THƯ CHO CON PDF Print E-mail
Tác Giả: Giáo Già   
Thứ Sáu, 06 Tháng 1 Năm 2012 08:32

 
5 năm tù giam và 3 năm quản chế cho Bà Khương; đồng thời 2 năm tù giam và 2 năm quản chế cho Mục sư Tôn...

 

Mục sư Nguyễn Trung Tôn, Đỗ Nam Hải, mục sư Phạm Ngọc Thạch, Hồ Thị Bích Khương, Nguyễn Thu Trâm

  
 
Ngày 5 tháng 11 năm 2012

H,
Từ lâu lắm rồi, mỗi khi đề cặp đến chuyện Cộng sản Việt Nam vi phạm nhơn quyền, tự ý bắt giam người vô tội, giam cầm không cần xét xử; đến khi bị áp lực của dư luận phải đem ra xét xử thì lại xét xử theo Luật Rừng, mặc dầu chúng có cả một Rừng luật Xã hội Chủ nghĩa, nói theo nữ luật sư Ngô Bá Thành(?) của Việt Nam Cộng Hòa sau ngày 30.4.1975 đã hùa theo bọn Cộng sản Bắc Việt xâm lăng Miền Nam Việt Nam. Ðiển hình mới đây cho thấy, trong lúc mọi người chờ tiển đưa năm cũ 2011 đón mừng năm mới 2012 thì cái gọi là Tòa án Nhân dân thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, đã tổ chức xét xử Bà Hồ Thị Bích Khương và Mục sư Nguyễn Trung Tôn về tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo Ðiều 88 Bộ luật Hình sự của Cộng sản Việt Nam, vào sáng ngày Thứ Năm, 29.12.2011.
 
Theo tin được phóng viên Quỳnh Chi của đài Á Châu Tự Do [RFA] thì phiên tòa chỉ kéo dài 4 giờ đồng hồ với kết quả là 5 năm tù giam và 3 năm quản chế cho Bà Khương; đồng thời 2 năm tù giam và 2 năm quản chế cho Mục sư Tôn.

 Phát biểu với đài RFA Luật sư Hà Huy Sơn biện hộ cho bị cáo nói rằng: “Tôi không hài lòng về kết quả và không thấy thuyết phục từ phiên toà của hai thân chủ tôi”. Tham dự phiên tòa, Gia đình Mục sư Tôn có Bà Nguyễn Thị Lành, vợ MS Tôn; và con ông là Nguyễn Trung Trọng Nghĩa. Trả lời đài RFA ông Nghĩa cho biết:
“Trong phiên tòa có khoảng 170 công an. Tôi đếm thì thấy có khoảng 100 công an mặc sắc phục, còn có khoảng 50- 60 công an mặc thường phục đi quản lý
trong phiên tòa. Còn bên ngoài thì cũng có khoảng trên 200 công an nữa.” Nói về tình trạng sức khỏe của Mục sư Tôn và Bà Khương anh Nghĩa cho biết:
“Ba anh trông gầy đi và mặt thì đầy vết thương, còn Bà Bích Khương thì trông già đi và tinh thần có vẻ không ổn định. Tại phiên tòa, bà Khương đã liên tục chỉ
trích Ðảng Cộng sản và những thành phần tham nhũng của đất nước. Ngoài ra, trước lúc tuyên án, bà đã hát nhiều bài hát trong đó có bài “Khóc cho dân oan”;
cho nên bà bị mang ra ngoài ngồi chờ tuyên án...”.

Ðược biết MS Tôn 40 tuổi, và Bà Khương 44 tuổi, bị bắt tại Nam Ðàn, Nghệ An, vào ngày 15.01.2011. Sau đó, ngày 17.01.2011, công an đến khám xét nhà MS Tôn ở Thanh Hóa mà không có lệnh xét và tịch thu máy vi tính, các tài liệu tôn giáo, và 212 đĩa nói về Chúa Giêsu.
Cũng được biết thêm là Bà Khương đã được giải thưởng Hellman Hammet năm 2011 cùng với Luật sư Lê Trần Luật, nữ Luật sư Tạ Phong Tần và Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa. Ðây là giải thưởng thường niên được trao cho các nhà văn trên khắp thế giới, những người mà Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho là nạn nhân của đàn áp chánh trị hoặc lạm dụng về nhơn quyền.

Mục sư Nguyễn Trung Tôn và Bà Hồ Thị Bích Khương đều là thành viên hoặc từng là thành viên khối 8406, một tổ chức chánh trị được thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Theo nguồn tin từ gia đình, do gặp khó khăn từ phía chánh quyền, MS Tôn đã nộp đơn xin rút khỏi khối 8406 vào năm ngoái. Riêng trường hợp của Bà Hồ Thị Bích Khương, khởi thủy, bà là một dân oan và sau này tham gia lên tiếng cho dân oan. Ðến khi được đài RFI phỏng vấn Luật sư Hà Huy Sơn cho biết:
“Quá trình bắt giữ và xét xử Bà Hồ Thị Bích Khương và Ông Nguyễn Trung Tôn có nhiều điểm vi phạm Pháp luật Việt Nam... Bên cơ quan điều tra có những vi
phạm bộ Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam.

Thứ nhất là, cơ quan Công an không có thẩm quyền kiểm tra hành chính, nhưng ở đây cơ quan Công an đã vi phạm. Và thứ hai là có mâu thuẫn giữa bản cáo trạng của Viện kiểm sát với kết luận điều tra của Cơ quan An ninh Ðiều tra. Cáo trạng thì nói là cơ quan của huyện Nam Ðàn tiến hành, nhưng mà theo kết luận điều tra của Cơ quan An ninh Ðiều tra thì nói rằng lực lượng công an của tỉnh làm việc này, tức là có sự mâu thuẫn với nhau. Và tôi cũng nói lên tại tòa rằng trường hợp đối với anh Tôn, công an điều tra tỉnh Nghệ An đã làm việc không đúng thẩm quyền, vì anh Tôn không có hành vi gọi là ‘phạm tội’ ở địa bàn tỉnh Nghệ An, cho nên việc các cơ quan Tố tụng Ðiều tra Nghệ An tiến hành điều tra truy tố xét xử anh ấy là không đúng với Pháp luật Tố tụng Hình sự ở Việt Nam. Về mặt chứng cứ, tôi cũng đã nêu lên rằng, các bài viết của chị Khương và anh Tôn đều không nhắc đến các cụm từ ‘Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’. Trong các bài mà được Viện Kiểm sát đưa ra làm chứng cứ cáo buộc, đều không có cụm từ ấy. Nên tôi khẳng định là đã không có các cụm từ ấy thì không thể nói rằng các thân chủ của tôi tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Và tại phiên toà, hai bị cáo đều khẳng định là không có hành vi ‘chống’. Còn vấn đề chị Khương, trước phiên tòa xét xử, tôi có đề nghị giám định về mặt tình trạng
tâm thần của chị ấy, nhưng không được tòa chấp nhận. Mà, tại phiên toà chịcũng có những biểu hiện không bình thường.”

Tin vừa được tác giả Dũng Nguyên (Danlambao) cho biết: Một nguồn tin thân cận với gia đình Bà Khương cho biết là chắc chắn bà sẽ kháng án sơ thẩm. Ngoài ra, một cán bộ ở Sở Tư Pháp tỉnh Nghệ An cho hay: “Nếu anh Tôn chịu hợp tác và cam kết không hoạt động tôn giáo thì có khả năng chuyển qua án treo trong phiên xử phúc thẩm đến ”. Mặt khác, hình ảnh được đưa lên diễn đàn cho thấy “Bà Khương và MS Tôn đã nhiều lần bị công an hành hung gây thương tích”. Một cán bộ đề nghị không nêu tên thừa nhận rằng:
“Mức án trên nhằm răn đe những đối tượng khác nói xấu và chống đối đảng, nếu Bà Khương không viết báo hay không được trao giải thưởng Nhân quyền thì mức án có thể nhẹ hơn”.
Sau phiên xử Sơ thẩm, khi thấy trên khuôn mặt MS Tôn có nhiều vết tích, người nhà hỏi ông có bị tra khảo trong tù không thì 3 nhân viên an ninh đi kèm trừng mắt và đề nghị không được hỏi thăm chuyện trong tù.

Còn nhớ, Bà Hồ Thị Bích Khương, một dân oan, rồi đi vận động cho dân oan, sau đó tham gia vận động dân chủ, tham gia khối 8406, được trả tự do sau 2 năm tù. Bản tin được phóng viên Thiện Giao của đài RFA ngày 27.4.2009 cho biết Bà Bích Khương được trả tự do lúc 11 giờ sáng ngày 26.4.2009, thì chỉ vài giờ đồng hồ sau khi về đến nhà tại Nghệ An, qua sự giúp đỡ của nhà dân chủ Nguyễn Khắc Toàn phóng viên Thiện Giao đã thực hiện được cuộc phỏng vấn đầu tiên. Khi được hỏi “Trong tù, người ta đối xử với chị ra sao?” thì được Bà trả lời:
“Ngay ngày tạm giam là ngày 18.5.2006, Bích Khương bị 1 người tên là Hồ Trung Công đánh sặc máu mồm. Bây giờ Bích Khương vẫn còn giữ áo máu mang
về đây. Khi vào trại, vừa đang sắp đồ, thì một công an tên Phúc, lừ lừ nói ‘Con ni, mi có sắp vào hàng không?’ Ðang ngơ ngác vì không thấy có lệnh sắp hàng gì
cả, thì nó đá Bích Khương vào mặt. Bích Khương ném cái túi đang cầm vào chân. Nó đá Bích Khương ngã xuống đất. Nó tiếp tục dẫm lên mặt. Nó dùng dùi cui đánh vào người mình. Nó đánh đến 23 dùi cui. Bích Khương đau quá, không đếm được nữa. Nó tiếp tục đánh. Ðau quá, mình cong người lại, đầu nổi lên, thế là nó lấy chân đi giày dẫm vào mặt. Sau này, Bích Khương sờ vào là thịt cứ bóc ra khỏi gò má. Nó đánh mãi, cả 3 người cùng đánh. Một người tên Phan Văn Bảy, một người tên Phúc, người thứ ba về sau phạm nhân trong tù nói là Phan Văn Hùng... Họ đánh đến lúc Bích Khương ngất xỉu. Không biết bao lâu. Sau khi tỉnh dậy, thì người tên Bảy nói: ‘Tỉnh dậy đập nữa, không chết đâu mà sợ.’ Họ đưa Bích Khương vào trạm xá, đến buổi chiều chưa gượng dậy được. Họ đến, và Phan Văn Bảy tiếp tục lấy chùm chìa khóa mở cửa để đánh Bích Khương.

 Lúc này Bích Khương sưng hết cả người, mặt cũng sưng. Từ thắt lưng xuống đến phía dưới đầu gối tím đen. Không nằm được, quần không cúc lại được. Nó lại đánh
tiếp. Bích Khương cứ cố gắng chịu đựng. Rồi một trong 2 thằng Phúc và Bảy bảo 1 phạm nhân đi lấy dùi cui. Người này đang lưỡng lự, hắn nói to: ‘Tao đập mày
chết bây giờ.’ Người này chạy đi lấy dùi cui. Và Phan Văn Bảy tiếp tục đánh vào Bích Khương. Cứ tiếp tục chịu đựng. Thế rồi thằng tên Phúc nói: ‘Ðánh vào mắt
cá chân ấy.’ Bích Khương không hiểu tại sao. Có thể là vì vết thương phía trên nặng quá. Nó tiếp tục đánh vào 2 mắt cá chân. Một lát, nó nói: ‘Mày có mở
mồm ra không?’ Bích Khương không biết nó bảo mở mồm để làm gì. Về sau, Bích Khương hiểu ra. Khi họ đánh phạm nhân, thì phạm nhân xin chúng nó. Bích
Khương thì không xin. Nên nó đánh mãi. Lát sau, hình như họ mỏi tay, họ nói: ‘Không biết da thịt nó làm bằng gì?’ Thằng Phúc thì tiếp tục dùng chân đi giày
dẫm vào mặt Bích Khương. Dẫm đến ngẹt thở rồi bỏ đi, và nói: ‘Tuần sau vào làm việc đánh tiếp’.”

Khi được Thiện Giao hỏi: “Khởi thủy, chị là một dân oan, sau đó đi vận động giúp dân oan, rồi sau nữa tham gia các phong trào vận động dân chủ, tham gia khối 8406. Những hành động này có lẽ đã đưa chị đến hậu quả như chị vừa kể. Chị có hối hận về những gì đã làm không? thì Bà Bích Khương trả lời:
“Không! Bích Khương chỉ cảm thấy rằng mình chưa đổ hết sức lực của mình để tham gia đấu tranh. Mình chỉ tiếc là chưa đấu tranh hết sức mình. Thậm chí có
lúc che giấu đấu tranh của mình. Bích Khương không bao giờ ân hận. Bích Khương chỉ muốn được đấu tranh, mãi mãi đấu tranh, cho đến khi chết chứ
không thể dừng lại được nữa”.

Trường hợp Bà Hồ Thị Bích Khương được nhắc lại khiến dư luận nhớ tới trường hợp Bà Bùi Thị Minh Hằng, 47 tuổi, bị công an bắt ngày 27 tháng 11 bên ngoài Nhà thờ Ðức Bà
ở Sài Gòn với lý do bị cho là “gây mất trật tự công cộng.” Khi đó, Bà Hằng đang biểu tình trong im lặng để phản đối việc bắt bớ những người tham gia biểu tình ôn hòa ở Hà Nội trong buổi sáng ngày hôm đó. Ngay ngày hôm sau, công an đưa bà vào quản chế tại “Trại Cải Tạo” không qua tòa án xét xử. Việc này đã khiến Ðại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, ngày 5.12.2012 phổ biến bản Thông cáo nói rằng: “Ðại sứ quán Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc bởi những tin tức tường thuật rằng Bùi Thị Minh Hằng đã bị kết án không qua xét xử tới 2 năm giam giữ tại một Trại Cải Tạo ở Việt Nam vì đã tham gia vào một cuộc biểu tình ôn hoà. Sự việc không theo trình tự chuẩn mực này mâu thuẫn với cam kết của Việt Nam đối với Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu. Bùi Thị Minh Hằng đã tham gia vào các cuộc biểu tình ôn hoà liên quan đến Biển Ðông hồi năm ngoái. Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Việt Nam thả Bà Hằng và tất cả các tù chính trị, và khẳng định rằng không ai đáng bị bỏ tù vì thực hiện quyền tự do ngôn luận hay quyền hội họp ôn hoà hay bất cứ quyền con người nào được quốc tế công nhận. Hoa Kỳ vẫn thường xuyên thúc giục Chính phủ Việt Nam thả vô điều kiện mọi cá nhân bị bỏ tù vì bày tỏ
quan điểm của mình. Hợp tác về nhân quyền vẫn là một mặt quan trọng trong mối quan hệ song phương giữa hai nước. Chúng tôi tiếp tục thúc giục Chính phủ
Việt Nam tôn trọng nhân quyền được quốc tế công nhận” [Nguồn: Embassy of the US, Hanoi, Vietnam].

Trước đó một hôm, ngày 4.1.2012, tại New York, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền [HRW] phát biểu rằng chính quyền Việt Nam cần thả ngay nhà vận động Bùi Thị Minh Hằng và chấm dứt sách nhiễu chỉ vì bà đã biểu tình một cách ôn hòa. Tổ chức này nói: “Không có gì để biện hộ cho hành động của Chính quyền Việt Nam tống một người biểu tình ôn hòa vào một nơi thực chất là trại cưỡng bức lao động”. Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu:
“Quản chế Bùi Thị Minh Hằng không qua xét xử là biểu hiện ngang ngược của việc coi thường nhân quyền đối với cá nhân Bà Hằng cũng như bất chấp điều khoản bảo đảm Tự do Ngôn luận được ghi trong chính Hiến pháp Việt Nam.”

Ðược biết Bà Bùi Thị Minh Hằng là một nhà vận động cho quyền lợi về đất đai, trong thời gian gần đây trở nên nổi tiếng với tư cách một người phản đối Trung cộng. Bà đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối việc Trung cộng tuyên bố chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, diễn ra vào các ngày Chủ nhật từ tháng Sáu đến tháng Tám ở Hà Nội và Sài Gòn.
Luật sư của bà, ông Hà Huy Sơn, đã chứng minh các loại giấy tờ mà bà có, từ giấy chủ quyền nhà đến sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, đều cho thấy bà thường trú tại số 106 Lê Hồng Phong, phường 4, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa; do đó quyết định của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội áp dụng biện pháp đưa bà vào cơ sở giáo dục Thanh Hà, tỉnh Vĩnh Phúc, là hoàn toàn trái pháp luật. Ông đã gửi đơn khiếu nại nhưng chưa có phúc đáp. Ðiều này đã khiến người theo dõi thời cuộc nhớ tới các Trại Tù Cải Tạo được Cộng sản Việt Nam dựng lên để giam cầm các quân nhơn công chức Việt Nam Cộng Hòa ngay sau ngày Cộng sản Bắc Việt vừa hoàn tất cuộc xâm lăng Miền Nam Việt Nam 36 năm trước [ngày 30.4.1975].

Mặt khác, bản tin của Thanh Phương đài RFI cũng cho biết: “Ngày 27.11.2011, Bà Bùi Thị Minh Hằng, 47 tuổi, một trong những người từng tham gia các vụ biểu tình phản đối Trung cộng, đã bị bắt giữ và ngày hôm sau, bà bị đưa vào Cơ sở Giáo dục Thanh Hà, tỉnh Vĩnh Phúc, với thời gian cải tạo là 24 tháng. Trả lời phỏng vấn RFI ngày 04.01.2012, Luật sư Hà Huy Sơn, người đứng ra bảo vệ quyền lợi cho Bà Bùi Thị Minh Hằng, cho biết là tới nay, ông vẫn chưa được vào thăm thân chủ; và theo ông việc đưa Bà Bùi Thị Minh Hằng vào cơ sở giáo dục nói trên là trái với Pháp luật Việt Nam, cũng như trái với với các Công ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia”.
Ðồng thời, tin được hãng thông tấn quốc tế AFP nói rõ hơn là “Cộng sản Việt Nam đưa người biểu tình vào giam ở trại cai nghiện”. Riêng tin được đưa lên Diễn đàn DCVOnline nói rằng:
“...Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) có trụ sở ở Hoa Kỳ cho rằng những trung tâm cai nghiện của Việt Nam đã không cung cấp phương cách điều trị thích ứng và những trung tâm này có quá nhiều sự hành hạ thể xác. Bản báo cáo đặc biệt của Liên Hiệp Quốc mới đây lên tiếng kêu gọi Việt Nam đóng cửa những trung tâm này. HRW xác nhận quyết định nhốt bà Hằng theo luật mà phó giám đốc HRW đặc trách vùng Á châu ông Phil Robertson nói là đã cho thấy “mặt thật của cái gọi là Luật pháp của Việt Nam.” ...Việc bắt giam bà Hằng đã làm hơn hai chục người trí thức, bao gồm giáo sư, nhà văn và một vị tướng quân đội 96 tuổi gởi một lá thư ngỏ cho Chủ tịch Trương Tấn Sang vào cuối tháng 12 để yêu cầu việc thả tự do ngay lập tức cho Bà Hằng. Những người ký tên trong bản thỉnh nguyện thư này nói là Bà Hằng bày tỏ quan điểm của bà một cách ôn hòa và việc nhà nước đối xử với bà là vi phạm những Quy ước Quốc tế về Nhân quyền... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm tháng 11 kêu gọi Quốc hội nên có
Luật Biểu tình vì luật hiện hành có những khiếm khuyết. Bà Hằng ủng hộ đề nghị của Thủ tướng Dũng nhưng bà đã bị bắt trong lần xuống đường để bày tỏ sự ủng
hộ lời kêu gọi của ông Thủ tuớng Nguyễn Tấn Dũng”

Người chủ trì trang mạng Bauxite ở trong nước, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, hôm 31.12.2011,vừa lên tiếng với BBC cho rằng “bức thư ngỏ gởi Chủ tịch Trương Tấn Sang vào cuối tháng 12 để yêu cầu việc trả tự do ngay lập tức cho bà Hằng” là một đa thông điệp gửi tới các tầng lớp nhân dân, kể cả những ai quan tâm trên trường quốc tế, về việc “đang có tình trạng vô luật pháp” ở Việt Nam, thông qua điều mà ông và những người chủ trương bức thư soạn hôm 25.12.2011 gọi là “trái với đạo lý, trái với Hiến pháp, vi phạm Công ước Quốc tế về Quyền Con Người” khi “bắt giữ, bắt giam, hăm dọa công dân bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa”, qua việc cưỡng bức Bà Bùi Thị Minh Hằng vào “Trại Cải Tạo”.

Trong cuộc đấu tranh bất bạo động đòi hỏi nhân quyền cho Việt Nam, song song với 2 người phụ nữ nổi bậc nêu trên, cuộc đấu tranh của Cô Ðỗ Thị Minh Hạnh rất đáng
được vinh danh. Cô vừa được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQVN) trao giải Nhân Quyền năm 2011 tại Melbourne, Úc Ðại Lợi, cùng với Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, vào
đúng dịp kỷ niệm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 63 (10.12.2011).

Buổi lễ được tổ chức do sự hợp tác của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQVN) với Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam, Ðài Truyền Hình VNTV, Uỷ Ban Chống Tệ Nạn Buôn Người, Ðài Phát Thanh Viễn Xứ, Quỹ Tù Nhân Lương Tâm, và Khối 8406 Melbourne. Ðây là Giải thưởng được MLNQVN thành lập từ năm 2002 nhằm tuyên dương những cá nhân hoặc đoàn thể đã có những thành tích đấu tranh bất bạo động vì quyền làm người của nhân dân Việt Nam. Từ ngày thành lập đến nay đã có 24 cá nhân và một tổ chức được vinh danh. Do Ðỗ Thị Minh Hạnh đang bị Cộng sản Việt Nam cầm tù nên Cô Uyên Di đã thay mặt Ðổ
Thị Minh Hạnh nhận Giải Nhân Quyền Việt Nam do TS Nguyễn Bá Tùng trao ,với lời vinh danh “đã bất chấp mọi gian nguy và tù đày, kiên cường tranh đấu cho quyền của đồng bào lao động chống lại mọi bất công xã hội và bạo quyền”.

Dịp này, Cô Thiên Thư, thuộc Radio Viễn Xứ, đã làm toàn thể hội trường xúc động khi kể lại những gian khổ và hy sinh của Minh Hạnh trong các hoạt động đấu tranh cho quyền của đồng bào lao động. Ngoài ra, trong bài viết ngày 30.12.2011 về “Những vụ xử các nhà bất đồng chính kiến trong năm 2011” thông tín viên Ðịnh Nguyên của RFA cũng nói:
“Trường hợp Ðỗ Thị Minh Hạnh là trường hợp khá đặc biệt. Cô xuất thân từ gia đình có công với cách mạng. Khi cô bị bắt, gia đình dựa vào quan hệ này cố xoay
trở để giảm án cho cô. Nhưng cô đã khẳng khái từ chối. Cô nói với Mẹ rằng: ‘Má lấy thành tích cách mạng của gia đình để được hưởng những quyền lợi, để được
giảm án, chính là điều làm sỉ nhục đối với con, vô tình làm nhục con.’ Từ xuất phát điểm này, cô trở thành nhà bất đồng chính kiến khi tuổi đời còn rất trẻ. Năm
20 mươi tuổi bị bắt giam ở Hà Nội vì tội giúp đỡ dân oan kêu cứu. Năm 22 tuổi, cô tham gia giúp đỡ, hướng dẫn phong trào công nhân đình công tranh đấu với
giới chủ ở nhiều xí nghiệp công ty. Năm 24 tuổi cô bí mật vượt đường bộ qua Căm Bốt, Thái Lan để đến Mã Lai tham dự Ðại Hội kỳ 2 của Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam. Ðặc biệt cô là thành viên của Ủy Ban Hành Ðộng Vì Dân Chủ Việt Nam với bí danh Hải Yến trên cương vị phát ngôn viên. Nhưng thành tích nổi bật nhất làm cho cô trở thành “bị cáo” là vụ đình công của công nhân công ty giày Mỹ Phong tại Trà Vinh

Nhận được lời kêu cứu từ công nhân cô và hai người bạn là Ðoàn Huy Chương và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, len lỏi vào cơ xưởng công ty, vận động công nhân
đình công để phản đối giới chủ ăn chận tiền lương và tiền thưởng tết vào tháng 1/2010. Cuộc đình công kèo dài một tuần và kết thúc thành công. Ðiều quan
trọng là đây là lần đầu tiên vấn đề tổ chức công đoàn đòi hỏi phải thuộc về công nhân. Ðiều 6 trên tờ truyền đơn kêu gọi đình công nhóm của chị nêu rõ: ‘Công
đoàn công ty phải do chúng tôi bầu ra và chúng tôi sẽ trả lương bằng công đoàn phí đóng hằng tháng. Công đoàn phí phải do chúng tôi bầu ra và nắm giữ’.” Cùng nói về Ðỗ Thị Minh Hạnh, một bài viết được đưa lên diễn đàn đã ghi:
“...Thật ngạc nhiên, nếu bất cứ ai tham dự cả hai phiên tòa Sơ và Phúc thẩm, đều phải tròn xoe mắt trước phong thái của Ðỗ Thị Minh Hạnh, như một thiên thần trong bóng tối tù ngục. Trước pháp đình chiếc còng số tám trên tay như là một món “nữ trang” làm Minh Hạnh vô tư tự tin thêm chứ không là vật đánh bại nhân cách của mọi tù nhân! Trong đôi mắt tưởng chừng ngây thơ vô tư ấy nhìn thẳng vào mặt quan tòa khi nghị án như thay cho lời: ‘Vì công bằng và quyền lợi cho tất cả công nhân, dân oan nghèo, tôi vui lòng trả giá’.”

Cũng được biết thêm là Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch ở Mỹ trước đó đã kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do cho Ðỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Ðoàn Huy Chương. Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Châu Á của Tổ chức phát biểu:
“Việc chính quyền Việt Nam, vốn tự nhận là có hệ tư tưởng gắn bó với công nhân, kết án họ ở phiên Sơ thẩm đã là một việc tàn nhẫn. Tòa Phúc thẩm cần ngay lập
tức hủy bỏ quyết định bất công này”.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế xác nhận:
“Tất cả những gì mà Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Ðỗ Thị Minh Hạnh và Ðoàn Huy Chương làm chỉ là khẳng định quyền của công nhân Việt Nam được tổ chức,
nhóm họp và bãi công một cách ôn hòa để đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc”.

Nhà thơ Trần Trung Ðạo trong bài “Những cánh én của mùa xuân dân tộc”, đăng trên danlambao, ngày 23.11.2011, đề tặng “Ðỗ Thị Minh Hạnh, Trịnh Kim Tiến, Huỳnh Thục Vy (nhà văn nữ đang bị Cộng sản Việt Nam trù giập gắt gao, GG ghi chú)” đã viết: “Sức sống của một dân tộc hôm nay như một dòng sông chảy ngầm trong lòng đất, chảy trong kiên nhẫn, chịu đựng, gian nan, tức tưởi. Nhưng vẫn chảy. Trịnh Kim Tiến, Ðỗ Thị Minh Hạnh, Huỳnh Thục Vy đến từ các miền khác nhau, không hẹn hò và có thể chưa biết nhau trước đó, nhưng khi chuyến tàu lịch sử dừng lại bên sân ga thế hệ, các em đã chọn bước lên như hai ngàn năm trước hai người phụ nữ đất Mê Linh chọn lựa. Và các em, bè bạn các em, thế hệ các em chứ không ai khác sẽ là những người tìm ra công lý, dân chủ, văn minh đích thực cho dân tộc Việt Nam... Trịnh Kim Tiến, tên em gắn liền với những biến cố vui buồn của đất nước trong gần một năm qua.
Dòng nước mắt em khóc cha, ông Trịnh Xuân Tùng, bị công an đánh chết, làm bao nhiêu người Việt Nam trong và ngoài nước khóc theo. Nhìn tấm hình em khóc, tôi cảm thấy thương em vô cùng vì trong giọt nước mắt của em có bóng của đời mình...” Từ đó, Trần Trung Ðạo đã làm thành lời thơ não nuột:

“Khi em khóc cha bị Công An đánh chết
Ðồng bào khóc cùng em
Thanh niên, sinh viên, học sinh khóc cùng em
Sài Gòn khóc cùng em
Hà Nội khóc cùng em
Trong nước khóc cùng em
Ngoài nước khóc cùng em
Những giọt nước mắt chảy vào sông
Sông mỗi ngày thêm rộng
Những giọt nước mắt hòa trong biển
Biển mỗi ngày mặn hơn
Những giọt nước mắt nhỏ trên cánh đồng khô
Ðất mỗi ngày thêm màu mỡ.
Có dân tộc nào trên trái đất này
Lịch sử được đong bằng nước mắt
Nguyễn Trải khóc cha bên ải Nam Quan
Ðặng Dung khóc cha trước khi trầm mình xuống biển
Người con gái của anh Ngụy Văn Thà khóc cha ngã xuống ở Hoàng Sa
Người con gái của anh Trần Ðức Thông khóc cha ngã xuống ở Trường Sa
Những người mang trên lưng nhiều quá khứ
Nhưng hy sinh vì một tương lai”.
(Bài thơ cho người con gái xuống đường, thơ Trần Trung Ðạo)

Ðiều rất đáng ngưỡng mộ là vài tuần sau, nhìn Kim Tiến mỉm cười cùng các bạn hiên ngang đi giữa lòng chế độ độc tài, lòng Trần Trung Ðạo chợt dâng lên niềm hãnh diện, thơ của Trần Trung Ðạo tiếp tục:

“Khi em xuống đường vì Hoàng Sa, Trường Sa
Ðồng bào bước cùng em
Thanh niên, sinh viên, học sinh bước cùng em
Sài Gòn bước cùng em
Hà Nội bước cùng em
Trong nước bước cùng em
Ngoài nước bước cùng em
Có dân tộc nào trên thế giới này
Lịch sử được đo bằng những đôi chân bước
Từ chiếc khố che thân với hai bàn chân rỉ máu
Cuộc hành trình gian nan về phương nam của tổ tiên hơn bốn ngàn năm”.
(Bài thơ cho người con gái xuống đường, thơ Trần Trung Ðạo)

Ðây là ba con én của mùa xuân Dân tộc (từ trái qua): Minh Hạnh, Kim Tiến và Thục Vy.


Trần Trung Ðạo, từ Boston, Hoa Kỳ, ngày 17.3.2011, cũng đã làm bài thơ riêng cho Ðỗ Thị Minh Hạnh, xin được ghi lại nơi đây đoạn cuối:

Lịch sử đang chờ em để bước sang trang
Dân tộc vịn vai em để đi cùng nhân loại
Những người chết đang bắt đầu sống lại
Những người đi đang lần lượt quay về.
Giữa quê người còn một bài thơ
Viết cho em bằng những dòng hy vọng
Ðừng gục xuống, đừng than thân trách phận
Hãy mỉm cười như một chuyến đi xa
Mẹ sẽ chờ em dù năm tháng trôi qua
Sông núi chờ em trong ngày hội lớn.
Những uất hận ngày nào chảy theo dòng sông Hát
Ðang trở thành những lớp phù sa.

Một số vấn đề tiêu biểu vừa được trình bày cho thấy sự thật Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã và đang nhắm vào các nhà đấu tranh bất bạo động; nhưng họ bất chấp, họ đã đạp qua nỗi sợ và mạnh chân bước tới, cho dầu tình hình đàn áp chưa có chỉ dấu chấm dứt như nữ Luật sư Lê Thị Công Nhân [xem hình] từng là tù nhân lương tâm nhận xét.Tuy nhiên, theo nhận xét của người Luật sư lúc nào cũng đương đầu với bạo lực đàn áp nhân quyền này thì “Sự đấu tranh tất yếu sẽ thành công, vấn đề là thời gian”, Cô nói:
“Quy luật của đấu tranh, bất kỳ một cuộc đấu tranh nào cũng có sự hy sinh. Những con người uy tín như vậy họ đã dám lên tiếng và hy sinh, tôi nghĩ tương lai của phong trào đấu tranh cho dân chủ chắc chắn sẽ thắng lợi, và thắng lợi đó cũng sẽ đến sớm thôi. Ðối với vận mệnh của cả một dân tộc với cả trăm triệu người thì đơn vị thời
gian cũng sẽ lâu dài một chút.”
Giờ đây, bước qua năm mới, không chỉ có năm ba con én của Mùa Xuân Dân Tộc, không chỉ có những phụ nữ tiêu biểu của Mùa Xuân Dân Tộc, mà niềm hy vọng đang như buổi bình minh rạng sáng từ cuộc đấu tranh của họ rộn rịp theo nhận xét của người tù lương tâm Lê Thị Công Nhân bất chợt khiến Giáo Già nhớ ngay tới hai câu cuối của bài thơ của Thiền sư Mãn Giác:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai
được David Lý Lãng Nhân dịch là:
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Ðêm qua sân nở một cành mai
 
Hẹn con thư sau,

Giáo Già