Huế Mùa Hạ |
Tác Giả: Hà Thủy | |||
Thứ Hai, 25 Tháng 7 Năm 2011 05:51 | |||
Vào Thành Nội là một thất vọng não nề lớn, hai con đường lớn huyết mạch và đẹp nhất ngày trước giờ nhà cửa xây dựng nghênh ngang Ra đi con đường nằm đó Lần trở lại thăm Huế nầy quyết định đi bằng tàu hỏa, kể từ khi ở trong nước cho đến giờ cũng đã 16 năm chưa đi lại tàu hỏa, nghĩ là tuy có mất thời gian nhưng muốn xem lại phong cảnh hai bên đường dọc miền Trung tuyệt đẹp lại nghe tàu có phòng giường nằm, máy lạnh khá tiện nghi. Và rồi thất vọng biết bao, tưởng như còn tệ hơn ngày xưa, phòng có máy lạnh lại lạnh như quạt máy, giường chiếu như cả tuần chưa giặt còn bốc mùi những khách trước, ngồi ghế e còn thoải mái hơn. Tàu xuất phát tối nên mất toi một đêm trằn trọc, sáng dậy nhìn phong cảnh hai bên lại càng nản hơn, dọc đường tàu nhà cửa nhiều hơn xưa xây lổn chổn, những khu rừng bị thu hẹp dần và lưa thưa xơ xác, qua những con sông nước cạn tận đáy, chỉ còn vài đoạn ngang Đại Lãnh, vịnh Cam Ranh, Nam Ô, đồi núi đèo Hải Vân, vịnh Lăng Cô là vẫn còn nguyên vẻ đẹp. Đã bao nhiêu năm rồi mà tốc độ tàu như vẫn không nhanh hơn, cứ rì rì, ì ạch lắc lư, nặng nề lâu lâu lại dừng đến sốt ruột, khi dừng máy lạnh cũng dừng luôn, nóng rịn mồ hôi. Thôi thì chịu khó, sắp về quê rồi, tuy không còn nôn nóng như trước nhưng cứ nghĩ đến Huế là đã có chút bồi hồi. Bên trong Nhà Ga Huế Đến sân ga lúc 3 giờ chiều, ra khỏi sân ga chưa kịp nói thầm Huế đây rồi là đã nổi da gà vì nóng, dù đã làm quen với cái nóng Sài Gòn hơn một tháng vẫn choáng người trước cái nóng lạ kỳ của Huế, cái nóng âm ỉ rờn rợn trên da, không khí khô khốc, hơi nóng từ mặt đường bốc lên khiến cảnh vật như chập chờn, làm đầu óc như mụ đi, cơ thể rũ rượi vì mất nước, đã mất ngủ lại ngồi lắc lư trên tàu suốt ngày cứ như lính thủy xa bờ đã lâu nên bước cứ lảo đảo, phải qua một lúc mới định thần lại được, cái nóng đã triệt tiêu mọi cảm xúc. Lạ quá lần về trước cách đây 8 năm cũng cũng thời điểm nầy, cũng nóng nhưng không sao cả lần nầy sao lại khác, Huế ngày càng nóng hơn hay mình càng già càng ít chịu nóng. Vội vã lên taxi chỉ kịp một thoáng liếc vội sông Hương, về khách sạn hỏi ngay phòng có máy lạnh không, cô tiếp tân giọng Huế chay hớn hở, may quá chú ơi hôm ni có điện, mừng hết lớn. Nằm thừ người trong phòng cho đến khi trời tối hẳn mới khỏe người lại, máy lạnh tốt, ly bia ngọt hẳn lên, giờ nghe tin tức từ chiếc TV mới biết Huế càng ngày càng nóng hơn, những ngày nầy nhiệt độ ở trên 40 độ C, có khị gần 45 độ và hãi hùng nghe sẽ còn nóng rất nhiều ngày, nhớ những ngày rất xưa Huế mùa hè có nóng lắm cũng chưa bao giờ đến 40 độ cả, có vậy chứ, cứ tưởng đâu mình đã già và quên cả cái “đặc sản” nóng quê nhà. Sân Ga Huế Mới hơn 6 giờ mà trời như tối hẳn, phố đã lên đèn, trời vẫn nóng âm ỉ nhưng đỡ hơn nhiều lắm. Nhìn chung Huế đêm vẫn dịu dàng và khá tĩnh lặng, đường phố thưa thớt người, người Huế dường như vẫn giữ truyền thống quây quần bên gia đình bên bữa cơm chiều tối. Cùng thằng bạn thân xưa đã hơn 30 năm mới gặp lại đi dọc phố đi bộ cạnh sông Hương, người khá đông đúc Tây, ta lẫn lộn, gió nhẹ từ sông thổi tới thấy thoải mái ra, thoải mái vì trời bớt nóng chứ còn tâm trạng thì chẳng vui chút nào, Huế nơi nầy khá xô bồ, trời nóng khiến ai cũng đổ xô ra bờ sông, ồn ào tiếng xe máy, tiếng cười đùa của những nhóm bạn trẻ, bên cạnh nhà hàng nổi đèn đóm sáng rực người ăn nhậu đông đúc, Huế thế nầy thì Huế mà chi, đã quá mệt nhoài với cái náo nhiệt đến hỗn loạn của Sài Gòn mấy tuần qua rồi, chú ý những người ngoại quốc cũng bước vội vàng không có vẻ gì đang còn muốn dạo chơi, Huế cần tĩnh lặng mới gây cảm xúc cho những ai đến từ nơi đô hội. Cũng con đường nầy phía bên kia cầu Trường Tiền lại đầy bóng tối không có ai đi, định qua đó thằng bạn lại ngần ngại, cũng phải, mỗi thời mỗi khác, ngày xưa về đêm nếu có kẻ lang thang bên giòng Hương không ai thấy lạ, cùng lắm cho là một người có tâm hồn nghệ sĩ đi tìm cảm hứng, nay dễ bị cho là những kẻ tâm thần, hai thằng đàn ông lại dễ gây dị nghị là dân đồng tính, chưa kể là có thể gặp những hung hiểm xảy ra. Thôi thì rủ bạn bè đi nhậu vậy. Cầu Trường Tiền về đêm Quán cạnh bờ sông gần tận Long Thọ, quán khá thanh nhã và vị trí đẹp, ngày cuối tuần mà thấy quán vắng, khách lưa thưa, hỏi mới biết 9 giờ tối là đã khuya khách đã vãn. Ngồi với bốn thằng bạn cũ thời Quốc Học, đứa nào cũng gần hoặc trên 30 năm mới gặp lại, không thành đạt lắm nhưng ổn định, vợ con cháu chắt đề huề, may mắn là vẫn còn thân tình và nhớ rõ nhau, không may mắn sao được, khi kêu réo vẫn còn ngần ngại, nghĩ sao mới lần lượt kéo đến cách nhau gần cả giờ đồng hồ, đứa nầy không gặp nhau hay không liên lạc với đứa kia hằng năm trong một thành phố nhỏ xíu, tình thân có thể vẫn còn nhưng giờ công việc, tuổi tác, trách nhiệm gia đình đã chiếm hết cả thì giờ rồi. Bây giờ thì đứa nào cũng bia rượu cứng cáp cả, cái thời nầy nó vậy, bất cứ ở đâu không bia rượu đố mà nói đến thành công ngoại trừ những người bị bịnh gan, nói cứ tưởng như đùa mà lại là sự thật, câu “không thành công cũng thành nhân” đã xưa quá Diễm xưa, không ai muốn thành nhân mà như đứng bên rìa xã hội cả. Chỗ ngồi sát mé bờ sông, sát như sông ỏ bên cạnh, dưới ánh đèn những đám lục bình dập dềnh nhè nhẹ, sông Hương lúc nào cũng yên bình, không hề có sóng lớn nên cả chúng cũng bình an, bình an quá nên chẳng bao giờ đi được xa cứ loanh quanh lẩn quẩn một nơi, không như những đám lục bình trên sông Tiền, sông Hậu lúc nào cũng lao vun vút; cũng không hẳn, cứ đợi đến mùa bão lũ mà coi, những cánh lục bình hiền lành nầy cũng sẽ lao đi như ngựa không cương, cứ như ẩn nhẫn nằm chờ thời vận để thoát ly. Buổi sáng ngủ dậy muộn vì quá mệt mỏi, đã quá trễ để gọi bạn bè đi uống café, 10 giờ sáng mà đã cảm thấy nóng phải mở máy lạnh, gọi café và điểm tâm lên phòng, ngồi thừ người, vẫn còn đờ đẫn, lần nầy không còn hưng phấn như xưa để có thể quên đi cái mệt mỏi. Mở cửa bước ra hành lang nóng đã ập vào người báo hiệu một ngày nóng bức, nóng thì nóng cũng phải chịu, dù sao cơ thể cũng từng tôi luyện với nóng Huế suốt mấy mươi năm, sẽ quen dần đi. Gọi cậu xe ôm trước khách sạn bao luôn đến chiều cho tiện, cứ chạy lang thang bất kỳ đâu trong thành phố. Thành phố đang trong những ngày chuẩn bị cho lễ hội Festival Huế, chỉ còn gần một tháng nhưng sao không thấy dấu hiệu rộn ràng gì cả, bởi tại trời quá nóng hay đã quá thạo với sự tổ chức nên không cần gấp. Huế so với lần về gần mười năm trước chẳng có gì khác lạ, có thay đổi nhưng không nhiều, chỉ thêm một vài khách sạn cao tầng, vài siêu thị khá khiêm tốn, vài con đường mới mở vẫn còn mù mịt bụi, vài chiếc cầu mới ở ngoại thành. Đường Lê Lợi vẫn như xưa chỉ cảm thấy như nhỏ lại đi, phượng vẫn nở trong sân hai trường nhưng lại không nghe có tiếng ve, sông Hương vẫn lặng lờ với vẻ đẹp muôn thuở, công viên hai bên bờ tả hữu vẫn đẹp, đang được làm đẹp hơn cho lễ hội. Rủ cậu xe ôm vào quán trên đường phố chính Hưng Đạo nhậu lai rai sau hơn một giờ chạy lang thang giữa nóng và bụi, nghe cậu xe ôm giọng đầy phấn khởi và tự hào, Huế đang cố gắng trở thành thành phố trung ương nên đang mở rộng phía ngoại thành, nghe đâu kéo dài lên tận một miền núi; không biết phải không nhưng cũng may là vậy chứ nếu cứ tập trung xây dựng vá víu lung tung trong khu trung tâm không khéo Huế sẽ biến dạng đến dị hình như rất nhiều thành phố khác. Đường vào Thành Nội Vào Thành Nội là một thất vọng não nề lớn, hai con đường lớn huyết mạch và đẹp nhất ngày trước giờ nhà cửa xây dựng nghênh ngang, quán xá san sát, tuy chỉ tập trung phần lớn vào hai con đường nầy nhưng đủ để phá nát cái không gian đặc thù của thành nội. Khu vực trước cửa Ngọ Môn được chăm sóc sạch sẽ, đi xa hơn về phía những cửa thành xa và cũ vẫn còn thấy những dấu xưa, qua những con đường nội thành ngày xưa thường đi vẫn còn gây nhiều cảm xúc, cũng còn may, chỉ không biết còn giữ lại được bao lâu khi Huế sẽ càng ngày càng thực dụng. Mùa Hạ Huế trời nắng rực nhưng hoàng hôn lại đến sớm bất ngờ, gần 6 giờ chiều trời đã có mòi sẫm lại, khi trở về trong bóng chiều, Đại Nội vẫn sừng sững uy nghi như một nhắc nhở Huế vẫn còn đây cố đô Huế, lại đi qua con đường ra cửa Đông Ba các quán nhậu san sát đông người, nhìn những dãy lò nướng gà quay san sát trên vỉa hè chuẩn bị cho khách nhậu là thấy ôi thôi rồi thành nội, còn đâu nữa cái không gian thoảng mùi nhang khói trầm hương mỗi chiều về, chỉ cách nhau chưa đầy một cây số là đã khác biệt ngàn trùng giữa xưa và nay. Khách sạn đã có một đoàn người nước ngoài đến trọ, nữ nhiều hơn nam và toàn là thanh niên, đến từ Âu châu, ăn mặc thoải mái và ăn nói khá ồn ào vui vẻ, chắc là đến tham dự Festival Huế sớm. Ngồi check mail ở phòng khách nghe mấy cô cậu kế bên nói chuyện, nói tiếng Anh đủ giọng Pháp, Thụy sĩ, Hòa Lan, Đức không hiểu sao lại đi cùng một nhóm, bây giờ hỏi chuyện nhau lại có thêm thứ tiếng Anh giọng Huế, nghe không biết có hiểu nhau hết không nhưng gọi mời một vòng bia ai cũng nhìn nhau hữu nghị, vòng thứ hai là đã đầy tiếng cười. Giờ mới biết các bạn trẻ nầy đã từng gặp nhau trên mạng,chỉ mới gặp mặt nhau ở Sài Gòn cách đây không lâu, kết bạn trong các quán bar, nghe Huế Festival rủ nhau ra chơi. Ngẫm cũng lạ, trở về quê hương lại ở khách sạn, một điều rất hiếm hoi với người Huế, lại ngồi chuyện trò bia rượu với những người nước khác tuổi đáng con cháu, lần đầu tiên trong đời tình cờ có một trải nghiệm thú vị. Nhìn mấy cô tiếp tân và nhân viên trong những chiếc áo dài hỏi han mấy cô du khách, cũng cười cười nói nói nhưng hai hình ảnh quá khác biệt, một mỏng manh dịu dàng, một mạnh mẽ đầy sinh lực, chẳng biết đến bao giờ tuổi trẻ của hai phương trời cách biệt nầy mới hoàn toàn bắt gặp nhau. Có tiếng gõ cửa phòng, lại một bất ngờ, V. một thằng bạn từ thuở những năm đầu trung học hồi sáng gọi lại đến không báo trước, lên đến tận cửa phòng; một trong những bạn bè thuở niên thiếu cùng học hành vui chơi dưới ngôi trường của 40 năm về trước không hiểu sao mãi sau này gặp nhau vẫn cứ gắn bó lạ lùng, cho dù đã trải qua biết bao thời gian xa cách, bao biến cố thời cuộc; ngôi trường nằm ở ngoại ô thành Huế mới thành lập với chỉ một dãy lớp học, trường đặc biệt có hồ nước mênh mông trước mặt với con đường chạy vòng quanh đủ dài cho tuổi mới lớn tha hồ rượt đuổi nhau, vô tư có biết đâu rằng đến tận giờ vẫn cứ rượt theo mãi bóng mình. Lạ, cùng một lứa biết bao thằng thay đổi cả vóc dáng lẫn tính nết mà cái thằng bạn nầy gần như không thay đổi gì nhiều ai lạ khó lòng đoán ra tuổi tác, vẫn vui vẻ chân chất, chân tình như thuở xưa, gần bốn mươi năm mới gặp lại mà cứ như là mới tuần trước, có lẽ phần tính tình, phần cuộc đời may mắn khá suôn sẻ, thành công. Hai thằng ngồi một quán trên bờ kè tả ngạn sông Hương, quán lộ thiên sát chân cầu Trường Tiền, bầu trời mùa Hạ trong chỉ tiếc rằng chưa đến mùa trăng. Ngồi uống và hỏi chuyện nhau không dứt, chợt nhận ra đứa nào cũng còn nhớ như in nhiều chuyện và bạn bè thời Gia Hội, vừa vui lại vừa biết đã đến tuổi chuyện gần không nhớ chỉ nhớ chuyện xưa là tuổi sắp già; dẫu sao từ vạn dặm lại được ngồi dưới bầu trời quê hương, ở một góc gần nhất hai biểu tượng Huế, lâng lâng chuyện trò với bạn xưa thì hình như mọi hệ lụy cuộc đời cũng ở đâu rất xa. Huế mùa Hạ chỉ đẹp vào đêm, càng khuya càng đẹp, gió mát nhẹ, mùi của rong rêu từ bờ sông, giữa không gian tĩnh lặng bình yên nầy lại cũng nhớ về những đêm của một thời tiếng đại bác vọng về, ánh sáng hỏa châu mờ mờ ở phía núi và một mùa Hạ hoang mang, bạn bè ly tán. Đêm đã khuya chỉ còn tiếng chổi của những người quét dọn vội vã, không có gì để phải "dừng chổi lắng nghe". Đi bộ về trên cầu Trường Tiền, một cảm giác lạ, ta đang hiện diện ở đây, đang đếm từng bước đi, cố bước rất nhẹ sợ đánh thức giòng Hương ở dưới kia, mà sao cứ như có như không. Một ngày nóng nhất và không có điện, nóng điên người, máy phát điện kêu ầm trời, những chiếc quạt máy yếu ớt ở khách sảnh với quá nhiều người chỉ nóng thêm, nhìn những cô gái Tây ăn mặc không thể mỏng manh hơn, người đỏ hỏn vậy mà vẫn tươi cười, đúng tuổi trẻ có khác; lên phòng mở toang các cửa ra vẫn cứ nóng và thêm bụi, mặt đường như bốc khói, mùi nhựa đường xông lên tận phòng. Vào phòng tắm mở nước đầy bồn ngâm mình một hồi mới dịu lại, chưa kịp mỉm cười cho một sáng tạo đầy “tài năng” thì chợt nhớ ra mình không phải là cá lại lồm cồm đi ra, điện vẫn chưa có nóng thì cứ vẫn, thôi chỉ còn cách là đi về biển …. Bờ biển Thuận An lúc bình minh Đã gần mười năm mới trở lại, biển Thuận An vẫn vậy không khéo còn tệ hơn, biển bên lở bên bồi, không may bên lở là Thuận An nên đường ra biển ngày càng ngắn hơn, quán xá thô sơ tạm bợ, nước vẫn xanh trong nhưng bờ biển không đều đặn như hàm răng khểnh. Chỉ còn gió mát, may còn có những thằng em nhiệt tình phóng khoáng, lại tìm lại được vị tươi ngon của miền biển đã quá lâu không gặp được. Giữa chiều tà, trên bãi biển quê hương, gió lộng, hải sản tươi mới từ biển mới về, cùng anh em thân ái nâng ly hội ngộ thì lòng thấy sướng như chưa từng. Nếu quê nội, một vùng ngoại ô giờ gắn liền với thành phố, không thay đổi nhiều thì quê ngoại đã khác biệt khó nhận ra. Bây giờ giao thông thuận lợi không còn “cách đò trở giang” như xưa, những con đường làng tuy còn nhỏ hẹp nhưng được tráng nhựa bằng phẳng, dọc hai bên đường vẫn còn đậm nét hình ảnh một nông thôn thanh bình, những cánh đồng, những ngôi nhà rải rác núp sau hàng cây, nắng và gió, mùi rơm rạ, mùi của thôn dã không lẫn lộn được gây cảm giác bình an, thư thái; càng gần đến làng con đường lớn dần như đại lộ, như đi vào một thành phố nào đó. Quê ngoại nằm cạnh phá Tam giang xưa là một thị trấn nhỏ có một ngôi chợ khá lớn, một bến sông cạnh chợ tấp nập vào sáng sớm khi những chiếc thuyền đánh cá từ phá về, vài dãy hàng quán dựa bờ sông, một thị trấn nhỏ hiền hòa, chỉ đi ra khỏi vài trăm thước đã là xóm làng, đồng ruộng truyền thống ngày xưa. Bây giờ thì thị trấn đang được phát triển lớn và rộng hơn với những con đường nhựa mới dọc ngang, những dãy nhà mới, một khu chợ mới, khu chợ cũ nay đã được xây dựng thành một xí nghiệp may mặc, những quán xá đông đúc người ăn uống nhậu nhẹt, rồi là tiếng xe gắn máy, bụi đường mù mịt, ngôi nhà tuổi ấu thơ đã đổi chủ từ lâu không còn nhận ra và ngay ngôi nhà cổ của ngoại ngày xưa giờ cũng được kiến trúc hoàn toàn mới, chưa biết còn phát triển đến đâu nhưng đã nhận ra rằng quê ngoại còn đâu. Biết làm sao được, một quy luật phát triển, không lẽ cứ mãi là làng quê chân chất, đã qua mấy chục năm rồi như vậy cũng là quá chậm, nhưng cái văn hóa thành thị xâm thực cách gì mà không khỏi vừa ngỡ ngàng, ngạc nhiên lại vừa ái ngại khi nhìn những đứa em họ, đàn ông đã đành mà ngay cả những cô em hiền lành ngày nào giờ mừng anh về thăm quê lại nâng ly bia dốc cạn sành sỏi, thản nhiên và tự tin hát những bản tình ca với những ngôn ngữ tình xa lạ quá mà có lẽ suốt đời chúng chưa hề bắt gặp. Rời quê ngoại thấy đâu đó còn lác đác vài cụm tre làng, cô đơn, xao xác trong cơn gió nhẹ của chiều mùa Hạ như một nụ cười buồn, luyến tiếc; thôi thì cứ giữ hình ảnh xưa của quê ngoại như một cái đẹp của ký ức và ngày trở về quê ngoại chắc chỉ còn là trở về trong tâm tưởng, lại tự an ủi dẫu sao vẫn còn hơn con cháu mình khi ở xứ người, quê ngoại như một cụm từ mơ hồ chỉ còn trong sách vở. Một buổi chiều ngồi trong nhà hàng nổi hữu ngạn sông Hương, cảnh đẹp, gió mát, gọi anh em bè bạn. Những bạn Luật cũ chẳng ai đến, tất cả đều chức sắc, tuổi nầy chắc là đang vội vàng chạy những đoạn cuối trước khi về hưu nên không còn khoảng trống, mà cũng không trách được, bạn bè khi ở tuổi sinh viên không biết nhau nhiều, lo tương lai nên thường hời hợt ít gắn bó hơn thời trung học, có gặp nhau được chỉ là tiện thể, cảnh đời nay lại quá khác biệt nhau, được thì tốt không bỏ đi, bây giờ ở tuổi định nghĩa bạn bè cũng khác rồi.Ngồi chuyện trò với ông anh và hai thằng bạn, ai chuyện đời đoạn cuối cũng lắm cảnh đoạn trường; ông anh, một nhà thơ một thời có tiếng tăm nay đã về hưu đang chăm sóc vợ bịnh nan y trong bịnh viện, nụ cười nhìn là biết gắng gượng tươi cười, vẫn biểu hiện một nghị lực cả một đời trải qua trong gai góc để tồn tại, nghĩ cứ còn hơn vài bạn bè cùng với anh một thuở bây giờ cũng nụ cười tươi nhưng nhạt nhòa vô cảm không còn dấu ấn; một thằng bạn vợ đang làm việc xa xứ, thắc thỏm vừa mong vợ về lại vừa sợ vợ mất việc ở xứ người, một mâu thuẫn nghe nao lòng; thằng kia cuộc đời khá phẳng lặng, con cái đã lớn nghe thì yên ổn nhưng nhìn nếp nhăn ở đuôi mắt sao kéo dài lê thê, cười như mếu, không dám hỏi thêm sợ lỡ nó hỏi lại khó trả lời. Về khách sạn điện vẫn chập chờn khi có khi không, đêm của Huế sao dài lê thê buồn như kẻ xa xứ, mà lại trớ trêu xa xứ ngay trên chính quê mình nên chi nghe thằng bạn báo có vé tối mai vào lại Sài Gòn lại tự dưng thấy nhẹ cả người. Ngày cuối cùng lại cùng cậu xe ôm cũ lang thang lần cuối lên vùng Nam Giao hy vọng với trí nhớ mơ hồ tìm được ngôi nhà thằng bạn thân ngày xưa đã quá lâu không nghe tin tức. Con đường dốc Nam Giao nay đẹp hơn trước, nhà cửa khang trang, cũng không lạ bây giờ đang là con đường chính dẫn lên vùng đang phát triển, đất đai nhà cửa có giá trị cao. Không thể tìm ra căn nhà thằng bạn, hỏi quanh cũng chẳng ai biết, không rõ vì nhà cửa bây giờ đã thay đổi quá nhiều hay trí nhớ đã hư hao, biết làm sao được khi vẫn giữ trong đầu hình ảnh một căn nhà giản dị cách đây đã 40 năm. Càng lên cao trời dường như có vẻ dịu hơn, cho dù có nghe đâu đó có một vài khu náo nhiệt thị thành và vào sâu hơn đã có nhiều biệt phủ vườn hiện đại, giữa buổi trưa hè cái không gian đồi núi Nam Giao vẫn cứ tịch lặng như muôn thuở. Cũng là tịch lặng nhưng khi đi giữa lòng thành nội gây một cảm giác mang mang tiếc nuối của một thời vàng son đã qua, của di tích lịch sử và cả u uất, thì cái tịch lặng nơi đây lại khiến lòng mình nhẹ nhàng, khoáng đạt hẳn lên với cái thâm u và hùng vĩ của núi rừng, cái thanh thoát u nhã từ những ngôi chùa lẩn khuất giữa rừng cây. Đi về lòng cứ ích kỷ thầm mong nơi đây đừng bao giờ là thành thị dù biết rằng Huế càng lên cao càng bớt cảnh tang thương vì lũ lụt. Cơn mưa giông kéo đến dữ dội, mưa như trút nước, như để bù cho những ngày nóng gắt vừa qua, trời mát hẳn đi người như tỉnh lại, tiếc thay đã quá muộn, đã đến lúc ra phi trường. Phi trường Phú Bài vẫn như xưa, vắng lặng, không có cái ồn ào nhộn nhịp của một phi trường, mưa nhẹ hạt, ngồi uống bia với thằng em đi tiễn không có cái cảm giác bồi hồi như lần trước, nghe nó tình cảm mong anh cố về thăm quê lại lơ đãng ậm ừ. Ngẫm lại về Huế hơn 4 ngày thì thời gian tổng cộng thật sự chỉ sống với Huế hơn một ngày, thời gian còn lại cứ như gồng mình lên quay quắt với cái nóng, đã không còn trai tráng, đã sống quá lâu với miền ôn đới, lại không may trở về trong thời điểm nóng bức nhất nên đành chịu, lần sau nếu có về được chắc phải về khi Huế dịu dàng hơn. Chuyến bay đêm êm ái nhẹ nhàng, đang ngồi thư thái lại buồn buồn, buồn không phải vì rời xa Huế như những lần trước, buồn vì từ đây sẽ mất hẳn cảm giác những ngày Hạ ở xứ người ngồi nhìn nắng lúc nào cũng nhớ đến nao lòng những ngày hạ Huế, nhớ và giờ mới nhận hẳn ra hạ Huế là hạ của những ngày xưa rất xưa vĩnh viễn không bao giờ trở lại, thà là cứ nhớ về nhưng đừng tìm về và sống với quá khứ, chỉ não nề thêm.
|