Nghệ Thuật Dạy Con |
Tác Giả: Thanh Thai | ||||
Chúa Nhật, 15 Tháng 7 Năm 2012 07:24 | ||||
Đứa con là một tác phẩm nghệ thuật và cha mẹ là những nhà nghệ sĩ. Nghệ sĩ có tài trau chuốt, điểm tô, tác phẩm sẽ tuyệt hảo. Nghệ sĩ vụng về nhưng chịu khó, cố gắng gọt giũa uốn nắn, tác phẩm nếu không xuất chúng thì cũng bình thường, dễ coi. Nhưng nếu người nghệ sĩ buông thả, không chịu để tâm chăm lo, săn sóc, để cho nó tự do phát triển, tác phẩm sẽ thui chột, chẳng ra cái giống chi, có khi còn làm nghệ sĩ điên đầu nhức óc, nhiều khi đau khổ. Bởi quan niệm trên, nên gần trọn cuộc đời dạy con mình, dạy con người, thu thập được đôi ba kinh nghiệm, tác giả gửi tặng quý vị thanh niên mới lập gia đình, gửi đến quý vị phụ huynh đang có vài ba tác phẩm nghệ thuật choai choai, mong sẽ giúp ích được quý vị phần nào trong việc dạy dỗ con cái, nhất là trong giai đoạn khó khăn của chúng ta hiện nay: gia đình Á Đông sống trong xã hội Mỹ. 1. Trước hết, chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng: “Con còn nhỏ đâu hiểu gì, để lớn lên sẽ dạy bảo nó.” Không đâu! Quý vị con nít cũng đáo để lắm đây, ngay từ khi nằm trong nôi đã có khuynh hướng “bắt nạt cha mẹ”. Này nhé, một em hỏ nếu cứ bồng bế hoài trên tay, sẽ la khóc đòi bế, không chịu cho đặt xuống giường. Ngược lại nếu cứ cương quyết đặt trong nôi, ít bế ẵm, bé quen đi sẽ ít quấy khóc. Ai bảo là bé không hiểu gì? 2. Việc giáo dục con cái không phải là việc làm trong một ngày, một tháng, một năm, hoặc tùy hứng mà phải là một việc làm thường xuyên, liên tục ngày này qua ngày khác, từ khi con còn nhỏ mới bắt đầu tập đi, tập nói, cho đến tuổi trưởng thành. Các cụ ta có câu: “Bé không vin, cả gãy cành” hoặc “Dạy con từ thuở còn thơ”. Cái cây mới mọc, thân mềm cành nhỏ, ta muốn uốn theo hình dáng thế nào cũng được, để lớn quá một chút, thân cứng cành chắc, làm sao mà uốn cho cành khỏi gãy? Đứa con cũng vậy, khi còn nhỏ đầu óc ngây thơ trong trắng, được cha mẹ uốn nắn dạy dỗ, chúng dễ ghi nhớ hơn. Chừng năm bảy tuổi, thói hư tật xấu đã nảy nở thành thói quen, sự dạy dỗ sẽ khó khăn gấp bội. 3. Hãy dạy con với lòng yêu thương êm ái. Hãy hết lòng thương yêu và tận tình chăm sóc con. Tình thương đó sẽ khiến tâm hồn con chúng ta được yên vui, bình tĩnh, không bị lạc lõng. Tình thương đó sẽ an ủi và nâng đỡ con chúng ta mỗi khi chúng gặp khó khăn ngoài đời. Nhưng đừng lầm lẫn tình thương với sự nuông chiều mù quáng. 4. Đừng nuông chiều con thái quá. Đứa trẻ được nuông chiều, muốn gì được nấy sẽ trở nên ích kỷ, đòi hỏi, không biết phải quấy, càng lớn càng gây khó khăn cho cha mẹ. 5. Hãy dạy cho con biết bổn phận con em trong gia đình. Ngay từ lúc còn nhỏ, hãy dạy cho con biết kính trọng, vâng lời, săn sóc, giúp đỡ cha mẹ, quý mến ông bà. Lại cũng hướng dẫn cho anh chị em phải yêu thương nhau, nhường nhịn và chia sẻ cho nhau. 6. Trong gia đình phải có kỷ luật, một thứ kỷ luật xây dựng. Chúng ta phải ấn định giờ học, giờ chơi, giờ phụ việc nhà, giờ ăn, giờ ngủ. Hãy chỉ bảo con cái thật rõ ràng, bắt buộc con phải tuân theo kỷ luật gia đình. 7. Hãy cố gắng để thì giờ với con: chơi đùa, nói chuyện với con, gây tình thân giữa cha mẹ con cái và cũng là tập cho con có tinh thần gia đình. 8. Phải công bằng với các con. Đừng yêu đứa này hơn đứa kia, đó là mầm mống chia rẽ giữa anh chị em, gia đình sẽ kém vui. 9. Hãy kiên nhẫn chỉ dạy cho con điều phải, sửa đổi cho con mỗi khi chúng phạm điều sai lầm. Con cái cần cha mẹ dạy bảo từ cách nói năng, cách đi đứng đến cách xử thế sao cho đúng thì sau này khi ra đời chúng mới biết cư xử đàng hoàng. Hãy luôn luôn khuyên con phải thành thật, tử tế với mọi người. Muốn như vậy thì chính mình phải cố gắng làm gương tốt cho con noi theo. 10. Hãy đối xử lịch sự với con. Hãy nói với con một cách ôn tồn hòa nhã. Đừng nên tiếc một lời khen hoặc một tiếng “cám ơn” khi con làm được một điều tốt hoặc một lời “xin lỗi” nếu quả thật điều mình làm là không phải. Đứa trẻ được đối xử lịch sự trong gia đình sẽ biết cách đối xử lịch sự với người khác. 11. Hãy biết “nghe” và chịu khó “nghe” con nói. Đứa con sẽ sung sướng khi thấy cha mẹ chịu dẹp bỏ quan niệm của mình để nghe “ý kiến” của con. 12. Hãy nhẹ nhàng khuyên nhủ con. Đừng la hét, đánh mắng, đừng nói nhiều quá, đừng nói dai quá, khiến đứa con quen đi, sẽ coi thường lời nói của cha mẹ, đôi khi còn sinh lòng oán hận. 13. Đừng bênh con một cách mù quáng. Nên sáng suốt hiểu rằng con mình không sao tránh khỏi lầm lỗi. Khi con mắc lỗi phải răn đe, đừng dung túng che đậy, để chúng ỷ thế càng làm càn, mà người lãnh hậu quả tai hại sẽ chính là mình. 14. Phải luôn luôn để ý đến ảnh hưởng bên ngoài, nhất là ảnh hưởng của chúng bạn. Ảnh hưởng này càng gia tăng khi đứa con càng lớn. Phải luôn luôn xem xét việc học hành của con, phải để ý từ cách ăn mặc, nói năng, giờ giấc đi về, đến những bạn bè mà chúng thường giao du. Nếu thấy có sự thay đổi khác thường, phải răn đe, sửa đổi, ngăn ngừa ngay. 15. Hãy luôn luôn nhắc nhở con em đừng quên rằng chúng có một Tổ Quốc thiêng liêng, nơi đã sinh ra tổ tiên, ông bà, cha mẹ chúng: đó là Tổ Quốc Việt Nam. Hãy tập cho chúng nhớ đến Tổ Quốc bằng cách nói chuyện cho con nghe về quê hương đất nước và dạy cho con nói tiếng Việt trong gia đình. Đó là những sợi dây vô hình, những chất keo thiêng liêng khiến gia đình thêm vững bền tồn tại, và cũng nói lên sức trường tồn của dân tộc ta. Sau chót khi con đã lớn khôn, đủ tuổi trưởng thành, hãy dần dần trả tự do cho con, đừng răn đe cấm đoán như khi còn nhỏ, để chúng có cảm giác thoải mái khi sống gần cha mẹ. Nhất là khi con đã có gia đình riêng, cha mẹ nên nhận thức là giai đoạn của mình dã hết, và nên tự ý rút lui, đừng áp đặt ảnh hưởng của mình lên con cái như khi chúng còn nhỏ, nhưng lại vẫn luôn luôn sẵn sàng bên con để giúp đỡ con khi chúng cần đến. Giáo dục con cái quả là một nghệ thuật: từ trẻ đến già lúc nào cha mẹ cũng à dòng suối ngọt cho con tìm đến, lại còn là một bổn phận, một trách nhiệm, một cố gắng không ngừng. Công việc thật không dễ dàng, cũng có lúc gây cho ta nhiều lo âu buồn bực, nhưng rồi chúng ta sẽ được đền bù, chúng ta sẽ được vui sướng hãnh diện vì con. Đó là phần thưởng vô giá cho chúng ta. Làm cha mẹ ai cũng chỉ mong có thế!
|