Đói (1) |
Tác Giả: Đốc Gàn Trần An Bài | |||||
Thứ Sáu, 06 Tháng 8 Năm 2010 06:46 | |||||
Nạn Đói Năm Ất Dậu:
Vào một ngày của tháng Ba năm Ất Dậu, 1945, trong căn nhà sàn đất, tường gỗ ba gian, chỉ có hai mẹ con Đốc Gàn ngồi dệt cửi và quay suốt. Cậu bé hỏi: - U ơi! Sao dạo này mỗi ngày u con mình chỉ được ăn một bữa cơm, một bữa cháo thế này? Con đói run, không quay suốt được. Người mẹ trẻ ngồi trên khung cửi tiếp tục dệt vải và thương hại nhìn về phía đứa con năm tuổi đang ngồi quay suốt dưới đất: - Thì gạo lúa sắp hết rồi. Có tiền cũng không mua được. Mình phải ăn dè ăn xẻn, kẻo hết gạo lấy gì mà ăn. Con không thấy người ta chết đói đầy đường đó sao? Nguyên nhân nào đã gây ra nạn đói năm Ất Dậu? Gạo là thức ăn chính của dân chúng Việt Nam nhưng đã biến mất trên thị trường, vì: Thứ nhất, Nhật Bản áp lực Pháp ra lệnh cho nông dân Việt dùng ruộng đất trồng đay, bông vải - thay vì lúa - để phục vụ nhu cầu quốc phòng. Vì thế, trong dân gian, đã có câu ca dao rằng: Ai ơi khổ nhất giồng đay, Thứ nhì, chính phủ Pháp tích trữ một số gạo khổng lồ để nuôi quân, đề phòng nguồn tiếp tế từ Pháp chuyển đến không kịp. Đàng khác, Nhật cũng áp lực Pháp phải cung cấp một số gạo đủ nuôi sống Quân Đoàn 38 trú đóng ở Đông Dương trong sáu tháng. Thứ ba, tất cả các phong trào kháng chiến "Đánh Pháp-Đuổi Nhật" đều lo tích trữ lương thực để nuôi quân. Việt Minh có kho dự trữ lớn nhất. Các lực lượng này đã phục kích các đoàn xe tiếp tế lương thực từ Nam ra Bắc. Thứ tư, không lực của phe Đồng Minh đã oanh tạc phá hủy các hệ thống giao thông để ngăn chặn đường tiến quân của Nhật, khiến việc canh tác ruộng đất bị đình trệ và đường tiếp tế bị cắt đứt. Tầu cười, Tây khoái, Nhật no, Làng Nam Ninh của Đốc Gàn chia ra hai xóm. Xóm trên gồm toàn người theo đạo Công Giáo, sống quây quần chung quanh một ngôi nhà thờ mái ngói, được đặt tên là Họ Đạo Mông Triệu. Xóm dưới gồm những người theo các đạo khác. Trước cửa nhà thờ Mông Triệu có một đài Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chôn 14 bộ hài cốt của người trong làng đã bị vua Minh Mạng xử tử vì không chịu bỏ đạo Công Giáo. Hai ông tổ của Đốc Gàn nằm trong danh sách 14 vị tử đạo này. Trước đài có một ngôi nhà xây gạch đỏ đẹp nhất họ. Đó là nhà ông bà Trùm Hương, nổi tiếng giầu có. Ông nhận chức "Trùm" vì có thời được dân làng bầu làm trưởng khóm. Tuy chức này không chính thức nằm trong hệ thống cai trị nhà nước và cũng không có ghi trong bản hương ước, nhưng vẫn là chức vị được mọi người kính nể. Nhất là cả hai ông bà lại rất đạo đức, các cha xứ đều thương mến. Ông bà có hai con trai và ba con gái. Cô Tin, con gái đầu lòng, 17 tuổi. Cô Cậy, 9 tuổi và cô Mến, gái út, 3 tuổi. Hai cậu con trai, Trần Thái Hòa, 15 tuổi và Trần Công Bình, 13 tuổi. Tất cả năm người con của ông bà Trùm Hương đều ngoan đạo như bố mẹ. Sáng tối đi nhà thờ đọc kinh, xem lễ và công đức rất rộng rãi mỗi khi nhà thờ mở cuộc quyên góp. Ông bà thuê thày giáo từ tỉnh Nam Định về dạy học riêng cho các con. Nạn đói thực sự bắt đầu từ vụ mất mùa năm 1943 và trải dài từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ra đến các tỉnh miền đồng bằng Bắc Việt. Hai tỉnh có số người chết đông nhất là Nam Định và Thái Bình. Theo tài liệu của một người Nhật là ông Yoshizawa Minami thì số người Việt Nam chết trong nạn đói là 2 triệu. (1) Thấm nhuần tinh thần bác ái của đạo Công Giáo, ông Trùm Hương thường nhắc nhở mọi người trong nhà, từ bà Trùm đến các con và kẻ ăn người ở phải thực hành lời Chúa dạy trong Phúc Âm: "Ai cho người đói khát bát cơm, chén nước là cho chính Chúa". Ông còn nhấn mạnh thêm rằng: - Trong ngày tận thế, Chúa chỉ phán xét công tội của con người căn cứ vào các hành vi bác ái họ đã làm khi còn sống mà thôi. Từ khi có nạn đói xảy ra, vào mỗi buổi sáng, cô Tin có bổn phận ra mở cổng, mời những người xin ăn vào cả trong sân. Mọi người trong nhà lớn bé đều theo lệnh ông Trùm Hương ra phát cơm và giúp đỡ những người đau yếu. Có người ăn no quá, nằm lăn ra chết vì "bội thực". Lại có người nhìn thấy chum mắm tôm của ông Trùm để ngoài sân, háu đói thò tay múc rồi húp ừng ực như húp cháo. Người khác đến kho thóc, bốc những nắm thật lớn, rồi nhồi nhét vào miệng nhai nghiến ngấu và nuốt trửng. Một hồi sau, những người này cũng lăn ra chết. Lý do vì mắm tôm chỉ là thứ gia vị, chứa nhiều vi khuẩn độc; còn thóc là hạt gạo chưa lột lớp vỏ nên rất sắc và nhám, khi nuốt những thứ ấy vào trong dạ dày đang trống rỗng thì chẳng những không giúp ích gì cho cơ thể, mà chỉ làm tan nát dạ dày đang đói, nên tránh sao cho khỏi cái chết! Tin tức về lòng hảo tâm của gia đình ông bà Trùm Hương cứu đói được truyền miệng rất nhanh đến các làng xung quanh. Số người xin ăn đổ về nhà ông càng ngày càng đông. Lúc đầu, ông bà còn ấn định giờ giấc phát cơm và xếp hàng cho có trật tự. Nhưng ngày qua ngày, kho lúa vơi dần nên sau đó ông bà phải phát cháo thay vì cơm. Đến cuối năm 1944, nạn đói tại hai tỉnh Nam Định và Thái Bình trở nên hãi hùng, nhất là vào khoảng giữa tháng 10 đến tháng 11 lại xảy ra một trận lũ lụt. Nhà cửa, đồng ruộng, vườn tược bị nước tàn phá hết. Các phương tiện lưu thông tiếp tế bị tắc nghẽn. Khắp hang cùng ngõ hẻm, từ thành thị đến thôn quê, xác người da bọc xương trần truồng nằm chết la liệt. Người sống phải lấy quần áo người chết để che ấm cho mình. Không còn một thứ rễ, củ hay hoa lá, sâu bọ nào có thể nhai được mà người ta bỏ sót. Có nơi người ta đã bắt đầu ăn thịt người chết để chống đói. Mỗi buổi sáng, các phương tiện chuyên chở được trưng dụng để đem hàng đống xác chết đi chôn ở các hố đào vội vàng và phủ lấp qua loa một lớp đất mỏng. Các nhân chứng kể rằng trong đống xác chết vất xuống hố, có cả những người còn đang hấp hối. Họ thều thào khẩn nài: "Đừng chôn sống tôi! Hãy để tôi chết đã rồi hãy chôn!" Mùi hôi thối nồng nặc bay khắp nơi và tại một số vùng đã bắt đầu có bệnh dịch. Ngay tại ngã ba quốc lộ 1 và con đường lớn dẫn vào Họ Đạo Mông Triệu có một cây đa rất lớn. Các cụ trong làng cho biết nó đã có từ trên 100 năm qua. Các nhánh cây rủ xuống đất theo đường hàng ngang, tạo nên một bức tường dài khoảng 5, 6 thước. Nhờ bóng mát cây đa mà ngã ba này trở thành điểm dừng chân của các chuyến xe đò và khách bộ hành. Những người bưng thúng bán mẹt tụ tập tại đây thành một cái chợ di động. Họ bán nước, trầu cau, thuốc lào, thuốc vấn... Phía sau cây đa trở thành một nhà vệ sinh công cộng lộ thiên cho khách phương xa. Nguời ta gọi đây là Cây Đa Hẹn Hò, vì tương truyền rằng từ thời xa xưa, có một đôi trai gái dùng gốc cây đa này làm nơi hò hẹn. Nàng là con nhà giàu có trong làng, có tài thổi sáo. Chàng là con nhà nghèo, nhưng có tài làm thơ và ngâm thơ. Hai bên thương yêu nhau, nhưng cha mẹ nàng phản đối kịch liệt vì không "môn đăng hộ đối". Vì thế, mỗi đêm chàng và nàng thường hẹn hò nhau ra gốc cây đa này. Nàng thổi sáo, chàng ngâm thơ. Họ than thân trách phận cho cuộc tình dang dở bằng những bài thơ sầu muộn ngâm vang hòa lẫn tiếng sáo thật não nề. Vào một đêm mưa bão, hai bên đang tình tự với nhau thì một tiếng sét kinh hoàng xé đôi cây đa và chặt đứt hai thân thể của đôi tình nhân đang ôm nhau ân ái. Từ đó, mỗi đêm dân làng nhìn thấy hai bóng người mặc áo trắng xóa phủ từ đầu xuống chân bay lượn quanh cây đa và có tiếng sáo văng vẳng đâu đây. Ban ngày, người ta tụ tập đông đúc buôn bán, nhưng khi mặt trời lặn là mọi người vội vã rời khỏi nơi này, nhất là những đêm mưa. Kể từ khi có nạn đói, ngày nào cũng có người chết ở gốc cây đa này. Vì thế, mỗi đêm người ta nhìn thấy rất nhiều bóng ma áo trắng lảng vảng ở đây. Vào một buổi chiều kia, có một cặp vợ chồng với một đứa con nhỏ miệng luôn ngậm vú mẹ dừng chân tại gốc Cây Đa Hẹn Hò này. Cậu bé Đốc Gàn tò mò đến gần. Bất chợt, người chồng đưa hai cánh tay gầy guộc ra vồ lấy cậu. Nhanh như chớp, ông ta thọc hai bàn tay vào túi cậu. Nhưng trong túi chẳng có gì cả. Theo phản ứng tự nhiên, cậu bé vùng mạnh và la: - Buông tôi ra! Buông tôi ra! Người đàn ông té bò ra đất. Ông thều thào: - Em có gì ăn không? Anh chị đói quá! Cậu bé Đốc Gàn vừa tức vừa sợ, nhưng khi nhìn thấy đứa bé đang ngậm vú mẹ, cậu mủi lòng, nghĩ đến thân phận mình. Đã từ lâu, cậu muốn có đứa em để chơi chung. Có lần cậu hỏi mẹ: "U ơi, bao giờ u có em bé?" Mẹ đỏ mặt ấp úng trả lời bâng quơ: "Thì làm sao mà biết được. Con chỉ hỏi vớ vẩn thôi!" Cậu đưa tay trấn an người cha của đứa bé: - Ông chờ tôi về lấy đồ ăn nhá! Nói rồi, cậu ta chạy nhanh về nhà, vào bếp lấy hết hai củ khoai lang để trong rổ và chạy vội ra gốc cây đa. Tới nơi, cậu thấy người chồng nằm ngửa, không động đậy, còn người vợ nằm nghiêng, ôm đứa con nằm co quắp, miệng vẫn còn ngậm vú mẹ. Cậu bé đến gần nói lớn: - Tôi mang khoai ra cho anh chị đây! Tỉnh dậy mà ăn! Cậu chỉ gọi vậy thôi, chứ không dám đụng vào người họ. Ba thân xác vẫn nằm bất động. Một người lạ vừa chống gậy đi tới, nói với cậu: - Họ chết rồi! Gọi làm gì nữa! Nói chưa dứt lời, người này giựt luôn một củ khoai trong tay cậu. Chẳng may, củ khoai rớt xuống đất, bẹp dị, dính đầy cát. Người này sợ cậu lấy lại, liền nằm xoài ra đất, vồ lấy củ khoai bẩn thỉu ấy, nhét nhanh vào miệng. Đốc Gàn thấy vậy, ôn tồn: - Đây, tôi cho ông củ khoai này luôn! Rồi cậu bé Đốc Gàn buồn bã, lững thững trở về, đem theo hình ảnh đứa bé nằm chết bên cạnh mẹ cha. Người Hà Nội kể rằng có một điều kỳ lạ là đang khi nạn đói xảy ra như vậy thì lại có nạn dịch chuột cống. Hằng hà sa số những con chuột cống to bằng con mèo từ lỗ cống chui lên, thản nhiên bò trên đường phố, không biết sợ người, lại còn trố mắt trừng trừng nhìn người đi qua. Các tổ chức thiện nguyện đang vất vả chôn cất người chết, lại phải lo bẫy chuột và chôn chuột để tránh dịch hạch. Những xác chết trên đường thì còn được mang đi chôn, còn những xác ở giữa đồng hay bờ rào, bụi tre thì cứ nằm chết thối rữa ra. Vì thế, đến vụ mùa năm sau, tức năm 1946, đồng ruộng tươi tốt, được mùa lạ thường. Người ta giải thích là nhờ xác người trở thành phân bón nên mùa màng mới trù phú như vậy. CHÚ THÍCH: (1) Tài liệu "Chiến Tranh Châu Á Trong Tiềm Thức Của Chúng Ta". Bản dịch của Ngô Thế Vinh, trích dẫn trong bài "Từ Ất Dậu 1945, 60 năm đi tới cây cầu Cần Thơ 2005", đăng trên tạp chí Hợp Lưu, California, số 51, tháng 2 & 3 năm 2000, tr. 170-171
|