Mấy Vần Thơ |
Tác Giả: Tây Độc | |||
Thứ Tư, 11 Tháng 5 Năm 2011 11:44 | |||
Những ngày gần đây, người ta đồn ầm lên rằng nhân vật “Ngọ” trong bài thơ “Ngày Xưa Hòang Thị” của Phạm Thiên Thư có thật ngòai đời. Có người kể rành mạch về gia cảnh của nàng. Lại có người nhận vơ “Ngọ là mình đấy!” Các cụ xem: thế có ghê chưa? Nói nào ngay, dù nàng “Ngọ” có thật và đang ở đâu, mần gì đi nữa thì có ăn nhằm gì đến tôi! Nhưng vợ tôi thì lại khác; Rằng vợ tôi thích văn nghệ văn gừng nên những gì liên hệ đến nghệ sĩ nàng rất thích thú. Bởi vậy, ta nói, sau khi nghe tin này thì vợ tôi thấy bức xức trong người, rồi nài tôi phải tìm cho ra bài thơ cùng cắt nghĩa cái đẹp trong thơ cho nàng. Tôi thương vợ hết lòng hết sức nên những gì nàng phán ra tôi phải nghiêm túc chấp hành. Ai muốn nói gì thì nói, chứ nhời vợ tôi ban ra đâu phải để tôi nghe chơi! Thì là như làm vậy, sau dăm ngày lang thang trên net, tôi đã bắt gặp bài thơ trên và tải về chứa trong ổ cứng của máy cầm-bu-tơ của mình. Rồi ngày lại ngày, có nhẽ cả dăm ngày chứ chả ít, tôi đọc đi đọc lại bài thơ trên mà vẫn chưa tìm ra được chỗ nào đẹp cả. Có nhẽ là trong người tôi thiếu chất thơ hoặc vì tôi có tí tuổi rồi đâm ra khó tính khó nết chăng? Xin trình với các cụ là tôi đã đọc và suy nghĩ về bài thơ “Ngày Xưa Hòang Thị” như thế này. Em tan trường về Hình ảnh “em tan trường về, đường mưa nho nhỏ”, với tôi, cũng thường thôi! Chả thấy gì đẹp cả, nếu không nói là thê lương! Ai đi học đều biết là lúc tan trường thì học sinh phải ra về dù, bấy giờ, giời nắng hay mưa. Nếu có Bố đến đón hoặc đi xe riêng thì chả nói làm gì, chứ phải cuốc bộ thì thật là thê lương! Mà cái mức độ thê lương này còn được đánh gía bằng ba tầm cao khác nhau nữa, dựa vào giời nắng hay mưa. Như thế này, nếu gặp lúc giời nắng, học sinh đội nón hoặc lấy cặp sách che lên đầu cho mát thì là thê lương tầm thấp. Nếu gặp bữa giời mưa, học sinh mặc áo mưa thì được đánh gía là thê lương tầm vừa hoặc tầm nhỡ. Sau rốt, và cũng là tầm cao nhất của mức độ thê lương, là học sinh quên mang theo áo mưa mà gặp lúc giời mưa, hoặc có mang theo nhưng cho bồ mượn, phải để đầu trần mà đi giữa giời. Có nhẽ, cái tầm mức thê lương này phải được tăng lên một tầm cao mới: thê thảm! Như vậy, hình ảnh nàng “Ngọ” đi trong mưa, thuở nào, đã cho tôi biết là nàng quên mang theo áo mưa và vì giời mưa nhỏ nên tôi đánh giá cái mực độ thê lương vào tầm nhỡ. Chứ có ai thích đi giữa giời mưa bao giờ? Ngay cả đến lòai chim cò còn biết “dấu mỏ, dưới cội hoa vàng” để trốn mưa kia mà. Viết đến hai chữ “chim cò”, tôi chợt nhớ đến anh bạn vàng của tôi. Khi tôi hỏi ý anh về đọan thơ này, thì anh cứ chắt lưỡi rồi đóan nhan sắc của nàng “Ngọ” phải đẹp não nùng. Đẹp đến nỗi chim thôi hót, vượn ngừng leo khi nhòm thấy nàng. Tài đóan điếc của anh, như thế là hay quá sức tưởng tượng. Chỉ đọc thơ mà phanh ra nhan sắc của nhân vật trong thơ thì chả có mấy ai mần được. Về khỏan này, nói các cụ đừng cười, sức mấy tôi theo kịp anh. Tuy vậy, tôi cũng có tư duy riêng của mình, mặc dù không dám nói với anh vì sợ anh cho là tôi quê mùa cục mịch. Rằng như thế này, giời mưa thì chim cò phải tìm chỗ đụt mưa. Chờ giời tạnh rồi muốn làm gì thì làm. Chứ thẳng cánh cò bay, giam mưa một lúc rồi ướt lông ướt cánh làm sao bay được nữa. Đấy là chưa kể lúc bay, chim cò bị cái màn mưa che mắt, không nhòm thấy rõ đường bay mà đâm sầm vào cột đèn. Vỡ đầu sứt trán, cũng nên? Chim nhớn còn phải vậy, huống chi là chim nhỏ chưa đủ lông đủ cánh, ăn chưa no hót chưa dòn thì sợ giời mưa là lẽ thường tình. Bởi vậy, ta nói, tình tiết “chim non dấu mỏ, dưới cội hoa vàng” chả ăn nhằm gì đến nhan sắc nàng “Ngọ” cả. Nếu ai còn chưa tin thì tôi xin chịu thua để nói về áo sống và dáng đi của nàng. Xin kể ra bốn câu kế tiếp: bước em thênh thang Chả hiểu sao, khi mới đọc câu “bước em thênh thang” tôi lại nghĩ lệch lạc như thế này. Là phụ nữ thường đi đứng dịu dàng, dù giữa đàng mắc mưa cũng chả dám chạy đụt mưa nữa là. Thế mà nàng “Ngọ” lại bước “thênh thang”, nghĩa là khỏang cách giữa hai bàn chân xa nhau lắm, khi nàng rảo bước. Theo tôi hiểu, dựa theo kinh nghiệm, thì chỉ có hai trường hợp đã khiến nàng bước “thênh thang” như làm vậy: Một là nàng có đôi chân vòng kiềng, nói cho có chữ một tí là “dạng chữ bát”; Hai là chân của nàng phải dài lắm. Nhưng cũng là may, tôi kịp nhớ ra rằng nàng “Ngọ” đi giữa giời mưa, lại để đầu trần, nếu không bước “thênh thang” như làm vậy thì ướt hết áo sống rồi còn gì? Khéo khen là nàng còn đủ bình tĩnh để rảo bước, chứ vào tay tôi thì đã chạy từ khuya. Nói thì nói vậy, chứ lý do để nàng “Ngọ” bước “thênh thang”, với tôi, vẫn còn là một nghi vấn nhớn! Lại đọc đến câu: “áo tà nguyệt bạch” thì tôi đâm ra bần thần cả đầu óc. Vì rằng “Nguyệt” là trăng; “Bạch” là trắng. “Nguyệt bạch” nghĩa là “trăng trắng”. Trăng mà mầu trắng sao? Nói thật với các cụ là, từ xưa đến nay, tôi chỉ biết trăng mầu vàng vì vẫn nghe hát rằng “Hỡi cô tát nước bên đàng, sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?”. Chứ chưa nghe “ánh trăng mầu trắng” bao giờ cả. Thế thì “nguyệt bạch”, ở đây, phải hiểu ra răng? Thật là khó làm sao! Hay là như thế này: “trăng trắng” là mầu trăng trắng, nghĩa là mầu cháo lòng? Áo nàng “Ngọ”, ngày xưa, mầu cháo lòng? Theo như lời kể của ông gì đó thì bố nàng là nhà thầu khóan, nhà cửa khá giả thì giả thuyết nàng mặc áo cũ, mầu cháo lòng không đứng vững được. Vất đi! Hoặc là như sau, có được chăng? “Nguyệt” là trăng, “bạch” là trắng. Trăng thì phải tròn mới thấy đẹp, chứ khuyên khuyết thì chả ra làm sao cả! Vậy thì nguyệt là trăng, rồi từ trăng ta suy ra là tròn. Và cả câu “tà áo nguyệt bạch” có nghĩa tà áo trắng hình tròn. Từ đây, tôi suy ra là nàng “Ngọ” mặc áo sơ-mi có cái tà được cắt hình bán nguyệt, còn gọi là vạt bầu, và nàng không bỏ áo trong quần nên người đi theo mới nhòm thấy cái tà “nguyệt bạch”? Đã nhỡ nhắc đến người đi theo, nhân chứng về cái “tà áo nguyệt bạch”, thì tôi xin nói luôn một thể cho tiện. Và đây là cảnh ba màn cũ, nàng “Ngọ” vẫn còn đi trong mưa anh đi theo hoài Cái anh này cũng là dân nhà giầu đây, chứ chả chơi. Cứ nhòm thấy đôi giầy dưới chân anh thì đã rõ. Bấy giờ, nói nào ngay, tôi chả bao giờ đi giầy đến trường cả. Là vì nhà tôi nghèo, không đủ tiền sắm giầy theo kiểu cọ và mầu sắc. Tôi chỉ có một đôi giầy cũ, từ năm thìn qua năm ngọ, và chỉ xỏ một lần vào buổi sáng ngày mùng một Tết, gọi là, rồi thì đem cất. Tôi sợ cái đế giầy bị mòn. Nom xót ruột lắm! Vả lại, giời nắng chang chang, mặc áo may ô bên trong áo sơ-mi đã thấy nực nội mặc dù, đôi khi, có gió thổi hiu hiu xuyên qua các khe mở làm người thấy mát mẻ một tí. Chứ còn đi giầy, dĩ nhiên là có mang bí-tất hẳn hoi, kín bưng bưng, gío máy cũng phải chịu thua. Nó chả có cách nào chui qua lớp da giầy, xuyên qua màn bí-tất mà chạm vào bàn chân tôi cả! Cái chân, vì thế, bị hầm và người thấy khó chịu làm sao ấy. Thế mà anh này, khi đi theo nàng “Ngọ” lại mang giầy hẳn hoi. Chả phải là đôi khi mà là mỗi ngày “anh đi theo hoài “ đấy. Rõ anh là con nhà giầu và đi giầy quen chân rồi. Chi tiết “gót chân thầm lặng” ở đây đã gây cho tôi một nghi vấn khác: đôi giầy của anh có đế “kết”, mềm mại, đi trên đường tráng nhựa hoặc xi-măng mà không gây tiếng động cồm cộp, hoặc giã con đường nàng “Ngọ” tan trường là con đường đất? Tạm thời, tôi chưa suy nghĩ ra cách giải quyết nên đành đọc tiếp vậy. “Đường chiều úa nắng, mưa nhẹ buâng khuâng.” Nói nào ngay, nắng và mưa là “hai khía cạnh cuộc đời”. Giời có khi nắng, lại có lúc mưa. Nói khác đi là có nắng thì không có mưa và ngược lại. Chứ ít khi nắng và mưa đề huề với nhau như ở đây. Kể ra cũng lạ. Mà nói thì nói vậy thôi, chứ chuyện lạ xẩy ra hằng ngày mà tôi không biết đấy thôi. em tan truờng về Đến đây thì tôi rõ là con đường nàng “Ngọ” tan trường về, năm nao, là con đường đất hẳn hoi. Chả trách nào mà “gót giầy” của anh chàng theo “Ngọ” đã “thầm lặng“, không gây tiếng động gì hết! Con đường đó còn có “lau lách” nữa chứ! Tôi chợt nhớ đến bài hát “Sương Trắng Miền Quê Ngọai” với câu “Lội bùn dơ băng lau lách xuyên đêm” và tự hỏi là “lau lách” trong bài hát và “lau lách” trong bài thơ có giống nhau chăng? Nếu giống nhau thì con đường nàng “Ngọ” đi, năm nao, phải bùn lầy và dơ lắm đấy? Và tôi, kẻ hậu sinh, cũng thấy thương nàng lắm vì con đường đó là “con đường chiến binh”, không dành cho dân sự đi lại. Thương hơn nữa là nàng “ôm nghiêng cặp sách” chứ chả phải súng ống gì, khi “băng lau lách”. tay nụ hoa thuôn Xe cộ chạy mãi sao được? Cũng có lúc phải đỗ lại cây săng để đổ săng chứ. Con người cũng thế thôi: đi bộ mãi thì có ngày mỏi chân, phải dừng lại. Và nàng “Ngọ” đã dừng lại để anh chàng “đi theo” có cơ hội “dừng đi”, đỗ ngang nàng “Ngọ” mà mặt đối mặt trò chuyện. Tưởng rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp như mơ. Ai ngờ, giữa lúc cực kỳ nghiêm túc ấy, thì nét mặt nàng “Ngọ” ra vẻ khó chịu lắm và đưa tay gãi đầu gãi tai. Thế có chết người chưa? Nói dối phải tội, tôi tư duy như thế là vì hai câu: “tay nụ hoa thuôn, vương bờ tóc suối” đã tiết lộ sự cố này. Anh chàng đi theo, vốn con nhà giầu, thường xài dầu gội đầu hiệu xịn muốn ngỏ ý giúp đỡ nhưng chả biết “biết nói gì đây” vì chuyện ngứa ngáy đầu cổ là chuyện cực kỳ bí mật của phụ nữ. Nói tơ lơ mơ là cái quan hệ bạn bè đi đứt, chứ chả chơi. Cho nên là “tìm lời mở nói,lòng sao ngập ngừng” là vậy. lòng sao rưng rưng Hôm sau, anh chàng đi theo cũng chả dám mách cho nàng “Ngọ” cái hiệu dầu gội đầu. Không nói ra thì thương nàng bị ngứa đầu mãi mà nói ra thì lại tội cho mình nên chàng cứ “nhìn em ngại ngần”. ... Nói chung là đến đây, cả chục câu thơ rồi, tôi chưa tìm ra cái đẹp nào cả. Chết thật! Thế này thì lại khổ tôi rồi!
|