Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-10-2012 |
Tác Giả: Minh Anh |
Thứ Bảy, 13 Tháng 10 Năm 2012 13:52 |
Điện ảnh : vũ khí tuyên truyền của Bắc Triều Tiên
Ảnh minh họa
Liên hoan phim quốc tế Bình Nhưỡng lần thứ 13 diễn ra trong tháng 9 vừa qua tại Bắc Triều Tiên được đánh giá là khá cởi mở, có nhiều nét mới. Tuy nhiên, đối với chính quyền Bình Nhưỡng, điện ảnh vẫn là một công cụ hữu ích cho công tác tuyên truyền của chính phủ. Đề tài này được báo Le Monde phản ánh lại qua một bài viết đăng trong số báo đề ngày 13/10/2012. Theo Le Monde, nền điện ảnh Bắc Triều Tiên nở rộ nhất trong hai thập niên 1960 và 1970. Và người có công tạo nên thời kỳ vàng son cho nền điện ảnh Bắc Triều Tiên chính là nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong-il. Mỗi năm có ít nhất 60 bộ phim giả tưởng được xuất xưởng. Thế nhưng kể từ giữa những năm 1990, lượng phim sản xuất ra ngày càng khan hiếm do khủng hoảng kinh tế. Khoảng 2 hay 3 bộ phim được ra lò hàng năm. Chính xác ra, thì điện ảnh Bắc Triều Tiên đã bắt đầu trong thời kỳ thực dân Nhật (1910-1945). Theo ghi nhận của ông Patrick Maurus, thuộc Viện các ngôn ngữ phương Đông (Inalco), trong giai đoạn đó, phim ảnh lưu động cũng như kịch nghệ được sử dụng như là một công cụ vận động cho các chiến dịch đòi độc lập. Còn theo như nhận xét của giáo sư điện ảnh Antoine Coppola, thuộc trường Đại học Sungkyunkwan - Hàn Quốc, giống như các nước « anh em » Trung Quốc hay Liên Xô cũ, nền điện ảnh chính là một công cụ để truyền bá hệ tư tưởng và bản sắc dân tộc. Về điểm này, ông Ri Yang-il , Phó hiệu trưởng trường Đại học Bình Nhưỡng về nghệ thuật điện ảnh xác nhận rằng « phim ảnh dùng cho mục tiêu văn hóa và cảm hóa khối quần chúng ». Tương tự như bất kỳ lãnh vực văn hóa nào khác, trong điện ảnh, đâu đâu cũng có sự hiện diện của các nhà lãnh đạo đất nước. Nếu như ông Jim Jong Il được xem như là người đã sáng lập ra nền điện ảnh đất nước, thì Kim Jong Un nổi tiếng là người rất hâm mộ phim, đã mang đến cho nền điện ảnh đất nước một cách tiếp cận mới qua việc giới thiệu những yếu tố đời thường, theo như quan sát của ông Patrick Maurus. Tác phẩm « Nghệ thuật điện ảnh » của Kim Jong Un được dùng như là tài liệu tham khảo lý tưởng cho điện ảnh Bắc Triều Tiên. Tất cả những gì về điện ảnh Bắc Triều Tiên đều nằm trong tác phẩm này, theo như nhận định của một đạo diễn Bắc Triều Tiên. Cũng tuân theo nguyên tắc, sử dụng điện ảnh cho mục đích tuyên truyền, nhưng Kim Jong Un lại ưu tiên sự trỗi dậy của một kiểu hệ thống các ngôi sao, mà ví dụ điển hình là ngôi sao điện ảnh Mun Jong-hae. Cũng như là chiếc gương cho thấy rõ nét tổng thể điện ảnh, liên hoan phim quốc tế Bình Nhưỡng lần thứ 13 diễn ra từ 20/09/2012 cho đến 27/09/2012 chuyển tải « các nguyên lý độc lập, hòa bình và thân ái ». Đối với ông Uwe Schmelter , chủ tịch ban giám khảo người Đức, Liên hoan phim năm nay được xem là « cởi mở hơn trong một thành phố mà ở đó mọi thứ dường như đang rùng mình ». Liên hoan lần này đã trao giải thưởng cho bộ phim « Đồng chí Kim cất cánh » do ba nước Bắc Triều Tiên, Bỉ và Anh quốc đồng thực hiện. Cuối cùng, Le Monde lưu ý rằng chính quyền Bình Nhưỡng đã cân nhắc rất kỹ lưỡng khi chọn lựa các cử tọa đến dự liên hoan. Bởi vì, tham dự liên hoan cũng là một đặc quyền được ban tặng vì lợi ích cho quốc gia. Mạc Ngôn : giải Nobel cho người không nói chuyện Cũng liên quan đến chủ đề văn hóa, nhưng trên lãnh vực văn học, trong bài viết đề tựa « Mạc ngôn : giải Nobel cho người không nói », báo Le Monde phác họa lại những điểm nổi bật trong hành trình sáng tác của khôi nguyên Nobel văn học 2012. Theo nhận định của tờ báo, khi tuyên bố trao giải cho Mạc Ngôn, Viện hàn lâm Thụy Điển trao tặng một giải thưởng đôi : một cho nhà văn lớn và một thỏa thuận chính trị chấp nhận được. Qua con người Mạc Ngôn, là cả một thế hệ tác giả (sinh sau năm 1949) mà mọi người đều hoan nghênh. Một thế hệ nhà văn đã đưa nền tiểu thuyết đương đại Trung Quốc ra trước văn đàn thế giới. Nhưng có lẽ chính cuộc Cách mạng Văn hóa đã để lại trong ông nhiều dấu ấn đậm. Qua ngòi bút châm biếm và hư cấu, độc giả sẽ tìm thấy một đất nước Trung Hoa nông thôn trong những năm 1960 – 1970 như là trong một thế giới thần tiên hay trong các truyện ngụ ngôn. Những biến đổi trong những năm 1980 đã mở rộng cánh cửa, giúp Mạc Ngôn tiếp cận với nền văn học nước ngoài. Tác phẩm đầu tay mang tên Củ cải đường đỏ xuất bản năm 1981 đã được dịch sang tiếng Pháp năm 1998. Trong những năm 2000, ông đã cho xuất bản nhiều tiểu thuyết lớn như Báu vật của đời, Đàn hương hình, … Nhưng có lẽ độc giả thế giới biết đến ông nhiều hơn là nhờ bộ phim đọat giải Gấu vàng « Cao lương đỏ », do đạo diễn Trương Nghệ Mưu thực hiện. Bộ phim được chuyển tác từ tác phẩm « Hồng Cao lương gia tộc » do Mạc Ngôn sáng tác, xuất bản tại Trung Qu ốc vào năm 1987. Đọc các tác phẩm của ông, người đọc có thể thấy ở Mạc Ngôn là một tác giả vừa khó mà cũng vừa vui tính, ba hoa và đầy nỗi ám ảnh - giữa sự khiêu dâm và thần thoại dân gian, nét tế nhị và những lời thoại thô tục. Theo tờ Le Monde, ngôn từ trong Mạc Ngôn đôi khi có gì đó bồng bột và cũng rất điêu luyện, vừa mang tính sáng tạo nhưng cũng rất trung thành với chúng, biến hóa khôn lường, hòa nhập giữa sự trừu tượng với cái tầm thường. Những yếu tố cần thiết đủ để vẽ nên mọi diện mạo của sự thèm muốn và thói tham ăn, sức mạnh của sự ham muốn. Ở các tác phẩm của ông, con người không có sự kháng cự mà cũng không có sự kìm nén. Đáng ngưỡng mộ nhất, bất chấp giọng văn sỗ sàng nhưng trau chuốt, nhà văn thường xuyên tạo ra những bước ngoặc bằng sự kỳ diệu và phép màu. Đối với Le Monde, Mạc Ngôn là một nhà văn biết hòa trộn giữa cái thật, cái ảo, niềm vui và … điều khác nữa. Cấu trúc phức tạp, nhân vật không thể nắm bắt được và lối kể mơ hồ. Có lẽ nhờ vào lối viết ẩn dụ và lối tán rộng chủ đề mà Mạc Ngôn đã không lo ngại bị kiểm duyệt. Vì lý do này, mà nhiều người đã lên tiếng chỉ trích những gì ông không nói ra hay những gì ông không viết ra hơn là nội dung quyển sách. Hơn nữa, nhiều nhà văn hay nhà báo cũng lấy làm tiếc rằng ông không ủng hộ những người bị thiệt thòi vì nạn kiểm duyệt hay đàn áp chính trị. Nói cho rõ ra là người ta chỉ trích ông là người câm lặng theo đúng như ý nghĩa của bút danh « Không Lời ». Giải Nobel hòa bình : Một sự khích lệ cho châu Âu bị lung lay vì khủng hoảng Cũng liên quan đến các giải Nobel năm nay, báo Le Figaro và Libération cùng quan tâm đến sự kiện Ủy ban Nobel Na Uy quyết định trao giải Nobel hòa bình cho Liên hiệp châu Âu. Cả hai tờ báo cùng nhận định, quyết định trao giải Nobel Hòa bình 2012 cho Lên hiệp châu Âu đã gây bất ngờ lớn cho các chính trị gia trong khối. Đối với Le Figaro, « Giải Nobel Hòa bình : một sự khích lệ cho châu Âu đang bị lung lay vì khủng hoảng ». Đây cũng là tựa đề bai viết đăng trên chuyên mục châu Âu của tờ báo. Tờ báo cho rằng có những giải thưởng để trao tặng và có những giải thưởng để khích lệ. Giải Nobel Hòa bình 2012 cho Liên hiệp châu Âu rõ ràng kết hợp cả hai. Sau hai cuộc chiến lớn để lại nhiều tổn thất nặng nề, trong suốt 60 năm qua các nước thành viên trong khối đã nỗ lực gầy dựng một châu Âu hòa bình từ 6 nước thành viên ban đầu nay thành 27 nước, với khoảng 500 triệu dân. Le Figaro cho rằng, giờ thì hòa bình đã đạt được, nhưng phồn thịnh lại lâm nguy : tăng trưởng không có, thất nghiệp cao và nỗi sợ hãi hồi suy tàn trước Trung Qu ốc và Hoa K ỳ. Theo Ủy ban Nobel Na Uy, « châu Âu đang trải qua những khó khăn kinh tế nghiêm trọng và những bất ổn xã hội đáng kể ». Trong đối nội, có sự chia rẽ Bắc – Nam, nhưng điều đó lại thúc đẩy sự hội ngộ Đông – Tây. Về mặt đối ngoại, mở rộng châu Âu bị đình lại và liên hiệp châu Âu đang có xu hướng thu hẹp lại. Tờ Libération thì chạy tựa « Châu Âu nhận giải thưởng Nobel, một giải thưởng lịch sử ». Một sự ngạc nhiên tuyệt vời dành cho châu Âu, rơi đúng vào lúc mà định chế này bị lún dần trong khủng hoảng trầm trọng nhất từ ba năm nay, đến mức đe dọa đến sự sinh tồn của cả khối. Theo các nhà phân tích, quả thật châu Âu đã có được nền hòa bình. Sự tồn tại của Liên hiệp châu Âu giúp tránh được các xung đột quyền lợi và chủ quyền lãnh thổ những vấn đề thường xuyên kết thúc bằng các vụ đối đầu nhau. Bà Angela Merkel hôm qua buộc phải nhìn nhận rằng những thập niên hòa bình mà công dân châu Âu đang tận hưởng từ nhiều thập niên qua là cả một hành trình dài. Bà kêu gọi các quốc gia thành viên chung tay hợp sức vì nền hòa bình, dân chủ và tự do. Lời tuyên bố của bà đưa ra trong bối cảnh Berlin phản đối dự án sát nhập EADS và BAE Systems. Đối với nhà phân tích Ulrike Guerot, thuộc Ủy ban quan hệ đối ngoại châu Âu, thì « may mắn là giải Nobel rơi đúng trong tuần, điều đó cho thấy những mâu thuẫn của người Đức ». Còn đối với ông Zaki Laidi, giáo sư Học Viện Chính trị Paris (Sciences Po), « những tranh chấp biển đảo giữa hai quốc gia Trung Quốc và Nhật Bản cho phép đo đạc những gì mà châu Âu đã đạt được » từ 60 năm qua. Ngày nay, châu Âu có thể giữ vai trò bình ổn ở các nước trong khu vực Balkan qua việc giúp đỡ các nước đó xây dựng một Nhà nước Pháp quyền và lần lượt giúp các nước đó hội nhập vào khối. Cuối cùng hồ sơ các lãnh thổ do Israel chiếm đóng sẽ là một trong những nhiệm vụ nhân đạo quan trọng nhất mà châu Âu cần phải xử lý. Bởi vì nếu không có châu Âu, thì các vùng đất đó sẽ bị quốc gia Do Thái bóp nghẹt. Liên Hiệp Quốc lên án hôn nhân trẻ em Về đề tài xã hội, trong bai viết đề tựa « Liên Hiệp Quốc lên án hôn nhân trẻ em », báo Le Figaro cho biết tại các nước đang phát triển, nhất là tại châu Á, cứ ba em lại có một em gái bị ảnh hưởng bởi nạn cưỡng bức hôn nhân trước 18 tuổi. Theo giải thích của các chuyên gia, có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là yếu tố văn hóa, nhằm thắt chặt mối quan hệ thông gia. Và nghèo khổ là nguyên nhân thứ hai. Cha mẹ nhận tiền đổi lại phải để con gái mình phải xuất giá dù là còn nhỏ tuổi. Điều nghịch lý là 158 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đã cùng ấn định 18 tuổi là mức tuổi tối thiểu để lập gia thất không cần sự đồng thuận của cha mẹ. Thế nhưng có đến 146 nước cho phép hôn nhân diễn ra trước độ tuổi quy định nếu như có sự đồng tình của các bậc phụ huynh. Các chuyên gia ghi nhận hiện tượng hôn nhân trẻ em diễn ra chủ yếu tại các nước đang phát triển. Và một nửa số hôn nhân bắt buộc là diễn ra tại châu Á, và hơn một phần ba là tại châu Phi. Hiện tượng trên còn diễn ra ở một số nước châu Mỹ la-tinh, Trung Đông và một số Đông Âu. Trong bản báo cáo công bố hôm thứ năm vừa qua, Quỹ vì Dân số của Liên Hiệp Quốc (UNFPA) nhấn mạnh rằng các cuộc hôn nhân trước tuổi thành niên có nguy cơ tăng thêm 14% trong vòng 20 năm tới. Như vậy, hiện tượng đó có thể ảnh hưởng đến 130 triệu em gái. Tiến sĩ Babatunde, giám đốc UNFPA cho rằng tỷ lệ các em gái xuất thân nhà nghèo, nông thôn và ít được đi học có liên quan đến hiện tượng này cao gấp hai lần so với các bạn cùng trang lứa sống ở nơi thành thị và được học hành tử tế. Ông nói : « Hôn nhân trẻ em không những vi phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản mà nó còn cướp đi của các em gái sự giáo dục, sức khỏe và mọi triển vọng lâu dài ».
|