Nam, Bắc |
Tác Giả: Trịnh Hội | |||
Thứ Sáu, 15 Tháng 7 Năm 2011 15:39 | |||
Nhớ lúc tôi mới đặt chân đến Hà Nội lần đầu tiên trong đời cách đây gần 15 năm về trước. Lúc ấy Hà Nội vẫn còn nghèo lắm. Chưa bị nạn kẹt xe như bây giờ. Và trên đường mỗi ngày vẫn có nhiều người dùng xe đạp, trong đó có tôi. Thú thật lúc ấy tôi rất thích sử dụng phương tiện di chuyển này. Ðặc biệt là ở Hà Nội trong những ngày lập Ðông hoặc vừa vào Xuân. Vì khí hậu lúc ấy mát hơn nhiều so với Sài Gòn, đường phố lại không quá đông đúc, ngột ngạt. Nhất là vào mỗi buổi sáng khi tôi đạp xe quanh hồ Thiền Quang trước khi rẽ sang phố Quang Trung để đến văn phòng làm việc. Có một chút gì đó rất yên tĩnh, rất thơ mộng nếu không muốn nói là lãng mạn mỗi khi tôi nhớ lại quãng thời gian này. Ðây cũng là quãng thời gian mà tôi học được rất nhiều về cách cư xử cũng như văn hóa của người Bắc. Không giống người Nam như gia đình tôi và tất cả những người mà tôi đã quen biết trước khi đặt chân đến Hà Nội. Tôi còn nhớ rất rõ nhận xét đầu tiên của tôi là sao mà những người tôi gặp họ đều có thể ăn nói... hay đến thế! Hay hơn nhiều những người Nam mà tôi gặp cùng thời. Ðàn ông, đàn bà, con trai, con gái... nhất là con gái, ai cũng có thể kể chuyện nghe rất có duyên, xử sự rất khéo. Hơn thế nữa, trong cuộc sống giao tiếp hằng ngày xem ra hình như họ biết và thích sử dụng nhiều từ ngữ hơn (mặc dù có từ tai tôi nghe lạ hoắc!) và những câu nói đùa của họ thường có vẻ châm biếm hơn, mang nhiều nét ẩn dụ hơn là của người Nam. Dĩ nhiên ở đây tôi chỉ có thể nói một cách tổng quát mà thôi vì tôi đã gặp hết đâu tất cả những người Nam có tài ăn nói. Nhưng nhìn chung đó là những cảm nhận đầu tiên của tôi về người Bắc mà về sau này khi tôi có dịp chung sống dưới một mái nhà cũng toàn là người Bắc thì tôi mới cảm thấy quả thật là mình chẳng... sai! Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các thành phần văn nghệ sĩ trước đây từ nhà văn, nhạc sĩ cho đến những MC nổi tiếng ở hải ngoại bây giờ đều là người Bắc như Nam Lộc, Nguyễn Ngọc Ngạn, Kỳ Duyên, v.v... Cũng có thể vì đại đa số mọi người trong chúng ta nhất là những thằng con trai như tôi thường thích nghe những lời nói nhẹ nhàng, dễ thương - nói theo kiểu mẹ tôi là thích nghe nói “ngọt” hơn - nên đối với riêng tôi, cách ăn nói và xử sự của người Bắc luôn là điều mà một thằng người Nam như tôi nghĩ là mình nên bắt chước học hỏi. Lúc nói chuyện họ rất nhỏ nhẹ, lưu loát. Khi giao tiếp họ rất từ tốn, lịch sự. Hay nói theo kiểu ở Việt Nam bây giờ là rất “có văn hóa.” Dĩ nhiên tôi cũng biết là (sau khi chính mình đã trải qua một số kinh nghiệm bản thân) nói “ngọt” không có nghĩa là nói thật. Và giao tiếp “có văn hóa” không có nghĩa là hành động sau lưng mình cũng y như vậy. Vì như câu nói tiếng Anh mà đám bạn tôi ai cũng học nằm lòng: “Words are cheap. Show me some action.” (Lời nói rẻ lắm. Cho tôi thấy hành động thì tốt hơn!) Lúc ấy thoạt đầu tôi cứ nghĩ sự khác biệt giữa người Nam và người Bắc là do văn hóa và quá trình lịch sử liên quan đến việc dựng nước ở miền Bắc và mở mang bờ cõi ở miền Nam. Người Nam phần đông đến từ mọi nơi, mọi ngả kết hợp từ nhiều thành phần, dân tộc khác nhau. Không như người Bắc họ “thuần” hơn và được tiếp thụ một nền văn hóa đặc trưng đã để lại từ ngàn đời. Cũng có thể đó là một trong những lý do tại sao có sự khác biệt giữa người Nam và người Bắc. Nhưng chắc chắn đó không phải là lý do duy nhất. Hay lớn nhất. Vì sau này khi tôi có dịp đi đến nhiều nơi trên thế giới thì tôi mới nhận thấy là ở đâu cũng vậy, không phải chỉ ở Việt Nam. Ðó là người ở phương Bắc luôn xử sự khác với người ở miền Nam. Từ tính tình cho đến cách ăn mặc. Từ Ý sang đến Mỹ. Từ Úc qua đến tận Phi Châu. Ở Ý những người ở phía Bắc như Milan, Rome đều thường tự cho là họ có văn hóa, lịch sự hơn những người ở miền Nam như Napoli hoặc Sicily. Ngược lại những người ở miền Nam lại thường luôn chê bai người Bắc Ý là những người chỉ biết nói khéo để thủ, hưởng lợi cho mình mà không có tính thật thà, thân mật như họ. Y chang như những gì chúng ta thường nghe giữa người Nam và người Bắc ở...Việt Nam! Nếu có dịp bay đến New York chơi vài ngày và sau đó là bạn bay ngay xuống Houston hoặc Miami để tắm biển thì bạn cũng sẽ thấy ngay sự khác biệt ở tại sân bay mà chẳng cần phải đi đâu xa. Từ cách ăn nói rổn rảng cho đến cách ăn mặc ngắn gọn, đơn giản không như người ở New York hoặc Boston lúc nào quần áo cũng bảnh bao, mạnh ai nấy chỉ biết lo việc riêng của mình, không cần hiểu một chữ tiếng Anh bạn cũng có thể cảm nhận được sự náo động và tính tình dễ dãi của những người ở miền Nam nước Mỹ. Nhưng ngược lại ở Úc thì khác. Người ở miền Nam như Sydney và Melbourne lại thường tự cho là họ có văn hóa, lịch sự hơn người ở miền Bắc như Brisbane, Darwin. Họ ăn mặc cũng chải chuốt, kín đáo hơn. Các bạn biết tại sao không? Theo quyển sách nghiên cứu nổi tiếng bán chạy nhất trong suốt hai thập niên qua là “Guns, Germs, and Steel” của Giáo Sư Tiến Sĩ Jared Diamond, những sự khác biệt về văn hóa và nền văn minh trải dài qua các thời đại ở tất cả các nơi trên thế giới chỉ đều liên quan đến một vấn đề duy nhất và lớn nhất. Ðó là thời tiết và địa lý. Ở đâu thời tiết khắc nghiệt hơn, lạnh hơn, ở đó người ta sẽ phải biết sống thủ hơn, toan tính hơn để tồn tại và phát triển. Ở đâu ấm áp hơn, gần Xích Ðạo hơn, ở đó người ta sẽ thoải mái, vô tư hơn vì lúa lúc nào cũng có thể trồng, cây cũng có thể mọc. Họ ít khi phải toan tính, lo không có gì để ăn, để sống còn như những người ở phương Bắc. Hay trong trường hợp của Úc là ở phương Nam. Và dần dần những xã hội ở hai miền Nam Bắc được tạo dựng cùng với những phong tục, tập quán của hai miền được thành hình với nhiều sự khác biệt mà chúng ta đã thấy trong tư tưởng cũng như văn hóa. (Nguồn: VOA)
|