Home Lịch Sử VN Sách Khi Đồng Minh Tháo Chạy Khi Đồng Minh Tháo Chạy - Phần III - Chương 13

Khi Đồng Minh Tháo Chạy - Phần III - Chương 13 PDF Print E-mail
Thứ Ba, 25 Tháng 5 Năm 2010 06:04

 

Cuộc Chiến Việt Nam                                                                                                                                                                 

KHI ĐỒNG MINH THÁO CHẠY

Phần III - Chương 13
"Sao chúng không chết phứt cho rồi!"
Trong vòng hai tuần lễ kể từ ngày mất Ban Mê Thuộc hôm 11 tháng Ba, truyền hình Mỹ hằng ngày chiếu cảnh rút lui từ Tây nguyên về Phú Yên trên quốc lộ 7B, cảnh tắc nghẽn thê thảm ở đèo Cheo Reo, tới tình trạng hỗn loạn ở Đà Nẵng. Liên tiếp, hết cứ địa này tới cứ địa khác.
Washington không có dấu hiệu gì tỏ ra lo ngại. Tổng thống Ford vẫn chỉ thị sắp xếp cho ông đi nghỉ lễ Phục Sinh ở Palm Spring (tiểu bang Nevada). Năm nay, vì chiến sự đang sôi bỏng nhiều nhân viên toà Bạch Ốc đã can ông đừng đi, nhưng ông không nghe. Trước khi đi, ông quyết định gửi tướng Frederick C. Weyand sang Sài gòn ngày 28 tháng Ba để thẩm định tình hình. Weyand là Tham mưu trưởng lục quân và từng là Tư lệnh Quân đội Hoa kỳ ở Việt nam trước đây.
Vào thời điểm đó, chỉ một người dân bình thường xem tin tức trên đài cũng đủ biết là tình hình Việt nam đang đi vào giai đoạn quyết liệt. Thế mà Tổng thống Hoa kỳ lại viết trong Hồi ký của ông (năm 1979) rằng: "Ai cũng biết là vấn đề Việt nam nghiêm trọng, nhưng xem ra chẳng ai hiểu rõ nó nguy ngập đến chừng nào".
Trên máy bay Air Force One đi Palm Springs, ông Ford từ trên ca-bin xuống gặp đoàn tuỳ tùng, trong đó có ông Rumsfeld, Đổng lý Văn phòng Tổng thống (bây giờ là Tổng trưởng quốc phòng), ông Lan Greenspan, Thống đốc Ngân hàng Liên bang, và ông Ron Nessen, Phụ tá Báo chí. Đang khi họ trò chuyện, có nhân viên phi hành đoàn tới đưa cho Nesse một phong bì màu vàng do chuyên viên truyền tin trên máy bay chuyển. Trong phong bì là một điện tín: "Đà Nẵng đã thất thủ". Nessen đưa cho ông Ford và mấy người kia đọc. Ford lắc đầu! Mọi người không ai nói gì, hoàn toàn im lặng(1).
Tuần cuối tháng Ba, thành phố Đà Nẵng trở nên hỗn loạn. Từng làn sóng người tràn về từ Quảng Trị, Huế, Quảng Ngãi làm cho dân số từ 600 ngàn vọt lên một triệu rưởi, gần gập ba lần. Đường phố ứ đọng, tắc nghẽn, cướp giật, súng ống bắn bừa bãi.
Lời nguyền rủa
Đà Nẵng thất thủ vào đúng chủ nhật Lễ Phục Sinh, ngày 30 tháng Ba. Ở nhà thờ tin lành Lutheran quận Arlington (tiểu bang Virginia), Tổng trưởng quốc phòng James Schlesinger đã "rơi lệ". Hôm đó, phó Giám đốc CIA, tướng Vernon Walters có nói với ông rằng Đại sứ Việt nam ở Washington (ông Trần Kim Phượng) vừa tuyên bố: "Màn đêm dài đã phủ xuống đầu chúng tôi, và bình minh sẽ không còn hé rạng nữa?"
Schlesinger ngậm ngùi. Ông thuật lại với chúng tôi khi phỏng vấn ông vào hè năm 1985: "Tôi nghĩ đến lời của cố Thủ tướng Anh, Winston Churchill, khi ông mô tả nước Pháp bại trận trong Đại chiến II. Cả hai đều cùng một thảm cảnh dẫu không lớn lao như nhau. Tôi không trách người Việt nam đã đặt hy vọng vào Hoa kỳ. Tôi chia xẻ nỗi đau thương với họ".
Sau khi thị sát chiến trường và họp với phía Việt nam, tướng Weyand trở về báo cáo cho Tổng trưởng quốc phòng.
Ngày 5-4-1975, đang khi bay về Washington, thì ông được lệnh đổi hướng bay thẳng về Palm Springs phúc trình cho Tổng thống Ford và Ngoại trưởng Kissinger. Nghe thuyết trình của Weyand xong, Kissinger đi họp báo, có Ron Nessen, Phụ tá báo chí Tổng thống cùng đi theo. Trên đường tới Trung tâm báo chí, Nessen kể lại lời Kissinger nguyền rủa:
"Sao chúng không chết phứt cho rồi?" Ông ta rên lên trong xe, "Điều tệ hại nhất có thể xảy ra là chúng cứ sống dai dẳng hoài ". (Why don t these people die fast?" He moaned in the car. "The worst thing that could happen would be for them to linger on") (2).
Câu nói buột miệng ra, bất chợt, trong những lúc vô ý lại thường phản ảnh sự thật hơn là những lời tuyên bố khôn ngoan về chính sách, những bài diễn văn hùng hồn, những câu trả lời đắn đo đối với báo chí hay lời văn chải chuốt trong hồi ký.
Năm 1979, có lần tôi đang nói chuyện với một anh bạn Mỹ về chiến tranh Do Thái, Iran. Lúc bàn tới Việt nam, tự nhiên anh nói: "Vì sao ông Kissinger ông ấy tàn nhẫn quá nhỉ?" "Sao anh nói vậy?" tôi hỏi. "Ủa, anh chưa đọc sách của Ron Nessen à?" Tôi vội đi tìm cuốn hồi ký tựa đề "Đàng sau hậu trường thì thật là khác" (It sure looks different from the inside).
Suy cho kỹ, ta thấy câu nói mà Nessen đã nghe được nó giải thích nhiều sự việc xảy ra cho miền Nam. Đặc biệt là nó giúp trả lời phần nào câu hỏi: Tại sao Miền Nam đã mất lẹ như vậy?
Có ba điểm chiến lược trong tâm trí của Henry Kissinger:
- Chắc chắn là Hoa kỳ phải dứt khoát rút hết, bỏ rơi Miền Nam;
- Chỉ cần một khoảng thời gian coi cho được, từ lúc Mỹ rút đi tới lúc sụp đổ;
- Khi sụp đổ thì nên tiến hành cho lẹ; vì nếu cứ sống vật vờ mãi là kẹt cho Mỹ.
- Lập trường Kissinger từ 1967
Sau khi mọi việc kết thúc, Kissinger quy trách việc mất miền Nam cho vụ Watergate.
Lịch sử sẽ phán xét phân minh những chính sách và lịch trình sắp xếp của Kissinger. Tuy nhiên, ngay bây giờ ta cũng đã có thể khẳng định được rằng trước Watergate, trước cả khi ông Nixon lên làm Tổng thống, Kissinger cũng đã chẳng tin tưởng gì là miền Nam có thể cứu vãn được. Vậy chỉ cần rút làm sao mà không bị mất mặt với quốc tế là xong. Mang nửa triệu quân vào mà lại thua thì không ổn. Là người ưa viện dẫn lịch sử, có lần ông nói đến kinh nghiệm của Pháp khi bị sa lầy ở thuộc địa Algeria, sau chiến tranh Đông Dương:
"Ông de Gaulle đã làm được cái gì cho nước Pháp ở Algeria? Ông ta đã muốn bỏ nước này một cách nào đó để cuộc triệt thoái được coi như là do một chính sách (chứ không phải là bắt buộc phải bỏ), giúp cho Pháp còn giữ được phần nào phẩm giá của mình… Đó là thành quả lớn lao của ông, chứ không phải kết quả thật sự của cuộc chiến như thế nào…"(3).
1967
Giải pháp "Mỹ đơn phương rút ra khỏi miền Nam" là tư tưởng Kissinger đã nuôi dưỡng từ lâu. Ngay từ 1967 khi mới bắt đầu tiếp cận vấn đề Việt nam với tư cách là một tư vấn không chính thức của Chính phủ Johnson, ông đã bí mật liên hệ với Hà Nội qua trung gian của hai người Pháp là ông Herbert Marcovich và Raymond Aubrac. Hai người là chỗ quen biết với Hồ Chí Minh từ 1946 lúc ông Hồ đi họp Hội nghị Fontainebleau (4). Lập trường của Kissinger là chiến tranh Việt nam chỉ có thể giải quyết bằng giải pháp "một thời gian coi cho được" (a decent interval).
Tác giả David Landau, người nghiên cứu chiến lược của Kissinger đã viết lại trong cuốn "Kissinger: Sử dụng quyền lực (Kissinger: The Use of power), như sau:
"Kissinger cho rằng giải pháp duy nhất của Hoa kỳ năm 1967 là dùng chính sách "một khoảng thời gian coi cho được". Nói cho đơn giản hơn, chính sách đó nghĩa là sự sụp đổ của Chính phủ miền Nam – điều ông cho là rất có thể xảy ra nếu không phải là bắ buộc sẽ xảy ra - phải được trì hoãn trong một thời gian kể từ lúc Hoa kỳ triệt thoái để Washington khỏi bị chỉ trích là đã không bảo vệ Đồng minh của mình.
Như vậy, điều quan trọng chính yếu của cuộc chiến vấn đề phe nào sẽ cai trị miền Nam - thực ra chỉ là một điểm không đáng để ý. Điều quan trọng không phải là có nên hay không nên triệt thoái mà là triệt thoái như thế nào và bao giờ" (5).
1968
Năm 1968, khi chiến tranh đang leo thang mạnh, Tổng thống Johnson chán nản, quyết định không ra tranh cử nhiệm kỳ hai. Lúc đó, Kissinger đang làm tư vấn cho ông Rockefeller, Thống đốc tiểu bang New York, để ông này ra tranh cử với ông Nixon trong chức ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hoà. Kissinger cho rằng nếu có một giải pháp mới cho chiến tranh Việt nam thì chắc Rockefeller sẽ được đảng lựa chọn. Vài tuần trước khi tháp tùng ông thầy đi họp đảng tại Miami vào tháng 8, ông đã soạn ra một đề nghị về Việt nam đăng tải trên cả một trang quảng cáo của tờ New York Times. Giải pháp đó gồm bốn điểm:
Mỹ đơn phương rút 75.000 quân;
Thiết lập một Lực lượng quốc tế giám sát hoà bình;
Sau đó, Mỹ rút hết; rồi để cho hai phía Việt nam hoà hợp hoà giải với nhau.
75.000 quân chỉ là bước đầu để tạo ra một hướng đi.
1969-1970
Ngày 20 tháng Giêng, 1969, ông Nixon nhậm chức Tổng thống và dọn vào Toà Bạch Ốc. Kissinger chính thức trở nên Cố vấn an ninh.
Ngày bốn tháng Tám, 1969 ông bắt đầu đàm phán sau hậu trường với Bắc Việt. Phiên họp đầu tiên giữa Kissinger, Xuân Thuỷ và Mai Văn Bộ được tổ chức ở căn nhà Jean Sainteny tại phố sang trọng Rue de Rivoli. Mật đàm kéo dài được trên ba năm.
Đang khi thương thuyết với Bắc Việt về việc rút quân, Mỹ tiếp tục rút, ngày càng mau. Từ mức cao nhất là 537.000 người lính vào đúng lúc bắt đầu mật đàm, Mỹ đã rút 312.000 chỉ còn 225.000 vào tháng Bảy, 1971.
Như vậy là đã rút được trên nửa số quân rồi, nhưng cũng mất hai năm. Làm sao rút hết số còn lại cho nhanh hơn?
Kissinger liền cầu cứu sự giúp đỡ của Trung Cộng.
Hai mươi bảy năm sau ngày Miền Nam sụp đổ, tờ báo New York Times ngày 28 tháng Hai, 2002 vừa tiết lộ chuyện động trời: ngay từ cuối hè 1971, Kissinger đã nói cho Trung Cộng biết lập trường thực sự của Hoa kỳ về vấn đề rút quân.
Trong một bài tựa đề "Tài liệu (vừa có) đã đối chọi với Kissinger về chuyến viếng thăm trung quốc của ông năm 1971", Ký giả Elaine Sciolino cho biết nội dung tài liệu mới được giải mật do National Security Archive đưa ra gồm có biên bản cuộc họp ngày chín tháng Bảy, 1971 giữa Kissinger và Chu Ân Lai.
Trong buổi họp, chính Kissinger đã cho Chu biết chi tiết về sự thay đổi cơ bản của chính sách Hoa kỳ đối với Đài Loan, để đổi lấy sự ủng hộ của Trung Quốc hầu giúp chấm dứt chiến tranh Việt nam. Ông ta nói với ông Chu: "Dù có thương thuyết hay không thương thuyết với Bắc Việt đi nữa, rồi chúng tôi cũng sẽ rút quân - một cách đơn phương". (6)
"Rút càng nhanh bị lật đổ càng lẹ"
Khi Stanley Karnow, nhà sử học về Việt nam, được hỏi về tin này, ông nói: "Không còn nghi ngờ gì nữa là từ lúc tuyển chọn ứng cử viên vòng sơ bộ (của đảng Cộng hoà) hồi tháng Ba, 1968, lập trường (của Nixon) vẫn luôn luôn là "hoà bình và danh dự". Vậy mà khi đến Trung Quốc, Kissinger lại nói "Kế hoạch của chúng tôi là sẽ rút đơn phương".
"Đơn phương" là điểm chính, và đây là điều mới lạ đối với tôi" - ông Karnow kết luận (7).
Rõ hơn nữa, cũng theo tài liệu mới này, Kissinger còn nói với Chu Ân Lai:
"Lập trường của chúng tôi là sẽ không duy trì bất cứ Chính phủ nào ở miền Nam cả, và nếu như Chính phủ miền Nam không được nhiều người ưa chuộng như Ngài nghĩ, thì khi quân đội chúng tôi rút đi càng nhanh, nó sẽ bị lật đổ càng lẹ. Và nếu nó bị lật đổ sau khi chúng tôi rút, chúng tôi cũng sẽ không can thiệp nữa" (8).
1972
Một năm sau đó, đến tháng Bảy, 1972, Mỹ đã rút hầu như toàn bộ quân đội ra khỏi Miền Nam. Số quân còn lại chỉ còn 45.000. Sắp xong rồi, chỉ cần làm sao cho bước cuối cùng được trôi chảy. Đó là làm thế nào để có một Hiệp định đình chiến là tốt đẹp nhất.
Tại những cuộc mật đàm, Kissinger đã nhượng bộ hoàn toàn về vấn đề này: Mỹ sẽ rút đi hết và quân dội Bắc Việt ở lại Miền Nam (9).
Ngày 10 tháng 10, ông sang Sài gòn làm áp lực bắt phải chấp nhận giải pháp đình chiến "da beo": ai ở đâu cứ ở đó.
Ngày 26 tháng 10, Kissinger gây chấn động khi tuyên bố "Hoà bình đang trong tầm tay" (Peace is at hand).
1973
Kissinger đã thành công trong việc giải quyết vấn đề Việt nam nội trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Nixon như ông muốn. Chỉ chậm có hai ngày: ngày 20 tháng Giêng năm 1973, Nixon chấp chánh nhiệm kỳ hai, và ngày 23 tháng Giêng, Kissinger đã cùng Lê Đức Thọ ký tắt vào bản Hiệp định. Hiệp định Paris ký xong, ông Nixon lên truyền hình tuyên bố: với tất cả đồng bào đang nghe tôi… lòng kiên trì của đồng bào ủng hộ lập trường đòi cho bằng được một hoà bình với danh dự đã giúp thực hiện được hoà bình với danh dự"(10). Báo cáo về thành tựu ngoại giao cho Quốc hội năm ấy, Nixon viết: "Thật là cần thiết để ta đi tới giải pháp mang lại một khuôn khổ cho miền Nam VN được thực thi quyền tự quyết của mình"(11).
Còn Kissinger: "Chúng tôi đã quyết tâm làm hết sức có thể để giúp cho Sài gòn được phát triển trong an ninh và thịnh vượng, và để họ có thể trường tồn trong bất cứ cuộc đấu tranh chính trị nào"(12).
"Một khoảng thời gian coi cho được"
Như trường hợp Charles de Gaulle giải quyết vấn đề Algeria, thì Kissinger cho rằng ông đã giữ được thể diện cho Mỹ: "có đủ cả rồi, cả Hoà bình, cả Danh dự". Thế là xong, không cần để ý tới kết quả ra sao. Sau ngày miền Nam sụp đổ, nhiều người đã đặt câu hỏi về vấn đề "Một khoảng thời gian coi cho coi được" trong lịch trình của Kissinger. Trong tập hồi ký dài viết lại 1979 với tựa đề "Những năm tại Toà Bạch Ốc" (The White House years), ông đã dành tới hơn một phần ba (492 trang) để giải thích những khó khăn và thành quả của ông về Việt nam. Ông viết rằng Việt nam đã cho ông một cơ hội để đền ơn cho quốc gia đã cứu gia đình ông (khỏi bàn tay của Hitler): "Tôi nhìn thấy vai trò của tôi là giúp cho quốc gia đã nhận tôi làm con nuôi". Về giải pháp hoà bình cho Việt nam do ông mang lại, ông quả quyết: "Chúng tôi đã đi tìm không phải chỉ một khoảng thời gian trước khi sụp đổ, nhưng một nền hoà bình lâu dài và danh dự"(13).
Đó là luận điệu cho công luận và cho lịch sử. Bên trong hậu trường thì lại khác.
Ta hãy nghe ông John Ehrlichman, Đổng lý Văn phòng của Tổng thống Nixon thuật lại trong cuốn hồi ký "Nhân chứng của quyền lực: Những năm thời Nixon" (Witness to Power, The Nixon Years)
Ngày 24 tháng Giêng, 1973, chỉ một ngày sau khi Kissinger ký vào bản Hiệp định và về tới Washington, Ehrlichman gặp ông ở trước phòng Lincoln trong Bạch Cung, có hỏi: "Theo ông, miền Nam VN có thể còn tồn tại được bao lâu nữa?"
"Tôi nghĩ rằng nếu họ may mắn thì được một năm rưỡi," Kissinger đáp lại (14).
Ehrlichman viết thêm: "Sau này, khi xem đoạn phim trực thăng đến bốc những người Mỹ hoảng hốt trên nóc toà đại sứ Mỹ ở Sài gòn lúc quân đội Bắc Việt đang tiến gần, tôi nhớ lại ước tính có tính cách cay độc (cynical) nhưng chính xác của ông Kissinger". Ehrlichman bình luận: "Trong hồi ký của mình, Kissinger đã viết là sau khi ký tắt vào bản Hiệp định Paris "Tôi thấy bình an trong lòng, chẳng vui cũng chẳng buồn"; nhưng tôi (Ehrlichman) tự hỏi làm sao ông ta có thể nghĩ như vậy được?"
Bàn về chiến lược của Kissinger, hai anh em phóng viên nổi tiếng Marvin Kalb và Bernard Kalb là những người đã theo sát ông bao nhiêu năm, đã tiết lộ:
"Ông ta tin rằng điều tối đa có thể cứu vãn được cho việc dính líu của Mỹ vào Việt nam là "một khoảng thời gian coi cho được", từ lúc Mỹ rút quân đi và khả năng Cộng sản thôn tính miền Nam. Dù trong khả năng tốt nhất cho Việt nam, không gì có thể bảo đảm được quá ba tới bốn năm" (15).
Người tiên tri
"Một khoảng thời gian coi cho được" đã bắt đầu từ khi Mỹ rút hết quân ra khỏi Miền Nam.
Quân đội Mỹ gọi ngày 29 tháng Ba, 1973 là ngày "X cộng 60" (X plus 60), nghĩa là ngày thứ 60 kể từ khi đình chiến. Đó là hạn chót để Nixon rút hết quân ra khỏi Việt nam. Tại phi trường Tân Sơn Nhất, một toán lính Mỹ khoảng 50 người đứng nghiêm chỉnh làm lễ chào cờ. Từ ống loa, một sĩ quan đọc nhật lệnh: "Bộ Tư lệnh Yểm Trợ Quân Sự Việt nam (MACV) từ giờ phút này đã hết hoạt động, và sứ mệnh cũng như chức năng đã được chỉ định lại". Một vệ binh tiến lên, mang lá cờ MACV với huy hiệu một thanh gươm quay ngược lên. Nhìn Đại sứ Bunker và tướng Weyand, tư lệnh cuối cùng của Hoa kỳ, anh ta cẩn thận cuốn lá cờ lại, để gọn vào một cái bao trông như bao đựng đồ đánh gôn, đưa lên máy bay. Phi cơ cất cánh hay vút ra Biển Đông. Toán lính đó là những người cuối cùng của đoàn quân trên một nửa triệu tham chiến ở Việt nam. Số còn lại, 159 người chỉ là để gác toà đại sứ và 50 nhân viên văn phòng Tuỳ viên quốc phòng DAO (16). Cùng lúc đó, 67 tù binh Mỹ, nhóm cuối cùng của tổng số 595 tud binh được chở từ sân bay Nội Bài, Hà Nội tới phi trường quân sự Mỹ Clark Field ở Phillippines.
"Một khoảng thời gian coi được" đã bắt đầu từ hôm đó, ngày 19 tháng Ba, 1973.
Và đúng hai năm sau, cũng ngày 29 tháng Ba, 1975, quân đội Bắc Việt tiến vào Đà Nẵng. Trên thực tế một khoảng thời gian coi được đã kết thúc. Như vậy ngoài tài ba lỗi lạc, Kissinger còn là một nhà tiên tri!
Đổ hết cho Watergate
"Nếu không có sự sụp đổ của quyền hành pháp vì vụ Watergate, tôi tin rằng chúng ta có thể thành công". Kissinger bào chữa (17).
Trong cuốn "Kết thúc chiến tranh Việt nam" (Ending the Vietnam war). Kissinger tiếp tục cho rằng Watergate đã làm ông Nixon suy yếu, không còn sức mạnh để ép buộc việc thực thi Hiệp định Paris nữa. Hơn nữa vì quyền lực hành pháp không còn mạnh nên Quốc hội đã cắt giảm viện trợ cho Miền Nam (18).
Hai lý do Watergate và Quốc hội cắt viện trợ chắc chắn đã là hai yếu tố quyết định. Tuy nhiên, rõ ràng là lập trường bỏ rơi Miền Nam thì ông đã có trước cả Watergate. Rồi sau Watergate, lại sao khi thấy Quốc hội bắt đầu cắt viện trợ, cả ông lẫn Nixon đã không biện hộ cho Miền Nam trên căn bản những cam kết? Tới lúc gần sụp đổ, Kissinger lại còn chối đi là chẳng có cam kết bí mật nào cả.
Ngoài ra Kissinger còn đem một lý do khác để giải thích việc Quốc hội Mỹ cắt quân viện. Đó là vì họ đã bị "ảo tưởng về hoà bình" (illusion of peace). Có hoà bình và danh dự rồi đâu có cần thêm quân viện. Nhưng ai là người mang lại ảo tưởng của "hoà bình và danh dự?"
Chắc chắn rằng dù Kissinger có giải thích kiểu nào đi nữa, các sử gia sẽ còn nghiên cứu về lâu về dài tiến trình của giải pháp Việt nam. Cho đến nay, có những vấn đề về đệ nhất, đệ nhị thế chiến cũng còn đang được mổ xẻ. Chiến tranh Việt nam là một mảng đen tối trong lịch sử nước Mỹ.
Lúc quyền lực mạnh nhất
Hiệp định Paris được ký kết vào lúc ông Nixon mạnh nhất, lúc nhiều quyền lực nhất. Nhân dân Hoa kỳ hoan nghênh thành quả lớn lao của ông trong việc phát triển quan hệ tốt đẹp với Trung Cộng và Nga Xô. Chúng tôi còn nhớ buổi sáng ngày 18 tháng Hai, 1972 đã hồi hộp đón chờ lúc Nixon tới đất Trung Cộng. Cảnh phi cơ Air Force One đáp xuống phi trường Bắc Kinh vào một ngày mùa đông giá lạnh sao thấy bí ẩn đến thế". Hầu như huyền thoại.
Rồi tới những cuộc họp thượng đỉnh ở Moscow làm hoà dịu quan hệ (détente) giữa Mỹ và Nga, đi tới Hiệp ước tái giảm vũ khí chiến lược SALT. Cuối cùng là giải quyết chiến tranh Việt nam. Tranh cử cho nhiệm kỳ hai, Nixon đại thắng (xem (Chương l). Từ Âu sang Á, tiếng tăm ông lừng lẫy. Khi đăng quang nhiệm kỳ hai vào ngày 20 tháng Giêng, 1973, Tổng thống Nixon đã lên tới tuyệt đỉnh danh vọng.
Hiệp định Paris được ký vào chính lúc này (hai ngày sau khi Nixon đăng quang), lức là vào lúc quyền hành của vị Tổng thống ở đỉnh cao nhất. Trong thực tế, Hoa kỳ là một trong hai tác giả chính của Hiệp định Hoa kỳ ký kết, sau đó lại tổ chức một hội nghị quốc tế để xác định giá trị của nó. Trong điều kiện như vậy mà một Hiệp định cũng đã không duy trì được thì khi Hoa kỳ ký kết những Hiệp định khác, sự bền vững của chúng sẽ ra sao? Thật lạ lùng: trong các văn thư (như trích dẫn ở trongChương 3 và 4) trước khi ký kết, cũng như những tuyên bố sau đó, Nixon-Kissinger đã giải thích nhiều lần rằng Hiệp định Paris sẽ giúp Miền Nam tồn tại như thế nào, thế mà ở hậu trường, như đã trích dẫn trên đây, khi vừa ký xong, Kissinger đã nói với Haldeman là "nếu may mắn thì Miền Nam sẽ tồn tại được một năm rưỡi". Như vậy, làm sao ông có thể đổ hết cho Watergate đã làm cho Nixon suy yếu nên không giúp cho Miền Nam được nữa? Nixon chỉ bất đầu có dấu hiệu dính dấp tới vụ Watergate vào tháng 4-1973. Sáu tháng sau đó, vào tháng 10-1973, ông còn đủ mạnh để lập một cầu không vận tiếp cứu cho Do Thái, quy mô hơn cả cầu không vận tiếp cứu Berlin.
Thời gian sau, tuy Nixon có lo lắng bối rối thật, nhưng vẫn còn nhiều quyền lực. Ông chỉ yếu đi từ 1974 và tới Hè năm đó thì mới thực sự tê liệt.
Rồi tới Tổng thống Ford, đâu có dính líu gì đến Watergate mà cũng để cho Quốc hội cắt gần hết viện trợ cho Việt nam cộng hoà?
Sụp đổ vì yếu kém
Ngoài Watergate, Kissinger còn sử dụng một lý luận rất tinh vi khác. Tuy rằng không bao giờ đặt vấn đề một cách rõ ràng, có hệ thống, nhưng bằng cách đánh giá thấp con người Việt nam, ông gián tiếp biện minh cho những hành động của mình.
Hơn một tháng sau ngày miền Nam sụp đổ, trong một buổi nói chuyện tại Hiệp Hội Nhật Bản ở New York (16-8-1975), Kissinger bình luận về cuộc chiến Việt nam: thất bại là vì miền Nam thiếu ý chí chiến đấu: "Những cố gắng từ bên ngoài vào cũng chỉ có thể là bổ túc chứ không thể tạo ra được những cố gắng và ý chí chiến đấu cho người trong nước" (19).
Thật đúng là chỉ có thể bổ túc thôi. Nhưng có chiến tranh nào mà Mỹ đã nhúng tay vào với tầm mức như ở Việt nam rồi đến khi kết thúc lại đơn phương rút đi? Và rút nhanh như vậy?
Rồi cắt hết viện trợ? Ở Âu châu, sau khi thắng trận trong Thế Chiến Hai, Mỹ đóng quân lại, và còn kéo dài tới ngày nay. Chương trình Marshall được thiết lập để tái thiết Âu châu.
Lại còn chiến tranh Triều Tiên. Nó đã kết thúc từ 1952 mà cho tới bây giờ, vẫn còn 50 ngàn lính đóng ở vĩ tuyến 38.
Coi thường người Việt nam là tâm trạng thường xuyên của Kissinger. Trong một bữa ăn trưa với các phóng viên các báo TIME Và FORTUNE ngày 29 tháng Chín, 1972, ông nhận xét:
"Vấn đề của chúng ta với người Việt nam là bên nào cũng cho là mình đang thắng; và khoan hồng chẳng hề là đức tính của họ…"
"Người Việt nam là một giống người khó tính, bướng bỉnh, và đa nghi" (20).
Nói về sự bướng bỉnh, có lần ông Thiệu kể lại một chuyện buồn cười. Sau khi làm đủ trò để giúp Nixon thắng cử tháng 11 năm 1968, Kissinger đi họp với tân Tổng thống lần đầu tiên ở đảo Midway vào tháng Sáu, 1969. Lúc đầu, ông Thiệu được thông báo rằng vì là chủ nhà nên Nixon sẽ tới trước để tiễn ông tại phi trường. Nhưng khi ông tới nơi, máy bay Nixon còn cách xa Midway tới 15 phút. Lúc ông bước vào phòng họp thì thấy bốn cái ghế đã được xếp sẵn cho hai Tổng thống và hai phụ tá (Henry Kissinger và Nguyễn Phú Đức). Cái ghế thứ tư cao hơn và chỗ dựa lưng lớn hơn, dành cho Nixon. Ông Thiệu vừa buồn cười vừa tức. Không nói gì, ông lẳng lặng đi sang phòng ăn bên cạnh, xách một cái ghế cùng chiều cao, bê xuống rồi ngồi đối diện với Nixon. Sự sắp xếp này giống như một cảnh trong phim của Chaplin, "Nhà đại độc tài" (The Great Dictator): Hitler ngồi trên một ghế cao nhìn xuống Mussolini ngồi ghế thấp hơn. Ông Thiệu nói: "Sau này tôi được một người bạn Mỹ kể lại là Kissinger đã chẳng bao giờ "tin rằng Thiệu là con người như vậy".
Đọc kỹ tập hồi ký Kissinger viết năm 1979, ta thấy ý nghĩ của Kissinger về đặc tính người Việt không lấy gì làm khách quan. Ông đã bộc lộ ra ở nhiều chỗ. Nơi đây chúng tôi chỉ ghi lại một số trang để độc giả nghiên cứu thêm.
Viết về những tranh cãi giữa mình với ông Thiệu lúc hoà đàm Paris, Kissinger đã phê phán (để tiện tra cứu, tôi ghi ngay số trang của cuốn hồi ký "The White House years" sau mỗi câu Kissinger viết):
"Phương pháp của ông ta thật là đúng Việt nam một cách đáng ghét."(trang 1034);
"Sự đa nghi không lành mạnh của ông ta là một đặc tính quá tinh tuý của người Việt nam". (trang 1034);
"Và ông Thiệu đã làm cho chúng tôi bối rối hơn nữa bằng cách áp dụng thủ đoạn lảng tránh mà người Việt nam thường dành cho người ngoài". (1322);
"Láo xược là áo giáp của kẻ yếu; nó là một phương cách đem lại can đảm khi phải đối diện với sự hoảng sợ của chính mình. Nhưng bây giờ tôi mới thấy rõ điều này hơn trước kia. Hồi tháng Chín 1972, phía Việt nam - Đồng minh của chúng ta - đã làm tôi uất ức bằng lối người Việt nam thường dùng để hành hạ đối thủ to con hơn họ". (1327);
"Ông Thiệu chẳng bao giờ bàn cãi về quan niệm. Thay vào đó, ông ta đấu tranh theo đúng cung cách Việt nam: gián tiếp, quanh co, bằng phương pháp làm cho đối phương mệt nhoài hơn là làm sáng tỏ công việc, luôn luôn châm chích mà không đi thẳng vào vấn đề - cái phương pháp mà qua bao nhiêu thế kỷ, người Việt nam đã dùng để bẻ gẫy tinh thần ngoại bang trước khi đánh bại đối phương ở một trong những trận tấn công anh hùng của họ". (1368);
"Thế nhưng, chẳng người Việt nam nào, cả Bắc lẫn Nam, tin rằng tự tín, tin tưởng, hay tình bạn là điều quyết định. Họ đã sống thoát được ngoại bang qua bao nhiêu thế kỷ không phải là do tin tường mà là do vận dụng mánh khoé". (1368).
Sau khi cuốn hồi ký của Kissinger được xuất bản (1979), một tạp chí Đức, tờ Der Spiegel có phỏng vấn ông Thiệu (ngày 1-12-1979).
Der Spiegel: "Ông Kissinger sau cùng đã cảm thấy rằng sự giận dữ một cách bất lực (impotent rage) là cái mà người Việt nam luôn luôn dùng để hành hạ đối phương mạnh hơn mình", ông trả lời thế nào về những nhận xét trong Hồi ký Kissinger?"
Ông Thiệu: "Tôi không muốn trả lời ông ta. Tôi cũng không muốn bình luận về ông. Ông ta có thể bình luận về tôi, tốt hay xấu, thế nào cũng được. Tôi chỉ muốn bàn đến cái gì thực sự đã xảy ra giữa Hoa kỳ và Miền Nam Việt nam".
Der Spiegel: "Ông có cho ông ta lý do gì để bình luận với một giọng xúc phạm như vậy không?"
Ông Thiệu: "Có thể là ông ta đã ngạc nhiên phải đối địch với những người thông minh và có khả năng. Có thể là từ mặc cảm tự tôn".
Chỉ trích cá nhân ông Thiệu (và con người Việt nam) như vậy mà năm năm sau sụp đổ, Kissinger còn có thể viết cho rằng: "Cuốn sách của tôi đã không ngớt ca ngợi sự can đảm, tư tưởng đúng đắn, và công nhận rằng, trong thực chất, Ngài đã đúng" (xem cuối chương 13 và Phụ lục D).
Kết thúc phải cho mau lẹ
Chỉ có chiến lược "kết thúc cho mau lẹ" mới giải thích được câu hỏi then chốt: tại sao tất cả những cam kết mật giữa Tổng thống Nixon và Tổng thống Thiệu đã được giấu thật kỹ. Kể cả những viên chức có trách nhiệm trực tiếp về Việt nam như các Tổng trưởng ngoại giao, quốc phòng thời Nixon và thời Ford cũng không ai biết gì. Đến chính Tổng thống Ford cũng bị bưng bít. Phải kín như vậy thì tới lúc kết thúc mới làm thật nhanh được, hết bàn cãi.
Vì nếu không kết thúc cho mau lẹ là rất kẹt! Đơn giản mà nói: ví như ta đi xem kịch, nếu lới lúc hạ màn mà giây kéo màn lại bị rối thì tình trạng sẽ như thế nào? Tất nhiên người kéo màn sẽ cứ phải loay hoay, kịch sĩ diễn xong rồi mà chưa lui vào được, sân khấu lộn xộn, màn mới làm sao mà trình diễn? Chủ rạp sẽ mất uy tín.
Năm 1975 là năm Kissinger có lịch trình mới, ưu tiên mới. Lại là năm Tổng thống Ford sửa soạn ra ứng cử Tổng thống năm 1976. Lịch mới của ông gồm nhiều công tác khẩn trương:
- Với Nga Xô: thực hiện cho được chính sách détente (hoà dịu);
- Với Trung Quốc: mở rộng quan hệ ngoại giao để có thế mạnh với Nga Xô;
- Với Âu châu: quay lại với quan niệm của Jean Monnet tạo dựng lên một "tam giác vàng" gồm Tây Âu, Mỹ và Canada;
- Với Nhật: tái lập quan hệ tốt đẹp đã mất từ khi Mỹ bắt tay Trung Cộng năm 1971 và việc phá giá đồng đô la năm 1972; và
- Rất khẩn trương là việc dàn xếp với hai phe Do Thái- A Rập để vãn hồi hoà bình.
Với vậy như ông đã nguyền rủa, "điều tệ hại nhất có thể xảy ra là bọn chúng cứ sống dai dẳng hoài". Và có kéo dài thêm lại càng kẹt, mà cũng chẳng được gì. Kissinger đã phán xét trong hồi ký: "Biết ơn những điều người khác làm cho mình thật không phải là đặc tính của người Việt nam". (trang 1338).
Ngày 17-4-1975, ông gửi mật điện hối thúc Đại sứ Martin: "Hãy ra đi cho mau, và ngay lập tức"
Chú thích:
(1) Ron Nessen, It sure looks different from the inside, trang 96.
(2) Ron Nessen, It sure looks different from the inside,trang 98.
(3) Marvin Kalb and Bernard Kalb, Kissinger, trang 400
(4) Marvin Kalb and Bernard Kalb, Kissinger, trang 87.
(5) Landau, David, Kissinger: The Uses of power, trang 436.
(6) The New York Times, 28-2-2002.
(7) The New York Times, 28-2-2002.
(8) The New York Times, 28-2-2002.
(9) Xem thêm Chương 3, mục "Rút quân từ song phương tơi đơn phương".
(10) Diễn văn của Tổng thống Nixon sau Hiệp định Paris; xem thêm: Marvin Kalb and Bernard Kalb, Kissinger, trang 476.
(11) Richard Nixon, U.S. Foreign Policy of the 1970 s, A Report to the Congres.s, May 3, 1973, trang 60.
(12) Henry Kissinger, White House Years, trang 1470.
(13) Henry Kissinger, White House Years, trang 1470.
(14) John Erlichman, Witness to Power, trang 288.
(15) Marvin Kalb and Bemard Kalb, Kissinger, trang 478.
(16) Arnold R. Isaac, Without Honor, trang 123-124.
(17) Henry Kissinger, A World Restored, trang 1470.
(18) Henry Kissinger, Ending the Vietnam war, trang 457.
(19) Guenter Lewy, America in Vietnam, trang 441.
(20) Theo sổ tay của Jerrold Schecter, 4-10-1972, Tham dự bữa ăn trưa còn có cả ký giả Hedley Donovan, Henry Grunwald. Hugh Sidey, Louis Bank và Richard Campbell của tạp chí Fortune.
                                                                                                                                                        hết: Phần III - Chương 13, xem tiếp: Phần IV - Chương 14