Trước khi sa lưới pháp luật, Muhammad và Malvo đã “nhân danh Thượng đế”... để chơi trò “săn người” như một thú tiêu khiển bằng máu. Hồi 9 giờ 11 phút tối Thứ Ba 10.11.2009, John Allen Muhammad, 48 tuổi, đã bị xử tử bằng cách tiêm độc dược tại một căn phòng ở Trung tâm Cải huấn Greenville, Virginia. Hắn đã bị kết án tử hình về tội giết một kỹ sư tại Virginia năm 2002 trong một loạt những vụ bắn lén gây kinh sợ cho dân cư Vùng Hoa Thịnh Đốn kéo dài trong ba tuần lễ với mười người chết và ba trọng thương. Các nạn nhân đã bị bắn một cách tình cờ trong khi đang đứng bơm xăng vào xe, đang cắt cỏ trước sân nhà, đang đi trên đường phố, vừa từ một tiệm ăn ra, đang xếp đồ trong bãi đậu xe, vân vân. Với một tòng phạm là John Lee Malvo, năm ấy 17 tuổi, Muhammad đã dùng một chiếc xe Chevrolet Caprice có khoét lỗ ở thùng sau để nằm nhắm bắn các nạn nhân vô tình lọt trong tầm đạn của một khẩu súng trường Bushmaster MX-15 bán tự động. Các nạn nhân của hắn không được biết trước khi chết, tại sao chết, chết bằng cách nào, và chết tại đâu như hắn đã được “hưởng” sau khi bị kết án năm 2004 và đã tìm mọi cách để chống bản án tử hình. Trước khi sa lưới pháp luật, Muhammad và Malvo đã “nhân danh Thượng đế” để chơi trò “săn người” như một thú tiêu khiển bằng máu. Trong 21 ngày đầu tháng 10.2002, bốn triệu rưỡi cư dân trong Vùng Hoa Thịnh Đốn (gồm Washington DC, Virginia và Maryland) đã sống trong phập phồng, lo sợ mỗi khi phải ra khỏi nhà. Nhiều người không dám ra đường, không dám đi đổ xăng, không dám đi mua sắm, học sinh đi học phải rảo chân bước nhanh vào trường. Các nạn nhân đã bị bắn ở khắp nơi, từ Montgomery County tới Rockville, Aspen Hills thuộc Maryland, trải dài tới Manassas, Richmond, Falls Church, Fredericksburg của Virginia – vẫn với một viên đạn cỡ .223 trong đầu hay trong ngực. Không ngày nào không có tin về tên bắn lén bí mật trên báo chí và truyền hình khắp nước Mỹ được gọi là “Beltway sniper” hay “Washington area sniper”. Cảnh sát gần như bất lực, không tìm ra được manh mối nào để truy tìm thủ phạm (hay các thủ phạm) mà sau khi bắn trọng thương một học sinh 13 tuổi bên ngoài một trường học ở Maryland, chúng bỏ lại một lá bài tarot trên đó có ghi mấy lời trêu chọc và thách thức cảnh sát: “Dear policeman, I am God”. Chúng còn gọi điện thoại cho hai tu sĩ, tự xưng “Thượng đế” và khoe thành tích về tội ác của chúng. Nhưng, chính nhờ hai cú điện thoại này, mà không biết vì vô tình hay cố ý, chúng đã để lộ tung tích. Nói “cố ý”, vì có giả thuyết cho rằng chúng đã mỏi mệt với trò chơi săn người và muốn để cho bị bắt để “được nổi danh” và đi vào lịch sử tội ác tại Mỹ. Thật vậy, nước Mỹ chiếm 84 phần trăm những vụ giết người hàng loạt trên thế giới, và đây là vụ gây kinh sợ nhất vì đã có nhiều người bị giết trong một thời gian quá ngắn. Những vụ khác, các hung thủ giết người thận trọng hơn, kín đáo và với mức độ chậm hơn. Thêm nữa, vụ này đã xảy ra sau cuộc tấn công 11.9.2001 nên người ta càng lo sợ đây là một chiến dịch khủng bố khác của Hồi giáo cực đoan. Nhưng nhờ hai cú điện thoại gọi cho hai tu sĩ, cảnh sát đã phăng ra lý lịch của tòng phạm John Lee Malvo, một thiếu niên gốc Jamaica nhập cư Hoa Kỳ bất hợp pháp, đang chờ ngày ra tòa để bị trục xuất. Y đã cùng bị bắt với Muhammad trong khi cả hai đang ngủ say trong chiếc Chevrolet đậu bên ngoài một trạm nghỉ chân cạnh xa lộ liên bang 70 gần Myersville, Maryland. Sau khi hai hung phạm bị bắt, các chuyên viên về những vụ giết người hàng loạt, các nhà phạm tội học, các luật gia, các giáo sư tâm lý học ... thi nhau viết bài và xuất hiện trên màn ảnh truyền hình để giải thích về nguyên nhân khiến Muhammad và Malvo đã gây ra những vụ giết người tàn bạo này. Cuối cùng, người ta cho rằng đây là hành động “trả thù” của hai kẻ thất chí, hận đời, sống vô gia cư, vô nghề nghiệp giữa một xã hội văn minh giàu mạnh nhất thế giới. Dù vì nguyên do gì, đây là một tội ác không thể biện minh. John Allen Muhammad bị tuyên án tử hình. John Lee Malvo, vì là một vị thành niên trong khi phạm tội, bị phạt tù chung thân và không có cơ hội ân xá. Sau khi coi mạng người như cỏ rác và bị kết án tử hình, Muhammad đã nhờ luật sư khai thác mọi phương tiện pháp lý để tự cứu mạng hắn. Cuối cùng, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã từ chối thỉnh cầu hoãn thi hành bản án tử hình của hắn. Sau chót, Thống đốc Virginia Tim Kaine, một người chủ trương chống án tử hình, cũng từ chối can thiệp. John Allen Muhammad đã từ giã cõi đời mà hắn thù ghét. Hắn ra đi một cách êm đềm chắc được nhiều người ao ước: được chích một mũi thuốc làm cho mê thiếp đi, sau đó được chích một mũi thuốc làm phổi ngưng hoạt động, cuối cùng là một mũi thuốc khiến quả tim thôi đập. Hắn rời khỏi “bể khổ trần gian” một cách nhẹ nhàng sau khi gây tang tóc, đau thương cho nhiều gia đình vô tội, tiêu phí vài triệu đô-la của dân đóng thuế trong thủ tục điều tra, xét xử và nuôi hắn bảy năm trong tù, nhưng vẫn có một số người tụ họp bên ngoài khám đường phản đối tử hình bị họ chỉ trích là thiếu văn minh và vô nhân đạo. Trái lại, thân nhân của những người bị giết đã bày tỏ sự văn minh và lòng nhân đạo một cách hợp lý hơn. Dean Harold Meyers, anh của nạn nhân Robert Meyers, một trong 27 người được mời chứng kiến cuộc hành quyết Muhammad, nói rằng: “Đây là một phần của thủ tục pháp lý. Nó được thi hành một cách chính đáng, nhưng dù sao, việc giết người vẫn là giết người. Bất cứ lúc nào đời sống của một con người bị tước đi, đó không phải là một tình huống vui thú.” Paul LaRuffa, thoát chết sau khi bị Malvo bắn 5 phát, đã từ chối chứng kiến cuộc hành hình, và cho biết lý do: “Tôi quyết định không để hắn lấy thêm một ngày khác trong đời sống của tôi hay phí phạm thêm một ngày khác nữa.” Ông ta đã dùng buổi tối hôm ấy để quây quần với vợ, các con, các cháu trong bữa ăn tối mà ông ta nói rằng “có giá trị hơn là nhìn Muhammad chết”. Cái “thiện” vẫn là bản chất của con người, nói chung. Người có “tâm ác” như Muhammad hẳn là không nhiều. Nhưng, nếu Muhammad muốn đi vào lịch sử tội ác của Mỹ một cách ồn ào thì vụ thi hành án tử của hắn đã bị lu mờ phần nào vì một tội ác cỡ lớn khác xảy ra trước đó năm ngày. Mười ba người, hầu hết là quân nhân, đã bị bắn chết và 30 người khác bị thương trong một vụ nổ súng tại Fort Hood ở Texas mà hung phạm duy nhất là một Thiếu tá Quân y tên Nidal Malik Hasan. Vụ thảm sát này đã gây chấn động nước Mỹ vì Fort Hood là căn cứ lớn nhất của Quân đội Mỹ, nơi làm thủ tục cho các quân nhân từ các chiến trường hải ngoại trở về và các quân nhân trước khi được phái tới phục vụ tại Iraq và Afghanistan. Các quân nhân không võ trang đang tập họp trong trại đã bị Hasan nhắm bắn trước khi chính hắn bị một nữ cảnh sát viên bắn trọng thương. Những cái đầu lớn nhất của nước Mỹ đang bàn cãi xem nên coi đây chỉ là một “thảm kịch đáng tiếc” của xã hội hay là một vụ khủng bố của Hồi giáo cực đoan trên nước Mỹ sau vụ 11.9.2001 vì những liên hệ của Nidal Hasan với khủng bố Hồi giáo. Hasan gốc Ả-rập, tín đồ đạo Hồi, sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Một công dân Mỹ hoàn toàn trong một đất nước tạp chủng với quyền bình đẳng như mọi công dân khác, nhưng vài nhân chứng cho biết đã nghe hung phạm hô lớn bằng tiếng Ả-rập “Allahu Akbar!” (Thượng đế vĩ đại), khẩu hiệu mà các tên khủng bố Hồi giáo thường hô trước khi ra tay, và cuộc điều tra sau đó đã phát hiện nhiều bằng chứng cho thấy từ lâu Hasan đã tiếp xúc với các tổ chức Hồi giáo quá khích ở bên ngoài, trong lúc không giấu giếm tư tưởng ủng hộ cuộc “thánh chiến” của Hồi giáo tại Iraq, Afghanistan, và ca tụng những tên khủng bố Hồi giáo là những “anh hùng tử đạo”. Tuy nhiên, thống kê cho thấy 85 phần trăm báo chí truyền thông Mỹ đã tránh không dùng chữ “khủng bố” để gọi hành động tội ác của Thiếu tá Hasan, và muốn coi đây là một “thảm kịch” do một cá nhân gây ra vì lý do chưa được biết. Quan điểm này của truyền thông dòng chính nước Mỹ phù hợp với lập trường chính trị của Tổng thống Obama: không có chiến tranh chống khủng bố Hồi giáo cực đoan (extremist Islamic terrorism) mà chỉ là chống lại “tai ương do con người gây ra” (man-made disaster). Ông Obama cũng không coi Hasan là một tên khủng bố mà là “nạn nhân” của một sự bùng nổ tâm lý vì một nguyên do không thể giải thích. Quan niệm này dường như đang được chứng minh là nguy hiểm và muốn tránh né sự thật. Dù nhân danh cái gì, tội ác là tội ác, khủng bố là khủng bố. Cướp máy bay chở hàng trăm hành khách chứa đầy xăng để đâm vào hai tòa nhà chọc trời ở New York là tội ác chống nhân loại, là khủng bố, cuốn bom quanh người cho nổ giữa chợ giết hàng trăm dân lành là tội ác, là khủng bố – dù là nhân danh “thánh chiến” (jihadi), dù hành động một mình hay với nhiều đồng phạm. Hitler nhân danh chủ nghĩa “quốc xã” để giết 6 triệu dân Do Thái và gây ra Thế Chiến II là tội ác chống nhân loại. Cộng sản nhân danh “cách mạng”, “công bằng xã hội” để giết hàng trăm triệu người là tội ác lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Chủ nghĩa cộng sản quốc tế đã sụp đổ, và nó chỉ còn là cái bảng hiệu nham nhở của bốn chế độ độc tài ác ôn sót lại cuối mùa, trong đó có Việt Nam. Để nắm độc quyền cai trị, đảng Cộng sản VN (CSVN) đã gây ra nhiều tội ác. Mấy triệu người Việt ở hải ngoại, dù ra đi bằng cách nào, cũng đều là nạn nhân của tội ác do CSVN gây ra. Vậy mà, ngay sau khi đủ ăn đủ mặc trên một đất nước xa lạ, đã không quên đồng bào ở quê nhà. Ngoài mấy tỉ đô-la gửi về giúp thân nhân mỗi năm, họ còn hào sảng đóng góp vào những cuộc cứu trợ từ thiện và thiên tai tại Việt Nam được tổ chức không ngừng trong các cộng đồng người Việt hải ngoại. Việc làm này đã là đề tài tranh cãi trong mấy năm gần đây. Kẻ bênh, người chống. Những người ủng hộ nói rằng “máu chảy ruột mềm”, “lá lành đùm lá rách”, lẽ nào chúng ta quay mặt làm ngơ trong khi đồng bào ở quê nhà đói khổ, thiếu cơm thiếu áo, bệnh tật không thầy không thuốc... dưới sự cai trị dã man của bạo quyền cộng sản, lại còn chịu cảnh thiên tai, bão lụt liên miên. Lòng từ thiện, nghĩa đồng bào để ở đâu? Những người chống đối cãi rằng chăm lo cho dân là trách nhiệm của chính quyền một quốc gia. Nhà nước CSVN đã bất lực hoặc bất cần biết đến nỗi thống khổ của người dân, trong lúc bọn cầm quyền, “đại gia, tư bản đỏ” giàu sụ, sống xa hoa như đế vương. Tại sao người Việt ở hải ngoại phải đóng góp đem tiền về cứu trợ cho chúng ăn chặn, ăn bớt, có khi người nghèo chẳng được xu nào? Còn một lý do khác được nêu lên để không đồng ý với việc cứu trợ như một đoạn trong bài viết của tác giả Nguyễn Mỹ Linh ở Quận Cam (California) : “Xin đừng quên là chúng ta đang ở trong thời kỳ suy thoái kinh tề trầm trọng mà hậu quả là rất nhiều người trong cộng đồng chúng ta đã mất nhà, mất job ... và cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Nói trắng ra là cộng đồng chúng ta vẫn còn nghèo, mà một phần lớn của cái nghèo đó là vì chúng ta đã và hiện vẫn còn đang ‘ăn cơm nhà’ ở Hoa Kỳ, nhưng làm chuyện ‘vác ngà voi’ ở Việt Nam, một công việc ‘tài lanh’ mà Đảng Cộng sản và bọn tư bản đỏ ở Việt Nam đang cười mũi vì họ không mời, không kêu gọi, cũng không ‘appreciate’ nhưng chúng ta vì muốn ‘thi đua’ lòng yêu nước thương nòi nên vẫn ‘thích’ và ‘mê’ lao đầu về làm như những con thiêu thân mà quên rằng chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới có đặc quyền yêu nước, và ‘yêu nước là yêu Chủ nghĩa Xã hội’. “Mà giả sử như chính quyền cộng sản và bọn tư bản đỏ ở Việt Nam giả điếc làm ngơ, không thèm điếm xỉa, hay không lo toan cho dân nghèo thì đó là một cơ hội tốt cho đất nước Việt Nam chuyển mình. Cách mạng chỉ xảy ra khi con người ta bị đẩy vào đường cùng, khi các mâu thuẫn giữa hai giai cấp giàu và nghèo, giữa thành phần cai trị và bị trị dâng lên đến tột cùng. Lịch sử cho thấy hai triệu dân chết đói ở miền Bắc năm Ất Dậu (1945) đã tạo một cơ hội ngàn vàng cho Cộng sản khơi dậy lòng căm thù của toàn dân lên đến tột độ mà đứng lên làm “Cách mạng Mùa Thu”. Bài của tác giả Nguyễn Mỹ Linh khá dài (8 trang) dưới tựa đề “Mùa Từ Thiện” được phổ biến gần đây trên mạng điện tử đã mổ xẻ nhiều khía cạnh của vấn đề “cứu trợ” dân nghèo tại Việt Nam với những dẫn chứng cụ thể của đời sống chung quanh chắc đã làm nhiều người suy nghĩ. Tuy nhiên, có phần chắc là “Mùa Từ Thiện” vẫn sẽ còn tiếp tục trong các cộng đồng người Việt hải ngoại, dù có phải thắt lưng buộc bụng, dù bọn đầu sỏ CSVN và bọn tư bản đỏ có “cười mũi”. Vì “nhân chi sơ tính bản thiện” (?). 14.11.2009
|