Home Tin Tức Bình Luận Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-09-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-09-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Năm, 06 Tháng 9 Năm 2012 14:33

 Tranh chấp lãnh hải : chủ nghĩa dân tộc bùng phát


 

Biểu tình phản đối TT Hàn Quốc viếng thăm đảo Dokdo/ Takeshima
REUTERS/Yuriko Nakao

 

Tranh chấp chủ quyền Nhật -Trung trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, giữa Nhật Bản và Hàn Quốc trên đảo Takeshima/Dokdo. Nhật báo Le Monde có bài phân tích chủ đề này với dòng tựa cảnh báo :

 «Dân tộc chủ nghĩa bùng phát tại Châu Á » .

Quan hệ Nhật-Hàn vừa qua gặp cơn sóng gió chỉ vì tranh chấp lãnh hải trên đảo Takeshima/Dokdo.

Phía Hàn Quốc đã có động thái mạnh qua việc tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak đến thăm hòn đảo này. Mặt khác, ông Lee Myung Bak còn yêu cầu Nhật hoàng Akihito chính thức có lời xin lỗi về việc trong thời kỳ quân đội Nhật Bản chiếm đống Triều Tiên,  200 000 phụ nữ Triều Tiên bị buộc làm nô lệ tình dục trong quân đội Nhật Bản.

Tờ báo nhận định, ông Lee Myung Bak muốn khơi dậy nỗi đau quá khứ thời chiến tranh ngay trước thềm bầu cử tổng thống ở Hàn Quốc. Thế nhưng Le Monde cảnh báo, coi chừng chiêu bài này sẽ làm bộc phát thái quá chủ nghĩa yêu nước của người Hàn Quốc, khơi lại quá khứ hận thù giữa hai dân tộc Nhật-Hàn.

Đến với Trung Quốc, Le Monde nhận định, chủ nghĩa dân tộc cũng bùng phát tại nước này. Theo một thăm dò hồi tháng 6/2012, người dân hai nước có nhận xét về nhau rất tiêu cực. Người Nhật ác cảm với người Trung Quốc vì cho rằng chính phủ Bắc Kinh có những hành động không đẹp như : hống hách với láng giềng, ích kỷ khi chạy theo lợi ích kinh tế bỏ mặc môi trường, đòi hỏi chủ quyền vô căn cứ.

Trong khi đó, khi nhắc đến người Nhật, thì người Trung Quốc nhớ ngay đến những năm tháng đau thương mà quân đội Nhật đã gây cho người Trung Quốc như vụ thảm sát Nam Kinh 1937 hay việc phụ nữ Trung Quốc làm nô lệ tình dùng cho quân đội Nhật.

Như vậy, Nhật Bản thì dựa vào hiện tại để ghét Trung Quốc, còn Trung Quốc thì găm vào quá khứ để thù hận Nhật Bản.

Trong tranh chấp lãnh thổ trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, chủ nghĩa dân tộc ngày càng dâng cao ở người Nhật, biểu hiện qua việc nhiều người Nhật, trong đó có cả nghị sĩ, đến quần đảo tranh chấp cắm cờ để khẳng định chủ quyền.

 Thế nhưng, để tránh căng thẳng quá mức với Bắc Kinh, chính phủ Tokyo đã có cách hành xử nhằm xoa dịu tình hình qua việc bắt rồi trục xuất 14 người Trung Quốc Hồng Kong đến quần đảo tranh chấp, hay như việc bắt rồi thả một thuyền trưởng Trung Quốc hồi năm 2010.

Le Monde nhắc lại, khi lên nắm quyền vào tháng 8/2009, Đảng Dân Chủ Nhật Bản chủ trương thiết lập lại quan hệ với Hoa Kỳ trên cở sở bình đẳng và tăng cường quan hệ với các nước Châu Á khác. Một năm sau đó, thủ tướng phe dân chủ ông Yukio Hatoyama đã phải từ chức sau khi đã gây căng thẳng yêu cầu Hoa Kỳ rút căn cứ quân sự khỏi Okinawa.

Chính phủ kế nhiệm thì tỏ ra hời hợt với Trung Quốc và Hàn Quốc, trong khi trước đây, các chính phủ Dân chủ tự do đã biết gác lại quá khứ để tăng cường hợp tác với hai nước láng giềng này.

Hiện tại, tranh chấp chủ quyền của ba nước này diễn ra trong bối cảnh chóp bu lãnh đạo ở mỗi nước sắp thay đổi : Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp họp đại hội toàn quốc, bầu cử tổng thống Hàn Quốc cũng gần kề, bầu cử Quốc hội trước thời hạn cũng có thể diễn ra tại Nhật Bản.

Trong bối cảnh đó, để lấy lòng dân, nhà cầm quyền ba nước không thể có động thái nhượng bộ trong tranh chấp chủ quyền. Và như vậy thì quan hệ ngoại giao của ba nước sẽ gặp nhiều sóng gió, có nguy làm chủ nghĩa dân tộc ở mỗi nước trở nên quá trớn, gây hậu quả đáng tiếc.

Vấn nạn ma túy đe dọa cả hành tinh

Từ Á sang Âu, hiện tại đâu đâu cũng có bóng dáng của các tổ chức buôn bán ma túy. Qui mô của vấn nạn này lớn đến mức mà các chuyên gia đã gọi đó là «Cuộc khởi nghĩa của bọn tội phạm ».

Nhật báo Công Giáo La Croix phản ánh chủ đề này qua bài viết : «Buôn lậu ma túy, một vấn nạn của cả hành tinh ».

Nhắc đến sự hoành hành của nạn buôn bán ma túy đầu tiên phải kể đến Mêhicô. Để bảo vệ lợi ích, bọn buôn ma túy không ngần ngại nổ súng chống lại chính quyền. Xung đột giữa chính quyền và các tổ chức ma túy tại Mêhicô nghiêm trọng đến mức mà La Croix cho rằng tương đương với tình hình chiến tranh.

Các tổ chức mua bán ma túy ngày càng lớn mạnh nhờ vào tác động của quá trình toàn cầu hóa và nhờ vào việc dần xâm nhập được vào thị trường các nước mới phát triển.

 Các tập đoàn ma túy hiện có mạng lưới bủa vây khắp hành tinh. Trước đây, các tập đoàn ma túy chỉ có mặt ở những nước được cho là truyền thống trong việc sản xuất ma túy, như Colombia, Peru, Bolivia, Afghanistan, Lào, Miến Điện, trong khi đó, hiện tại các tập đoàn này đã đặt chân rết được bên trong các quốc gia trước đây vốn chỉ là nước tiêu thụ ma túy như Mỹ, các nước Châu Âu, các quốc gia vùng viễn đông Châu Á hay Braxin.

Lượng khách hàng của các tập đoàn ma túy hiện rất lớn. Ước tính hiện có khoảng 10 triệu người sử dụng heroine, 20 triệu người dùng cocaine, từ 120 đến 220 triệu người sử dụng cần sa, nhiều triệu người dùng các chất ma túy tổng hợp. Số lượng khách hàng khổng lồ như vậy thì số tiền kiếm được từ việc mua bán ma túy dĩ nhiên là rất lớn, ước tính lên đến 300 tỷ đô la.

Đối với nước Pháp, tình hình tội phạm ma túy cũng rất phức tạp, đặc biệt nhất là ở thành phố Marseille ở miền nam. Mức độ nghiêm trọng của hồ sơ ma túy tại Pháp lớn đến mức mà hôm nay thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault phải triệu tập một cuộc họp với sự có mặt của 15 bộ trưởng để tìm giải pháp.

Bill Clinton, một lá bài quan trọng của ứng viên Barack Obama

Trong chiến dịch tranh cử lần này của tổng thống Obama, cựu tổng thống Bill Clinton giữ một vai trò quan trọng. Nhật báo Libération giải thích tầm quan trọng này qua bài viết : «Bill Clinton, lá bài mới của Đảng Dân Chủ ».

Vừa qua, một tờ báo Mỹ đã liệt kê ra một danh sách gồm 11 điều mà tổng thống Obama cần thực hiện nếu muốn được tái cử, trong đó điều thứ bảy đó là tận dụng tối đa sự ủng hộ của cựu tổng thống Bill Clinton. Và trong thực tế, thì Đảng Dân chủ đã thật sự tranh thủ tối đa sự ủng hộ của ông Bill Clinton đối với ứng viên Obama.

Tầm quan trọng của ông Clinton bỗng lớn đến mức mà ở đại hội đảng Dân Chủ tại Charlotte, các nhà chiến lược đảng này đã quyết định hủy phần phát biểu của phó tổng thống Joe Biden và thay bằng bài phát biểu của ông Bill Clinton.

Cách đây bốn năm, vợ ông Bill Clinton là bà Hillary đã từng so kè với ông Obama trong cuộc chạy đua giành vé đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống.

 Khi ấy, ông Bill Clinton đã nhiều lần chỉ trích ông Obama. Thế thì từ lúc nào hai bên bắt đầu hàn gắn quan hệ ?

Libération cho hay, theo những nhân vật thân cận của ông chủ cũ và ông chủ hiện tại của Nhà Trắng, thì chính ê kíp của ông Obama đã mở lời làm hòa trước từ mùa hè năm 2011.

 Rồi hồi tháng 9/2011, hai ông đã gặp nhau trong một sân golf. Sau vài giờ trao đổi, mà ở đó ông Obama đóng vai là người lắng nghe, ông Bill Clinton bắt đầu tham gia vận động cho quá trình tranh cử của ông Obama.

Cựu tổng thống Bill Clinton vẫn luôn được nhiều người Mỹ yêu mến, đặc biệt ông có tài hùng biện rất lôi kéo quần chúng.

 Khi ông còn đương nhiệm, kinh tế Mỹ lại rất phát đạt, bởi vậy mà như một chuyên gia nhận định, ông Bill Clinton có khả năng giải thích và bênh vực thích hợp nhất cho kết quả nhiệm kỳ vừa qua vốn bị u ám về kinh tế của tổng thống Obama.

Hơn nữa, ông Bill Clinton còn có thể giúp tổng thống Obama tìm được sự ủng hộ ở tầng lớp trung lưu da trắng tại Mỹ. Libération cho biết, từ đây đến ngày diễn ra bầu cử tổng thống, ông Bill Clinton đã có một chương trình hành động gồm 12 giai đoạn để ủng hộ ứng viên Obama.

Tuy nhiên, giúp người cũng là giúp mình, tức việc ủng hộ ứng viên Obama không phải là không có lợi cho cựu tổng thống Bill Clinton. Cái lợi trước tiên : đây là cơ hội tốt nhất để ông lấy lại ảnh hưởng trên chính trường. Cái lợi lâu dài có thể là ông Bill Clinton đang dọn đường cho vợ ông bà Hillary ra tranh cử tổng thống vào năm 2016.

Dù sao đi nữa, thì sự ra mặt ủng hộ của ông Bill Clinton dành cho ứng viên Obama cũng là tín hiệu tốt lành đối với Đảng Dân Chủ. Hai bên đã biết gác lại quá khứ để cùng hành động vì lợi ích chung của Đảng, một quá khứ căng thẳng nhưng đã qua rồi như lời nhận định của một giáo sư chính trị tại Mỹ : « Nước đã chảy qua cầu, lợi ích chung đã được tìm thấy, và thế là từ đây họ đứng cùng chiến tuyến ».

Căng thẳng vẫn đeo bám các chiến binh khi đã rời khỏi chiến trường

Trên chiến trường, trạng thái căng thẳng quá độ (stress) khiến các chiến binh chiến đấu kém hiệu quả. Điều đó thì rõ rồi, nhưng theo một nghiên cứu vừa được các nhà khoa học Hà Lan công bố, thì tình trạng stress không chỉ tồn tại khi các chiến binh đang chiến đấu trên thực địa, mà sau khi rời chiến trường nó vẫn còn tồn tại trong một thời gian khá dài.

Le Figaro quan tâm đến nghiên cứu này qua bài viết chạy tựa : « Stress chi phối dai dẳng những chiến binh trở về từ trận chiến ».

Các nhà khoa học Hà Lan đã tiến hành chụp x-quang não của 33 quân nhân trước khi những người này được gửi đến chiến trường Afghanistan trong thời gian 4 tháng. Rồi sáu tuần sau và 18 tháng sau khi họ hết nhiệm vụ trở về, các nhà khoa học lại chụp x-quang não của họ.

Tất cả các chiến binh này không ai bị thương trên chiến trường, và trong giai đoạn chiến đấu họ là những người bị stress .

Kết quả so sánh cho thấy, 18 tháng sau khi trở về từ chiến trường, tình trạng stress ở các chiến binh này vẫn chưa tan biến.

 Nghiêm trọng hơn nữa, như lời của một thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, ngoài việc bị stress lâu dài như vậy, nếu sau khi hết stress rồi, thì các chiến binh này cũng sẽ dễ dàng bị rơi vào trạng thái stress hơn so với bình thường.

Một nghiên cứu khác được thực hiện ở Israel và Palestine quan tâm đến hậu quả của chiến tranh đối với trẻ em.

 Kết quả nghiên cứu cho thấy, đối với các trẻ em từng là nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang, thì ngoài những triệu chứng căng thẳng, mất ngủ, trầm cảm, các bé tuổi từ 8 đến 14, có tính khí trở nên thích bạo lực hơn.