Home Phiếm Trà Lũ Tiếng Cười

Tiếng Cười PDF Print E-mail
Tác Giả: Trà Lũ   
Thứ Năm, 21 Tháng 7 Năm 2011 09:15

Tháng Sáu vừa qua toàn quốc Canada đã không có thư trong 3 tuần lễ. Nghiệp đoàn bưu điện 5000 người đã đình công.

 Lý do : họ đòi tăng lương và thêm quyền lợi.

 Các cụ phương xa có biết lương tối thiểu một giờ làm việc ở bưu điện là bao nhiêu tiền không? Thưa là 23 đôla. 23 đô la có  thể mua được 230 qủa trứng gà. Đó mới là lương sơ khởi mà họ còn chê ít. Nghiệp đoàn bảo họ phải biểu tình, phải đình công đòi thêm nữa.

Tôi nhớ hồi 1975 khi vừa tới định cư ở Canada, người bảo trợ bảo tôi là ở Canada này không phải sợ ai và sợ cái gì cả, trừ 2 khối người này : nghiệp đòan bưu điện và nghiệp đoàn lái xe bus công cộng. Quả đúng như vậy. Những người già, những người bệnh, những bà mẹ nuôi con tháng tháng đều trông chờ ông bưu điện mang ngân phiếu tới, nay họ ngưng phát thư , lớp người trên chới với. Chính quyền trung uơng cho biết chỉ trong 2 tuần lễ bưu điện đình công, kinh tế Canada đã thiệt hại 100 triệu.

Và chính quyền đã ra tay. Chính quyền đã xin quốc hội làm luật bắt nhân viên bưu điện đi làm và đặt một hội đồng trọng tài giải quyết sự tranh chấp.

    Tháng trước nghiệp đoàn hàng không Air Canada, khối nhân viên làm việc dưới đất, cũng đình công. Chính quyền đang chuẩn bị làm luật bắt họ phải đi làm trở lại, họ thấy đuối lý bèn trở lại làm việc ngay.
    Cụ Chánh tiên chỉ làng tôi bảo xứ này nhiều tự do dân chủ quá đáng, cái gì qúa đáng cũng đều không tốt. Qủa đúng như vậy, phải không các cụ?

    Tin đình công sôi nổi làm tôi quên trình các cụ bữa ăn ở nhà Cụ B.95 mừng lễ Các Người Cha. Tháng trước có lễ Hiều Mẫu, ông ODP đã thay mặt phe liền ông làm bữa cơm muối Huế đãi phe các bà. Tháng này có lễ Hiền Phụ, hai cô Huế Tôn Nữ va Cao Xuân cũng nổi hứng tình nguyện đứng ra làm cơm Huế đãi phe liền ông.

À, nhân nói tới hai cô họ nhà vua này, nhiều cụ phương xa hỏi ban đầu làng tôi chỉ có dân Bắc Kỳ 54 và dân Nam Kỳ, sao lâu nay lại có hai cô Huế dân Trung Kỳ.

Chuyện đơn giản thôi. Lý do là vì cậu con trai Cụ B.95 lấy vợ người Huế. Chồng Bắc vợ Trung hợp nhau qúa, họ làm ăn khấm khá, nên bảo trợ được bà mẹ là cụ B.95 sang, cụ đi thẳng từ Hà Nội sang Canada. Dòng máu Bắc Kỳ trước 1954 vẫn còn đầy ắp nơi cụ già này. Cụ sang Canada, ban đầu chả hiểu tiếng mô tê răng rứa của cô con dâu, nhưng lâu dần thì cũng quen. Bây giờ thỉnh thoảng cụ còn nói tiếng Huế nữa, mới kinh chứ. Thế mới biết cô con dâu Tôn Nữ này ảnh hưởng nhiều tới cụ.

 Rồi cô Tôn Nữ này có một cô bạn thân tên là Cao Xuân. Cao Xuân là một dòng họ rất lớn ở Huế. Một buổi đẹp trời, cô Cao Xuân đòi theo cô Tôn Nữ và Cụ B.95 đi họp làng. Cô mê dân làng ngay lập tức rồi năn nỉ xin gia nhập. Làng tôi phải bàn cãi mãi, phỏng vấn cô đủ điều rồi cuối cùng mới cho cô gia nhập. Từ đó làng tôi là làng tiêu biểu Nam Bắc Trung một nhà đúng ý nghĩa nhất. Sau cô Cao Xuân, làng tôi nhất định khóa sổ, nhất định không nhận thêm một ai.

    Cô Cao Xuân được nhập làng thì sung sướng vô cùng, mà dân làng cũng vui thêm nhiều lắm. Người bỏ phiếu nhận cô lẹ nhất là ông ODP. Cái ông bồ chữ này có kho kiến thức lớn lắm các cụ ạ. Khi biết cô Huế này thuộc dòng quan đại thần Cao Xuân Dục là ông gật đầu liền.

Ông kể tiểu sử cụ Cao vanh vách như cầm sách đọc. Theo ông, Cụ Cao Xuân Dục có một trình độ nho học rất uyên thâm nên được các nhà nho vô cùng kính nể , nhà vua trọng dụng và phó thác cho các công tác quan trọng như chánh chủ khảo các kỳ thi hương thi hội, như quản nhiệm Quốc Tử Giám, như chỉ đạo việc biên soạn các bộ sách về sử ký. địa dư, triết học và văn học. Cụ là một nhà văn hóa lớn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Chính cụ là chánh chủ khảo kỳ ông Tú Xương đi thi, chính cụ đã cho ông Tú Xương đậu Tú Tài.

Chính cụ là người đã nâng đỡ ông Nguyễn Sinh Sắc bố của Hồ Chí Minh khi đi thi cũng như khi làm quan. Cụ có lòng yêu nước rất cao, tuy làm quan dưới thời Pháp thuộc nhưng trong bụng vẫn chống Pháp. Chuyện kể có lần xử một viên chức hà nhiễu dân, ông đã ra án rất nặng. Viên quan này được ông công sứ Pháp bênh. Trong lúc xử án, viên công sứ này đã có những lời hỗn láo nên cụ Cao Xuân Dục đã vác ghế đánh viên công sứ này. Sử còn ghi Cụ đã bênh vực Ông Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu khỏi án tử hình…

    Cô Cao Xuân nghe ông ODP nói về ông tổ dòng họ nhà mình hay qúa và đúng qúa liền sụp xuống lạy. Cả dân làng đều vô cùng ngạc nhiên về sự thông thái hiếm có này. Ai cũng hỏi tại sao ông biết rõ về quan đại thần Cao Xuân Dục làm vậy, thì cuối cùng ông mới cho biết : Trước 1975, ông đã nghiên cứu và đang chuẩn bị viết luận án tiến sĩ về vị đại quan học thức và yêu nước này.

    Các cụ thấy chưa, dân làng tôi ai cũng le lói và ‘ vĩ đại’ cả. Nhiều độc giả đã mê làng tôi và muốn  tôi nói nhiều về dân làng. Xin cho tôi làm việc này từ từ nha. Xưa nay tôi thường nói nhiều về anh John và Chị Ba Biên Hòa, hôm nay nổi hứng, tôi nói về Cô Cao Xuân và ông ODP. Xin tạm ngưng chuyện này để trình các cụ về bữa ăn ngày lễ Hiền Phụ.
            Hai cô làm món bún bò Huế. Hai mệ Huế rành ăn mà làm món bún bò Huế thì làm sao mà không ngon được, cho nên bữa ăn ngon hết sức vậy đó. Người khó tính như ông ODP mà cũng phải gật gù ca ngợi. Vừa ngon miệng vừa mát con mắt, các cụ a. Tô bún khói ngùn ngụt. Này khoanh thịt chân giò, này miếng thịt bò bắp, này miếng chả Huế, này miếng tiết heo. Này mầu ớt đỏ. Này màu húng quế xanh. Này mùi tiêu mùi sả mùi mắm ruốc. Này đĩa rau bắp chuối thái sợi, này rau bắp cải trắng bào nhỏ, này ngò gai, này ớt cay. Mời các bác xơi. Tô bún bò này phải ăn nóng nha, vừa ăn vừa thổi vừa xuýt xoa mới sướng. Anh John và Chị Ba ăn những hai tô bự.  Bữa ăn diễn ra ngoài lan can, bên mảnh vườn rau của cụ B.95.

Vì cụ là chủ nhà nên cụ đã mở đầu câu chuyện. Cụ đòi anh John kể chuyện thời sự . Chuyện này qúa dễ với anh John. Anh nóí ngay tới hai cuộc đình công mà tôi vừa trình bày ở trên, rồi nói sang cuộc công du của của đôi uyên ương hoàng gia William và Kate.

Dân Canada lâu nay coi bộ không thích hoàng gia nữa. Các cụ phương xa chắc biết là Canada ở trong Khối Liên Hiệp Anh nên phải nhận nữ hoàng bên Anh làm quốc trưởng, và nhận hoàng gia bên Anh làm họ hàng nhà mình. Nhưng từ khi công nưong Diana, tức mẹ của William, chết tức tưởi vì tai nạn, dân Canada đã đổi thái độ với hoàng gia. Họ hết mặn nồng. Đã có lúc dân chúng muốn các dân biểu bỏ phiếu loại bỏ hoàng gia. Thế nhưng vì đôi vợ chồng trẻ William và Kate trông dễ thương qúa, nên thái độ chống đối hoàng gia bớt sôi nổi hẳn đi.

Đôi trẻ đến Canada vào đúng dịp lễ quốc khánh Canada. Họ đến thủ đô Ottawa cho đúng phép rồi bay lên mạn bắc hỏi thăm các ông bà Da Đỏ, rồi bay xuống miền tây thăm viếng, rồi từ đó đôi trẻ sang Hoa Kỳ. Ông ODP bảo  hai trẻ trông hạnh phúc và đẹp đôi qúa, cầu mong cho họ hạnh phúc bền vững trọn đời, để xứng đáng nay mai lên ngôi vua khi nữ hoàng nằm xuống, chứ đừng như ông bố Charles có vợ đẹp con khôn mà còn lăng nhăng, cơm nhà ngon mà cứ lén đi ăn phở.

    Rồi anh John nói tiếp sang tin thiên tai ở miền tây và miền trung. Nào miền Alberta cháy nhà. Lửa từ rừng lan về thành phố, đốt gần hết thành phố Slave Lake. Nào miền Saskatchewan ngập lụt, nước sông tràn lan mênh mông, chính quyền phải phá đê cho nước rút nhanh. Cụ B.95 nghe đến đây thì tỏ vẻ sợ hãi vì cho là sắp tận thế. Cụ Chánh tiên chỉ bảo rằng không sao vì đây là do khí hậu toàn cầu thay đổi. Các nước khác còn bị nạn lớn gấp trăm lần. Nếu so sánh với các nơi khác thì tai nạn ở Canada không thấm thía gì.
    Rồi tin Canada đang chuẩn bị in tiền nhựa polymer thay thế các loại tiền giấy hiện nay. Trên thế giới đã có 30 quốc gia dùng tiền polymer, loại tiền khó làm giả và lâu bền hơn.
    Và tin sau chót là tin lể Quốc Khánh mồng 1 tháng 7. Canada lên 144 tuổi.

Nhân dịp anh John kích thích lòng yêu nước của mọi người. Anh say sưa nói về những cái nhất của quốc gia trẻ trung, giầu có và rộng lớn này. Canada rộng quá mà lại thưa dân. Gần 10 triệu cây số vuông mà chỉ có 34 triệu người. Canada lớn hơn nước VN chúng ta 30 lần. Biên giới giữa Canada và Hoa Kỳ thật đúng ý nghĩa sông liền sông núi liền núi. Lằn ranh giữa hai nước cả phía Bắc lẫn phía nam sơ sơ dài 8.893 cây số. Hồ Great Slave Lake ở mạn bắc sâu nhất thế giới, những 614 mét. Núi Logan ở miền Bắc cao nhất thế giới, gần 6 ngàn thước. Canada có chừng 1 triệu cái hồ lớn nhỏ và giữ 9% trữ lương nước ngọt của địa cầu. Đảo Manitoulin ở giữa hồ Huron rộng gần 3 ngàn cây số vuông.

Anh John kể ra một hơi toàn những cái nhất của Canada rồi anh cười ha ha : Đó mới là mặt địa lý thôi nha. Còn mặt kinh tế, mỏ quý kim vàng bạc và dầu lửa thì nhiều vô vàn. À, có chuyện này lạ lùng lắm là theo thống kê cho biết : qúa nửa dân số Hoa Kỳ không hề biết tên thủ đô của nước Canada là gì. Nước làng giềng mà không biết. Người Hoa Kỳ kỳ ha. Nhưng thôi, chuyện thời sự của tôi đã quá dài , xin để hôm nào đẹp trời và thuận tiện tôi sẽ trình thêm.

    Rồi anh John xin ông ODP nói chuyện thời sự cộng đồng VN. Tin nổi bật là trong tháng qua phong trào biểu tình chống Trung Cộng lan rộng khắp nơi. Tầu Cộng có toà đại sứ tại thủ đô Ottawa và có tòa tổng lãnh sự ở Toronto và Vancouver. Đồng bào ta đã tập trung nhiều lần trước các nơi này giơ cao các khẩu hiệu đả đảo Tầu Cộng xâm lăng VN,   Hoàng Sa Trường Sa là đề tài viết trên nhiều biểu ngữ nhất, và nhiều bài phát biểu nhất.

 Tôi thường có mặt trong các cuộc biểu dương này, được thấy được nghe nhiều điều rất đáng ghi nhớ. Chẳng hạn trong một buổi sinh hoạt cộng đồng, có một ông bạn già đọc thơ Vũ Hoàng Chương, đọc xong thì ông chảy nước mắt:
    … Trả núi sông ta! Lời dĩ vãng
    Thiên thu còn vọng đến tương lai
    Trả ta sông núi! Câu hùng tráng
    Là súng là gươm  giữ đất đai…
Nghe ông đọc thơ Vũ Hoàng Chương mà như đang nghe lời hịch cũa tướng Lý Thường Kiệt ngày xưa :
    Nam quốc son hà nam đế cư
    Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư…
    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách Trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm lấn
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bới

Nghe câu thơ ái quốc và thấy ông bạn già rưng rưng giọt lệ, tôi cảm động qúa. Hôm sau đi uống cà phê lại gặp ông trong quán, tôi bầy tỏ lòng ngưỡng mộ. Ông già cho biết ông gốc nhà binh. Thấy tôi mê nghe thơ, ông liền đọc một hơi cho tôi nghe bài thơ của Ó Biển Nguyễn Văn Phán :
    Khi tôi chết đừng đưa tôi ra biển
    Hãy đưa tôi về Lao Bảo, Khe Sanh
    Để đêm nghe vang dội khúc quân hành
    Đời lính chiến, một thời kiêu hãnh quá
                                      *
    Khi tôi chết đừng đưa tôi ra biển
    Đưa tôi bề Ben Hét với Đắc Tô
    Nơi bạn bè tôi xây mộng sông hồ
    Nguyện trấn giữ Trường Sơn yêu qúy
                                       *
    Khi tôi chết đừng đưa tôi ra biển
    Đưa tôi về Bình Giả, chiến khu Đ
    Cho hồn tôi siêu thóat với lời thề
    Thân chiến sĩ nguyện xin đền nợ nước
                                         *
    Khi tôi chết đừng đưa tôi ra biển
    Đưa tôi về Cái Nước với Đầm Giơi
    Đêm U Minh, nghe tiếng thét vang trời
    Mừng chiến thắng để dâng về tổ quốc
                                         *
    Khi tôi chết đừng đưa tôi ra biển
    Trả tôi về với dân tộc Việt Nam
    Gởi thân tôi, ba sọc đỏ cờ vàng
    Xin liệm kín với hồn thiêng sông núi

Bài thơ này một khẩu khí một giai điệu như bài ‘Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển’ cuả Cao Tần, nhưng ý thì khác hẳn.

Mấy ông bạn gìa cùng đi với ông này thấy bài thơ nghiêm trang quá, liền chuyển hưóng câu chuyện. Một ông bảo các bạn nãy giờ toàn nghe thơ nghiêm trang, bây giờ xin cho tôi đọc một bài thơ cũng nói về lòng ái quốc những mang giọng ngang tàn của bọn nhà binh mình. À, ra đây là mấy ông gốc nhà binh xưa. Tôi xin đọc một đoạn trong những bài thơ khẩu khí của nhà thơ Trạch Gầm. Lời thơ là lời chửi VC, tuy là chửi nhưng khẩu khí:

    …Đ.M. cho tao chưởi mày một tiếng
    Đất của ông cha sao mày cắt cho Tàu?
    Ngậm phải củ gì mà mày cứng miệng,
    Đảng của mày, chết mẹ, đảng tào lao
    Chế độ mầy vài triệu tay súng
    Cầm súng làm gì, chẳng lẽ hiếp dân?
    Tao không tin lính lại hèn như thế
    Lại rụng rời trước tai ách ngoại xâm
    Mày vỗ ngực: anh hùng đầy trước ngõ
    Sao cứ luồn, cứ cúi, cứ van xin
    ‘Môi liền răng’, à, thì ra vậy đó
    Nó cạp mày, mày thin thít lặng thinh
    Ông Cha mình bốn nghìn năm dựng nước
    Một ngàn năm đánh tan tác giặc Tàu.
    Thân phận mày cũng là Lê với Nguyễn
    Hà cớ gì, mày hèn đến thế sao?
           ……………………………….
Nghe đến đây thì cụ B.95 giơ tay : Lão nhức đầu rồi đây này. Chửi VC hèn hạ thì chửi cả năm không hết. Bữa tiệc hôm nay dầy đủ mọi sự, trừ sự cười. Hôm nay ngày đại lễ, xin cụ Chánh tiên chỉ cho phép dân làng cười thả dàn nha. Ai cũng gật gù hoan hô lời đề nghị này. Ông H.O. là người giơ tay đầu tiên xin đốt pháo cười. Ông nói :

- Tôi là độc giả lâu đời của báo VNTP. Trong số tháng vừa qua tôi thấy có hai chuyện này trong mục ‘ Nụ Cười Tiền Phong’ của tác giả Như Nguyễn hay hết sức. Những ai có đầu óc trong trắng như thiên thần thì hiểu khác những ai có đầu óc trần gian thế tục. Chuyện như thế này :

    … Người ta nghe thấy trong một cửa hàng :
Vào chưa em?
A… a… a… gần vào hết rồi.
Có đau không em?
Không, êm lắm, thích lắm, lọt hẳn rồi
Em cần nong thêm một chút không?
A…a…a… không cần… vào hết rồi
Em thấy thoải mái không?
Ồ, thích qúa, êm ái qúa
Có khít quá không em?
Lúc đầu đút vào hơi chặt, nhưng bây giờ thì vừa khít

Kể đến đây rồi ông H.O. lên tiếng hỏi cả làng : Tôi đố các bạn đây là câu chuyện  nói về cái gì, việc gì. Chưa thấy ai lên tiếng trả lời nhưng tôi thấy phe các bà đấm nhau thùm thụp rồi cười hắc hắc. Ông H.O. cũng cười, rồi nói lớn : Tôi biết các bà nghĩ bậy nha. Đây là chuyện rất trong sạch. Chuyện đôi vợ chồng trẻ dắt nhau đi mua giày. Anh chồng giúp cô vợ thử đôi giày mới, chứ không phải chuyện kia.

    Bây giờ tôi xin kể câu chuyện thứ hai :
    Một cô bạn bán  rong ngoài đường. Cô cất tiếng rao thế này :
Bóp đi bóp đi, bóp trên năm ngàn, bóp dưới bảy ngàn, bóp ngoài ba ngàn, bóp trong tám ngàn, bóp đi bóp đi. Một thanh niên đứng lại hỏi : Này cô, bóp ở đâu rẻ nhất?

Cô đáp : Bóp em là rẻ nhất và sướng nhất, không đâu bằng, bóp đi bóp đi.

Các bà các cô thì cười rũ ra và lại đấm nhau thùm thụp.

Các cụ phương xa có hiểu cô gái mời mua cái gì không? Thưa cô mời mọi người mua ví da. Hình như cô này nói tiếng Bắc Kỳ. Ví thì cô gọi là bóp. Những ai máu xấu thì đừng nghĩ cô mời gọi cái khác nha.

    Anh John nghe đến đây thì thích qúa sức. Anh bảo rằng anh chưa thấy tiếng nước nào hay thấm thía như vậy. Anh bảo ngày xưa khi bắt đầu đọc được sách tiếng Việt, quyển đầu tiên anh đọc là chuyện tiếu lâm cổ ngày xưa. Trong sách này có chép một chuyện cũng  hay như chuyện anh H.O. vừa kể. Đó là chuyện ‘Ông dở quá’.

Rằng nhà kia có hai anh em. Ông anh thì ở Saigon, còn ông em thì làm ruộng ở miền quê. Năm đó ông anh gả chồng cho cô con út. Ngày lễ cưới thì ông chú ở dưới tỉnh lên Saigon ăn cưới cháu gái. Tiệc cưới xong thì đã qúa nửa khuya, ông em tuy ở nhà ông anh nhưng vẫn thấy lạ nhà. Nằm hoài mà ông không ngủ được. Phòng của ông sát ngay bên phòng ông anh. Bỗng ông nghe tiếng vợ chồng người anh thì thào. Ông em bèn lắng tai nghe :
    Bà chị dâu của ông lên tiếng:
Hôm nay là ngày vui của con, tui cũng chìu ông đó.
Ừa, bà nói thế có dễ thương không. Bà hun tui cái coi
Thôi, già rồi và khuya qúa rồi, 50 phần trăm thôi ông ơi
Không, ngày vui mà, bà trăm phần trăm cho tui coi. Chơi thì phải xả láng.
Ông này kỳ hết sức vậy đó. Già rồi mà còn ham lắm. Rồi đó, tôi trăm phần trăm rồi đó. Còn ông, sao vô nửa chừng rồi để đó vậy? Còn chút nữa hãy ráng vô nữa coi, làm bạo lên
Tui nhão rồi bà ơi.
Sao bữa nay ông dở qúa vậy?
Tại vì từ sáng đến giờ tui phải tiếp khách nên bây giờ hết xí quách rồi
Vậy mà cũng đòi! Lỡ vui thì phải vui cho trọn, ráng lên chút nữa, vô hết giùm tôi coi.

Rồi hai ông bà im lặng một lúc lâu.

Phe các bà nghe đến đây lại rú lên cười.

 Anh John nói ngay : Chuyện của tôi chưa xong mà. Xin kể tiếp. Ông em nằm phòng bên rạo rực hết sức, trong bụng nghĩ : Không ngờ ông anh mình mà còn khoẻ và du dương như vậy. Nhưng ông chưa kịp nghĩ hết câu thì tiếng bà chị dâu nói to tiếng, bà cự nự chồng :
    - Tui đã nói ngay từ đầu, uống cả ngày mà chưa đã, nửa đêm còn đòi uống thi với tui. Thiệt khổ thân tui. Tư ơi, ông ói đầy ra giường rồi nè. Mày đem cái thau và cái khăn lau lên đây, lẹ lên.
    Nghe đến đây thì dân làng mới à lên một tiếng. Bây giờ thì ai cũng hiểu ý chuyện, ai cũng có những ý nghĩ tốt đẹp chứ không có ý nghĩ dơ dáy như ông em dưới tỉnh lên.
    Rồi dân làng vỗ tay. Ai cũng khen chuyện của anh H.O. và chuyện của anh John hay qúa. Chị Ba Biên Hòa tỏ ra sung sướng nhất làng. Chị bảo bữa nay vừa được ăn ngon, vừa được nghe nhiều chuyện cười vỡ bụng, chắc chị sẽ ngủ ngon lắm
    Cụ Chánh gật gù đồng ý :

- Đúng vậy. Ông bà mình nói ngay từ ngày xưa : Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ. Ông Tây cũng nói y chang : Laughter is the best medicine. Hình như câu này là câu của tạp chí Reader’s Digest, một nguyệt san uy tín quốc tế, hàng tháng có bao nhiêu triệu ấn bản phát hành khắp năm châu.

    Ông ODP phụ họa : Cụ Chánh nói rất chí lý. Tiếng cười là thuốc tiên không những  chữa lành bệnh thể xác mà còn tăng sức khoẻ tinh thần, tăng tình đoàn kết và thân ái giữa mọi người.

Người Hoa có một câu rất hay : Ai không biết cười thì đừng đi buôn bán.

 Ông Tây cũng có một câu rất hay : Un saint triste est un triste saint, một ông thánh mặt mũi buồn rầu là một ông thánh vất đi, chả ra gì.

Trong các vị thánh Á Đông, tôi thích nhất Đức Bồ Tát Di Lặc. Các cụ  còn nhớ tượng Đức Phật cười này không?
    Kính chúc các cụ mùa hè này đầy tiếng cười.
 

Sách  Mới  TRÀ  LŨ
Đầy tiếng cười, đầy kiến thức

Chúng tôi hân hạnh giới thiệu 2 sách  mới nhất vừa phát hành đầu mùa xuân 2011, tác phẩm thứ 13 và 14 của Nhà Văn Trà Lũ ở Canada :

  1. CHUYỆN CƯỜI : những chuyện tiếu lâm Đông Tây Kim Cổ chọn lọc .

Đây là cuốn thứ 3, khác với 300 chuyện cười năm 2001 và 500 chuyện cười năm2008

ĐẤT  THIÊN  THAI : 30 chuyện phiếm vui tươi dí dỏm, nhiều tiếng cười và đầy kiến thức được viết trong 3 năm vừa qua

Mua Sách :

  • Giá 1 cuốn  mua tai Canada : 25 Gia Kim ( tiền sách va bưu phí )
  • Giá 1 cuốn gửi từ Canada qua Hoa Kỳ : 28 Gia kim hay Mỹ kim ( tiền sách và bưu phí )

Xin trả bằng ngân phiếu cá nhân,
Xin đề  TRÀ  LŨ, và gửi tới 113 Kennedy Ave, Toronto, Ontario, M6S 2X8, Canada

Gơi  ý : Đây là món quà rất trang nhã và đẹp nhất để tặng bà con bằng hữu. Xin cho                
            chúng tôi tên và điạ chỉ, chúng tôi sẽ làm đúng ý qúy vị. Trân trọng.