Home Biến Cố CG SJ Sách Tiếng Lương Tâm Tiếng Lương Tâm (Phần 1)

Tiếng Lương Tâm (Phần 1) PDF Print E-mail
Tác Giả: Đỗ Văn Hiến   
Thứ Sáu, 04 Tháng 12 Năm 2009 00:22

 

1-  LỜI ĐỀ TẶNG

Kính tặng:

Tiến Sĩ TRẦN AN BÀI
Chủ Tịch Công Giáo VN, San Jose
       
Kính tặng:

Các giáo dân Việt Nam, San Jose, California đã can đảm, kiên trì, đoàn kết đấu tranh vì chính nghĩa, quyền lợi, và nhân phẩm của mình.

Monterey ngày 10-6-1990
ĐỔ VĂN HIẾN

2-  LỜI NÓI ĐẦU

1. Cuốn sách nầy gồm những bài báo mà tôi đã gửi đăng trong tuần báo Chính Nghĩa, liên quan đến cuộc đấu tranh của giáo dân Việt Nam, San Jose, California.
 
Tuy vậy, ý tưởng trongmỗi bài thường riêng biệt, không liên hệ với nhau. Do đó, không chia thành chương mục được.

2. Tôi đã xin và được phép của Linh Mục Giu-se Duyên Mậu và Bà Lê Thị Liên để dùng bức thư sau đây của Linh Mục gửi cho Bà thay Lời Tựa. Bức thư nầy đã được đăng trong tuần báo Chính Nghĩa, số 35 (bộ cũ), ra ngày 14-3-1987.
 
Xin chân thành cảm ơn Cha Duyên Mậu và Bà Liên.

Monterey ngày 15 tháng 5 năm 1988
Đỗ Văn Hiến

3-  THAY LỜI TỰA

ST. HELEN’S CHURCH
STAR ROUTE B, BOX 395, FRANKLIN, LOUISIANA 70538

Ngày 26-2-1987

Bà Lê Thị Liên thân ái trong Chúa và Mẹ Maria

Cám ơn Bà đã gửi tặng báo CHÍNH NGHĨA cho chúng tôi kể từ số 15 đến nay 32. Tôi xin gửi Bà 30 đô để Bà có phương tiện tiếp tục gửi báo cho tôi.

Vì vấn đề đang xảy ra có tầm vóc ảnh hưởng quá rộng và lớn, nên mỗi khi nhận được báo tôi đã mải miết đọc rất kỹ lưỡng các bài trong đó. Nhưng nhất là các bài của ông ĐỔ VĂN HIẾN mà tôi biết Ông và gia đình Ông từ ngày còn tại Bắc Việt Nam kia.

Những bài Ông viết thật đanh thép và đứng đắn, lý luận và phê bình thật vững chắc – Nói có sách, mách có chứng – đàng hoàng làm cho các độc giả tại đây lại càng bận tâm suy nghĩ nhiều về câu truyện.

Tôi đã gặp các giáo hữu, cả các Linh Mục anh em, mà tôi năm nay đã 70 tuổi rồi, hỏi tôi nghĩ sao về vụ nầy. Tôi thật bối rối không biết trả lời sao cho ổn. Nay người Linh Mục anh em tôi là Cha Phaolô Nguyễn Quang Hiền; Ngài với tôi tuần nào cũng đàm đạo với nhau nhiều giờ về nhiều vấn đề, song dành rất nhiều giờ cho San Jose.

Tôi thiết nghĩ: Thơ Ngài viết rất đầy đủ ý nghĩa và đồng thời cũng nói lên ý nguyện chung của mọi người nơi xa chúng tôi. Nếu những lời xin của Cha Hiền được đáp lại nghiêm chỉnh thì chúng tôi tin: Sóng gió dần sẽ im và anh em Việt Nam tại đó nhất là anh em Công Giáo sẽ được thở ra nhẹ nhàng và vui vẻ.

Bao lâu vụ nầy còn gay go, bấy lâu chúng tôi mặc dầu xa cách vẫn cảm thấy âu lo chung cho anh em mình.

Chúng tôi vẫn tha thiết cầu nguyện để sự cố gắng và thiện chí của cả hai bên chóng được Chúa chấp nhận ban lại an bình.

Chúc Bà luôn an mạnh.

Kính,
Linh Mục Giuse Duyên Mậu


4. THƯ GỬI ĐỨC GM. PIERRE DuMAINE, LM. LƯU ĐÌNH DƯƠNG, GIÁO DÂN VIỆT NAM, SAN JOSE

Monterey ngày 29-7-1986
Đỗ Văn Hiến
761 Lottie St.
Monterey, CA 93940


Kính gửi:
Đức Giám Mục Pierre Du Maine
Cha Lưu Đình Dương
Cộng Đồng Công Giáo VN, San Jose

Với một sự quan tâm sâu xa, tôi đang theo dõi những diễn tiến của các biến cố đã gây ra sự bất an trong Cộng Đồng Giáo Dân Việt Nam, San Jose.

Tôi rùng mình lo sợ khi nghĩ đến viễn tượng của sự bế tắc có thể còn kéo dài. Nó sẽ làm tổn thương nặng nề hoà khí, đời sống tinh thần và tình yêu thương của người Kitô hữu chúng ta.

Tôi không dám tự phụ làm cái việc tìm kiếm nguyên nhân thực sự của sự xáo động này. Vả lại, làm thế cũng chẳng ích gì cho mục đích của lá thơ ngỏ nầy.

Là một giáo dân Việt người Mỹ, sống ngoài giáo phận San Jose nên tôi không bị tình cảm chi phối trong vụ tranh đấu nầy. Tuy nhiên, cũng như mọi giáo dân, tôi thành khẩn ước mong cho cuộc tranh đấu nầy được chấm dứt một cách an hoà. Vì vậy, với lòng khiêm tốn sâu xa, tôi xin phép đưa ra những đề nghị sau đây, hy vọng có tạm một giải pháp tức thời:

1. Cùng Cộng Đồng Giáo Dân Việt Nam, tôi xin Cộng Đồng:

 - Đừng một mực đòi hỏi cho bằng đước một Giáo Xứ Thể Nhân.
 - Hãy chấp nhận qui chế hiện tại Họ Đạo mà Đức Giám Mục đã chuẩn y cho Cộng Đồng.

2. Cùng Cha Lưu Đình Dương.

Kính thưa Cha, xin Cha:

 - Hãy đệ đơn từ chức Chánh Xứ Họ Đạo VN. Cha đáng được khen ngợi trong sự vâng lời ĐGM, lãnh nhận sự bổ nhiệm nầy trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.

 - Hãy nghe theo lời Chúa đã dạy: “. . . Khi chúng con đến nơi nào mà họ không tiếp đón chúng con thì chúng con hãy phủi áo mà ra đi . . . “ Chắc chắn Cha có thể phục vụ Chúa và dân Người trong những nhịêm vụ khác một cách đắc lực hơn nhiều.

3. Kính thưa Đức Cha, con xin Đức Cha hãy dùng uy quyền của Đức Cha mà:
 - Thâu hồi lệnh bổ nhiệm Cha Dương vào chức vụ Chánh Xứ Họ đạo VN, San Jose.

 - Cho phép hai Cha Đình và Cha Chính được trở về nhiệm sở để làm nhiệm vụ mà Đức Cha đã giao phó cho 2 Cha. Đời sống tinh thần của Cộng Đồng Giáo Dân Việt Nam ngày càng sa sút nếu sự vắng mặt của 2 Cha còn kéo dài.

 - Bổ nhiệm một linh mục khác được sự kính phục và hợp tác của Giáo Dân Việt Nam vào chức vụ Chánh Xứ Họ đạo VN.

 Với lòng khiêm tốn, tôi xin cầu Chúa luôn luôn ấp ủ chúng ta trong sự thương yêu, che chở và dẫn dắt của Người nhất là trong giai đoạn khó khăn thử thách nầy, để mọi người chúng ta cùng nhau làm việc cho sáng danh Chúa và đi theo con đường Chúa đã hoạch định cho chúng ta.

Trân trọng trong Chúa Kitô

5-  BÊN NÀO CÓ ĐA SỐ?

Những thuộc hạ của Đức Giám Mục Du Maine thường nói đi nói lại nhiều lần là những người chống đối việc ĐGM bổ nhiệm Cha Dương làm chánh xứ Họ đạo Việt Nam chỉ là một thiểu số nhỏ.

Có vẻ ĐGM đã tin họ vì chẳng những Ngài đã bổ nhiệm Cha Dương mà còn tấn phong Cha Dương trong một nghi lễ công cộng. Chẳng may nghi lễ nầy đã trở thành một cảnh tượng hỗn loạn. Nhiều người biểu tình ồn ào và năm bảy chục cảnh sát và chó săn đứng bao quanh và trong cả nhà thờ, nơi cuộc “tấn phong” đang diễn ra. Các giáo dân bị cảnh sát và Ma Sơ khám xét trước khi được vào nhà thờ. Những người không được vào đã đứng chung quanh nhà thờ la hét ầm ĩ: “NO FATHER DƯƠNG”. Có hai người bị cảnh sát bắt giữ. Thật là một cảnh tượng hỗn loạn chưa bao giờ thấy xảy ra trong một cuộc lễ nghi tôn giáo. Không một ai có thể chối cãi rằng những người chống đối Cha Dương là đa số.

Nếu thuộc hạ của ĐGM tin rằng họ đã nói sự thật với ĐGM (chỉ có một thiểu số nhỏ chống đối) thì tại sao họ không trình với Ngài ra lệnh tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý như Uỷ Ban Chấp Hành cộng đồng đã đề nghị?
Cho dù ĐGM có thành công trong việc áp đặt Cha Dương vào chức vụ chánh xứ Họ đạo Công Giáo VN, San Jose đi nữa thì người ta cũng vẫn tự hỏi: Cha Dương có thể giúp ích gì cho giao dân khi giáo dân cực lực chống đối Cha, không kính trọng Cha và không hợp tác với Cha? Tôi sợ là Cha Dương sẽ thất bại trong nhiệm vụ mới này và cái đó có thể là lý do để ĐGM giải tán Họ Đạo.

Đức Giám Mục Du Maine đã ra vạ tuyệt thông cho những người lãnh đạo cộng đồng công giáo Việt Nam San Jose, cho rằng những người nầy đã dẫn giáo dân đi sai đường vì chống lại lệnh ĐGM.

Vậy ĐGM cũng nên ra vạ tuyệt thông cho những thuộc hạ của Ngài vì họ đã nói sai về giáo dân với Ngài, cô lập Ngài khỏi giáo dân và ngăn cản, không để Ngài nghe và thấy sự thật. Điều đó đã làm cho Ngài hiểu lầm về giáo dân và coi thường tâm cảm của giáo dân. Bao lâu Ngài còn dùng những thuộc hạ bất tài, bất xứng thì Ngài vẫn không biết được sự thật để tìm được một giải pháp thích hợp cho cuộc biến động nầy.


                                             
6-  CÓ CÁCH NÀO RA KHỎI BẾ TẮC KHÔNG?

Sự chống đối Toà Giám Mục địa phận San Jose của một số giáo dân VN San Jose đã sang tháng thứ ba. Không còn ai là không biết những lý do, những hành động, những phản ứng và những hậu quả của sự chống đối nầy; nên không cần phải nhắc lại đây.

Tôi nghĩ hai bên đều đã nói tất cả những gì phải nói. Nếu có nói thêm gì nữa thì cũng chỉ là lời lẽ tiêu cực, tố cáo và bêu xấu lẫn nhau. Càng làm cho xa nhau và vết rạn nứt càng khó hàn gắn.

Hai bên đều giữ vững lập trường. Bên Toà Giám Mục thì dùng uy quyền để thi hành mệnh lệnh. Bên chống đối thì dùng luật nầy luật kia của Giáo Luật để chống lại lệnh của TGM.

Giáo dân thì có ba phe: Một phe theo TGM, một phe theo bên chống đối, và phe thứ ba đứng giữa vì họ có thái độ “mặc kệ, bất cần” hoặc họ thấy mỗi bên đúng một số điểm nầy, sai một số điểm nọ, nên không muốn theo bên nào cả.

Tôi thiết nghĩ ta vẫn còn hy vọng ra khỏi bế tắc bằng một trong ba cách sau đây:

1. Do thượng cấp

Bên chống đối đã đệ đơn lên Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và Đức Giáo Hoàng qua Đức Khâm Sứ toà Thánh ở Hoa Kỳ. Toà Giám Mục chắc cũng đã gửi báo cáo lên Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và Đức Giáo Hoàng. Một khi Đức Giáo Hoàng ra phán quyết thì bên chống đối sẽ vâng phục. Họ đã tuyên bố như thế. Bên TGM chắc cũng sẽ chấp nhận vì Đức Giáo Hoàng là bề trên của Đức Giám Mục. Nhưng biết bao giờ mới có phán quyết vì thủ tục cứu xét lâu dài.

2. Do thành phần thứ ba làm trung gian giúp đỡ hoà giải: Mới đây chúng ta được nghe có thành phần thứ ba muốn đưa thiện chí để giúp hai bên hoà giải. Nhưng vì nghe đâu thành phần thứ ba nầy đã bị chỉ trích và bị coi thường; nên khó hy vọng thành công.

3. Do chính 2 bên: Đại diện TGM và phe chống đối.

Vậy phải tìm một phương thức mà hai bên có thể đồng ý. Tôi đã theo dõi tình hình và biết được là Cha Sullivan. Đại diện TGM, đã có lần công khai bày tỏ ý muốn cho giáo dân bỏ phiếu về việc bổ nhiệm Cha Dương. Tối ngày 21-7-86 khi Cha Sullivan đưa Cha Dương về Họ Đạo, và sự chống đối mãnh liệt của giáo dân thì Ngài có yêu cầu bỏ phiếu. Thế rồi, ngày 3-8-86 trên đài truyền hình 11, chương trình ‘Face to Face’ giữa Ngài và ông Bài do hai cô Maggie Scura và Judy Peterson điều tiết, Ngài còn nhắc lại việc đó và nói thêm rằng phe chống đối đã từ chối. Khi cô Maggie hỏi ông Bài về việc nầy thì ông Bài trả lời là cuộc bỏ phiếu lúc đó không tốt đẹp vì dân chúng đang xúc động mãnh liệt và chưa tụ tập đủ.

Như vậy ta tìm thấy một điểm quan trọng mà hai bên đều đồng ý. Đó là tổ chức một cuộc bỏ phiếu để xem số người chống hay thuận Cha Dương là đa số. Một khi có kết quả của cuộc bỏ phiếu thì ai cũng phải chấp nhận kết quả đó.

Phe chống đối không thể từ chối một cuộc bỏ phiếu, vì họ đã tuyên bố nhiều lần trong Chính Nghĩa là họ muốn có một cuộc trưng cầu dân ý. Nếu họ từ chối thì họ sẽ bị coi là nói láo và không còn ai tin theo họ nữa.

Cha Sullivan,  Đại diện TGM cũng không thể từ chối một cuộc bỏ phiếu, vì chính Ngài đã công khai nêu ý kiến đó ra. Nếu Ngài từ chối thì như thế là lời nói của Ngài mâu thuẫn, không thành thực, đúng như phe chống đối thường tố cáo Ngài.

Để có một cuộc bỏ phiếu hợp lệ thì mấy điều kiện căn bản sau đây phải được ấn định trước:

 1. Thời điểm
 2. Địa điểm
 3. Danh sách cử tri

Tôi nghĩ những điều đó có thể được thoả thuận dễ dàng. Nếu hai bên ngồi xuống nói chuyện với nhau và giải quyết được một vấn đề thì các vấn đề khác cũng có thể giải quyết không khó khăn lắm.

Chúng ta cầu mong cho cuộc tranh đấu nầy chóng chấm dứt một cách an hoà vì lợi ích của mọi người.

Đỗ Văn Hiến

7-  THƯ NGỎ KÍNH GỬI:

- QUÝ VỊ ĐỔNG HƯƠNG CÔNG GIÁO KHÔNG CÙNG QUAN ĐIỂM VỚI GIÁO DÂN VỀ VIỆC DÂNG THỈNH NGUYỆN LÊN TOÀN GIÁM MỤC SAN JOSE
- TUẦN BÁO DÂN TỘC

Từ khi Họ Đạo Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo (Việt Nam), San Jose được John Quinn Đức Giám Mục cho phép được thành lập (và chuẩn bị để được trở thành giáo xứ thể nhân theo giáo luật điều 518) do Cha Giuse Nguyễn Văn Tịnh làm chánh xứ, gia đình tôi, dù ở ngoài giáo phận, cũng thường đến dự các buổi lễ trọng hay rước kiệu ở nhà thờ Họ Đạo chung với giáo dân Việt Nam.

Năm 1981 San Jose được tách rời khỏi tổng giáo phận San Francisco để trở thành giáo phận riêng dưới quyền cai quản của Đức Giám Mục Du Maine. Ngày 31-5-1984, ĐGM Du Maine gửi cho các linh mục VN trong giáo phận một bức thư hoạch định chính sách của Ngài đối với việc mục vụ cho giáo dân Việt Nam. Theo chính sách nầy (ngược lại với chính sách của TGM Quinn), qui chế Họ Đạo sẽ bị hạ xuống hàng Trung Tâm Mục Vụ, và giáo dân sẽ dần dần đồng hoá vào các giáo xứ địa phương.

Ngày 20-7-1986 ĐGM Du Maine thuyên chuyển Cha Tịnh (người ủng hộ giáo xứ thể nhân) và bổ nhiệm Cha Lưu Đình Dương (người ủng hộ chính sách đồng hoá của ĐGM) về thay Cha Tịnh. Trước nguy cơ đồng hoá, giáo dân họp nhau làm đơn đệ lên ĐGM xin hai thỉnh nguyện:

1. Xin ĐGM cho phép thành lập giáo xứ thể nhân như Giáo luật cho phép.

2. Xin ĐGM tạm đình lệnh bổ nhiệm Cha Dương và cho phép giáo dân được gặp Ngài để bày tỏ ý kiến của họ.

Nhưng ĐGM đã làm ngơ, chẳng những không xét đơn xin của họ, Ngài cứ tiến hành lễ “tấn phong” Cha Dương làm chánh xứ. Bị khinh thường, chèn ép và lo sợ bị đồng hoá, giáo dân khởi cuộc tranh đấu. Tình hình thật là rối ren, sôi động. Sau nhiều ngày suy nghĩ, đắn đo tôi quyết định ủng hộ cuộc tranh đấu nầy.

Tuy vậy, bên lề những sự tán thành, ủng hộ, tôi cũng được nghe những luận điệu sau đây của một số quý vị đồng hương công giáo nêu ra làm căn bản cho sự bất đồng ý kiến:

 1. Là giáo dân, ta phải tuyệt đối vâng lời Đức Giám Mục. Vì thế, phải chấp nhận Cha Dương làm Chính Xứ do Đức Giám Mục bổ nhiệm.

 2. Với giáo xứ thể nhân, giáo dân không đủ khả năng tài chính để đài thọ các chi phí, mặc dù được Giáo luật cho phép.

 3. Có Với giáo xứ thể nhân, người Công Giáo Việt Nam ở Mỹ sẽ sống mãi trong ghettos (những khu nghèo, chậm tiến) như vài sắc dân khác ở Mỹ (người đen, người Mễ).

Sau đây tôi xin phép bày tỏ ý kiến về từng điểm một.

A. Về điểm 1: Tôi xin không đồng ý với quý vị. Vì trong trường hợp này, giáo dân không phải vâng lời ĐGM một cách tuyệt đối. Nếu có dịp xin quý vị đọc bài “Đức vâng lời của người tín hữu đối với hàng giáo phẩm” của ông Phạm Minh Quý trong Chính Nghĩa số 3. Tôi xin phép được trích lại đoạn kết trong bài đó áp dụng cho trường hợp này: “Tóm lại tánh chất mệnh lệnh và sự Vâng Lời Công giáo không phải bao giờ cũng như nhau mà tuỳ mỗi vấn đề mà tuyệt đối hay tương đối. Có khi người tín hữu phải vâng lời tuyệt đối, vô điều kiện như đối với những vấn đề thuộc tín lý và luân lý . . . Có khi sự vâng lời thuộc có điều kiện như đối với những vấn đề khác (nhân sự, xã hội, hành chính, quản lý) trong Giáo Hội”. Thêm vào đó, ta hãy đọc Giáo Luật, điều 524: “Khi bổ nhiệm một Linh Mục Chính Xứ, ĐGM phải tham khảo ý kiến của một số Linh Mục và giáo dân trong Cộng đồng Chúa Kitô . . .”

Như vậy, ta thấy là Giáo Luật không cho ĐGM được có thái độ độc đoán trong trường hợp này. Tôi nghĩ là việc ĐGM bổ nhiệm Cha Dương làm Chánh Xứ Họ Đạo VN là một quyết định không khôn ngoan, vì không theo đúng tinh thần của giáo điều 524. Vì vậy mà quyết định này thất nhân tâm và đã châm ngòi cho sự bùng nổ, chống đối hiện nay.

Về Cha Dương ta nghe dân chúng than phiền tố cáo Cha đến độ bực tức. Họ có những nhân chứng và bằng chứng cụ thể. Họ thách thức Cha Dương trả lời những tố cáo của họ. Nhưng tuyệt nhiên ta không hề nghe Cha Dương lên tiếng. Như vậy, theo thực trạng và theo tinh thần Công Đồng Vatican, Cha Dương không nên về nhậm chức vì lợi ích cho mọi người.

Ngay tại Giáo Xứ Mỹ tôi đang ở, có Cha Chính Xứ người Mỹ. Khi thấy một số giáo dân than phiền về cách làm việc của Ngài và Ngài thấy việc mục vụ của Ngài không còn hiệu quả lắm đối với giáo dân, Ngài liền tự ý bàn việc với ĐGM coi địa phận và đi đến quyết định là Ngài xin nghỉ với sự thoả thuận của Đức Giám Mục. Chính Ngài đã viết thư bày tỏ sự tình với giáo dân trong xứ như vậy.

B. Về điểm 2: “Với giáo xứ thể nhân giáo dân không đủ khả năng tài chánh để đài thọ các chi phí”.

Chắc hẳn các giáo dân, khi dâng thỉnh nguyện xin lập giáo xứ, đã thảo luận và biết rõ trách nhiệm tài chính nầy. Trong Chính Nghĩa số 7, bài “Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam San Jose có khả năng tài chánh để lập giáo xứ không? Đã tỏ ra giáo dân nhận thức một cách rất kỹ càng trách nhiệm nầy và đã chứng tỏ bằng sự kiện là họ có đủ khả năng, nên mới dám dâng thỉnh nguyện lên Toà Giám Mục.

C. Về điểm 3: “Có thể giáo xứ thể nhân, người Công Giáo Việt Nam tại Mỹ sẽ sống mãi trong ghettos (những khu nghèo, chậm tiến) như vài sắc dân khác ở Mỹ (người đen, người Mễ)”.

Trong Chính Nghĩa số 12, trang 7 ông Hồ Sinh Giang Tử đã phân tách rằng ghettos là một vấn đề xã hội, chứ không phải là một vấn đề tôn giáo. Thật vậy, ghettos là những chỗ mà một số sắc dân sống tụ tập, chui rúc, không cầu tiến mà chỉ cầu thực, không chịu cố gắng làm ăn mà chỉ luời biếng nên mới tạo ra ghettos. Còn giáo xứ thể nhân là nơi để giáo dân họp nhau thờ phượng thì làm sao tạo ra ghettos được. Chẳng lẽ các Phật tử có Chùa riêng để thờ phượng cũng tạo ra ghettos sao? Mỗi phe phái Tin Lành đều có nhà thờ riêng cũng tạo ra ghettos sao? Các người Do Thái có Nhà Nguyện riêng cũng tạo ra ghettos sao? Nếu ta chịu khó suy luận và nhận xét kỹ càng hơn, thì ta sẽ thấy là chính những nhóm người kể trên lại là những nhóm làm ăn khá giả hơn; vì lẽ họ có dịp gặp nhau trong khung cảnh thờ phượng, học tập để kéo nhau lên chứ không phải để kéo nhau xuống.

Vậy căn cứ vào nhu cầu, căn cứ vào Giáo Luật, căn cứ vào khả năng tài chánh, thì việc xin lập giáo xứ thể nhân của giáo dân VN San Jose thật là chính đáng.

Lẽ ra vì lợi ích cho con chiên, cho địa phận, ĐGM nên cho phép từ những ngày đầu tiên khi giáo dân dâng thỉnh nguyện. Thế mà cho đến nay, giáo dân kêu gào mà Người vẫn không cho. Như vậy tỏ ra ĐGM hoặc bị thuộc hạ báo cáo sai lạc về giáo dân hoặc Người có thái độ độc tài.

Có điều đáng tiếc là trong khi thi hành các phương sách tranh đấu, cả hai bên đều phạm một số lỗi lầm. Nhưng cái đó có thể hiểu được vì ngay cả những nhà chính trị chuyên nghiệp, khi tranh cử, mà còn phạm phải lỗi lầm, thì làm sao cả hai bên, trong khi quá hăng say, tránh khỏi được những hành động sai trái. Chẳng hạn như, bên chống đối thì la lớn ồn ào trong nhà thờ, châm biếm Ma Sơ. Bên Toà Giám Mục thì dùng cảnh sát, chó săn nơi nhà thờ; cảnh sát mặc quân phục có vũ khí đứng quay lưng lên bàn thờ. Ma Sơ thì đi quá quyền hạn của mình, làm cái việc dành cho nữ cảnh sát, khám xét phụ nữ vào nhà thờ, rồi theo đà ồ ạt, chẳng may khám cả nam giới. Nhưng ta không nên để những lầm lỗi đó làm lu ờ cái nội dung chính yếu của cuộc tranh đấu.

Nếu thỉnh nguyện của giáo dân VN San Jose được Toà Giám Mục chấp nhận thì không cũng không có hại gì đối với quý vị nào không đồng quan điểm với họ; vì quý vị đã sát nhập vào xứ Mỹ rồi. Có giáo xứ thể nhân hay không, điều đó không ảnh hưởng gì đến đời sống tôn giáo của quý vị cả. Nhưng quý vị nên vui mừng cho giáo dân đồng hương, vì họ được toại nguyện trong việc thờ phượng Chúa, va dĩ nhiên đối với họ, đó là điều rất cần thiết cho phần rỗi của họ.

Biết đâu sau nầy, nếu quý vị hoặc con cháu của quý vị cảm thấy giáo xứ thể nhân làm cho quý vị thoải mái, có thể đem đến cho quý vị mối tình quê hương và nếu quý vị muốn thì quý vị vẫn có chỗ trở lại mà xum họp với họ.

NÓI TÓM LẠI, CÓ GIÁO XỨ THỂ NHÂN THÌ CÓ LỢI CHÚ KHÔNG CÓ HẠI CHO AI CẢ.

Sau đây tôi xin có vài lời với tuần báo DÂN TỘC.

Trong liên tiếp mấy số, DÂN TỘC đã nhắc đi nhắc lại là DÂN TỘC “ hoàn toàn đứng ngoài cuộc tranh chấp nầy” và DÂN TỘC luôn luôn mở rộng trang báo đón nhận ý kiến của những người có những cái nhìn trái ngược về mục đích, đường lối, chủ trương của các phe liên hệ. Rất tiệc rằng trong số đông đảo ý kiến đón nhận được từ nơi bạn đọc chỉ có thưa thớt lời bệnh vực quan điểm của UBBVHBCL.” (*) Tôi thật tình muốn tin lời của quý vị DÂN TỘC. Nhưng đọc kỹ những bài của ký giả DÂN TỘC, chứ không phải bài của độc giả, dưới hình thức thông tin, tường thuật, bình luận hay phiếm luận, tôi nhận thấy rõ ràng là quý vị trong báo DÂN TỘC có khuynh hướng chống UBBVHBCL. Tôi đã nói chuyện nhiều người đọc DÂN TỘC và họ cũng có cảm tưởng như tôi. Còn về chuyện DÂN TỘC nói là “chỉ có thưa thớt lời bệnh vực quan điểm của UBBVHBCL . . .” Điều đó dễ hiểu. Vì một khi người ta nghĩ là DÂN TỘC có khuynh hướng chống UBBVHBCL thì ai mà dại gì gửi bài “bênh vực” cho DÂN TỘC; vì bài của họ có thể hoặc không được đăng, hoặc nếu được đăng thì lại bị cắt xén quá nhiều như trường hợp bài của tôi gửi DÂN TỘC trước đây.

Tôi sợ là DÂN TỘC có thái độ chủ quan nên không nhận thấy mình rõ ràng bằng người ngoài nhìn mình. Mà không chủ quan sao được khi DÂN TỘC dám tự xưng mình “Là Lẽ Phải, là Lương Tâm, là Tình Người” (DÂN TỘC, số 238, ‘Ý kiến chúng tôi’, trang 36). Từ tạo thiên lập địa đến bây giờ, tôi chỉ mới thấy một mình Chúa Giêsu dám xưng mình “là Đường, là Sự Thật, là Sự Sáng”. Nhưng lại rất buồn cười là sau khi xung mình “Là Lẽ Phải thì ngay ở hàng thứ tư sau đó DÂN TỘC lại nói, “Chúng tôi có can đảm nhìn nhận sai lầm và sửa chữa sai lầm.” Đã “Là Lẽ Phải” thì còn sai lầm sao được? Đó có phải là DÂN TỘC không tự biết mình không? Có lẽ vì vậy, DÂN TỘC đã làm mất lòng nhiều người mà không biết chăng?

Trước đây, sau khi gửi bài DÂN TỘC và đọc DÂN TỘC, tôi tâm niệm là từ nay sẽ thôi không viết lách gì nữa. Nhưng rồi hoàn cảnh thúc đẩy lại phải viết thêm bài nầy nữa.

Cùng đồng hương Công Giáo thân mến,

Chúng ta hãy cùng nhau, sáng tối, hợp lời cầu nguyện xin Chúa và Mẹ Maria đoái thương dẫn dắt mọi người, mọi đấng bậc đi qua chặng đường gian nan nầy và tới được bến bình an, luôn luôn xứng đáng làm con của Thiên Chúa và của Mẹ Người.

Monterey ngày 3-10-1986

(*) UBBVHBCL là tên viết tắt của Uỷ Ban Bảo Vệ Công Lý và Hoà Bình, gồm một số giáo dân thuộc Họ Đạo Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo (VN) tại giáo phận San Jose được toàn thể giáo dân tranh đấu chọn để đại diện cho họ trong cuộc tranh đấu cho hai thỉnh nguyện.

8-  TRẢ LỜI BÁO DÂN CHÚA

Monterey ngày 8 tháng 10 năm 1986

Kính gửi:
Linh Mục Việt Châu, sss
Chủ nhiệm DÂN CHÚA, U.S.A.

Thưa Cha,

 Con là một độc giả trung thành của DÂN CHÚA ngay từ thuở ban đầu. Con viết thư nầy để bày tỏ ý kiến của con sau khi đọc bài “ NƯỚC MẮT ĐẦY MÁU”  trong mục “DÂN CHÚA TRƯỚC THỜI CUỘC’ do O.L.M.  viết, đăng trong DÂN CHÚA số 117, tháng 10, 1986, liên quan đến vụ giáo dân San Jose chống đối Đức Giám Mục địa phương.

 Nếu O.L.M. lấy danh nghĩa cá nhân mình mà viết thì con có thể hiểu được, vì như vậy chỉ là ý kiến cá nhân của O.L.M. Nhưng ở đây O.L.M. viết bài nầy với tư cách đại diện chính thức cho DÂN CHÚA nên buộc lòng con phải viết thư này để bày tỏ ý kiến của con. Con muốn nói là trong bài này O.L.M. đã không muốn tìm hiểu chiều sâu của vấn đề và vì thế lộ ra thái độ thiên vị rõ ràng chống giáo dân San Jose trong vụ tranh đấu hiện nay. O.L.M. đã tỏ ra nông cạn, thiếu khách quan, không muốn tìm sự thật, vì chỉ chọn những mẩu tin có lợi cho sự thiên vị của mình, bỏ qua những mẩu tin khác vì nó nói lên sự thật. Chẳng hạn như O.L.M. trích bài của ký giả Bob Elder trên tờ San Jose Mercury News, số ra ngày 23-7-86 nhận định rằng: “Người Công Giáo Việt Nam (San Jose) đã xử trí một cách khác biệt, trong một ý hướng thách đố quyền hành của phẩm cấp giáo Hội.” Nhưng O.L.M. lại bỏ qua bài ‘ANALYSIS’ của ký giả Joan Connell, chuyên trách về “MECURY NEWS RELIGION & ETHICS EDITOR” đăng ngay trên trang đầu cũng của báo San Jose Mercury News, số ra ngày 18-6-86 với nhan đề : ‘A BISHOP AGAINST HIS FLOCK’ (Vị Giám Mục chống lại đàn chiên). O.L.M. bình luận thời cuộc như thế là bình luận một chiều, là thiên vị, là thiếu trách nhiệm đối với độc giả; vì độc giả có quyền đòi hỏi ở tờ báo phải nói sự thật trước, rồi sẽ căn cứ vào đó mà bình luận theo xu hướng của mình.

 Nếu muốn nói cho đầy đủ thì quá dài. Trong bài này con chỉ đưa ra vài điểm sau đây:

1. O.L.M. đã chọn những tin trong bản tin do Uỷ Ban Bảo Vệ Đức Tin (UBBVĐT) cung cấp. Bản tin của UBBVĐT đã làm trò cười cho người ở đây khi bản tin đó viết, và O.L.M. đã trích lại, là: “Lễ Đồng Tế ngày 9-8-86 qui tụ khoảng 1500 tín hữu. Tuy nhiên, Lễ Đồng Tế đã bị một số 282 người xâm nhập phá hoại.”

 Ở đây ai cũng biết là những tín hữu có mặt trong buổi lễ đó và chống Cha Dương, “Tân Chủ Chiên”, là đại đa số, chứ không phải là thiểu số như UBBVĐT đã loan tin. Còn Cha Dương, do UBBVĐT ủng hộ, có độ 200 người mà phần nhiều là những người quen Cha, cùng quê với Cha ở (VN) và hiện đang ở ngoài địa phận San Jose, được Cha đưa đến để làm hậu thuẫn cho Cha. Chuyện nầy ở đây không ai là không biết. Thế mà O.L.M. ngây ngô tin theo sự loan tin sai lạc của UBBVĐT. Phe UBBVĐT luôn luôn tuyên bố là phe chống đối chỉ có vài trăm người. Đức Giám Mục có vẻ tin lời họ. Nhưng khi phe chống đối đệ thỉnh nguyện xin Toà Giám Mục mở cuộc trưng cầu dân ý để biết thi Toà Giám Mục lại im hơi lặng tiếng, không trả lời.
2. O.L.M. nói đến vụ “Thánh Lễ ngày 16-8-86, khoảng chừng 1000 người gồm đàn ông, đàn bà và trẻ em đang bao vây nhà thờ, ca hát, la ó, chống đối Đức Giám Mục và vị Tân Chủ Chiên (Cha Dương).” Nhưng tại sao (cũng trong Thánh Lễ đó O.L.M.  lại lờ đi không nói gì đến việc Đức Giám Mục thuê 70 cảnh sát và hơn chục chó săn bao vây chung quanh nhà thờ; và trong nhà thờ, một hàng cảnh sát, mặc quân phục, có võ khí, đứng quay lưng lên bàn thờ. Cuối nhà thờ thì cảnh sát và Ma Sơ khám những người phe chống đối trước khi cho họ vào nhà thờ. Còn những người ủng hộ Cha Dương (độ 200) thì được vào nhà thờ ngồi yên vị từ trước. (Ở đây tôi muốn đặt thêm một câu hỏi: “Về mặt pháp lý, Ma Sơ có quyền khám xét ai không? Hay đó là việc của nữ cảnh sát?)

3. O.L.M. nói là “Đức Giám Mục Du Maine, giáo phận San Jose, nhận thấy tập thể Công Giáo Việt Nam trong giáo phận của Ngài, chưa hội đủ các tiêu chuẩn thiết yếu như vấn đề tài chánh v.v. . . để được trở thành một giáo xứ thể nhân nên Ngài quyết định cần phải có một thời gian đợi chờ.”

 Cái lập luận nầy đã quá cũ rích, cũ rích như cái thời xa xưa khi mà người ta còn tin trái đất nầy là mặt phẳng. Nó không lừa bịp được ai. Giáo dân VN ở San Jose đã thảo luận rất kỹ càng trách nhịêm tài chánh nầy và đã tỏ ra, bằng sự kiện, họ có đủ khả năng tài chánh do sự đóng góp của các gia đình và tiền thu được trong các Thánh Lễ. Trong Chính Nghĩa số 7, bài “Cộng đồng Công Giáo San Jose có đủ khả năng tài chánh để lập giáo xứ thể nhân không?” đã nói rõ điều này. Không còn ai tin lập luận này nữa. Chỉ có O.L.M. đang ngồi đáy giếng nên không biết cái gì đang xảy ra chung quanh mặt giếng.

 Sự thật là không thèm tiếp đại diện giáo dân hay Ban Chấp Hành Họ Đạo khi họ đã nhiều lần đến dâng thư thỉnh nguyện xin lập giáo xứ thể nhân như Giáo Luật cho phép. Ho ước ao được gặp Đức Giám Mục để trình bày ước nguyện của họ trong “tình cha con” (như O.L.M. đã đề nghị). Nhưng họ không bao giờ được gặp nhan Đức Giám Mục, mặc dù Ngài đang ở nhà khi họ đến. Giáo dân nản lòng vô cùng. Còn Đức Giám Mục thì không một lúc nào Ngài tỏ ý cho phép lập giáo xứ thể nhân. Chính sách của Ngài là đồng hoá giáo dân VN vài xứ Mỹ. Ngài chia giáo dân VN ra làm ba hạng và kết luận là chỉ hạng người già cần Trung Tâm Mục Vụ. Ngài nói đi nói lại nhiều lần đó là chính sách của Ngài, trước sau như một, không thay đổi. O.L.M. nghĩ sao? Một điều quan trọng như vậy mà O.L.M. không biết hay là biết mà làm lơ đi như không biết?

 4. Còn vấn đề tại sao giáo dân chống đối Cha Dương, không muốn Ngài làm chủ chiên của họ. Câu hỏi nầy không O.L.M. thấy đề cập tới để rồi tìm câu trả lời. Bất cứ một biến cố gì, dù to hay nhỏ, cũng đều phải có nguyên nhân. O.L.M. đã lờ đi, không muốn tìm nguyên nhân của sự chống đối nầy. Viết một bài bình luận quan trọng đại diện chính thức cho một tờ báo cỡ như DÂN CHÚA mà sao O.L.M. lại có thể sơ sót một điểm quan trọng như thể được.

 Câu trả lời đầy đủ cho câu hỏi nầy quá dài. Nhưng có thể tóm lại như sau:

 a. Cha Dương chống việc xin giáo xứ thể nhân. Ngài đồng ý với Đức Giám Mục về chính sách đồng hoá giáo dân VN vào xứ Mỹ (giáo dân có bằng chứng trên giấy tờ. Giáo dân xin Cha trả lời, nhưng Cha vẫn im lặng).

 b. Cha Dương chẳng những không hề giao tiếp với giáo dân mà Ngài còn có thái độ thờ ơ, hờ hững, cách biệt đối với giáo dân. Trong dịp giáo dân tổ chức các buổi lễ, gửi thư mời Ngài, Ngài không đến mà cũng không trả lời. Có một cái hố sâu giữa Cha Dương và giáo dân. Như vậy, giáo dân có lý do để nghi ngờ là khi làm chủ chiên của họ, chẳng những Ngài không giúp ích gì được cho họ mà Ngài còn giúp thực hiện chính sách đồng hoá của Đức Giám Mục. Vì thế họ lo và không muốn Cha Dương làm chủ chiên của họ. Giản dị như thế mà sao O.L.M.  không muốn hiểu?

 O.L.M. đã viết: “Có khoảng trên vài trăm người và họ lôi cuốn thêm được một số đông đảo, phần nhiều là người thiếu hiểu biết . . .” Nói như vậy là sai sự thật, quá khinh thường giáo dân, làm buồn lòng, làm mất lòng giáo dân nếu không muốn nói là bất công đối với giáo dân, những độc giả trung thành của DÂN CHÚA.

 Nếu thật sự O.L.M. muốn biết sự thật thì giáo dân có thể cung cấp đầy đủ tài liệu để O.L.M. có thể nghiên cứu vấn đề cho rõ kẻo ngồi mơ nói mò trong khi viết bài bình luận với danh nghĩa là “DÂN CHÚA TRƯỚC THỜI CUỘC” thì quả thực O.L.M. đã làm giảm mất giá trị và uy tín của DÂN CHÚA, một tờ báo có một tầm vóc to lớn trong các báo chí Việt Nam tại Mỹ này.

 Thưa Cha, thực tình con không bất bình với O.L.M. cho bằng con thấy tội nghiệp cho O.L.M. vì sự kém hiểu biết về “thời cuộc” mà lại dám nhân danh DÂN CHÚA bình luận về thời cuộc. Tệ hơn nữa, O.L.M. lại có thái độ thiên vị nên vì thế làm mất đi cái tác phong đứng đắn mà độc giả đã thấy ở DÂN CHÚA trước đây.

 Hơn nữa, không biết vô tình hay hữu ý, O.L.M. tung bài “DÂN CHÚA TRƯỚC THỜI CUỘC” vào đúng lúc mà Cha Bề Trên Chi Dòng Đồng Công Việt Nam tại Mỹ, Nguyễn Đức Thiệp, đại diện của Sứ Thần Toà Thánh cũng đang ở đây để tìm biện pháp hoà giải. Đây là một giai đoạn vô cùng khó khăn và tế nhị. Viết một bài như bài “DÂN CHÚA TRƯỚC THỜI CUỘC” trong lúc này, O.L.M. đã tỏ ra làm một việc thiếu phán đoán và thiếu xây dựng, nếu không nói là thiếu trách nhiệm.

 Thưa Cha, vì luật lệ về sự công bằng của Báo Chí và Quyền lợi của độc giả được đọc ý kiến khác biệt về vấn đề này con xin yêu cầu Cha cho đăng bài này trong DÂN CHÚA số tới.

 Con xin kính chúc Cha được mọi sự an lành.

 

9-  MẤY LỜI GỬI TÁC GIẢ TỔNG LUẬN I

 Tôi đọc bài ‘TỔNG LUẬN’ của ông trong Đặc San Đức Tin, số thứ nhất, ra ngày 15-10-86. Tôi thấy là trước đây 14 tháng, báo Dân Tộc đã đăng bài này trong số 184 ra ngày 17-8-85. Dịp đó ông Lê Văn Thặng đã viết bài trả lời ông trong báo Dân Tộc. Ông Thặng đã vạch ra những điều sai trái và những điều mà Ông đã “phịa ra”. Các Cha, các tu sĩ, nữ tu cũng lên tiếng không đồng ý kiến với ông vì tính cách không xây dựng của ông. Riêng tôi, tôi tự hỏi tại sao ông muốn đăng lại bài ‘TỔNG LUẬN I’ trong lúc khi mà đối tượng đả kích của ông trong bài đó là Linh Mục Nguyễn Văn Tịnh đã ra đi.

 Thật vậy, chủ đích của bài ‘TỔNG LUẬN I’, lúc ẩn lúc hiện, là đả kích LM  Tịnh. Đối với giáo dân trong Họ Đạo VN ở San Jose, Cha Tịnh là một ân nhân, là người Cha nhân từ, là một chủ chiên biết xả thân hy sinh vì đoàn chiên. Đối với ông, những người thù ghét Cha Tịnh, thì Cha Tịnh là một người ngã ngựa, thất thế. Nhưng thưa ông, Cha Tịnh đã đau khổ và đã lủi thủi ra đi. Chúng ta phải biết kính trọng sự đau khổ của người vắng mặt và để cho Cha ra đi được bình an, sống trong cảnh an phận của Cha. Tại sao ông còn cố hâm lại bài này để hành hạ Cha. Tại sao ông còn cố đuổi theo con người lủi thủi, cô đơn, mệt mỏi này đẻ quật ngã xuống một lần nữa và dày xéo con người đã chịu phận ngã ngựa? Việc làm của ông không hợp với lòng nhân đạo vì nó có tính cách độc ác.

 Tôi xin kể lại một chuyện mà khi còn cắp sách đi học ai cũng biết: Sau khi trận chiến đã kết thúc, hai bên quân sĩ đã rút về vị trí của mình, còn lại trên trận địa hai người lính bị thương, bị bỏ quên. Mỗi người lính của mỗi bên. Nhưng hai người lính này, dù không hiểu tiếng nói của nhau, đã xê xích lại gần nhau cho ấm, chia sẻ với nhau miếng nước cuối cùng, giúp đỡ băng bó vết thương cho nhau. Họ không còn nghĩ họ là địch thù của nhau nữa . . . Đó là cử chỉ của con người văn minh. Hai người lính này chỉ biết là lúc này họ là hai phần tử của Cộng Đồng nhân loại mà bổn phận tối hậu là phải yêu thương, giúp đỡ nhau. Tôi cảm mến cử chỉ của hai người lính này bao nhiêu thì lại buồn về hành động của ông đối với Cha Tịnh bấy nhiêu, vì Cha đã ra ngoài vòng rồi mà.

 Đọc bài ‘TỔNG LUẬN I’ của ông, tôi thấy lòng ông chua chát, thù hiềm đối với Cha Tịnh. Tôi không muốn biết lý do tại sao. Vì nếu khơi ra chắc chắn có chi là đẹp. Nó càng chia rẽ, làm khổ giáo dân mình. Riêng bài ‘TỔNG LUẬN I’ của ông, tôi nghĩ nó có tác dụng ngược lại ý muốn của ông, vì giáo dân thấy ông buộc tội Cha Tịnh, không dựa trên sự kiện mà chỉ dựa vào lời ong tiếng ve, ông nầy nói, ông nọ viết v.v. . . Trong khi đó chính ông cũng phải công nhận là Cha Tịnh “vẫn giữ một thái độ im lặng. Ngài chưa hề chính thức lên tiếng. Cho đến bây giờ, Ngài vẫn một lòng vâng phục ý chí của Đức Giám Mục sở tại theo lời Ban Chấp Hành”. (ĐỨC TIN, TỔNG LUẬN I, IV. B, trang 31). Ông lại còn dùng những từ ngữ trịch thượng đối với Cha Tịnh. Ông còn quá trớn khi ông đóng vai Nostradamus tiên đoán một cách mĩa mai, miệt thị các sự việc sẽ xảy ra cho Cha Tịnh. Thật là lố bịch nếu không nói là nguỵ luận.

 Tôi xin ông hãy suy nghĩ lại mà diệt bỏ sự chua chát thù hiềm đó vì nó là nọc độc của tâm hồn.

 Riêng với Cha Tịnh, tôi cầu chúc Cha có đủ sức nhẫn nhục để chịu đựng những sự đả kích quá khích và bất công .

 Là một giáo dân luôn luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, tôi cầu xin Chúa và Mẹ Người cho ta “trời nắng đẹp sau cơn giông tố”.

Monterey ngày 26-10-1986


10-  ĐỪNG TỰ TI MẶC CẢM

Monterey ngày 15-11-1986

Trong báo San Jose Mercury News, số ra ngày 4-11-86, có đăng bài của ký giả Jack Foley về những lời tuyên bố của mấy vị Linh Mục Mỹ là có một sự ác cảm của người Mỹ đối với người Việt Nam. Những ác cảm nầy gây ra, vẫn theo mấy Linh Mục Mỹ đó, là do việc giáo dân Việt Nam chống lệnh của Đức Giám Mục. Một số người Việt Nam (Công giáo và không Công giáo) đã tỏ vẻ lo ngại về tình trạng nầy. Trong số mấy báo tiếng Việt, vài ba người Việt Nam lên tiếng tố cáo giáo dân chống đối là đã gây ra tình trạng khó khăn cho người Việt Nam.

 Tôi xin đưa ra mấy nhận xét sau đây:

1. Không phải là tôi không tin lời của mấy Linh Mục Mỹ đó, nhưng tôi muốn hỏi, thật sự những lời tuyên bố đó có phản ảnh trung thực những cảm nghĩ của đa số dân chúng Mỹ hay không? Hay đó chỉ là của một số ít người đã có sẵn thành kiến chống người di dân? Chính Cha Boyle đã xác nhận, “Cuộc tranh chấp ở San Jose đã làm tăng cái thành kiến chống người di dân, thành kiến này đã có sẵn ở ngay dưới cái vẻ bề ngoài của xã hội Mỹ” (The dispute in San Jose has exacerbated what is always just below the surface in American society, this anti-immigrant bias). Nói một cách khác, họ có sẵn thành kiến chống người di dân và vì cuộc tranh chấp này, họ càng bực tức hơn.

 Có thể có mộ số rất ít người Mỹ thiếu suy nghĩ,  có thành kiến chống người di dân. Nhưng nói chung về dân chúng Mỹ thì điều đó không đúng. Ta cứ xem những tổ chức công, tư, thiện nguyện hay các cử chỉ tốt đẹp mà các tư nhân Mỹ đang giúp người di dân thì ta thấy ngay là đa số dân chúng Mỹ không có thành kiến chống người di dân. Nhiều người Mỹ nói với tôi: “Trước đây, cha ông chúng tôi cũng là người di dân mà.”

 Tôi còn nhớ trước đây độ 5, 6 năm, những ngư dân Việt Nam ở Monterey và Texas đã bị một số người Mỹ có thành kiến chống người di dân Việt Nam như bọn Klu Klux Klan (KKK) đã gây cho ngư dân Việt Nam nhiều khó khăn, đe doạ, phá hoại các tàu bè Việt Nam, mang súng định hãm hại. Ngư dân Việt Nam bị nguy hiểm đến tính mạng; và để tự vệ, đã lỡ bắn chết một người Mỹ ở Texas. Tình hình thật căng thẳng. Ngư dân Việt Nam quá chán nản hầu sắp bỏ nghề, đi sinh sống nơi khác. Nhưng nhờ ở lòng kiên trì của mình và sự hiểu biết của phần đông người Mỹ, cuối cùng, ngư dân Việt Nam được trắng án trong vụ chết người, được vô sự. Các ngư dân Việt Nam được bảo vệ hành nghề bình an như ngư dân Mỹ.

 2. Tôi đã nói chuyện với nhiều người Mỹ (Công giáo lẫn không Công giáo) và cho họ biết là cuộc tranh chấp xoay quanh 2 điều:

 a. Giáo dân dâng thỉnh nguyện lên ĐGM xin lập giáo xứ thể nhân như Giáo Luật cho phép.

 b. ĐGM bổ nhiệm một Linh Mục làm chủ chiên của họ, nhưng họ không thể chấp nhận được, vì Linh Mục này, theo họ, đã chống đối thỉnh nguyện của họ.

 Về điều thứ nhất (a), người Mỹ lắc đầu không hiểu tại sao ĐGM lại không cho phép. Họ nói là chính cha ông của họ trước đây cũng có giáo xứ quốc gia.

 Về điều thứ hai (b), họ trợn tròn mắt và lắc đầu lia lịa; vì họ không thể hiểu được, tại sao ĐGM lại bắt giáo dân phải chấp nhận như thế, vì như vậy làm sao điều hành được các công việc trong Họ Đạo.

 Nhân tiện tôi xin kể lại câu chuyện sau đây: Cha Gio-an Trần Bình Trọng, quen với tôi, Cha học ở Mỹ và được thụ phong Linh Mục ở Mỹ. Vì mất nước trước khi Ngài định về nước, nên Ngài ở lại làm việc cho các xứ Mỹ. Mới đầu, Ngài làm phó xứ. Trước đây độ một năm, Ngài được bổ nhiệm làm chánh xứ của một xứ Mỹ ở tiểu bang Virginia. Ngài là Linh Mục Việt Nam đầu tiên được làm chánh xứ Mỹ. Ngài nói là trước khi Ngài được bổ nhiệm làm chánh xứ của xứ này, thì có 5 Cha Mỹ khác đã đế và đi trong vòng bốn năm rưỡi.  Lý do là vì không hợp với giáo dân. Kể lại chuyện này, tôi chỉ có một mục đích nói là các Linh Mục và giáo dân phải có sự hợp tác thì công việc mục vụ của các Ngài mới mong thành công được.

 3. Chúng ta phải nắm vững điều này: Vụ chống đối lệnh của ĐGM ở đây không phải là một sự chống đối về tín lý hay luân lý. Giáo dân chống đối lệnh ĐGM về phương diện hành chánh và nhân sự. Sự chống đối này cũng như các đoàn thể khác ở Mỹ chống đối một chính sách nào đó trong nước Mỹ.

 Người da đen đã đấu tranh cực khổ, họ mới có được ngày nay. Phụ nữ Mỹ đã đấu tranh lâu năm, họ mới được có quyền lợi như ngày hôm nay. Các công nhân các hãng Mỹ đã tranh đấu, đình công nhiều lần, chống sự bất công của chủ nhân. Những cuộc đình công có khi gây ra bạo động, đẫm máu. Thậm chí cả người đồng tình luyến ái cũng tranh đấu, biểu tình để đòi quyền lợi. Một viên cảnh sát nói với tôi: “Vợ tôi tham gia phong trào chống xây nhà máy điện nguyên tử. Họ tổ chức các cuộc biểu tình, ngăn chận xe cộ lưu thông. Họ nằm lăn ra đường. Chính tôi đã phải bắt vợ tôi, nhốt lên xe, đưa về bót cảnh sát.” Và ông kết luận: “Việc họ, họ làm vì họ tin đó là điều phải. Việc tôi, tôi làm vì đó là phận sự của tôi. Chúng tôi (tôi và nhà tôi) không trách móc nhau không tức bực nhau về chuyện đó. Chúng tôi vẫn vui vẻ và hạnh phúc với nhau.” Thái độ của người Mỹ là như thế. Những sự việc đó đâu có làm cho những người Mỹ khinh rẻ những người tranh đấu. Vì chính họ cũng đã hoặc sẽ có lần tham gia những cuộc tranh đấu, biểu tình v.v . . . Bản tính tự do của người Mỹ là như thế. Nếu họ thấy cái gì sai, cái gì bất công là họ tranh đấu. Kết quả thành công hay không lại là chuyện khác.

 Những lời tuyên bố của mấy Linh Mục Mỹ và sự hùa theo của mấy người Việt Nam viết trong báo đã quá thiên lệch và cố tình đặt giáo dân chống đối vào cái thế của người làm điều sai trái. Những người Việt Nam nào yếu bóng vía, thấy vậy, đã vội vàng sợ hãi. Tại sao ta phải sợ hãi? KHÔNG! Ta không phải sợ. Ta cũng có quyền của ta chứ. Đừng để ai nạt nộ ta.

 4. Trong khi nói chuyện với nhiều người Mỹ (cả Công giáo lẫn không Công giáo) tôi thấy họ đều thông cảm với giáo dân chống đối. Dĩ nhiên, họ cũng như chúng ta, đã tiếc là một vài vụ lộn xộn đã xảy ra. Tuy vậy, họ cho  cái đó có thể xảy ra trong mọi cuộc tranh chấp. Và nếu phải phân tích thì họ cho là lỗi cả hai bên. Một bên khiêu khích và bên kia phản ứng.
 Những vụ lộn xộn xảy ra ở nhà thờ là một điều đáng tiếc. Nhưng phải biết vì đâu mà xảy ra những vụ đó? Vì một bên có hành động khiêu khích (khiêu khích có nhiều hình thức) nên bên kia đã phản ứng lại. Nhiều người không được chứng kiến những vụ xô xát ở mấy nhà thờ, chỉ được đọc báo hoặc nghe kể lại. Hai phe, phe nào cũng nói là mình phải. Biết tin ai bây giờ? Những người dính líu vào mấy vụ này phải tự hỏi lương tâm mình. Người ta có thể tuyên bố với báo chí những gì người ta muốn. Nhưng trước mặt Chúa người ta không thể giấu được. Riêng tôi, tôi xin kể lại một vụ khiêu khích nhỏ mà chính tôi đã mục kích.. Chủ nhật, ngày 9-11-86, tôi đi lễ Việt Nam lúc 3 giờ chiều tại nhà thờ Most Holy Trinity. Lễ xong, ra bãi đậu xe. Có người quen giới thiệu tôi với ông Hiệt đang đứng ở gần đó. Chúng tôi đang nói chuyện thì một người đàn ông lái xe chậm chậm đi qua. Ông này nhìn về phía chúng tôi và quát, “Này, mẹ cha cái thằng Hiệt, nó . . . (không nghe rõ), nó  . . . (không nghe rõ) . . .” Tôi cũng nghe thấy tiếng người đàn bà trong xe đó chửi theo. Tôi ngạc nhiên. Sao lại có người có thể ăn nói hỗn xược, gây gỗ như thế nơi công cộng? Trong lúc đó ông Hiệt vẫn giữ vẻ bình tĩnh với nụ cười gượng, như là ông đã quen với cảnh này rồi. Vậy nếu cả hai phe đều biết tự kềm chế tính nóng nảy của mình thì chắc là chẳng có gì lộn xộn xảy ra.

 5. Khi ĐGM đóng cửa trường ST. JOSEPH, các phụ huynh học sinh (trong đó có một cựu Ma Sơ) đã phản đối ĐGM kịch liệt. Họ cầm biển ngữ “It’s a shame, Du Maine.” Họ gọi Ngài là con rắn, là độc tài, là kiêu ngạo. Họ tố cáo Ngài là đã nói dối họ, đối xử với họ như là đối xử với một đứa con nít. Họ rất bực tức . . . (San Jose Mercury News, May 25, 1986/West). Có ai dám doạ nạt những người chống đối này không? Có ai dám nói là hành động của họ là sai không? Có ai dám khinh rẻ họ không? Có ai dám nói là họ phiền nhiễu dân địa phương không? Câu trả lời tất nhiên là : KHÔNG. Vậy thì, tại sao giáo dân Việt Nam chốn gđối phải sợ sệt? Hay là vì TỰ TI MẶC CẢM?

 Tôi nghĩ giáo dân Việt Nam nói riêng và người Việt Nam nói chung, chúng ta làm gì mà phải lo sợ đối với dân địa phương. Dân địa phương, nói chung, có làm gì chống đối chúng ta đâu. Chúng ta có làm gì chống đối họ hay gây ngăn trở cho họ đâu. Chúng ta phải tranh đấu cho những gì chúng ta tin là phải. Người Mỹ cũng làm như thế. Chúng ta không phải khép nép, khúm núm xin lỗi ai cả. Người Mỹ, nói chung, không còn kỳ thị như xưa.

 6. Vì không muốn sống với Cộng sản, chúng ta đến nước này, có mục đích sinh sống và đóng góp vào sự giàu mạnh của nước này. Đại đa số chúng ta đang làm việc và đóng góp như thế. Tuy nhiên còn một số người trong chúng ta, vì hoàn cảnh không/chưa cho phép để đi làm, như già lão, bệnh tật hoặc con còn nhỏ phải nuôi nấng nên còn phải lĩnh tiền trợ cấp xã hội. Tuy vậy, những người này cũng không nên có tự ti mặc cảm. Vì chúng ta đâu có muốn thế. Vả lại, số tiền trợ cấp đó là do tiền đóng góp của mọi người làm việc trong nước Mỹ, trong đó có biết bao nhiêu người là họ hàng, là anh em, là con cháu chúng ta. Và sau này, chính những đứa con nhỏ mà chúng ta đang nuôi nấng, khi lớn lên, sẽ đi làm và cũng sẽ đóng góp vào quỹ chung vậy. Đó là một sự tương trợ lẫn nhau, chứ đâu chúng ta có nhờ vả riêng gì ai.

 Chúng ta cứ sống hiên ngang trong vòng pháp luật như mọi người ở Mỹ. Nếu ai sợ sệt, khép nép, cúi đầu sống với thân phận tự bỉ thì đó là vì họ hoặc thiếu hiểu biết về xã hội này hoặc vì họ có TỰ TI MẶC CẢM. Có người còn quá lo sợ, cho là giáo dân Việt Nam sẽ bị khinh bỉ, chế diễu nên đã viết những câu thiếu hiểu biết. Đây là một câu ví dụ: “Tập thể người Công giáo Việt Nam mang một vết nhơ . . . đối với những giáo hội khác như Tin Lành, Chính Thống Giáo, . . .  ” (ĐỨC TIN ngày 15-11-86, trang 41). Tại sao lại lý luận ngược đời như vậy? Kẻ viết câu này nên biết rằng, nếu theo tinh thần của Tin Lành và Chính Thống Giáo thì giáo dân Việt Nam thật là nạn nhân của sự độc tài của ĐGM, và họ rất thông cảm với giáo dân. Vậy, ai là người có vết nhơ trong trường hợp này?

 Về phần giáo dân chống đối, họ tin là họ bị bất công nên họ chống đối. Họ chống đối với nhiệt tình, với tất cả khả năng của họ. Cho dù kết quả ra sao, tôi cũng rất hãnh diện về họ. Và tôi dám đoan chắc rằng bất cứ người Mỹ nào ở trong tình trạng của họ cũng sẽ hành động như họ, như tôi đã trình bày ở trên. Vụ phụ huynh học sinh trường ST. JOSEPH, San Jose quyết liệt chống quyết định đóng cửa trường của ĐGM là một ví dụ điển hình gần đây nhất.

Trở về MỤC LỤC   *   Phần 2