòng phấn khởi về cử chỉ và hành động của người Cha chung của chúng ta.

Khi ở nước Chi-Lê, Người đã mạnh dạn tố cáo chính quyền nước đó là độc tài, đàn áp nhân quyền. Phóng viên hỏi Người rằng Giáo Hội có thể đóng một vai trò như ở Phi-Luật-Tân, hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đã ủng hộ cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài Ferdinand Marcos không? Người trả lời họ rằng: “Tôi nghĩ chẳng những là có thể mà còn cần thiết cho Giáo Hội phải làm việc cho nhân quyền” (I think it’s not only possible but necessary for the Church to work for human right – Theo Thông Tấn Xã AP, April, 2-87). Thấy người nghĩ đến ta. Giáo dân VN tại San Jose đang bị tước đoạt nhân quyền. Họ chỉ xin có giáo xứ thể nhân như giáo luật cho phép và một vị chánh xứ biết thương con chiên mà không được. Họ còn bị trách móc, miệt thị, chụp mũ. Chớ gì Đức Thánh Cha thấy được tận mắt, nghe được tận tai sự chèn ép mà Giáo dân VN tại San Jose đang phải chịu.

Trong một Thánh Lễ ở vùng quê xa xôi, hẻo lánh, Đức Thánh Cha đã ân cần nói với nông dân Chi-Lê rằng: “Chúng con là nạn nhân của sự bất công. Vấn đề chủ quyền ruộng đất của chúng con đã không che dấu được khỏi mắt Cha” (You have been object of injustice. Your problems of land ownership are not hidden from me – AP, April 6-87). Người nông dân Chi-Lê cần cù làm lụng cực khổ mà vẫn không đủ ăn, họ làm cho chủ nhân ông hưởng, họ bị bất công.Thấy người lại nghĩ đến ta. Giáo dân VN San Jose đã phải lam lũ vất vả, hái ớt nhặt rau, dành dụm mua được căn nhà thờ làm nơi hội nhau thờ phượng Chúa, để nhắn nhủ nhau nhớ đến Giáo Hội Mẹ, để an ủi nhau trong cảnh xa quê hương, để dìu dắt nhau trong cuộc sống mới. Vậy mà Toà Giám Mục muốn đuổi họ ra bằng mọi cách. Khi dùng uy quyền của  mình không được, Toà Giám Mục đã nhờ toà án phần đời đuổi họ. Cha đưa con ra toà để đuổi con ra khỏi nhà của con mua! Những vị quan toà quang minh đã bác lời của Toà Giám Mục. Trên trần gian này có người Cha nào hắt hủi con như thế không? Chớ gì Đức Thánh Cha thấy được tận mắt, nghe được tận tai sự ác nghiệt nầy của Toà Giám Mục.

Trong một lúc khác Đức Thánh Cha đã trấn an công nhân Chi-Lê rằng Đức Giáo Hoàng không biết gì về những nỗi lo âu của chúng con trong nước Chi-Lê thân yêu này. Không phải thế. Cha biết rất rõ mối quan tâm của chúng con về sự bất công xã hội, nạn thất nghiệp . . . lương bổng . . .  và những đòi hỏi chính đáng của công đoàn . . .” (You may think that the Pope is not aware of the preoccupations of workers in this beloved Chile. That is not so. I know very well your concern about social justice . . . unemployment . . . wages . . . and legitimate union demands – AP, April, 6-87). Dân Chi-Lê đang bị rên siết dưới bàn tay độc tài của tướng Pinochet. Những người chống đối chính quyền ông, bị chụp mũ là cộng sản. Chính Đức Giáo Hoàng đã gọi chế độ ông là độc tài, và Người lên tiếng bênh vực những người đang tranh đấu chống chế độ ông. Thấy người lại nghĩ đến ta. Giáo dân VN có dám đòi hỏi gì quá đáng đâu. Họ chỉ xin được hai thỉnh nguyện. Toà Giám Mục thử đưa hai thỉnh nguyện này cho cả thế giới xem họ nghĩ gì. Có ai nghĩ là hai thỉnh nguyện này là không chính đáng, là trái giáo luật không? Tôi dám chắc là không ai nghĩ như thế. Họ sẽ thấy là hợp tình, hợp lý và đáng được chấp nhận từ lâu rồi. Giáo dân đang cố gắng tranh đấu thì lại bị chụp mũ là làm chính trị, là làm lợi cho cộng sản. Chớ gì Đức Thánh Cha thấy được tận mắt, nghe được tận tai những thỉnh nguyện chính đáng này của giáo dân.

Trong một buổi lễ ngoài trời cho thanh niên, có Quintana, một sinh viên Chi-Lê, còn đang mang trên mình, trên mặt những vết thương cháy bỏng. Cô tiến lại gần Đức Thánh Cha. Người ôm lấy cô. Cô tâu với Người: “Thưa Cha, lính đã đốt con”. Đức Thánh Cha âu yếm nói thầm với cô: “Cha biết, Cha hiểu. Hỡi con, Chúa chúc lành cho con. Chúng con đã đau khổ nhiều. Cha muốn chúng con tiếp tục tranh đấu cho tự do của quê hương chúng con”. (I know. I understand. God bless you, child. I want you to keep fighting for the freedom of your country – AP, April, 3-87). Ai cũng cảm động thấy cảnh Cha con ân cần âu yếm này. Dân chúng hoan hô Đức Thánh Cha, vì Người thấu hiểu nỗi đau lòng của họ và Người khích lệ họ tiếp tục tranh đấu. Thấy người lại nghĩ đến ta. Giáo dân VN đang tranh đấu cho nhân quyền của người công giáo. Họ bị từ chối giáo xứ thể nhân, bị bạo hành bởi chó săn và cảnh sát, bị khám xét ngăn cản không cho vào nhà thờ ngày lễ “tấn phong ly kỳ và rùng rợn” chưa từng thấy trong lịch sử Giáo Hội và, cũng như cô Quintana bị lính đốt, em Ngô Dũng bị cảnh sát thúc dùi cui vào bụng, còng tay. Chị Võ Trinh bị bẻ quặt tay ra sau lưng. Cả hai đều bị nhốt lên xe cảnh sát, đưa về bót (CN 8, trang 8b) Chớ gì Đức Thánh Cha thấy được tận mắt, nghe được tận tai cái cảnh tượng chó săn và cảnh sát vây chung quanh nhà thờ, và trong nhà thờ thì cảnh sát đứng xếp hàng ở cung thánh, quay lưng lên bàn thờ, mặt lầm lì nhìn xuống giáo dân. Cảnh tượng này ai mà quên được. Nó là một sự sỉ nhục cho lương tri mọi người nhất là cho người công giáo. Nếu nói rằng không kiểm soát được giáo dân nên Toà Giám Mục phải thuê cảnh sát và chó săn thì tại sao ĐGM không hoãn lại, tìm cách làm dịu lòng uất ức của giáo dân. Ai bắt được ĐGM phải tiến hành lễ “tấn phong” để làm ố danh sự đạo như thế”.

Trong một khung cảnh khác, khi gặp các nũ tu Chi-Lê, Đức Thánh Cha đã ân cần “nhắc nhủ các nữ tu hãy là khí cự hoà giải trong xã hội Chi-Lê” (The Pope told nuns to be instruments of conciliation in Chilean society – AP, April 3-87). Vì những đức tính Chúa phó cho phụ nữ, nói chung và cho các vị nữ tu, nói riêng, trong con mắt của dân chúng các vị nữ tu là những người hiền hậu, nhẫn nhục đầy lòng yêu thương như người mẹ hiền, người chị thảo. Thêm vào đó, nữ tư còn là người nhân đức, hy sinh, quên mình. Vì vậy Đức Thánh Cha đã trao cho họ trách nhiệm hoà giải. Tưởng không gì thích hợp hơn. Thấy người lại nghĩ đến ta. Tôi đọc CN 38, trang 10, bài “Chuyện Khó Tin, Nhưng Có Thật” về sơ Ngọc, một social worker, San Jose. Chuyện tóm tắt như sau: Bà Hương có việc gặp sơ Ngọc. Sơ Ngọc yêu cầu Bà Hương phải từ bỏ “phe” Chính Nghĩa. Bà Hương từ chối. Sơ Ngọc gọi xe cấp cứu đến để chở Bà Hương đi nhà thương vì Bà Hương “điên”. Cảnh sát tưởng thật, đến còng tay bà. Bác sĩ thử, không thấy bà điên nên cho bà về. Bà Hương buồn tủi khóc sưng cả mắt . . . Tại sao Sơ Ngọc có thể hành động bồng bột như thế? Lương tâm con người của Sơ Ngọc đâu? Tôi chưa cần nói đến lương tâm nghề nghiệp và tu hành của Sơ. Hiện nay ta chỉ nghe nói cộng sản dùng cách này để ép buộc người chống đối từ bỏ lập trường của họ. Ai không từ bỏ thì Bác sĩ tâm lý cộng sản sẽ chứng nhận là người đó điên và phải đi vào nhà thương điên ở Tây Bá Lợi Á. Lương tâm của Sơ Ngọc chẳng lẽ cũng xấu như thế sao? Đây là một nước tự do mà Sơ Ngọc dám hành động tàn nhẫn đến như vậy à? Tôi rất ngạc nhiên nếu không ai lên tiếng tố cáo Sơ Ngọc giúp Bà Hương là người thấp cổ bé miệng. Social worker là một nhân viên của County. County phải chịu trách nhiệm về hành động của nhân viên mình. Với tư cách như thế và ở địa vị đó, Sơ Ngọc có thể còn làm hại nhiều người. Thảo nào mà Sơ đã chẳng quá lực chống đối Cha Tịnh và triệt để ủng hộ Cha Dương.

Giáo dân VN San Jose đang gặp nhiều điều bất hạnh như dân Chi-Lê. Nhưng dân Chi-Lê được đại phúc Đức Thánh Cha đến thăm và yên ủi; còn Giáo dân VN chỉ biết đoàn kết và cầu nguyện xin Chúa và Đức Mẹ thương đến lũ con xa quê hương, xa Giáo Hội Mẹ, đang tranh đấu trong đau thương cho sự sống đạo của mình. Chắc Chúa và Mẹ không nỡ để đoàn con bơ vơ.

Monterey ngày 13-4-87

29-  TÔI ĐỌC THƯ CHA TỊNH

 Trong Tín Hữu số 17 ra ngày 6-4-87, có đăng bức thư của Cha Tịnh gửi Cha Dương. Đọc thư nầy tôi phải đồng ý với Lời Toà Soạn của Tín Hữu là “lời lẽ trong thư vô cùng cảm động và thống thiết”. Không ai có thể nghi ngờ được lòng thành thực của Cha Tịnh.

 Từ trước đến nay, tôi chỉ được gặp Cha Tịnh vài lần tại nhà người quen. Tôi không có dịp nói chuyện lâu với Ngài. Nhưng dù được tiếp xúc với Ngài rất ít, tôi cũng nhận thấy Ngài là người khiêm nhường, nghèo khó, thánh thiện. Chính vì thế mà đại đa số trong tầng lớp giáo dân đều quý mến Ngài. Ngài đã tận tình giúp đỡ, an ủi, dẫn dắt họ khi họ bị khủng hoảng về tinh thần hay khi họ gặp những khó khăn trong gia đình. Ngày nay Cha Tịnh đã ra đi. Tuy họ biết là không bao giờ sẽ được gặp lại Ngài, nhưng lòng trìu mến biết ơn Ngài sẽ còn mãi mãi trong lòng họ, trong những câu chuyện và những bài họ viết về Ngài.

 Một điểm đặc biệt trong suốt bức thư gửi Cha Dương này là đức khiêm nhường của Cha Tịnh.

 Một người khiêm nhường luôn luôn nhận lỗi về phần mình và không bao giờ đổ lỗi cho người khác dù là người khác có lỗi. Trước mặt Chúa kẻ khiêm nhường là người khôn ngoan và hoàn hảo, như trong sách Gương Chúa Kitô (The Imitation of Christ) trang 27 đã viết: “Coi mình như không đáng gì cả và luôn luôn nghĩ tốt đẹp về người khác, đó là biểu hiện của sự khôn ngoan và hoàn hảo cao cả” (It is a great wisdom and perfection to esteeem ourselves as nothing and to think always well and highly of others). Kẻ khiêm nhường, theo đạo Khổng, cũng có tư cách của người quân tử: “Quân tử trách mình, tiểu nhân trách người.”

 Trong suốt những năm trước thời kỳ tranh đấu đã có những biến động sôi nổi liên hệ đến các Cha và nhiều người khác, và ngay cả những lúc Cha Tịnh bị thư nặc danh chửi bới, Ngài không hề mở miệng oán trách hay đổ lỗi cho ai cả. Có lần bị dồn ép đến cùng cực bởi những lời chửi bới quá ư đê tiện, thấp hèn bằng những thư nặc danh, Ngài đã phải gửi thư chung cho giáo dân ngày 11-4-86, công khai lên tiếng để xin kẻ ác tâm tỉnh ngộ lại cho cộng đồng được an lành. Trong thư đó có đoạn như sau: “ . . . còn những ai thường biên thơ ẩn danh hay mạo danh mà chửi bới tôi vì nghĩ rằng tôi có tham vọng và mưu đồ ở lại ghế chính xứ, xin đừng làm như vậy nữa, vì điều họ nghĩ sẽ không đúng sự thật đâu. Là Linh Mục, tôi tôn trọng Đức Vâng Lời và tôi sẽ ra đi vào cuối tháng 7 này . . .” (CN 38, trang 13).

 Trong Phúc Âm Chúa Giêsu đã mắng quân Pharisêu giả hình rằng: “Sao các ngươi dòm thấy cái rác trong con mắt anh em các ngươi mà chẳng nhận ra cái xà trong mắt mình.” Ngược lại với bọn giả hình,  Cha Tịnh đã nhìn thấy cái rác trong mắt mình mà không nhìn thấy cái xà trong mắt anh em.

 Tôi chỉ xin nêu ra một trường hợp sau đây để làm ví dụ tưởng cũng đã đủ rồi. Trong thư gửi Cha Dương có đoạn Cha Tịnh nói là Ngài “ân hận vô chừng vì đã không thỉnh ý Cha (Dương) và quý Cha, khi được biết phần đông Linh Mục Việt Nam nói là giáo dân Việt Nam bị hướng dẫn sai lầm. Tôi thấy Cha Tịnh thật là rộng lượng đối với Cha Dương. Nếu là một người thường, chắc chắn Cha Tịnh sẽ trách Cha Dương (và các Cha) là nếu các Cha thấy Cha Tịnh hướng dẫn sai lầm giáo dân thì tại sao các Cha không lấy tình anh em Linh Mục mà báo cho Cha Tịnh biết để đối thoại sửa sai. Nếu Cha Tịnh có lỗi và không chịu sửa thì lúc đó Cha Dương và các Cha sẽ báo ngay lên Đức Giám Mục. Nhưng Cha Dương và các Cha đã không làm thế. Các Cha báo cáo thẳng lên Đức Giám Mục là Cha Tịnh “hướng dẫn sai lạc giáo dân và Cha Tịnh nên từ chức”. Theo cách nói thông thường của người đời thì Cha Dương và các Cha đã đâm sau lưng Cha Tịnh, đã phản bội người anh em. Hành động của Cha Dương như vậy mà Cha Tịnh đã không trách móc; Cha Tịnh lại tự trách mình đã không thỉnh ý Cha Dương! Các trường hợp khác trong thư cũng tương tự như thế. Thật quả là Cha Tịnh đã thấy cái rác trong mắt mình mà không nhận thấy cái xà trong mắt Cha Dương. Đó mới thật là khiêm nhường.

 Suốt trong bức thư, Cha Tịnh luôn luôn giữ một luận điệu như vậy: tự trách mình, tuy rằng giáo dân biết rõ không phải là lỗi ở Cha. Đọc thư Cha Tịnh gửi Cha Dương đăng trong Tín Hữu, tôi cảm thấy mến phục lòng quảng đại và khiêm nhường của Cha Tịnh, một người thành thực, vị tha, hy sinh, bị Bề Trên chèn ép, ruồng rẫy, thế mà không hề một lời oán trách, lại còn tự trách mình và cúi đầu xin mọi Đấng bậc giơ tay tha lỗi cho mình. Thế mới thật là người có đức độ, “Danh bất hư truyền”, tiếng đồn không sai.

 Từ khi còn nhò, ta được nghe kể chuyện là có nhiều vị Thánh xưng tội hàng ngày mà vẫn thấy mình đầy tội lỗi. Trái lại, nhiều người trong chúng ta xưng tội 5, 6 tháng hay một năm một lần mà cũng thấy là đủ rồi. Điều đó dĩ nhiên không có nghĩa là các vị đó có nhiều tội lỗi hơn ta; mà ngược lại chính ta mới là người có nhiệu tội lỗi mà không biết mình. Sự khác biệt giữa các người đạo đức và con người tầm thường của ta là ở chỗ đó.

 Tôi xin được thưa với Cha Dương mấy lời:

 Thưa Cha theo sự hiểu biết của con thì Cha phải được phép Cha Tịnh để cho đăng tải bức tâm thư này, vì nếu không có phép Cha Tịnh mà Cha cho đăng thì Cha sẽ lỗi luật về xã giao; về cách cư xử và về sự tin tưởng giữa hai nguời thân. Cái luật sơ đẳng này, ai cũng phải biết. Chức vụ Linh Mục càng đòi hỏi Cha phải tôn trọng niềm tâm sự của người khác hơn ai hết; nếu không thì con chiên nào dám thổ lộ tâm tình thầm kìn với Cha, trực tiếp hay gián tiếp bằng thư từ.

 Nhưng theo sự tính toán của con thì Cha đã không có phép Cha Tịnh để đăng thư của Ngài. Con căn cứ như sau:

 Thư Cha Tịnh đề ngày 27-3-87. Từ Đức đến Mỹ có nhanh nhất cũng phải 5 ngày Cha mới nhận được, tức là ngày 1-4-87. Sau khi nhận được, nếu Cha vội vả viết thư xin phép Cha Tịnh ngay thì cũng phải 5 ngày nữa Cha Tịnh mới nhận được thư Cha, tức là ngày 6-4-87. Rồi Cha Tịnh có trả lời ngay thì cũng phải 5 ngày nữa Cha mới nhận được, tức là ngày 11-4-87. Thế nhưng Cha cho đăng thư Cha Tịnh trong Tín Hữu số 17 ra ngày 6-4-87. Vì vậy mà con nghĩ rằng Cha đã không có phép của Cha Tịnh; trừ khi Cha liên lạc với Cha Tịnh bằng điện thoại. Nhưng con không nghĩ như thế. Vậy nếu con sai thì Cha cho con biết. Con xin lỗi và cám ơn Cha.

 Một điều nữa con muốn thưa với Cha là: vì Cha đã cho đăng thư Cha Tịnh để mọi người đọc thì con nghĩ Cha cũng nên cho đăng thư phúc đáp của Cha cho Cha Tịnh để độc giả được biết thêm về các sự việc giữa các Cha để có được cái nhìn rõ ràng hơn. Nếu không thì con tự hỏi: Cha cho đăng thư Cha Tịnh với mục đích gì?

 Tôi xin phép có mấy lời với phe Cha Dương:

 Trong ‘Lời Toà Soạn’ của Tín Hữu trước khi đăng thư Cha Tịnh gửi Cha Dương, quý vị đã nói là “lời lẽ trong thư (Cha Tịnh) thật là cảm động và thống thiết”. Như vậy quý vị đã nhận thấy Cha Tịnh là người thành thực; vì nếu không thành thực thì làm sao cảm động được. Vậy mà từ trước đến nay quý vị đã vu cáo và xuyên tạc nhiều điều về Cha. Chẳng hạn như ngay sau khi Cha Tịnh rời San Jose, đi sang Đức rồi mà quý vị còn nói là Ngài vẫn còn ở San Jose trong bóng tối giật dây giáo dân tranh đấu. Quý vị còn gọi Ngài là “linh hồn vất vuởng” vì có lúc quý vị “nhận diện được (Ngài ở Mipitas, lúc thì ở Hayward, lúc thì ở Fremont, một thời gian ngắn thì ở cách Đông Bá Linh không xa . . . kể từ lúc bị đuổi khỏi vườn địa đàng” (Đức Tin 15-11-86). Rồi khi Cha Tịnh gửi thư ngày 25-8-86 (đăng trong Đức Tin 15-11-86, trang 76) khuyên nhủ giáo dân “XIN VÂNG” Đức Giám Mục, quý vị cũng cắt nghĩa là Ngài không thành thực và một cách gián tiếp Ngài khuyến khích giáo dân tranh đấu, coi việc phá Thánh Lễ và xuống đuờng là đúng (Đức Tin 15-11-86, trang 18 và ĐT Giáng Sinh 86, trang 32). Quý vị còn mỉa mai Cha khi Cha làm lễ giỗ cho thânphụ mẫu Cha vì quý vị cho đó không phải do lòng thành mà chỉ là một màn trình diễn lòng hiếu thảo của Cha(Đức Tin 15-11-86, trang 17)!

 Trước sự thành thực và khiêm nhường của Cha Tịnh mà chínhquý vị đã phải công nhận trong ‘Lời Toà Soạn’ của Tín Hữu, tôi thấy hành động vu cáo và xuyên tạc của quý vị đối với Ngài thật là bất xứng. Đọc thư Ngài, quý vị hãy học lấy bài học về thận trọng, đừng ăn nói bừa bải, thiếu suy nghĩ; vì làm như vậy, quý vị tự chuốc lấy sự khinh chê của giáo dân đối với quý vị.

 Tất cả mọi việc từ từ sẽ ra ánh sáng. Tôi mừng là quý vị đã nhận ra lòng thành thực của Cha Tịnh. Đó cũng là một tin vui vậy thay. Riêng với Cha Tịnh, chúng ta thành tâm cầu xin Chúa, Mẹ và Thánh Cả Giuse gìn giữ Cha khoẻ mạnh về thể xác và tinh thần, an ủi Cha và ban cho Cha nhiều ơn lành để Cha làm sáng danh Chúa trong chức vụ mới.

Monterey, Lễ Phục Sinh 19-4-87

30-  GIÁO DÂN VIỆT NAM CẦN GIÁO XỨ HƠN CÁC SẮC DÂN KHÁC

 Giáo luật điều 518 cho phép các sắc dân có phong tục, tập quán và ngôn ngữ riêng được phép có giáo xứ thể nhân vì điều đó giúp họ được sống đạo dễ dàng và hữu ích hơn là đồng hoá vào giáo xứ địa phương. Vì thế, ngay chính ở San Jose này cũng có nhiều giáo xứ thể nhân dành cho những người Ý, Đức, Mễ Tây Cơ và người Bồ Đào Nha (tuyên bố của Cha Sullivan, CN 10, trang 6). Theo tiêu chuẩn nêu ra trong giáo luật thì giáo dân VN chẳng những đủ điều kiện để được có giáo xứ thể nhân như các sắc dân nói trên mà còn theo hoàn cảnh đặc biệt, họ còn vượt quá tiêu chuẩn nữa. Hoàn cảnh đặc biệt mà tôi nêu ra đây là do những hậu quả của cuộc di tản mà người VN phải chịu. Các sắc dân có giáo xứ thể nhân trên đây đã di dân sang Mỹ trong một hoàn cảnh rất bình thường, hầu hết là đoàn tụ gia đình. Người tỵ nạn VN đâu có được di cư một cách êm ả như thế.

 Chính vì thấu hiểu hoàn cảnh đặc biệt này của người VN mà nhiều vị Giám Mục Mỹ thấy cần cho phép và khuyến khích việc thành lập giáo xứ thể nhân và bổ nhiệm các vị chủ chiên tài đức để giúp đỡ giáo dân VN.

 Không cần phải theo thống kê gì xa xôi, ai cũng biết là bất cứ gia đình tỵ nạn VN nào cũng phải chịu cảnh khổ sở không nhiều thì ít trong cuộc di tản này, nhất là những người ra đi sau 1975. Theo các bản tường trình của các cơ quan đặc trách về người tỵ nạn VN và báo San Jose Mercury News đăng liền trong mấy số tuần trước, người ta chỉ mới biết được một phần nhỏ sự đau khổ của những người vượt biển. Tuy vậy, chỉ đọc lại những tài liệu đó hoặc được nghe kể lại những gì đã xảy ra mà người ta cũng phải rùng mình, ghê sợ, buồn tủi cho số phận của người tỵ nạn VN rồi. Cái cảnh đói khát lênh đênh vô định trên biển cả đối với người Mỹ là một cảnh rùng rợn; nhưng đối với người tỵ nạn VN, đó chỉ là một sự tất nhiên, rất thường nếu đem so sánh với các cảnh khổ cực khác.

 Tôi không có ý gợi lại những đau thương của đồng bào tỵ nạn, nhưng để minh chứng điều tôi nói ở đầu bài, tôi xin phép chỉ nhắc qua lại mà thôi. Những sự đau thương này đã xảy ra cho bạn bè, họ hàng, gia đình hay chính bản thân của ta. Làm sao quên được cảnh người thân ra đi mà bặt tin tức không biết sống chết trôi giạt phương nào. Làm sao quên được cảnh thuyền đắm, cha mẹ, vợ con chìm trôi ngay trước mắt, cảnh người thân yêu chết vì đói khát, phải nhắm mắt đẩy xác xuống biển, mặc cho sóng gió trôi giạt hay làm mồi cho cá biển. Làm sao quên được những cảnh cha, chồng, anh vì muốn bảo vệ mẹ, vợ, chị, em mà bị hải tặc chém chết đạp xác xuống biển. Quên sao được cảnh người thân yêu của mình bị hải tặc thay nhau hãm hiếp trước mắt, rồi cắt cổ vứt xác xuống biển hay chuyển từ thuyền này qua thuyền khác cho đồng bọn tiếp tục hãm hiếp hoặc bị bán cho các nhà chứa. Làm sao quên được cảnh đói khát cùng cực phải cắt thịt người chết mà ăn cho khỏi chết.

 Những nỗi đau đớn về thể xác không thấm vào đâu so với những thống khổ về tinh thần. Một số người tỵ nạn đã may mắn thoát khỏi những đau thương cùng cực đó. Nhưng khi nghĩ đến những điều bất hạnh đã xảy đến cho đồng hương, chúng ta không khỏi mủi lòng đau xót cho họ vì sự tủi nhục dày vò lòng trí họ đến cùng cực. Bao nhiêu người đã ngẩn ngơ, mất trí hoặc tự tử vì thấy đời tủi nhục không còn ý nghĩa gì cả.

 Ai là người có thể giúp họ được? Chính phủ có thể giúp họ về vật chất, nhưng về tinh thần thì sao? Đây chính là điều mà đáng lẽ ra những người có thẩm quyền, nhất là về phần đạo, phải nghĩ tới và tìm mọi phương cách để giúp đỡ họ. Trong phạm vi tâm thần, chúng ta may mắn có Bác sĩ tâm trí VN, biết tâm trạng của người dân ta, nên cũng đã giúp đỡ được khá nhiều. Tuy vậy, hàng giáo sĩ mới thật là người để tín hữu tin cậy và thổ lộ tâm tình. Tín hữu Phật Giáo và Tin Lành VN đã may mắn có chùa riêng, nhà thờ riêng để hội họp, thờ phượng theo phong tục, truyền thống và ngôn ngữ của mình. Các vị lãnh đạo tinh thần của họ có thể giúp đỡ họ đắc lực. Riêng giáo dân VN thì còn bị thiệt thòi. Họ ước ao có được một giáo xứ để họp nhau cầu nguyện, an ủi, nâng đỡ nhau như trong một gia đình. Họ ước mơ có được vị chủ chăn thật lòng yêu thương, giúp đỡ, để họ lui tới thổ lộ những thầm kín đau buồn, những khó khăn trong gia đình, để nhờ các Ngài khuyên nhủ, dẫn dắt, làm dịu những đau khổ và dẫn đường, chỉ lối cho họ trong cuộc sống phức tạp ở xã hội này. Có gì chính đáng hơn những nguyện vọng này? Có gì cấp bách hơn những nhu cầu tâm linh này? Thế mà Bề Trên lại đang tâm làm khó dễ đến nỗi con chiên phải vất vả tranh đấu mà cũng chưa được.

 Tôi đã đọc bài “KHÓC VỚI TÔI” của Hoài Hương đăng trong CN 16, trang 13. Tôi ngậm ngùi cho số phận của cô. Cái tai hoạ, đau khổ cùng cực của cô cũng là của biết bao đồng hương, phụ nữ ta. Cái ước mơ của cô được có giáo xứ và vị chủ chiên biết thông cảm, nâng đỡ cô trong cảnh cô đơn, nghèo khổ cũng là ước mơ chung của giáo dân ta. Lời van nài thống thiết của cô với ĐGM Du Maine cũng là lời van nài chung của giáo dân. Lời cô giãi bày với Cha Dương và nhóm của Cha cũng là lời giải bài chung của giáo dân tranh đấu. (Nếu có thể xin quý vị đọc bài đó để tìm hiểu thêm sự cần thiết của giáo xứ thể nhân và sự quan trọng của chức vụ chủ chiên).

 Ai cũng biết chức vụ của vị chủ chiên quan trọng và ảnh hưởng đến đời sống tâm linh như thế nào. Vậy mà Cha Sullivan đã căn cứ vào một yếu tố nhỏ mọn gần như vô nghĩa, khi Ngài trả lời thàh viên của Hội đồng Tư Vấn trong buổi họp đêm 11-7-86, về lý do bổ nhiệm Cha Dương làm Chánh Xứ Họ Đạo là vì  “Cha Dương giỏi tiếng Anh hơn hai cha phó ở Họ Đạo” (CN 3, trang 9). Tôi không thể tin được lời tuyên bố này phát xuất từ một vị Tổng Quản địa phận. Có Cha VN (ở Mỹ) nào mà không tạm đủ Anh Ngữ để giao thiệp. Vả lại, Cha Sullivan nên biết rằng các đức tính khác để giúp đỡ con chiên trong đời sống đạo của họ và an ủi, chỉ dẫn họ trong các vấn đề riêng tư hay gia đình mới là điều quan trọng hơn cả. Vị chủ chiên mà con chiên không tin cậy, kính trọng thì dù ngay những việc mục vụ thông thường cũng còn không đem lại lợi ích cho họ, huống chi là giúp đỡ họ về những ưu tư lo lắng thầm kín trong thâm tâm họ.

 Người VN ta, tự bản tính, thường hay kềm chế những tình cảm sâu kín trong lòng, ít khi tỏ ra cho người ngoài biết như lời Bác Sĩ Vũ Ngọc Oánh đã nói với phóng viên Michael Dorgan, báo San Jose Mercury News, April 10-87, page 15A. “Họ cố giấu giữ vết thương trong lòng. Họ âm thầm đau khổ và tiếp tục sinh tồn (They try to hide the wound, to keep the wound inside, they suffer silently and try to keep functioning). Như vậy làm sao họ sống cuộc đời bình thường được? Họ khổ và gia đình cũng khổ lây. Nếu họ gặp được người lãnh đạo tinh thần tài đức mà họ tin cậy, mến phục, thì họ mới dám thổ lộ tâm tình và như vậy, mới mong hàn gắn lại được vết thương, mới mong đem lại cuộc sống bình thường cho họ và cho gia đình họ.

 Còn lý do nào mạnh hơn để được giáo xứ thể nhân? Còn lý do nào mạnh hơn để giáo dân được một chủ chiên mà họ tin tưởng, kính mến? Tại sao ĐGM không nhìn vào khía cạnh này mà thương đến đoàn chiên đã phải trải qua bao cơn khủng khiếp, thương tích (tinh thần) đầy mình? Đời sống tâm linh, tinh thần và gia đình của họ đang trong tình trạng nghèo nàn, khô héo mà sao ĐGM không thấy? Thật khó hiểu! Có người Cha nào thấy con đói khát mà còn khệnh khạng, bắt bẻ con, không cho con ăn uống?

 Càng nghĩ tôi càng thấy đau lòng cho sự bất công của giáo dân VN và bực bội với cách cư xử của Toà Giám Mục đối với giáo dân San Jose.

 Chúng ta hãy vững lòng cầu xin Chúa, Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse đoái thương, dẫn dắt đoàn con côi cút đang trải qua cơn thử thách khó khăn này.

Monterey, ngày 25-4-1987

Trở về  MỤC LỤC   *   Phần 4

LAST_UPDATED2