Tiệc Cưới Tây, Tiệc Cưới Ta. |
Tác Giả: Tây Độc | |||
Thứ Tư, 06 Tháng 7 Năm 2011 20:07 | |||
Chuyện con Hà, em gái kế tôi, lấy chồng là chuyện ... dĩ nhiên, không thành vấn đề vì lớn như nó mà không chịu lấy chồng thì chờ đến bao giờ nữa. Nhưng tiệc cưới tổ chức ở đâu, nhà hàng Tây hay Ta, lại là một vấn đề lớn. Nói ngay, gia đình tôi từ trước tới giờ, chưa bao giờ tổ chức đám cưới cho ai cả. Nhà có 4 anh chị em, hai trai hai gái, đều đủ tuổi để lập gia đình mà chẳng có đứa nào chịu lấy vợ lấy chồng cả. Tôi là đứa lớn nhất nhà mà vẫn còn cà nhổng tối ngày, nói sao mấy đứa em không nằm ụ theo tôi cho được. Bố Mẹ tôi thì cứ nhìn chúng tôi mỗi ngày một ... già đi mà thêm phần lo lắng. Mà Bố Mẹ tôi có lo thì cũng chỉ thêm "nhời" khuyên nhủ, hối thúc chứ chuyện vợ chồng thì không thể ép buộc được. Cho nên trong nhà vẫn ... như cũ, sau mỗi bài giảng của Bố Mẹ tôi. Khi con Hà tuyên bố lấy chồng thì cả nhà tôi vui như tết. Người vui nhất là Bố Mẹ tôi vì thấy đã có đứa chịu "nghe nhời". Một đứa "nghe nhời" thì những đứa khác sẽ bắt chước theo, chỉ nay mai thôi. Nhưng, vui như tết thì cũng chỉ được có 3 ngày ... còn để sức mà lo tổ chức tiệc cưới nữa chứ. Vấn đề lớn là đây: tiệc cưới nên tổ chức ở nhà hàng Ta hay Banquet cuả Mỹ, và ai là người đủ chuẩn để bàn chuyện này ? Từ ngày định cư ở Mỹ, thỉnh thoảng Bố Mẹ tôi đi dự tiệc cưới, con cháu cuả mấy người quen, nhưng lần nào Bố Mẹ tôi cũng về sớm vì lý do sức khoẻ. Mấy đứa em tôi, nếu có đi dự thì vì ham vui nên chẳng để ý để tứ gì sốt cả. Còn tôi, với thành tích "8 năm dự trên 200 tiệc cưới" được xem là đủ chuẩn để bàn về chuyện tiệc tùng nàỵ Đến đây, lại có người cho rằng tôi nói phét, có ít xít ra nhiều chứ có ai mà dự nhiều tiệc cưới trong một thời gian kỷ lục đến thế. Xin thưa là lần này tôi nói chuyện nghiêm chỉnh nhất đấy. Lý do tôi dự nhiều tiệc cưới như vậy, không phải vì tôi làm nhớn nên quen biết nhiều, cũng không phải tôi làm nghề chạy bàn ở những nhà hàng nơi người ta đặt tiệc cưới đâu, mà là tôi làm nghề DJ cho các tiệc tùng đình đám. Vì làm nghề "tự do" như thế nên chuyện "ra vào" các nhà hàng coi như chuyện nhỏ, ngay cả đến chuyện thực đơn cho các buổi tiệc cưới, tôi đều rành sáu câu. Bố Mẹ tôi cũng cho là tôi có "hiểu biết sơ" về tiệc Tây tiệc Ta nên đồng ý giao công việc "tìm hiểu thêm" cho " thằng Đi Dê" (là tôi đấy), và kỳ hạn một tuần là tôi phải làm xong. Mấy đứa em tôi, ngoài con Hà ra, thì chỉ được ngồi nghe để học hỏi vì không phải chuyện cưới hỏi cuả tụi nó, xen vô làm chi. Con Hà thì tin vào kinh nghiệm "đình đám" cuả tôi nên tạm thời không có ý kiến. Nó chờ xem tôi làm ăn ra sao ? Nếu sau một tuần, tôi nói không ngọt tai nó thì lúc đó nó cho tôi về vườn cũng chưa muộn. Tóm lại, tôi nói sao thì nói, người quyết định tiệc Tây hay tiệc Ta vẫn là con Hà, người vui lòng trả tiền cho buổi tiệc đó. Tôi thấy đây là một việc có liên hệ đến danh dự cá nhân và uy tín nghề nghiệp, nên trước khi trình bầy các vấn đề liên quan đến tiệc cưới trong buổi họp gia đình sắp tới, tôi nên trình bầy ở đây xem nó như thế nào trước đã. Nếu có nhiều người phản đối, thì khi họp gia đình tôi sẽ nói bớt lại một chút cho con Hà khỏi ... sợ. Và, cũng xin nói thêm: ở đây chỉ là những ý kiến cá nhân nếu ai không đồng ý thì cười rồi bỏ qua cho. Trước hết, phải nói về khung cảnh nhà hàng hay banquet vì có câu: "bát sạch, ngon cơm" ( mặc dù có khi chả đúng tí nào. Tôi sẽ nói về chuyện này khi bàn về ăn uống.) Thường, các banquet cuả Mỹ trông vĩ dại hơn những nhà hàng Ta. Trong một banquet còn có hai ba cái room, cái nào cái nấy to như cái đình làng, chứa ba bốn trăm người bên trong như chơi. Các chủ nhân ông cuả banquet rất chịu khó bỏ tiền ra trước để trang trí các phòng ốc rồi ... tính tiền sau với khách hàng. Dĩ nhiên, trong hoá đơn họ chẳng dại gì liệt kê ba cái khoảng vớ vẫn này ra nhưng .. ai cũng hiểu ngầm là họ đã làm như vậy cả. Cho nên, điều đầu tiên tôi muốn nói là: nếu muốn khung cảnh càng đẹp càng lộng lẫy thì phải ... chi tiền càng đẹp càng mau xẹp hầu bao. Nếu tiền bạc không thành vấn đề sau này, thì được chụp hình trong các banquet Mỹ là nhất. Mấy ông thợ chụp hình, quay phim cũng thích làm cho các tiệc cưới tổ chức trong các bandquet Mỹ. Lý do: đèn đuốc ở đây sáng như ban ngày nên các ông ít khi phải "đi đâu cũng vác theo cái đèn chớp" và được về nhà sớm hơn nếu so với các đám cưới tại nhà hàng Ta ( Tôi sẽ nói thêm chuyện này ở phần Văn nghệ, Văn gừng). Khách tham dự tiệc cưới cũng hài lòng với cái parking lot rộng mênh mông của bandquet; Muốn đậu chỗ nào thì đậu, chẳng phải theo bàn tay chỉ dẫn cuả ai cả. Nói thế, chứ nhiều người lo xa vẫn thích đậu xe gần cưả ra vào cuả banquet vì sợ khi ra về "men rượu thắm buồng tim" rồi quên cái xe cuả mình "hồi chiều đậu ở đâu đây trời". Khác với cái mênh mông trong cách trang trí cuả các banquet Mỹ, lối trang trí trong các nhà hàng Ta tạo cho khách tham dự cái cảm giác gần gũi, thân mật với nhau. Không phải là tại nhà hàng nhỏ, ngay cả những nhà hàng có sức chứa ba bốn trăm người khách tham dự vẫn cảm thấy như vậy. Nhiều người còn có cảm giác như đang dự một buổi tiệc lớn trong một đại gia đình nữa. Mặc dù sự di chuyển có hơi khó khăn trong buổi tiệc, nhưng nếu mấy ông chụp hình, quay phim không than phiền thì chẳng mấy ai nên xem đó là chuyện phiền cả. Tôi có dịp tiếp xúc với một số bạn trẻ chưa có bồ, những người thích "nhường đường em qua" thì họ đều "prefer" nhà hàng Ta. Vì, chẳng mấy khi được ngồi cùng bàn, ăn cùng mâm với những người đẹp "trước lạ sau quen" nên có chật một chút cũng chả sao cả. Và, anh nào cũng có cơ hội đồng đều để tỏ ra mình là người "nốp bồ", sẵn sàng nhường đường cho người đẹp mỗi khi cần đi ra ngoài. Nếu có lỡ quá chén, thì tà tà ... đi bộ về nhà, khỏi sợ cảnh sát cho ticket vì lái xe trong lúc bị DUỊ (thường, nhà hàng Ta nằm trong khu đông người Việt cư ngụ). Còn các cô chưa "dứt khoát" cũng nhân dịp này để chấm điểm từng anh một. Anh nào "coi không được" là bi gạch tên trong sổ tay cuả nàng ngay. Các ông các bà đã có gia đình, hay các anh các cô đã có nơi thì chỗ nào "thằng chả" cũng phải "nốp bồ" cả, cứ gì phải mầu mè ở nơi public như chỗ này. Cho nên, khỏi bàn tới. Kế tiếp, xin nói về thời giờ một chút cho nó "có trước có sau". Người Mỹ nổi tiếng là ... thích nhìn đồng hồ nên chỗ nào thấy được là họ treo nó lên ngay. Trong nhà họ, nhiều khi người ta đếm được cả chục cái đồng hồ: cái treo tường, cái đặt trên bàn làm việc, cái đặt dưới đất ... Có thể nói, ở Mỹ chỉ có một nơi người ta không nhìn thấy cái đồng hồ treo tường là nhà thờ. Cho nên không lạ gì khi thấy người Mỹ làm gì cũng đúng giờ và những người làm việc với họ cũng phải chạy theo cái đồng hồ. Tiệc cưới tổ chức tại banquet Mỹ cũng không ngoại lệ: giờ khai mạc, giờ "open bar", giờ cắt bánh cưới, giờ first dance đều phải tăm tắp theo cái đồng hồ. Có điều lạ là trong dinning room cuả một số banquet Mỹ họ quên treo đồng hồ. Bởi thế, một vài tiệc cưới khai mạc trễ vì người MC cũng quên đeo đồng hồ, phải chạy đi hỏi khách tham dự. Nói chung, chỉ có giờ "open bar" và giờ chấm dứt buổi tiệc cưới là quan trọng, còn những vụ khác có thể xê dịch được. Cái vụ "open bar" này làm nhiều người phiền hà không ít. Thường thường, trong một tiệc cưới chỉ có "open bar" hai lần: trước khi khai mạc và khi "dạ vũ tân hôn", mỗi lần cách nhau tới 2 giờ lận. Nếu ai đó đã "lỡ chuyến đò" đầu tiên thì phải tỉnh thức để chờ chuyến kế tiếp. Những khách thích lai rai thì phải lo dự trữ bia bốc cho đủ cả bữa ăn, vì trong lúc ăn và vì tôn trọng cuả ăn cho nên bar sẽ "closed" và "be back soon". Nhà hàng Ta thì thoải mái hơn: chủ nhân buổi tiệc và khách tham dự không phải sợ ... cái đồng hồ. Chủ nhân cứ nhẫn nha chờ khách đến trong khi khách, nếu lỡ tới sớm, cũng lo làm ... chuyện riêng cuả họ; Có người lo ký check rồi bỏ vào phong bì để làm quà cưới. Có người lại hý hoáy viết lời chúc trên tấm thiệp mừng. Có người chỉ lo ... uống bia rồi để tâm hồn "đi về nơi xa". Nếu khách là những người không gặp nhau ... cả tuần thì họ có khối chuyện để thì thầm với nhau. Lúc này, nếu họ không nói cho nhau nghe thì chờ tới khi nào nữa. Chờ đến khi vào tiệc à ? Chớ dại như thế ! Khi vào tiệc, mấy ông DJ mở nhạc rần trời, lúc đó có hét vào tai nhau cũng chưa chắc nghe rõ mà lại kém văn minh đi. Vì những chuyện riêng tư như vậy, chủ và khách đều tôn trọng thời gian chờ đợi như nhau nên chẳng ai hối ai cả. Từ từ, đâu cũng vào đấy thôi. Những khách có kinh nghiệm "tiệc cưới", nếu không phải về sớm, chẳng dại gì mà đeo đồng hồ vì trong lúc chờ đợi mà cứ nhìn đồng hồ thì chỉ thêm phần sốt ruột, chỉ thêm nặng tay và vướng víu khi ăn uống. Khác với các banquet Mỹ, ở đây khách không cần phải "địa" xem cái bar nằm ở đâu, và khi nào nó open. Bia và nước ngọt được bầy biện ngay trên bàn tiệc, trong tầm tay với cuả khách theo đúng tiêu chuẩn: "Phân phối đến tận tay người tiêu dùng". Các cụ ông, cụ bà nếu muốn uống miếng nước ngọt chẳng phải lặn lội đường xa, và tránh được tiếng xấu: "già mà còn đi tới bar." Nói chuyện tiệc cưới mà không "tả" đến mục "ăn uống", thà đừng nói còn hơn. Cho nên, tôi kể ra dây, và theo lệ cũ, tôi xin bắt đầu từ banquet Mỹ rồi ... suy rộng ra tới nhà hàng Ta. Ở banquet Mỹ, khách ngồi vào bàn là bị hoa mắt ngay bởi sự bầy biện la liệt cuả điã, ly và "bộ ba" muổng-nĩa-dao. Nếu "bộ ba" này, mỗi thứ có một cái thì là chuyện bình thường. Nếu mỗi thứ nhiều hơn một thì làm cho khách bối rối thật sự: "món" nào xài cho món nào ? Lần đầu tiên, khi tôi bị cái bối rối này hành hạ thì anh bạn partner cuả tôi giải thích ngay như thế này: - Mày biết không, họ khôn lắm: phải sắp như thế để nhỡ khi có ai đó làm rơi những thứ này xuống đất, họ có cái khác xài ngay. Khỏi phải kêu réo om xòm. Nghe anh này giải thích, tôi thấy cũng có lý. Nhưng sau vài lần "bối rối" và chả thấy ai làm rơi muỗng nĩa gì cả thì tôi hiểu anh chàng này nói thế cho vui thôị ( Sự thật ra sao, chút nữa các bạn sẽ hiểu ). Vì có quá nhiều thứ nhỏ nhặt, lỉnh kỉnh trên bàn nên sự di động tay chân, nhất là tay, khách cũng phải giới hạn và cẩn thân tới mức tối đa để tránh sự đổ bể chén đĩa. Các anh chưa bồ, nếu được xếp ngồi bên người đẹp phải coi chừng tay chân cẩn thận hơn nữa vì trong tình yêu kỵ nhất là bắt đầu bằng sự "đổ vỡ". Chuyện "ăn" cuả banquet Mỹ có cái dỡ là "chưa gì người ta đã biết hết trơn." Nhìn cách bầy biện muỗng-niã-dao là người ta đóan được thực đơn ngay và như thế đã làm giảm đi cái thú ăn cuả nhân loại: sự ngạc nhiên. Này nhé, thấy con dao là biết sẽ có món beefsteak hay chicken gì đó, thấy cái nĩa là biết tỏng có món salad, thấy cái muỗng thì phải có món soup thôi. Nhưng ... nếu có thêm một cái nĩa nữa thì sao đây ? Dễ thôi, món tráng miệng nhất định là trái cây: dưa tây, dưa hấu, đu đủ v.v... Nếu không phải là nĩa mà là cái muỗng thì như thế nào ? Đừng có lo, món tráng miệng sẽ là "cóc teo" hay họ hàng với nhà icecream thôi. Nếu thêm một cái muỗng nữa thì phải hiểu làm sao đây?Bình tĩnh, quý vị sẽ được thưởng thức bánh cưới ngay tại chỗ. ( Xin nói thêm về cái muỗng khó hiểu này: một số banquet Mỹ không serve bánh cưới cho khách sau khi Cô Dâu Chú Rễ cắt bánh, mà họ gói lại cho khách mang về. Chả hiểu lý do tại sao ? ) Nhưng ... nếu khách có tới hai con dao thì sao ? À, cái này là lỗi cuả nhà hàng. Khỏi bàn. Nhà hàng Ta thì khác hẳn. Chả ai biết cái thưc đơn buổi tiệc nó ra làm sao cả, nếu chỉ nhìn vào đôi đũa trên bàn. Khách tha hồ mà doán đông đoán tây, nhưng ai cũng biết là có từ 8 món trở lên. Tại sao lại bắt đầu từ 8 món ? Có lẽ, chủ nhân buổi tiệc sợ rằng đãi dưới 8 món thì khách ăn không đủ no rồi hát hỏng không hay, nhảy đầm yếu xìu chăng ? Vậy thì đãi 9 món được chăng ? Cũng được thôi, nhưng theo các cụ thì như thế này: cưới hỏi thì nên kỵ số lẻ và các chữ "ly", "tách", và "biệt". Bởi thế, trong buổi tiệc khách phải gọi "ly" là cốc, "tách" là chung và khi xài chữ "đặc biệt" thì phải nói là đặc sắc. Số món ăn trong buổi tiệc cũng không nên là 5, 7, 9 v.v... vì sợ bị "khuôn" mà "lẻ đôi" sau này. Theo kinh nghiệm "đình đám" cuả tôi thì những món sau đây ít khi được khách ưa chuộng: Cua Rang Muối, Chim Cút Quay, Nghêu Xào Gừng ... Đại khái những món ăn phải dùng tay khi ăn thì khách tránh xa. Chả nhẽ giữa đình đám mà lại xăn tay áo lên làm việc thi quê quá. Những món này ngon thật nhưng "bất phùng thời" nên thường được "take home" bởi ai đó. Có một số món không có không được vì đã thành cái lệ làng rồi: Lobster, Cá Hấp, Mì Hạnh Phúc, Càng Cua Lăn Bột. Những món khác còn lại, thì phải xem chủ nhân tiệc cưới có khiếu ẩm thực hay không ? Có chủ nhân theo thực đơn soạn sẵn cuả nhà hàng, lại có chủ nhân cho như thế là xoàng bèn thế vài món trong thực đơn bằng các món khác. Có chủ nhân chơi sang đãi Bào Ngư Xào Nấm Đông Cô, cũng có chủ nhân "xài tạm" Gà Hấp Muối ... Nói chung, thực đơn tiệc cưới tại nhà hàng Ta nó thiên biến vạn hóa lắm, khó ai mà biết trước được. Cũng theo khách "sành điệu" cho hay: nếu có món Lobster thì phải xin nhà hàng cái nĩa cho bằng được. Lý do: đồ nào việc đó. Ăn món này mà dùng đũa thì có đến ... tết cũng chưa ăn hết cái càng nhỏ. Khách hảo cay thì nhắn nhủ giới đồng điệu là đi ăn tiệc cưới nên lận theo mấy trái ớt hiểm cho thêm phần khoái khẩu. Nói về "ăn uống" thì nhiêu đó cũng đủ ... chán, cho nên tôi xin tiếp tục bằng câu chuyện "văn nghệ, văn gừng." Với tôi, làm DJ nhạc ở banquet Mỹ chán phè ! Nhiều thứ chán lắm. Trước nhất, âm thanh không được mở lớn vì sợ làm phiền các phòng kế bên. Khi chờ khách đến, cũng như trong lúc khách ăn uống thì mở nhạc nhẹ cho khách khỏi bị ... chia trí. Nhạc nhẹ, nhất là nhạc hoà tấu, thì nhiều khi nhẹ quá, khách ngồi xa chả nghe thấy gì cả. Đã hết đâu, thỉnh thoảng tôi còn bị hỏi những câu rất khó trả lời: "cậu có nhạc không lời nào vui hơn không ?". Lạ thật, đã gọi là nhạc không lời thì làm sao biết được nhạc buồn hay vui. Tới phần dạ vũ thì tôi được phép "vặn" âm thanh lớn hơn một chút (nhưng nghe vẫn chưa đã). Tân Lang và Tân Giai Nhân khiêu vũ bản đầu tiên dưới ánh đèn ... sáng choang như ban ngày. Chả thấy romantic tí nào ! Các ông thợ chụp hình, quay phim làm việc dưới ánh đèn ... "không phải cuả mình", xem ra rất hài lòng. Có lẽ, vì thiếu đèn mờ nên khách chỉ khiêu vũ một hai bài cho có lệ, rồi kiếu về chăng ? Tiệc cưới Tây, khoảng 11PM thì xong hết mọi chuyện. Phần văn nghệ cuả tiệc cưới tại nhà hàng Ta thì lại vui đáo để. Chả ai than phiền là âm thanh quá lớn hay loa liếc đặt gần mình cả. Các cụ ông cụ bà, trước buổi tiệc đã được con cháu .. di tản ngồi xa mấy cái loa, nên tôi chẳng ngại gì mà không "vặn" cái volume tới mức tối đa. Cái thói quen thích "vặn" này bị giới hạn tại các banquet Mỹ đã làm tôi mất hứng rất nhiều. Đúng là "Lân múa hay là nhờ pháo, DJ giỏi là nhờ vặn-luôn-tay". Sau phần giới thiệu các nhân vật quan trọng cho phải phép, buổi tiệc bắt đầu thực sự với các món ăn được trang trí rất đẹp mắt. Dĩ nhiên là các món này phải ngon rồi. Khi khách dùng đến món thứ ba thì nên cho khách ... nghỉ mệt. Để khách "làm việc" với các món ăn hoài, coi sao được. Cho nên phải có văn nghệ Karaoke để khách được thư giản đôi chút. Tại sao lại là Karaoke ? Tôi xin dài dòng một chút về chuyện này. Tiệc cưới mà không có phần văn nghệ thì khách không được vui, mà có ban nhạc đàng hoàng giúp vui thì khách lại ... vui không trọn vẹn. Sao lại rắc rối thế ? Xin Thưa, nếu có ban nhạc thì khách không có dịp để hát hỏng vì mấy người ca sĩ cuả ban nhạc ... giành hát hết trơn rồi còn đâu. Vả lại khách, ít ai thuộc lời cuả bản nhạc, lơ mơ lên đó hát mà lại quên lời thì hỏng to. Nếu khách "dám" hát thì ban nhạc sẽ chơi dỡ đi để giữ giá cho ca sĩ nhà. Nhạc sĩ binh ca sĩ là thường tình, nên chuyện khách hát hay hơn ca sĩ cuả ban nhạc không bao giờ xẩy ra. Hát với Karaoke, khách chả cần thuộc lời nhạc và cũng chẳng sợ đứa nào "ém tài" mình. Khách cứ tự nhiên mà giải bầy tâm sự ngỗn ngang cuả mình qua tiếng hát lời ca. Nhiều khi "khách trên" cứ hát mà "khách dưới" cứ ... to nhỏ chuyện riêng. Xưa có câu: "Lính hát Lính nghe", nay tôi xin sửa lại một chút cho nó phù hợp với ... tiệc cưới: "Khách hát Khách nghe". Cũng có "ông" lại hát những bài rất não ruột như: Đồi Thông Hai Mộ, Hàn Mặc Tử, Sang Ngang, Được Tin Em Lấy Chồng ... làm họ Nhà trai đâm ra thắc mắc về sự liên hệ giữa "ông" này với Cô Dâu. Có người còn đến bắt thường tôi là tại sao lại cho khách hát nhạc buồn thế. Giời ơi, tôi làm sao mà cản được khách, ai thích bài nào thì tôi phải chiều họ thôi. Nếu chủ nhân buổi tiệc không thích nghe nhạc buồn, chỉ cần "lệnh" cho tôi trước là xong hết mọi chuyện: Tôi sẽ ... lờ đi những giấy request ghi tên những bản nhạc não nùng như thế. Cũng may, mấy "ông" có máu văn nghệ thường hay quên, nên sau một hồi lâu hổng thấy giới thiệu mình lên hát, mấy "ổng" cũng quên tiệt. Nhưng không phải ai cũng dễ tính hết. Có lần, một "ông" đến hỏi tôi: - Anh có bài Tiếng Hát Chim Đa Đa hông? Tôi đã được Bố Chú Rễ dặn kỹ, nên trả lời ngay: - Hổng có Chim Đa Đa, hát Chim Sáo được hông? - Chim Sáo hót hổng hay bằng Chim Đa Đa. - Thì hát đỡ đi mà! - Thôi, hổng có Chim Đa Đa, tui hổng hát ! Anh hổng có Chim Đa Đa mà cũng đòi làm Karaoke sao ? Khổ nào rồi cũng qua: hết phần Karaoke thì tôi cũng đỡ khổ. Tới phần dạ vũ tân hôn, nhà hàng tắt đèn ... thường và mở đèn mầu (intelligent lights). Cả không gian nhà hàng tự nhiên trông mờ ảo, huyền hoặc ra phết ( nếu nhà hàng không có đèn mầu thì ... tôi có ). Nói đến ánh đèn mầu mà quên nhắc đến khói (fog) là sơ sót lắm. Khói và ánh đèn mầu đi đôi với nhau như đàn ông với đàn bà. Khói làm tăng vẻ đẹp rực rỡ cuả ánh đèn mầu, còn ánh đèn mầu cho thấy sự nhẹ nhàng bay bổng cuả khói. Nhìn Cô Dâu Chú Rể trong điệu nhạc Slow đầu tiên (first dance) đẹp không thể tả, romantic hết chỗ nói. Phải nói là dưới ánh đèn mầu các bà các cô đẹp hơn nhiều, các ông các cậu cũng nhẹ nhàng ra. Khách càng "nhẩy" càng "thấm" và càng thấy không muốn về ... Nhưng tôi phải chấm hết bài "tìm hiểu thêm" này ở đây, vì sợ không kịp ngày trình làng. Con Hà, nó lại cho là tôi nói phét thì phiền lắm ./.
|