Tình bạn Obama - Clinton: Liệu được bao lâu? |
Tác Giả: Hà Giang/Người Việt | |||
Thứ Tư, 05 Tháng 9 Năm 2012 15:49 | |||
Clinton và Obama chưa bao giờ thân nhau, vì thế tình bạn giữa họ là điều gây nhiều tò mò Trong những ngày tháng qua, Cựu Tổng Thống Bill Clinton đã nghiễm nhiên trở thành một nhân vật then chốt trong kế hoạch tái đắc cử của Tổng Thống Barack Obama, và giới quan tâm ai cũng sốt ruột muốn xem ông sẽ đóng vai trò này trọn vẹn ra sao, trên sân khấu Ðại Hội Ðảng Dân Chủ, tại Charlotte, North Carolina, vào tối mai.
Cựu Tổng Thống Bill Clinton và Tổng Thống Barack Obama vẫy chào đám đông trong một buổi vận động tranh cử ở Waldorf Astoria, Tháng Sáu, 2012 ở New York. (Hình: AP Photo/Carolyn Kaster)
Vai trò then chốt Trong bài diễn văn giới thiệu ứng cử viên Obama tối Thứ Tư, Clinton có sứ mệnh phải dùng tài hùng biện và sức lôi cuốn đám đông của mình, để thuyết phục cử tri là tại sao Obama, chứ không phải đối thủ Romney, mới là người có khả năng vực dậy được nền kinh tế đang èo uột của Hoa Kỳ. Trả lời phỏng vấn của tờ Washington Post, ông David Maraniss, người chuyên viết tiểu sử nói: “Chẳng ai ngạc nhiên về sự hiện diện của Clinton trong đại hội, với thành quả của mình, Clinton không chỉ là một vị cựu tổng thống được đưa lên sân khấu để trình diễn màn hợp nhất của đảng.” Nhiều người đồng ý với nhận định của David Maraniss. Một cố vấn tranh cử của Obama nói với báo chí: “Clinton được tôn trọng như một thiên tài chính trị mà thành tích của ông đã chứng tỏ, và Clinton thích điều đó. Khi được tìm đến, Clinton đã vào cuộc và vận động hăng say như cho chính mình, điểm này rất quan trọng.” Kỳ vọng lẫn âu lo Cựu Tổng Thống Bill Clinton sẽ không xuất hiện trên sân khấu tại Charlotte, North Carolina cho mãi đến tối mai, nhưng muôn ngàn cái đầu đã tập trung về bài nói chuyện sắp được đọc của ông. Lý do: Bài diễn thuyết này là một phương trình khá đơn giản, trong đó sự rủi ro và lợi thế mà ông mang đến cho Tổng Thống Obama được xem là ngang ngửa. Một mặt, Clinton được xem là người thay thế nổi tiếng nhất, có uy tín nhất và thích hợp nhất để có thể đưa ra lập luận bác bỏ mạnh mẽ các cuộc tấn công của Mitt Romney về chủ đề kinh tế, mà phe Obama rất cần cho cuộc tranh cử trong lúc này. Mặt khác, Clinton đã từng nổi hứng bất tử trong khi phát biểu, như ông đã làm hồi đầu năm nay, khi ông nói những lời có vẻ như là khen ngợi thành quả kinh doanh “lẫy lừng” của Romney. Vì thế bài diễn văn của Clinton, được xếp vào giờ cao điểm tối mai, là một yếu tố có thể gây bất ngờ cho một đại hội mà mọi bài diễn văn đều phải được viết trước và duyệt trước rất kỹ. Theo tờ Politico, Cựu Tổng Thống Clinton không bị ban tổ chức bắt phải cho xem trước bài diễn văn cho đến gần giờ lên sân khấu. Dù thế, đội ngũ của Obama rất lịch sự và lễ phép “đề nghị” một số điểm mà Clinton nên nhấn mạnh, chẳng hạn “khả năng lãnh đạo của hai vị tổng thống đảng Dân Chủ so với di sản tệ hại của cả hai thời đại Bush cộng lại.” Dù có thể trong bụng đang hơi lo lắng, mặt ngoài, các thành viên đảng Dân Chủ tỏ ra bình thản. CBS News thuật lời của một nhân viên cao chức trong ban vận động tranh cử Obama nói: “Tổng Thống Clinton chưa nộp bài nói chuyện của ông, nhưng chúng tôi không quan tâm gì về việc ấy cả. Ông ấy sẽ xong khi ông xong.” Tình bạn nửa vời Không chỉ việc Clinton được giao cho trọng trách quan trọng trong việc giúp Obama tái đắc cử được chú ý, người ta cũng bàn tán nhiều về “tình bạn” dường như đang thân dần lên giữa hai bên. Clinton và Obama chưa bao giờ thân nhau, vì thế tình bạn giữa họ là điều gây nhiều tò mò. Nhiều người tin rằng thực sự thì hai người có lẽ không mấy thích nhau. Họ có cá tính rất khác biệt, đã từng công khai nêu quan điểm khác biệt về cả chính sách lẫn chiến lược và sự thiếu thiện cảm ắt phải có giữa hai bên từ năm 2008 khi bà Hillary Clinton cùng Obama cùng chạy đua trong việc được đảng Dân Chủ đề cử làm ứng cử viên Tổng Thống, cho đến giờ vẫn còn bị cho là chưa hoàn toàn tiêu tán. Dù sao một chương trình xích lại gần nhau rõ ràng được cả hai bên cẩn thận dàn xếp từ nhiều tháng nay. Vị cựu tổng thống đảng Dân Chủ, đã từ lâu bị bỏ rơi, nay lại được mời đọc một bài diễn văn ở thời điểm nổi bật trong đại hội đảng, thời gian thường được dành cho bài diễn văn của Phó Tổng Thống Joe Biden, khiến ông Biden phải nói chuyện tối hôm sau, ngay trước khi Obama thuyết trình. Liệu tình thân này tồn tại được bao lâu? Khó ai có câu trả lời! Lịch sử Hoa Kỳ chứng minh liên hệ giữa một vị tổng thống đương nhiệm và một cựu tổng thống chẳng bao giờ dễ dàng. Theo cuốn “The Presidents Club” của hai tác giả Nancy Gibbs và Michael Duffy, thì xưa kia Tổng Thống Lyndon Johnson thỉnh thoảng mời cựu Tổng Thống Dwight Eisenhower tham gia vào các công tác xã giao của mình, một điều khiến Eisenhower bực bội, phàn nàn với phụ tá là mình bị lợi dụng. Sau khi Johnson mãn nhiệm, tổng thống chăm chút tình thân giữa hai bên, kể cả việc gửi cho ông những bản thảo về chính sách an ninh quốc gia hàng tuần. Còn Tổng Thống Ronald Reagan thì đối xử với một Nixon bị thất thế với lòng tôn kính, và giúp Nixon dần dà lấy lại được sự tôn trọng vào cuối đời, nhưng bất đồng chính kiến về chính sách Liên Xô khiến hai bên trở nên xa cách. Trở lại với tình bạn giữa Obama và Clinton, giới phân tích không quên lưu ý rằng hồi mới đắc cử, Obama hoàn toàn ngó lơ những đề nghị của Clinton khiến ông buồn phiền. Thế nhưng, theo David Axelrod, cố vấn chính trị của Clinton trước đây, và cố vấn tranh cử cho Obama bây giờ, thì “tình cảm giữa hai bên lớn dần theo năm tháng.” Suy cho cùng thì tình bạn, dù nhiều người cho là “nửa vời,” giữa Obama và Clinton, có lợi cho cả hai bên. Tài ngoại giao quốc tế và sức thu hút quần chúng của Clinton có thể giúp nhiều cho Obama trong việc tái đắc cử, và việc Clinton được Obama mời đóng vai trò quan trọng trong việc vận động tranh cử, kể cả việc gây quỹ, đưa Clinton ở vào vị trí thuận lợi để giúp vợ trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ sau này, nếu Hillary Clinton muốn. This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it
|