Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Di Cư 1975 Sau 35 năm: “Gia tài của Mẹ một nước Việt buồn”

Sau 35 năm: “Gia tài của Mẹ một nước Việt buồn” PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Diễn Ðức   
Chúa Nhật, 25 Tháng 4 Năm 2010 21:17

Trên báo chí trong nước và trong cộng đồng mạng vẫn không thiếu những bài ca lạc điệu dành cho của đảng Cộng Sản Việt Nam (ÐCSVN) và Hồ Chí Minh,

 trong ý nghĩa ghi nhận công lao đánh đuổi ngoại xâm và xây dựng đất nước phát triển được như ngày nay.

 

Trong một cuộc phỏng vấn của Ðài Truyền Hình Trẻ ở Houston, Texas, hồi Tháng Ba năm nay, xướng ngôn viên thắc mắc, hỏi tôi tại sao còn lắm người Việt trong nước có cách nhìn như thế.

Tôi trả lời rằng, trước hết họ là những người có kiến thức về chính trị xã hội hạn chế. Có nhiều nguyên nhân. Có thể do trình độ văn hóa thấp, cũng có thể vì không có điều kiện tiếp cận thông tin đa chiều, não trạng đã bị ăn sâu bởi tuyên truyền một phía của nhà nước. Họ không hiểu biết tường tận và được trải nghiệm những mô hình hoạt động tiến bộ của các nhà nước dân chủ trên thế giới. Cao lắm, họ ngó qua Thái Lan, Philippines, những quốc gia mà nền dân chủ còn rất yếu, chưa đúng với thực chất. Họ ngộ nhận đến đáng thương và bảo vệ chế độ bằng những lý luận ngớ ngẩn, hài hước, cái trước đá cái sau, không nằm trong logic nào cả. Còn mức độ phát triển của Việt Nam thường được họ mang ra so sánh với... chính mình, qua lăng kính của chính mình.

Với thế hệ 6x trở lại, đại đa số đã phải chịu đựng gian khổ trong thời chiến, đối diện với cái chết hoặc ăn đói, mặc rách. Nay được ăn cơm trắng thay cơm độn sắn hay bo bo, được đi xe gắn máy thay xe đạp, hàng hóa tràn ngập, các điểm du hí, ăn nhậu đầy đường, họ cảm thấy quá hài lòng. Họ mãn nguyện với sự tự do cho cái bụng. Họ chẳng cần lưu tâm đến một điều quan trọng không kém, đó là con người hơn loài vật ở chỗ cần có cả cái đầu được tự do. Ông cha ta có câu: “Miếng ăn qua khẩu thành tàn”!

Loại thứ hai là những con vẹt, được dạy dỗ công phu, nói thay chủ. Ðiêu luyện nhất phải kể đến các phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao CHXN Việt Nam, mà người đang thủ vai hiện tại là bà Nguyễn Phương Nga.

Ngoài ra, còn một dạng khác, những người mặc áo gấm, đội mũ ni che tai, nhảy múa làm trò vì miếng cơm manh áo, vì bổng lộc hoặc vướng vào ân huệ mưa móc của nhà cầm quyền, đôi khi cũng vì hèn nhát và sợ hãi nữa. Trước các quan chức, nhân cách của họ bỗng dưng thành thú cách. Họ cúi đầu, nịnh bợ, ca ngợi đảng, bác, nhưng trong bụng hoặc trong các bữa nhậu với phạm vi bạn hữu thì chửi rủa chính quyền như hát hay. Tôi biết rất nhiều người thuộc loại này, những ông bạn học, bạn đồng niên có bằng cấp tiến sĩ, kỹ sư hẳn hoi, là đảng viên đang nắm các chức vụ to trong bộ máy công quyền.

Ðầu năm 2000, trên báo xuân Tuổi Trẻ (tờ này sau khi phát hành thì bị thu hồi vì lỡ dại công bố cuộc thăm dò dư luận, trong đó cho thấy thanh niên Việt Nam thần tượng hóa nhà tin học tỷ phú Bill Gates hơn hẳn Hồ Chí Minh), nhận định về Việt Nam sau 14 năm “cởi trói” và “đổi mới”, cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt thừa nhận Việt Nam đã bỏ lỡ mất cơ hội phát triển vì những chính sách sai lầm sau khi thống nhất đất nước, kéo Việt Nam tụt hậu vài chục năm.

Ðiều đó có nghĩa rằng, nếu không bị ÐCSVN cản đường thì đất nước đã tiến xa hơn, không phải nằm trên mặt bằng hôm nay. Ðất nước Việt Nam rõ ràng không vươn cao đúng với tầm vóc và khả năng của nó.

Việt Nam vẫn là một nước nghèo, nhiễu nhương và đầy nghịch lý. Sự bất tuân, bất tín của nông dân, công nhân bị bóc lột và những trí thức yêu nước, dũng cảm là lớp sóng ngầm của bất ổn xã hội.

Sau năm 1975, không chỉ riêng dân chúng miền Nam vì bị o ép, phân biệt đối xử, mà phải vượt biên đi tìm tự do, trả giá bằng chết của hàng trăm ngàn người.

Suốt mấy chục năm qua, dòng người Việt nghèo vẫn ra đi không dứt. Họ tiếp tục chấp nhận nguy hiểm, bán nhà, cầm nợ, bỏ Tỏ quốc lang thang trên xứ người bằng nhiều hình thức, mong tìm được vùng đất sinh nhai khả dĩ hơn. Họ là những đứa con bị bỏ rơi, cam chịu thân phận nô lệ lao động, nô lệ tình dục dưới thương hiệu “công nhân xuất khẩu lao động” ở Samoa, Malaysia, Nam Triều Tiên, Nhật, Ðài Loan, Nga, CH Czech... hay kiếp sống tủi hổ của con ở, của những bà vợ bất đắc dĩ với các ông chồng người Hoa, hay cuộc đời du thủ du thực trong rừng nước Pháp mong ngày qua được Anh quốc trồng “cỏ”, v.v.

Sau 35 năm mà đất nước vẫn đứng trước một bức tranh bi kịch như thế!

Sau 35 năm, “gia tài của Mẹ” vẫn chỉ là “một nước Việt buồn”!

Tôi đau lòng khi nhìn Ba Lan, một nước nhỏ hơn, dân số chưa bằng phân nửa dân Việt mà tổng thu nhập lớn hơn 5 lần Việt Nam. Xây dựng một chế độ dân chủ, tự do từ một nền sản xuất và cơ sở hạ tầng bị kiệt quệ do chế độ cộng sản để lại, nợ nước ngoài đè lên vai với hơn 44 tỷ đôla, nghèo đến mức bị khinh rẻ ở Tây Âu, chỉ sau 20 năm Ba Lan đã vươn lên đứng hàng thứ 6 Châu Âu và hàng thứ 18 của thế giới về kinh tế.

Môi trường dân chủ và tự do bao giờ cũng làm cho con người năng động và sáng tạo hơn so với chế độ mà trong đó nhất nhất mỗi hành động đều phải theo ý thức hệ của một phe nhóm chính trị độc quyền, không bị ai kiểm soát.

Ðảng CSVN sau 1975 đã trói cả một dân tộc trong vòng cai trị độc tài, ngu dốt, đẩy cả nước vào đường cùng rồi mới tỉnh ngộ, giật mình “cởi trói”! Làm lãnh đạo mà bỏ mất cơ hội phát triển tốt, đưa nhân dân vào chỗ đói nghèo, thì có gì khác hơn là tội ác. Nguy hiểm hơn, bỏ tù hàng trăm ngàn quân nhân, dân chính của chế độ Việt Nam Cộng Hòa trong các trải cải tạo không hề xét xử, ÐCSVN đã gây nên hận thù, chia rẽ dân tộc sâu sắc - lực cản lớn nhất cho sự đoàn kết xây dựng đất nước. Nếu như ÐCSVN biết nhìn nhận sai lầm, sám hối và xin lỗi, thì gần ba triệu người Việt ở nước ngoài sẽ là hậu thuẫn mạnh mẽ, đẩy cỗ xe phát triển đất nước đi nhanh hơn nhiều. Hàng tỷ đô la do Việt kiều gửi về nước mỗi năm mới chỉ là vật chất. Tri thức, nếu được tận dụng đúng, sẽ vô giá.

Một yếu tố quan trọng tạo ra sự phát triển mà những người Việt thiếu cái nhìn viễn kiến ít ghi nhận. Nếu không nhờ đầu tư nước ngoài, vốn tư bản, Việt Nam đã không có ngày hôm nay. Vẫn biết các nhà tư bản chẳng tử tế bao nhiêu, nơi đâu có lợi nhuận là họ có mặt, nhưng khi một đất nước có luật lệ nghiêm minh và báo chí tự do sẽ ngăn chặn tối đa lòng tham của họ. Khốn nỗi, ở Việt Nam, tư bản xanh bắt tay với tư bản đỏ để cùng khai thác, vắt kiệt tài lực của đất nước.

Trong bài “Chúng nó cứ vay để đớp, con cháu trả nợ, nhưng vấn đề là lấy gì mà trả”, tôi nhấn mạnh rằng, những công trình vay vốn “phát triển” đất nước sẽ là những món nợ khổng lồ mà đảng CSVN để lại cho hậu thế. Bày mâm cỗ “phát triển” cho nhân dân Việt Nam, đảng CSVN đã ngồi chồm hổm chia nhau gắp trước những miếng ngon, thậm chí xơi tái từ trong bếp.

Ðừng quên rằng, với cơ chế độc quyền để giữ đặc lợi và khi tham nhũng trở thành hệ thống, cái gọi là sự phát triển mà những người thích ca theo đảng, tỷ lệ thuận với sự căng phồng tư túi của quan tham và núi nợ của con cháu mai sau.

Chủ nghĩa hưởng thụ, cơ hội, “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” dưới sự “lãnh đạo sáng suốt” của mình, đảng còn biến Việt Nam thành một xã hội bị mục ruỗng đạo đức, bị lưu manh hóa. Ðảng dung túng hoặc nhắm mắt làm ngơ, mặc cho thanh thiếu niên lao vào lý tưởng sống vì tiền, ăn chơi sa đọa, lai căng, khoe giàu sang lố bịch. Các trang web khiêu dâm đồi trụy có thể truy cập dễ dàng, các “ngôi sao” gái Việt có thể show “hàng” hot thoải mái trên mạng. Trong khi đó đảng ra tay đàn áp những trang blog cá nhân có tiếng nói khác với đảng, cho dù những tiếng nói ấy có lợi cho xã hội và chủ quyền của đất nước (ví dụ về Hoàng-Trường Sa, về khai thác bauxite ở Tây Nguyên) hay bị ngồi tù chỉ vì dịch một bài “Thế nào là dân chủ” trên web của Tòa đại sứ Hoa Kỳ (công khai) ở Việt Nam (trường hợp Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn), v.v.

Tôi cho rằng đây là di sản tội ác lớn nhất của đảng CSVN. Ông Hồ Chí Minh sinh thời có nói “vì hạnh phúc mười năm trồng cây, vì hạnh phúc trăm năm trồng người”. Giả sử một ngày đẹp trời, vận nước đổi thay theo chiều hướng tốt, với những con người được ông Hồ và ÐCSVN “trồng” hôm nay, phải mất bao nhiêu lần trăm năm nữa dân tộc Việt mới có thể trở lại với đạo đức truyền thống và nhân bản bình thường?

Ðể kết thúc, tôi ghi lại một phần lời trong bài “Trần Trụi 87” của nhạc sĩ Trần Tiến, hiện sống trong nước, bài hát mà tôi rất thích, để nhắn gửi những người vẫn còn dị mộng trong màn chăn gối cùng đảng CSVN:

... Tôi đã thấy bạn tôi đi buôn trên đường phố Nga
Bạn tôi xây bao công trình cho Mỹ
Người Việt tài năng lang thang nơi đâu
Xa dấu quê nhà
Anh có đau không?
Chị có đau lòng không?
Tôi đã thấy người Việt năm xưa con Rồng, cháu Tiên
Thật thà yêu nhau xây dựng nước
Người Việt nào giờ đây lo toan riêng tư
Khôn quá hóa hèn
Anh có đau không?
Chị có đau lòng không?
Thôi, đừng hát, đừng mãi ngợi ca
Những lời hát nhàm chán
Ru quê hương ta vinh quang thăng hoa trong bao niềm kiêu hãnh
Mà quên đi áo cơm và hoa hồng!

Những người lính nằm xuống
Không hề mong nhìn thấy
Quê hương hôm nay
Ðôi tay ăn xin gào xé tim ta

Xin đừng nói giả trá!
Ðâu rồi những bàn tay năm xưa gian lao
Nay ta bên nhau, xây lại đời mới
Vì tự do, áo cơm và hoa hồng!

Những ngươi lính nằm xuống
Vẫn chờ mong nhìn thấy
Quê hương sau bao năm gian lao được no ấm, yên lành
Hãy quay lại nhìn rõ chính mình!

Vâng, mỗi người hãy nhìn rõ lại chính mình! Ðừng ngợi ca thêm như những người mất trí, những con rối vô tri và hài hước.

Ðảng CSVN chỉ là một tổ chức chính trị, đang tồn tại và có thể tồn tại thêm nữa, nhưng không bao giờ vĩnh cửu. Một chế độ đã mất lòng tin của xã hội, tham nhũng, nội bộ tranh giành quyền lực, bán rẻ cả chủ quyền đất nước cho ngoại bang, có trong tay cả triệu lính và công an, mật vụ, mà vẫn run sợ trước cả tiếng nói phản kháng riêng lẻ của những người phụ nữ yếu ớt, trói gà không chặt - chế độ ấy sẽ sụp đổ là điều tất yếu, là quy luật lịch sử.