Cảnh Sát, Bạn Dân |
Tác Giả: Đặng Xuân Hường | |||
Thứ Tư, 08 Tháng 10 Năm 2008 12:19 | |||
Hình như bất cứ ai khi thấy cảnh-sát thì thường có tâm trạng hơi sờ sợ. Nhất là di dân Việt-Nam như tôi, với ấn-tượng công-an hành xử ở quê nhà, lại thêm chẳng hiểu tiếng Anh thật rành rẽ, nên thấy cảnh-sát là tự nhiên dè chừng! Đang lái xe trên freeway mà thấy bóng xe cảnh-sát là giảm ngay tốc-độ! Nghe còi hụ xe cảnh sát là lật đật tấp vào lề! Một lần nọ, đọc bản tin ở một nhật-báo, có vụ một người tâm thần không bình thường cầm súng bắn loạn xạ, khiến nhiều người bị thương. Một nữ cảnh sát vừa dìu một người bị thương rời khỏi tầm súng, vừa quay lưng lại chắn đạn cho người đó. Thật là một hình ảnh quá sức hào hùng đẹp đẽ của người cảnh sát Mỹ! Trước đây, khi vụ khủng bố New York xảy ra, cũng đã có rất nhiều người vì nhiệm vụ, vì tình nguyện đã xông vào vùng đất chết để cứu người mắc nạn, và không ít người đã mất mạng. Thật là những tấm gương anh hùng, dù là tình nguyện hay vì nhiệm vụ, họ đã quên mình để cứu người! Tôi đến Mỹ, ở ngay trung tâm Thành-phố Los Angeles, không có nhiều người bà con thân quen, nên buổi đầu cứ mò mẫm từ chuyện tìm việc làm kiếm chút tiền mặt, đến chuyện tìm phương tiện đi lại. Và cũng một vài lần "đụng đầu" với cảnh sát! Một vài tháng đầu, còn liên lạc với Hội U.S.C.C., được cho một xấp vé để đi taxi, khi cần đi bác sĩ, đi khám răng cứ gọi taxi đến tận nhà rước đi, rồi trả bằng vé đó. Sau một thời gian thì bắt đầu làm quen với xe bus. Xe bus ở Los Angels thì đường ngang dọc gì cũng có chạy, và đó chính là phương tiện giúp tôi nhiều nhất trong năm đầu tiên tới Mỹ. Cứ viết địa chỉ nơi muốn đến, lên xe hỏi tài xế, họ đã tận tình chỉ dẫn, còn nhắc cho biết sắp tới nơi phải xuống để đổi tuyến xe. Vợ chồng tôi đi tới hãng may bằng xe bus gần cả năm. Xe bus ngừng ngay một trạm xe điện, nhưng tôi chẳng biết phải đi lên xe điện ra sao cả. Tuyến xe bus tôi xuống đi bộ tới hãng may cũng khá xa, trong khi tôi thấy một trạm xe điện rất gần chỗ làm. Thế rồi một hôm, tôi nói vợ tôi: - Mình thử qua xe điện đi coi sao, cái trạm xe điện gần nơi shop may mà! Vừa xuống xe bus, lật đật qua đường bước lên trạm xe điện, thì có ngay một chiếc xe điện vừa trờ tới. Thấy mọi người hối hả bước lên, tôi cùng vợ theo bước lên, vì nhiều lần chờ xe bus, tôi biết xe điện không chờ lâu. Tôi cứ tưởng như xe bus, lên xe rồi tìm chỗ trả tiền, nhưng không thấy ai trả cả. Vợ tôi nói: - Chắc là phải lên đầu toa. Tôi lấn bước lên, cũng không thấy hộp trả tiền như xe bus, cũng không thấy người thâu tiền ở đâu. Toa xe này lại là toa thứ ba. Tôi nói: - Kiểu này ai cũng đi không trả tiền thì xe điện làm sao nhỉ? Tới một trạm nữa, cũng thấy người ta lật đật lên, cũng chẳng ai trả tiền. Đang đưa mắt tìm chỗ trả tiền thì một nhân viên cảnh- sát (hay là nhân viên an- ninh của hãng xe điện?) đi soát vé. Tôi thấy mọi người ai cũng đưa vé ra cả. Tới chỗ vợ chồng tôi, tôi đưa tiền ra trả. Ông ta lắc đầu, hỏi tôi: - Anh muốn đi tới đâu? Mới tới Mỹ mấy tháng, nghe tiếng Anh chữ được chữ mất. Tôi cũng ấp úng trả lời đại khái là tôi mới tới Mỹ mấy tháng, lần đầu tiên đi xe điện mà không biết trả tiền ở đâu, và bây giờ tôi muốn tới góc đường Washington và Avalon. Ông ta giải thích cho tôi biết là đi xe điện thì mua vé ở ngay trạm, chứ không phải như xe bus, lên xe mới trả tiền. Vừa lúc đó, xe điện lại ngừng ở trạm, viên cảnh- sát vẫy tôi xuống, vợ chồng tôi lo lắng nhìn nhau, dại dột chưa biết gì về xe điện lại mò lên cho rắc rối. Xuống trạm, ông ta đưa tôi đến ngay chỗ bán vé, chỉ cho tôi thấy một cái tủ sắt nhỏ, nút bấm lung tung, hoá ra là máy bán vé tự động. Ông ta chỉ cách bỏ tiền vào mua vé, và dùng vé đó đi tận nơi trạm nào mình xuống. Rồi ông ta hỏi đã tới trạm mình tính xuống chưa. Tôi nhìn quanh thấy chưa tới khu vực shop may, nên lắc đầu, ông ta nói tôi lấy tiền đang cầm trong tay bỏ vào máy mua hai vé. Tôi làm theo. Rồi xe điện tới, ông ta bảo tôi lên đi tiếp. Tôi cám ơn mà cảm thấy nhẹ nhàng làm sao! Cứ tưởng là sẽ có rắc rối gì chứ! Vợ tôi khen: - Cảnh sát ở Mỹ đàng hoàng thật! Nếu ở Việt- Nam thì coi như mất mấy tô phở rồi! Từ đó, đi làm hai vợ chồng đi xe bus rồi chuyển qua đi xe điện tới hãng may, vừa nhanh vừa rộng rãi, thoải mái. Từ chỗ làm đi ra trạm xe điện chừng mười phút, cũng chẳng xa gì so với thường ngày đi bộ ở Việt- Nam lúc trước. Một hôm, vì hãng nhiều đồ ở lại làm thêm về hơi trễ. Tôi và vợ lật đật đi ra trạm xe điện, vừa đến đầu đường đối diện với với trạm thì thấy xe điện từ đàng xa đang chạy tới. Lúc đó, đã chừng tám giờ tối, thấy đường vắng xe, sợ trễ tôi bảo vợ: - Thôi đừng mất công đi tới chỗ đèn đỏ nữa, đi tắt ngang đường vậy cho nhanh kẻo trễ chuyến, phải chờ cả nửa giờ nữa mới có. Thế rồi cả hai băng ngang đường qua trạm xe điện, mua vé xong lên xe vừa kịp. Đang mừng thầm, kịp chuyến để về nhà cho sớm, thì một ông cảnh sát chẳng biết ở đâu, lên xe điện lúc nào tiến tới chỗ hai vợ chồng tôi ngồi. Ông ta ra hiệu tôi và vợ đứng lên. Tôi nghĩ là lại kiểm soát vé, nên yên chí rút hai cái vé ra cho ông ta xem. Xem xong ông ta trả lại, hỏi tên, ở đâu xa, đi đâu vậy?...Rồi ông ta nói: - Trước khi lên xe điện, hai người đã băng qua đường lên trạm ở chỗ không có đèn đỏ! Phải đi ngay lối dành cho người đi bộ, ở chỗ đó có đèn báo. Cha mẹ ơi! Có lẽ tôi tái mặt! Ông ta ở đâu mà thấy rõ vậy? Tôi cứ nghĩ là trời tối, vắng người nên "chạy đại vậy", nào ngờ có người thấy, mà lại là cảnh sát nữa chứ! Tôi ấp úng: - Dạ thưa, vì đi làm về hơi trễ, vợ tôi về còn nấu cơm cho mấy đứa nhỏ nữa nên "a little hurry!" Ông ta lắc đầu giải thích: - Rất nguy hiểm, con đường này rất nhiều xe, có thể xảy ra tai nạn. Đừng bao giờ băng qua như thế nữa! Ông ta nói lần tới nếu bị bắt gặp là sẽ "get a ticket"! Có lẽ qua câu chuyện thì ông ta biết chúng tôi mới tới Mỹ, chứ nếu không thì có lẽ phải nộp "tiền ngu" rồi! Trước khi quay đi, ông ta mỉm cười và nói "take care"! Vợ tôi lại thêm một lần khen: - Làm sao mà cảnh sát ở đây đàng hoàng vậy nhỉ? Chẳng bù với bên mình! Đó là bài học thứ hai mà tôi nhớ mãi. Thế rồi sau hơn một năm, vợ chồng dành dụm mua được một chiếc xe cũ để vừa đi làm, đi chợ vừa chở vợ con đi chơi đây đó. Có chiếc xe thì lại thêm tốn kém cho nó, nhưng ở Mỹ mà không lái xe, không có xe thì thật là bất tiện, có người đã nói "như cụt cẳng vậy!". Mặc dù có xe bus, xe điện, nhưng nếu mình làm chủ cái xe, thì bất cứ lúc nào mình cũng có thể lên xe đến nơi mình muốn. Có xe, hứng chí, một lần kia người bạn cũ từ trại tỵ nạn mới qua Mỹ, cô ta ở Pomona vừa sinh baby được hơn tháng, nhờ xuống chở đi lo thủ tục giấy tờ xin trợ cấp. Đồng cảnh ngộ, hai vợ chồng tôi hăng hái lên đường vừa "làm việc thiện nguyện!" vừa nhân dịp thăm người gia đình bạn. Tới nhà người bạn, đậu xe sát lề đường trước nhà, cũng lâu mới gặp nhau, lại là lúc người bạn có baby, chuyện trò vui vẻ chừng nửa giờ rồi cả đám mới ra xe đi. Vừa ra xe thấy một tấm giấy kẹp trước kiếng, tôi gỡ ra xem thì "chao ôi! "Giấy phạt, đậu xe vào lề đường buổi sáng trong giờ quét đường!” Vợ tôi miệng méo xệch: - Vậy là mất mấy chục tiền phạt rồi! Vợ chồng người bạn mới qua Mỹ, chưa có xe nên chẳng biết: - Em cũng chẳng bao giờ biết là đậu xe trước nhà thì bị phạt, thấy ở đây ngày nào họ cũng đậu xe bên lề, vậy mai mốt có xe rồi đậu vào đâu? Tôi rán vui vẻ giải thích là mỗi tuần chỉ có một ngày, ngày đó cũng chỉ có vài giờ. Hôm nay bị phạt là vì từ Los Angeles xuống đây, mừng húm lâu ngày gặp bạn cũ, chẳng ngó trước ngó sau gì cả, thấy cả một khúc đường trống còn cho là "lucky" khỏi phải tìm chỗ đậu xe! Vợ chồng người bạn vào office để lo các thủ tục. Chừng hơn tiếng thì xong xuôi. Bồng con hí hửng bước ra: - Cũng dễ dàng lắm anh chị ạ! Có lẽ thấy baby nên Worker vui vẻ lắm! Giữa trưa, trời nắng cả đám lên xe, ai cũng mong mau về nhà. Đường cũng chẳng xa xôi lắm, nhưng lên Freeway cho lẹ, vừa lên entrance, theo lối carpool chạy qua bảng stop thì đã thấy lù lù đàng trước một xe Cảnh- sát, tôi giật mình linh tính là lại "nộp tiền ngu" nữa! Cảnh sát bám ngay sau xe tôi ngay khi tốc độ lên nhập lane chỉ chừng 30 m/h. Nép xe vào lề, tôi lấy ID cho cảnh sát xem. Ông ta giải thích tôi bị ticket vì vượt đèn đỏ lúc lên freeway. Tôi trả lời: - Tôi lên theo lối carpool! - Đúng! Nhưng anh có xem rõ không? Từ 12g trưa đến 2 giờ chiều dù là carpool cũng phải stop! Tôi cười mếu gãi đầu. Ông Cảnh- sát nhìn vào xe, thấy vợ chồng cô bạn ngồi sau, baby đang trên tay cô bạn. Ông ta hỏi: - Sao không để baby vào carseat? Tôi quay lại nhìn, lúc đó mới biết cô bạn ẵm con trên tay, còn carseat để không, vì nhà cũng có con nít, nên carseat luôn nằm đó. Chứ cũng có nhớ mà nhắc đâu, còn vợ chồng cô bạn thì cũng chẳng biết là lên xe có con nít thì phải để vào ghế riêng nai nịt đàng hoàng. Thế là ông Cảnh- sát "trúng mánh", một stop hai ticket. Cầm giấy phạt trên tay. Tôi cũng gượng cười mà nói: - Thôi thì chịu phạt vậy, để có tiền Chính phủ họ xây đường cho mà chạy! Anh bạn cũng thấy phiền cho tôi, từ xa xuống đây, bị một lúc mấy cái phạt, nhất là cái giấy phạt vượt stop, để baby trên tay, anh đề nghị: - Anh chị thông cảm rồi tụi em đưa lại cho anh chị để nộp phạt! Tôi thấy cũng có lý, bèn nói: - Vậy thì mình trả cái phần vượt stop! Còn phần để baby ngoài carseat thì hai người lo nhé! Để cho nhớ sau này có xe mà tránh bị phạt! Mặc dù bị hai ticket, nhưng chuyến thăm viếng giúp người bạn cũng vẫn vui vẻ cho đến chiều. Vợ chồng tôi ra về với hai tấm giấy phạt đầu tiên từ ngày lái xe. Nhưng cũng an ủi vì chắc chắn tiền phạt phải mua money order gởi đi sẽ tới tận kho bạc Chính- phủ, chứ như không bên nhà, "tiền trao cháo múc", trả tiền tại chỗ lấy biên lai ngay, nhưng có chắc là tiền đó vô túi ai hay tới đâu? Vợ tôi tiếc tiền than thở: - Làm cả tuần mới đủ tiền phạt! Phạt nặng quá vậy ai mà chịu cho nổi! - Vậy mới nhớ chứ! Phạt nhẹ như bên nhà mình thì cứ bị phạt lai rai hoài! Vì chẳng bao nhiêu, rồi cứ "ngựa quen đường cũ"! Tôi góp ý. Quả thực tiền phạt nặng thiệt! Tổng cộng số tiền phải phạt lần đó là cả nửa tháng đi làm chứ chẳng chơi! Dù vậy, khi tôi xin ông "bớt giùm" ông Cảnh- sát có nói là: - Anh nên ra toà xin giảm bớt, toà sẽ quyết định. Vậy ra bên Mỹ này cả một hệ thống làm việc kiểm soát lẫn nhau, muốn "du di" thì có chỗ khác giải quyết. Chẳng phải như bên nhà mình, Công an "vừa là công tố, vừa là quan toà!", giải quyết tại chỗ tuốt luốt! "Nhẹ gánh cho dân, mà nặng túi cho quí ngài!" Đó là bài học thứ ba, rất "dễ nhớ" từ Cảnh sát! Chiếc xe cũ tôi chạy được vài năm, thì một hôm trên đường đi làm, đang dừng trước đèn đỏ chuẩn bị quẹo phải thì tự nhiên cà nấc lên mấy tiếng rồi "ngưng thở", tôi đề đi đề lại mấy lần mà cứ nghe tiếng xành xạch, chứ nhất định không nổ lên. Đàng sau, mấy chiếc xe sốt ruột bóp kèn inh ỏi. Tôi cũng lúng túng chẳng biết làm sao? Bật đèn chớp lên cho họ biết là "hết nước rồi!" Tiến không được, lùi cũng không xong! Chỉ mấy phút sau, một xe Cảnh sát chạy tới. Một ông ngó qua cửa hỏi: - Chuyện gì vậy? - Tôi cũng không biết! Chạy tới đây rồi xe chết máy nằm lại vậy! Ông ta nói tôi thử đề máy xem sao. Tôi thử cho ông Cảnh sát thấy. Ông ta bảo tôi: - Cứ ngồi trên xe, tụi tôi sẽ đẩy cho. Anh lái xe quẹo phải tấp vào lề bên kia, rồi kêu thợ coi lại! Nói rồi hai ông Cảnh sát hì hục đẩy xe tôi quẹo qua khỏi ngã tư tấp vào lề. Đậu xe xong, tôi chưa kịp xuống xe, thì họ đã lên xe chạy qua xe tôi, ngừng lại mỉm cười: - Good luck! Rồi lái xe đi thẳng! Thật là từ ngày qua Mỹ, đây là lần đầu tiên tôi có cảm xúc thật nhiều với Cảnh sát. Họ thi hành bổn phận đúng với chức năng của họ, bị phạt năn nỉ cũng vô ích, lỡ đường chẳng yêu cầu họ cũng giúp. Cả nửa đời người sống ở Việt- Nam chưa bao giờ có cảm xúc đó với Công An, mà lẽ ra phải cảm xúc gấp bội, vì Công an được mệnh danh là "đầy tớ nhân dân!", so với Cảnh- sát ở Mỹ chỉ là "bạn dân!" Tất nhiên chẳng có xã hội nào hoàn hảo cả, cũng như Cảnh sát chẳng phải hết thảy họ đều thực sự là "bạn dân", nhưng ít ra ở nước Mỹ, công lý được thực thi tương đối công bình. Những vụ cảnh sát hành hung người phạm luật bị xé to ra làm lớn chuyện, chẳng qua là vì Công lý bênh vực người dân, và cũng vì áp lực của người dân. Đã nhiều lần có Cảnh sát hy sinh mạng sống trong lúc thi hành công vụ, nhưng đã mấy lần có hàng ngàn người đưa tiễn. Trong khi một tên vô danh tiểu tốt, cứng đầu cứng cổ nào đó, lỡ bị Cảnh- sát "tức qúa hoá giận" làm cho vài cú, sau đó có khi hàng ngàn người kéo nhau biểu tình phản đối! Tôi thầm cám ơn nước Mỹ đã cho tôi có cơ hội được sinh sống ở trên nước họ. Một nước dù vẫn có nhiều khuyết điểm trong cơ chế, nhưng so ra vẫn là một trong những nước tôn trọng quyền của người dân nhất trên địa cầu!
|