Home Đời Sống Đạo vào Đời Sách ĐẠO VÀO ĐỜI - Bài 8 - Cám ơn

Sách ĐẠO VÀO ĐỜI - Bài 8 - Cám ơn PDF Print E-mail
Tác Giả: Tiến Sĩ TRẦN AN BÀI   
Chúa Nhật, 02 Tháng 11 Năm 2008 01:44

Trong ánh sáng mờ ảo của ba cây nến và chiếc đèn chùm treo trên trần, không khí căn phòng ăn thật êm đềm và ấm cúng. Cha mẹ và năm người con quây quần chung quanh chiếc bàn ăn hình bầu dục với chén, bát, đũa, thức ăn... bầy biện thật thịnh soạn.

Nhưng nồi cơm hôm nay có mùi khê, và khi mỗi người gắp thức ăn thử miếng đầu tiên, họ đều đặt bát xuống, nhăn mặt, nhìn nhau.

Người con lớn nhất hỏi mẹ:

- Sao gà xào xả ớt hôm nay mặn quá vậy mẹ?

- Mẹ vừa mua muối, nên lỡ tay đổ cả nửa bịch muối vào nồi thịt đó con!

Cô gái út nói:

- Thế còn món canh cải, sao mà chua lèo à!

- Ấy! Mẹ quên nên đổ cả một gallon dấm vào đó.

Có tiếng cậu con trai thêm vào:

- Món cá sao tanh quá, mẹ ơi!

- Ừ! Cá đó chưa chín đâu, con ơi!

Mọi người đều hết sức ngạc nhiên về cách thức nấu nướng khác thường của người nội trợ này. Ông chồng hỏi:

- Sao hôm nay em làm bữa ăn kỳ cục vậy. Món gì ăn cũng không được?

Tới lúc này bà mẹ mới ôn tồn giải thích:

- Đã gần 30 năm làm vợ và làm mẹ trong gia đình này, mỗi ngày em phải sửa soạn ba bữa ăn. Một tuần nấu nướng đủ bẩy ngày. Chừng ấy năm trời bố con ăn uống mà chẳng biết có vừa miệng không, nên hôm nay em thử làm khác đi chút xíu để xem tài thưởng thức các món ăn của bố con anh ra sao?

 

Bạn thân mến,

Bà nội trợ dòng dã suốt 30 năm trời phục vụ bếp núc cho chồng con mà không hề nhận được một lời khen hoặc một lời cám ơn. Họ chỉ biết lầm lũi ăn. Ăn xong, thản nhiên đứng lên. Trái lại, hễ ăn không vừa miệng là lên tiếng chê. Ngôn ngữ Việt Nam có biết bao nhiêu chữ ngắn gọn, dễ nói như: "Ngon quá! Cám ơn..." mà sao chúng ta lại quá ư hà tiện khi xử dụng những tiếng này.

Đừng quên lời khuyên xưa của tổ tiên: "Uống nước nhớ nguồn".

Chúng ta phê bình, chỉ trích, trách móc, mắng mỏ người khác thì hầu như không tiếc lời. Trái lại, chúng ta lại rất hà tiện, keo kiệt, đắn đo, thận trọng quá mức khi phải khen hoặc cám ơn người khác, dù chỉ bằng lời nói suông, chứ chưa phải là hành động.

      Hà tiện trong lời cám ơn đó cũng là một hình thức vô ơn vậy.