Cuộc Chiến Việt Nam KHI ĐỒNG MINH THÁO CHẠYPhần III - Chương 9 Nhát gươm đao phủ Cái cằm đầy mỡ của bà cúi xuống, chạm tới ngực. Mặt bà đờ đẫn. Sau khi đã di "thanh tra" tại trung ương cũng như các địa phương, bà đã quá mệt mỏi! Chẳng ai muốn để ý tới người chủ tiệc đứng lên có mấy lời tạm biệt quan khách. Không khí buổi tiệc thật căng thẳng. Bỗng một cơn gió lạnh thổi thốc qua lớp cửa kính lớn mở ngỏ. Các ngọn nến trên chúc đài cao bằng bạc tiếp theo nhau phụt tắt, khiến nến rớt vung vãi xuống bàn tiệc. Gió tiếp tục thổi, màn cửa mầu hồng lung bay lất phất, trông như những lá cờ đầu hàng. "Một điềm gở đấy", tôi ngoảnh sang nói thầm vào tai ông Philip Habib, Phụ tá Tổng trưởng ngoại giao. Habib gật đầu như đồng ý. Đó là quang cảnh bữa tiệc cuối cùng ở Dinh Độc Lập. Đầu tháng Ba, 1975, một phái đoàn Quốc hội Hoa kỳ đã tới viếng thăm Sài gòn để thẩm định tình hình trước khi quyết định có cấp thêm viện trợ hay không. Thành viên của phái đoàn lại hầu hết là những người đã có sẵn lập trường chống đối. Bà dân biểu Abzug là tiêu biểu. Trước khi phái đoàn rời Sài gòn, Tổng thống Thiệu mở tiệc khoản đãi. Nhân viên nghi lễ lại xếp cho bà ngồi ngay đối diện với tôi. Hơn kém nửa tỷ đô la Tình hình viện trợ từ 1967 đến 1970, lúc Hoa kỳ còn đang dấn thân sâu đậm ở chiến trường Việt nam, mỗi năm cuộc chiến đã tốn tới 25 tỷ đô la. Trong hai năm 1970 và 1971, chi phí mỗi năm giảm xuống còn 12 tỷ. Giờ đây, sau khi quân đội Mỹ đã triệt thoái, Việt nam cộng hoà phải một mình đảm nhiệm cuộc chiến, và với ngân khoản 700 triệu viện trợ, trong khi đó thì cuộc khủng hoảng dầu lửa đã làm giá xăng nhớt tăng gấp bốn. Bởi vậy mãi lực thật của ngân khoản ấy chỉ là trên dưới 350 triệu, bằng 3% của mức chi tiêu 1970-71. Tình hình viện trợ quân sự tài khoá 1975 rất rối ren, nhưng có thể tóm tắt như sau: Mức ban đầu do Chính phủ Nixon đề nghị là 1,4 tỷ, tức bằng tài khoá 1974; Uỷ ban Quốc phòng Thượng Viện do Nghị sĩ John Stennis (Mississipi) làm chủ tịch giảm còn một tỷ 126 triệu cho cả Đông Dương, phần cho miền Nam là một tỷ; Trước khi từ chức, Tổng thống Nixon ký thành luật một mức tối đa cho Việt nam cộng hoà là một tỷ; Sau khi Ford nhậm chức, Uỷ ban Chuẩn Chi Thượng Viện do Nghị sĩ John Mcclellan (Arkansas) làm chủ tịch, cắt xuống còn 700 triệu! Để dễ so sánh, ta nên coi lại những chi tiêu và viện trợ quân sự những năm trước đó: Trong thời gian 1966-1970: Mỹ tiêu 25 tỷ đô la một năm. Trong hai năm 1970-1971: tiêu 12 tỷ một năm (vì đang rút quân); Sau khi Mỹ rút, viện trợ quân sự cho Việt nam cộng hoà: Tài khoá 1973: hai tỷ mốt (2,l tỷ) Tài khoá 1974: một tỷ tư (l,4 tỷ) Tài khoá 1975: bảy trăm triệu (0,7 tỷ) Trong thời gian 1966-71, ngoài tiền bạc lại còn trên một nửa triệu quân đội Mỹ với trang bị tối tân, được yểm trợ bằng từng dàn phản lực siêu âm, mấy ngàn chiếc trực thăng đủ cỡ. Ngoài khơi, lại có Đệ thất hạm đội đi tuần đều đều. Để tìm hiểu rõ hơn về tình hình và xem Việt nam cộng hoà phải xoay xở ra sao, chúng tôi đề nghị Tổng thống Thiệu mời Giáo sư Warren Nutter sang thăm. Ông là thày tôi lúc trước và là cựu Phụ tá Tổng trưởng quốc phòng, đặc trách phần tài chính của chương trình "Việt nam hoá". Ông rất am hiểu đường đi nước bước của bộ Quốc phòng Mỹ và vấn đề quân viện. Nutter dự điểm tâm với ông Thiệu và chúng tôi sáng ngày 23 tháng Tám tại Dinh Độc Lập. Tổng thống Thiệu bày tỏ sự lo ngại về viện trợ: mới vài ngày trước đây là một tỷ, bây giờ còn 700 triệu, tôi làm gì được với số tiền này? Như là chuyện cho tôi 12 đô la và bắt tôi mua vé máy bay hạng nhất từ Sài gòn đi Tokyo". Là người ủng hộ ông Thiệu từ lâu, Nutter cũng rất bối rối. Ông cảm thấy khó khăn khi giải thích hành động của Quốc hội: "Quốc hội Hoa kỳ đôi khi hành động vô trách nhiệm như vậy… Cái Trung Tâm Tái Nguyên Đông Dương (Indochina Resource Center, trung tâm phản chiến) đang hết sức tìm cách tiêu diệt quý quốc". Nutter hứa khi về đến Washington sẽ cố gắng trình lên Tổng thống Ford tình trạng nguy ngập ở Việt nam. Ông than phiền: "Không có nhân vật cao cấp nào trong Chính phủ để ý đến vấn đề Việt nam nữa!" Câu nói của Nutter làm ông Thiệu bỏ dở tô hủ tiếu. Về tới Washington, Nutter viết phiếu trình lên John Marsh, một người bạn của ông hiện đang giữ chức cố vấn cho ông Ford, để kêu gọi ủng hộ Việt nam cộng hoà. Nutter nhất quyết rằng miền Nam sẽ tồn tại được nếu có phương tiện chống trả các cuộc tấn công của quân chính quy Bắc Việt Nhưng nếu Hoa kỳ ngưng viện trợ thì sẽ gây hậu quả trầm trọng cả về vật chất lẫn tinh thần. Nutter viết cho ông Mars và đưa cho tôi một bản sao: "Tôi chưa thấy ông Thiệu và các tướng lãnh Việt nam có khí sắc u sầu như vậy bao giờ. Họ sẽ càng mất tinh thần nếu Bắc Việt liếp tục gây áp lực… Tôi tin rằng hành động của Quốc hội và hậu quả tai hại của việc cắt viện trợ là đầu mối của những xáo trộn chính trị và biểu tình trong vài tuần lễ gần đây (tại Sài gòn). Tình hình sẽ bất ổn về cả chính trị lẫn quân sự, và mọi sự có thể đổ vỡ nếu không xoay ngược được chiều hướng này. Nếu phải lựa chọn, ta nên viện trợ quân sự trước, rồi kinh tế sau, để đương đầu với những đe doạ quân sự trước mắt… Bỏ miền Nam Việt nam rơi vào đổ vỡ và thảm sát chỉ vì hơn kém nửa tỷ đô la sẽ có hậu quả còn sâu xa hơn, đó là xé nát lương tâm của Hoa kỳ. Nó sẽ là ngọn gió thổi bay ảnh hưởng của Hoa kỳ tuy còn mạnh mà đang yếu dần, trên chính trường quốc tế. Viện trợ quân sự bị cắt còn 700 triệu đô la (và đây chỉ là con số lý thuyết); viện trợ kinh tế thì xuống 400 triệu. Còn gì nữa mà nói đến cam với kết? Washington trấn an Thế nhưng Washinglon lại trấn an. Mặc dù sự thật đã quá phũ phàng, ông Ford vẫn tiếp tục an ủi ông Thiệu. Lần này, thay vì viết thư, ông gửi một phái đoàn do Thứ trưởng quốc phòng Clements cầm đầu tới Sài gòn. Clements là một giám đốc công ty dầu hoả ở Texas, mới tham gia Chính phủ Ford, nổi tiếng là có tính cương trực và ủng hộ lập trường Việt nam. Từ lâu Clements mang theo cái bộ tịch huênh hoang và tự tin của người hùng Texas, tính tình dễ dãi, bình dân, dễ được lòng người Việt. Trong một buổi họp, ông lại hứa với ông Thiệu là Chính phủ Hoa kỳ đang tìm mọi cách để viện trợ quân sự cho Việt nam: "Xin Tổng thống đừng lo. Chúng tôi đang tìm mọi cách thuyết phục Quốc hội. Tôi tin chắc rằng cuối cùng Quốc hội sẽ chấp thuận ngân khoản". Hoa kỳ cố gắng làm như không có chuyện gì xảy ra. Clements được cử sang trấn an ông Thiệu. Ông ta nói đến kế hoạch mới của Chính phủ để xin Quốc hội viện trợ thêm cho Việt nam cộng hoà. Tổng thống Thiệu chăm chú nghe và gật đầu nhưng với vẻ mặt mà sau này một nhân viên trong phái đoàn Mỹ tại buổi họp đã mô tả là "bi quan sâu đậm" (1). Trong buổi họp chung trước khi trở về, phái đoàn Clements đã thảo luận "vấn đề thời gian tính" của quân viện và làm sao du di quỹ phát triển để đáp ứng nhu cầu hiện tại. Mọi người bàn đến việc xin Quốc hội thêm 300 triệu đô la cho quân viện để phục hồi lại mức một tỷ như Tổng thống Nixon đã ký. Đại sứ Martin, luôn cố gắng trấn an ông Thiệu: "Cánh cửa viện trợ chưa đóng hẳn" và "ta phải khai thác hết mọi cách". Martin chế diễu những "tay đĩ điếm tiền bạc" (fìscal whores)ở Ngũ Giác Đài, kế toán lôi thôi, để Quốc hội đòi lại số tiền trội chi năm trước, bắt trừ vào tài khoá 1975 (như đã trình bày ở trên) (2). Ông hoan hô lời ông Clements hứa sẽ cố phục hồi số quân viện một tỷ, tức là tranh thủ xin tăng 300 triệu. Đại sứ Martin hết sức đồng ý. 300 triệu đô la: con số mầu nhiệm Kể từ đấy, số tiền 300 triệu đô la trở thành con số mầu nhiệm. Nó là một sự thử thách. Nếu được là còn hy vọng tiếp tục quân viện, và ngược lại là hết. Đàng sau con số 300 triệu ấy là gì? Phần lớn chỉ để đáp ứng nhu cầu tối cần cho ngay thời điểm đó. Phân chia số tiền 300 triệu đô la khẩn cấp:
Cho (triệu đô la)
| Số tiền
| Tỷ lệ
| Lục quân:
| 203
| 68%
| Đạn dược, xăng nhớt
| 132
| 44%
| Thuốc men
| 6
| 2%
| Đồ phụ tùng
| 48
| 16%
| Vật liệu khác
| 17
| 6%
| Không quân
| 91
| 30%
| Các phi vụ
| 29
| 10%
| Đạn dược
| 13
| 4%
| Đồ phụ tùng
| 32
| 10%
| Vật liệu khác
| 17
| 6%
| Chi phí khác
| 6
| 2% |
Vì giá cả vật liệu quốc phòng đã lên quá cao nên nếu có xin được số tiền này thì cũng chẳng mua được bao nhiêu. Sau phái đoàn Clements, ông Thiệu muốn có dịp gặp thẳng Tổng thống Ford để cầu cứu và xem thái độ của ông ta ra sao, về khoản 300 triệu cũng như về khả năng tăng viện nếu bị tấn công. Ông bèn cử Ngoại trưởng Vương Văn Bắc đi Washington mang theo một lá thư đề ngày 19 tháng Chín 1974. Ông Bắc vừa thay ông Lắm trong chức vụ Ngoại trưởng ngày tám tháng 11, 1973 (ông Lắm sang Quốc hội giữ chức Chủ tịch Thượng Viện). Ông Bắc có nhiều kinh nghiệm ở ngoại giao. Ông đã ở Washington trong chín tháng hồi 1956 dưới thời Tổng thống Eisenhower để nghiên cứu guồng máy chính quyền Hoa kỳ (3), từng là Đại sứ ở London và là Cố vấn của phái đoàn Việt nam cộng hoà tại hoà đàm Paris hồi 1968 và 1972. Ông Kissinger đưa ông Bắc và Đại sứ Phượng vào gặp Tổng thống Ford ở toà Bạch Ốc. Buổi họp kéo dài chừng 30 phút. Ông Bắc trình lá thư của ông Thiệu và nói rõ từng điểm một và lá thư. Ông quả quyết với ông Ford rằng Việt nam cộng hoà sẽ nói chuyện với Bắc Việt nếu họ tôn trọng Hiệp định. Ông nhận định rằng tuy vụ Watergate là việc nội bộ của Hoa kỳ, nhưng thật ra nó đã ảnh hưởng đến dư luận quần chúng và tinh thần quân sĩ Việt nam không ít. Chính phủ Việt nam cộng hoà muốn biết chắc rằng việc thay đổi nhân sự trong Chính phủ Hoa kỳ không ảnh hưởng đến vấn đề viện trợ". Tổng thống Ford tỏ vẻ thân mật và không ngần ngại ca ngợi ông Kissinger trước mặt ông Bắc và ông Phượng. Ông Ford nói: "Các ông có thể tin rằng chúng tôi bao giờ cũng hành động như một người bạn tốt và là cộng sự viên của Việt nam cộng hoà." (4) Buổi họp chuyển sang vấn đề tôn trọng bản Hiệp định và phương cách đôi phó với những vi phạm của Bắc Việt. Tuy ông Ford chỉ tỏ ý tiếp tục ủng hộ và tránh không nói tới cam kết về bất cứ một điều riêng biệt nào, Ngoại trưởng Bắc cũng đã hài lòng về lời tuyên bố tích cực của tân Tổng thống rằng Hoa kỳ sẽ là "cộng sự viên" của Việt nam cộng hoà. Ở Quốc hội, ông Bắc gặp nhiều chống đối và nghi kỵ hơn. Các nghị sĩ kêu gọi Việt nam cộng hoà phải thích nghi với Việt Cộng. Thượng nghị sĩ Adlai Stevenson đòi ông Thiệu phải từ chức, sau đó, nếu Bắc Việt tiếp tục gây hấn thì Hoa kỳ sẽ can thiệp". Ông Bắc trả lời: "Thưa thượng nghị sĩ, chúng tôi chỉ còn có một Chính phủ hợp hiến là một bằng chứng duy nhất tượng trưng cho sự hợp pháp và ổn định của Việt nam cộng hoà. Nếu bây giờ chúng tôi bỏ nó đi thì còn gì nữa?"(5). Về phía hành pháp thì vẫn còn nhiều hứa hẹn sẽ tiếp tục yểm trợ dù không được Quốc hội chấp thuận thì cuối cùng họ cũng sẽ tìm cách này hay cách khác để giúp. Khi ông Bắc tại Bộ Quốc phòng, Schlesinger nói: "Dù Quốc hội định sao đi chăng nữa thì tôi cũng đứng về phía các ông". Bắc nhớ lại cách phát biểu khác thường của Schlesinger và cho rằng ông này sẽ ủng hộ Việt nam cộng hoà kêu gọi Quốc hội tăng viện. Bắc nói với Schlesinger: "Tôi tin vào lời hứa của ông Tổng trưởng, nhưng chúng tôi không hiểu rõ thủ tục phức tạp của Quốc hội về việc cung cấp ngân khoản ngoại viện. Tôi nghĩ rằng những lời hứa hẹn của Tổng thống đã được đưa ra trước lúc Quốc hội hạn chế quân viện cho Việt nam cộng hoà. Hoa kỳ có nghĩa vụ long trọng với Việt nam cộng hoà kể từ lúc ký kết Hiệp định Paris". (6). Tuy đã phiền lòng vì không thể thuyết phục được ông Ford gặp ông Thiệu, ông Bắc đã lại một lần nữa nhận được những lời trấn an từ phía Hoa kỳ rằng: lập trường của Hoa kỳ về Việt nam cộng hoà không có gì thay đổi; và tân Tổng thống đã cam kết sẽ tìm mọi cách để thoả mãn nhu cầu viện trợ. Dấu hiệu tránh né Sau khi ông Bắc về được hơn một tháng, Tổng thống Ford liền viết thư phúc đáp thư Tổng thống Thiệu: White House Ngày 24 tháng 10, 1974 Thưa Tổng thống, Tôi rất hân hạnh được gặp Ngoại trướng Bắc và nhận được lá thư của Ngài đề ngày 19 tháng Chín. Chính sách của Hoa kỳ đối với Việt nam vẫn không có gì thay đổi dưới Chính phủ do tôi lãnh đạo. Chúng tôi tiếp tục ủng hộ những nỗ lực của quý Chính phủ để bảo vệ và phát triển nền độc lập và hạnh phúc của nhân dân Việt nam. Chúng tôi bao giờ cũng tin tưởng vào sự can đảm, quyết tâm và tài khéo léo của nhân dân và quân đội Việt nam cộng hoà. Tôi hoàn toàn thông hiểu và chia sẻ mối quan tâm của Ngài về tình hình hiện tại ở Việt nam, nhất là việc Bắc Việt tiếp tục gây hấn. Tôi cũng biết được sự thiết yếu của viện trợ quân sự và kinh tế của Hoa kỳ cho quý quốc lúc này. Tôi xin cam đoan rằng Chính phủ của tôi sẽ làm đủ mọi cách để có thể thoả mãn nhu cầu của Việt nam cộng hoà. Mặc dù tôi muốn có dịp được gặp Ngài để thảo luận về những biện pháp duy trì hoà bình cho Việt nam, nhưng rất tiếc buổi họp không thể thực hiện trong lúc này vì những bận rộn và ràng buộc đã có từ trước của tôi. Nhưng tôi hy vọng sẽ được gặp Ngài trong tương lai. Tôi đồng ý với Ngài rằng Chính phủ tôi phải làm sáng tỏ vấn đề là sẽ ủng hộ Chính phủ Ngài và nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Paris. Nhưng tôi nghĩ rằng lời tuyên bố công khai của tôi ngày chín tháng 10, buổi họp của tôi với Ngoại trướng Bắc, và sự thăm viếng của Thứ trưởng quốc phòng Clements đều đã nói lên những cam kết của Hoa kỳ đối với Việt nam cộng hoà. Chúng tôi đã thông báo đến các quốc gia quan tâm đến Việt nam biết rằng Hoa kỳ tiếp tục ủng hộ Việt nam cộng hoà và mong muốn thi hành đúng đắn Hiệp định Paris. Tôi muốn sẽ có nhiều dịp khác để bày tỏ sự ủng hộ của tôi đối với Ngài và cho nền hoà bình mà chúng ta đã cùng nhau xây dựng. Hai quốc gia chúng ta cùng nhau trải qua rất nhiều khó khăn cả trong quá khứ lẫn tương lai. Tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn đó nếu chúng ta cùng nhau đối phó bằng sức mạnh và quyết tâm. Kính chúc Ngài và nhân dân anh dũng miền Nam Việt nam được mọi sự tốt đẹp. Trân trọng Gerald R. Ford
Lần này, nhận được thư của Ford, ông Thiệu thấy thất vọng! Sao thay đổi nhanh thế? Chỉ có hai tháng rưỡi trước đó, ông tân Tổng thống đã mạnh dạn tái xác nhận những "cam kết trong quá khứ vẫn còn hiệu lực và sẽ được hoàn toàn tôn trọng trong nhiệm kỳ tới", rồi vừa mới một tháng trước, ông đã trấn an ông Bắc, thế mà bây giờ lại đổi giọng, chỉ nói lơ mơ là ông "tin tưởng vào sự can đảm, quyết tâm, khéo léo của nhân dân và quân đội Việt nam cộng hoà". Khi Tổng thống Mỹ nói với ngôn từ là "chúng tôi tin tưởng vào Chính phủ ông", dù là nói với Việt nam (hay Iraq, Afghanistan hay Đại Hàn) thì rõ là đã có dấu hiệu Mỹ muốn tránh né rồi. Ông Ford không muốn gặp ông Thiệu, viện cớ rằng đã có lời tuyên bố của ông ủng hộ Việt nam, đã tiếp ông Bắc và gửi thứ trưởng Clements sang Sài gòn, như thế là đủ nói lên những cam kết rồi. Đằng sau quyết định rút Pleiku Vào khoảng thời gian này, có lần sau khi họp với ông Thiệu về tình hình viện trợ, tôi ở lại một mình trong phòng họp (còn gọi là "Phòng Tình Hình", ngay sát văn phòng ông) để ghi lại những điểm quan trọng. Trên bàn họp tôi thấy có một quyển sách mỏng, đóng bìa cứng, màu đỏ, rất đẹp, do ông mang vào. Nhìn thoáng thấy trên bìa lại có hình ông, tưởng ông muốn cho tôi đọc quyển sách ai mới viết về ông, tôi mở ra xem. Vừa lật tờ bìa, tôi thấy ngay nó không phải là một cuốn sách mà là một tài liệu báo cáo do tướng Murray cùng với Bộ Tổng tham mưu trình lên. Tài liệu phân tích ảnh hưởng của các mức quân viện tới khả năng chiến đấu, phân chia theo từng quân, binh chủng. Tôi lướt qua và chỉ đọc vài trang cuối. Phần kết luận được tóm tắt như sau: - Nếu mức độ quân viện là 1,4 tỷ thì có thể giữ được tất cả những khu đông dân cư của cả bốn Vùng Chiến Thuật; - Nếu là 1,1 tỷ thì Quân khu 1 phải bỏ; - Nếu là 900 triệu thì khó lòng giữ được QK I và II, hoặc khó đương đầu với cuộc tổng tấn công của Bắc Việt; - Nếu là 750 triệu thì chỉ có thể phòng thủ vài khu vực chọn lọc, và khó điều đình được với Bắc Việt; - Nếu quân viện dưới 600 triệu thì Chính phủ Việt nam cộng hoà chỉ còn giữ được Sài gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long. Đó là năm tuyến phòng thủ tương đương với năm mức độ quân viện (xem biểu đồ). Tướng Murray kết luận: "Ta có thể ví sự mất tiền xấp xỉ như bị mất đất vậy, (xem bảng). Sau đó, chính Tổng thống Thiệu còn đưa tài liệu này cho tôi đọc thêm. Và trong những buổi họp về viện trợ, ông hay nói tới câu: từng chiến lược cho từng mức viện trợ". Tuy lúc đó ông không cắt nghĩa rõ ràng, nhưng thỉnh thoảng ông mô tả chiến lược mới này bằng bốn tiếng dân dã "Đầu Bé Đít To" (Vùng I và Vùng II là đầu). Trong các buổi họp ông còn dùng ba chữ "Tái phối trí". Ngoài phân tích trên, theo nghiên cứu, tôi thấy còn có hai việc khác liên hệ tới kế hoạch này: Thứ nhất, theo ông Martin tường thuật lại cho Quốc hội, thì ngày l tháng Tám, 1974, một nhóm bên phía Chính phủ Việt nam với sự cố vấn của một "viên sĩ quan về hưu lỗi lạc từ một quốc gia khác" được chỉ định để nghiên cứu về một kế hoạch thu hẹp lãnh thổ (7). Theo Frank Snepp, viên sĩ quan này là viên chuẩn tướng người Úc tên là Ted Sarong và ông đã làm việc với trung tướng Đặng văn Quang (8). Nhóm này đi tới kết luận là Việt nam nên bỏ Quân Khu I và 11 và tập trung lại để chỉ giữ một tuyến từ Tây Ninh tới Nha Trang. Đại sứ Martin trình bày: kết luận này được dựa vào ba lý do: Với tiềm năng còn lại, Việt nam cộng hoà không thể giữ được tất cả lãnh thổ; Trong trường hợp Bắc Việt tổng tấn công, Việt nam không thể trông chờ Hoa kỳ đến giúp như hứa hẹn vào lúc ký Hiệp định đình chiến để mang tù binh về; và những thay đổi về kinh tế, xã hội tại Miền Nam trong thập niên qua đã tạo nên một tiềm năng chính trị mới, và nếu khai thác khéo léo sẽ có thể giảm thiểu những nguy cơ chính trị của việc cắt đất (9). Thứ hai, theo ông Kissinger, vào tháng Hai, 1975, ông Robert Thompson (chuyên gia người Anh nổi tiếng về chiến thuật du kích từ lúc còn ở Malaysia) đã thăm viếng Việt nam, làm việc với các cấp chỉ huy quân sự và cố vấn cho họ. Khi về, ông báo cáo cho Tổng thống Ford rằng: "Nếu Hà Nội dứt khoát đến độ đem cả những sư đoàn trừ bị từ phía bắc vùng phi quân sự (DMZ) vào, thì quân đội Việt nam cộng hoà sẽ bị mất ít nhất là Sư đoàn Dù, Thuỷ quân lục chiến, và một tới ba sư đoàn khác, và sẽ sụp đổ. Chiến tranh sẽ kết thúc… Tất cả vấn đề còn tuỳ thuộc vào sự thận trọng và sự phê chuẩn hiện còn đang được đắn đo ở Hà Nội… Sự quyết định (của họ) còn tuỳ một phần vào Quốc hội và nhân dân Hoa kỳ… Miền Nam đang sẵn sàng tiếp tục chiến đấu, và nếu có được sự ủng hộ tối thiểu để khích lệ nhân dân của họ và để ngăn cản Hà Nội, giúp họ kiên trì dai dẳng đủ lâu, thì sẽ đi tới chỗ chấm dứt được sự can dự của Hoa kỳ. Thế nhưng, nếu không được yểm trợ, Miền Nam sẽ sụp đổ trước sự hổ thẹn muôn đời của Hoa kỳ" (10). Ngày bảy tháng Giêng, 1975, quân đội Bắc Việt tấn chiếm Phuớc Long. Trong Hồi ký của ông (1979), Tổng thống Ford bình luận: "Bắc Việt đã chiếm được một tỉnh đầu liên trong 15 năm chiến tranh…" ông quy trách việc tái phối trí cho việc Quốc hội Hoa kỳ đã giới hạn quyền hành của Tổng thống cũng như đã cắt giảm cả kinh viện lẫn quân viện cho Việt nam rồi đi tới một tình huống là đã "báo hiệu càng ngày càng rõ sẽ cắt đứt toàn bộ những yểm trợ" cho Miền Nam (11). Đây chỉ là đỗ lỗi cho nhau chứ vào thời điểm đó, rõ ràng là cả phía Hành pháp cũng đã muốn quay mặt đi. Sau khi mất Phước Long, Chính phủ Ford không có tuyên bố hay phản ứng gì, trái lại, còn giảm mức độ quan trọng của việc ấy (12). Tới lúc đếm từng viên đạn Sau khi mất Phước Long, ngày 24 và 25 tháng Giêng, 1975, ông Thiệu lại liên tiếp gửi hai bức thư cho ông Ford để kêu gọi Hoa kỳ gấp rút tăng thêm viện trợ quân sự, đặc biệt là ngân khoản 300 triệu. Chính Kissinger thuật lại trong cuốn Ending the Vietnam war (13): "Ông Thiệu cho việc đánh chiếm Phước Long "là một hành động vi phạm trắng trợn Hiệp định Paris và nói tới "Cường độ tấn công mãnh liệt của quân đội Bắc Việt, yểm trợ bằng hoả lực và thiết giáp ồ ạt" Và ngược lại, "quân đội VNCH phải đếm từng viên đạn khi bắn để giữ được lâu hơn" Trong cả hai thư ông Thiệu có nhắc khéo để ông Ford biết rằng chính là do sự cam kết của Hoa kỳ là sẽ cung cấp viện trợ đầy đủ cho Việt nam cộng hoà mà ông đã ký Hiệp định Paris. Theo Kissinger, hai bức thư này khiến ông Ford bác bỏ đề nghị của các viên chức toà Bạch Ốc trong việc chống đối sự 300 triệu bổ sung và quyết định cứ tiếp tục xin thêm. Lúc đó các nhân viên này, đặc biệt là Phụ Tá Báo chí Ron Nesser đang sửa soạn cho ông Ford ra ứng cử chức Tổng thống vào năm 1976. Ông Ford chưa bao giờ được bầu lên chức Phó hay chức Tổng thống. Đội ngũ của ông đã khuyến cáo ông "hãy đưa nước Mỹ ra khỏi Việt nam chứ đừng đưa vào". Bởi vậy ông đã hành động như sau: Ngày 28 tháng Giêng, Tổng thống Ford yêu cầu Quốc hội chuẩn chi 300 triệu, nhưng chối phắt trách nhiệm của nước Mỹ: "Chúng tôi đã nói với họ (VNCH), thực ra là chúng ta sẽ không bảo vệ họ với sức mạnh của chúng ta, nhưng sẽ cung cấp phương tiện để họ tự bảo vệ theo như Hiệp định (Đình chiến). Nhân dân Việt nam đã hành động hiệu quả khi chấp nhận thách đố này"(14). Ngày 26 tháng Hai, 1975, Đại sứ Martin chuyển một bức thư nữa của ông Ford phúc đáp hai lá thư của ông Thiệu. Lời lẽ rất thận trọng mà chỉ nói chung chung và khuyến khích Miền Nam điều đình:
White House Ngày 26 tháng Hai, 1975 Thưa Tổng thống, "Các lá thư ân cần của Ngài đề ngày 24 và 25 tháng Giêng đến đúng vào lúc Việt nam đang ở trong tâm trí tôi… "Tôi xin được chia sẻ mối quan tâm của Ngài về việc Bắc Việt không làm tròn nhiệm vụ tôn trọng những điều khoản cơ bản nhất của Hiệp đinh Paris và về mức gia tăng áp lực quân sự của Bắc Việt. Tôi xin Ngài an tâm là Chính phủ tôi sẽ tiếp tục thúc bách đòi thực thi Hiệp định ấy. "Một lần nữa nhân dân và quân lực Miền Nam đang chứng tỏ một cách hữu hiệu quyết tâm chống lại các cuộc tấn công của Hà nội, bất chấp những giới hạn hiện nay về dạn dược và các tiếp liệu khác… "Chúng tôi tiếp tục tin tưởng rằng việc thực thi Hiệp định Paris, cùng các cuộc điều đình trực tiếp giữa các phe phái Việt nam, là con đường nhanh nhất, hữu hiệu nhất để chấm dứt cuộc đổ máu tại Việt nam… Đang khi cầu cứu Hoa kỳ trợ giúp, ông Ford lại nói những lời lẽ đãi bôi: khen ngợi quân, dân Miền Nam, tin tưởng vào điều đình trực tiếp giữa hai bên. Nói như vậy là dấu hiệu mở đường cho ông Thiệu từ chức để ông Minh lên chức Tổng thống, vì như vậy mới có thể điều đình trực tiếp với Bắc Việt. Con dao hai lưỡi Thư ông Ford tới Dinh Độc Lập hầu như cùng một lúc với cuộc "viếng thăm" của một phái đoàn Quốc hội. Để cứu xét vụ quân viện 300 triệu, Nghị sĩ Humphrey đề nghị và Tổng thống Ford đồng ý là nên có một phái đoàn gồm đại diện của cả hai Đảng sang Sài gòn để quan sát và tìm hiểu tại chỗ tình hình và nhu cầu của Việt nam cộng hoà. Chỉ một Nghị sĩ, ông Dewey Barlett (Oklahoma) và bảy Dân biểu đồng ý đi. Lại một bất hạnh nữa: đa số là thành phần chống chiến tranh và rất ghét ông Thiệu. Đặc biệt là bà Bella Abzug, một trong các lãnh tụ phản chiến, là Paul Mccloskey, chống đối vai trò Mỹ ở Đông Dương từ lâu, và Donald Fraser, chủ tịch của nhóm "Những Người Mỹ tranh đấu cho Dân chủ". Cuộc viếng thăm là một con dao hai lưỡi đối với Miền Nam. Khi biết được thành phần phái đoàn là đã có báo động. Nếu họ vui vẻ thì khi trở về sẽ ủng hộ quân viện. Ngược lại là hết. Toàn thể bộ máy Chính phủ, quân đội, cảnh sát họp hành liên miên để xem phải ứng xử thế nào. Nếu để họ tự do muốn đi đâu thì đi như yêu cầu thì rất nguy. Sài gòn đã mất bao buổi họp để bàn cãi lý do nên hay không. Nhưng vì tới lúc đã quá hí nên sau cùng phải chấp nhận mọi yêu sách. Cả một chương trình linh động được sắp xếp. Và phái đoàn sẽ tự do làm gì thì làm, muốn gặp ai thì gặp, tuyên bố gì thì cứ việc tuyên bố. Kể cả tự do đi "thanh tra" những "cấm địa" như cơ sớ quân sự, khám Chí Hoà, "chuồng cọp Côn sơn". Ông Thiệu còn nghĩ tới cả khía cạnh con người. Sợ nhất là bà Abzug. "Này anh Bắc, anh trông "seduisant" (có sức quyến rũ), anh nên săn sóc bà Abzug giùm tôi", Tổng thống Thiệu nói với ông Bắc trong một buổi họp. Mọi người bật cười, bớt chút căng thẳng. Vừa đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, phái đoàn đã xé lẻ ra đi gặp đủ thành phần: chống đối, phe phản chiến, bà Ngô Bá Yhành, Huỳnh Tấn Mẫm, Cha Thanh, và vào khám Chí Hoà phỏng vấn tù chính trị. Hầu hết các câu hỏi chỉ xoay chung quanh vài vấn đề: tham nhũng, lạm quyền của Chính phủ Thiệu cũng như bằng chứng là Miền Nam đã vi phạm Hiệp định đình chiến. Trong một bữa cơm chiêu đãi do Thủ tướng Khiêm mời, bà Abzug công khai bày tỏ thái độ. Khi chủ nhân mời khách nâng ly rượu chúc mừng, bà ngồi yên, không động đậy gì. Ông Bắc thấy vậy, cố gắng nói, cười, khen các nghiệp đoàn lao động Mỹ, đặc biệt là "Hội phụ nữ may vá" do bà đại diện. Cũng vô ích, "Mình hết đề tài nói chuyện cho bà ta vui lên", ông phàn nàn. Sau khi đi thăm viếng các địa phương, phái đoàn trở về Sài gòn họp với ông Thiệu để đúc kết lình hình. Tôi cùng tham dự để ghi chép và giúp ông Thiệu về Anh ngữ. Buổi họp đã trở thành một cuộc tra vấn hằn học? Dù đã đoán trước là bầu không khí sẽ không cởi mở, thân mật, nhưng tôi không ngờ nó lại trở nên thù nghịch đến thế. Không thấy bình luận gì về nhu cầu viện trợ mà chỉ hỏi tại sao đã mất bao nhiêu buổi họp vi phạm Hiệp định Paris: "Ông đã đặt điều kiện là Bắc Việt phải thi hành Hiệp định Paris"; "Ông đã đòi Bắc Việt rút quân như một điều kiện điều đình"; "Ông còn muốn quân viện, kinh viện mãi sao? Chừng bao lâu nữa?" v.v… Tôi ghi lại từng chữ một câu phát biểu khiêu khích khác: "Chúng tôi nghĩ rằng viện trợ Hoa kỳ sẽ tuỳ thuộc vào một số yếu tố, như việc thả tù binh chính trị, chống tham nhũng, việc thành lập một Lực lượng thứ Ba. Quý vị đã làm gì cho các vấn đề này? Chúng tôi rất quan tâm". Mặt bà Abzug đằng đằng sát khí. Bà dân biểu Fenwick thì tiếp tục phì phèo hút ống điếu. Rõ là ông Thiệu đang cố giữ vẻ mặt bình tĩnh. Hôm sau, ông điện thoại cho tôi từ sáng sớm. "Mấy người phách lối này không có ngay đến cả một lịch sử tối thiểu đối với Đồng minh. Anh soạn cho tôi mấy câu để nói trong bữa tiếp tân chiều nay". Tôi hết sức lo ngại. Tin từ Ngũ Giác Đài cho hay cơ nguy là không còn hy vọng gì để lấy lại số 300 triệu đã mất, và như vậy đã đến mức cạn kiệt rồi. Bây giờ, ông Thiệu tuyệt vọng tới chỗ sẽ tỏ thái độ bất mãn với phái đoàn Quốc hội. Thật là nguy? Một tỷ rưỡi đô la quân viện đi đâu? Nghe tin tức bi đát về quân viện, các bạn đồng liêu của tôi thường hay bàn bạc với nhau lúc nghỉ giải lao trong các buổi họp Hội đồng Nội các vào mỗi sáng thứ tư: lý do thực tế nào đưa tới tình trạng này? Người thì cho là vì Quốc hội chán ghét chiến tranh, người thì cho là vì Mỹ bị kinh tế khó khăn (thất nghiệp và lạm phát cao) nên đã cắt viện trợ. Nhưng lý do được nhiều người đưa ra nhất là vì Mỹ cần dồn thêm quân viện cho Do Thái (Israel). Nhìn lại lịch sử và phân tích kỹ tiến trình quân viện Mỹ cho các nước thì ta thấy lý do cuối cùng là đúng. Dù không thể chứng minh là đã có những sắp xếp để lấy quân viện dành cho Miền Nam để dồn cho Do Thái, ngày nay ta đã có thể chứng minh rõ ràng là: trong thực tế, ngân khoản 1,4 tỷ bị cắt của Việt nam đã nhảy qua Do Thái. Bảng sau đây là bằng chứng: So sánh tiến trình quân viện Mỹ cho Việt nam và Do Thái:
Tài khoá (Tỷ đô la)
| Việt nam
| Do Thái
| Cho không
| Cho không
| Cho vay
| 1972/73
| 2,1
| 0,0
| 0,3
| 1973/74
| 1,4
| 0,0
| 0,3
| 1 974/75
| 0,7
| 1,5
| 1,0 |
Nguồn: Về viện trợ Mỹ cho Do Thái: đúc kết từ "Quân viện cho Do Thái" "Congression Rescarch Service, Library of Congress, Issue brief for Congress", Updated October 17, 2002. Như vậy, quân viện cho VNCH từ tài khoá 1972/73 là 2,1 tỷ đã bị cắt 1,4 tỷ còn 700 triệu cho tài khoá 1974/75. Kết luận: Quân viện "cho" Việt nam bị cắt đi 1,4 tỷ; và Quân viện "cho" Do Thái tăng 1,5 tỷ trong cùng năm. Từ năm 1985, tất cả quân viện cho Do Thái đã thuộc loại "cho không" (như Việt nam trước đây), trung bình mỗi năm là một tỷ tám trăm triệu đô la. Ông Stephens Jones, giáo sư tại Đại học San Francisco nhận xét: "Ngày nay tổng số viện trợ cho Do Thái mỗi năm tăng một phần ba ngân sách viện trợ Hoa kỳ cho toàn thế giới, dù dân số Do Thái không tới sáu triệu, tức là bằng 0,1% dân số toàn cầu". Và dù Do Thái là nước giầu có thứ 16 trên thế giới (với lợi tức đồng niên mỗi đầu người là 14.000 đô la) (15). Đao phủ Chiều mồng một tháng Ba, Dinh Độc lập mở tiệc khoản đãi các vị "quốc khách" vì hôm sau phái đoàn Quốc hội Mỹ lên đường ra về. Dù có tin đồn là một số khách sẽ làm reo không tham dự, nhưng tất cả đã đến đúng giờ. Tại bàn tiệc, nhân viên nghi lễ sắp xếp cho bà Abzug ngồi đối diện với tôi. Ngồi xuống rồi, mấy phút sau bà ta mới lấy cái mũ thật bự ra. Đã nghiên cứu trước về bà, tôi tìm đủ cách làm cho bà có thái độ tao nhã hơn. Nào là nói về đường Mott Street ở phố Tàu New York (bà thích ăn cơm Tàu), nào về những chuyến đi thăm Brucklyn (vùng phụ cận New York) nơi sinh trưởng của bà (người gốc Do Thái). Nhưng chẳng ăn thua gì. Bà ta cứ ngồi ăn, làm như không nghe tôi nói. Sau vài ly rượu vang dường như để "lấy hứng", ông Thiệu đứng lên đọc bài diễn từ vào lúc sắp kết thúc: "Trong hai mươi năm qua, nhân dân Miền Nam đã được nghe đi nghe lại lời nói của năm vị Tổng thống Hoa kỳ thuộc cả lưỡng Đảng. Những lời đó đã được các vị dân biểu nước Mỹ liên tục ủng hộ, là Hoa kỳ quyết tâm cung ứng cho Việt nam cộng hoà đày đủ trợ giúp chừng nào họ còn sẵn sàng chống lại sự xâm lăng của Cộng sản để bảo vệ tự do của họ. Lời cam kết đó đã được nhắc lại một lần nữa trong dịp ký kết Hiệp định Paris. Vân đề giản dị chỉ như thế này: "Liệu những lời cam kết của Hoa kỳ có còn giá trị nào không?" Đó là thông điệp tôi muốn quý vị chuyển tới Đại hội thứ 94 của Quốc hội Hoa kỳ". Rồi dường như không kiềm chế nổi, ông đi ra ngoài bản văn đã soạn và tiếp: "Tôi xin phép được ngợi khen những người bạn đích thực của chúng tôi đang hiện diện ở đây về sự khôn ngoan và tầm nhìn xa của họ. Tôi xin phép được nhắc lại ở đây ý nghĩa của một câu ngạn ngữ Việt nam: "Quà tặng đã quan trọng, nhưng cách tặng quà còn quan trọng hơn nhiều". Chắc bà Abzug không nghe thấy câu này vì bà dường như đã ngủ say sau mấy ngày ngược xuôi khắp nơi để đi tìm chứng cớ chống viện trợ. Bữa tiệc hôm đó là bữa tiệc chót tại Dinh Độc Lập, bữa cuối cùng của ông Thiệu khoản đãi quan khách ngoại quốc của ông mười năm tại chức. Ta cũng có thể cho đó là một cử chỉ trang trọng của Miền Nam để đánh dấu hai mươi năm người Mỹ "bảo trợ" xứ này. Từ sau bữa cơm tối hôm đó, bầu không khí ngột ngạt bao trùm Dinh Độc Lập từ đầu năm đã trở nên ảm đạm. Và những biến cố quan trọng đã đến liên lục như sau đây: Phái đoàn Quốc hội Mỹ vừa rời Sài gòn, Bắc Việt tấn công Ban Mê Thuộc hồi hai giờ sáng ngày 10 tháng Ba; Cùng ngày, Chủ tịch Thượng Viện Trần Văn Lắm trở về Sài gòn sau một chuyến đi Washington để vận động, nhân dịp kỷ niệm năm thứ hai của Hiệp định Paris (27-l-1973). Ông xác nhận lại là "không những chẳng còn hy vọng gì nữa đối với khoản 300 triệu bổ sung mà có thể sẽ không còn viện trợ quân sự nữa"; Hôm sau, ngày 11 tháng Ba, Tổng thống Thiệu dứt khoát. Ông họp với Thủ tướng Khiêm, Đại tướng Viên và Trung Tướng Quang để thông báo quyết định tái phối trí: "Với khả năng và lực lượng ta đang có", ông nói, "chắc chắn chúng ta không thể bảo vệ được tất cả lãnh thổ muốn bảo vệ. Như vậy chúng ta nên tái phối trí lực lượng và bảo vệ những vùng đông dân, trù phú, vì những vùng đất đó mới thực sự quan trọng". (16); Ngay sau đó, 13 tháng Ba, nhát gươm đao phủ đã hạ xuống: ban Lãnh đạo Đảng Dân chủ, cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện (họ lại là thành phần quyết định trong Quốc hội) bỏ phiếu với đại đa số: chống bất cứ viện trợ nào thêm cho Miền Nam. Hai ngày sau, 15 tháng Ba, Tư Lệnh Quân đoàn 11, Thiếu tướng Phạm Văn Phú và một số sĩ quan tham mưu bay về Nha Trang. Cùng hôm đó, vài đoàn quân xa lẻ tẻ rời Pleiku. Họ đã là đoàn đi tiên phong của một cuộc hành trình gian khổ đến bên bờ vực thẳm. Chú thích: (1) Phỏng vấn Morton Abramowitz, ngày 11 tháng 3, 1986. (2) Frank Snepp, Decent Interval, trang 107-124. (3) Phỏng vấn Vương Văn Bắc, ngày 22 tháng 8, 1985. Ông Bắc kể lại rằng hồi đó, phần nhiều người Mỹ không ai biết Việt nam ở đâu. (4) Phỏng vấn Vương Văn Bắc, ngày 22 tháng 8, 1985. (5) Phỏng vấn Vương Văn Bắc, ngày 22 tháng 8, 1985. (6) Phỏng vấn Vương Văn Bắc, ngày 22 tháng 8, 1985. (7) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 539. (8) Frank Snepp, Decent Interval, trang 109-110. (9) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 538-539. (10) Henry Kissinger, Ending the Vietnam war, trang 511. (11) Gerald Ford, A time to heal, trang 250. (12) Xem Chương 10 về những lời tuyên bố của Tổng trưởng quốc phòng James Schlesinger. (13) Henry Kissinger, A World Restored, trang 508 (14) Gerald Ford, A time to heal, trang 509? (15) Stephens Jones, "The Strategic Function of U. S. USAID to Israel", in Washington Report on Middle East affair, trên mạng internet "wrmea.com" (xem U.S. USAID to Israel)(16) Cao Văn Viên, Những ngày cuối của VNCH, trang 129-132. hết: Phần III - Chương 9, xem tiếp: Phần III - Chương 10
|