Tưởng Bình Minh (BBC)
20 tháng 10 hằng năm là ngày Phụ nữ Việt Nam, - nếu diễn đạt theo ngôn ngữ ’đại hội, thành tích đặc trưng xã hội chủ nghĩa ’ -, thì đây là dịp để các đấng mày râu xứ sở hình chữ S tôn vinh những người phụ nữ yêu quý của mình.
Song một cách chân thực, 20 tháng 10 chính là cơ hội thứ hai trong cả một năm trời để đàn ông nước Nam quan tâm đến mẹ, vợ, người yêu hay em gái nhiều hơn các ngày bình thường. Mua quà biếu mẹ, rửa bát cho vợ, tặng hoa cho bạn gái. … là những hành động cụ thể mà ta thường thấy từ những bậc tu mi nam tử.
Nhưng nếu thử nghĩ sâu hơn một chút, thì có thể thấy rằng đàn ông nước Nam mình thật sự chưa làm được gì to tát cho những con cháu tóc đen da vàng của bà Trưng, bà Triệu ngày xưa.
Phụ nữ Việt nghĩ gì về đàn ông nước Nam ?
Có một câu hỏi mà nhiều người Việt luôn băn khoăn, rằng : Tại sao Việt Nam còn nghèo? Kẻ nói tại chiến tranh. Người kêu do cấm vận. Kẻ lại chỉ trích chính sách của những người cầm quyền gặp nhiều sai lầm. Riêng phụ nữ Việt Nam nghĩ gì?
Nhà văn hải ngoại Lê Thị Huệ, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, đã khiến cho một số gã đàn ông xứ Việt còn chưa đứt dân thần kinh xấu hổ không biết giấu mặt đi đâu cho hết thẹn : ’’Để tôi thử làm một việc rất là đàn bà và rất là tào lao nhe.
“Tôi muốn nói điều này với những người đàn ông Việt Nam: Sao các anh để cho Việt Nam tồi tệ đến thế ? Sao các anh không làm điều như đàn ông người các nước đã làm được cho xứ sở họ?
“Họ biến quốc gia họ thành những đất nước hùng mạnh sang đẹp. Các anh là những người tạo thời cuộc, tạo lịch sử, tạo chiến tranh, tạo hoà bình. Các anh có cả một quốc gia trong tay. Họ làm được thì các anh cũng làm được !”
Những suy nghĩ về đàn ông Việt Nam thời nay của nhà văn trong nước Lê Minh Khuê nghe còn buồn bã hơn. Có vẻ như thực tế bao giờ cũng thường buồn bã :” Những người đàn ông thời nay đôi khi làm tôi thất vọng.
“Nhìn ra các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, những người đàn ông ở đấy rõ ràng là chèn lấn phụ nữ trong gia đình nhưng chính họ lại có ý thức rõ ràng về sức mạnh đất nước, về sự vẻ vang của dân tộc mình.
“Còn đàn ông ở ta, tôi rất ngạc nhiên về họ. Khi nhận xây một tòa nhà, một con đường... tại sao không nghĩ phải làm cho đẹp, cho tốt để sánh với tòa nhà hay con đường của đất nước nào đó mà chỉ nghĩ làm thế nào để bỏ túi được một nửa, chí ít là một phần ba. Hầu như ai cũng vậy, không ai có trách nhiệm, có lòng tốt, có ý thức làm cho đất nước mạnh lên, vẻ vang như người”.
Tại sao Việt Nam còn nghèo? Người viết bài này cho rằng, xét theo một phương diện khác, đất nước ta còn nghèo là chính bởi năng lực của đàn ông xứ Việt mình bình thường, đúng hơn là ở mức tầm tầm. Đàn ông xứ ta rất anh hùng, rất cao thượng, sống đẹp, chết đẹp chỉ trong một hoàn cảnh duy nhất : Khi có chiến tranh. Có lẽ trên thế giới ít có dân tộc nào lắm thiên tài quân sự hay anh hùng trên chiến trường như dân tộc Việt Nam ta. Và các cuộc chiến chẳng bao giờ đem lại sự thịnh vượng cho quốc gia, ngoại trừ nước mắt của những người mẹ, người vợ Việt Nam.
Khi hết chiến tranh rồi, đàn ông nước Nam lại trở về với hình ảnh như bao đời.
Có phải hình ảnh bao đời ?
Trước hết, đàn ông nước ta kém sáng tạo. Tư tưởng, học thuật ở nước ta – nếu cứ tạm xem tồn tại – thì cũng ăn nhờ vào việc chép nhờ, nhai lại của Tàu, của Tây. Nếu các cụ xưa từng tự trói mình bằng bó buộc khắt khe Khổng, Mạnh;- thì con cháu các cụ ngày nay lại đang giam mình trong những nguyên tắc giáo điều, kham khổ Mác-Lê.
Những kẻ anh dũng nhất trong chiến tranh lại chính là những người trì trệ nhất trong suy nghĩ. Nhà văn Lê Thị Hoài từng thốt lên :”Trí thức Việt Nam là những dương vật buồn thiu”. Thành thử trên chiến trường, đàn ông Việt Nam mình có thể đánh bại bất cứ kẻ thù nào; song họ lại khó chiến thắng được bản thân, khó thắng nổi những rêu phong, cổ hủ chính ngay trong đầu mình. Dù thuộc làu câu ’Nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân’, song đàn ông Việt lại thiếu mạo hiểm, cốt mong sự bình yên, ổn định và thường thỏa mãn với thực tại hơn là tiến hành những đổi thay để hướng tới các mục đích lớn hơn.
Nếu đàn ông Nhật Bản mạnh về lý trí, thì đàn ông xứ ta lại thiên về tình cảm, cảm tính. Nhưng cảm tính lại thường kéo theo tính thiếu thực tế, khó đổi thay trong từng cá nhân và sự trì trệ về nhận thức của toàn xã hội. Vì thiếu thực tế nên đã có một thời, trong khi chị em phụ nữ Việt Nam đang loay hoay dưới bếp với nồi khoai, nồi sắn thì những người đàn ông của họ đang say sưa với giấc mơ quá độ đi lên XHCN, mặc cho lũ trẻ suy dinh dưỡng đang réo rắt đòi cơm ngay trước hiên nhà.
Và cũng từng có những người đàn ông nước Việt đã thao thao bất tuyệt về việc chống chủ nghĩa cá nhân, song cũng dưới bếp, các bà vợ đang nghiến răng cùng cây kéo để cắt xương gà, bởi nếu dùng thớt, e rằng hàng xóm biết được.
Nhiều người thường nói rằng người Việt Nam thông minh, sáng tạo cần cù. Nhưng nói đến sự cần cù của người Việt Nam mình, tôi thường liên tưởng tới những bác nông dân đang cần mẫn với chú trâu trên đồng ruộng.
Còn thông minh, sáng tạo? Tôi thường thấy các quản đốc ở những doanh nghiệp nước ngoài khen công nhân nước mình như thế. Có bao giờ chúng ta nghe nói các nhà khoa học Việt Nam thông minh, sáng tạo? Có bao giờ người ta nói 6 triệu công chức nhà nước ở ta cần cù mỗi ngày với 8 giờ vàng ngọc?
Lời kết
Nhiều người thường nói về một viễn tượng rồng hổ của nước ta. Từ góc độ văn hóa, con người; tôi thấy điều ấy là quá khó đối với dân Việt mình, mà cụ thể hơn là quá khó đối với đàn ông nước Nam này. Đàn ông Việt Nam lắm kẻ anh hùng trên chiến trường, lắm người thiên tài trong quân sự; song mấy chục năm nay, người ta chưa thấy đâu hình ảnh một nhà kỹ trị đặng đem lại tương lai thịnh vượng cho quốc gia.
Cho dù đàn ông nước mình thường tự hào về tài lý luận sắc sảo, uyên bác, thì tới khi nào chúng ta mới có những cá nhân đủ khả năng trên trường quốc tế, để đảm đương các chức vụ quan trọng cỡ Tổng thư ký LHQ, Chủ tịch WTO như người Miến Điện, người Thái Lan đã từng, hoặc sắp tới là người Nam Hàn ? E rằng chỉ có thể hy vọng. Hy vọng một ngày nào đó - thay vì ưu tư, than phiền của những Lê Thị Huệ, Lê Minh Khuê, Phạm Thị Hoài - phụ nữ Việt Nam có thể một lần tự hào về những đấng mày râu của mình.
|