Home Đời Sống Đạo vào Đời Sách ĐẠO VÀO ĐỜI - Bài 4 - Câu chuyện thương tâm của một thuyền nhân

Sách ĐẠO VÀO ĐỜI - Bài 4 - Câu chuyện thương tâm của một thuyền nhân PDF Print E-mail
Tác Giả: * Tiến Sĩ TRẦN AN BÀI   
Thứ Tư, 08 Tháng 10 Năm 2008 10:29

(Bài tường thuật đau thương của ông Vũ Duy Thái, một thuyền nhân tỵ nạn tại Đông Nam Á)

Nếu trên trái đất này có nhiều chuyện thương đau, thì hoàn cảnh của gia đình tôi nên kể là một trong những chuyện thương đau nhất. Tôi đã trải qua những giây phút thảm sầu, đã đớn đau đến cùng cực. Nhưng sở dĩ tôi còn được đứng vững được đến ngày hôm nay, vì tôi tin rằng: "Mọi sự ở trên đời này đã do bàn tay của Chúa xếp đặt."

Tôi tên là Vũ Duy Thái, sinh ngày mồng 2-10-1936 tại Hóa Lộc, Tuyên Sơn, Ninh Bình, Bắc Việt. Tôi di cư vào Nam năm 1954, và lập gia đình vào ngày 6-4-1958 ở xứ An Lạc, Gia Định. Chúng tôi được tất cả 7 cháu.

Là một gia đình Công Giáo ngoan đạo, các con tôi đã được thụ hưởng một nền giáo dục nằm trong tình yêu thương của Thiên Chúa. Do đó, không bao giờ chúng tôi có thể sống dưới ách độc tài, đàn áp, vô thần của Cộng Sản. Vì thế chúng tôi đành bỏ nước ra đi.

Chuyến vượt biên lần thứ nhất, vợ chồng tôi cho ba cháu trai đầu đi trước. Tầu khởi hành tại Bạch Đằng, Sài Gòn vào ngày 1-10-1978, chở theo 130 người; nhưng chỉ được bốn ngày thì chết máy. Ghe lạc vào một đảo san hô đầy đá ngầm thuộc đảo Bành Hồ, Đài Loan. Sống ở đó 50 ngày liền, thực phẩm không có, số người chết đói tăng dần, và những người sống sót đành phải xẻ thịt người chết để ăn cho đỡ đói.

Hai cháu lớn của tôi là Vũ Duy Thanh và Vũ Duy Trung đã bị rơi vào hoàn cảnh cực kỳ bi đát này. Các cháu đã chết, và xác các cháu đã bị người đồng ghe ăn thịt. Mãi đến 7 giờ sáng ngày thứ 50, trên đảo mới có tàu đánh cá Đài Loan đến cứu. Cả ghe 130 người chỉ còn sống sót có 60 người; nhưng trên đường đi từ đảo san hô vào Đài Loan lại thêm một số người chết nữa vì quá kiệt sức. Rút cục khi đặt chân lên đất liền ở Đài Loan chỉ còn 34 người còn sống sót, trong số đó, có đứa con trai thứ ba của tôi là Vũ Duy Tuấn và đứa con đỡ đầu của tôi là Trịnh Vĩnh Thụy.

Trước thảm kịch có hai người anh ruột bị chết thảm, cháu Tuấn vì sợ bố mẹ đau buồn nên đã giấu biệt tin tức. Mãi đến ngày 20-12-1979, một người bạn của tôi tên là Đỗ Minh Lụy ở Mỹ viết thư báo tin, gia đình tôi mới được rõ tin tức về chuyến đi kinh hoàng đó.

Vào đúng thời điểm này, gia đình chúng tôi lại đang chuẩn bị vượt biên lần thứ hai. Chúng tôi dâng lễ cầu nguyện ba ngày liền cho hai cháu ở nhà thờ An Lạc, Chí Hòa. Rồi mặc dù vô cùng đau đớn, chúng tôi vẫn tiếp tục xúc tiến cuộc hành trình vượt biển với cả gia đình. Chúng tôi rời Sài Gòn vào ngày 28-12-1979 lúc 4 giờ sáng để đi xuống Rạch Giá. Qua 4 giờ sáng ngày 29 tháng 12 thì ghe của chúng tôi ra khơi.

Dài 13 mét, ngang 2 mét rưỡi, chở 120 người. Ghe chạy tới 7 giờ chiều ngày 30-12-1979 thì gặp hải tặc Thái Lan, trên tàu cướp có treo cờ Thái Lan, sáp lại cướp lần đầu, cướp xong chúng bỏ đi. Sang 8 giờ sáng ngày 31 tháng 12 lại gặp một tàu cướp khác, lần này cướp xong chúng phá máy tàu. Một chuỗi 8, 9 tiếng nổ phát ra ở hầm máy làm chiếc

ghe lập tức bị chao đi và chìm lỉm ngay 5 phút sau đó. Tất cả mọi người trên ghe đều la khóc kinh hoàng vào giây phút cực kỳ khủng khiếp này. Vợ chồng chúng tôi không nói được với nhau câu nào. Tôi chỉ còn nhìn thấy nhà tôi với nét mặt hết sức kinh hoàng thảm khốc. Rồi tôi cúi xuống hôn hai con út của tôi là cháu Tài và cháu Trí. Tôi nghe thấy tiếng cháu Thùy la lên: "Cha ơi! Chú Tuynh kìa", và tiếng Trang kêu lên: "Cha ơi! chết rồi", rồi ghe chìm lỉm.

Lúc ấy nhà tôi ở bên cạnh tôi nhưng nhà tôi không hề níu kéo lấy tôi. Đây là cử chỉ hy sinh cao cả cuối cùng của nhà tôi dành cho chồng con. Nhà tôi không muốn tôi bận bịu, vướng mắc giữa sóng biển để có cơ hội cứu các con. Khốn thay! Một cơn sóng độc ác đã ùa tới nhận chìm tất cả những người thân yêu của tôi. Tôi không còn nhìn thấy ai nữa, chỉ có sóng nước ngập đầu. Ngay lúc đó tôi được một người cháu tên Phương níu tôi lại và cho tôi bíu vào một cái can nước. Tôi ôm cái can một cách hoàn toàn theo bản năng, và lúc tôi mở được mắt ra thì tôi thấy nhà tôi nổi vật vờ ngay trước mắt, rồi sau đó tôi ngất đi không còn biết gì nữa. Khi tỉnh dậy tôi thấy mình nằm trên tàu hải tặc, bên cạnh tôi là hai em Hùng và Châu đang làm hô hấp nhân tạo cho nhà tôi, chắc là vừa được các em vớt lên, tôi cũng cố gượng ra phụ giúp nhưng bọn hải tặc ra hiệu phải hất nhà tôi xuống biển.

Thật không còn gì tan nát hơn lòng tôi lúc đó. Tôi nhào lại ôm nhà tôi vào lòng, đau đớn nhìn nhà tôi, hai mắt vẫn còn mở nhưng thân hình đã bất động, bọt mép xùi ra, tôi đã dùng tay vuốt cho hai mắt của nhà tôi khép lại, rồi tôi khiêng ở đầu hai em Hùng và Châu khiêng ở chân hạ nhà tôi xuống biển. Đó là lần cuối cùng tôi ở bên cạnh nhà tôi, những giây phút đớn đau nhất của một đời người. Một cơn sóng lại ập tới. Biển xanh bao la đầy sóng dữ đã vĩnh viễn lôi cuốn đi người vợ yêu quí nhất đời của tôi, không bao giờ tôi còn gặp lại, không có cả một nấm mộ để tôi lui tới viếng thăm người quá cố. Một thoáng lay động trên mặt biển rồi vĩnh viễn chia lìa, vĩnh viễn không còn thấy nhau.

Ôi! Đớn đau nào bằng sự đớn đau mà tôi phải chịu đựng. Tất cả những người thân yêu đã mất đi trong khoảnh khắc. Khi chết, nhà tôi mặc một cái quần đen, một cái áo "măng ta guy" đen. Nét mặt nhà tôi không tỏ vẻ đau đớn gì, chỉ có nét hoảng hốt thoáng qua trên khuôn mặt bình thản. Đó là hình ảnh của nhà tôi mà tôi ghi nhớ được trước giây phút ngàn năm vĩnh biệt. Kiểm điểm lại, chẳng những nhà tôi chết trên biển mà tất cả bốn đứa con của tôi cũng đều chết đuối hết: cháu Thanh Thùy, cháu Thùy Trang, cháu Duy Tài và cháu Duy Trí, những người thân yêu nhất đời của tôi đã vĩnh viễn đi vào lòng biển sâu.

Tôi tưởng rằng nếu trên đời này có những thảm họa đớn đau nào thì thảm họa giáng xuống gia đình của tôi kể là một trong những thảm họa lớn nhất, khủng khiếp nhất, vượt quá sức chịu đựng của một con người.

Cùng số phận với nhà tôi và các con tôi, còn 65 người đi cùng ghe cũng đã bị chết chìm. Cả thảy 70 sinh mạng đã chết dưới bàn tay bạo tàn của hải tặc. Số còn lại được tàu hải tặc đưa vào đảo Kra, một hòn đảo nằm chơ vơ giữa biển cả trong vịnh Thái Lan. Đảo này bây giờ trở thành địa ngục của dân Việt Nam tỵ nạn bằng thuyền. Bởi vì bất cứ ai được đưa vào đây đều trở thành nạn nhân do hải tặc bạo hành: tra tấn đàn ông để khảo của và bắt chỉ chỗ trốn của phụ nữ; còn phụ nữ phải trốn trong hốc núi, trong rừng sâu hay dưới vách đá ngầm ngoài bãi biển. Nếu họ bị hải tặc phát giác thì sẽ bị hãm hiếp tập thể liên tục cả ngày lẫn đêm. Trên đảo có nhiều dấu tích thảm thương của những đồng bào đi trước để lại, như những hàng chữ viết lên vách đá, những mớ tóc đàn bà vương vãi rải rác mọi nơi; chắc là những mớ tóc cắt ngắn đi để giả trai, và cả những xác thuyền, những ngôi mộ đã bỏ xác ở đó.

Chúng tôi được đưa lên đảo vào lúc 6 giờ chiều ngày 31-12-1979. Lòng đau đớn, thân xác rã rời, bệnh hoạn, các em tôi phải kiếm cỏ khô trải thành nệm cho tôi nằm, lo tìm thức ăn cho tôi ăn, và vì tôi quá đau ốm, nên chú Chiến đã chịu khó đi mày mò ở khắp mọi chỗ, bón nhặt những nơi có vật dụng vương vãi của đồng bào đi trước bỏ lại để tìm những viên thuốc cho tôi uống.

Sáu ngày trên đảo là sáu ngày buồn thảm, kinh hoàng: đói, lạnh và những nỗi nhớ thương, đau đớn đến tận cùng cực của tâm hồn. Trong khi ấy, các phụ nữ đi cùng ghe vẫn phải lẩn trốn như những con vật vô phương tự vệ trước những cuộc lùng xục bạo tàn của hải tặc.

Đến ngày 6 tháng 1 năm 1980, chúng tôi được Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đón vào quận Natphana. Ở đó 18 ngày làm thủ tục với cảnh sát Thái Lan thì tôi được về nhập trại Songkla ngày 23 tháng 1 năm 1980.

Hôm nay, ngày 10 tháng 4 năm 1980, ngày thứ 100 nhà tôi và các cháu chết trên biển.

Lạy Chúa! Xin Chúa hãy cứu vớt linh hồn vợ con, các con của con để đưa tất cả về nơi an nghỉ, bình an, hạnh phúc đời đời nơi nước Chúa.

Xin Chúa hãy giúp con đầy đủ can đảm để đứng vững sau cơn gió bão khủng khiếp nhất của đời mình, để con còn đủ minh mẫn, đủ sức khỏe để lo lắng cho đứa con trai duy nhất của con hiện đang sống ở Đài Loan. Con đã chịu đau đớn, tang thương quá nhiều. Con cầu nguyện ơn Chúa ban xuống cho tất cả thân nhân còn lại của con, các đồng bào của con, những người sẽ vượt biển ra đi đều được bình an tới bờ bến an toàn.

Con cầu xin, rồi một ngày kia, con cũng sẽ gặp lại đầy đủ mọi người thân yêu ở nơi nước Chúa trên Thiên Đàng.

Songkla, ngày 10-4-1980,

VŨ DUY THÁI

Bạn thân mến,

Qua bức thư này, chúng ta ghi nhận hai điểm đặc biệt sau đây:

1) Dù được tin 2 đứa con trai đã chết khi vượt biên và xác bị những người sống sót ăn thịt, gia đình ông Vũ Duy Thái vẫn lên đường vượt biên lần thứ hai để tìm Tự Do. Tự Do là một khát vọng rất mạnh mẽ tàng ẩn nơi con người. Nhiều người đã liều chết để mong tìm được tự do. Cộng sản đã chà đạp tự do con người nên chủ thuyết đó không tồn tại lâu bền.

2) Trước thảm cảnh vợ chết, con chết một cách vô cùng thương đau, ông Vũ Duy Thái đã không thất vọng, không than van; trái lại, ông đã vượt thắng tất cả, nhờ vào đức tin và tinh thần phó thác nơi bàn tay Chúa Quan Phòng. Ông quyết chí phấn đấu với cuộc đời gian khổ để nuôi đứa con trai duy nhất còn lại và mong sẽ được đoàn tụ với gia đình nơi Thiên Đàng sau này. Chỉ có tôn giáo mới có thể đem lại nguồn an vui và hạnh phúc cho con người trong lúc cùng cực khốn khổ.