NÓI |
Tác Giả: Tiểu Tử | |||
Thứ Ba, 05 Tháng 7 Năm 2011 12:03 | |||
Biếm văn của Tiểu Tử Các nhà lãnh đạo chắc đã rành cái ‘‘mánh’’ nầy cho nên họ nói trước công chúng nghe xuôi rót ! Có người xấu miệng nói họ mị dân. Suy cho cùng , họ nói mà dân nghe bùi tai dân khoái cũng là điều tốt thôi ! Nhưng , cũng có những nhà lãnh đạo bước lên diễn đàn cứ tưởng mình là một…‘‘siêu sao’’ trước vô số máy quay của các đài truyền hình thế giới , nên phát ngôn bừa bãi , nói xuôi nói ngược mà không hay. Tỉ dụ như chủ tịch nước VNXHCN đã nói : ‘‘ Cu-ba thức thì VN nghĩ , Cu-ba ngủ thì VN thức. Chúng ta cùng giữ gìn hoà bình cho thế giới…’’. Nghe…nghịch nhĩ ở chỗ là không thấy lúc nào ‘‘ hai đứa ’’ cùng thức thì lấy gì ‘‘ cùng giữ hoà bình cho thế giới ’’ ? Một tỉ dụ nữa là thủ tướng VNXHCN tuyên bố một cách sung sướng : ‘‘ Toàn dân bước ra biển lớn’’. Chết cha ! Hồi năm 1975 , cả triệu người VN đã ‘‘ bước ra biển lớn’’, bộ ổng thấy chưa đủ sao mà bây giờ ồng biểu toàn dân ra đi nữa ? Rồi đất liền để lại cho ai ? Cho Tàu chắc ! Có lẽ ‘‘ thấu triệt ’’những sơ hở nầy nên các nhà lãnh đạo…‘‘ siêu cấp’’ ở các xứ cộng sản dùng một ‘‘ mánh ’’ khác : đó là nói…tràng giang đại hải để những người nghe không tài nào ‘‘ nắm bắt ’’ những gì họ muốn nói – dĩ nhiên , họ không quên lâu lâu ngừng nói để vỗ tay cho hội trường…giật mình vỗ tay theo kẻo mọi người…ngủ hết còn gì ! – Còn những người nghe cứ ngồi đừ ra đó, lâu lâu được tự do…ngáp ! Đã nói : ‘‘ NÓI ’’, không phải dễ mà ! Nói về "NÓI", ông bà mình ngày xưa dạy con cháu : " Biết thì thưa thốt , không biết thì dựa cột mà nghe ". Hay quá ! Cái gì mình biết thì mình hãy nói – dĩ nhiên là mình nói những gì mình biết tường tận , có gốc có ngọn , loại hiểu biết có…đóng dấu kiểm chứng đàng hoàng , có…phắc-tuya o-ri-gin chớ không phải đồ dỏm . Còn cái gì mình không biết thì…thọc miệng xía vô làm chi cho nó lòi cái quê cái dốt của mình ra ! Thà là mình làm thinh , lựa…cây cột nào gần chỗ người ta đang nói để "ăn chắc" là nghe cho rõ, rồi chú tâm lắng nghe mà học hỏi thêm , hầu mở mang hiểu biết. Dĩ nhiên , mình không nên "nhắm mắt nghe", bởi vì mấy…"nói sĩ " hay có tật "nổ " để chứng tỏ sự hiểu biết "minh mông thiên địa" của họ , cho nên lắm khi mấy chả cũng nói..."trật bàn đạp" mà không hay ( Mắc lo "nổ" thì làm sao… "nghe" rõ những gì họ nói ?) Nếu mình "nhắm mắt nghe", nghĩa là mình hoàn toàn tin tưởng vào những gì "nói sĩ" nói, là mình tiếp thâu..."hàm-bà-lằng" cái đúng cái sai , cái hay cái dở , mà trong đầu cứ đinh ninh tất cả là…số dách hết ! Có lẽ tại vì ngày nay có quá nhiều người "dựa cột mà nghe " theo kiểu đó nên thấy có "nói sĩ " đầu hôm sớm mai "biến" thành "Thầy" ngon lành ! Ở các xứ cộng sản , "nói sĩ " không biến thành "Thầy", mà biến thành "Lãnh Tụ". Họ không cần "Biết thì thưa thốt", bởi vì "Nói" là đặc quyền của họ , cho nên "Biết", họ nói đã đành , mà "Không biết", họ cũng…nói tuốt ! " Tiên sư thằng nào dám nói lãnh tụ nói sai !". Còn về sự "Dựa cột mà nghe" để mở mang kiến thức thì…"đếch có cần", bởi vì "Ta đã là đỉnh cao trí tuệ thì còn thứ gì mà ta phải học hỏi thêm? Rõ khỉ ! ". Nói về "Nói", đến đây bỗng đụng "lý luận Mác Lê" thành ra..."hết nước nói". Thôi ! Ngừng vậy!
|