Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Một dân tộc đáng kính trọng

Một dân tộc đáng kính trọng PDF Print E-mail
Thứ Bảy, 14 Tháng 11 Năm 2009 20:11
Có cách nào cứu nước hay không?
 
                           Thành phố Istanbul

Sau một chuyến đi gần đây, tôi muốn có dịp bày tỏ lòng kính trọng đối với người Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ ở nước đó có 6 ngày, một ngày ở Izmir và 5 ngày ở Istanbul, tôi đi không có tổ chức nào hướng dẫn, cho nên có nhiều thời giờ tiếp xúc với những người dân bình thường hơn. Phải thú thực, trước đây tôi không biết gì về họ ngoài những điều đọc trong sách vở. Khi nhìn thấy họ sống, gặp gỡ những còn người thật, mới thán phục.

Trước hết là phục tính sạch sẽ, trật tự, kỷ luật ở những nơi công cộng như đường sá, chợ búa, đặc biệt là ở các trạm xe điện. Chúng biểu lộ tinh thần trọng công ích của người dân. Trong mấy ngày ở thành phố Istanbul, tôi cứ ngạc nhiên không thấy ai gian lận khi sử dụng hệ thống xe điện trong khi hệ thống canh giữ rất sơ sài. Phải chăng là tại vì mình vốn có thói gian lận, hoặc sống cạnh những người gian lận quen nên nghĩ như vậy? Thực tình không biết! Một lần tôi cũng ngạc nhiên như vậy khi ngồi đợi xe lửa ở bên Ðức, một người nữa ngồi bên cạnh. Có ai để lại một tờ báo hàng ngày gấp sạch sẽ trên băng ghế. Một lúc, người đàn ông ngồi cạnh tôi bước tới thùng báo bỏ mấy đồng xu vào, rút ra một tờ báo, cũng đúng là tờ báo để bên cạnh chỗ ông ta ngồi. Tại sao ông ta không nhặt tờ báo kia lên đọc mà lại bỏ tiền mua một tờ khác giống hệt? Chỉ có thể giải thích là trong xã hội này người ta có tính như vậy, không ai lấy của người khác dùng làm của mình, dù là một vật người ta đánh rơi hay bỏ quên. Khi nhận thấy mình ngạc nhiên trước hành vi của người ta, tôi cũng tự cảm thấy xấu hổ.

Tôi đã quan sát các trạm xe điện trong suốt mấy ngày ở Istanbul. Xe điện ở đây không có người soát vé, cũng không bán vé; để vào cửa hành khách đến quầy hàng ở chỗ xa mua những “đồng sèng” bằng platic họ gọi là “giơ tông,” viết jeton giống như tiếng Pháp, vào bên trong rồi thì lên tầu. Trạm xe điện chạy dọc theo đường phố rất trống trải, gần như ai có ý gian thì cứ bước vào cũng được, hiếm lắm mới thấy một người mặc đồng phục đứng ở đó. Nơi kiểm soát là ở lối vào trạm xe, có hai ba cột trụ với tay sắt quay cho khách đi qua, sau khi bỏ đồng sèng vào.

Trạm xe điện nằm giữa phố, không có tường hoặc hàng rào kiên cố bao bọc; chỉ có một tấm plastic trong veo cao đến thắt lưng, kéo dài chừng mười lăm mét, ngăn lề đường và bến đợi bên đường rầy xe điện. Người băng qua đường có thể đi lệch mấy bước là vào trong trạm đợi xe rồi. Nhưng không thấy ai làm như vậy cả. Không thấy người nào đi vòng quanh máy thu tiền để bước vào, mặc dù chỉ cần bước lệch một hai bước thôi là đi quanh được. Không thấy cả những học sinh nghịch ngợm nào nhảy qua hàng rào plastic để vào trạm xe, như tôi đã thấy nhiều lần ở nhiều thành phố tại Âu Châu. Có lẽ người dân ở đây, một thành phố 10 triệu dân và rất đông du khách, có lối sống thật thà, lương thiện như vậy từ nhiều đời đã quen rồi!

Ðiều đáng phục nhất là đường sá và các trạm xe điện rất sạch sẽ, trong khi ngoài đường cũng có nhiều người ăn kẹo hoặc hút thuốc. Ở Singapore chính quyền đã cấm nhai “kẹo cao su” cốt để người dân không vứt giấy bao kẹo xuống đất, nhưng ở đây thì họ không cấm. Hàng quà bán trên lề đường rất nhiều, hấp dẫn nhất là món hạt dẻ nướng nóng hổi. Khi mua hạt dẻ, người bán hàng luôn luôn đưa thêm một cái bao cho khách để đựng vỏ hạt sau khi ăn. Trong một trạm xe điện có bữa tôi thấy một thanh niên dáng dấp công nhân đang ăn hạt dẻ mà tay không cầm cái bao đựng vỏ. Anh ta bước mấy bước dưới trời mưa lất phất, đi tìm cái chậu đựng rác bằng kim loại, bỏ những vỏ hạt dẻ vào. Giữa đám đông người đứng chờ xe, nếu anh ta có bỏ mấy mảnh vỏ xuống đất chắc cũng chẳng ai để ý!

Bữa khác, thấy một người đàn ông dưới 30 tuổi hút xong điếu thuốc, đi tìm chậu đựng rác dụi cuống điếu thuốc rồi ném vào. Tôi tới hỏi thăm đường với anh ta để làm quen. Khi lên tầu, tôi tiếp tục nói chuyện và được biết anh là một sinh viên đã học chuyên về Văn Chương Ðức. Nhưng mục đích tôi làm quen chỉ để sau cùng hỏi anh ta một câu: Tại sao anh không vứt cuống điếu thuốc xuống đất, như tôi thấy những người Mỹ, người Pháp vẫn làm ở ngoài đường? Tại sao anh lại mất công, dưới trời mưa, tìm đúng nơi để vứt bỏ một mẫu rác nho nhỏ như thế? Từ trước đến nay tôi chỉ thấy người Ðức, người Nhật có lối sống rất tôn trọng kỷ luật mà thôi! Tại sao những người Thổ Nhĩ Kỳ tôi gặp đều có tinh thần kỷ luật như vậy? Có phải trong trường học người ta vẫn dạy anh từ bé phải sống có kỷ luật hay không? Hay là giáo dục trong gia đình? Anh bạn trẻ chỉ cười, nhún vai, có vẻ không biết trả lời ra sao. Có lẽ anh đã tập những thói quen như vậy từ bé, và thấy ai ở chung quanh cũng làm như vậy, cho nên không bao giờ đặt câu hỏi đó. Một dân tộc văn minh thể hiện trong lối sống tôn trọng những gì là công cộng, nghĩ đến người khác. Ðiều đó biểu lộ ra ngay trong cuộc sống hàng ngày khi họ giữ đường sá sạch sẽ.

Tôi mắc tật xấu hay hút thuốc, cho nên khi đến chỗ lạ thường chú ý đến cử chỉ, hành vi của những người khi hút xong điếu thuốc. Thú thật là bây giờ mỗi lần khi châm xong cối thuốc, tính vứt que diêm tắt xuống đất, tôi bỗng ngượng ngùng, ngừng tay không ném công mà cẩn thận nhét lại que đóm đã tắt vào lại trong bao diêm. Ðó là sau khi được chứng kiến thói quen tốt của những người nước khác. Lần đầu du lịch ở Nhật Bản tôi đã ngạc nhiên khi bước ra khỏi cửa một công ty hay cửa khách sạn, quán ăn, thấy những tấm bảng nhỏ trên tường ghi “Ðây là chỗ hút thuốc.” Tôi ngạc nhiên: Ra ngoài đường rồi thì thường mình được tự do hút, tại sao phải yết bảng lên bảo mình được phép hút làm gì? Khi chú ý nhìn, mới thấy ở dưới các tấm bảng đó bao giờ cũng có một cái khay để gạt tàn thuốc lá, thường để trên một cái thùng khá cao vừa tầm tay. Sau tôi mới để ý thấy dọc trên lề đường những nơi đông đúc ở Tokyo cũng có những cái gạt tàn và tấm biển như vậy. Và nhìn xuống đất thì hầu như không thấy mẫu tàn thuốc lá nào.

Một bữa đứng hút thuốc trước một khách sạn gần chân núi Phú Sĩ, thấy một đám đông người Á Ðông ồn ào ở bên trong, tôi hỏi người Nhật hướng dẫn viên du lịch: Anh có biết những người ồn ào kia từ nước nào tới hay không? Sau khi trả lời, anh ta lắc đầu nói, Họ dơ dáy lắm! (Dirty, là chữ anh dùng). Tôi hỏi: Dơ dáy thế nào? Anh đưa tay lên làm cử chỉ một người hút thuốc, xong làm thêm cử chỉ ném mạnh điếu thuốc xuống đất, rồi lấy bàn chân day day trên mặt đất! Tôi hiểu, anh chê những người đó dơ dáy vì họ hút thuốc xong là vứt xuống đất, không tìm cái gạt tàn thuốc mà bỏ vào! Bấy giờ tôi hiểu rõ hơn lý do tại sao ở ngoài phố người ta cũng để những cái gạt tàn thuốc lá! Tôi thành thật nói với anh: Sato San, người nào biết lấy giầy dập tắt tàn thuốc đi tức là họ còn lịch sự, còn văn minh đấy. Ở nhiều nơi người ta hút thuốc xong cứ thế vứt xuống đất, điếu thuốc tàn vẫn tiếp tục cháy, khói cứ thế bốc lên bắt người khác phải hít vào, anh biết không? Vì tự ái hão, tôi không nói thẳng là ở nước tôi cũng vậy! Anh Sato sẽ có ngày đến Việt Nam hoặc đến Little Sài Gòn, thế nào anh cũng thấy! Nhưng nếu anh qua Thổ Nhĩ Kỳ, anh sẽ cảm thấy dễ chịu như ở Nhật Bản!

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, tôi còn cảm phục tính lương thiện của nhiều người mà tôi đã gặp. Thí dụ như hai chú bé chừng 13, 14 tuổi đứng bán thứ bánh mì hình vành khăn rất phổ thông ở đây. Ăn vào lúc còn nóng nó vừa dòn vừa dẻo, ăn không cũng thấy ngon. Khi mua một cái bánh, tôi nhìn bảng giá đoán chừng hơn một đồng lira, rồi móc mấy đồng xèng trong túi ra đếm và đưa cho chú bé. Tới xứ lạ, phân biệt được giá trị mỗi đồng xèng đó cũng khá mất thời giờ và rất dễ lầm. Tôi trả tiền xong quay bước đi, bỗng một chú bé gọi giật lại. Chú đưa lại tôi một đồng lira trả dư. Chú không lấy thêm một đồng của người trông thấy rõ là du khách, mà trong đời chú chỉ gặp có một lần! Một người lương hảo là người tử tế đối với những người mà mình chỉ gặp một lần trong đời. Hai chú bé này rõ ràng là những người lương hảo.

Tôi còn cảm thấy tính lương thiện của người dân ở đây trong một chuyện khác. Chúng tôi đi vào khu chợ Grand Bazar nổi tiếng. Hai phụ nữ Việt Nam vào một tiệm kim hoàn nhỏ, hỏi xem hàng và mặc cả. Ông chủ tiệm làm việc có một mình, ông bày các khay trưng bầy những bông tai, hạt ngọc, vân vân trên quầy cho khách xem. Tôi đang đứng ngoài cửa tiệm thì thấy ông bước ra ngoài, chạy sang hỏi người chủ tiệm bên cạnh để đổi tiền. Nhìn vào trong, hai bà khác vẫn chọn lựa và bàn tán. Tôi ngạc nhiên vì không thấy ông ta cất những khay đựng đồ vàng ngọc trước khi rời tiệm! Ông còn chạy qua chạy lại mấy tiệm bên cạnh để đổi tiền. Bỗng dưng, cả khu buôn bán bị mất điện, đèn tắt hết, tối thui. Ông chủ tiệm vẫn tiếp tục chạy đi đổi tiền, mấy phút sau mới trở lại tiếp tục nói chuyện với khách! Sau đó, đèn lại bật lên, việc mặc cả tiếp tục! Tôi không hiểu nổi tại sao một chủ tiệm vàng có thể tin người khách ngoại quốc mà bỏ ra ngoài, không khóa các cánh cửa tủ, để các khay vàng, ngọc trống trơn như vậy! Chắc hẳn ở đây người ta có thói quen coi ai cũng là người lương thiện, đáng tin cả!

Ở những thành phố đông du khách, người ta rất dễ sinh hư. Mọi người coi đám du khách là con mồi cho họ lợi dụng, lừa gạt, hoặc xin xỏ! Hai chú bé người Thổ Nhĩ Kỳ không hề nhiễm những thói xấu đó. Ông chủ tiệm vàng chắc cũng không. Thổ Nhĩ Kỳ là một nước khá đông, 72 triệu người, GDP khoảng 730 tỷ Mỹ kim, tính mỗi đầu người lợi tức 11,000 đô la. Nhưng hiện nay tỷ lệ thất nghiệp cũng lên tới 11%, và trong dân chúng có 20% còn sống dưới mức nghèo khó. Nhưng phải nói là dân trí họ rất cao, và đáng khâm phục nhất là tinh thần kỷ luật, trật tự, giữ sạch sẽ nơi công cộng. Xin nhắc lại, tôi chỉ thấy cảm phục như vậy khi đến hai nước khác là Ðức và Nhật Bản. Người dân các nước đó sống kỷ luật, sạch sẽ và lương hảo, không phải để cho người nước khác phải kính phục. Họ sống như vậy vì chính họ. Khi mọi người cùng sạch sẽ, trọng công ích, giữ kỷ luật, thì cuộc sống của tất cả mọi người an vui hơn.

Yếu tố nào đã giúp cho những người dân bình thường ở một quốc gia giữ được những đức tính kỷ luật, sạch sẽ, tôn trọng công ích và sống lương hảo một cách tự nhiên như thế? Ðây là một đề tài tôi xin quý vị độc giả cùng suy nghĩ. Làm thế nào để người Việt Nam mình cũng tập được những thói quen tốt như người nước khác? Thật đáng buồn khi thấy đồng bào mình sống trong một chế độ chuyên dùng bạo lực và gian dối đã bỏ hết những thói quen tốt của tổ tiên, chỉ tập được toàn thói xấu. Sau nửa thế kỷ dân ta đã tập được những thói quen gian dối, lừa đảo, ích kỷ, không tôn trọng của công. Muốn tập những thói quen, những đức tính tốt, chúng ta phải bắt đầu ngay, từ mỗi người, từ mỗi gia đình, từ trường học. Cả nước phải thực tập tinh thần công dân, đạo đức con người, người này làm rồi người khác sẽ bắt chước theo, nhất là cho thế hệ con cháu.

Thật đáng tiếc khi có những người trẻ tuổi họp lại để nương nhau tập lối sống an tịnh, thanh cao, sống vì người khác mà không nghĩ tới mình, như các tăng ni trẻ ở Tu viện Bát Nhã trước đây, thì chính những hạt giống Bồ Ðề này bị trù đập, cấm đoán và bây giờ đang bị đuổi mỗi người đi một nơi!

Có cách nào cứu nước hay không?