Đói (2) PDF Print E-mail
Tác Giả: Đốc Gàn Trần An Bài   
Thứ Ba, 17 Tháng 8 Năm 2010 14:12

 Làm việc bác ái cũng phải làm cho khôn ngoan.

 
                  Nạn đói Ất Dậu tại Thái Bình
              (Hình của Võ An Ninh - tuoitre.vn)

 Trong suốt bao nhiêu tháng trời, cảnh tượng những con người với bộ xương bọc da đã trở thành một tai họa nặng nề kinh khủng đổ xuống gia đình ông bà Trùm Hương. Nhưng ông lại không quan niệm như vậy. Ông bảo rằng Chúa thương gia đình ông nên mới gửi Thánh Giá đến để ông vác đền tội lập công trên nước Thiên Đàng. Mỗi tối, khi đọc kinh chung trong gia đình, ông động viên tinh thần mỗi người:

- Đời sống trần thế thì vắn vỏi. Khổ cực cách mấy thì cũng không quá 100 năm. Cuộc sống đời sau mới là vĩnh cửu.

Một buổi sáng kia, cô Tin ra mở cổng, vừa nâng thanh gỗ chốt cửa ra thì bất chợt hai cánh cửa đẩy mạnh về phía cô. Bình thường, cô phải kéo mạnh mỗi cánh cửa về phía mình, vì cửa làm bằng gỗ lim rất nặng. Hôm nay, cả hai cánh cửa bỗng nhiên đập mạnh vào mặt cô khiến cô té ngửa người xuống đất. Thì ra vào đêm hôm trước, hàng trăm người đói khát đã đứng chờ sẵn trước cửa nhà ông Trùm. Nhiều người đứng tựa vào cửa và đã chết đứng tại chỗ. Khi chốt cửa vừa mở ra, sức đẩy của hàng trăm người ép vào cánh cửa, đập vào người cô Tin, khiến cô té xuống đất, nằm sõng soài. Cô bị hàng ngàn người hốt hoảng như những con ma đói tràn vào như sóng và dẵm nát thân thể cô. Cô tắt thở ngay tại chỗ.

Nhà ông bà Trùm Hương hôm đó tan hoang. Những người hành khất từ phương trời xa lạ như những con chó sói đói, cuồng điên xông vào phá kho gạo dự trữ. Có những tên bất lương lợi dụng thời cơ vào cả trong nhà lục lọi và lấy đi tất cả những gì chúng có thể mang đi được.

Phải mất cả tiếng đồng hồ, ông Trùm Hương mới tìm thấy xác con, máu me đầy người, nằm chết chung với một đống xác người chỉ còn da bọc xương. Trước hoàn cảnh bi đát này, ông Trùm gọi tất cả con cái và gia nhân tạm thời rút khỏi nhà, đến tá túc tại mái hiên tiền đình nhà thờ. Họ đem theo cả xác cô Tin.
Cha xứ Giuse Kiên cho lệnh giật chuông nhà thờ báo động. Mọi giáo dân, già trẻ lớn bé, khi đến nhà thờ, nhìn thấy xác cô Tin, mới biết tai họa vừa xảy đến cho gia đình ông Trùm Hương. Ai cũng bùi ngùi đau đớn trước cảnh "làm phước nên tội" này.

Bà Trùm Hương khóc rũ rượi:

- Chúa ơi, Chúa ở đâu? Sao con khổ thế này?

Ông Trùm ghé sát vào tai bà, an ủi:

- Bu mày đừng khóc lóc như vậy. Chúa có thương thì Chúa mới gửi Thánh Giá cho mình vác.

Rồi ông ngước mắt lên trời lâm râm nhắc lại lời cầu nguyện của Chúa Giêsu khi bị treo trên Thánh Giá:

- Lạy Cha, xin cất chén đắng này cho con, nhưng xin theo ý Cha, chứ đừng theo ý con!

Tất cả các hội đoàn trong họ đạo, theo sự hướng dẫn của cha xứ, đã tổ chức đám táng cho cô Tin thật trang trọng. Trong hoàn cảnh đói kém, người chết nằm ngổn ngang đầy đường, ông Trùm Hương chỉ xin mọi người thêm lời cầu nguyện cho linh hồn con gái ông, còn mọi hình thức khác, ông xin được giản tiện tối đa, không có tiệc tùng như thông lệ sau mỗi đám tang. Quan tài của cô Tin được các giáo dân và cha xứ rước từ nhà thờ ra nghĩa trang Mả Sặt. Cậu bé Đốc Gàn ở trong đoàn cầm cờ tang dẫn đầu đoàn rước. Nhiệm vụ cầm cờ này Đốc làm thay cho người cha đi vắng, vì theo cấp bậc trong làng, cha của Đốc Gàn được chỉ định vào "chức" cầm cờ trong các buổi đình đám, lễ hội.

Ngay sau đám táng cô Tin, cha Kiên cho triệu tập tất cả các thanh niên, thiếu nữ trong họ lại để lập Đoàn Cứu Đói, Đoàn An Ninh và Đoàn Tobia. Đoàn Cứu Đói có nhiệm vụ nấu cơm cháo và phát chẩn cho người ăn xin. Đoàn An Ninh có nhiệm vụ canh gác ngày đêm khu vực họ đạo, không cho người ăn xin đến gõ cửa từng nhà, để tránh tình trạng người chết nằm la liệt ở khắp các hang cùng ngõ hẻm, gây sợ hãi và bệnh tật cho mọi người. Còn Đoàn Tobia lo việc chôn cất những người chết trong ngày.

Theo lệnh cha xứ, từ nay tất cả thóc gạo, đồ ăn thức uống, quần áo cứu đói phải được tập trung ở cuối nhà thờ để Đoàn Cứu Đói và Đoàn An Ninh quản thủ và cấp phát.

Tối hôm đó, ông bà Trùm Hương được Đoàn An Ninh hộ tống đưa về nhà. Nhìn cảnh tượng nhà tan cửa nát, đồ đạc bị lục lọi, mất mát thì dù có đạo đức cách mấy cũng phải đau lòng xót ruột và buồn chán. Duy chỉ có mình ông Trùm vẫn giữ được bình tĩnh, tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa an bài. Khi thấy mọi người khóc lóc, rầu rĩ, ông trấn an:

- Thánh Gióp ngày xưa giầu có biết bao nhiêu, con cháu đầy đàn, vậy mà chỉ trong khoảnh khắc, ông mất hết tiền của, con cháu và bạn bè, phải nằm trên đống tro ở chuồng heo. Kinh Thánh viết rằng Chúa đã khen ông Gióp là người đơn sơ ngay thẳng, kính sợ Chúa, xa lánh tội. Chúa cũng khen ông là người có một không hai trong loài người. Còn mình đau khổ có thấm tháp gì so với ông Gióp!

Đêm đó, Đoàn An Ninh còn lôi được thêm mười xác chết ở vườn sau nhà ông Trùm ngay gốc mấy cây chuối đã bị đào tróc rễ.

Thực ra, trong xóm đạo còn có một gia đình cũng giầu không kém gì ông bà Trùm Hương. Đó là ông bà Giáo Hiệt. Dân làng gọi ông là "Giáo", vì có thời ông mở lớp dạy học chữ quốc ngữ. Tuy hồi thiếu thời, ông được cha mẹ gửi lên tỉnh Thái Bình học, nhưng chưa đậu được bằng cấp gì thì cha mẹ đã gọi về để coi sóc thợ thuyền, vì ông là con một trong gia đình. Ông tổ chức lớp học gồm cả trai lẫn gái, nên bị các bà lời ra tiếng vào, rồi đi tới chỗ tẩy chay. Theo các bà, con gái không cần biết chữ, biết chữ chỉ để viết thư cho trai thôi, chứ chẳng được tích sự gì. Vì thế ông Giáo Hiệt bất mãn dẹp lớp học luôn.

Ông bà Giáo Hiệt có tới sáu người con. Vốn ảnh hưởng nếp sống phóng khoáng ngoài tỉnh thành, ông thích bàn chuyện chính trị và thường giao tiếp với lãnh tụ nhiều đảng phái. Ông đặt tên các con cũng theo tinh thần yêu nước. Bà Giáo Hiệt mắn đẻ, cứ năm một, bà cho ra đời một đứa con trai. Ông đặt tên bốn đứa con trai là : Độc, Lập, Tự, Do.

Sau đứa con thứ tư, ông Giáo cảnh giác vợ:

- Thôi, nghe bà! Bốn thằng con trai là quá đủ rồi. Đẻ thêm một thằng nữa, hóa ra ngũ quỷ đấy nhá! Bà ráng đẻ cho tôi hai đứa con gái nữa thì tôi sẽ đặt tên cho nó là Hạnh và Phúc. Độc, Lập, Tự, Do, Hạnh, Phúc.  Quá đẹp!

Quả nhiên ba năm sau, bà Giáo cho ra đời đứa con gái. Nó mang tên Phạm thị Ngọc Hạnh.

Nếu nói rằng ông bà Giáo Hiệt giầu có mà keo kiệt thì không đúng, vì ông cũng rộng rãi tham gia công việc bác ái trong họ đạo, nhưng rất kín đáo và có tính toán. Ông thường nói rằng:

- Chúa dạy ta khi làm việc bác ái thì phải kín đáo. Làm phúc bằng tay phải thì đừng cho tay trái biết.

Vì vậy, ông Giáo Hiệt thường công đức qua ngả nhà thờ, nghĩa là ông giúp đỡ ai cũng đều qua cha xứ. Điển hình là trong vụ cứu đói này, nhà ông bà chỉ cách sân bên hông nhà thờ có một cái ao. Chờ lúc vắng người, ông cho gia nhân gồng gánh gạo và muối vòng theo con đường nhỏ sát bờ ao sang nhà thờ, giao cho cha xứ. Còn cổng nhà ông thì cửa đóng then cài ngày đêm. Có ai đến xin ăn thì người nhà bảo lên nhà thờ và quả thực tại đây họ được phát đồ ăn.

Từ khi xảy ra vụ lộn xộn cướp phá nhà ông Trùm Hương, ông Giáo Hiệt còn rộng tay bố thí hơn nữa. Ông bí mật liên lạc với các đảng phái, nhất là cán bộ Việt Minh, đưa tiền cho họ mua gạo và giao tận nhà cho ông. Cái khôn ngoan của ông Giáo Hiệt là ông không công khai xây kho lúa hay kho gạo cho mọi người trông thấy, vì biết rằng để của nổi trong nhà lúc này là rước họa về nhà. Khi nạn đói vừa xảy ra, ông cho bí mật đào hầm chứa gạo ngay dưới sàn nhà bếp. Chỉ có các gia nhân thân tín và chính các con ông đào chiếc hầm  này. Còn lý do ông bỏ tiền mua gạo của các đảng phái, vì lúc đó đang có phong trào "Đánh Pháp - Đuổi Nhật", nên đảng nào cũng phải hoạt động mạnh để lôi kéo lòng dân. Nhiều chuyến xe chở gạo cứu trợ của chính phủ từ Nam ra Bắc bị các đảng phái phục kích lấy hết, nên họ thừa gạo nuôi đảng viên, lại còn dư đem bán. Thêm nữa, chỉ có các đảng phái võ trang chở gạo thì mới không bị dân chúng chặn xe ăn cướp mà thôi.

Tuy nhiên, bà giáo Hiệt không thích kiểu sống bác ái kín đáo như thế này. Có nhiều khi bà bị người trong xứ mắng khéo để lọt đến tai bà:

- Giàu có mà keo kiệt thì phải nói đến ông bà Giáo Hiệt. Dân chúng chết đói la liệt ngoài đường mà ông bà ấy cứ bình chân như vại, chẳng cho ai một bát cơm, chén cháo!

Họ có biết đâu là ông bà cũng làm phúc bố thí cũng chẳng kém gì ông bà Trùm Hương, nhưng mọi việc đều diễn ra một cách rất âm thầm. Thỉnh thoảng cha xứ Kiên lên tòa giảng cám ơn ông bà Trùm Hương về tấm gương bác ái. Còn tên tuổi ông bà Giáo Hiệt thì chẳng bao giờ được cha nhắc tới. Nhưng bà Giáo Hiệt đâu có biết là chính chồng bà đã năn nỉ xin cha đừng bao giờ nhắc đến tên ông giữa đám đông người. Nhiều lúc bà Giáo Hiệt còn ra mặt giận dữ trách chồng:

- Đức bác ái của ông sao mà nhút nhát quá vậy! Chúa nói đèn thì phải để trên cao soi sáng cho thiên hạ biết lối mà đi. Còn đèn của ông sáng mà lại bỏ xuống hầm kín. Mình làm việc nhân việc nghĩa, chứ có ăn gian nói dối gì mà cứ phải giấu giấu, đút đút.

Ngược lại, bà Trùm Hương thì phải chịu quá nhiều cực khổ do tấm lòng bác ái, nhất là sau vụ con bà - cô Tin - bị chết thảm thương. Mỗi lần nhớ thương con, bà quay sang cằn nhằn ông Trùm:

- Tôi thấy ông giữ đạo và làm việc bác ái mà không có sự khôn ngoan. Chúa dạy phải khôn ngoan như con rắn và hiền lành như chim bồ câu. Cứ xem gia đình nhà ông Giáo Hiệt ấy. Người ta cũng làm phúc bố thí, mà khôn ngoan, nên gia đình bình yên, con cái đỡ cực nhọc. Đàng này nhà mình lúc nào cũng như cái chợ ấy. Có lúc ốm đau nằm nghỉ cũng không yên. Nhà cửa thì bị trộm cướp có vũ khí rình rập đêm ngày. Chẳng biết sống chết ra sao.

Nghĩ cho cùng thì đây cũng chỉ là hai cách sống đạo khác nhau, nhưng cùng chung một mục đích: Bác Ái. Có tấm lòng bác ái đã khó, nhưng có khả năng để bố thí lại càng khó hơn. Rồi khi hành xử lòng từ bi bác ái, cũng cả là một vấn đề gian nan. Không phải Trời Phật ân thưởng ngay trong cuộc đời này, mà trái lại có khi còn bị nhiều tai nạn hoặc hàm oan nữa. Cuộc sống của ông bà Trùm Hương và Giáo Hiệt là những trường hợp điển hình.

Tuy vậy, nhiều khi trên đời cũng có những tấm gương hy sinh, bác ái gặp may. Một lần kia đi lễ, Đốc nghe một cặp vợ chồng được cha xứ cho lên toà giảng cổ võ giáo dân đóng góp tài chánh hằng năm cho Giáo Hội. Anh chị chưng diện quần áo bảnh bao, xức thuốc thơm đắt tiền, lượn qua lượn lại trong nhà thờ, khiến ai cũng được hưởng lây mùi thơm. Anh chị khuyên giáo dân nên rộng tay đóng góp cho Giáo Hội qua kinh nghiệm của chính bản thân họ:

- Vợ chồng chúng tôi xin được làm chứng với quý vị điều này: Trước đây gia đình chúng tôi rất là nghèo. Nhưng cứ mỗi lần đóng góp cho nhà thờ một thì Chúa lại thưởng cho chúng tôi mười. Và nhờ vậy ngày nay gia đình chúng tôi trở nên giàu có, ăn ngon mặc đẹp. Con cái đều học hành thành tài và đời sống rất hạnh phúc. Chúa là người cha rất giàu có và rộng lượng. Ngài không thua bất cứ một người cha nào trên thế gian này về lòng rộng rãi.

Đốc đang khấp khởi mừng thầm vì có thêm một động lực mới đóng góp cho chương trình quản lý nhà Chúa. Chợt có tiếng xì xầm phía sau:

- Gớm, chỉ có cái tài lẻo mép. Vợ chồng mở miệng ra là cãi nhau về tiền. Hạnh phúc, giàu có cái khỉ gì? Tiền dâng cho Chúa mà cứ như là tiền cho Chúa vay một ăn lãi mười vậy.