ÔNG BẢY LẤC |
Tác Giả: DƯ THỊ DIỄM BUỒN (Tuyển tập văn “Hương Cau Quê Mẹ”) | |||
Thứ Ba, 03 Tháng 4 Năm 2012 12:54 | |||
Cơn gió bấc cuối mùa làm cây cối quanh nhà ngả nghiêng xào xạc. Bụi tre gai ngoài vàm rạch cọ vào nhau nghe kọt kẹt.
Nắng trưa chói chang nhưng không hanh và gắt như mùa hè trải trên lá hoa cây cỏ, trên mặt sông nước đã lớn đầy. Nước đầy sông, sóng lăn tăn xô đuổi nhau chạy vào bờ dất bập bùng lách tách. Mấy con chim trả trẹt có bộ lông xanh chen đen óng mượt, đậu trên đám cây bần có cành gie ra mái nước ở mé sông dưới nhà. Bãi sình non do phù sa bồi đắp ở phần đất ông Hai Ngô xanh um đám lục bình mà hoa nở hồng tím cả một vùng. Đó cũng là nơi nương náu tốt của bọn thủy sản như: cá bống các, tép thợ rèn, tôm lóng… Họ bảo rằng bà tư Rỗ vợ của ông Bảy Lấc bên vàm ở cuối làng. Tuổi đã ngoài sáu mươi, bà đã tắt đường kinh từ ba bốn năm trước. Một hôm đi xúc cá về thì chiều tối đêm đó bà bị có kinh trở lại. Hôm sau bà đi xuống bà mụ Tiền ở xóm dưới mua thuốc điều kinh, hoặc nhờ bà mụ bày biểu cho bà làm sao cho nó hết. Chớ già rồi mà còn có kinh, đây rồi dính bầu làng xóm sẽ cười nín thở, cười chết luôn! Bà mụ Tiền đã đở đẻ sanh con cho sản phụ trong thôn xóm và các làng lân cận, nổi tiếng giàu kinh nghiệm. Gặp đứa bé có nhau choàng, những sản phụ có thai ngược cũng không làm khó được bà. Vì bà đã làm cái nghề mụ trên hai mươi năm ở vùng nầy rồi. Sau khi được bà mụ Tiền xem xét bên ngoài, bên trong cho bà Tư Rỗ xong. Bà mụ Tiền châu đôi chân mày liễu, ra chiều nghĩ suy. Bà bảo: - Lạ thiệt! Tôi không thấy gì bịnh hoạn xảy ra từ bên trong chỗ sanh sản của bà, để bà phải có kinh lại. Mùi tanh cũng không phải mùi máu có kinh mà ra? Đâu bà nói cho tôi nghe trước ngày có lại kinh bà đã ăn những thứ gì? Làm gì? Có bị té, bị đánh, hay bị đau đâu ở bên dưới, hoặc chỗ nào ở bụng không? Bà Tư Rổ suy nghĩ một hồi, nỗi lo lắng hiện rõ trên nét mặt. Bà lắc đầu bảo: - Không, tôi cũng ăn cơm cá thường thôi. Cũng không bị té, hay bị đánh, hoặc đau đâu cả. Bụng cũng không thấy gì lạ chỉ hơi en en. Mùa nầy chưa phải mùa cày cấy ruộng nương, đào khoai hay cuốc đất nên tôi cũng không làm việc gì nặng nhọc hết bà à… Bà mụ trầm ngâm nét mặt. Con Thúng đang ngồi kế má nó. Con nhỏ ốm còi cộc đã 13 tuổi mà nhìn vào chừng khoảng 8, 9 tuổi thôi. Không biết má nó đến bà mụ Tiền khám bịnh gì. Nhưng nghe hai người từ trong buồng khám bịnh trở ra hỏi han, nói chuyện với nhau. Ngồi kế bên mẹ, nó vọt miệng nói: - Má à, bộ má quên rồi sao? Bữa đó mình có đi xúc cá ở bên cồn bần. Lúc trở về còn bị mắc mưa. Củi phơi ngoài sân không ai ôm vô ướt hết trọi, nên ba càm ràm củi chụm không cháy đó. Má nhớ chưa? Bà Bảy Lấc liền quay qua bà mụ: - Ờ con nhỏ nầy nhắc tôi mới nhớ. Sáng ngày có kinh trở lại tôi đi xúc cá ở dưới sông cả buổi. Hay tại nước vô nên tôi mới bị như vậy? Bà mụ Tiền lắc đầu kề tai bà Bảy Lấc nói nhỏ một hồi. Rồi bà còn ân cần nói thêm: - Bà nhớ làm y theo lời tui dặn, và về làm ngay kẻo không kịp đó. Trị bịnh còn hơn chữa cháy nghe bà Tư… Bà Bảy Lấc gật đầu với bà mụ lia lịa. Tay vội kéo cái khăn rằn màu mắm ruốc luông luốt trên cổ, bà trùm lên tóc lật đật lôi tay con Thúng hối về nhà cho lẹ. Mặc dù trưa nắng gay gắt, nhưng nhờ có gió lồng lộng và hơi nước sông bốc lên nên dễ chịu. Ông Bảy Lấc đang ngồi chẻ lạc tre cho trường học. Để cuối tuần cùng đám thanh niên và dân trong xóm ra lợp lại mái trường bằng lá đã bị dột, cho trẻ con mùa tới học không bị ướt mưa. Vừa bước qua hàng rào bông bụp lá xanh mượt mà trước nhà. Bờ rào không chăm sóc mà thiệt tốt tươi. Hoa nở quanh năm, nào hoa màu hồng, màu vàng, màu đỏ… nở rộ chen lẫn trong những cành lá. Thấy chồng, bà Tư đi mau hơn, và lại thẳng đến chỗ ông ngồi, khum lưng xuống nhỏ to bên tai. Ông Bảy Lấc buông dao và mấy cọng tre trên tay rơi xuống đất. Mắt ông mở to chưng hửng nhìn vợ! Nhưng không nói không rằng, ông vội đến thúng lúa hốt một vùa đem ra sân. Miệng túc túc rải lúa cho gà ăn. Đám gà háu ăn đang bươi đâu đó chạy đến mổ thóc lia lịa còn kêu la con cót. Con gà trống cồ sừng lông đầu, vươn mỏ vàng mồng đỏ chót, ngổng đầu lên cất tiếng gáy ó o như muốn thị oai với đám gà mái, gà con… Bầy gà mổ thóc vây quanh dưới chân ông bảy Lấc. Bất thần, ông khom lưng tay chụp nhanh con gà giò. Đám gà còn lại sợ hãi con thì chạy, con thì nhảy cỡn lên la oang oác. Con gà bắt được ông Bảy bẻ cổ chết liền. Mấy đứa con thấy cha bắt gà mừng mở cờ trong bụng. Chúng tưởng hôm nay nhà sẽ có cháo và thịt gà xé phai trộn chuối cây xắt ghém rắc rau răm ăn một bữa đã đời. Nhưng không, con gà vừa bắt để nguyên lông lá, ông Bảy cho vào cối đá quết bể hai bể ba máu me tùm lum. Ông trút gà vừa giã vào cái nồi đất. Bà Bảy bưng ra chén giấm để ông tráng cái cối rồi đổ hết vào nồi có gà. Bà đã dùng 3 cục gạch và nhóm lửa làm cái bếp nhỏ trong nhà tắm để nấu nồi gà! Ở thôn quê, người ta thường cất nhà tắm gần mé rạch hay mé mương để xách nước đổ vào lu vào hũ cho gần. Và nhà tắm luôn được cất ở phía sau nhà ở. Bà Bảy đã cụ bị sẵn cái manh đệm, và cái ghế đẩu lớn để nằm ngang (lò lửa lọt lòng trong 4 chân ghế). Nghe lời bà mụ Tiền bày biểu. Bà bảy Lấc không mặc quần lên ngồi lên chân ghế… Nồi giấm gà bên dưới được đốt lửa rêu rêu sôi sùn sụt. Hơi giấm nấu gà bốc lên… Chừng 7, 8 phút sau con đĩa từ bên trong bò ra! Sau đó bà Bảy Lấc hết có đường kinh và khỏe mạnh lại như thường. Trong thôn ai cũng biết ông Bảy Lấc đã gần sáu mươi, lớn hơn bà vợ đâu hai ba tuổi. Ông có dáng người khỏe mạnh, cao lớn, da dẻ hồng hào quốc thước. Ông có khuôn mặt vuông (chữ điền), mũi thẳng, mắt sáng nằm dưới cặp chân mày rậm. Tóc đen lấm tấm trắng mà người ta thường gọi là tóc muối tiêu. Hàm răng ông có lẽ nhờ lúc nào ông cũng dùng vú cau chà lên nên bóng ngời và trắng hếu. Nhưng viền giữa hai cái răng thì bị đen vì khói thuốc ông hút nhiều. Và thỉnh thoảng ông cũng ăn trầu chốc chách, bừa đâu phẹt đó. Đôi khi vợ ông càm ràm đưa lon cho ông nhổ vào… Nhưng rồi bà Bảy cũng không thay đổi được chồng nhổ cổ trầu tùm lum quanh nhà... Ông Bẩy để hàm râu cá chốt. Con nít trong xóm sợ ông lắm, vì khi chúng phá phách gì thì cha mẹ thường hăm he: “ Nói không nghe lời coi chừng ông Bẩy Lấc bắt nhậu rượu đó…” Nhưng thật ra ông Bảy Lấc rất thương trẻ nhỏ, ông thường hái cây vườn chín cho chúng. Đôi khi có dịp đi ra thành thị về ông cũng mua một túi kẹo có cây cầm quấn giấy kiếng trong đủ màu sắc, xanh, đỏ, tím, vàng… Nên khi biết ông ra thành về là chúng kéo nhau chạy theo ông ít nhứt cũng 3, 4 đứa. Vào nhà, chưa kịp thay đồ ông lật đật mở kẹo cho mỗi đứa một cây cho chúng mừng. Kẹo màu cam thì thơm cam, màu bạc hà thơm bạc hà, màu chanh thì thơm chanh… Ông cũng để dành kẹo lâu lâu, lúc nào hứng chí đêm trăng sáng ông trải đệm trước sân nhà kể chuyện đời xưa, chuyện ma cho lũ con ông và mấy đứa trẻ hàng xóm nghe xong thì ông đãi chúng kẹo. Những người già cả trong thôn đều biết ông Bảy Lấc hồi còn để chỏm, bé tí teo cho đến khi ông mặc quần xà lỏn, đầu đội nón đệm tưa vành, chân đất, cái lưng mốc cời. Nhưng chú ruột ông là người biết chuyện về ông rành nhứt. Chú theo vai vế là em của ba ông Bảy. Chớ ông và chú ông hai người cùng tuổi và ông chú sanh nhỏ tháng hơn ông. Chú Út của ông Bảy Lấc thường kể về thằng cháu của mình rằng: - Cái thằng Bảy Lấc là tướng trời sai xuống! Lúc nhỏ nó phá phách không ai bằng. Nhứt là vườn bà Cả Kẹo, trái cây nào ăn được, trái cây nào chín, cây nào ngọt đều bị nó xơi tái trước hết… Nên bả không ưa nó, nhưng những gì nặng nhọc bả đều kêu hú nó giúp. Như là đẩy chiếc xuống mắc cạn, mé dùm mấy nhánh cây, đuổi dùm bò trâu chạy lạc vào đất bả… Làm xong bả cho mấy cắc, nó không lấy mà nói “Tôi không lấy tiền, chỉ làm dùm bà. Nhưng tôi thích ăn nhãn vườn bà…” Bà Cả Kẹo sợ nó sẽ đến cốt (lén hái) hết cây nhãn chín, bả hái bán sẽ nhiều tiền hơn, nên xuống nước nhỏ rồi cho thêm mấy cắc nữa… Mùa đông, tờ mờ sáng sương còn lạnh người ta co ro trong hai ba lớp áo. Nhưng sức trai tráng đâu biết lạnh, nên đời nào nó mặc áo. Với cái lưng trần tấm thớt đình của nó là bàn tiệc thịnh soạn cho đám muỗi và bù mắc (loại muỗi nhỏ như hạt mè đen) cắn. Nó liền lấy cái áo vắt vai phủi lẹp bẹp trên lưng để đuổi chúng đi. Lúc nó đi lính Bạt-Tây-Răng của Tây, thì anh chị Hai tôi còn khỏe mạnh. Mấy năm đầu nó còn gởi thư từ bên Ma-ní hay phương trời xa tí tè về thăm gia đình. Rồi từ đó về sau biệt tích luôn cho đến ngày anh chị tôi lần được qua đời cũng không ai làm sao biết nó ở đâu mà báo tin. Họ hàng tưởng nó đã chết mồ hoang mả lạnh ở xứ nào rồi. Nhưng mấy chục năm sau bất ngờ trở về còn dắt thêm con vợ… Chú Út Tứ của ông Bảy Lấc, nhắc đến đó thì nét mặt tươi vui. Ông ta gật gật đầu, cười cười có vẻ hài lòng lắm. Ông nói tiếp: - Chèn ơi, tôi thấy người Việt Nam và nhứt là người dân quê miền Nam của mình dù có đi năm non bảy núi, năm châu, bốn biển… Khi trở về thì tánh tình họ cũng không đến nỗi nào. Cái bản chất thiên lương, nhân hậu, chân tình, bộc trực… trong lòng họ vẫn còn. Điển hình là thằng Bảy Lấc cháu của tôi đó. Thật vậy, từ ngày ông Bảy Lấc về đây chòm xóm láng giềng thêm vui vẻ sinh động. Ông hô hào thanh niên, đàn ông, đàn bà làm vần công với nhau. Thí dụ như đám ruộng ông Tài, ruộng bắp bà Chỉ, đám mía anh Tân, bờ cỏ nhà chị Tám… Ho hẹn với nhau rồi xúm lại làm chung giúp cho chủ. Sau đó thì tới đám khác sẽ được trả công… Cứ xoay vần như vậy mà dân trong xóm thường có dịp gặp nhau, có dịp làm chung, ăn chung… Và nhứt là giờ nghỉ trưa thì ông Bảy Lấc có rất nhiều đề tài để kể cho những người làm chung nghe. Nên họ rất là vui vẻ và thích thú lắm. Gần Tết thì ông đề nghị làm heo chia thịt, đổi lúa. Tráng bánh vần công… Nhờ thế mà dân trong thôn làng ông Bảy Lấc càng thân thiết với nhau hơn. Ông Bảy còn lựa thanh niên khỏe mạnh trong xóm, trong làng hợp lại thành toán. Để khi nhà ai ươn yếu cần như chèo ghe, bơi xuồng, khiêng vác, những chuyện nặng nhọc thì có người đến thì giúp đỡ. Ông tập đạo tì cho họ phòng khi trong làng có người qua đời thì họ đến phụ, và đưa quan tài ra phần mộ… Ông luôn hô hào xây trường học cho trẻ em, bắc cầu, đắp đường, cất nhà lồng chợ cho bán buôn không bị mưa, nắng… Chuyện gì làm được với sức mình cho bà con trong thôn làng ông Bảy chẳng chút từ nan. Ông Bảy Lấc xa rời làng quê, nơi chôn nhau cắt rún đã mấy chục năm. Khi trở lại thì biết bao nhiêu đổi thay từ người và cảnh vật thời gian dài và vận nước thăng trầm nổi trôi. Người già thì đã qua đời gần hết. Người còn sống sót thì gần đất xa trời, già cúp bình thiếc. Trẻ nhỏ lớn lên cũng ông ngoại bà nội hết rồi. Cái cồn bần bên kia nhà thờ lúc ông đi chỉ mới nhú lên, lưa thưa dăm ba cây bần, bãi sình thì lác đác máy cụm rau mát, lục bình, cỏ lông. Khi ông trở lại bãi cồn tân bồi nầy vừa rộng vừa dài ngút mắt. Bần dầy đặc xanh um bần xanh thâm thẩm chiếm gần đến nửa sông. Và những ngôi nhà sàn cất cao hơn mặt nước cả thước của dân chài lưới ở trên cồn cũng chiếm hết không còn chỗ trống. Ông trở về cha mẹ không còn nữa. Chỉ còn họ hàng cô, chú Út Tứ và hai đứa em gái là cô Sáu Liên và cô Tám Lan. Hai cô em nầy lúc ông đi lính họ chưa được 10 tuổi. Bây giờ đã là bà ngoại bà nội của bầy cháu 3, 4 đứa. Lúc mới về đây, vợ chồng ông Bảy Lấc tạm ở với gia đình cô Tám Lan. Đứa em Út lãnh phần hương hỏa của cha mẹ để lại. Biết rằng anh em tình như thủ túc, nhưng chén trong sóng còn khua nên chị dâu em chồng ở lâu ngày sẽ sanh lòng nghi kỵ rồi lời qua tiếng lại sẽ mất hòa khí anh em không tốt. Ông Bảy Lấc cũng biết như vậy. Nhưng vợ chồng ông vốn liếng không bao nhiêu. Đất đai cũng không có một cục để chọi chim… Muốn xây một cái nhà dù là nhà lá đi nữa với vợ chồng ông cũng là một việc khó khăn! Một hôm vào ngày kỵ cơm của cha. Ngoài anh em ông Bảy là gia đình cô Sáu Liên, cô Tám Lan ra, còn có chú thím Út Tứ, và chòm xóm láng diềng cũng 5, 6 cặp. Đàn ông, con cháu thì ngồi hai bàn tròn. Mấy bà phụ nữ thì ngồi trên bộ ván gõ dài bên cạnh. Thức ăn ê hề có hai cô em, vợ ông Bảy và mấy bà hàng xóm giúp nấu từ sáng dọn lên cỗ bàn. Nhìn món cá rô mề cặp gắp tre nướng vàng nằm gọn trong dĩa nước mắm bằm xoài non và mấy khoanh ớt sừng trâu đỏ, thì cô Tám Lan chợt nhớ đến mẹ. Vừa dùng đũa dẽ cá ra dầm vào nước mắm cho thấm, cô vừa nói: - Lúc sanh thời má tui thường bảo, tao chết cúng giỗ tao đừng có nấu nướng nhiều thứ chi cho bừa bộn. Tụi bây cứ nướng con cá rô dầm nước mắm xoài và chén cơm trắng là đủ rồi. Bà già có lộc ăn, hôm qua tui mua được của vợ thằng Ba Hủ tát đìa bán mớ cá rô mề ngon quá. Mời thím Út và quý chị cầm đũa tự nhiên nghen… Cô Sáu Liên chợt mỉm cười thầm trong bụng. Cô nhớ hồi mới về đây, bà Tư Rổ chị dâu cô ngang như cua. Bả làm điều gì sai nhưng lúc nào cũng cho là mình đúng, là phải… Bà ấy người miền ngoài nên có giọng nói cứng khó nghe, vóc dáng nhỏ thó, ốm gầy, chít choắc… Nhưng được cái là bà siêng năng, chịu khó, chịu cực, lanh lẹ, vui vẻ bãi bui. Người bả cũng hiền lành, dễ xiu lòng, hay làm việc thiện, hay giúp đỡ kẻ khác… Ông Bảy Lấc kể: “Lúc giải ngũ sau thời gian dài làm lính viễn chinh được trở về quê hương. Thay vì về thẳng nhà, tôi theo ba người bạn thân ở miền Trung thăm miền quê hương của chúng rồi trở về quê Nam của mình cũng được. Không ngờ ra nhà bạn được hai ngày thì tôi bị trận bịnh thập tử nhứt sanh tưởng tiêu tán đường rồi. May nhờ chị của thằng bạn tận tình chăm sóc giúp đỡ… Nam nữ gần gũi dễ xúc cảnh sanh tình. Tôi thấy bả là gái lỡ thời, nhan sắc cũng không có… Nhưng được cái là tánh tình bả cũng tốt, hiền lành biết lo cho người thân nên tôi mới ưng bả. Chớ bả xấu òm hà… Mấy con đầm tôi quen đẹp như tiên sa phụng lộ nhưng tôi đâu có thèm…” Cô Sáu Liên thấy anh mình nhận xét vợ rất đúng. Chẳng những không nhan sắc mà chịdâu mình công việc bếp núc bộc liễu cán mai. Vậy mà lúc nào bả cũng khoe là mình nấu đồ ăn Quảng, đồ ăn Tiều, đồ ăn Pháp ngon số “zdách” trứ danh vùng bà ở. Có lần cô Tám Lan bảo: - Nói ra thì vấp phải lời người đời: Em chồng nói xấu chị dâu. Nhớ lúc mới về, chị Bảy tui nấu nồi canh chua lươn bắp chuối cho cả nhà ăn buổi cơm chiều. Lúc tui sửa soạn đi thăm bà con bịnh ở làng bên chưa về kịp. Khi cả nhà ngồi vào bộ ván mít ăn cơm. Mùi tép cháy nước dừa bồng con rắc thêm tiêu cà, hành lá xắt nhuyễn bát ngát vân vê. Thêm mùi đậu bún xào với thịt ba rọi mà trước khi rời nhà tui đã nấu xong. Chỉ còn nồi canh chua để bà chị dâu ở nhà nấu. Vì canh chua lươn ăn nguội sẽ không ngon, cứ hâm nóng đôi lần thì lươn bị bể ra. Nhìn hai tô canh chua bắp chuối có để ngò gai, lá quế, ớt nồng nàn do bà chị dâu nấu trông thật bắt mắt. Ai không đói bụng cũng muốn làm mấy chén. Dù tất cả các món ăn trên mâm không phải cao lương mỹ vị. Toàn là những món ăn bình dân, nhưng rất hợp khẩu với dân quê… Nhưng trừ hai vợ chồng anh Bảy tui ra. Vợ chồng tui và mấy đứa nhỏ dội ngược! Không ai tự nhiên ăn canh chua vừa húp vừa chan ngon lành và tự nhiên như họ! Cô Tám Lan nói đến đó mắt liếc liếc bà Bảy Lấc, rồi tiếp: - Không phải canh chua nêm mặn quá, chua quá, ngọt quá hay lạt nhách lạt nhẽo... Mà là những khúc lươn trong canh da đóng một lớp bợn dầy màu trắng đục, chứng tỏ lươn làm không được cạo sạch nhớt! Mèn ơi, ấy vậy mà khi cô Tám Lan hỏi: - Chị Bảy có lấy tro bếp vuột cho sạch nhớt mấy con lươn, trước khi nấu không? Bả Tư Rổ mở to mắt, và hết sức ngạc nhiên trả lời cô em chồng: - Tại sao vậy? Cô cũng biết cá, lươn… ở dưới nước suốt đời có gì dơ đâu? Chỉ cần rửa cho sạch cát đất thôi cần gì phải cạo, phải vuột… Miền tôi ở có cá hồ, cá suối, cá khe, mạch nước trong leo lẻo. Con cá sạch sẽ nên tôi làm cá, làm lươn không cần vuột lươn với tro bếp như cô nói bao giờ cả… Cô Tám Lan lắc đầu cười ngất. Cô tìm cách nói xuôi, nói khéo để bà chị dâu của mình không bị buồn và mặc cảm: - Vậy sao? Nhưng chị ơi, quê chồng chị đây là miền Nam có sông dài mút mùa từ làng nầy qua làng khác. Kinh rạch nhiều đến nổi chủ vườn không đếm hay để ý có bao nhiêu cái ở đất mình. Trong nước sông, nước rạch, nước kinh… Quanh năm có đất phù sa màu đục. Cho nên con cá, con lươn ở vùng nầy phải làm cho sạch nhớt không thì nó tanh lắm. Nhứt là cá trê, cá chạch, cá tra, lươn… Mọi thứ cá đen (ở ruộng), cá trắng (ở sông), cá biển… không có vẩy thì cũng phải cạo rửa cho sạch sẽ trước khi nấu. Còn cá có vẩy thì phải đánh cho hết, và cạo cho sạch nhớt. Như vậy ăn mới mạnh miệng, ăn mới ngon đó chị Bảy à… Bà Tư Rổ quay mặt chỗ khác, cãi chày cãi cối: - Vậy là cô nói tui ở dơ hả? Người ta thường nói: “Ở dơ sống dai hơn ở sạch” cô ơi. Cho nên cá có vẩy như cá rô, cá lóc…tui cũng thả vô kho đại, nấu đại. Khi cá chín vẩy tự động rớt ra chìm xuống đáy nồi… - Thần Hoàng Thổ Địa ơi! Như vậy mà chị cũng rống cổ nói cho được. Chị không sợ hàng xóm thấy được sẽ cười sao? Làm ơn đừng có làm cá kiểu đó nữa nghe. Tui thật sự chạy tét chị rồi. Nếu chị làm sai thì nhận rồi sửa. Chớ có ai đem chị lên đoạn lầu đài đâu mà cãi ngược cãi xuôi như vậy… Rồi mai mốt làm sai ai mà dám chỉ bảo cho chị nữa… Bà Bảy Lấc thấy cô em chồng cau có mặt mày. Bà cười hả hả, cười chảy nước mắt. Còn hụt hẫng trong tiếng cười, bà bảo: - Tui giỡn với cô chớ cá có vẩy thì tui phải đánh sạch. Bởi vẩy cứng ngắt làm sao ăn được. Nếu tui có làm sai điều gì thì làm ơn chỉ, tui sẽ sửa. Tui sẽ không giận mà còn cảm ơn cô không hết nữa đó… Cô Tám Lan biết chị dâu mình vụng về nấu nướng. Nhưng không đến nỗi hết thuốc chữa. Dầu sao bả cũng biết phục thiện… Nhưng trong bụng cô vẫn còn thấy ghét cái giọng trả treo của bả. Nên cô nguýt dài bà chị dâu không quên lẩm bẩm trong miệng. Thiệt là “Vô duyên không tiền mà thưởng/ Không lạp xưởng mà cho…”. Nhà hương hỏa vợ chồng cô Tám Lan đang ở và săn sóc sau ngày cha mẹ qua đời khang trang rộng rải, trồng nhiều cây ăn trái. Vợ chồng cô làm ăn chắc mót mua được 5 công vườn và 1 mẫu ruộng ở xóm trong. Bây giờ anh trai cô trở về… Vợ chồng cô trong bữa giỗ hôm nay có mặt vợ chồng ông chú ruột, và bà con chòm xóm. Họ tuyên bố trước mọi người là giao lại cho anh chị dâu mình từ rày lãnh phần hương hỏa thờ cúng ông bà, cha mẹ… Vì anh em họ sống chung với nhau trong nhà nầy đã mấy năm rồi. Ông bà thường nói “Nhứt trưởng nam, nhì con út” (hai vai vế nầy ở những gia đình miền Nam thường được hưởng phần hương hỏa của cha mẹ để lại). Vợ chồng ông Bảy Lấc lúc mới về đây không có mống con nào. Nhưng không biết có phải gặp thiên thời địa lợi nhân hòa không, mà hai năm sau bà Bảy sanh liền tù tì mỗi năm mỗi đứa. Để bây giờ họ đã có 4 đứa con (hai gái, hai trai). Ông Bảy Lấc là người đi đây đi đó, lịch lãm biết nhiều việc ở xứ nầy xứ kia. Người trong thôn làng tưởng ông là người không tin dị đoan. Nhưng không phải vậy… Vợ chồng ăn ở với nhau bảy tám năm mới có con. Ông bà sợ “xấu hái” nên bà tên Rổ, con gái tên Thúng con trai tên Nia, Sàng, Quảo. Ông bà nghĩ đặt tên xấu xí như vậy để không bị “Những người khuất mặt khuất mày” quở. Và sẽ được phù hộ cho những đứa con sanh sau đẻ muộn của ông bà được ăn ngoan, chóng lớn… Chú của ông Bảy Lấc cũng thường nói với xóm chòm là cháu dâu ông (bà Bảy Lấc) là người hay trở chứng ngang ngược, độc tài. Nhưng nhờ sự thương yêu đùm bọc của họ hàng nhà chồng. Nhứt là hai cô em gái thương anh chị và các cháu mình rất mực. Có lẽ nhờ thế mà bà Tư Rổ bắt chước cái tốt, sửa đổi, phục thiện, biết sống và học hỏi nhiều điều hay lẽ thiệt của gia đình bên chồng, chòm xóm, láng diềng. Bà lại cần cù siêng năng, thương và săn sóc chồng con chu đáo. Nên cô em Tám Lan mới không còn lo cho anh chị và các cháu nữa… Vì vậy vợ chồng cô mới yên tâm trao quyền thừa hưởng hương hỏa của cha mẹ để lại cho anh và chị dâu mình. Ông Bảy Lấc ở ngôi nhà hương hỏa của cha mẹ để lại kế vàm rạch Móc Mang. Sát bên nhánh sông Tiền Giang nước ngọt quanh năm và cho nhiều phù sa lấp loáng trong dòng nước lớn chảy vào. Nhờ thế mà cây trái ở vùng họ năm nào cũng trúng mùa, trái lớn, ngon ngọt hơn những làng lân cận… Tôm, cá, ốc gạo, cua đinh, càng đước… Nói tóm lại thủy sản vùng ông ở thật dồi dào đủ loại và ngon, hiền hơn những vùng khác. Tới mùa xuôi con nước. Ngồi nhà nhìn ra, ông Bảy thấy được ghe cào, ghe lưới… Cùng những người bắt ốc gạo, bắt hến, mò cua, bắt cá…ở đuôi cồn bên kia sông. Ở gần sông lớn nên sáng chiều ông thấy và nghe được tiếng tàu sình sịch kéo ghe chài chở cá, chở gạo, chở mắm, đồ gốm... Ghe thương hồ vầy đoàn từ miền Hậu Giang lên các tỉnh thành bán buôn đổi chác… Những câu hò lơ trữ tình đối đáp của nam nữ trên các ghe thương hồ văng vẳng trên sông trong những đêm trăng sáng. Ông không phải là thi nhân, nhưng đôi lúc ngoại cảnh, êm đềm, cùng niềm yêu thương đùm bọc của họ hàng bên nội, bên ngoại, chòm xóm… khiến tâm hồn ông cũng bất chợt thương cảm bâng khuâng. Dù ông biết rằng mình là người thô lỗ, tay cày tay cuốc, cằm kiếm cằm súng. Ông là người có cơ hội đi đó đi đây gần khắp năm châu, bốn biển… Ông là người từng trải biết được ít nhiều cái giàu có, cái quyền quý, cái đẹp, cái sang… của xứ người ta. Nhưng trước cảnh quen thuộc nơi sanh ra và lớn, đã cho ông Bảy rất nhiều hồi ức đẹp của thuở thiếu thời gắn bó bên cha mẹ, anh chị em trong thân tình gia tộc. Cộng vào hoàn cảnh xã hội đạo đức hài hòa… Thì làm sao không gợi vào lòng ông cái êm đềm trong niềm thương nhớ xa xôi… Ông bà Bảy nghe lời, và rút kinh nghiệm theo vợ chồng hai cô em. Trong vườn, họ đốn bỏ những cây già, chiếm nhiều đất, và không cho nhiều trái. Trồng thế vào những cây mới loại chiết nhánh nên mau có trái và nhiều huê lợi. Còn chuối, rau cải… thì họ vẫn có bán thường xuyên. Nhờ thế mà gia đình ông Bảy Lấc có nếp sống sung túc… Ông là người tháo vác năng động, tánh tình ngay thẳng, chân thật và hết lòng giúp đỡ chòm xóm láng diềng. Vì thế ông Bảy được dân trong làng rất tín nhiệm. Ông lại thông thạo nhiều việc như là viết dùm lá thư khiếu nại xin hoãn nợ thuế làng vì mất mùa. Làm giấy vay nợ trả góp cho Chánh Phủ. Dân mua ruộng đất truất hữu (Chánh Phủ mua đất, ruộng của chủ điền thổ, rồi đem bán lại cho dân nghèo trả góp giá phải chẳng theo số họ thu lợi vào) Như vậy là một trong những hình thức của Chánh Phủ giúp đỡ cho dân. Trời trong, nắng lung linh rọi trên chùm lê nhánh mận. Gió đưa nhẹ hương thơm lá hoa cây cỏ làm dễ chịu lòng người. Thằng Năm Tửng mặc cái quần lính cũ mèm. Được má nó chầm khiếu mấy lỗ ở đái, và ở ống tưa lai. Nó đã khoe với bạn bè là cái quần nầy của ông Bảy Lấc cho ba nó. Ông già để dành mặc đi chợ hoặc đi ăn giỗ trong chòm xóm. Quần cũ nhưng mặc cũng được mấy năm trời. Nay đã bị rách nhiều chỗ và lem luốc mủ cây. Má nó đem vá lại và đảng (cắt) ngang hai ống quần phía trên đầu gối may lại thành quần cụt lỡ cho nó. Thằng Tửng thích lắm, vì cái quần rộng rãi. Phải nói cái quần rộng quá so với nó thì đúng hơn. Cho nên mỗi lần mặc, nó phải lấy sợi dây chuối lòn vô mấy cái dây khuy kết trên lưng quần buộc chặt lại. Nếu không thì thân mình ốm tanh ốm hôi, như con cò ma và cái bụng như con cóc chửa của nó có bự nhưng cũng sẽ làm cái quần tuột luốt. Như vậy là hôm nay nó cũng hơi có da có thịt, khá rồi đó. Lúc trước thằng Tửng ở trần đưa xương sườn xương sống như bộ xương cách trí của nó lùng bùng trong lớp da trần mốc cời. Mới nhìn nó ai cũng tưởng thằng nầy bị ốm đói. Má nó nghe biết ai tưởng con mình như vậy, bà Năm Tưng chẳng những không giận mà cười ngất: - Trong bầy còn tui, thấy thằng Tửng ốm lòi xương sống họ cứ tưởng nó không ăn. Nồi ơi thằng đó ăn nhiều nhứt… Ăn tô, ăn tượng, ăn mạnh cũng không thua gì Tạ Hầu Đôn. Và đừng tưởng ròm rĩnh như vậy mà yếu đuối nghen. Nó đội giạ lúa chạy te te chớ không chơi đâu. Thiệt má nó nói không sai. Thằng Tửng ăn mạnh lắm. Nó ăn cả tượng cơm trắng với mắm chưng với mấy trái dưa đèo hái còn chưa ráo mủ. Hoặc ăn cả nửa tá bánh ích ngọt nhưn trắng hoặc bánh ích trắng nhưn dừa ngọt. Nên dù ốm, nhưng nó mạnh lắm. Nó lại siêng năng, lanh lợi, xốc vác, chèo ghe, bơi xuồng, dở chà, kéo lưới, giăng câu vì cũng rất giỏi. Nhờ sau lần ông Bảy Lấc bày má nó tìm thuốc Nam trị bịnh sên cho nó. Nên giờ nó có vẻ yêu đời tươi vui không èo uột như dạo trước nữa. Nhớ hôm đó gặt lúa vần công cho ông Hai Súng. Đám nông dân vào núp bóng rặng trâm bầu ở ngã Ba Lộ Làng ăn trưa. Thấy thằng Tửng ăn xong thở ì ạch có vẻ mệt nhọc. Ông Bảy Lấc nhìn thằng Tửng từ đầu đến chân. Ông bảo với má nó: - Con Năm, bây nói thằng Tửng ăn nhiều mà ốm nhom như vậy coi chừng sên lãi trong bụng nó ăn hết chất bổ rồi thì làm sao nó mập cho được? Ai chê thằng Tửng ròm thì bà chịu. Chớ nói thằng nhỏ bị bịnh thì bà Năm Tưng không ưa. Bà quay mặt chỗ khác trề môi, liếc xéo ông Bảy con mắt có đuôi như dao cạo râu. Bà hấy nguýt ông, rồi vo vảnh trả lời: - Chú nói sao chớ con của bà Hai Cà ở xóm dưới cái bụng chang bang như cái trống chầu mới có lãi. Còn thằng Tửng của tui cái bụng xẹp lép thì làm gì mà có lãi, có sên… chú ơi? Ông Bảy Lấc cười hì hì: - Tao cũng muốn như lời bây nói là nó không có gì. Còn nếu có thì tội nghiệp cho nó… Bây coi ngoài cái ốm của con bây ra, con mắt nó còn lộ, cái bụng nổi đầy gân xanh… Bây không thấy cái gầy ốm của nó hơi lạ với những đứa gầy ốm khác sao? Hôm nào hãy dẫn nó đến thầy thuốc Nam coi đi. Nếu có bịnh thì trị không thì thôi chớ có lỗ lã gì đâu… Bà Năm Tưng tuy ứa gan ông Bảy Lấc nói con bà bịnh. Nhưng nghĩ lời ông nói không sai nên bà cũng ớn. Bà định bụng vài ngày nữa dắt nó qua ông thầy Ba Giảo ở trong Xã Xịnh xin thuốc trừ sên lãi cho nó uống. Người ta đồn ông thầy nầy nổi tiếng trị bịnh trong bụng… Như là đau bụng lâu năm, có sên, có lãi, đi tiêu chảy, hoặc đi ỉa không ra… Nhưng có người lại bảo ông ta chỉ có hư danh chớ dở ẹt hà. Dở hay không trị bịnh con bà mới biết. Cho nên hôm đó bà Năm Tưng dắt thằng Tửng đi thầy thuốc. Hai mẹ con ăn mặc sạch sẽ, định xuống bến đò qua sông rồi lội bộ tắt qua mấy đám ruộng đến nhà ông thầy cũng mất 3 hơn cây số đường đồng. Họ vừa đến bến đò thì bỗng dưng trời vần vũ. Gió thổi mạnh, mây đen ùn ùn kéo tới giăng mắc làm trời tối hù. Cây cối theo chiều gió ngả nghiêng, ngả ngửa, cọ quẹt nghe trèo trẹo mà ớn óc. Vài khách bộ hành chạy nhanh vào cái trại lá kế bến đò núp mưa. Sấm chớp ầm đùng, long trời lở đất gò nổng cũng muốn bay. Mưa nặng hột ào ào trắng xóa đổ xuống như trút nước… Nhìn mưa mịt mờ bay xiên xiên trong gió. Bà Năm Tưng chép miệng nói với con: - Thôi, chắc hết mưa thì mẹ con mình trở về nhà. Ngày khác đi, chớ mưa gió như vầy nước ruộng cao tới ngực làm sao lội cho nổi… Ông Bảy Lấc tay cầm cây cưa dài chạy vội vào đụt mưa. Chợt ông nghe bà Năm nói với thằng Tửng nên hỏi: - Ụa, mẹ con bây đi đâu mà phải lội ruộng? - Dạ chào chú Bảy. Chú đi đâu về mà cũng bị mắc mưa vậy? Ông Bảy tay dựng cây cưa vào cột trại và giữ cho đừng ngã. Tay kia ông lau những giọt mưa đọng lấm tấm trên mặt: - Ờ tao đi lên nhà thằng Ba Gà mượn cây cưa lớn nầy, để về cưa cây xoài chết nhát. Thiệt trời mưa nắng bất thường! Mới sáng hoắc đó, bỗng tối hù rồi trút cơn mưa như cầm chĩnh mà đổ. Nhưng cũng tốt, nước mưa giúp cho cây cỏ mùa màng thêm tươi tốt… Ngoài trời gió ào ạt thổi vùn vụt không ngừng. Bà Năm Tưng lớn tiếng hơn, kể cho ông nghe là bà dắt thằng Tửng đi trị bịnh sên lãi trong Xả Xịnh…. Ông lắng nghe, và gật gù. Còn thằng Tửng đứng dựa cột mờ mờ theo màn trời mưa, và sáng chói trong tia chớp lòe của sấm sét bên ngoài. Trời mưa dai dẳng cả giờ đồng hồ. Gặp cơn nước lớn của sông, vào mùa nước lên, nên nước ngập lỉnh lảng tràn đường tràn sá. Mấy cây so đũa khô dùng làm cầu không niệt chặt, bị nước cuốn trôi lều bều… Mưa đã đời rồi thì cũng tạnh. Mây đen tan dần, mặt trời từ từ hiện ra và trải ánh sáng nhàn nhạt xuống vạn vật… Nước mưa đọng trên cành lá rơi lộp độp mỗi khi gió thổI qua. Cây cối sau cơn mưa như bừng lên sức sống. Cành lá sởn sơ xanh mướt, tươi hẳn như sắp đâm chồi non, mọc tược mới… Chiếc đò bên kia sông cũng lù lù cặp bến. Kẻ lên người xuống co ro trong chiếc áo tơi khoác trùm trên lưng bằng lá chầm, hoặc bằng loại ni lông trong, bằng vải mủ đục… Ai nấy kẻ trước người sau lần lượt rời chỗ đụt mưa trong trại lá. Riêng ông Bảy Lấc đứng nán lại to nhỏ với bà Năm Tưng: - Hôm rằm tao đi cúng chùa trong Rạch Cỏ. Có người bày cách trị sên lãi trong bụng mấy đứa nhỏ. Bây có muốn thử cách nầy để trị cho thằng Tửng thì nghe tao nói đây… Dù tạnh mưa, nhưng kẻ qua đò bộ hành vẫn chạy lúp xúp cho kịp đò hoặc nhanh chân về nhà… Không ai buồn để ý, hoặc đến gần mẹ con bà để nghe cho rõ chuyện giữa ông Bảy và bà Năm Tưng còn nán lại to nhỏ nói chuyện gì với nhau không ai biết. Nhưng mặt bà Năm Tưng có lúc trầm ngâm, lúc mở to mắt, lúc há hốc miệng hoặc gật đầu lia lịa… Sau đó bà có vẻ thận trọng, nét mặt vui nói nhiều lần hai chữ “cảm ơn” với ông Bảy. Rồi hai mẹ con săng sái đi lẹ về nhà. Thằng Tửng mắt đang dáo dác, láo liên nhìn trên các cành cây cao. Miệng nó vừa hút gió giả tiếng chim kêu vừa tìm kiếm… Bầu trời xanh cao vời vợi, nắng trưa ấm trong suốt và sáng trưng… Gió mát rượi rung rinh những cành so đũa nở từng chùm bông trắng xóa. Tiếng ong bầu vo ve ù ù tìm mật bông so đũa tơ ở những nhánh thấp là đà khỏi mặt đất vài gang tay không cao lắm. Cây mận hồng đào có chùm vừa già có chùm chín tới. Da mận nhạt và có những rằn nám nứt chứng tỏ mận đã chín lắm rồi. Cây xoài thanh ca lủng lẳng hườm hườm ửng vàng hồng nơi cuống… các trái chín thơm tho còn trên cây luôn quyến rũ các loại chim ăn trái. Chúng xập xận rủ cả bầy đến tìm mồi… Nhứt là loại chim trao trảo vừa háu ăn vừa ngu nên bị lừa vì tiếng kêu dễ bị bắn, và bị bắt nhứt. Bên vàm rạch kế cây lý sai trái chín vàng nghệ thoáng hương thơm bát ngát. Bầy vịt xiêm bảy con mập ú đang rỉa lông tắm nắng. Hứng chí có con lông trắng muốt, mỏ vàng, mắt tròn xoe, nghểnh cổ “cạp cạp” kêu vang. Gà mẹ dẫn một bầy mười mấy gà con chí chóe tìm côn trùng nơi mương độn. Bên giàn bầu lúm phúm đã ra trái bằng ngón tay út, ngón tay cái, và nở những chùm bông phơi phới ấp dưới những chiếc lá xanh mượt mà, lớn gần bằng cái quạt giấy xòe ra. Bỗng thằng Tửng dừng bước và mắt không rời những cành so đũa trên cao. Nạng giàn thung một tay đưa lên cao khỏi trán, tay kia nó kéo dài ra. “Rột” một cái, tiếng chim kêu lớn… Con chim trao trảo rơi xuống, nó chạy lại chụp con chim cánh còn chớp chớp, mỏ kháp kháp. Nó cột vội chưn chim vào sợi dây cột ngang lưng rồi tiếp tục đi tìm chim để bắn nữa. Thằng Tửng bắn chim để đem về cho ông Bảy Lấc chiều rô ti nước dừa nhậu ba si đế. Để trả ơn ông đã nhắc nhở và chỉ dạy má nó đi tìm thuốc nam trị bịnh cho nó. Và nó cũng có bữa chim rô ti ngon lành. Chuyện ngầm trả ơn của nó, ông Bảy Lấc không hề biết vì ông không để ý hoặc nghĩ đến. Nhưng má nó thường dạy và nó cũng tự nhắc nhở với mình rằng mang ơn thì phải trả ơn chớ! Bởi cũng nhờ ổng mà má nó mới dắt đi tìm thầy thuốc, nửa đường mắc mưa gặp ổng bày biểu mà giờ đây nó khỏe mạnh, cao lớn như một thanh niên bình thường chớ không còn da bọc xương, ốm còi ốm cọc như trước nữa. Thằng Tửng vẫn nhớ sau ngày ông Bảy Lấc bày biểu. Trưa hôm đó, mẹ con nó và hai đứa em cùng ra bờ mẫu cốt hết cả mấy thúng giạ trái trâm bầu đem về phơi nắng trưa heo héo gỡ lấy hột được cỡ một mủng vùa. Bà Năm Tưng vẫn thấy chưa đủ. Hôm sau mấy mẹ con đi qua bờ mẫu mấy đám ruộng bên kia hái nữa. Bà Năm nghe lời ông Bảy Lấc khi đã chuẩn bị đủ hột trâm bầu. Sáng sớm kêu thằng Tửng thức dậy liền lấy cho nó 2 trái chuối xiêm chín mùi. Bà bắt nó ăn với hột trâm bầu đã lột vỏ giống như cái nhụy sen. Bà ngồi canh chừng vì thằng nầy ma giáo lắm. Có thể nó chỉ ăn chuối rồi lén nhả hột trâm bầu đắng nghét ra. Ăn xong hột trâm bầu với chuối chừng 2, 3 giờ sau bà Năm mới cho thằng Tửng ăn món khác. Bụng thằng Tửng đói, trước khi ăn cơm chiều rồi đi ngủ bà Năm Tưng cũng bắt con ăn như vậy… Ăn tới ngày thứ ba thằng nhỏ vừa ăn vừa khóc: - Ngán muốn chết mà má cứ bắt tui ăn hoài! Má nói chuối ngon sao không cho mấy đứa nó (hai đứa em) ăn đi mà bắt tui ăn? Hột trâm bầu đắng nghét đến thần sầu quỉ khốc! Tui không ăn nữa đâu… Bà Năm Tưng vừa hầm hì, vừa mắc tức cười thằng con lớn xộn rồi mà còn sợ thuốc đắng. Bà bèn mắng át nó: - “Thuốc đắng giã tật”. Đồ cái thằng yêu lồi, già đầu rồi còn sợ thuốc. Thuốc thì đắng chớ bộ kẹo bánh sao mà ngon ngọt. Ông Bảy nói mầy phải ăn hột trâm bầu và chuối một tuần lễ mới được. Nếu không thì không trị bịnh được đó mầy à. Thấy con khóc, chạnh lòng mẹ. Bà xuống nước nhỏ khuyên bảo: - Thôi cố gắng nín mũi nuốt trọng đi con. Cho lãi sên nếu có nó sẽ chết và mầy sẽ mập mạp tròn trịa như em mầy… Để tụi bạn không nói mầy Tửng Cò Ma, Tửng Teo Héo nữa... Thằng Tửng ăn hột trâm bầu và chuối đến ngày thứ tư thì nó lăn lộn dữ dội kêu đau bụng. Đau bụng quá sức, đau bụng đến nỗi nó đạp tróc hết mấy cái mộng, làm chiếc giường nằm sập xuống đất. Nghe con rên la dữ dội bà Năm Tưng sai em thằng Tửng chạy đi tìm ông Bảy Lấc. Nhưng bà Bảy nói ông đi đám giỗ ở xa đến chiều tối hay mai mới về. Bà Năm Tửng vừa khóc lóc, vưà la, vừa kể lể… đổ thừa: - Lần nầy tui nghe lời chú Bảy Lấc, cho thằng Tửng uống ba cái đồ mắc toi mắc dịch của chú bày, làm thằng nhỏ đau bụng sắp chết rồi bà con làng xóm ơi. Làm ơn cứu giúp con tui… May mắn ông Bảy chiều đó về tới nhà. Nghe vợ kể lại sự tình của thằng Tửng. Không kịp thay áo, ông lật đật đi lẹ đến nhà bà Năm. Thấy thằng Tửng nằm thiêm thiếp, rên ư ử, rờ tay chân nó lạnh ngắt. Ông hỏi thì nó nói lâm râm đau bụng, nhưng nó như đang ngủ sật sừ! Thiệt ông Bảy Lấc cũng không biết làm sao bây giờ vì ông đâu phải thầy thuốc… Ông tốt bụng mỗi lần nghe thấy có thuốc Nam trị bịnh, hay cách gì, mọi thứ biết được. Khi chòm xóm gặp đúng chuyện… Nếu biết, ông sẽ mau mắn nói ra không chút giấu giếm. Nhưng ông không ngờ hôm nay lại ra cớ sự nầy! Giờ đây ông cảm thấy lòng không yên và nghĩ dại rủi thằng nhỏ có bề gì chắc gia đình nó sẽ hận ông suốt đời! Không chừng họ sẽ đi thưa ông ở tù nữa! Tuy nghĩ vậy, nhưng ông cũng bảo bà Năm nấu nước nóng đổ vào chai chườm bụng cho thằng Tửng. Đốt lửa hông ở dưới gầm giường như mấy bà đẻ con còn trong cữ, cho mình mảy nó ấm và xức dầu cạo gió cho nó... Trời chạng vạng gió đêm rung xạc xào cành lá chung quanh nhà. Bên ngoài màn đen bao phủ như nhuộm mực. Nền trời thăm thẳm in rõ từng chùm sao lớn lác đác, sao nhỏ kết thành giề từng chùm nhấp nháy sáng. Thấy thằng nhỏ ngủ yên, ông Bảy cũng mệt, đốt đuốc ra về mà lòng buồn rười rượi… Bà Bảy ở nhà cũng chong đèn chờ chồng về chớ không ngủ được. Nửa đêm mọi người đang an giấc. Dưới sông dài, nước lớn đầy. Vài xuồng câu tôm còn đèn leo lét ở bên voi và rải rác bên cồn bần. Bỗng nghe tiếng từ nhà bà Năm Tưng la làng chói lói… Chòm xóm bàng hoàng đốt đuốc chạy đến. Vợ chồng ông Bảy Lấc nhìn nhau ngầm bảo rằng thằng Tửng chết! Ông vội chồm lấy cái áo máng trên vách mặc vào. Hai vợ chồng lật đật chạy đến nhà bà Năm Tưng. Một cảnh tượng vừa ghê, vừa sợ bày ra trước mắt mọi người! Số là nửa đêm thằng Tửng đòi má nó muốn đi ị. Bà Năm thấy trời tối thui, con lại bị bịnh nên lấy cái bô sành để vào lon nước dặn con đi cầu xong thì gọi bà sẽ đem đi đổ. Nhưng không ngờ thằng nhỏ ị hoài không ngừng. Nó ị ra không phải ị phân mà là những miếng, những khúc dài, khúc ngắn, nhầy nhầy, mỏng nhờn nhờn như ruột vịt, tanh tưởi chớ không thúi. Nó y như vậy gần đầy cả bô sành mà không ngừng. Bà Năm Tưng nghĩ con bà ị riết ruột ra hết bên ngoài thì sẽ chết, nên bà sợ quá la làng cầu cứu… Ông Bảy Lấc đốt đuốc cùng vợ qua làng bên mời ông thấy thuốc Bắc. Mèn ơi, thì ra thằng Tửng bị con sên dài lắm nằm theo ruột ở trong bụng bao nhiêu năm nay rồi. Giờ con sên ăn hột trâm bầu và chuối nên bị say và chết, rồi theo đường tiêu hóa mà tuông ra… “Tin hiền đồn xa/ Tin dữ đồn ba ngày đường” Từ đó trong làng xóm và các làng lân cận đồn đãi rằng. “Nhờ ông Bảy Lấc cho thằng Tửng uống hột trâm bầu. Nên mới trụt được con sên dài mấy chục thước trong bụng nó ra, nên cứu sống được nó”. Sau tháng Tư Năm 1975. Miền Nam, nước Việt Nam hoàn toàn nhuộm đỏ. Kẻ bị bắt vào tù, người trốn chạy bỏ nước ra đi. Người kẹt lại gánh chịu bao nhiêu oan khiên khốn khổ, cùng cực… Trong đó có ông Bảy Lấc. Mấy năm trước đây, có người cùng thôn ông về thăm lại chốn xưa. Họ cho biết ổng đã qua đời! Bây giờ đôi lúc hồi tưởng lại những chuyện thuở thiếu thời ở quê Nam thanh bình thạnh trị. Những người trong thôn đều nhớ đến ông Bảy Lấc một thôn dân tốt bụng ai cũng mến thương. Những đêm trăng sáng ông thường bảo vợ nấu chè khoai lang, chuối luộc… Để ông rủ mấy đứa trẻ trong xóm cùng lũ con nghe ông kể chuyện ma, chuyện cổ tích có tính cách giáo dục như là: “Ăn khế trả vàng/ Con Tấm con Cám/ Hầm bạc hầm vàng/ Nàng Út ống tre/ Bạch Tuyết bảy chú lùn…” Với thanh niên, người hiểu chuyện trong bữa giỗ, khi uống nước trà ăn bánh kẹo. Hay lúc lai rai nhâm nhi khề khà ly rượu đế với mấy con khô nướng. Ông thường đem những chuyện răn đời, những chuyện tiếu lâm ông nghe được ai kể. Hoặc đọc được trong sách báo, thì ông để dành trong bụng, để có dịp sẽ kể cho mọi người nghe chơi. Nhớ lần đó ông Bảy Lấc đã kể chuyện: - Bây giờ tao sẽ kể chuyện “Xấu Hấy” cho tụi bây nghe. Nhưng tao có điều kiện. Tao kể xong thì tụi bây không được cười. Đứa nào cười thì sáng sớm ngày mốt phải phụ tao dùng gàu dai tát cái đìa ngoài lãng trống tôm cá bắt được rồi chia nhau mà ăn… Bọn thanh niên trẻ nhao nhao lên. Nhưng rồi mấy đứa đều bằng lòng. Ông Bảy Lấc bưng tách nước trà còn bốc khói uống một hớp có vẻ thống khoái. Ông bắt đầu kể: “Tục xưa, tên xấu thì dễ nuôi. Nhà nọ có 4 người con trai được đặt tên là Cút, Cu, Thiến và Ðớp. Một hôm, ông chồng đi vắng thì có ông bạn của chồng đến chơi. Người vợ thay mặt chồng tiếp đón ân cần, người bạn cũng vui lắm. Ðến bữa än, người vợ bảo thằng út: - Dọn cơm cho bác, Ðớp! Người bạn hơi phật lòng, ăn qua loa vài chén rồi đứng dậy. Người vợ bảo đứa thứ hai: - Múc nước cho bác rửa, Cu! Lần này ông bạn giận tím mặt, liền chào ra về. Người vợ ngớ người ra, không hiểu làm sao cả, bèn bảo thằng con lớn: - Dắt xe cho bác. Cút! Đến lúc này ông bạn không nhịn được, vừa đi vừa nói lầm bầm gì nghe không rõ, người vợ tưởng ông khách cần người đưa ra khỏi cổng làng. Bà bèn sai thằng con thứ ba: - Hãy đưa bác ra cổng…Thiến!” Thiên địa quỉ thần ơi! Cả bọn nghe ông kể xong thì cười bò lăn bò lộn, cười nước mắt nước mũi chảy tùm lum, cười muốn mất thở! Lúc bấy giờ trời cũng đã khuya lơ mà mấy đứa vừa nghe chuyện “Xấu Hấy” chưa đứa nào muốn về. Cứ nằng nặc đòi ông kể thêm chuyện nữa. Ông Bảy ngần ngừ một hồi, rồi bảo: - Tao đố câu nầy đứa nào trả lời được thì tao sẽ kể thêm một chuyện nữa. Còn nếu trong bọn không có đứa nào trả lời được thì vãn tuồng. Ai về nhà nấy, để tao đi ngủ lấy sức mai còn phải xạ lúa nữa. Vậy tụi bây hãy nghe đây: Con gì có tám cái chưn, hai tai, bốn mắt, cái lưng dài thòn… Rồi con gì nói đi… Mấy đứa nhỏ ngơ ngẩn, đứa nầy nhìn đứa kia như ngầm hỏi với nhau là con gì? Chừng 3 phút sau, ông Bảy bảo: - Tụi bây không trả lời được thì về ngủ đi. Đêm nay nhớ “gác chưn lên trán” suy nghĩ rồi mai qua trả lời tao nghe. Bọn nhỏ ra về trong thắc mắc. Lần sau chúng nhắc lại câu đố và hỏi ông trả lời là con gì? Ông Bảy cười ha hả: - Tao cũng không biết con gì… Bởi trên đời nầy làm gì có con đó… Bọn trẻ cũng cười rộ lên, chạy nhào tới. Đứa ôm chân, đứa kéo tay, đứa đeo cổ đánh thùm thùm vào lưng ông. Tiếng trẻ già cười vui rộn cả xóm thôn êm ả, thuở làng quê đất nước thanh bình… Cho mãi đến bây giờ. Đã mấy chục năm qua. Quê hương cách trở xa hơn nửa vòng trái đất. Nếu ai đó có nghe được chuyện “Xấu Hấy” giống như ông Bảy Lấc kể. Dù có khó tánh đến đâu họ cũng bật cười thành tiếng! Ông Bảy Lấc là người tốt bụng hay giúp đỡ chòm xóm. Làm những chuyện ích lợi cho thôn làng. Luôn giúp đỡ và chỉ vẽ những gì ông biết cho trai trẻ trong thôn. Họ thích ngồi nghe ông nói tếu, kể chuyện, cùng những lời hay, ý đẹp để khuyên đời, để răng người… “Nụ cười làm giàu người nhận, chớ không làm nghèo người cho. Ai nghèo đến nỗi không dám nhận nụ cười? Nụ cười không thể mượn/ Nụ cười không thể mua/ Nụ cười không thể ăn cắp. Bởi vì đây là một điều có giá trị kể từ khi nó được cho đi…” Rồi có khi chạnh lòng bởi một chuyện gì đó, ông chép miệng thở dài: “Đời người ngắn ngủi, hãy sống với những gì mình hiện có. Tại sao phải đeo đuổi theo danh vọng nhỏ nhặt? Dũng giả vô cuồn/ Trí giả vô địch/ Nhân giả mới là anh hùng thật sự…” Thuở đó những trai trẻ khác trong xóm nghĩ sao không biết, chớ thằng Tửng của bà Năm Tưng mặt đừ căm, khờ ịch. Vì nó thật sự không hiểu, và không biết ý ông muốn nói gì. Nhưng những câu nói thâm thúy của người đời truyền miệng, mà thằng Tửng được nghe ông Bảy Lấc nói thuở xa xưa đó, nó nhớ mãi. Bây giờ ở chân trời góc biển với nó vẫn là kim chỉ Nam. Để mỗi khi dòng hồi tưởng chợt đến trong tâm tư thằng Tửng. Dù biết rằng đời có nhiều kẻ xấu, nhưng nó cảm thấy bùi ngùi, ấm lòng khi nhớ về cố thổ. Ngoài nhớ họ hàng gia đình thân tộc nó còn nhớ thương ông Bảy Lấc. Một thôn dân chất phác, tốt bụng… ở Vàm Móc Mang, tận phương trời quê Nam xa thẳm của nó. Tệ xá Diễm Diễm Khánh An
|