Xe tôi bị dến một cái 'Snitch Ticket' |
Tác Giả: Phạm Ðình | ||||
Thứ Bảy, 24 Tháng 9 Năm 2011 05:46 | ||||
Nhân lá thư của một độc giả hỏi về những rắc rối xảy ra trên đường xe lăn bánh, chúng ta sẽ dành bài viết hôm nay để góp ý với bạn ấy, cũng như với những người sẽ có vấn đề tương tự. Trước tiên, xin mời các bạn đọc lá thư của bạn đó: Hỏi: Thưa anh Ðình, tôi đọc bài báo nói về vụ Snitch Ticket. Tôi đang gặp trường hợp như vậy, tôi phải làm sao? Tôi là chủ xe, một người khác dùng xe của tôi đã vượt đèn đỏ, bị chụp hình. Và tôi nhận được giấy của cảnh sát Arizona yêu cầu tôi phải báo ai là người lái xe đó. Tôi sợ sau này DMV sẽ suspend bằng lái của tôi. Xin vui lòng cho một vài chỉ dẫn. Cám ơn. Ðáp: Câu hỏi của bạn có 2 ý, thứ nhất là Snitch Ticket, thứ hai là phải làm sao đối phó Snitch Ticket. Ðể câu chuyện có trước có sau, giúp các bạn khác dễ dàng theo dõi câu chuyện, chúng ta sẽ dành đôi dòng nhắc lại Snitch Ticket là gì trước khi bàn đến vấn đề thứ hai, phải ứng phó ra sao. Ticket đây là những tấm giấy phạt vi cảnh, do cơ quan “bạn dân” tặng cho sau khi bạn phạm luật giao thông, như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ được phép, vượt stop sign, vòng chữ U trái phép. Sự vi phạm có thể bị một giới chức cảnh sát bắt quả tang, và người vi phạm nhận một giấy phạt tại chỗ; Hoặc do hệ thống Photo Radar chụp được, thì người vi phạm nhận được giấy phạt gửi đến tận nhà với đầy đủ hình ảnh chứng minh. Trong cả 2 trường hợp ấy, người cảnh sát phải gửi hồ sơ về tòa án, để nơi đây thẩm định mức tiền phạt rồi gửi ra cho khổ chủ biết mà nộp tiền hoặc ra tòa để khiếu nại. Snitch Ticket chỉ xảy ra với trường hợp thứ hai, tức là những vụ vi cảnh do máy Radar chụp được. Máy chụp xong, đưa hình về sở cảnh sát cho nhân viên đối chiếu với hồ sơ lưu trữ tại DMV, và gửi thông báo về cho khổ chủ. Tuy nhiên, có thể hình chụp không được rõ mặt, vì đang lúc chụp thì tài xế quay ngang nói chuyện với người ngồi bên cạnh, hoặc có mấy lọn tóc lòa xòa hay cái nón vô tình úp xuống, che kín nửa mặt. Cũng có thể hình chụp rõ ràng, nhưng lại không đúng mặt người chủ xe trên bằng lái lưu trữ tại DMV. Những bức hình chụp như vậy, lẽ ra người cảnh sát nên bỏ đi vì không xác minh được đích danh thủ phạm. Nhất là tại California và Arizona, nơi mà hình phạt vi cảnh vốn nổi tiếng “nghiêm” nhất nước - tại California, người vượt đèn đỏ chẳng những phải trả tiền phạt rất cao ($500) mà bằng lái còn bị trừ một điểm - thì việc xác minh thủ phạm lại càng bắt buộc. Gặp những tấm hình không rõ mặt, hoặc người lái không phải là chủ xe, thì người cảnh sát bỏ sang một bên, không xét tới cũng được. Nhưng thực tế, ít có vị nào chịu bỏ qua, cũng như ít có ai thấy tiền mà không chộp. Bởi vì, đa số các giấy phạt gửi ra đều có đồng tiền đi vào: Dân lái xe phần vì muốn yên thân, phần vì không hiểu rõ luật pháp, nên phải trái gì cũng bỏ ra mấy trăm đóng phạt cho xong. Trong trường hợp viên cảnh sát thấy rõ gương mặt người vi phạm mà Radar chụp được hoàn toàn không phải là chủ xe (như trường hợp của bạn), thì đương sự rơi vào trạng thái phân vân: Phạt không được, mà bỏ đi thì uổng. Cảnh sát mới gửi đại ra một tấm giấy “thông báo vi phạm” cho bạn, có kèm theo phần khai báo với lời dẫn dụ, “Nếu bạn không phải là người vi phạm, thì xin cho biết đó là ai?” Bởi vì đây là một tờ giấy để dẫn dụ khai báo, nên nó được gọi là “Snitch Ticket.” Nhiều chuyên gia luật pháp còn gọi nó là “fake ticket” (giấy phạt giả). Snitch Ticket không được gửi về tòa án: Nó không có một giá trị pháp lý gì cả, và tòa án cũng không gửi tới bạn một thông báo hầu tòa. Nhưng Snitch Ticket phải làm ra vẻ như một Ticket thật, để buộc bạn chấp hành. Sau đây là những dấu hiệu cho phép bạn nghi ngờ rằng tấm giấy trên tay bạn chỉ là Snitch Ticket mà thôi: -Về ngôn từ, không bao giờ tờ giấy ấy ghi là “Notice to Appear” (thông báo hầu tòa). Thay vào đó, nó có thể dùng những chữ nghe rất “kêu,” như “traffic violation notice,” hoặc “notice of traffic violation” (thông báo vi phạm giao thông). -Không có địa chỉ tòa án. -Và lại có hàng chữ nhỏ ghi ở mặt sau “Xin đừng tiếp xúc với tòa án” (Don't contact the court) hoặc “đây không phải là giấy triệu tập” (This is not a summons). Thường bạn sẽ gặp cả 3 dấu hiệu này trên cùng một Snitch Ticket. Trong khi đó, một Ticket thực sự có thể không ghi đầy đủ địa chỉ tòa án, nhưng không bao giờ nói với bạn “Ðừng tiếp xúc tòa án” cả. Tiện đây, xin nhắc với các bạn rằng, cho dù người lái xe vi phạm là người khác, chứ không phải chính bạn (người chủ xe), thì bạn cũng có thể nhận được một “Notice of Appear,” một ticket thực sự. Khi đó, bạn phải chấp hành đúng thủ tục: Trình diện tại tòa theo thời hạn qui định để khiếu nại, hay để nộp phạt cho xong. Nhưng đó là một đề tài khác, chúng ta hy vọng có dịp đề cập về sau. Trở lại câu hỏi trên đây, Phạm Ðình cho rằng bạn đã biết chắc đó là Snitch Ticket rồi. Vậy xin mời bạn đọc tiếp phần sau: 1. Khai báo danh tính người lái xe vi phạm: Ðây là điều dễ nhất và nhiều khi rất cần thiết. Dễ là vì chỉ việc điền tên của cái người mượn xe bạn hôm đó. Dĩ nhiên, bạn biết tên đương sự chứ gì? Sau nữa, nó có thể cần thiết, bởi vì biết đâu đó sẽ là biện pháp giáo dục có hiệu quả. Nếu đương sự là con, cháu, hoặc một friend nào đó, hơn ai hết bạn hiểu rõ tính khí những người này. Cổ nhân mình có câu: “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ!” để mô tả những người bướng bỉnh, cố chấp, không chịu tôn trọng qui luật chung bao giờ. Rất tiếc, đó lại là một người thân mà bạn đã hết tình uốn nắn nhưng không hiệu quả. Ngày xưa, có những người vợ đã phải nói nhỏ với nhà chức trách để họ đưa ông chồng hút xách nghiện ngập của mình vào trại cai nghiện, bởi vì ở nhà “ổng quậy quá, không để cho ai làm ăn gì được.” Trên đường phố cũng vậy, một người lái xe cẩu thả, bất chấp luật lệ giao thông là một nguy cơ cho chính mình và rủi ro cho nhiều người khác. Một cái Ticket và có thể trừ thêm một điểm trên bằng lái, biết đâu sẽ là một bài học, đắt giá thật nhưng cũng đắt lời nữa, bởi vì nó có thể giúp đương sự cải sửa tính tình về sau. Như vậy không tốt lắm sao? Còn làm thế nào để khai báo mà không gây ra rạn nứt giữa bạn và đương sự? Chuyện đó tùy thuộc hoàn cảnh cá nhân, có pha chút tâm lý “chính trị” Phạm Ðình không dám lạm bàn... 2. Về phương diện luật pháp, Snitch Ticket chẳng có chút giá trị pháp lý nào cả. Theo tác giả trang mạng www.highwayrobbery.net thì bạn có thể lờ đi, không cần trả lời. Chuyện treo bằng lái, hay không cho tái đăng bộ để lấy sticker hằng năm thì không có đâu. Luật Sư Christine C Mccall cũng đồng ý như vậy. Nữ Luật Sư Susan Kayler, còn nêu lên rằng, luật Arizona đòi hỏi, giấy hầu tòa vì vi phạm giao thông, cũng phải được tống đạt (served) trực tiếp cho bị cáo, chứ không thể gửi khơi khơi qua bưu điện mà có giá trị được, huống hồ là một cái Snitch Ticket. Bà Kayler cho rằng mặc dầu người công dân tốt luôn luôn hợp tác với chính quyền, nhưng chúng ta cũng có bổn phận buộc chính quyền thực thi đúng vai trò của mình theo luật pháp, cụ thể là người tài xế không nên dễ dãi, từ bỏ cái quyền đòi hỏi chính quyền phải tống đạt trực tiếp giấy phạt cho mình. Trưng dẫn lời ông Benjamin Franklin, nhà khoa học trứ danh đồng thời cũng là một trong những “tổ phụ khai sáng” của nước Mỹ, rằng: “Những người dễ dàng từ bỏ sự tự do căn bản của mình để đổi lấy một chút bình yên tạm thời, thì chẳng đáng hưởng gì, cả tự do lẫn bình yên cũng không có,” Luật Sư Kayler muốn nhắc nhở chúng ta hãy đứng thẳng người lên, và khẳng định tư thế của mình trước luật pháp. Phạm Ðình
|