Home Phiếm Các Tác Giả Cái rốn của vũ trụ

Cái rốn của vũ trụ PDF Print E-mail
Tác Giả: Trịnh Nhật   
Thứ Ba, 10 Tháng 5 Năm 2011 20:44

Khi thấy người nào ăn nói hợm hĩnh, vẻ mặt dương dương tự đắc thì người Việt ta thường nêu nhận xét, bình phẩm:

'Nó tưởng nó là cái rốn của vũ trụ'. Tây thì họ cũng có nhận xét, bình phẩm như thế nhưng họ không nói thanh tao, văn vẻ bằng mình, mà nói nghe sống sượng, phũ phàng hơn: 'Nó tưởng cứt của nó không thối' (He thinks his shit does not stink).

Người Việt ta khi nói đến cái rốn trong trường hợp này là ta đã dùng nghĩa ẩn dụ (metaphorical sense) của nó để chỉ cái trung tâm, cái tụ điểm, cái nằm ở giữa. Nói trắng ra là cái rốn có cái tầm quan trọng vô cùng. Tây thì họ lại không nghĩ thế. Khi nói đến chuyện ngồi ngắm rốn (navel-gazing) là họ nói đến trạng thái nhàn rỗi, ăn không ngồi rồi, không có việc gì làm, nên ai đó mới vạch rốn mình ra mà ngắm. Mà nói khác đi là cái rốn là cái gì chán ngắt. Khi nói ai ngồi 'ngắm rốn' (contemplating one's navel) là có ý chê bai, có ý chửi khéo.

Người Việt ta khi ngồi rỗi thì không có thói quen ngồi ngắm rốn, nhưng khi ngồi buồn thì cũng 'gãi háng dái lăn tăn' như cố Thủ Tướng Trần Văn Hương của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trước đây đã có lần nói. Nhưng nói gì thì nói, đấy là đàn ông, con trai họ gãi, chứ đàn bà, con gái ngồi buồn có gãi không? và nếu gãi thì gãi ở đâu? Chuyện này tuyệt nhiên không thấy ai nói đến, kể cả đến nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương cũng không chịu tiết lộ.

Nếu trong quá khứ ngắm rốn 'mình' mà bị chê, bị chửi thì nay ngắm rốn 'mình' cũng vẫn bị chê, bị chửi như thường. Nhưng ngắm rốn 'người' lại là việc làm đáng khuyến khích. Mới đây hiện tượng ngắm rốn, đặc biệt là ngắm rốn thiên hạ, mang một tầm mức quan trọng trong xã hội phương Tây. Rốn đột nhiên xuất hiện, phơi bầy ở khắp mọi nơi, ngoài đường phố, trong siêu thị, đâu đâu người ta cũng thấy những rốn là rốn.

Các nhà sản xuất 'mốt', vẽ kiểu thời trang đã để cho những cô gái mới dậy thì, để cho phụ nữ có thân hình thon thả, mảnh mai được dịp mặc quần, mặc váy xệ xuống dưới rốn, được dịp mặc áo ngắn cũn cỡn, có khi lên gần sát tận ngực, để lộ cái rốn ra, để lộ rốn ra đã đành, nhưng đâu phải chỉ để lộ ‘xuông’ có cái rốn, nhiều rốn còn được đeo khoen, đeo nhẫn xanh xanh đỏ đỏ để thu hút sự chú ý của người ngắm nữa chứ! Nay thử hỏi ai dám bảo là rốn không phải là trung tâm của vũ trụ?

Thật ra, cái rốn đã được người Châu Phi quan tâm, để ý đến bắt đầu từ thế kỉ thứ tư trước Công Nguyên, tức là cách đây 24 thế kỉ, có thể là khi vũ điệu múa bụng (belly dancing) mới ra đời. Người Ai Cập kể từ hồi đó đến giờ đã biết đeo đính đủ loại khoen, nhẫn hoặc quấn quanh rốn bằng đủ loại dây lưng có dát vàng bạc, châu báu, ngọc ngà hầu trang điểm, làm đẹp cho nó.

Ở Úc-đại-lợi thì mãi cho đến thập niên 1960 người ta vẫn còn bảo thủ, chưa dám cho phụ nữ của họ có cơ hội phơi bầy cái rốn của mình nơi công cộng. Vào thời kì đó bất cứ phụ nữ nào mặc áo tắm hai mảnh 'bikini' để hở bụng, hở rốn trên bãi biển là sẽ bị thanh tra bãi tắm mời đi chỗ khác chơi liền. Vì hội đồng hành chánh địa phương nghĩ đàn bà để rốn như thế là loại đàn bà, phụ nữ dâm đãng, thiếu thẩm mĩ, phạm thuần phong mĩ tục.

Ở Mĩ, người ta cũng có thái độ tương tự. Loạt phim truyện truyền kì trên truyền hình Mĩ vào thập niên 1960 có tựa đề là 'I Dream of Jeanie' (Tôi Mơ tưởng đến Nàng Jeanie) là một trường hợp điển hình. Truyện kể về một vị nữ thần trẻ đẹp bị nhốt chặt trong một cái chai, và về sau được một phi hành gia Mĩ giải cứu. Trong phim truyện cô mặc quần áo khá khêu gợi, kiểu dành cho vũ nữ múa bụng, nhưng giới chức kiểm duyệt phim thời đó chỉ cho phép cô được mặc quần áo đó với điều kiện là không được để hở rốn. Có điều áo may cắt khéo đến nỗi làm cho người ta có cái ảo tưởng là vẫn trông thấy rốn.

Người Việt Nam không có ai cố ý để hở rốn, nhất là không may có cái rốn lồi. Nếu con cái trong nhà vô tình có đứa nào mặc quần mặc áo để lòi rốn ra ngoài, thì y như rằng đứa đó cũng được bậc cha mẹ nhắc nhở là phải che đi, đậy lại, kẻo không khí, gió trời sẽ lọt vào bụng làm đau bụng. Khi bụng đau, rốn được xoa dầu nóng. Khi rốn bẩn vì ghét đóng, rốn sẽ được nậy ghét, được rửa sạch. Tính chất vô duyên, vô dụng của cái rốn đã được trẻ em Việt Nam nhận xét như sau: 'Rốn là để bôi dầu!'. Rốn mà được bôi dầu là điều vạn hạnh, chứ rốn mà để cho chuồn chuồn cắn hòng mong được biết bơi thì mới là đại bất hạnh. Nhưng tầm quan trọng, linh thiêng của cái rốn là ở câu 'nơi chôn nhau cắt rốn'. Qua câu nói đó, cha mẹ Việt Nam đã khuyên con cái phải nhớ quê hương mình, tức là nhớ đến nơi đã chôn cái nhau nuôi dưỡng mình khi còn trong bụng mẹ, nơi cái rốn của mình đã được bà mụ khéo tay cắt dùm.

Không hiểu theo truyền thống 'rốn hở bụng đau', theo quan niệm 'rốn là để bôi dầu', cộng thêm với nhu cầu bảo vệ 'công dung ngôn hạnh' cho người phụ nữ, các cô gái Việt mới lớn, bụng thon mông nở, có sẽ để rốn phơi phới giữa phố phường Sài Gòn, Hà Nội hay không? Chúng ta chắc phải để hạ hồi phân giải.

Có điều là ở Sydney bỗng một sớm một chiều, đàn ông, con trai bị choáng ngợp bởi lỗ rốn. Từ một cái gì nhỏ nhoi, tầm thường, không quan trọng, nay rốn thi nhau chường ra, chĩa vào mặt, dí vào mắt, nhìn sang bên phải thấy rốn, quay qua bên trái lại thấy rốn. Các nhà sản xuất 'mốt', vẽ kiểu thời trang phụ nữ đã giúp cho đấng mày râu có cơ hội khỏi phải ngắm rốn 'mình', mà chỉ tập trung vào ngắm rốn 'người'.

Cứ theo cái đà này thì người ta có thể tiên đoán là những kẻ coi mình là 'cái rốn của vũ trụ' sẽ không những không có đất dụng võ, mà còn bị xã hội ruồng bỏ, bạn bè chê… vì bầu không khí bao quanh họ bị ô nhiễm bởi khí Hydrogen Sulfide (H2S), có mùi thum thủm.

Trịnh Nhật

Sydney 25-9-1999

Kỷ niệm ngày sinh nhật của 'Rốn Lồi'

www.khoahoc.net