Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Hồi Ký 19 tháng 8: Ngày Giải Phóng

19 tháng 8: Ngày Giải Phóng PDF Print E-mail
Tác Giả: NHUỆ HỒNG NGUYỄN HỮU THỐNG   
Thứ Sáu, 17 Tháng 8 Năm 2012 06:59

Phong lom khom đứng dậy bước ra mũi thuyền. Trời tháng tám không một hơi sương. Trận mưa ngâu dữ dội chiều qua đuổi bạt những đám mây đục tụ hội trên đỉnh núi xanh mờ phía trời Tây.

Vài ánh sao chiếu mệt nhọc trên nền trời xám một buổi canh tà. Những ngọn gió sớm mai vẫn chưa tỉnh giấc. Con Sông Nhuệ đục ngầu hòa trộn nước phù sa của dòng Sông Đáy đổ tràn vào dâng ngập mênh mông, mặt nước mon men tới đỉnh những luống khoai tàn úa. Phong chống tay trái vào cột mái chèo, nghiêng mình nhìn đám rơm rác củi bè nổi trôi theo dòng nước chạy ngược bên ván thuyền.
 
Mái chèo không khuấy lên những ánh nước bạc như những đêm đi thuyền dưới trăng. Có lẽ nước sông còn dâng lên nữa vì sườn đê vẫn chưa hàn kín. Mặt nước ngang bằng ngọn lúa, vài nhánh lúa lay động khoe hơi sống trong cảnh đắm chìm. Nếu không có những ruộng khoai vươn cao hai bên bờ có lẽ con thuyền đã trôi lạc vào những cánh đồng ngập lụt mênh mông.
 

Phong ngoái cổ nhìn vào khoang thuyền. 12 người đồng chí nằm ngổn ngang trên hai chiếc chiếu giải liền lại, áo đen quần đen, họp thành những khối hình thù hỗn độn, hai dẫy mã tấu xếp gọn ghẽ bên thành thuyền. Cảnh 12 người thanh niên trai tráng ngủ ngon lành trên chiếc thuyền lưu động đưa họ về nơi chiến đấu súng đạn gây cho Phong niềm xúc cảm nao nao. Anh hồi tưởng lại những ngày tang tóc dạo tháng Ba...


Một buổi tối Phong thẫn thờ ngồi trên Đống Cam giữa cánh đồng đầy mả mới để cố quên cảnh chết chóc bi thảm của lớp người đói khổ trong xóm. Một manh chiếu rách, một chiếc mai cùn và ba tấc đất nông vùi chôn số kiếp người dân bất hạnh. Thần Chết lảng vảng trong thôn. Một hạt gạo là một hạt vàng. Rau mơ, rau má, rau sam bị nhổ nhẵn nhụi bên bờ ruộng. Những thân chuối lá già cỗi, héo hon bị đẵn trơ trụi, gốc chuối rỉ ra một chất nhựa cằn. Mẹ anh kể rằng đây là lần đầu tiên cảnh chết đói diễn ra hãi hùng như vậy. Có cả một xóm chết sạch chẳng còn một ai! Phu đòn trong Họ lục xoát những căn vườn hoang tìm ra những tử thi đã trương mùi khăn khẳn.
 
Trước cảnh chết chóc nhục nhã Phong bực tức điên cuồng. Anh oán hờn tất cả, ghét bỏ hết cả. Anh không muốn nghe cả những lời cầu kinh sám hối của mẹ hiền. Trong tâm trạng sôi nổi Phong gặp Cả Bằng, anh Cả bán sách ngày trước bên xóm Hạnh đã bỏ làng đi biệt tích khi quân Nhật vào làng bắt mấy người Tầu làm nghề trang kim suốt ngày đập búa giọt đồng thành giấy. Đêm hôm đó Cả Bằng và Phong ngồi chong đèn đến sáng, đĩa dầu lạc phải thay bấc mấy lần. Phong chăm chú nghe anh Cả nói đến những ruộng đay, những vụ đốt gạo làm than, những chuyến tầu nặng chìm chở đầy gạo nhổ neo rời Hải Cảng.
 

Mắt Phong sáng lên khi anh Cả kể lại những vụ cướp thóc, phá thuế tại Hưng Yên, Bắc Ninh. Lần đầu tiên trong đời Phong nghe nhắc đi nhắc lại nhiều lần hai chữ Phát Xít, Đế Quốc. Và cũng là lần đầu tiên Phong lẩm nhẩm như lời cầu nguyện thiêng liêng những danh từ Độc Lập, Hy-Sinh.

Sáng hôm sau Phong lên tỉnh xin rút học bạ, bỏ học theo Cách-Mạng. Anh cảm thông với ông thầy ngơ ngác trước dáng điệu cương quyết của anh. Trong cuộc giã từ các bạn, Phong cố kìm hãm không nói câu “đánh đuổi Nhật Pháp”. Điều đó anh đã ghi vào lòng. Vì “chúng ta còn ở trong bóng tối” anh Cả đã căn dặn Phong như vậy khi tiễn chân Phong ra tận cổng làng.
Trưa học chính trị, tối tập quân sự, chỉ trong vòng một tháng, nhờ trình độ văn hóa, sức lực vạm vỡ và nhất là tinh thần cao, Phong nghiễm nhiên trở thành một du kích quân kiểu mẫu.
 
Một đêm không trăng, cũng trên Đống Cam, giữa cánh đồng ngùn ngụt tử khí, vì mả mới ngày càng nhiều và càng đào nông, anh Cả long trọng phủ lá cờ trên tấm bia cao, nhìn thẳng vào cặp mắt long lanh của Phong chậm rãi nói: “Nhân danh Tỉnh Đoàn Thanh Niên Du Kích Cứu Quốc Nguyễn Trãi, tôi long trọng cử đồng chí Phong làm tiểu đội trưởng thanh niên du kích liên xã Tây Ba”. Phong nghiêm trang tuyên thệ trong sự khâm phục của 5 du kích quân đồng đội.
 
Ngày Khởi Nghĩa cuốn đến như trận sóng. Cách mạng đã chín mùi, đế quốc và phát xít rẫy chết! Mặt Trận tổ chức mít-tinh khắp nơi. Phong hãnh diện giơ cao cán cờ, ngọn cờ đỏ chạm ngọn cây bàng trong sân đình. Và Phong cùng các đồng chí dõng dạc hát vang:
 

Anh em trong đoàn quân du kích,

Cùng vác súng lên nào!

Đi lên ! Đi lên!

Ta hiệp cùng dân chúng,

Cướp lấy phần chiến thắng,

Giải phóng giống nòi!

Đoàn du kích quân...

Có điều Phong không ngờ, mà chẳng đời nào anh dám ngờ, là thằng Sâm, em Phong, cũng thấy đứng trong hàng ngũ thiếu niên tiền phong. Và lạ hơn nữa con Nhung cũng thấy xếp hàng trong đoàn thiếu nữ tiền phong. Phong càng kinh ngạc khi thấy hai đứa đứng nghiêm chỉnh như những chiến sĩ và hát trọn bài Du Kích Quân.
 
Phong trào dâng lên như sóng cuốn. Đâu đâu cũng thấy cờ đỏ, đâu đâu cũng bàn tán về Cách Mạng, về Mặt Trận. Những khẩu hiệu ái quốc kẻ la liệt trên bờ tường bao quanh trường và ngay cả trên tường trong lớp.
 

Dân chúng hầu như quên hẳn vụ đói khổ dạo tháng Ba, say sưa với Độc Lập. Thì trận lụt ùa đến !

Bờ đê sông Đáy gần mạn chùa Hương nứt vỡ một đoạn, nước đổ vào như thác. Nước đỏ chạy như bay qua những cánh đồng xanh vừa cấy lúa vụ mùa. Nước băng đến những con đường đất trong xóm, che lấp những bụi dâm bụt vừa trổ hoa. Từng nóc nhà lá ọp ẹp trôi lềnh bềnh theo dòng nước cuốn.
Các đoàn thể xung phong đi đắp đê. Mã tấu sáng loáng ngày khởi nghĩa nay lấm nhem những bùn. Tre làng đẵn từng dẫy xếp lại chờ đò chở đến chân đê. Nhưng dòng nước soáy đang hăng đã đập tan những ống bương to bản nhất.
 

Mặt Trận đã cướp được chính quyền, các trại lính khố xanh, khố đỏ đều quy hàng giải phóng quân. Duy còn một cái gai cuối cùng phải nhổ nốt: Quản Dưỡng (theo Việt Quốc) vẫn ngoan cố kháng cự từ trại lính khố xanh tỉnh Hà Đông.

Phong bồi hồi sung sướng nghĩ đến vinh hạnh của chuyến đi đêm nay. Đi giải phóng cho tỉnh anh, đi kiện toàn sự thành công của Cách Mạng. Phong mường tượng thấy bóng Quản Dưỡng thấp thoáng bên kia sông. Anh thét:”Xung phong!”

12 thân hình bật dậy như 12 cái máy, 12 cái đầu đụng mạnh vào mui thuyền làm nghiêng ngả 12 con người còn ngái ngủ.
Năm, ủy viên tỉnh bộ mới từ Côn Lôn về, nói lên sự hoảng hốt chung:”Có giặc à?”
 

Phong giật mình tỉnh mộng: “Xin lỗi các đồng chí, tôi cứ tưởng là thằng Quản Dưỡng”. Anh em du kích thở phào...

Họ lom khom chui ra mũi thuyền, hít mạnh khí trời tươi mát buổi rạng đông.

Vì mặt trời vừa nhô lên khỏi mặt nước. Ánh nắng hồng chạy song song trên cánh đồng ngập lụt, ráng đỏ của vừng Đông in bật lên nền trời xanh thẫm, mầu xanh của mùa Thu, mùa Cách Mạng.

Mười một du kích quân tiểu đội Tây Ba, tay cầm mã tấu, lưng đeo dao găm, đứng lăm lăm trên khoang thuyền (mui thuyền đã được hạ xuống).

Thuyền lặng lẽ bơi về phía Đầu Cầu. Theo sau hàng chục con thuyền đinh nặng nề tiến tới. Gươm đao lố nhố trên sông. Một bầu không khí uy-nghiêm trước giờ lâm trận.

Khi đoàn thuyền thứ nhất hướng về phía Vạn Phúc để dàn quân theo thế gọng kìm, Phong thấy hàng chục con thuyền đã đậu sẵn dưới gầm cầu. Hàng trăm giải phóng quân đã gươm súng tề tựu bên bờ sông. Cùng với hàng trăm du kích quân hậu thuẫn, tay đao tay mác, đứng nhấp nhô sau rặng tre bao quanh làng Vạn-Phúc.

Bỗng Năm cất tiếng hát hùng dũng, 12 du-kích quân chăm chú nghe như lời huấn dụ:

Anh em trong đoàn quân du-kích.

Cùng vác súng lên nào,

Đi lên! Đi lên! ...

Anh em cùng tiến tới,

Theo lá cờ phấp phới,

Mầu đỏ búa liềm!

Phong giật mình đánh thót! Anh kêu lên :”Đồng chí Năm! sao đồng chí lại hát thế? Sao lại búa liềm?” Anh em du kích ngơ ngác nhìn nhau. Họ không hiểu búa liềm là gì, nhưng họ đoán thấy trong vẻ mặt kinh hãi của đồng chí Phong một điều gì vô cùng quan trọng.

Mặt rắn như đanh, Năm cười như thương hại: ”Đồng chí thiếu ý thức chính trị. Sao Vàng chỉ là hình thức, đối với Đảng phải là Búa Liềm”.
Phong tê dại người, lưỡi anh ngọng nghịu, nước bọt khô quanh, cổ họng đắng chát. Anh cúi đầu, hổ thẹn. Anh bối rối, luống cuống suýt đánh rơi khẩu mút-cơ-tông duy nhất của tiểu đội. Tinh thần rã rời, bao nhiêu mệt nhọc một đêm không ngủ kéo đến làm anh thẫn thờ. Phong như sống trong mộng, mắt dại hẳn đi, người như mất trí. Anh cúi gầm mặt nhìn xuống dòng nước...
 
Bao nhiêu hăng hái từ ngày tham gia cách mạng trong khoảnh khắc đã tan biến đi. Phong buồn bã nhìn nét mặt ngây dại của mình dưới bóng nước. Anh tự thương cho mình, thương cho 11 đội viên đứng trên khoang thuyền ngây thơ tin tưởng vào bóng cờ quyến rũ, bóng cờ đầy sắt máu từ nơi thiên đường Cộng Sản xa xôi. Bóng cờ liềm búa kinh hoàng được hòa dịu bằng một ngôi sao. Nhưng trong lòng ngôi sao là một cặp búa liềm, trong lòng Mặt Trận là một “Đảng” bí mật. Anh đoán Cả Bằng cũng chưa biết điều đó. Cả Bằng cũng cứ tưởng lầm như anh. Cả Bằng mới tham gia có dăm tháng trước anh thì làm gì đã được vào Đảng? Cả Bằng chưa đi Côn Lôn thì chưa thể biết được. Anh thương cho Cả Bằng. Cả Bằng và Phong và 11 đội viên đều bị lợi dụng, bị lừa gạt. Anh thương cho cả một thế hệ thanh thiếu niên bị lừa như con trẻ. Anh uất ức nghẹn ngào...
 
Những tiếng hô vang dậy làm Phong bừng tỉnh. Bên kia đường, hàng trăm giải phóng quân nhẩy ra khỏi thuyền, chạy xô vào cổng trại. Họ vừa hò hét vừa xông lên bờ hè nước ngập đến đầu gối. Những tiếng súng trường nổ liên hồi phía sau. Lập tức hàng tràng đạn đại liên nổ vang xé không gian từ chòi cao. Mấy tên lính khố xanh nằm rạp trên sàn chòi, mũi súng 12.7 quay tới tấp về tứ phía. Những tiếng rú hãi hùng, từng thây đổ xuống, nước bắn tung tóe, máu đỏ thấm qua làn áo đen hòa vào nước đục.
 
“Xung phong! Sát!” Các giải phóng quân, du kích quân hò la vang lừng, phần vì say máu, phần vì căm giận. Mã tấu loang loáng trong tay, họ chém phăng người lính khố xanh đang muốn xin hàng. Một anh giật lấy súng, chĩa lên chòi bắn cho kỳ hết đạn. Rồi cùng nhau phá tan tấm cửa gỗ, ùa vào sân trại. Bị lôi cuốn trong làn sóng người chiến đấu, các du kích quân tiểu đội Tây Ba chạy theo, ngã xiêu ngã vẹo. Áo quần ướt sũng, đầu tóc tả tơi, miệng gào khản tiếng. “Anh em tiến lên chòi ! Sát! Sát!” Từng tràng liên thanh đáp lại tiếng hô quân. Hàng chục du kích ngã dưới tầm súng, đao quăng đi mọi ngả. Phong bị làn sóng người xô đẩy vào góc tường. Mắt anh đỏ ngầu, thấy máu khắp nơi, máu tươi tóe lên vách tường, máu hòa đỏ khắp sân. Hàng trăm du kích cũng vừa kéo đến tiếp quân. Tiếng hò hét vang trời. Sân trại chật ních những người. Bỗng họng súng đại liên câm bặt! Hàng chục du kích đã trèo lên cướp được khẩu 12,7. Họ nhẩy lên:” Cướp được đui xết rồi! Sát! Sát!”
 

Phong băng người qua sân. Anh chạy theo lá cờ của người đồng đội lăm lăm tiến vào trại trưởng đồn. Từng tràng tiểu liên bắn tới. Phong rú lên, ôm bụng ngã xuống nước. Đoàn người theo sau cờ chạy nháo nhác về phía chân tường.
Hai du kích quân Tây Ba dìu Phong vào chân chòi canh. Họ đặt Phong dựa vào bức tường gạch, hoảng hốt kêu: “Đồng chí đội trưởng trúng đạn rồi!”
 
Mặt tái nhợt Phong ngả đầu vào vai anh du kích, máu từ bụng trào ra, máu chẩy qua kẽ tay, run rẩy, đỏ tươi. Anh thu hết tàn lực nhìn về phía trại binh. Tiếng súng đã im nhưng tiếng hô quân còn vang dội.
 

Bỗng anh du kích bỏ Phong, vùng đứng dậy: “Quân ta chiếm được đồn rồi! Kìa quốc kỳ! đồng chí Phong! quốc kỳ!”

Phong ngước nhìn lên chòi canh, phong cảnh mờ như sương khói. Anh cố mở to đôi mắt. Bỗng Phong bật dậy, nét mặt kinh hãi đến cùng cực. Anh thét lên:”Trời ơi! Cờ Đỏ Búa Liềm!” Rồi ngã vật khỏi tay người đồng chí.


NHUỆ HỒNG NGUYỄN HỮU THỐNG

(Quan Điểm, tháng 8, 1955)

 

    Năm 1945, người viết xung vào đoàn Thiếu Niên Tiền Phong và được đi theo đoàn quân giải phóng để viết phóng sự chiến trường. “Cờ đỏ búa liềm” là câu hát lần đầu người viết được nghe trên dòng Sông Nhuệ.