Sự thật về cái chết của Nhất Linh (Kỳ 3) |
Tác Giả: Nguyễn Tường Thiết | |||||
Chúa Nhật, 05 Tháng 2 Năm 2012 14:40 | |||||
Ông là người có cái tâm yêu nước, thương nòi. Nhất Linh lại là người đã thực sự dấn thân, dám sống ngược lại với bản chất của mình. Và đó là sự can đảm của ông. LTS: Bài viết dưới đây của nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con trai nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, nhằm phản biện một số ý kiến được đưa ra gần đây, mà tác giả cho là “bóp méo sự thật, sửa đổi lịch sử, xuyên tạc cái chết” của thân phụ ông. Trong số các ý kiến này, có một chương sách trong tác phẩm “Một Thời Ðể Nhớ,” của tác giả Nguyễn Văn Lục, xuất bản mới đây. xin đăng nguyên văn bài viết của nhà văn Nguyễn Tường Thiết. Bài đăng nhiều kỳ, trên cùng trang Diễn Ðàn. ***
Trong phạm vi văn chương Trong chủ đề này ông Lục trích dẫn những đoạn văn của Nhất Linh hoặc của những người khác viết về Nhất Linh để chứng minh là Nhất Linh có bệnh tâm thần và có ý định tự tử. Trang 18 (Nguyễn Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ) - ông Lục viết: “Ám ảnh về cái chết, về sự tự hủy như một cứu cánh đời sống, ám ảnh ông, bàng bạc trong các tác phẩm của ông, rõ rệt nhất là trong truyện Bướm Trắng.” Ý ông Lục muốn nói là cha tôi đã manh nha ý định tự tử từ năm 1939, khi cha tôi viết cuốn tiểu thuyết Bướm Trắng này. Ðây là cuốn tiểu thuyết mà cha tôi ưng ý nhất vì giá trị nghệ thuật của nó. Tác phẩm mô tả nhân vật Trương mắc bệnh nan y không muốn sống kéo dài cuộc đời nên thường nghĩ đến chuyện quyên sinh. Ông Lục dẫn chứng đoạn văn sau này trong truyện: “Cách tốt nhất là nhồi một viên đạn nhỏ vào trong sọ. Tạch một cái thế là hết. Ngọt như mía lùi. Lý luận thêm: Hèn nhát thì không bao giờ tự tử được, mà có can đảm như trời cũng không thể tự tử được. Tự tử được hay không là ở cảnh chứ không phải ở người” (Trang 180 Nguyễn Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ) rồi kết luận (ngon ơ!) như sau: “Những ám ảnh về tự tử trong truyện có thể dẫn đường cho việc giải thích việc tự tử của ông sau này vào năm 1963 hay không?” (Trang 181, Nguyễn Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ). Rồi ông lại còn viết thêm là: “Chính vì thế ông đã không muốn con cái trong nhà đọc Bướm Trắng khi còn nhỏ” (Trang 181, Nguyễn Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ). Trời đất ơi! Ông đã diễn dịch quá xá lời tôi viết trong cuốn Nhất Linh Cha Tôi. Trong sách ấy trang 17 tôi viết: “Có một cuốn tiểu thuyết mà Nhất Linh cấm không cho chúng tôi đọc là cuốn Bướm Trắng, ông nói là chúng tôi chưa đủ lớn để hiểu được cuốn truyện này”. Bướm Trắng là cuốn sách phân tách tâm lý rất sâu sắc, người lớn đọc chưa chắc đã hiểu, huống hồ chúng tôi hồi đó còn con nít, chỉ đáng đọc loại Sách Hồng (sách dành cho thiếu nhi) thôi. Ông cụ cấm là vì thế. Vậy mà qua con mắt của ông Lục suy diễn thì ông cụ cấm vì sợ mấy đứa con nít chúng tôi đọc xong Bướm Trắng sẽ ảnh hưởng mà “chính vì thế” sẽ lăn ra tự tử hết ráo! Mà trong truyện Bướm Trắng đâu phải nhân vật Trương có ý nghĩ tự tử không thôi đâu, nhân vật này còn tuyệt vọng, đi thụt két, ăn cắp tiền của sở làm, để tiêu một chuyến đã đời trước khi chết... Không biết ông Lục có suy diễn là từ khi cha tôi viết Bướm Trắng trong đầu óc cha tôi đã manh nha ý định thụt két ăn cắp tiền của thiên hạ? Ngoài ra Nhất Linh còn viết bao nhiêu các tác phẩm khác về tình yêu, sao ông không nói Nhất Linh bị ám ảnh bởi tình yêu? Hơn nữa tình yêu, thân phận con người và cái chết là những chủ đề lớn mà tất cả những nhà văn trên thế giới đều đề cập tới. Nếu ông Lục dùng chuyện Nhất Linh viết về một người muốn chết, muốn tự tử rồi ông kết luận là tác giả Nhất Linh muốn chết thì ông Lục có thể tìm ra đầy rẫy những nhà văn muốn chết, muốn tự tử, trên khắp thế giới! Chẳng qua là vì cái định kiến bám chặt vào đầu để chứng minh cho lập luận “Nhất Linh muốn tự tử” ông Lục chỉ chăm chăm đi tìm để chỉ nhìn thấy hai chữ “tự tử” trong truyện của Nhất Linh mà thôi. Cũng nằm trong phần chủ đề “Trong phạm vi văn chương” ông Lục còn trích một đoạn văn của tôi trong cuốn hồi ký Nhất Linh Cha Tôi (trang 19) như sau: “Nhất Linh thường viết trong đêm khuya khoắt. Những khi giật mình thức giấc nửa đêm tôi thường thấy qua khe cửa, đèn trong phòng ông còn bật sáng. Có đêm lũ chúng tôi lòm còm bò dậy vì có tiếng khóc trong phòng cha tôi. Tiếng khóc lúc đầu còn nhỏ sau lớn dần không kìm hãm được. Lũ chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau... Không ai có thể đoán biết được ông khóc cái gì, ngay cả mẹ tôi cũng không thể nào biết được. Nhưng sự khám phá này đã gieo vào tuổi thơ tôi một ấn tượng mạnh mẽ, rằng cha tôi là một người cô đơn và đau khổ. Ngoài ra những giấc mơ kỳ lạ và kinh hãi cũng được tôi hình dung thấy qua giấc ngủ của ông, qua cách ông trằn trọc ú ớ trong đêm.” Ở giữa đoạn văn nói trên tôi viết câu này, nhưng ông Lục không trích đăng: “Một người anh họ lớn tuổi hơn ra dáng hiểu biết, giải thích: “Chú Tam khóc vì chú nhớ chú Long đấy!” Trước nhất tôi tố cáo ông Lục đã dùng tiểu xảo cắt xén để làm sai lạc ý nghĩa bản văn nguyên thủy của tôi. Thứ hai, một vài người trong gia đình lưu ý tôi tại sao tôi lại viết ra điều đó để cho những người như Nguyễn Văn Lục khai thác vin vào đó gán ghép ông cụ tôi mắc bệnh tâm thần? Xin thưa: Tôi viết ra bởi vì tôi hãnh diện có một người cha biết khóc! Nếu tôi phải dùng một câu gọn nhất để mô tả toàn diện con người Nhất Linh bao gồm trí tuệ lẫn nhân cách tôi sẽ không ngần ngại viết câu này: “Nhất Linh là một trong những người Việt Nam trí thức nhân bản nhất của thế kỷ 20.” Tiếng khóc là biểu lộ khía cạnh nhân bản của con người ông. Bản chất của ông cụ tôi là bản chất một nghệ sĩ. Ông là người có cái tâm yêu nước, thương nòi. Nhất Linh lại là người đã thực sự dấn thân, dám sống ngược lại với bản chất của mình. Và đó là sự can đảm của ông. Trên con đường dấn thân vừa chống Pháp vừa chống Cộng Sản ông cụ tôi đã mất đi nhiều người thân, nhiều đồng chí. Trong số có Hoàng Ðạo người em ruột, cũng là cánh tay phải của ông. Mất Hoàng Ðạo ông không những mất người em thân thiết mà còn mất đi hy vọng về một lý tưởng ông đang theo đuổi. Ông phải khóc thôi. Chuyện đó quá bình thường! Không những thế ngoài Hoàng Ðạo, bao nhiêu những người thân khác của ông bị sát hại bởi bàn tay của Cộng Sản: Người anh ruột Nguyễn Tường Cẩm, người bạn văn Khái Hưng, họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường... Ông phải khóc thôi. Nếu ông không khóc mới là chuyện bất bình thường. Thế mà qua tiếng khóc đó ông Lục đã vội vã kết luận: “Những tiếng khóc về đêm khuya khoắt là dấu hiệu một tình trạng bệnh trầm cảm, cô đơn và tuyệt vọng” (Trang 185, Nguyễn Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ). Rồi ông Lục còn đi xa hơn thế khi viết: “Ðọc tiếp những trang hồi ký của Nguyễn Tường Thiết thật cũng không cầm nổi xúc động. Nhưng cũng cho thấy rằng Nhất Linh đã chuẩn bị cái chết của mình một cách chu đáo, từng chi tiết một” (Trang 185, Nguyễn Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ). Kết luận của ông Lục lạ lùng quá! May mà tôi không kể ra là sau khi cha tôi mất, mẹ tôi và chúng tôi đã khóc không biết bao nhiêu ngày tháng vì cái chết đau buồn của cha tôi. Nếu không thì ông Lục đã cho rằng gia đình chúng tôi đều mang tâm bệnh trầm cảm, cô đơn và tuyệt vọng rồi! Không biết ông Lục nghĩ gì khi đọc những lời sau đây về tiếng khóc âm thầm của người em khi ở nơi đất lạ quê người hay tin người anh chết: “Mãi tới năm 1963, tôi đột nhiên nghe tin anh từ bỏ cuộc đời. Âm dương đôi ngả. Vĩnh biệt người anh mà tôi hằng yêu quí. Những đêm khuya vắng, tại nơi quê người, tôi đã hằng khóc - khóc người anh thân yêu, một người đi tiền phong cho làng văn Việt Nam, một nhà văn lỗi lạc, một người lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong những lúc khó khăn gian khổ nhất, một người không màng danh lợi, chỉ biết mình có gì để cống hiến cho đồng bào cho đất nước” (Nguyễn Tường Bách, trang 66, Nhất Linh, Người Nghệ Sĩ-Người Chiến Sĩ). Tiếng khóc này có khác gì tiếng khóc của cha tôi trước cái chết của người em Hoàng Ðạo? Không hiểu ông Lục có vin vào cái tiếng khóc này để gán ghép cho chú tôi, ông Nguyễn Tường Bách mắc bệnh tâm thần, lúc nào cũng chăm chăm đòi tự tử, như ông đã vu cáo cho cha tôi? Nếu sự suy luận về tiếng khóc là nguyên nhân của bệnh tâm thần để đưa đến chuyện tự tử của ông Lục là đúng thì nhân loại đã tự tử chết hết rồi. Vẫn dùng cái tiểu xảo cắt xén văn người khác ông Lục trích dẫn một đoạn trong cuốn hồi ký Người Bác của Thế Uyên: “Thỉnh thoảng ông lên cơn loạn trí, đứng trước nhà đường Lý Thái Tổ, móc giấy tờ trong ví đưa cho mọi người, miệng nói lảm nhảm: ‘Lấy hết đi, xin các ông lấy hết đi. Ðừng áp chế tôi’. Tội nghiệp các người thân hết sức lo lắng. Chỉ riêng mẹ tôi sau lần chứng kiến cơn loạn thần kinh về nói riêng với tôi: ‘Bác điên khôn ghê, chỉ thấy bác vứt giấy tờ lẩm cẩm, chẳng thấy bác vứt tiền cho mẹ con mình tiêu.’” (Trang 188 Nguyễn Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ). Nhưng ông Lục lại không trích dẫn câu này Thế Uyên viết ngay sau đó: “Nhận xét bí mật này của mẹ tôi làm hai anh em nghi ngờ ‘sự loạn trí của Nhất Linh’. Nhất là tôi, vì được mẹ tôi kể lại những thủ đoạn chống Pháp của ông thời trước: hóa trang làm ăn mày, ông già, người say rượu, mê thổi kèn để che dấu hoạt động cách mạng. Hoàng Ðạo còn bị bắt giam, chứ Nhất Linh, suốt đời không bao giờ để bị bắt.” Ðoạn văn của Thế Uyên viết (mà ông Lục không trích dẫn) nói về vụ cha tôi đã từng đóng kịch để che mắt mật vụ là chuyện có thật. Trong cuốn sách Chân Dung Nhất Linh trang 135, tác giả Nhật Thịnh viết: “Tiểu thuyết Bướm Trắng của Nhất Linh in xong, Hoàng Ðạo, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí bị bắt ở Vụ Bản (Hòa Bình). Nhất Linh học chơi hắc tiêu (Clarinette) để che mắt bọn mật thám Pháp. Ông làm nhạc công cho ban nhạc tài tử (Orchestre Amateur) của giáo sư Lê Ngọc Quỳnh và các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Vũ Khánh”. Như vậy là rõ ràng là ông Lục trích dẫn mà như không trích dẫn. Ông đã cố tình xuyên tạc ý nghĩa thực của bản văn nguyên thủy mà ông trích dẫn. Từ việc bóp méo văn bản của người khác, ông Lục đã bóp méo sự thật. Từ việc bóp méo sự thật, ông Lục đã bóp méo lịch sử! “Ðừng tin những gì ông Lục viết, hãy nhìn kỹ những gì ông Lục làm!” Tôi xin nhại một câu nói thời danh của ông Nguyễn Văn Thiệu để nói về bài viết của ông Lục. Cái “làm” của ông Lục là cái làm tiểu xảo trích dẫn văn người khác, làm sai lệch ý nghĩa của bản văn nguyên thủy, bằng cách chỉ trích ra những chữ hoặc những đoạn văn có lợi cho lập luận của ông: Lập luận ấy là ông Nhất Linh mắc bệnh tâm thần, lúc nào cũng chỉ lăm le muốn tự tử! Tìm hiểu ý nghĩa của hai lần tự tử Như tôi đã nói ở trên, trong cuốn sách mới xuất bản Một Thời Ðể Nhớ ông Lục đã thêm vào một chuyện hoàn toàn không có thực mà bài trước (2008) không có. Ðó là chuyện ông cụ tôi, nhà văn Nhất Linh, tự tử hai lần. Tôi xin minh xác đây là chuyện bịa đặt trắng trợn. Ðây là chuyện mà ông Lục viết ra để bàn luận về hai lần tự tử của Nhất Linh: “Cũng theo bác sĩ (Nguyễn Hữu) Phiếm, Nhất Linh cũng đã uống thuốc ngủ tự tử khi ông trốn ở đường Lê Thánh Tôn. Chính bác sĩ Phiếm chữa chạy, rửa dạ dầy, chích thuốc Strychnine. Số lượng thuốc ngủ hồi ấy vì ít, nên ông bình phục ngay và vài hôm sau ông lại đi họp Hội Bút Việt.” (Trang 188 Nguyễn Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ). Sao lạ vậy? Chuyện động trời như thế mà sao tôi không biết, bà cụ tôi không biết, anh em tôi không biết. Bác sĩ Phiếm là người bạn thân nhất của ông cụ tôi, nếu quả có vụ đó thì bác phải thông báo cho mẹ tôi hay biết chứ? Thêm nữa câu chuyện ông Lục kể có vẻ mâu thuẫn: Vài ngày trước Nhất Linh đi trốn công an mật vụ ở đường Lê Thánh Tôn rồi không thiết sống, uống thuốc độc tự tử, nhưng vài ngày sau lại bình thường, không trốn nữa, đi họp Hội Bút Việt. Thế là sao? Khi viết đoạn trên ông Nguyễn Văn Lục đã mập mờ không nói rõ cái nguồn của tin này, cố tình để độc giả hiểu như thể chính bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm là người đã trực tiếp nói hoặc viết ra điều đó. Thật ra thì không phải bác sĩ Phiếm nói như vậy. Ông Nguyễn Văn Lục đã trích đoạn trên từ bài viết “Bệnh Tật và cái chết của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam” của ông Trần Văn Bảng (trong sách ông Lục viết sai là Trần Văn Bang). Ông Bảng viết, nguyên văn như sau: “Mấy tháng trước, cũng theo bác sĩ (Nguyễn Hữu) Phiếm, Nhất Linh cũng đã uống thuốc ngủ tự tử khi ông trốn ở đường Lê Thánh Tôn. Chính bác sĩ Phiếm chữa chạy, rửa dạ dầy, chích thuốc Strychnine. Số lượng thuốc ngủ hồi ấy vì ít, nên ông bình phục ngay và vài hôm sau ông lại đi họp Hội Bút Việt.” So sánh đoạn ông Lục trích dẫn với nguyên bản thì thấy ông Lục đã cố ý bỏ đi ba chữ hết sức quan trọng, đó là ba chữ “Mấy tháng trước”. Ý của ông Bảng muốn nói là “Mấy tháng trước ngày 7-7-1963”. Tại sao ông Lục lại bỏ ba chữ này đi? Vì ông Lục thừa biết rằng mấy tháng trước ngày 7-7-1963 ông cụ tôi ở nhà, không đi trốn, có nghĩa là câu chuyện do ông Bảng thuật lại là hoàn toàn bịa đặt. Như tôi đã viết trong bài Tâm Tình của Một Người Con đăng trong sách “Nhất Linh, Người Nghệ Sĩ-Người Chiến Sĩ” trang 251: “...Và cũng có thể vì mặc cảm (bỏ bê gia đình) đó mà cuối đời, sau thời gian trốn tránh (cuối 1960-đầu 1961) lần đầu tiên ông sống hẳn với gia đình, mặc dù trong điều kiện sống vô cùng chật vật, trong một căn gác rất nhỏ ở chợ An Ðông cho đến mãi tận ngày ông qua đời”. Gần đây vì muốn kiểm chứng lại chuyện bác sĩ Phiếm rửa ruột cho cha tôi mà ông Lục nêu lên trong bài, tôi có e-mail hỏi chị Bạch Tuyết, con gái bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm, thì được chị trả lời như sau: “Chú Thiết thân mến, Gió nào đưa đến, lâu lắm mới được tin Thiết mà chú lại đặt những câu hỏi lạ lùng quá vậy ? Hai gia đình và nhất là cha mẹ chúng ta thân nhau như thể ruột thịt, chuyện gì mà không biết, nói chi chuyện bác tự tử, bơm ruột, v.v. Không hiểu ở đâu lại có chuyện hoang đường như vậy. Chị không bao giờ nghe và biết là bác ở Lê Thánh Tôn, một thời ngắn trước ngày song Thất 1963. Chị chỉ biết địa chỉ duy nhất của hai bác và gia đình là chợ An Ðông, trên lầu của nhà hàng cơm gà Xiu Xiu. Bác dọn về đó thời gian nào thì chắc Thiết nhớ nhưng chị quả quyết ngày 19 March 1962, ngày chị sanh cháu gái đầu lòng ở Bệnh Viện Saint Paul, thì tình cờ bác lại chơi với bố chị và hai ông cùng đưa chị vào nhà thương. Như vậy là trước song Thất 1963 cả hơn một năm, gia đình ở An Ðông. Chuyện rửa ruột ở Lê Thánh Tôn là một chuyện hoàn toàn bịa đặt. Gia đình Thiết không biết, gia đình chị cũng không hề nghe tới. Lại nữa, vì lương tâm chức nghiệp, một thầy thuốc không bao giờ tiết lộ với một người thứ hai về tình trạng bệnh lý của một bệnh nhân. Chị chắc chắn ông Bố chị không bao giờ vi phạm đạo lý này cũng như chuyện tự tử hụt, rửa ruột tại Lê Thánh Tôn hoàn toàn không có. Bố chị quen B.S. Trần Văn Bảng (chứ không phải Bang) có lẽ từ hồi còn ở Bắc vì ông cũng tốt nghiệp trường thuốc ở Hànội. Có một thời gian, hai ông cùng làm chung tại Viện Pasteur, Saigon. Bố chị chuyên về bệnh ngoài da và ông Bảng thì bệnh cùi. Quen nhưng không thể gọi là thân vì chưa bao giờ ông cụ mời ông Bảng lại nhà ăn cơm như những bạn thân khác. Ông Bảng rất thích làm thơ nhưng thơ loại bình dân, châm biếm, ngông nghênh và tính tình hơi khác người. Ðể chứng minh về cái 'hơi khác người' này và có liên quan đến gia đình chị là năm 1975, Bố Mẹ chị di tản sang Pháp. Bỗng một ngày nào đó, ông Bảng làm một bài thơ bịa ra cảnh Bố chị đặt chân đến Pháp bi thảm ra sao vì con trai có vợ đầm, theo CS... Một chuyện bịa đặt trắng trợn làm cho ông bà già chị rất bực mình. Cách đây khoảng 3 năm, chị lại được đọc bài thơ đó trong một Tập san tết của nhóm Y Sĩ VN. Ðã tính viết cho ông chủ trương tờ đặc san phản đối nhưng nghĩ sao lại bỏ qua. Nói thế để hiểu thêm được cái tính thích xuyên tạc của ông bác sĩ này. Mong là chị đã trả lời những thắc mắc của chú. Nếu moi móc cái 'memory' cùn này mà còn nhớ thêm chi tiết gì khác, thế nào cũng liên lạc với Thiết. Chúc vui, BT (Còn tiếp)
|