Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Các Nhân Vật Sự thật về cái chết của Nhất Linh (Kỳ cuối)

Sự thật về cái chết của Nhất Linh (Kỳ cuối) PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Tường Thiết   
Thứ Ba, 07 Tháng 2 Năm 2012 09:00

 “...và ông đã làm, đã chọn cách chết, đã chọn lúc chết... ‘đời tôi để lịch sử xử’, ông là loại ‘hổ nhớ rừng’ chẳng thể để cho đàn kiến đen bọ hung bọ xít xúc phạm” (Trang 177, sách Nhất Linh Người Nghệ Sĩ -Người Chiến Sĩ của Lưu văn Vịnh).

LTS: Bài viết dưới đây của nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con trai nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam,  nhằm phản biện một số ý kiến được đưa ra gần đây, mà tác giả cho là “bóp méo sự thật, sửa đổi lịch sử, xuyên tạc cái chết” của thân phụ ông. Trong số các ý kiến này, có một chương sách trong tác phẩm “Một Thời Ðể Nhớ,” của tác giả Nguyễn Văn Lục, xuất bản mới đây. xin đăng nguyên văn bài viết của nhà văn Nguyễn Tường Thiết.

    Nhất Linh Nguyễn Tường Tam

Như vậy là chuyện đã rõ. Không hề có chuyện Nhất Linh tự tử hai lần. Chuyện này hoàn toàn do ông Trần Văn Bảng bịa đặt. Ðọc kỹ bài “Bệnh tật và cái chết của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam” tôi càng ngạc nhiên khi ông Trần Văn Bảng viết “Ðể tìm hiểu bệnh trạng và cái chết của Nhất Linh chúng tôi đã tiếp xúc với gia đình Nhất Linh: bà Nguyễn Tường Tam, con trai út của ông là Nguyễn Tường Thiết”.

Lại là một chuyện bịa đặt trắng trợn nữa: Ông Bảng không bao giờ đến nhà chúng tôi cả. Tôi không hề biết ông Bảng là ai, chưa bao giờ nghe tên ông ấy cho tới bây giờ khi đọc bài của ông Bảng trên Talawas và tiểu sử ông Bảng do chính ông viết trong tập thơ của ông: “Giáo Sư Trần Văn Bảng, bút hiệu Bằng Vân, Lưu Văn Vong, Sĩ Ngông (trang 5, Bằng Vân Trần Văn Bảng, Thư mục y giới văn thi nghệ sĩ)”.

Trong chủ đề “Tìm hiểu ý nghĩa của hai lần tự tử” (Trang 188-189, Nguyễn Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ), ông Lục bàn luận về chuyện Nhất Linh tự tử hai lần dựa theo chuyện bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm đi rửa ruột cho Nhất Linh, một câu chuyện bịa đặt bởi ông Trần Văn Bảng. Mặc dù biết đây là chuyện bịa đặt, ông Lục vẫn dùng để chứng minh chuyện Nhất Linh tự tử hai lần là có thật. Ðiều này chứng tỏ là ông không có ý định đi tìm lại hay nhìn lại “ý nghĩa về cái chết của Nhất Linh” như ông đã đặt ra cho tựa đề của chương sách này. Mục đích của ông là ông cần phải gán cho Nhất Linh căn bệnh tâm thần. Bằng mọi giá, mọi cách ông phải chứng minh cho cái lập luận ấy của ông. Bằng chứng thật hay bằng chứng giả không quan trọng miễn là ông đạt được mục tiêu của ông.
Trang 189 cuốn sách Một Thời Ðể Nhớ, ông Lục viết: “Hầu hết những người phản bác lại nội dung bài viết này không một ai lên tiếng trả lời câu hỏi cắc cớ ý nghĩa hai lần tự tử của Nhất Linh”.

Ông Lục biết thừa tại sao không ai lên tiếng trả lời câu hỏi cắc cớ của ông: Một là những bài phản bác người ta viết cách đây ba năm (2008), lúc đó câu chuyện bịa đặt Nhất Linh tự tử hai lần chưa được đưa ra trong bài ông viết (2008); hai là ông Lục đưa ra chuyện Nhất Linh tự tử hai lần (bài ông viết sau 2008) ông cố tình đưa ra chuyện bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm đi rửa ruột cho Nhất Linh như một chuyện có thật cho nên người ta không phản bác.

Bằng cớ pháp lý
Trong chủ đề “bằng cớ pháp lý” ông Lục trích dẫn sách của ông Lê Nguyên Phu để đưa ra lập luận rằng Nhất Linh tự tử vì tránh không muốn ra Tòa đối chất với những người anh em đồng chí của mình trước tòa án. Tôi sẽ trình bày trong phần sau đây để phản bác lập luận ấy của hai ông Nguyễn Văn Lục và Lê Nguyên Phu.
Bàn luận về “Bằng cớ pháp lý”, ông Lục viết: “...Chứng cứ pháp lý này mở đường cho những chỉ dẫn có thể hiểu được vì lý do gì Nhất Linh đã tự tử và để lại chúc thư cho lịch sử...” (Trang 175, Nguyễn Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ)

Theo ông Lục những chứng cớ pháp lý sẽ giải thích lý do vì sao Nhất Linh tự tử. Sau đây là những điều tôi tìm thấy trong dẫn chứng pháp lý của ông Lục.
Những bằng cớ pháp lý mà ông Lục đưa ra phần lớn ông trích dẫn trong sách của ông Lê Nguyên Phu (Trung Tá Lê Nguyên Phu, ủy viên chánh phủ chính quyền Ngô Ðình Diệm, Tòa Án Quân Sự Ðặc Biệt).
Tôi chưa bao giờ nghe nói hoặc nhìn thấy cuốn sách viết bởi ông Lê Nguyên Phu. Khi trích dẫn sách của ông Lê Nguyên Phu, ông Lục không viết tên sách và trang sách, ông chỉ ghi chú như sau: “Trích tóm lược nội dung cuốn sách của ông Lê Nguyên Phu” hoặc “Tóm tắt Lê Nguyên Phu” hoặc “Tóm tắt chứng từ Lê Nguyên Phu”.

Vài trích dẫn của ông Lục nói về con người của ông Lê Nguyên Phu như sau:
“Những người đã ngấm ngầm giúp các chính khách là Trung Tá Lê Nguyên Phu, Ủy viên chính phủ trong tòa án quân sự đặc biệt. Ông Lê Nguyên Phu đồng ý và hứa với ông Tuyến sẽ ngầm giúp các chính khách bằng cách tha bổng hay xử những bản án rất nhẹ...”
“...Tuy nhiên, với tư thế là Ủy viên chính phủ, ông Lê Nguyên Phu đã đóng kịch trước tòa án, có vẻ gắt gao và mạt sát bị cáo. Cho nên có một số người bị chạm tự ái, và để tâm thù, sau này còn mạ lỵ ông thậm tệ. ‘Trích Những huyền thoại và sự thật về chế độ Ngô Ðình Diệm, Vĩnh Phúc, trang 320-323’ (Trang 192, Nguyễn Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ).”

Chuyện ông Lê Nguyên Phu “ngấm ngầm” giúp các chính khách tôi chưa nghe ai nói, nhưng chuyện ông Lê Nguyên Phu “đóng kịch” trước tòa án, “có vẻ” gắt gao và mạt sát bị cáo thì, ông Nguyễn Liệu, có tả rất rõ như sau: “...Tôi phải nhắc lại điểm về con người của Lê Nguyên Phu khi làm Trung tá ủy viên chánh phủ xử vụ đảo chánh năm 1960 của toàn án quân sự đặc biệt Sài gòn, mà tôi là một bị cáo, Lê Nguyên Phu là Trung tá quân pháp...” “...tiếp sau đó vị Trung tá ủy viên chánh phủ lớn tiếng phùng mang trợn mắt lên giọng chưởi bới bọn phản loạn bọn bán nước bọn làm tay sai tiếp tay cho cộng sản. (Bài viết - “Ông Nguyễn Văn Lục nên viết lại bài - Ý nghĩa cái chết của Nhất Linh - Nguyễn Liệu)”. Như tôi đã viết trong phần I của bài này ông Nguyễn Liệu bị kết án 5 năm tù vì tội tham gia vào cuộc đảo chánh 11-11-1960 và ông hiện đang sống tại San Jose, CA.

Như thế là cách cư xử “gắt gao và mạt sát” các bị cáo của ông LN Phu trong phần trích dẫn của ông Lục là chuyện có thật và đã được mô tả kỹ lưỡng bởi ông Nguyễn Liệu. Tôi sẽ nói thêm về dẫn chứng rất quan trọng này của ông Lục vào một lúc khác.
Theo dẫn chứng của ông Lục, ông Lê Nguyên Phu vì tư thế của một Ủy viên chính phủ đã phải “đóng kịch” trước tòa án, làm ra vẻ “gắt gao và mạt sát” những bị cáo. Nếu ông Lê Nguyên Phu là người đại diện chính phủ xử tội các bị cáo thì ông cứ phán xét tội phạm của họ rồi kết án, việc gì mà ông phải “đóng kịch” như ông đã làm. Ông Lê Nguyên Phu phải “đóng kịch” có nghĩa là ông không muốn làm nhưng ông bị buộc phải làm. Như thế là ông Lê Nguyên Phu ý thức rằng hành động “gắt gao và mạt sát” bị cáo là việc làm sai, tồi tệ. Tại sao ông Lê Nguyên Phu lại phải “gắt gao và mạt sát” các bị cáo trước quan tòa nếu không nhằm mục đích nhục mạ bị cáo trước tòa án? Ông Lê Nguyên Phu là người đại diện chính quyền để thi hành chính sách hoặc đường lối mà chính quyền đặt ra và giao phó cho ông. Như thế sự nhục mạ các bị cáo trước tòa án là chính sách của chính quyền mà ông Lê Nguyên Phu chỉ là người thừa hành. Tôi sẽ bàn luận thêm chuyện này ở phần sau.
Tôi không được đọc sách của ông Lê Nguyên Phu viết. Tôi không biết tên sách là gì. Tôi không biết ông có viết không? Không biết ông viết gì và với mục đích gì? Tuy nhiên những gì ông Lục trích dẫn trong sách ông Lê Nguyên Phu đưa ra để giải thích về chuyện Nhất Linh tự tử là những chuyện không đúng sự thật.
Trích dẫn thứ nhất - ông Lục: “Tôi viết thư mời Nguyễn Tường Tam (chứ không phải ra trát đòi) đến gặp tôi tại tòa án quân sự đặc biệt”... “Ðối với ông, tôi không cho tống đạt trát đòi hầu tòa” (Trang 193, Nguyễn Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ)”. Ðây là một điểm sai hoàn toàn. Nhất Linh nhận được trát tòa đề ngày 5-7-1963 của Tòa Án Quân Sự Ðặc Biệt đòi Nhất Linh ra tòa trình diện. Có tên, con dấu, và chữ ký của ông Lê Nguyên Phu. Nếu cái chuyện có chứng cớ rành rành như cái trát tòa mà ông Lê Nguyên Phu còn quên và nói khác đi thì không biết chuyện gì ông nhớ đúng?

     Trát tòa do Trung Tá Lê Nguyên Phu ký. (Hình: Tác giả cung cấp)


Ngoài ra để nói về vụ binh biến 1960, ông Lê Nguyên Phu đã viết sai là “vụ binh biến 11/11/1963” (trang 193). Nếu Ông Lê Nguyên Phu cứ nhớ sai chuyện này, viết sai chuyện kia thì làm sao ông ấy có thể nhớ đúng lời khai của bị cáo Nguyễn Tường Tam và các bị cáo khác?
Thêm một điều nữa: Ông Phu viết lịch sử mà viết sai bét, rồi ông Lục lại dựa vào cái lịch sử sai bét ấy của ông Phu để chứng minh chuyện nọ chuyện kia. Như thế mà ông Lục cho là ông công bằng đối với lịch sử à? Cái công bằng đó ở đâu khi ông viết: “ ... muốn nhìn lại ý nghĩa cái chết của Nhất Linh với một cái nhìn trung thực tối đa, sự công bình đối với riêng ông Nhất Linh và nhất là đối với Lịch sử.” (Trang 175, Nguyễn Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ)

Trích dẫn thứ hai - ông Lục:
“Các thuộc hạ của Nguyễn Tường Tam đều bị đại tá Lê Văn Khoa tống giam, chỉ một mình Nguyễn Tường Tam được tại ngoại hầu tra. Do đó các thuộc hạ của ông đều tỏ ra bất bình và bất mãn với ông, nhất là Trương Bảo Sơn vừa cay đắng vừa oán hận, chỉ trích Nguyễn Tường Tam đủ điều, nào là phản bội anh em, nào là thiếu tư cách lãnh đạo ‘Tóm tắt Lê Nguyên Phu’ (Trang 190, Nguyễn Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ)”.

Trích dẫn thứ ba - ông Lục:
“Tiếp theo nội dung sách của ông Lê Nguyên Phu: ‘Lá thư của ông Trương Bảo Sơn tố cáo Nhất Linh được giám đốc khám đường Chí Hòa đệ trình tòa Ðặc biệt và được lưu giữ lại trong hồ sơ. Tôi đến thay đại tá Lê Văn Khoa, tôi lưu giữ lá thư trong hồ sơ mà không cho chuyển đi chỉ vì thiện ý’ (Trang 192, Nguyễn Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ)”.
Nếu ông Lê Nguyên Phu là người nhớ sai những chuyện đơn giản thì làm sao ông có thể nhớ đến lá thư của ông Trương Bảo Sơn tố cáo Nhất Linh. Những điều ông Phu viết ra ở trên chỉ nhằm mục đích chia rẽ, mạ lỵ, sỉ nhục Nhất Linh và những người đã cùng sát cánh hoạt động với Nhất Linh.
Không biết là ông Lê Nguyên Phu nhớ sai hay vì ông không “thiện ý” khi ông kể ra rằng các “thuộc hạ” của Nhất Linh đều tỏ ra bất bình và bất mãn với Nhất Linh, nhất là Trương Bảo Sơn vừa cay đắng vừa oán hận Nhất Linh.

Theo ông Trương Bảo Sơn kể lại thì những người hoạt động với cha tôi đã có một thái độ rất khác khi nghe tin Nhất Linh mất. Ngày các bị cáo phải ra tòa lãnh án tù, ông Phan Khắc Sửu và những bị cáo khác đã xin phép tòa cho họ được mặc niệm Nhất Linh. Ðây là một hành động đầy can đảm. Gia đình chúng tôi luôn luôn thán phục hành động can đảm này và biết ơn lòng quý trọng của họ đối với cha tôi. Trong lúc mặc niệm họ đã quên đi số phận sắp sửa bị ông LN Phu và chính quyền nhà Ngô mang ra xét xử, kết án tù đày. Riêng ông Trương Bảo Sơn, một đồng chí và cũng là người bạn rất thân của Nhất Linh, đã bày tỏ lòng quý mến và hãnh diện về cha tôi qua những gì ông viết trong bài “Những Kỷ Niệm Riêng Với Nhất Linh Nguyễn Tường Tam” đăng trên sách “Nhất Linh, Người Nghệ Sĩ - Người Chiến Sĩ” xuất bản năm 2004. Ðây là một vài đoạn trích trong bài ông viết:
“Cùng chiều hôm đó, luật sư Dương Kiền vào khám Chí Hòa báo tin cho luật sư Lê Ngọc Chấn, cùng bị giam chung với bọn đảng phái chính trị và quân nhân bị bắt sau cuộc đảo chính hụt 1960, chúng tôi vô cùng đau khổ và thương tiếc Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã bàn để tang ông ngày hôm sau khi bị đưa trước tòa án quân sự. Một anh em đã hy sinh một chiếc áo đen, cắt thành băng đeo ở cánh tay trái.”
“Vừa trông thấy chúng tôi, ủy viên chính phủ Lê Nguyên Phu nói ngay: ‘Bọn Quốc Dân Ðảng để tang Nguyễn Tường Tam!’ Nhưng không phải chỉ có ‘bọn QDÐ’ mà tất cả các chính trị phạm hôm đó đã đeo băng đen, trừ một người là ông Phan Quang Ðán” (trang 76).
“Hàng năm cứ đến ngày ‘song thất’ tôi lại nhớ tới Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, một lãnh tụ tôi kính trọng, một bạn đồng tâm đồng chí thân mến của tôi và của cả gia đình tôi. Hôm nay tôi hân hạnh kể hầu quý vị những kỷ niệm riêng của tôi với ông, gọi là đốt nén hương lòng tưởng niệm ông.” (trang 81).
Trích dẫn thứ bốn - ông Lục: Tiếp theo là nội dung sách của ông Lê Nguyên Phu: “...Thật là một sự dễ dãi chưa từng có trong phạm vi thủ tục pháp lý. Sau cùng ông (Nhất Linh) hỏi tôi: Ông ủy viên có thể giúp tôi thêm một chút nữa được không? Tôi xin ông ủy viên giúp tôi tránh khỏi phải đối chất với bọn đàn em thuộc hạ của tôi”. (Trang 192, Nguyễn Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ)

Tôi tin đây là một chuyện bịa đặt của ông Lê Nguyên Phu vì chắc chắn câu nói này không phải là lời nói của cha tôi. Cha tôi không bao giờ gọi những người anh em hoạt động với ông là “bọn đàn em thuộc hạ”. Ông Phu gán vào miệng Nhất Linh câu nói này như thể cha tôi là một tên khảo khấu đang nói về thuộc hạ của mình. Ông Phu viết ra câu đó hiển nhiên là để mạ lỵ tư cách của Nhất Linh. Tư cách của Nhất Linh như thế nào tôi xin dẫn chứng lời của học giả Hoàng Xuân Hãn. Trong sách “Nhất Linh, Người Nghệ Sĩ -Người Chiến Sĩ”, trang 55, nhà văn Võ Phiến có viết: “Nhận xét về phong độ Nguyễn Tường Tam, ông Hoàng Xuân Hãn viết: Cử chỉ lễ độ, ăn nói chững chàng, trong buổi xã giao hội họp với kẻ chức trách, hoặc phái viên Pháp, ảnh đã có thái độ cử chỉ đoan nghiêm và đúng mức, không làm thẹn chức vụ bộ trưởng Ngoại Giao và chủ tịch phái đoàn Việt Nam”.

Trích dẫn thứ năm - ông Lục: “Tiếp theo nội dung sách của ông Lê Nguyên Phu: Lúc tiễn ông ra cửa, tôi thấy ông đi thất thểu, nhưng tôi không nghĩ rằng vì vấn đề đối chất này mà ông phải tự tử sau đó”.
“Lúc được tin ông qua đời, suy nghĩ kỹ lại, tôi mới nhận rõ điều ông yêu cầu là một điều tối quan trọng đối với ông. Ông không muốn đối diện với bọn đàn em và đối chất với họ trước tòa, vì đó là một điều sỉ nhục, mất thể diện trọng đại...” (Trang 193, Nguyễn Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ).
Có lẽ ông Lục cho đây là một bằng chứng rõ rệt nhất “không chối cãi” được trong phần bàn luận về “bằng cớ pháp lý” của ông. Tôi xin nói ngay, đây là một giả thuyết thiếu thông minh của ông Lê Nguyên Phu. Khi ngồi viết truyện này, có lẽ ông LN Phu đã nghĩ tới cái quyền đánh đập, bạo hành, tra tấn bị cáo ở trong nhà tù mà chính quyền ông phục vụ vẫn áp dụng. Hay có lẽ ông hình dung bị cáo Nhất Linh dáng thiểu não run sợ trước quan tòa khi nghe ông LN Phu “đóng kịch” quát tháo, mạt sát, áp đảo tinh thần thì Nhất Linh sẽ phải sợ ngay, răm rắp làm theo lệnh tòa, răm rắp phải đối chất.

|Chuyện Nhất Linh sợ phải đối chất là giả thuyết của ông LN Phu và là lập luận của ông Nguyễn Văn Lục. Nhất Linh đã có quyết định rồi. Nếu phải ra tòa ông sẽ chọn sự im lặng. Cha tôi đã nói trước điều đó với nhiều người thân của ông.
Trong sách Chân Dung Nhất Linh, trang 184, tác giả Nhật Thịnh, thuật lại chuyện cha tôi đến từ biệt ông Nguyễn Hữu Phiếm buổi sáng ngày 7-7-1963. Ðây là đối thoại giữa bà Phiếm với cha tôi buổi sáng hôm ấy:
-Mai ra tòa anh sẽ khai ra sao?
-Chị cứ yên trí, tôi sẽ không nói gì hết, y như ông giáo sư ở trong phim “Jugement à Nuremberg” khi ra Tòa ấy.
Trong sách Hồi Ký về Gia Ðình Nguyễn Tường, trang 158, tác giả Nguyễn Thị Thế (em ruột Nhất Linh) viết:
“Tôi lại hỏi anh mai anh ra tòa anh sẽ nói sao. Anh cho tôi biết anh sẽ không nói gì hết, chỉ im lặng thôi. Tôi hỏi im lặng trước tòa được ư. Anh bảo đã có luật sư nói hộ”.
Trong sách Nhất Linh Cha Tôi, trang 32, tôi viết:
“Im như hến thế mà hay! Nhưng quả thật tôi không ngờ ông đã đi sâu đến như thế, không chỉ im lặng ở tòa mà chọn sự im lặng trong cung cách ra đi vĩnh viễn”.
Ông Lê Nguyên Phu làm gì được khi một bị can quyết định im lặng không nói trước tòa án? Ông cậy miệng Nhất Linh bắt Nhất Linh phải đối chất trước tòa hay sao? Nếu bị cáo Nhất Linh im lặng, thì ông Phu bỏ tù Nhất Linh à? Nhất Linh đã không sợ chết thì sao Nhất Linh lại sợ vào tù? Nhất Linh không sợ vào tù như ông đã nói người con của ông vài giờ trước khi chết: “Cậu chẳng sợ kết quả ngày mai ra sao vì ở nhà hay ở tù đều mất tự do như nhau.” (Nhất Linh Cha Tôi- hồi ký Nguyễn Tường Thiết- trang 36).

Như thế thì lập luận của ông Nguyễn Văn Lục và ông Lê Nguyên Phu về chuyện Nhất Linh tự tử vì sợ phải đối chất với những người khác không đứng vững. Nhất Linh tự hủy mình vì không muốn phải ra tòa để cho ông Lê Nguyên Phu “đóng kịch” “gắt gao và mạt sát” như dẫn chứng của ông Lục nêu ra về cách thức đối xử của ông LN Phu đối với bị cáo khi họ đứng trước tòa án. Nhất Linh đã không để cho các ông quan tòa đại diện chính quyền có dịp “gắt gao và mạt sát” sỉ nhục. Nhất Linh đã chọn cái chết như ông đã viết trong chúc thư tuyệt mệnh của ông “Ðời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử tôi cả.” Chữ “ai” ở đây ông ám chỉ cả chế độ nhà Ngô trong đó có ông Lê Nguyên Phu!
Ðể kết thúc phần bàn luận của tôi về chứng cớ pháp lý mà ông Lục đưa ra trong bài ông, tôi xin trích dẫn đoạn viết của tác giả Lưu Văn Vịnh: “...và ông đã làm, đã chọn cách chết, đã chọn lúc chết... ‘đời tôi để lịch sử xử’, ông là loại ‘hổ nhớ rừng’ chẳng thể để cho đàn kiến đen bọ hung bọ xít xúc phạm” (Trang 177, sách Nhất Linh Người Nghệ Sĩ -Người Chiến Sĩ).

Ðể chấm dứt bài viết này tôi có vài lời chót về bài viết của ông Nguyễn Văn Lục.
Ông Nguyễn Văn Lục không phải là một bác sĩ tâm thần, không phải là bác sĩ thần kinh học, cũng không phải là một nhà tâm lý học nhưng ông đưa ra những dẫn chứng sai sự thật như tôi đã trình bày ở trên để gán ghép cho cha tôi, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam căn bệnh tâm thần. Mục đích của ông Lục khi ông cố gán ghép cho cha tôi mắc bệnh tâm thần là để xuyên tạc ý nghĩa và sự thật về cái chết của cha tôi và bằng cách ấy ông đã xuyên tạc bóp méo lịch sử. Về chuyện ông Lục gán cho cha tôi bệnh tâm thân, tôi xin mượn lời tác giả Vũ Cầm viết trong bài “Mưu toan đưa Nhất Linh vào nhà thương điên” như sau:
“Tôi xin quay lại một chút với chủ đề chính của tác giả Nguyễn Văn Lục trước khi dừng bút. Ấy là vấn đề bệnh tâm thần. Ðể vô hiệu hóa hành vi, ngôn ngữ của kẻ nào, điều dễ nhất là nói người đó điên. Khi thuyết phục được mọi người rằng một ai đó có bệnh tâm thần là đã có thể hư vô hóa người ta. Không một cái gì thuộc về người ấy còn có giá trị với đời sống bình thường của chúng ta nữa. Nguyễn Văn Lục đã khổ công tạo ra một Nhất Linh bị bệnh tâm thần để triệt hạ ông, và tưởng như thế là một phát minh mới mẻ lắm. Không, đảng cộng sản Nga đã chơi cái trò đó nhiều rồi. Những ai thuộc giới trí thức mà chống đối chế độ, thay vì bắt giam tra tấn đánh đập nhiều khi chỉ càng làm người ấy nổi bật lên vì sự can đảm, chỉ cần tống vào nhà thương điên là người ấy không còn tư cách làm người nữa trước mắt xã hội.

Nguyễn Văn Lục mưu đồ cho Nhất Linh vào nhà thương điên. Nhưng người điên, ở đây là ai?” (2008 talawas)
Tôi xin dành cơ hội này cảm ơn những tác giả đã viết bài phản bác bài viết của ông Nguyễn Văn Lục: Vũ Cầm (Mưu toan đưa Nhất Linh vào nhà thương điên - Talawas), Nguyễn Liệu (Ông Nguyễn Văn Lục nên viết lại bài “Ý nghĩa cái chết của Nhất Linh”), và Lý Nguyên Diệu (Nguyễn Văn Lục: Người trí thức không biết ngượng - chuyenluan.net). Cũng xin cảm ơn chị Nguyễn Bạch Tuyết và Nguyễn Lệ Chi (con bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm) đã giúp tôi tìm hiểu sự thật về một chứng cớ bịa đặt dùng trong bài của ông Nguyễn Văn Lục.