Cuộc Chiến Việt Nam KHI ĐỒNG MINH THÁO CHẠYPhần IV - Chương 14 RƯỚC CỦA NỢ HAY ĐƯỢC CỦA CÓ? Ai không muốn di tản người Việt? Đám đông cứ ùn ùn leo tường vào toà đại sứ Mỹ, cảnh rối loạn đã bắt đầu trông thấy. Lại có tin đồn toà đại sứ sắp bị pháo kích đêm nay. Bao vấn đề đang diễn ra ngay trước mắt. Lúc đó là một giờ sáu phút ngày 29-4- 1975. Trí óc Đại sứ Martin rối bời. Giải pháp chính trị cho Miền Nam mà ông đã theo đuổi cả tháng nay vừa tan biến như mây khói khi phi trường Tán Sơn Nhất bị pháo kích. Cho tới lúc này, ông vẫn còn ôm một hy vọng thầm kín, đó là nếu tướng Dương Văn Minh thành công thì Toà đại sứ Mỹ vẫn có thể còn được duy trì ở Sài gòn, tuy chỉ là một toà đại sứ nho nhỏ. Đang khi hình ảnh phi trường Tân Sơn Nhất lởn vởn trong đầu ông, một người tuỳ viên vội bước tới: "Thưa ông Đại sứ, có điện từ văn phòng Tổng thống Ford". Ông Martin vội vàng mở ra đọc. Sau bao nhiêu yêu cầu, gần như năn nỉ, ông đang chờ đợi Tổng thống cho thêm trực thăng để di tản số người Việt đã vào đầy toà đại sứ (1). Ai ngờ lại là chuyện trời ơi đất hỡi: Đổng lý Văn phòng Donald Rumsfeld (đương kim Tổng trưởng quốc phòng của Tổng thống George W. Bush) không nói gì tới việc gửi thêm trực thăng lại còn yêu cầu ông Đại sứ cho người tới cao ốc hãng IBM để bốc đi trên một trăm nhân viên và gia đình họ, rồi dùng trực thăng sẵn có để cho di tản (2). Martin bực tức chửi thề và lờ đi, không trả lời. Sắp tới giờ thứ hai mươi tư rồi. Theo kế hoạch của Washington thì đáng lẽ chính ông Đại sứ cũng đã phải ra đi từ mấy hôm trước. Nhưng ông Martin đã cố tình níu lại, ông câu giờ để giúp di tản thêm người Việt nam càng nhiều càng hay, và phần nào ông vẫn còn hy vọng vào một giải pháp chính trị để Mỹ ra đi đỡ mất mặt. Những kế hoạch chung quanh việc di tản người Mỹ và Việt nam đợt đầu đã được giữ hết sức bí mật, rồi lời nửa kín nửa hở, tới lúc hở ra là giây phút tranh giành, trèo tường toà đại sứ, lộn xộn, gần như hỗn loạn. Để tìm hiểu thêm về cuộc di tản, chúng tôi đã tới tận nhà Đại sứ Martin để thăm viếng và yêu cầu ông kể lại cho rành mạch những gì đã xảy ra bên trong Toà đại sứ vào những ngày giờ cuối. Ông Đại sứ cuối cùng Chúng tôi đến thăm ông vào một buổi chiều mùa hè năm 1985, mười năm sau lúc gặp ông lần cuối ở Sài gòn. Về hưu, ông cư ngụ và chăm sóc mấy cháu gái tại Winston-Salem, một thành phố nhỏ thuộc North Carolina. Ông sinh ngày 22 tháng Chín năm 1912 trong một gia đình sùng đạo ở Mars Hill một làng nhỏ cũng ở tiểu bang này. Cha ông là một mục sư đạo Baptist. Đạo này rất thịnh ở miền Nam và là một đạo giáo rất nghiêm ngặt, đặc biệt là về rượu chè. Có nhiều quận gọi là "dry counties" (những quận khô) vì Chủ nhật không được bán bia, rượu. Cha ông cấm ông uống rượu nhưng ông lại rất thích uống "Martini". Tuy nhiên khi nào uống thì ông cũng thú thật vì cha ông đã dặn: "Nếu ta luôn nói sự thật thì không bao giờ cần nhớ xem mình đã nói gì" (3). Ông còn giữ nhiều mật điện quan trọng về liên lạc Việt-Mỹ vào giai đoạn kết thúc. "Tôi muốn nói ra đợt cuối cùng về những gì đã xảy ra" ông tâm sự. North Carolina là tiểu bang quen thuộc vì có đại học North Carolina Wesleyan College là nơi chúng tôi bắt đầu giảng dạy môn kinh tế học từ tháng Tám năm 1963. Carolina cũng là gạch nối giữa tôi với ông Martin khi ông làm đại sứ tại Việt nam. Mỗi khi gặp ông, tôi thường bắt đầu bằng những câu chuyện vui về dân tình, phong tục và đời sống North Carolina, về những trận đấu bóng giữa Đại học Virginia, trường tôi học, về Wake Forrest College, trường của ông. Bây giờ ông đã về hưu, không còn trách nhiệm nữa, không còn lo nghĩ nữa nên thấy ông thoải mái và tươi tắn hơn lúc còn ở Sài gòn, dù đã già đi nhiều. Vào làm việc cho Chính phủ từ năm 1933, ông thăng tiến nhanh và giữ nhiều chức vụ quan trọng. Trước khi nhậm chức tại Việt nam, ông làm Đại sứ ở Thái Lan từ năm 1963. Lúc đó ông đã chống việc Mỹ mang quân vào Việt nam. Tới năm 1966 đang khi nhiều thanh niên Mỹ biểu tình chống đối, người con nuôi mà gia đình ông vô cùng yêu quý, cậu Glenn sang Việt nam và tử trận khi lái trực thăng trên vùng cao nguyên. Có lẽ vì vậy mà ông đã đổi hẳn thái độ. Mười năm trước khi trở lại viếng thăm ông, sáng ngày 15-4-1975 tôi gọi điện tạm biệt ông để lên máy bay đi công tác tại Washington. Trước khi chấm dứt cuộc điện đàm, tôi hỏi: "Ông Đại sứ nghĩ thế nào về tình hình khẩn trương lúc này?" "Tôi nghĩ chắc sẽ có một thời gian nữa hầu có thể đi tới giải pháp chính trị". "Ông nghĩ tôi nên làm việc tại Washington độ bao lâu?" "Khoảng một tuần…" "Tạm biệt ông Đại sứ". "Chúc ông đi bình an, khi trở về nhớ gọi tôi ngay, tôi rất muốn gặp lại ông sớm". Ông tiếp tôi và anh bạn Jerold Schecter (đồng tác giả cuốn "Hồ sơ mật Dinh Độc Lập") một cách cởi mở, khác hẳn phong thái ngày trước. Lúc ở Việt nam, trông ông lúc nào cũng dè dặt, kín đáo, thầm lặng. Người ta cho là ông còn lạnh lùng hơn Đại sứ Ellsworth Bunker, người được gọi là ông "Đại sứ tủ lạnh". Tống thống Thiệu thì gọi ông bằng một bí danh: "Ông Cà phê". Ngày trước ở Sài gòn có cà phê Pháp "Martin" nổi tiếng. "Đại sứ còn nhớ dặn tôi gọi lại khi về tới Sài gòn không?" Ông nhìn tôi với đôi mắt đăm chiêu, xa vắng. Nhắc lại câu này dường như đã khơi lại cho ông những ngày giờ kinh hoàng của 10 năm về trước. Với những cảm xúc ấy chắc cũng chưa bớt đi mức độ nóng bỏng đối với ông. "Tôi đâu có ngờ tới một kết thúc thảm thương như vậy". Chúng tôi bắt đầu câu chuyện "phỏng vấn" thân mật. Ông tâm sự nhiều về những khía cạnh chính trị, ngoại giao, và về cuộc chiến Việt nam. Khi nói tới cuộc di tản, ông thở dài rồi bỗng nhiên im lặng: "Thôi thì ít nhất tôi cũng đã làm được một chút gì cho nhân dân anh". Ông muốn nói tới những cố gắng vượt mức vào ngày giờ chót để giúp một số người Việt di tản, nhiều hơn gần gấp ba số người Washington định cứu. Ông nói là trong cuộc đời, ông cũng từng có nhiều kinh nghiệm về di tản: "Ngay từ 1939 tôi đã nghiên cứu xem những lý do nào đưa tới tình trạng hỗn loạn của cuộc di tản những đoàn người từ Paris xuống Bordeaux. Rồi đầu thập niên 1950, vì có trách nhiệm bao trùm cả khu vực Âu châu nên tôi phải tham dự EUCOM và SHAPE trong kế hoạch phòng hờ để di tản người Mỹ khỏi Âu châu. Vì vậy tôi đã hiểu là ở trong hoàn cảnh còn yên ổn thì một chiến dịch di tản cũng đã phức tạp đến chừng nào, mà sự yên ổn đó đâu có còn kéo dài được bao lâu nữa ở Sài gòn lúc ấy, trừ khi có những biện pháp đề phòng lối đa nhằm tránh sự hỗn loạn". Tranh đấu cho Miền Nam Một trong những biện pháp đề phòng là lấy cảm tình của người Việt nam. Về việc này ông đã bắt đầu ngay từ khi mới đến Sài gòn. Ông được bổ nhiệm làm Đại sứ vào tháng Bảy, 1973, sau Hiệp định Paris. Lúc đầu ông Thiệu rất dè dặt. Với bản tính đa nghi, nghe thấy nói ông Martin là người đã chống việc đem quân vào Việt nam, ông Thiệu phân vân không biết rồi ông này có phải là một Henry Cabot Lodge thứ hai hay không. Đại sứ Lodge là người đã đứng đằng sau cuộc đảo chính ông Diệm năm 1963. Khi Martin nhậm chức vào hè 1973, tình hình bang giao Việt-Mỹ lại rất căng thẳng. Ông Kissinger lại vừa mới kiêm chức Ngoại trưởng. Tuy nhiên, sự nghi ngờ của ông Thiệu đối với vị tân đại sứ đã sớm tiêu tan. Chỉ sau ba bốn lần tiếp xúc, ông Thiệu nhận ra rằng Martin là một người ủng hộ Việt nam. Lý do chính là ông muốn bảo vệ uy tín của Hoa kỳ: không nhẽ mang trên nửa triệu quân vào chiến đấu mà lại để Miền Nam sụp đổ quá nhanh. Mặt khác ông cũng không muốn trở thành người phải "đổ vỏ" ốc. Những viên chức khác làm hỏng đại sự, đến lượt ông lại phải thực hiện công tác dẹp tiệm sao? Hút thuốc lá liên tục và làm việc rất khuya tại căn phòng nhỏ ở tư thất, ông là người sống nhiều về nội tâm, lúc nào cũng chững chạc, dè dặt. Ông rất ít giao thiệp với các Đại sứ khác, trừ Đại sứ Pháp Merillon. Hai toà đại sứ lại ở sát bên nhau. Lúc nào ông Martin cũng trầm lặng, lủi thủi một mình. Nhân viên toà đại sứ khó tới gần ông và đã chỉ trích ông rất nhiều. Vừa nhậm chức thì Đại sứ Martin đã có tin Quốc hội bàn cãi việc cắt viện trợ cho Miền Nam. Thế là một mặt ông tìm mọi cách trấn an ông Thiệu, một mặt ông không ngửng biện hộ cho Việt nam cộng hoà tại Washington. Vào thời điểm đó, ông là một trong vài viên chức Hoa kỳ duy nhất còn nghĩ tới Miền Nam. Là bạn của Tổng thống Nixon, ông đã được Nixon phục chức cho ông trong ngành ngoại giao. Năm 1967 lúc còn làm Đại sứ ở Thái Lan, ông bị Ngoại trưởng Dan Rusk cho về ngồi chơi xơi nước vì quá bướng bỉnh, chống việc Mỹ mang không quân vào Thái Lan. Một năm sau thắng cử, Nixon đề bạt ông làm Đại sứ tại Ý. Ông tin là quan hệ cá nhân của ông với Tống thống giúp ông yểm trợ Việt nam trong thời hậu chiến. Đầu hè 1974, khi thấy viễn tượng Nixon phải từ chức đã rõ, ông hết sức lo âu. Từ tháng Sáu 1974, thỉnh thoảng ông mời tôi dùng cơm trưa tại tư thất để bàn về những vấn đề xoay quanh viện trợ Mỹ. "Hay là để tôi đề nghị Tổng thống Thiệu gửi ông sang làm Đại sứ ở Washington để cùng làm việc với tôi", có lần ông gợi ý. "Chắc không đâu, vì tôi đã ở Mỹ quá lâu rồi", tôi chối ngay. Biết là chúng tôi đã có gặp gỡ thượng nghị sĩ Kennedy lúc còn ở đại học, lại là cựu sinh viên của Schlesinger, Tổng trưởng quốc phòng và có quen biết gia đình Mục sư Elson, Tuyên uý Thượng Viện Mỹ, nên ông Martin đề nghị là dù không trở về Washington tôi cũng nên bắt tay với ông tranh đấu cho viện trợ. Tháng Bảy, 1974 ông về Washington cố thuyết phục Quốc hội Hoa kỳ. Trong một buổi điều trần, ông đã trình bày một hình ảnh lạc quan về Việt nam, và bị nhiều người chỉ trích (4). Sau khi Miền Nam sụp đổ, năm 1976 ông lại ra điều trần tại Quốc hội, vẫn không thay đổi lập trường. Lúc chúng tôi gặp lại ông mười năm sau, ông còn nhắc lại: "Nếu không bị cắt hết viện trợ thì Miền Nam vẫn còn khả năng tồn tại, dù là một Miền Nam thu hẹp" (4). Vào lúc Miền Nam sụp đổ, trước hết ông đã ra chỉ thị cho George Jacobson, Phụ tá đặc biệt về điều hành ở Toà đại sứ là phải dùng toàn bộ phương tiện tài chính, máy bay, tàu, sà lan của toà đại sứ ở khắp mọi địa điểm để giúp cả quân lẫn dân di tản từ Đà Nẵng và Nha Trang (5). Sau đó đã tránh sự hỗn loạn có thể xảy ra ở Sài gòn (xem Chương sau). Đồng thời đã giúp tị nạn một số người Việt đợt đầu tiên, gần gấp ba lần Washington dự tính. Tại những ngày cuối cùng, khi được lệnh phải di tản người Mỹ, ông chần chừ kéo dài thời gian di tản người Mỹ vì biết rõ là một khi người Mỹ cuối cùng đã ra khỏi miền Nam thì chẳng còn người Việt nào được bốc đi nữa. "Đại sứ giữ tài liệu mật bị điều tra", đó là đầu đề của tờ Washington Post ngày 13 tháng Chín, 1978, gần ba năm rưỡi sau khi Miền Nam sụp đổ. Bài này nói về việc Đại sứ Martin giữ lại toàn bộ tài liệu mật đã được lưu ở toà đại sứ tại Sài gòn. Căn nhà ông ở tương đối cũng nhỏ, ít chỗ lớn để xếp đồ đạc, nên khi về hưu, ông đã để một số hộp hồ sơ trong thùng xe hơi đậu trước nhà. Đến khi xe bị mất trộm, ông báo cho cảnh sát North Carolina. Lúc cảnh sát tìm được và mở thùng xe ra thì lại thay toàn là tài liệu đóng dấu "Tối mật" (Top Secret). FBI phóng xe đến điều tra ông. Khi đăng tin này, toà báo có phỏng vấn ông Frank Snepp tác giả cuốn "Decent Interval" về ông cựu Đại sứ. Ông Snepp trả lời: "Ông ta nói với tôi là ông muốn giữ lại những tài liệu này để có thể nói lời cuối cùng về Kissinger". Thế nhưng, chưa kịp nói thì ông Martin đã từ trần. Thật là một may mắn mà tôi được gặp lại và nghe những lời thổ lộ từ tâm huyết của vị Đại sứ Mỹ cuối cùng ở Miền Nam và được ông cung cấp một số tài liệu lịch sử. Ai là người được chọn? Khi Pháp rút lui hồi 1954, dù Mỹ không dính dáng trực tiếp vào chiến tranh Đông Dương thì cũng đã giúp di tản được một triệu người từ Bắc vào Nam một cách trật tự. Thời gian di tản còn kéo dài được 300 ngày. Lúc Mỹ rút năm 1975 sau 10 năm trực tiếp tham chiến với hơn nửa triệu binh sĩ, chẳng nhẽ lại cuốn gói ra đi một mình? Sau đây là chi tiết về diễn tiến cuộc di tản mà Đại sứ Martin kể lại, cũng giống như ông đã điều trần tại Quốc hội vào tháng 1,1976 (xem Phụ Lục F) (6): Thoạt đầu, căn bản là Hoa kỳ chỉ muốn di tản người Mỹ ra khỏi Miền Nam cho nhanh, hầu như chẳng ai ở Washington muốn dính tới người Việt, ngoại trừ thân nhân của công dân Mỹ, một số chọn lọc những người đã cộng tác với Mỹ, và một số rất nhỏ viên chức cao cấp Việt nam; Đầu năm 1975 (đặc biệt là từ tháng Ba), Washington đã có lệnh cho di tản nhân viên làm việc tại văn phòng Tuỳ viên quốc phòng DAO (Defense Artache Office). Văn phòng này được thành lập sau Hiệp định Paris để thế MACV (Military Assistance Command, Vietnam), nhưng chỉ đặc trách về tiếp vận; Tuần đầu tháng Tư, Đại sứ Martin nhận được lệnh "giảm bớt" cho nhanh số người Mỹ còn ở lại; Trước ngày 14-4, tức là chỉ còn hai tuần trước khi sụp đổ, toà đại sứ chỉ có quyền cấp giấy phép "tạm dung" (parole authority) cho 2.000 trẻ mồ côi được di chuyển bằng máy bay vào Mỹ; Ngày 14-4, toà đại sứ chỉ nhận được quyền cho tạm dung thân nhân người Mỹ nhưng phải theo những điều kiện ràng buộc hết sức chặt chẽ: đó là chỉ những thân nhân đang có mặt tại Việt nam của những người Mỹ cũng đang có mặt tại Việt nam; Ngày 19-4, toà đại sứ nhận được quyền cho tạm dung, quyền này được nới rộng chút đỉnh, nhưng cũng chỉ bao gồm những thân nhân của công dân Mỹ và những người Việt nam thường trú (có thẻ xanh) dù không có mặt tại Việt nam nhưng với điều kiện là họ đã được thân nhân xin visa cho và đã được sở Di trú chấp thuận; Sau cùng, mãi tới ngày 25-4, tức là năm ngày trước khi Sài gon thất thủ, toà đại sứ mới nhận được quyền cho tạm dung thêm các bà con, thân nhân của công dân Mỹ (khoảng 80.000 người) và 50.000 người Việt nam có "mức rủi ro cao độ", tổng cộng là 130.000 người (7). Chỉ có 50.000 người thôi Như vậy hết sức rõ ràng là chỉ còn bốn ngày trước lúc triệt thoái cuối cùng, ngoài người Mỹ, thường trú Mỹ và thân nhân của họ, Hoa kỳ chỉ cho phép di tản 50.000 người Việt nam, mà số người này phải thuộc về diện những người có rủi ro cao độ. Nhưng ai là người có mức rủi ro cao độ? Bộ Ngoại giao Hoa kỳ đã vạch rõ: "Những nhân viên làm việc cho Mỹ và gia đình của họ; "Thân nhân của công dân Mỹ; "Viên chức cao cấp trong chính quyền Việt nam cộng hoà; và một số những người khác (được coi là) có "nguy hiểm cao độ" vì sẽ là đối tượng trả thù của Cộng sản" (8). Và như vậy, hầu hết các bạn đang đọc quyền sách này đã không phải là người lọt vào con số được chọn. Đó là về thủ tục nhập cảnh, thủ tục tạm dung, vốn đã quá khó khăn. Nhưng còn một khía cạnh khác: thái độ của các nghị sĩ, dân biểu, quan chức lại Washington đối với việc di tản. Nếu Quốc hội chống thì làm sao có ngân sách di tản? Ngày 14-4, Uỷ ban Ngoại giao Thượng Viện đến họp tại toà Bạch Ốc. Diễn tiến buổi họp cho ta thấy thái độ của Quốc hội Mỹ đối với việc di tản người Việt tỵ nạn. Khi Kissinger trình bày là trong số trên một triệu người đã có những liên hệ với Mỹ, có 174.000 người là đặc biệt bị nguy hiểm với Cộng sản nên Mỹ phải cứu nếu có thể được. Các nghị sĩ đều thoái thác. Phụ tá Nessen kể lại buổi họp về di tản đó như sau (9): Nghị sĩ Frank Church: "Cho di tản 174.000 người Việt nam sẽ có thể phải cần đến một số (quân đội) Mỹ rất lớn trong một cuộc chiến rất dài"; Nghị sĩ Clifford Case nhấn mạnh rằng ý kiến chung của Uỷ ban là số người Mỹ ở Sài gòn phải được tập trung lại để đến lúc kết thúc có thể di tản chỉ bằng một chuyến bay thôi; Nghị sĩ Charles Percy: "Chúng tôi không muốn người Mỹ phải làm con tin" (để di tản người Việt); Kissinger bình luận: "Cá nhân tôi cũng không tin rằng ta sẽ có thể di tản một số nhất định nào đâu, như là 174.000 chẳng hạn. Nhưng ta có bổn phận là nếu mang được ai ra thì càng nhiều càng tốt"; Tại đây, Tổng thống Ford cảnh cáo các nghị sĩ: "Nếu quý vị tuyên bố "không di tản người Việt nam", quý vị sẽ có khó khăn lớn trong việc di tản 6.000 người Mỹ" (vì sẽ gặp sự chống cự của miền Nam)"; Nghị sĩ Jacob Javits tuyên bố: "Tôi không muốn bỏ phiếu cấp thêm tiền cho một Chính phủ do Thiệu lãnh đạo, nhưng tôi sẽ trả bất cứ món tiền chuộc nào để mang người chúng ta ra"; Nghị sĩ Joseph Biden còn nói toạc móng heo: "Tôi không muốn trả bất cứ món nào để đưa người Việt nam đi, chỉ trừ khi ta không thể mang được người Mỹ nào ra mà không phải mua 174.000 người Việt nam. Trong trường hợp đó, tôi sẵn sàng mua 174.000 người Việt nam". Sau cuộc họp, Tổng thống Ford còn dặn các nghị sĩ chớ để cho báo chí biết là tất cả phiên họp chỉ để bàn bạc về chuyện di tản. Quý vị hãy nói: "Chúng tôi chỉ bàn chuyện làm thế nào để ổn định tình hình". Ai không muốn di tản người Việt? Ngày 17-4, Đại sứ Martin nhận được một mật điện, trong đó có đoạn như sau (10): Người nhận: Martin Độ mật: Tối mật "Chúng tôi vừa họp xong một cuộc họp liên bộ để duyệt xét tình hình miền Nam Việt nam. Ông Đại sứ phải biết rằng trong phiên họp của Uỷ ban Đặc nhiệm Washington hôm nay, hầu như không có ai ủng hộ việc di tản người Việt và việc dùng quân lực Mỹ yểm trợ bất cứ việc di tản (người Việt) nào. Quan điểm chung của các giới quân sự, Bộ Quốc phòng, và CIA là phải rút ra cho lẹ và ngay lập tức. (We have just completed an interagency review on the State of play in South Vietnam. You should know that the WSAG (Washington Section Action Group) meeting today, there was almost no support for the evacuation of Vietnamese, and for the use of American force to help protect any evacuation. The sentimen of our military, DOD (Department of defense) and CIA colleagues was to get out fast and now" Với lệnh khẩn cấp đó, Kissinger hối thúc Martin phải gấp rút chạy cho nhanh. Ông Martin đã báo động Kissinger là nếu chỉ cho di tản người Mỹ thôi thì rất nguy hiểm. Kissinger không thèm để ý, và trả lời: "Mặc dù những lo ngại như Đại sứ đã thông báo cho tôi và tôi cũng đồng ý như vậy, nhưng điều hết sức cần thiết là yêu cầu Đại sứ xúc tiến cho nhanh việc di tản những công dân Mỹ ra khỏi Việt nam. Chúng ta phải làm sao để vào thứ Ba, 22-4, tất cả số công dân Mỹ dù chính thức hay không cũng chỉ còn 2.000 trở lại mà thôi". Như vậy có nghĩa là trong năm ngày, ông Martin phải di tản khoảng 4.000 người Mỹ. Ông ta đang cuống lên thì ngay hôm sau, Kissinger lại tống thêm một lệnh mới. Chính Kissinger đã viết lại trong cuốn "Ending the Vietnam war" là ngày 18-4, theo sự chấp thuận của Tổng thống, ông Martin nhận chỉ thị là phải giảm số người Mỹ xuống còn chỉ còn 1.250, cũng vào ngày 22-4. Đây là số người được tính toán là trực thăng sẽ có thể bốc đi trong chỉ một ngày. "Số người Mỹ này, và tuỳ khả năng có thể, những nhân viên người Việt làm cho Mỹ, sẽ đượcdi tản từ bãi đậu ở Toà đại sứ khi Tân Sơn Nhất bị đe doạ. Và khoảng thời gian còn lại (cho tới 22-4), sẽ cố gắng tối đa để di tản số người Việt bị nguy hiểm vì đã làm cho nước Mỹ (Those who had exposed themselves on America s behalf) (11). Washington chỉ hối thúc cho di tản căn bản là người Mỹ và một số nhỏ người Việt làm cho Mỹ. Vậy làm thế nào để cứu được thêm một số người Việt? Câu thêm giờ Có hàng triệu người cộng tác với Mỹ trong 20 năm qua, bây giờ lại chỉ cho di tản 50.000 người thì làm sao coi được. Ông Martin nhất định không chịu. Trước hết là ông đã "câu giờ": cố di tản người Mỹ thật nhanh để có thì giờ di tản thêm số người Việt. Tới Washington, khi ông Ford ra Quốc hội ngày 10-4 xin thêm tiếp viện bổ túc cho Miền Nam thì cuộc bàn cãi về Việt nam xoay chiều: thay vì viện trợ, chủ đề lại là chỉ là di tản. Như vậy, một mặt Washington muốn đưa người Mỹ ra cho lẹ, một mặt ông Martin lại muốn kéo họ ở lại. Theo chính Kissinger kể, cũng trong cuốn "Ending the Vietnam war", thì Đại sứ Martin đã chần chừ không chịu di tản cho nhanh vì: "Nhiệt tình gắn bó với những người mà ông sắp bị bắt buộc phải bỏ lại, ông Martin đã coi như bổn phận mình là phải dàn ra từng chặng, cuộc rút lui của Mỹ trong một thời gian dài nhất để giữ lại sự có mặt của Mỹ (tại Việt nam) ở mức đủ để bào chữa cho việc cứu vớt người Việt nam". "Tin rằng, ngay trước mắt, sự hoảng hốt ở Saìgòn còn đáng lo ngại hơn những kế hoạch tấn công của Hà nội, ông phấn đấu để cho cuộc di tản chậm nhiều hơn là chính Tổng thống Ford, Brent Scowcroft, hay là tôi – bọn diều hâu trong chính phú - đã cho là thích ứng" (12) Nới rộng thẩm quyền Ngoài việc chần chừ, Martin còn dùng mánh khoé riêng của mình để đi vòng. Ngày 25-4, khi nhận được phép cho di tản có 50.000 người, ông nới rộng quyền của mình bằng cách chú thích con số "50.000" một cách phóng khoáng hơn. Điều trần trước Quốc hội (1976), ông nói: Ngày 25-4, chỉ còn bốn ngày trước lúc di tản cuối cùng bắt đầu ngày 29-4. Lúc đó chúng tôi mới nhận được phép cho mang đi tất cả tổng số là 50.000 người Việt nam - một con số quá ư là ít ỏi. Bởi vậy tôi đã giải thích con số này là muốn nói tới chủ gia đình chứ không phải là tổng số người. Bởi vậy, dùng "phương pháp giải thích rộng rãi theo lối John Marshall", chúng tôi đã nới thẩm quyền để giải quyết vấn đề". (On April 25, only four day before our evacuation began on April 29. Then we received authority to sen out a grand total of 50,000 Vietnamese – a number which was clearly insufficient. So I interpreted the number to include only heads of families and no the families too. So, song the John Marshal broad construction approach, we stretched the authority to cover the problem") (12). "Hành quân gió nhanh" Vào lúc bốn giờ năm phút sáng Thứ Ba, ngày 29-4 (4:05 chiều 28/4 giờ Washington), những hoả tiễn đầu tiên của Bắc Việt rơi trúng phi trường Tân Sơn Nhất. Đại sứ Martin lên chiếc xe an ninh của ông và cho lái ra sân bay để quan sát tại chỗ lúc chín giờ sáng. Một phi cơ C-130 bị phá huỷ, hai lính Thuỷ quân lục chiến Mỹ gác cổng bị chết. Các chuyến bay di tản phải ngừng. Tuy nhiên, thấy phi cơ dù bị hư hại mà còn dùng được, ông Martin lại điện về xin Tổng thống cho tiếp tục các chuyến bay loại lớn. Ông Martin kể lại là lúc bảy giờ 30 chiều, ông họp với Hội đồng an ninh Quốc Gia (NSC) và quyết định chờ một giờ xem pháo binh có ngừng không, nếu ngừng thì ông sẽ cho máy bay vào tiếp tục. "Pháo kích có ngừng thật", ông viết, "nhưng chúng tôi lại có một vấn đề mới phải giải quyết. Dân chúng ào ra tận phi đạo và máy bay không đáp được. Tình hình rõ ràng không thể kiểm soát được nữa". Trong lúc đó, các bồn xăng bị trúng hoả tiễn bắt lửa nổ và phát cháy hừng hực từ góc trụ sở Hãng hàng không dân sự Air America. Tướng Smith (chỉ huy cơ quan DAO ở Sài gòn) điện thoại tới Honolulu cầu cứu đô đốc Gayler, Tổng Tư lệnh quân đội Hoa kỳ ở Thái Bình Dương. Ông Gayler gọi Đại sứ Martin thông báo không thể tiếp tục di tản bằng C-130 được nữa. Miễn cưỡng, ông Martin đồng ý "Lựa chọn IV", trong kế hoạch di tản, với mật danh "Hành quân gió nhanh" (Operation frequent wind), Lựa chọn này là chỉ dùng trực thăng bốc đi từ toà đại sứ Mỹ. Martin gọi Kissinger yêu cầu ông đề nghị Tổng thống chấp thuận. Lúc 10 giờ 51 sáng cùng ngày (10 giờ 51 đêm 28/4, giờ Washington), Ford hạ lệnh bắt đầu cuộc "Hành quân gió nhanh", mật hiệu của "Lựa chọn IV" (13). Đài phát thanh quân đội Mỹ ở đường Hồng Thập Tự cho phát sóng mật hiệu cho người Mỹ và một số người Việt liên hệ biết là giờ phút di tản cuối cùng đã tới. Chiếc trực thăng thứ nhất tới toà đại sứ đúng hai giờ chiều ngày 29-4. Có hai chỗ đáp: loại trực thăng lớn - CH-53 đáp xuống bãi trong khu sân đậu xe; loại nhỏ, CH-46 đáp trên nóc toà đại sứ. Trong 16 giờ cuối cùng, Đại sứ Martin đã hét sức khẩn khoản nài xin thêm 30 chiếc trực thăng loại lớn CH-53 (chở được 50 người, nhưng ngồi chen chúc cũng được 70). Nhưng ông chỉ thấy lẻ tẻ vài chiếc loại nhỏ CH-46 (chở được 20 người) bay vào! Thấy số máy bay vào quá chậm và ít ỏi, ông Martin còn dùng lý do có số trẻ con lai còn bị kẹt lại để biện hộ. Ông cầu cứu Brent Scowcroft, Chánh Văn phòng Tổng thống: "Có lẽ ông nên cố vấn cho tôi làm sao tôi thuyết phục được một số người Mỹ để họ bỏ rơi lại những đứa con lai của họ, hoặc Tổng thống sẽ được đánh giá như thế nào nếu ông ta chỉ thị như vậy… "Tôi cần đến chết được (I damn well need) hối thúc 30 chiếc CH-53 hay một khả năng tương đương…" Thúc rồi ông còn viện cớ rằng trong đám người kẹt lại, có cả một linh mục Mỹ, bởi vậy nếu không gửi thêm trực thăng vào mà đưa ông ta đi thì Tổng thống phải chịu trách nhiệm với lãnh đạo Công Giáo Hoa kỳ: "Giữa đám người Mỹ hiện còn lại, có cả linh mục Mcveigh, giám đốc cứu trợ Công Giáo; ngài không chịu đi nếu nhân viên của ngài không được đi. Làm sao Tổng thống có thể giải thích cho Giám Mục Swanstrom… hay là Hồng Y Cooke được, nếu tôi bỏ ông ta ở lại, và cứ như vậy, Đại sứ Martin gửi hết điện này tới điện khác cách nhau vài chục phút. Nhưng ông Kissinger cũng như tư lệnh Thái Bình Dương đã đi tới kết luận là ông Martin đang đánh phé, giữ người Mỹ lại để di tản một giếng không đáy người Việt"(14). Tại Washington, theo chính Kissinger thuật lại, ông và Schlesinger đã ước tính là còn 760 người đang ở trong khuôn viên toà đại sứ, và quyết định gửi thêm 19 trực thăng, chỉ ngần ấy thôi (15). Ông Martin sẽ phải đi chuyến thứ 19 được kết thúc khoảng 3 giờ 30 sáng. Lúc 3 giờ 15 sáng (30 tháng 4), một anh phi công chiếc CH-46 đáp xuống nóc toà đại sứ chuyển một trang giấy viết tay cho ông Martin do Đô đốc Gayler gửi, ông nói là được lệnh chỉ gửi lại thêm 19 trực thăng, và không gửi thêm nữa, Đại sứ Martin sẽ phải đi ra chuyến cuối cùng. Sau này ông Gayler tiết lộ: Ông đã có thẩm quyền để áp giải, nếu ông Đại sứ cưỡng lại lệnh Tổng thống. Khi Phó Đại sứ Lehman phát hiện ra những chiếc trực thăng sẽ vào lại là loại nhỏ, một nhân viên toà đại sứ, đại tá Madison, vô cùng sửng sốt vì ông đã hứa đi hứa lại với khoảng 420 người Việt còn kẹt lại ở Toà đại sứ là họ sẽ được mang đi hết. Bây giờ không có CH-53 đáp dưới bãi đậu ở sân nữa, chỉ có loại nhỏ đáp trên nóc toà nhà (và chỉ có người Mỹ được di tản thôi!). Vậy ông Madison biết ăn nói làm sao với những người đã tin cậy vào những lời hứa của ông? Madison vô cùng bất mãn! (16). Vài giờ sau, toán lính Thuỷ quân lục chiến gác toà đại sứ lần vào cao ốc, khoá chặt cửa sau lại, để số người muốn tị nạn không vào được nữa. Chiếc trực thăng cuối cùng, yểm trợ bằng sáu chiếc Cobra gắn đại liên, chở toán này cất cánh Trước tám giờ sáng ngày 30-4. Họ ném những hộp hơi cay xuống chung quanh cao ốc trên đầu số 420 người Việt đứng bàng hoàng ngơ ngác (17). Đám người này vẫn đứng chờ những chuyến trực thăng không bao giờ tới. Hy vọng rằng những thế hệ con cháu của đoàn người di tản là những người Mỹ mai đây sẽ nắm địa vị quyền hành, sẽ không bao giờ đối xử như vậy đối với những đoàn người di tản từ các quốc gia Đồng minh khác trong một tình huống nào đó, như từ Iraq, Atghanistan, Đài Loan, Đại Hàn, khi Đồng minh của họ cuốn gói ra đi. Chú thích: (1) David Butler, The Fall of Saigon, trang 440. (2) Frank Snepp, Decent Interval, trang 67. (3) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 543. (4) Tuần báo TIME, 4-21-1975, trang 19. (5) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 560, 576. (6) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 543-544; 562-563; 590-591;573, 617. (7) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 543-544; 562-563; 590-591;573, 617. (8) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony trang 617. (9) Ron Nessen, It sure looks different from the inside, trang 105-106. (10) Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold Schecter, The Place File, trang 328- 330. (11) Henry Kissinger, Ending the Vietnam war, trang 541. (12) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 544. (13) Gerald Ford, A time to heal, lrang 256. (14) David Butler. The Fall of Saigon, trang 438-439. 444. (15) Henry Kissinger, A World Restored, trang 551-552. (16) David Butler, The Fall of Saigon, trang 444-445. (17) David Butler, The Fall of Saigon, trang 452; về việc này, Kissinger đã chối đi, nói là ông không biết có số người còn kẹt lại trong toà đại sứ. Xem Henry Kissinger. sđd., trang 552… hết: Phần IV - Chương 14, xem tiếp: Phần IV - Chương 15
|