Home Lịch Sử VN Sách Khi Đồng Minh Tháo Chạy Khi Đồng Minh Tháo Chạy - Phần III - Chương 10

Khi Đồng Minh Tháo Chạy - Phần III - Chương 10 PDF Print E-mail
Thứ Ba, 25 Tháng 5 Năm 2010 09:34

 

Cuộc Chiến Việt Nam                                                                                                                                                                 

KHI ĐỒNG MINH THÁO CHẠY

Phần III - Chương 10

Lúc tuyệt vọng
"Hiện nay tình hình ở Miền Nam VN có vẻ như là Bắc Việt có thể sẽ không mở một cuộc tấn công ồ ạt, toàn quốc… mấy tháng sắp tới, chắc là ta sẽ thấy một số cao điểm về phía Bắc Việt, chứ lúc này thì tôi không thấy có thể xảy ra một cuộc tấn công lớn, toàn quốc, với mức độ như hồi năm 1972"(1).
Đó là lời tuyên bố của Tổng trưởng quốc phòng James Schlesinger ngày 14 tháng Giêng, 1975 sau khi Phước Long thất thủ. Như thế thì rõ ràng là ông đã cố ý giảm nhẹ tầm mức quan trọng việc mất đi của một tỉnh đầu tiên trong suốt 15 năm chiến tranh.
Trái với điều nhiều người lầm tưởng, Sài gòn và Washington không hề ngạc nhiên khi cuộc tấn công mùa Xuân 1975 xảy ra. Tin tức tình báo cũng như đánh giá về khả năng này được thông báo đầy đủ cho phía Hoa kỳ từ cuối năm 1974 qua nhiều ngả.
Ngày sáu tháng 12, 1974, một phiên họp mật tại Dinh Độc lập về tình hình quân sự đã đi đến kết luận là năm 1975 sẽ mở một cuộc tổng tấn công với mức độ 1972, đi tới cao điểm vào tháng 10, 1975 lúc có bầu cử Tổng thống ở Việt nam, rồi kéo dài tới 1976 là năm bầu cử tại Hoa kỳ. Sau đó, ông Thiệu đã liên tục nói trước với ông Martin về khả năng này. Bộ Tổng tham mưu thì thông báo qua tướng Homer Smith, chỉ huy cơ quan Quốc phòng Mỹ DAO ở Sài gòn (thay tướng John Murray). Tướng Trần Văn Đôn, lúc đó là Phó Thủ tướng cũng đã qua Mỹ gặp Thứ trưởng quốc phòng William Clements để nói về nguy cơ sắp tới.
"Đừng lo, sẽ không có tấn công đâu; vả lại, chúng tôi còn đây cơ mà", ông Clements trấn an (2).
Khi tướng Murray mãn nhiệm, ông cũng đã báo cáo chi tiết về quân số, khí giới, tiếp vận hùng hậu của quân đội Bắc Việt tại miền Nam. Ông đã cảnh giác Ngũ Giác Đài về cuộc chiến khốc liệt sẽ xảy ra trong năm 1975.
Thấy phía Hoa kỳ không có phản ứng gì về vụ Phước Long, lại còn giảm nhẹ tầm quan trọng, ông Thiệu viết thêm lại bức thư đề ngày 24 và 25 tháng Giêng, 1975 để nói rõ ràng về nguy cơ sắp tới và yêu cầu thêm quân viện. Ngày 26 tháng hai, khi cuộc triệt thoái thê thảm từ Pleiku còn chưa kết húc, ông Ford trả lời. Nhưng lần này ông chỉ nói chung chung, kiểu đãi bôi cho xong chuyện (xem Chương 9).
Sau lệnh rút Pleiku
Ngày 20 tháng Ba, chúng tôi nhận được một cú điện thoại vào sáu giờ sáng. "Anh đến gặp tôi lúc tám giờ được không?Rồi ăn sáng luôn thể", tiếng ông Thiệu từ bên kia đầu giây nói. Sớm như thế này là chắc có gì gấp đây? Tôi nghĩ. Tới nơi tôi thấy một bàn ăn nhỏ kê sát cửa sổ trên hành lang lầu ba, địa điểm ông cho rằng không bị CIA nghe lén. Chuyện gì bàn ở văn phòng ông hay phòng họp là hay bị nghe lén. Có lần một người bạn Mỹ ở Toà đại sứ kể vài chuyện tiếu lâm tôi đã nghe chính ông Thiệu nói cho vui trong lúc uống cà phê giải lao. "Sao ông biết hay vậy?" tôi hỏi ông ta. "Chúng tôi biết hết", ông không ngần ngại trả lời.
Khi người giúp việc rời xa bàn, ông Thiệu nghiêm giọng nói: "Tôi nghĩ rằng nội một vài ngày tới, tình hình sẽ trầm trọng hết sức mau lẹ". Rồi ông nói qua cho tôi hay tình hình mặt trận: năm trong bảy sư đoàn trừ bị Bắc Việt đã vào tới Miền Nam. Như vậy tổng cộng là 19 sư đoàn trang bị đầy đủ với gần một ngàn xe tăng và trọng pháo. Hôm qua xe tăng Bắc Việt đã vượt sông Thạch Hãn đánh chiếm Quảng Trị và bắt đầu pháo kích Huế. Ông không nói gì tới vụ rút Pleiku và những cuộc họp mới đây với Thủ tướng Khiêm, Đại tướng. Trung tướng Quang, Trung tướng Trưởng, và Thiếu tướng Phú. Lúc tôi bắt đầu ăn tô phở thì ông lấy bút ra viết trên l trang giấy. Dường như là để thuyết phục chính bản thân mình, ông viết xuống:
- Quyền lợi quốc gia;
- Quyền lợi cá nhân;
- Địa vị chính trị.
Tôi hiểu ngay là ông đang làm một tính toán để đi tới một hành động nào đó.
Sát cạnh bốn chữ "quyền lợi quốc gia", ông viết xuống số 1;
Cạnh mấy chữ "quyền lợi cá nhân" ông phê chữ O (chữ O "phi" có nghĩa là "không");
Cạnh mấy chữ "Địa vị chính trị" cũng chữ O
Viết xong mấy hàng trên, ông nhìn đi nhìn lại mấy chữ vừa mới viết. Tôi không biết ông đang tính toán chuyện gì. Lúc đó đã bắt đầu có những chống đối mạnh mẽ đối với cá nhân ông từ nhiều phía kể cả tại Quốc hội. Ông im bặt vài phút, sau đó nhìn tôi và nói: "Sự sống còn của quốc gia đòi mình phải xả láng, vì thế mình phải đặt với Hoa kỳ câu hỏi "oui ou non" (có hay không) buộc họ phải dứt khoát còn muốn giúp hay không?
Mình không thể chờ lâu hơn được nữa. Rồi đây sẽ quá muộn. Giả thử không còn một lý do nào khác ngoài sự sống còn của quốc gia, lúc này tôi sẽ phải làm gì để Hoa kỳ không thể dùng cái lập luận là "sự đã rồi" để lấy cớ mà bảo tôi rằng "Sorry, ít is too late to intervene…" (Rất tiếc, đã quá muộn để can thiệp)".
Trước đó tôi có được ông cho xem một vài thư của Nixon và Ford. Lúc này đã đến lúc tuyệt vọng, chắc là một trong những điều ông đang tính toán và muốn hỏi ý kiến tôi xem nên sử dụng nó như thế nào. Tôi liền nắm lấy cơ hội và đề nghị ông nên công bố ngay mấy bức thư mật, bằng cách này hay cách khác. Tôi trình bày là nếu có một vài chính trị gia quay quắt thì người dân Mỹ trung bình lại là người lương thiện, đặt cao giá trị của công bằng, công lý. Và vì vậy, ông phải tranh thủ thẳng với nhân dân Hoa kỳ, qua đầu ông Ford. Nếu dùng nó trong một kế hoạch vận động viện trợ cho hợp lý, kèm theo những vận động (lobby) qua báo chí, các đài truyền hình, phỏng vấn, họp báo v.v… thì có thể lấy ngay được phần nào phản ứng thuận lợi của nhân dân Mỹ, và vì thế Quốc hội sẽ có thái độ thuận lợi hơn về vấn đề viện trợ. Tôi đề nghị nên mua giờ phát sóng của một hệ thống truyền hình Mỹ để ông trực tiếp nói chuyện với nhân dân Hoa kỳ, trình bày những đổi chác hậu trường của ông với Tổng thống Nixon. Lúc đó, tôi nghĩ tới đài truyền hình ABC vì có quen biết ông Frank Mariano của đài này.
Thế nhưng, ông chưa muốn thôi bảo mật những thư tín của Tổng thống Mỹ. "Tôi không muốn người Mỹ có pretext (cái cớ) để trỏ ngón tay vào mặt tôi". Tuy nhiên ông bàn tới việc định gửi một thông điệp SOS (cấp cứu) tới ông Ford, yêu cầu can thiệp và yểm trợ. "Tôi vẫn cho là ông Ford còn có thể làm được một cái gì nếu như ông ta thực sự hiểu rõ tình hình". Khi tôi tỏ vẻ dè dặt, ông nói: "Vấn đề là mình có quyền đòi nợ. Tôi chỉ có thể đòi ông trả nợ thôi. Trách nhiệm là của ông ta".
Hai ngày sau, ngày 22 tháng Ba, 1975, Tổng thống Thiệu triệu tập một buổi họp với Chủ tịch Thượng Viện Trần Văn Lắm và Chủ tịch Hạ Viện Nguyễn Bá Cẩn. Ông Bắc và tôi cũng tham dự. Ông Thiệu đặt câu hỏi là "Chúng ta đã tới cái lúc cạn tàu ráo máng giữa ta với Hoa kỳ chưa? Bây giờ có phải là lúc la lối om xòm lên chưa?" Đa số đều đồng ý rằng đã đến lúc phải dùng đến phương sách cuối cùng này: Miền Nam không nên công khai buộc tội Hoa kỳ nhưng trong từng buổi tiếp xúc riêng phải cố thúc bách viện trợ, phải đòi gắt gao để sau này người Mỹ sẽ không thể nói được là đã quá muộn, viện trợ cũng chẳng ích gì. "Còn đối với nhân dân Mỹ thì sao", ông Thiệu tiếp tục, "Có cách nào nói được với họ không? Chính cá nhân tôi hay là cấp lãnh đạo Quốc hội phải giải thích cho nhân dân Mỹ?"
Ngoại trưởng Bắc đề nghị: "Nên làm kín đáo, không nên công khai. Mình đâu muốn bị buộc tội là can thiệp vào nội bộ Hoa kỳ".
Tới đây, Tổng thống Thiệu nói thêm rằng hồi sáng, Đại sứ Martin có đến thăm và khuyên ông nên "vận động âm thầm với Tổng thống Ford". Martin thêm rằng bây giờ là lúc Quốc hội Mỹ sắp nghỉ lễ Phục Sinh, cho nên có yêu cầu viện trợ cũng không được cứu xét. Bởi vậy: "Từ bây giờ tới lúc đó (sau Phục Sinh), mình sẽ âm thầm làm việc với nhau".
Trấn an lần cuối
Đang khi ông Thiệu cân nhắc xem nên làm gì thì Đại sứ Phượng từ Washington lại chuyển đạt một lá thư của ông Ford gửi cho ông Thiệu. Lá thư tới Sài gòn ngày 23 tháng Ba. Đó là liên lạc trực tiếp cuối cùng của Tổng thống Hoa kỳ với Miền Nam. Chắc là ông Ford muốn nâng tinh thần ông Thiệu. Và làm như vậy chỉ hơn ba tuần trước khi có lệnh "yêu cầu Đại sứ (Martin) xúc liến cho nhanh việc di tản những công dân Mỹ ra khỏi Việt nam" (xem Chương 14).
Nhìn lại lịch sử, tôi nghĩ rằng có thể bức thư cuối cùng này chỉ nhằm trấn an ông Thiệu để ông khỏi la lối lên. Được gửi bằng mật mã từ Mỹ và giải mã ở Sài gòn, thư đọc như sau:

White House
Ngày 22 tháng Ba, 1975
Thưa Tổng thống,
Cuộc tấn công hiện nay của Bắc Việt chống lại quý quốc thật vô cùng xáo trộn khiến riêng cá nhân tôi lo âu. Theo quan điểm của tôi, thì cuộc tấn công của Hà Nội tượng trưng cho một sự việc không kém gì sự huỷ bỏ Hiệp định Paris bằng vũ lực.
"Biến chuyển này mang theo không hậu quả nghiêm trọng nhất cho cả hai dân tộc chúng ta. Đối với Ngài và nhân dân Ngài thì dây là lúc hy sinh lớn nhất, nó sẽ quyết đinh chính số phận quí quốc. Tôi tin tưởng rằng dưới quyền lãnh đạo của Ngài, quân lực và nhân dân Việt nam cộng hoà sẽ tiếp tục công cuộc bảo vệ kiên trì chống lại vụ xâm lược mới này. Tôi cũng tin tưởng chắc chắn rằng nếu có được sự yểm trợ bổ túc từ bên ngoài vào thì quý quốc sẽ thắng thế trong cuộc đấu tranh giành quyền tự quyết của mình.
"Riêng đối với Hoa kỳ thì vấn đề cũng không kém phần cấp bách.
"Khi hành động như thế này, Hà Nội đang tìm cách huỷ diệt tất cả những gì mà chúng ta đã chiến đấu để thành đạt, với phí tổn vô cùng to lớn, suốt mười năm qua!
Sự quyết tâm của Hoa kỳ để yểm trợ một người bạn đang bị các lực lượng (Bắc Việt) với vũ khí hùng mạnh tấn công, hoàn toàn vi phạm một thoả ước quốc tế (đã được ký kết) long trọng, là một điều hết sức cần thiết.
"Riêng tôi, tôi quyết tâm rằng Hoa kỳ sẽ đứng vững sau lưng Việt nam cộng hoà trong giờ phút tối quan trọng này. Với mục đích tôn trọng những bổn phận của Hoa kỳ trong tình thế này, tôi đang theo dõi những biến chuyển với chủ tâm cao độ nhất và đang khẩn cấp tham khảo ý kiến các cố vấn của tôi về những hành động mà tình thế có thể đòi hỏi và pháp luật cho phép. Về việc cung ứng viện trợ quân sự đầy đủ cho quân đội Ngài, xin Ngài yên tâm là tôi sẽ cố tâm nỗ lực để thoả mãn những nhu cầu vật chất của Ngài trên chiến trường.
Trước khi chấm dứt, tôi xin được nhắc lại một lần nữa lòng cảm phục liên tục của tôi đối với quyết tâm của Ngài và đối với sức bền bỉ và sự anh dũng của nhân dân Việt nam cộng hoà".
Kính thư,
(kí) Gerald R. Ford

Tổng thống Thiệu gạch dưới nhiều đoạn: "Quyết tâm của Hoa kỳ ủng hộ một người bạn", "Mỹ sẽ đứng vững sau VNCH trong giờ phút tối quan trọng này", "tôn trọng những bổn phận của Hoa kỳ trong tình thế này", và "tôi sẽ cố tìm mọi nỗ lực để thoả mãn những nhu cầu vật chất của Ngài trên chiến trường". Thế nhưng, dù là nói tới "quyết tâm ủng hộ" này kia, người thảo bức thư đã khôn khéo gài vào mấy chữ: "(tôi) đang khẩn cấp tham khảo ý kiến các cố vấn về những hành động mà tình thế có thể đòi hỏi và pháp luật cho phép".
Ông Thiệu chỉ thị cho tôi gấp rút soạn một lá thư gửi Tổng thống Ford. Ông ghi xuống những điểm chính để tôi viết lại bằng tiếng Anh. Trong bản dự thảo lần đầu, tôi mô tả chi tiết về tình hình suy sụp nhanh chóng tại Miền Nam, vì vào lúc đó trước công luận, trong các giới chức ở Washington không ai chỉ rằng tình hình đã nguy ngập.
Hồ sơ mật lệnh Độc Lập
Trong lúc tôi đang soạn thư thì Đại tá Đức, một sĩ quan tuỳ viên của Tổng thống Thiệu tới nhà và mang theo một phong bì lớn ngoại khổ, nặng, cồng kềnh và dán kín. Bên trong phong bì là một tập giấy rời đựng trong bìa đen: đó là tập Hồ sơ mật Dinh Độc Lập, gồm tất cả những thư tín trao đổi giữa VNCH và HK trong thời gian trên ba năm qua. Tôi được chỉ thị của Tổng thống là dùng tập hồ sơ này để soạn thảo lá thư cho ông.
Trước đó ít lâu, vào đầu tháng ba, tôi đã có dịp được coi phó bản của một vài lá thư lẻ tẻ, nhưng chưa bao giờ được đọc toàn bộ tập hồ sơ, gồm các thư của Tổng thống Nixon, Tổng thống Ford, và hàng chục lá thư của Tổng thống Thiệu, xếp theo thứ tự thời gian.
Thức khuya để đọc hết tập hồ sơ đó, điều làm tôi chú ý trước hết là đọc thấy những ngôn từ có thể nói là "tàn bạo".
Trước đấy, trong cương vị một giáo sư đại học, tôi cứ tưởng là lãnh đạo các cường quốc luôn luôn có những ngôn từ ngoại giao, nhẹ nhàng. Nếu cần đe doạ, thì sẽ dùng một thứ ngôn từ gián tiếp nào đó, chứ đâu có "nói toạc móng heo". Đọc tập hồ sơ xong tôi mới học được bài học chính trị khá phũ phàng ở hậu trường!
Điều làm tôi ngạc nhiên thứ hai là thấy rõ sự chặt chẽ và và quan trọng của những bảo đảm mà Tổng thống Nixon đã đưa ra để đổi chác với VNCH. So sánh nó với những gì đã và đang xảy ra, tôi thấy rõ sự gian trá và bội ước. Điều này thật khác xa những kinh nghiệm trong bao nhiêu năm của bản thân tôi sinh hoạt trong xã hội Mỹ (từ 1958). Qua lối sống hằng ngày trong giao tế, mua bán, người Mỹ nói chung là rất lương thiện, xòng phẳng. Từ khi còn ở đại học, tôi thấy sinh viên Mỹ thường không nói dối, hoặc là "cóp" bài hay gian lận trong lúc thi. Thí dụ như ở Đại Học Virgina, có một truyền thống gọi là "hệ thống danh dự", (Honor System): thỉnh thoảng giáo sư cho sinh viên mang bài thi về nhà làm. Quan sát anh bạn Mỹ cùng phòng, cũng như nhiều sinh viên khác, tôi thấy ít khi nào họ mở sách ra xem hay làm bài chung với nhau. Khi đi mua đồ đạc đem về dùng, mấy hôm sau nếu thấy không tốt hay không vừa ý, vẫn có thể mang trả lại, hoặc đổi cái mới. Đa số người Mỹ thường không lạm dụng lề thói này.
Một suy nghĩ khác trong tâm trí tôi lúc đó là về phong cách làm việc không được hữu hiệu về phía VNCH. Nhẽ ra, sau Hiệp định Paris, tất cả những văn kiện hậu trường bang giao Việt - Mỹ đã phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, bàn bạc, rồi đưa ra những phương thức hành động cho thích hợp. Giá như Chính phủ Sài gòn khai thác hồ sơ này vào năm 1973 thì còn có hy vọng phần nào. Vào thời điểm đó, sau khi Tổng thống Nixon đã rút hết quân và mang được tù binh về, Quốc hội Mỹ vẫn còn đôi chút thiện cảm với Miền Nam (3). Đằng này, chỉ có một cuộc họp vài ngày tại San Clemente giữa hai Tổng thống (tháng 4, 1973) và sau đó chỉ có một "thông cáo" nói tới việc Hoa kỳ sẽ tiếp tục yểm trợ Miền Nam, chung chung như vậy thôi. Tổng thống Thiệu đã không bàn định gì thêm với Hội đồng Tổng trưởng cũng như chia sẻ với Quốc hội. Tại Quốc hội, năm 1974, ông Trần Văn Lắm là Chủ tịch Thượng Viện. Lúc trước ông là Tổng trưởng ngoại giao, và là người ký Hiệp định Paris, như vậy ông đã biết đầy đủ về những tài liệu này. Với chức vị mới của ông bên lập pháp, ông đã có thể liên lạc thẳng với Quốc hội Hoa kỳ để đưa ra vấn đề, dù có thể bị Kissinger chống đối.
Năm 1973 và 1974, đôi khi Eric Von Marbod có hỏi tôi là có những bằng chứng nào về việc ông Nixon hay Kissinger hứa hẹn gì với Tổng thống Thiệu không? Marbod đã muốn có dữ kiện để đưa cho cấp trên của mình là Schlesinger. Ông này có thể dùng nó khi lên Quốc hội điều trần về viện trợ. Sau ngày sụp đổ, có lần tôi hỏi Tổng thống Thiệu về việc này thì ông trả lời: "Nếu họ (Chính phủ Nixon, Ford) muốn giúp mình thì tự họ phải thông báo cho Quốc hội hội biết; nếu mình tiết lộ, họ sẽ vin vào đó mà nói mình bội ước". Phía Hoa kỳ đã luôn luôn dặn ông phải giữ bí mật mọi trao đổi văn bản (ngay lúc Kissinger đưa bản thảo Hiệp định Paris cho ông Thiệu hồi tháng 10, 1972, ông ta còn dặn là "Phải giữ hết sức bí mật", nhưng ông Thiệu đã trả lời thẳng là "ít nhất tôi cũng phải đưa cho Hội đồng an ninh xem").
Khiếu nại tới lương tâm Hoa kỳ
Trong bản dự thảo thư gửi cho Tổng thống Ford, thoạt đầu tôi mô tả chi tiết về tình hình suy sụp nhanh chóng ngoài mặt trận, vì tại Washington lúc ấy, Tổng trưởng quốc phòng đang nói là không có một khủng hoảng quân sự nào ở Việt nam! Trong khoảng thời gian soạn thảo lá thư, thì mặt trận đã suy sụp nhanh chóng. Một bản thảo vừa viết xong, tình thế đã lại thay đổi, khiến nó trở thành lỗi thời. Nhịp biến chuyển của thời gian có thể trông thấy ngay trước mắt.
Sau khi nhận được thư Tổng thống Ford viết ngày 22 tháng 3, ông Thiệu quyết định nói mạnh, đòi Mỹ yểm trợ bằng quân sự. Ông chỉ thị cho tôi "đừng báo cáo chi tiết về tình hình, mà cũng đừng nói gì tới xin quân viện 300 triệu đô la nữa". Buổi chiều ngày 24 tháng 3, bản thảo chót được trình cho ông, có đoạn mở đầu: "Thưa Tổng thống, lúc lá thư này tới tay Ngài, thành phố Huế có lẽ đã bị bỏ ngỏ, và rất có thể chính Sài gòn cũng đang bị đe doạ".
Sáng hôm sau, Huế bị bỏ ngỏ thật. Ông Thiệu xoá câu mở đầu gạc đi những câu dài dòng. Đọc bản thảo, ông chữa và viết lại yêu cầu can thiệp bằng quân sự và tăng quân viện.
Nguyên văn cuối cùng như sau:

Ngày 25 tháng 3, 1975
Kính gửi Tổng thống Gerald Ford
Toà Bạch Cung
Thưa Tổng thống,
Xin cảm ơn Ngài về bức thư đề ngày 22 tháng 3, 1975 của Ngài.
Trong lúc tôi viết bức thư này cho Ngài thì tình hình quân sự tại Nam Việt nam đang hết sức khẩn trương, và cứ mỗi giờ qua lại càng trầm trọng hơn.
Sự bất quân bình trong cán cân lực lượng của hai bên đã nghiêng hẳn về phía quân Bắc Việt, cũng như những lợi điểm chiến lược mà chúng thu thập được trong hai năm qua, đã đưa tới tình trạng khủng hoảng hiện nay, nhất là tại Vùng 1 và Vùng 2 Chiến thuật, như Ngài hẳn đã biết. Những áp lực nặng nề đang đè xuống tất cả phần còn lại của lãnh thổ quốc gia. Chúng tôi, và chính Sài gòn cũng đang bị đe doạ.
Bởi vậy, nếu không có những biện pháp cực mạnh và mau chóng về phía Ngài để tái lập sự quân bình lực lượng thì chúng tôi sẽ khó mà ngăn chặn sự tiến quân của các lực lượng Cộng sản, để giữ vững phòng tuyến hầu đẩy lui lực lượng xâm lăng.
Ý đồ của Hà Nội là dùng Hiệp định Paris đê thôn tính miền Nam bằng quân sự thì chúng tôi đã biết rõ ngay từ lúc còn đang thương thảo Hiệp định này.
Chắc Ngài còn nhớ chúng tôi đã ký (Hiệp định ấy) không phải vì chúng tôi ngây thơ tin ở thiện chí của kẻ thù, mà chỉ vì chúng tôi đã tin tưởng vào lời cam kết long trọng của Hoa kỳ là sẽ bảo vệ hoà bình tại Việt nam.. Theo những lời cam kết vững chắc lúc ấy, chúng tôi đã được hứa hẹn là Hoa kỳ sẽ trả đũa thực lòng và mãnh liệt khi có bất cứ vi phạm Hiệp định nào của đối phương.
Chúng tôi coi những lời cam kết đó là bảo đảm quan trọng nhất cho Hiệp định đình chiến.
Chúng tôi tin vào cam kết đó là tối quan trọng cho sự sống còn của chúng tôi.
Thưa Tổng thống,
"Trong giờ phút hết sức khẩn trương này, lúc mà sinh mệnh của miền Nam đang lâm nguy và hoà bình đang bị đe doạ nghiêm trọng tôi xin long trọng yêu cầu Ngài thi hành hai biện pháp cần thiết sau đây:
Ra lệnh cho phi cơ B-52 can thiệp trong một thời gian ngắn nhưng mãnh liệt xuống những nơi tập trung quân và căn cứ hậu cần của địch trong lãnh thổ Miền Nam Việt nam, và cung ứng khẩn cấp cho chúng tôi những phương tiện cần thiết để ngăn chặn và đẩy lui cuộc tấn công.
"Chỉ có hai hành động này mới có thể chặn đứng được kẻ thù khỏi xé nát những mảnh giấy còn lại của Hiệp định Paris.
Thưa Tổng thống,
"Một lần nữa, tôi muốn kêu gọi Ngài, kêu gọi đến uy tín của chính sách ngoại giao Hoa kỳ, và nhất là khiếu nại tới lương tâm của nhân dân Hoa kỳ.
Tôi đã rất phấn khởi khi thấy vào lúc mới nhiệm chức Tổng thống, chính Ngài đã mau chóng tái xác nhận những bảo đảm cũng như tiếp tục chính sách ngoại giao của Hoa kỳ (đối với Việt nam) và minh định hiệu lực của những cam kết hiện hữu. Tôi tri ân Ngài về việc Ngài (đã nói, rằng sẽ) quyết tâm tôn trọng hoàn toàn những cam kết đó trong nhiệm kỳ của Ngài. Như Ngài đã nhận định thật đúng, những bảo đẩm này đặc biệt thích hợp với (trường hợp) Việt nam cộng hoà.
Nhiều thế hệ quốc dân Việt nam sau này được sống trong tự do không bị Bắc Việt thống trị sẽ mang ơn về những hành động kịp thời của Ngài và lòng kiên trì của dân tộc Hoa kỳ vĩ đại.
Trân trọng,
Nguyễn Văn Thiệu
Tổng thống Việt nam cộng hoà

Sau khi ông Thiệu chữa xong, tôi sang phòng Đại Tá Cầm, chánh Văn phòng của Tổng thống, và dặn ông cho đánh máy ngay rồi mời Đại sứ Mỹ sang trao càng sớm càng hay. Tôi vừa ra khỏi phòng Đại tá Cầm mới nhớ là đã quên chưa cám ơn ông Ford về lá thư ngày 22 tháng 3. Có lẽ là vì nó chẳng có gì đáng nhớ. Nhưng tôi vội quay lại, ghi vào bản thảo và dặn ông Cầm thêm câu cám ơn cho lịch sự. (tôi viết: add "Thanh you for your letter of March 22nd"). Lúc dó Đại sứ Martin đã đi Mỹ vận động vào giờ chót. Phó Đại sứ Wolfgang Lehmann sang nhận thư. Ông Thiệu nói chuyện sơ với ông Lehmann và trao cho ông xem bức thư cầu cứu cuối cùng của VNCH.
Lehmann nói vài câu qua loa giải thích sự vắng mặt của Đại sứ Martin. Bằng một giọng như nghẹn ngào, ông hứa "Tôi sẽ chuyển ngay thư này". Ông vội về Toà đại sứ và bằng một đường giây đặc biệt, đã điện về Washington ngay sau đó.
Một chút ân tình
Nhận được thư ông Thiệu, Tổng thống Ford không hồi âm nhưng làm một nghĩa cử tượng trưng cho một chút ân tình. Trong Hồi ký (1979) ông viết lại rằng:
"Chiều ngày 25 tháng 3 (ngày 26 giờ Sài gòn), tôi họp với các ông Kissinger, Scowcroft, Martin và tướng Weyand, Tham mưu trưởng Lục quân. Mọi người đều biết là tình hình Miền Nam rất trầm trọng nhưng không ai biết nó nguy kịch như thế nào. Tôi yêu cầu ông Weyand bay sang Sài gòn sớm nhất có thể, ở đó độ một tuần rồi mang về một báo cáo đầy đủ".
Biết rằng "Chẳng ai biết nó nguy kịch như thế nào", Tổng thống Ford hoàn toàn không đả động gì đến những cầu cứu khẩn thiết của Tổng thống và Chủ tịch Quốc hội VNCH (xem Chương sau). Ông Martin vừa ở Sài gòn trở về Washington sau khi họp nhiều lần với ông Thiệu, cũng như đã có đầy đủ tin tức chiến trường do Polgar cung cấp, và đã báo cáo chi tiết cho Kissinger và Ford.
Ngày 27 tháng 3, Von Marbod gọi cho tôi từ Ngũ Giác Đài thông báo là ông sẽ cùng đi với tướng Weyand. Tôi rất mừng, vì lúc đó đã bắt đầu nghi ngờ về sự hiểu biết của ông Ford.
Nhận rõ bản tính hay nghi ngờ của ông Thiệu, tôi dựa vào đó nói lên mối quan tâm của tôi trước khi phái đoàn Weyand tới Sài gòn.
Làm sao để đi vòng?
Tôi muốn ông Thiệu biết việc tôi dự định làm để đi vòng sau lưng ông Kissinger. Từ mùa hè 1974, ông Thiệu có dặn là khi nào tôi chủ động muốn gặp ông thì cứ đưa cho Đại tá Cầm một phiếu nhỏ, ghi vấn đề muốn bàn và mức độ gấp hay không gấp. Nếu ghi số 1 là gặp ngay, càng sớm càng tốt; số 2. nội trong 3-4 ngày; số 3: nội trong tuần. Hôm đó tôi chỉ ghi: "Vấn đề quan trọng" và về độ khẩn, tôi ghi hai lần số 1. Tôi nói với Đại tá Cầm sắp xếp cho tôi gặp ông vào buổi sáng vì biết bản tính ông hay cởi mở, đón nhận những ý kiến mới vào sớm mai.
Vừa gặp, tôi đã đi thẳng vào vấn đề và nói tới nghi vấn của tôi (việc chính ông Ford cũng không biết rõ những chuyện giữa Nixon với ông.
"Sao anh lại nghĩ vậy? Làm sao mà một Tổng thống lại không biết đến sự việc đó? Ông ta vừa lập lại "những cam kết của Hoa kỳ với tôi", ông Thiệu ngạc nhiên hỏi tôi.
"Ấy chính điểm đó mà tôi mới nghi".
Trước khi để ông hỏi "tại sao anh nghi", tôi nói tiếp "Có lẽ Kissinger đã bưng bít, không trình ông ta".
Thế là đã trúng. Ông Thiệu luôn nghi ngờ là Kissinger trước kia đã không tường trình đầy đủ mọi khía cạnh về Hoà Đàm Paris cho Tổng thống Nixon. Ông tỏ vẻ đăm chiêu, mắt chớp chớp. Được đà, tôi nói thêm: "Tôi đề nghị Tổng thống cho phép tôi tìm cách gửi những thư của ông Nixon tới ông Ford".
Ông Thiệu không nói gì, lại càng nhìn tôi chăm chú. "Bây giờ mình đã tuyệt vọng, không còn cái phao nào mà bám nữa", tôi cố gắng thuyết phục. Dường như bị một nỗi chua xót đang dày vò, ông không nói gì thêm, ngả lưng vào ghế, nhìn lên trần nhà, cau mày, suy tư. Tôi đứng dậy, "Thôi tôi về để Tổng thống làm việc".
Rời bàn ăn tôi đi về phía cầu thang. Vừa đi được mấy bước, bỗng ông Thiệu gọi giật lại: "Anh Hưng", tôi quay lại. Ông dặn với: "Làm gì thì làm, nhưng phải hết sức thận trọng đừng để Mỹ có cớ đổ tội cho là mình bội tín". Tôi hiểu ngay là ông đã đồng ý, nhưng như thường lệ, ông không ra lệnh rõ ràng.
"Tổng thống đừng ngại, có gì cứ đổ cho tôi". Ông hấp tấp đi xuống văn phòng.
Tới Sài gòn, ông Von Marbod gọi cho tôi ngay. Tôi mời ông tới nhà dùng cơm ngay chiều hôm đó. Rất mong tin tức xem Washington phản ứng thế nào về lời cầu cứu, tôi muốn dò xem trước khi phái đoàn Weyand lên đường, ông Ford có bình luận gì không? "Tổng thống Ford gửi Weyand sang để trấn an và xem các anh cần giúp gì", ông nói. Sau vài ly bia "33" mà ông rất ưa thích, tôi hỏi thẳng xem có phải tướng Weyand sang Sài gòn là để đáp ứng lá thư cầu cứu của Tổng thống Thiệu vừa gửi không? "Tổng thống Thiệu hả, hồi nào?" Marbod hỏi giật. Té ra ông và cả phái đoàn Weyand không hay biết gì cả. Tôi tóm tắt nội dung lá thư, và nhấn mạnh là lời cầu cứu SOS được dựa trên căn bản những hứa hẹn mật để bảo đảm hoà bình và cung cấp đầy đủ viện trợ. "Ai hứa?" Marbod tò mò hỏi. Khi tôi nói rõ ra là đã có những cam kết của chính ông Nixon viết trên giấy trắng mực đen gởi cho ông Thiệu, Marbod hết sức hồ nghi. "Anh nói gì vậy? Tổng thống Nixon thực sự có hứa hẹn à, hứa gì? bao giờ, bao giờ?" Ông hỏi dồn dập.
Trước khi đi xa hơn, tôi hỏi ông ta xem vai trò của Tướng Weyand có quan trọng không. Ông cho biết là rất quan trọng và khi về Washington thì Weyand sẽ báo cáo thẳng cho Ford (sau khi báo cáo theo hệ thống cho Tổng trưởng quốc phòng). Tôi mở cặp, đưa cho Marbod coi một vài lá thư của Tổng thống Nixon."Thật là khó tin. Tại sao các anh lại dấu những tài liệu này đi?"
"Ông có nghĩ là Tổng thống Ford biết đến những lá thư này không?" tôi hỏi lại.
"Tôi không biết. Tôi không đoán được", Marbod trả lời. "Tôi phải về ngay để gặp tướng Weyand", ông nói và yêu cầu tôi cho ông mang theo mấy lá thư. "Liệu ông có thể chuyển giúp mấy thư này tới tay Tổng thống Ford qua ngả tướng Weyand được không?" tôi hỏi.
"Lẽ dĩ nhiên tôi có thể lo việc này được. Nếu biết sớm hơn, chúng tôi đã có thể giúp cho VNCH nhiều hơn".
Thật khó cho tôi giải thích là chính mình cũng chỉ vừa mới biết hồ sơ mật này. Để cho cẩn thận, tôi nhờ Marbod về trao đổi với tướng Weyand liệu xem ông ta có sẵn lòng làm việc này không đã. Bởi vậy tôi đề nghị là trước hết, tôi chỉ ghi mấy nét chính trong vài lá thư cho Weyand đọc xem ra sao?
Vài hôm sau, Marbod trở lại. "Weyand rất đỗi ngạc nhiên về những bức thư này", ông nói. "Weyand cũng đồng ý là có lẽ Tổng thống Ford không biết gì thật! Trước khi lên đường ông ta đã họp mật với Tổng thống và hoàn toàn không thấy đả động gì đến cả" Marbod nhấn mạnh: "Anh phải đưa thư cho tôi ngay, tướng Weyand sẽ tìm cách đưa riêng cho ông Ford"(4).
Ngày 3 tháng 4, trước khi về Washington, phái đoàn đoàn tới Dinh Độc Lập họp với phía VNCH. Đêm hôm trước, ông Thiệu bảo tôi soạn một bản tóm tắt những đoạn quan trọng trong mấy lá thư để ông khôn khéo sử dụng một cách bóng gió với Weyand. Tôi trình bày là ông khỏi phải nói vì tôi đã làm việc đó rồi. "Anh gặp ông ta hồi nào?" Ông Thiệu ngạc nhiên hỏi. "Tôi không gặp chính ông ấy, nhưng nhờ một người thân tín trao dùm. Weyand rất ngạc nhiên và cũng nghĩ rằng chính ông Ford cũng không biết đến chuyện này". Bây giờ thì ông Thiệu đã hoàn toàn tin là Kissinger bưng bít. "Vấn đề này rất tế nhị, người bạn tôi và tướng Weyand sẽ tuỳ cơ ứng biến", tôi nói, rồi nhắc lại: "Tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc này. Nếu bị tiết lộ và Kissinger phản kháng, Tổng thống cứ đổ hết cho tôi".
Tổng thống Ford xúc động
Đang trên đường bay về Washington để báo cáo, trước hết cho Tổng trưởng quốc phòng theo hệ thống, thì Weyand được lệnh đổi hướng bay thẳng tới Palm Springs (Nevada) để phúc trình cho hai ông Ford và Kissinger tại đó. Weyand muốn đưa mấy bức thư cho ông Tổng thống, nhưng làm sao mà đưa riêng được? Weyand thừa biết rằng nếu Kissinger biết chuyện này thì chắc chắn ông ta sẽ chặn lại, hoặc là sẽ sửa soạn tinh thần ông Ford. Kissinger có biệt tài về hùng biện. Nếu ông muốn chuẩn bị ông Ford trước thì rất dễ dàng. Chỉ cần đưa ra một cách giải thích nghe rất hợp lý thí dụ như: "đâu có gì quan trọng; những lời tuyên bố công khai hồi đó cũng đã giống như vậy rồi" là ông Ford tin ngay, vì ông Ford đâu có theo dõi gì. Câu nói này cũng chính là luận điệu Kissinger đã đưa ra để biện hộ lúc về sau này.
Biết như vậy nên Weyand đã cố sắp xếp để gặp riêng ông Ford ngày 5 tháng 4 được năm phút trước khi họp với Kissinger "Đọc mấy thư này, ông Ford đã xúc động", Marbod kể lại. Và có lẽ là vì thấy quá bất nhẫn, nên ông đã thay lòng đổi dạ, có quyết định cứu thêm số người di tản và xin thêm quân viện cho Miền Nam dù đã quá muộn (xem Chương sau).
Weyand, von Marbod gặp Ford và Kissinger trong phòng ngủ ngôi biệt thự nghỉ hè của ông Ford. Weyand trao cho Ford bản phúc trình về tình hình tại Miền Nam và đề nghị những biện pháp yểm trợ, đặc biệt là tăng 722 triệu quân viện cấp thời. Trong bản tóm lược về báo cáo chi tiết, Weyand viết:
"Tình hình quân sự hiện nay đang nguy ngập… Chính phủ Việt nam đang gần kề sự thật bại quân sự hoàn toàn. Tuy nhiên, Miền Nam đang làm kế hoạch tiếp tục chống giữ với những tài nguyên còn lại của họ và, nếu được một thời gian để lấy lại sức, họ sẽ xây dựng lại được những khả năng của họ tới mức mà sự yểm trợ vật chất của Hoa kỳ sẽ cho phép. Tôi tin rằng chúng ta thiếu họ món nợ yểm trợ đó…
"Chúng ta đã giơ tay ra cho nhân dân Miền Nam Việt nam và họ đã nắm lấy. Giờ đây, họ đang cần đến bàn tay giúp đỡ ấy nhiều hơn bao giờ hết…
"Uy tín của Hoa kỳ, trong cương vị một nước Đồng minh, hiện đang bị thử thách tại Việt nam. Để giữ vững được uy tín đó, ta phải làm một nỗ lực tối đa để yểm trợ nhân dân miền Nam Việt nam trong lúc này.
"Bản phân tích chi tiết hơn được trình bày trong phúc trình đính kèm.
Kính trình
(ký) Fred C. Weyand
Trong phần chính của bản phúc trình, Weyand đã biện hộ cho một ngân khoản quân viện khẩn cấp là 722 triệu cho Miền Nam. Vào thời điểm đó, ông Ford đang bắt đầu sửa soạn ra tranh cử chức Tổng thống năm sau. Phần nào, ông ta bị mặc cảm là chưa hề bao giờ được dân chúng Mỹ bầu lên địa vị tối cao của Hành pháp. Từ một dân biểu ở Hạ Viện, ông dược Nixon cất nhắc lên làm Phó Tổng thống, vào hè 1974 (khi ông Phó Tổng thống Agnew từ chức). Sau đó, ông nhảy vọt lên chức Tổng thống khi Nixon ra đi.
Và bộ hạ của ông Ford ở Bạch Ốc đang cố vấn ông: “hãy đưa nước Mỹ ra khỏi Việt nam chứ chớ có đưa vào nữa!” (5)
Chú thích:
(1) Trích dẫn cuộc họp báo của Tổng trưởng quốc phòng Schlesinger, 14-l-1975, Bộ Quốc phòng Hoa kỳ.
(2) Phỏng vấn Trần Văn Đôn, 10-4-1985.
(3) Về điểm này, ông Graham Martin đã xác nhận với tác giả rằng theo ông, Quốc hội còn khá nhiều thiện cảm với Miền Nam sau khi mang được tù binh và rút được quân về.
(4) Gerald Ford, A time to heal, trang 250-251.
(5) Henry Kissinger. Ending the Vietnam war, trang 536.
                                                                                                                                                        hết: Phần III - Chương 10, xem tiếp: Phần III - Chương 11