Tùy làng mà đứa trẻ bị kết tội "dọ-tơm-amí" hoặc sẽ bị chôn sống theo mẹ hoặc bị bỏ mặc giữa rừng ma...
|
Rừng ma, nơi chứng kiến những hình ảnh khiếp đảm của hủ tục "dọ-tơm-amí" khi đứa trẻ còn chưa dứt sữa mẹ đã lâm cảnh mồ côi.
|
Không chỉ trẻ sơ sinh bị chôn sống theo mẹ nếu mẹ chẳng may qua đời lúc vượt cạn, với tục "dọ-tơm-amí", hễ còn đang bú sữa mà mẹ chết thì đứa trẻ khó mà thoát khỏi "án tử". Tập tục lạc hậu này diễn ra ở Tây Nguyên.
Núi rừng Tây Nguyên là nơi cư trú lâu đời của nhiều tộc người như Xê-đăng, Brâu, Êđê, M'nông, Jrai, Giẻ Triêng, Bana... Nhưng hủ tục chôn sống trẻ sơ sinh theo mẹ phổ biến ở tộc người Bana và Jrai sinh - 2 tộc người hiền hòa, yêu chuộng hòa bình và rất trân trọng sự sống, bất kể đó là con người hay muông thú.
Hết đời này đến đời khác, những người già Bana và Jrai đều nhắc nhở con cháu khi vào rừng săn thịt không được sát hại những con thú đang bụng mang dạ chửa. Bởi giết thú như thế là giết cả mẹ lẫn con, như thế là độc ác và làng sẽ phạt nặng. Ấy vậy mà hủ tục "dọ-tơm-amí" - hủ tục chôn sống trẻ sơ sinh theo mẹ đã phản ánh điều trái ngược.
|
Tộc người Jrai và Bana rất thân thiện, hào sảng và giàu tình cảm. Họ mời người lạ uống rượu cần, ăn thịt nướng và khoản đãi những bữa đại tiệc cồng chiêng huyền hoặc. Trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, sự tôn ty kính trên nhường dưới, lòng hiếu khách hiện rõ. Họ đặc biệt yêu thương trẻ con, nhất là những đứa trẻ hãy còn chưa dứt sữa mẹ.
Tại làng Dip xã Ia Kreng (huyện Chư Pảh, Gia Lai), cụ bà Rơ-chăm Luih (76 tuổi, người Jrai) lý giải, sở dĩ trẻ chưa dứt sữa được quan tâm, yêu thương đặc biệt bởi đồng bào quan niệm chúng yếu ớt, chưa thể tự chăm sóc mình, nếu thiếu vắng sự quan tâm của người lớn, chúng sẽ chết vì khát sữa, dịch bệnh và thú dữ rình rập.
Nhiều người già ở huyện Kong Chơro (Gia Lai) bật mí, từ bao đời qua các gia đình, dòng họ Jrai và Bana rất coi trọng việc sinh đẻ. Cặp vợ chồng nào cũng cố đẻ cho nhiều bởi quan niệm càng có nhiều con thì càng đông vui, có thể cậy nhờ con cháu đi lấy nước, lấy củi, săn thú... và đó là gia đình sung túc. Già làng Bok Nhâm (người Bana) bật mí, cũng vì lý do ấy mà lắm đôi vợ chồng hiếm muộn thường lo sợ khi về già sẽ không có con cái chăm nom. "Có làng còn quan niệm việc có nhiều con dòng họ thêm đông đúc, hùng mạnh", già Bok Nhâm nói.
Chính vì những lẽ đó mà việc sinh đẻ, nuôi dạy con cái được xem là việc quan trọng với người phụ nữ Jrai và Bana. Điều này đồng nghĩa với việc khi mang thai, người mẹ tương lai sẽ phải trải qua nhiều kiêng cữ nghiêm ngặt cũng như nghi lễ cúng Yàng (thần linh) nhằm cầu mong đứa trẻ sinh ra được khỏe mạnh. Nghi lễ cầu cho đứa trẻ chào đời dễ dàng sau 3 tháng người mẹ mang thai, được gọi là lễ nắn bụng. Ba tháng sau, nghi lễ buăh drang cầu cho người mẹ sinh nở dễ dàng sau 6 tháng mang thai... được tiến hành.
Gia chủ bày lễ vật, mời thầy cúng đến làm lễ Yàng Tơkeng (cúng Thần đẻ). Lời khấn có nội dung như sau: "Ơi, Thần/ Thần Núi, Thần Rừng, Thần Làng/ Hôm nay chúng tôi làm lễ/ Cúng gà, cúng heo, cúng dê/ Thần về chứng kiến và uống rượu cùng chúng tôi/ Đừng cho người đã chết vì đẻ khó đến gần/ Đừng cho người chết không bình thường về đến/ Đừng cho chúng nó bắt con gái, con trai đi/ Mong Thần phù hộ/ Cho dễ đẻ, đẻ tốt. Cho mẹ khỏe, con khỏe/ Được sống lâu dài/ Khi con trai, con gái lớn biết làm ăn được sung túc/ Lại mời Thần về uống rượu với chúng tôi".
Luật tục từ ngàn xưa cấm ngặt, lên án người đàn bà phá thai. Nếu bị phát hiện, hành vi trái đạo đức đó sẽ bị khép tội điên, bị kết tội biếng nhác (không muốn nuôi con), độc ác và hẳn nhiên sẽ bị họ hàng, dân làng trách móc, khinh khi. Ấy thế nhưng vì sao họ lại nhẫn tâm chôn sống đứa trẻ đáng thương mồ côi mẹ mà lẽ ra nó cần phải được yêu thương, vun đắp đặc biệt hơn những đứa trẻ khác?
Cách trung tâm thị xã Kon Tum khoảng 10 km, qua cây cầu Kon Klor thơ mộng bắc ngang dòng Đắk Bla là xã Đắk-Rơ-Wa (thị xã Kon Tum), nơi có nhiều ngôi làng cổ là địa bàn cư trú lâu đời của tộc người Bana và người Xê-đăng.
Tại làng Kon JơDri, khi được hỏi thăm hủ tục chôn sống trẻ sơ sinh "dọ-tơm-amí", không ít phụ nữ người Bana ở làng rùng mình. Chị Y' Pla (45 tuổi) mẹ của 5 đứa con gật đầu xác nhận tục chôn sống trẻ sơ sinh theo mẹ là chuyện có thật chứ không phải là lời đồn. Cụ bà Y M'Lang (78 tuổi, ở làng Kon Klor), giọng chắc như đinh đóng cột: "Mẹ chết thì đứa trẻ được đưa ra rừng ma với mẹ thôi. Mẹ chết thì đứa trẻ phải chết cùng mẹ".
Hủ tục "dọ-tơm-amí" có từ bao giờ, hỏi thăm nhiều người già Jrai, Bana, đều chỉ nhận được nụ cười hiền lẫn những cái lắc đầu, câu trả lời "không biết", "không rõ". Những người trong cuộc chỉ rõ một điều rằng đó là tục lệ được truyền đời. Ông cha quy định, mẹ chết thì đứa trẻ sơ sinh buộc phải "dọ-tơm-amí", mặc cho gia đình không muốn. Vì hủ tục truyền đời lẫn áp lực từ phía dân làng, dòng họ mà đa phần cha của đứa trẻ sẽ không dám đấu tranh để bảo vệ con. Anh ta bỏ mặc đứa trẻ bị "dọ-tơm-amí", mặc người làng chôn sống nó theo mẹ.
Cụ bà Y M'lang bật mí, không chỉ trẻ sơ sinh bị chôn sống theo mẹ nếu mẹ chẳng may qua đời lúc vượt cạn, với tục "dọ-tơm-amí", hễ còn đang bú sữa mẹ mà mẹ chết thì đứa trẻ khó mà thoát khỏi "án tử". Tùy làng mà đứa trẻ bị kết tội "dọ-tơm-amí" hoặc sẽ bị chôn sống theo mẹ hoặc bị bỏ mặc giữa rừng ma... Khi ấy nếu không chết vì kiệt sức thì đứa trẻ cũng sẽ chết vì bị rắn độc cắn hoặc thú dữ ăn.
Những người già có thể đã từng chứng kiến hay đã từng tham gia "dọ-tơm-amí" không dám thừa nhận mà chỉ giải thích giản đơn rằng do cuộc sống nơi núi sâu rừng thẳm ngày trước vốn dĩ nghèo khó và khắc nghiệt. Nếu mẹ chết, không được bú sữa mẹ, không được cho ăn, đứa trẻ rồi cũng sẽ chết vì đói nên người ta tin rằng việc "dọ-tơm-amí" sẽ giúp đứa trẻ khi về với thế giới ma sẽ được mẹ chăm sóc tốt hơn.
Chỉ vì những suy nghĩ giản đơn và ấu trĩ ấy mà khi mẹ chết, bao năm qua, rất nhiều đứa trẻ còn chưa dứt sữa bị chết oan, bị luật tục hà khắc, tàn nhẫn chôn sống theo mẹ. Dù những người già khẳng định hủ tục "dọ-tơm-amí" đã ngủ yên ở buôn làng mình từ lâu lắm, chỉ còn trong ký ức nhưng cứ nghĩ đến cảnh những đứa trẻ còn đỏ hỏn ngây thơ, vô tội bị mang ra giữa rừng với muôn vàn thú dữ và biết bao bất trắc... mà nhiều người không khỏi rùng mình.
|