Home Phiếm Các Tác Giả Hút thuốc lào

Hút thuốc lào PDF Print E-mail
Tác Giả: Sưu tầm Online   
Thứ Hai, 01 Tháng 8 Năm 2011 19:45

 Hút thuốc lào là “Thơm mồm, bổ phổi, diệt trùng lao!” hoặc điểm’ “Hút thuốc lào nâng cao sĩ diện”.


 Hút thuốc lào tại miền Bắc ngày xưa

Trong cải tạo có anh đề cao thuốc lào là “Thơm mồm, bổ phổi, diệt trùng lao!” hoặc nâng lên hàng ‘quan điểm’ “Hút thuốc lào nâng cao sĩ diện”. Người ta, dĩ nhiên là người miền Bắc, ca tụng thuốc lào một cách cuồng nhiệt:


Thuốc lào chồng hút vợ say
Thằng cu châm điếu lăn quay ra nhà
Có cô hàng xóm đi qua
Hít phải hơi thuốc say ba bốn ngày

Một thằng hút bốn thằng say
Hai thằng châm điếu ngã lăn quay
Bà già vác củi loay hoay
Rít phải hơi thuốc lăn quay xuống đồi
Ngọc hoàng thấy vậy hay hay
Vén mây nhìn xuống cũng say thuốc lào.

Bà Hồ Xuân Hương có một bài thơ ‘tả chân’ rất ‘sex’ như sau:

Mông tròn vành vạnh, đít bảnh bao,
Mân mân, mó mó đút ngay vào
Thủy hỏa tương giao sôi sùng sục
Âm dương nhị khí sướng làm sao!

Mới đọc cứ tưởng như cảnh làm tình của đôi trai gái nhưng thật ra bà tả cảnh… hút thuốc lào đấy! Trong trại tù thì chiếc điếu cầy là hình ảnh quen thuộc lúc nào cũng đi sát với người cải tạo như vũ khí bên mình, chẳng thế mà có nhiều anh ví von là đeo Bazôka!

Đến giai đoạn trại viên cải tạo được đăng ký mua hàng ngoài chợ Long Hoa thì thuốc rê là món ăn khách không thua gì đường tán. Thuốc rê còn có tên gọi là ‘bốc lăn xe’, nghe có vẻ Tây lắm nhưng kỳ thực ghép bởi các động tác bốc một dúm thuốc, lăn tròn trên giấy và xe thành điếu thuốc! Nhà văn Hoàng Hải Thủy gọi thuốc rê thời này với một cái tên thật buồn cười: “Bốc En Xe Ông Già Le Lưỡi Liếm”.

Hút thuốc rê có lợi là có thể tiết kiệm thuốc nếu quấn theo kiểu ‘loa kèn’ tựa như các mệ ngoài Huế hút thuốc cẩm lệ. Giấy cuốn thuốc rê có thể là báo cũ, mực in khi bị đốt cháy chắc sinh nhiều phản ứng hóa học khiến người hút cứ bị ho triền miên.

Sướng nhất có lẽ là những anh… không hút thuốc. Vào những ngày ‘nễ nớn’ ngoài việc được ‘ngã qua hàng thịt’, cách mạng còn phát thuốc gói, ba bốn anh chia nhau một gói thuốc. Tôi nhớ hình như thuốc Hoa Mai hay Đà Lạt gì đó. Vào thời đó, thuốc Tam Đảo, sản xuất tại miền Bắc, được coi là… số một.

Đây là ‘thời cơ’ để những anh không hút thuốc đổi thuốc lấy đường tán, thậm chí còn có anh đầu cơ thuốc lá để một khi anh ghiền hết thuốc mới ra giá… cắt cổ! Đường tán là loại đường màu vàng, có hình oval hoặc hình vuông được chế biến từ mía bằng phương pháp thủ công. Công dụng của đường, dù là loại đường sơ chế, có tác dụng giúp cơ thể phục hồi sau những giờ lao động cật lực. Có đi cải tạo mới thấy giá trị của cục đường mà hồi xưa, lúc quá đầy đủ, người ta chưa bao giờ nghĩ tới.

Nói thêm về chuyện ‘ăn uống’ trong cải tạo. Những người có ‘tinh thần ăn uống’ thường gặp nhau trong những bữa tiệc ‘hàm thụ’! Bạn tha hồ kể lại những món ngon, vật lạ mà trước đây đã từng thưởng thức… Nào là món vịt quay Bắc Kinh béo ngậy với lớp da giòn tan… tô bún bò với miếng giò heo ninh nhừ cay sặc mùi ớt… miếng phá lấu thơm lừng mùi húng lìu… đĩa gỏi đu đủ, gan cháy chỉ mới nghĩ đến thôi mà sao nước miếng cứ tiết ra ào ào…

Thời thế tạo anh hùng. Có anh với bộ nhớ tốt, cứ tối đến là mọi người tụ tập để nghe anh kể chuyện. Toàn truyện Kim Dung, từ Cô gái đồ long, Anh hùng xạ điêu cho đến Thiên long bát bộ, Lộc đỉnh ký … Người nghe im phăng phắc để đầu óc có dịp phiêu lưu về một thế giới hư ảo. Trả công cho người kể chuyện là cục đường tán, ly nước chùm bao… Hôm nào người kể chuyện ‘khó ở’ hay chưa nhớ đủ tình tiết của truyện thì được thông báo: Truyện từ Hồng Kông chưa qua kịp vì lỡ chuyến bay!

Có những đêm văn nghệ ‘bỏ túi’. Những ‘giọng hát vàng’ (dĩ nhiên là hát nhạc vàng), được phụ họa bằng cây guitar ‘cải tạo’ nhưng cũng đủ 6 giây lại còn có tay gõ muỗng giữ nhịp. Có những anh trước đây là nhạc sĩ, nhạc công tận tình phục vụ anh em để quên đi những thực tế phũ phàng trong chuỗi ngày cải tạo. Xin cám ơn các anh.

***
Từ Trảng Lớn, chúng tôi được lệnh chuyển trại lên Đồng Ban. Lên Đồng Ban mới là lao động thật sự nhưng nói chung mọi người đều ‘hồ hởi’ vì có lao động mới hy vọng ngày về. Trước tiên là vào rừng đốn cây, chặt lá về làm lán trại rồi phá đất hoang trồng khoai mì. Tại Đồng Ban vẫn còn dấu tích những căn nhà lá bỏ hoang của những người đi kinh tế mới sống không nổi nên bỏ lại để về thành phố.

Cuộc đời chúng tôi hình như gắn liền với trảng: hết Trảng Lớn rồi đến Trảng Táo. Ở Trảng Táo có đường xe lửa chạy đến ga Gia Huynh. Những lúc đi lao động dọc theo đường rầy xe lửa, hành khách trên tàu chợ thường là các bà đi buôn nên đôi khi họ ném xuống đường đồ ăn, khi thì vài cục đường tán khi thì gói thuốc rê cho những người cải tạo. Thật cảm động. Xe lửa chạy nhanh nên người cho và người nhận chẳng thấy mặt nhau, chỉ đơn thuần là tình người giúp nhau trong hoàn cảnh… lá nát đùm lá rách.

Dù sao đi nữa, chúng tôi thấy mình vẫn còn may mắn được sống trong sự đùm bọc ở miền Nam nếu so với những bạn bè học tập tại miền Bắc. Họ chịu đựng nhiều gian khổ gấp trăm ngàn lần so với chúng tôi và nhất là chịu sự lạnh nhạt của những người xung quanh. Vào thời điểm đó, ảnh hưởng của tuyên truyền về Mỹ-Ngụy vẫn còn sâu đậm trong suy nghĩ của người miền Bắc. Đó là sự thật và không có điều gì để chê trách họ.

Tôi nghĩ, cuộc đời thăng trầm tựa như chuyện Tái Ông Thất Mã. Rủi may, may rủi – họa phúc khôn lường. Hóa ra đời chỉ là một chuỗi diễn biến đan xen lẫn nhau giữa buồn-vui, vinh-nhục, thắng-bại tựa như những đợt sóng xô đuổi nhau vỗ vào bờ…

Chuyện xưa kể rằng có ông lão họ Tái bị mất ngựa, hàng xóm thấy vậy đến chia buồn, ông lão đáp: “Mất ngựa chưa chắc đã là chuyện buồn!’. Quả nhiên, ít lâu sau con ngựa bị mất trở về, lại dẫn thêm ngựa con. Hàng xóm thấy vậy đến chia vui, ông lão lại đáp: “Được ngựa chưa chắc là chuyện vui!”. Người con ham cưỡi ngựa mới nên bị té gãy chân, hàng xóm lại đến chia buồn. Ông lão nói: “Chưa chắc té gãy chân là chuyện xui xẻo!”. Quả nhiên, lúc đó làng bắt lính nhưng vì gãy chân nên đứa con ông lão họ Tái khỏi phải đi lính…

Cuộc đời cũng giống như chuyện ông già mất ngựa. Những người vượt biên trước khi được sung sướng đến bến bờ tự do cũng đã phải trải qua quá nhiều gian nan, khổ ải… Những người ở lại có cuộc sống cùng cực nhưng rồi tình hình thay đổi, họ cũng cố tìm trước mắt một tương lai để hy vọng. Buồn-vui, may-rủi cứ thay nhau đến rồi đi.

Hàn Tín xưa kia là anh đánh cá nghèo hèn đến độ phải lòn trôn gã bán thịt giữa chợ. Thế mà sau này lại là một danh tướng trong thời Hán Sở tranh hùng, có công rất lớn trong việc giúp Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ lập nên nhà Hán kéo dài suốt 400 năm. Xét cho cùng, cuộc đời ‘lên voi xuống chó’ của Hàn Tín bao gồm những nỗi nhục-vinh, họa-phúc khôn lường của một anh đánh cá hạ cấp đến vai trò của một danh tướng với những chiến thuật, chiến lược dương đông kích tây, minh tu sạn đạo…

Cuộc đời vinh quang tột đỉnh của một Hàn Tín, vị danh tướng bách chiến bách thắng, lại kết thúc bằng một cái chết oan ức bởi chính tay Lưu Bang càng làm rõ thêm những tinh túy của truyện Tái Ông Thất Mã.

Không có gì là tuyệt đối trong cuộc đời này.