Sinh viên Mỹ: Tự tin, nhưng thiếu kinh nghiệm |
Tác Giả: Lê Tâm (theo CSMonitor) | |||
Chúa Nhật, 26 Tháng 8 Năm 2012 17:00 | |||
Nhiều sinh viên hiện nay đang theo học những ngành không phải là điều họ ưa thích nhất Sinh viên Hoaky (hình minh họa) HOA KỲ - Ðối với các sinh viên đại học ở Mỹ ngày nay, trong hoàn cảnh kinh tế èo uột và triển vọng công ăn việc làm ngày càng ít, mục tiêu chính của việc đi học là để tăng khả năng kiếm tiền. Nhưng giới chủ nhân lại than phiền rằng sinh viên mới ra trường lại không được chuẩn bị kỹ càng cho môi trường làm việc thật sự. Các sinh viên đại học Mỹ ngày nay đang phải đối diện với cuộc suy trầm kinh tế lâu dài, nhưng cho thấy tinh thần tự tin đáng kể, dù rằng điều này có thể không đi cùng với khả năng chuyên môn để sống còn trước thực tế khó khăn ngoài đời. Theo cuốn sách mang tên “Generation on Tightrope: A Portrait of Todays College Students” (Thế Hệ Ði Dây: Chân Dung của Các Sinh Viên Ðại Học Ngày Nay), do ông Arthur Levine, chủ tịch cơ quan Woodrow Wilson National Fellowship Foundation và Diane Dean, giáo sư ngành Giáo Dục đại học Illinois State University, cùng soạn thảo thì các sinh viên thời này có thể gặp khó khăn đương đầu với một nền kinh tế nhiều cạnh tranh, vì họ “thiếu khả năng đối phó với nghịch cảnh, hay ngay cả với những gì cứ tưởng là nghịch cảnh,” theo ông Levine. “Bất cứ khi nào họ gặp khó khăn, là có cha mẹ giúp đỡ ngay lập tức,” theo cuốn sách, vốn đưa ra các đề nghị hướng dẫn các đại học, giới chủ nhân và các bậc cha mẹ trong việc hỗ trợ giới sinh viên thăng tiến hơn. Có tới 67% các sinh viên đang học bậc Cử Nhân nói rằng lợi ích chính của cấp bằng đại học là gia tăng khả năng kiếm tiền, so với chỉ có 44% nhận định như vậy vào năm 1976. Ðiều này thật ra chẳng đáng ngạc nhiên vì đó là ảnh hưởng trực tiếp của tình hình kinh tế: có tới 60% sinh viên nói rằng suy thoái kinh tế khiến họ thay đổi việc chọn ngành học. Nhiều sinh viên hiện nay đang theo học những ngành không phải là điều họ ưa thích nhất. Khoảng 23% sinh viên cho hay họ định theo ngành thương mại, nhưng chỉ có 7% trong số này nói rằng đây là nghề mà họ thật sự mong muốn theo đuổi. Trong khi đó, chỉ có 6% sinh viên cho hay sẽ đi theo ngành nghệ thuật, dù rằng có tới 11% nói rằng đây là ngành họ ưa thích. “Các sinh viên nay trở nên thực tế hơn trong việc gắn liền ngành học với sự nghiệp và tài chánh,” theo lời Dennis Craig, phó giám đốc đặc trách ghi danh sinh viên tại Purchase College, trực thuộc trường đại học State University of New York. Dù nền kinh tế khó khăn, có tới 89% sinh viên bày tỏ sự lạc quan về tương lai của mình. Sự lạc quan này một phần có thể được thúc đẩy bởi tình trạng lạm phát điểm số, với khoảng 41% sinh viên có điểm trung bình là A - hay cao hơn, so với chỉ 7% trong năm 1969. Giới chủ nhân than phiền rằng các sinh viên mới ra trường thời gian gần đây thiếu hẳn sự hiểu biết về cách hành xử căn bản nơi sở làm. Ông Levine cho hay đã từng nghe các câu chuyện như người nhân viên gởi email cho sếp để nói rằng họ muốn làm việc từ nhà vì trời quá đẹp, hay đòi tăng lương chỉ sau một tuần lễ vào làm. “Giới chủ nhân phải huấn luyện nhân viên mới kỹ càng hơn, nói rõ cho họ biết về luật lệ... và thường xuyên cho họ các nhận định về khả năng làm việc của họ,” ông nói. Về phần các sinh viên, họ cần phải học cách sống tự lập hơn và sáng tạo hơn, theo ông Levine. Ðiều đó có nghĩa là giới phụ huynh phải để cho con em mình có các lựa chọn của chúng sớm hơn trong đời sống. Cuốn sách này nói rằng có tới 27% sinh viên bậc cử nhân thú nhận đã nhờ cha mẹ can thiệp mỗi khi có trở ngại với giáo sư hay sếp ở sở làm. Có tới 66% các đại học Mỹ báo cáo là có sự gia tăng trong sự can dự của cha mẹ vào mọi khía cạnh đời sống của các sinh viên, từ đòi hỏi giáo sư phải giải thích tại sao có điểm thấp cho đến hỏi nhà trường làm thế nào để thay thế thẻ sinh viên bị mất. Sự liên lạc thường xuyên giữa sinh viên và cha mẹ - có tới 41% sinh viên cho hay đã text, email, gọi điện thoại hay gặp cha mẹ hàng ngày - là điều tốt, vì khiến các sinh viên tin tưởng vào sự cố vấn của cha mẹ hơn, theo ông Craig. “Ðiều không tốt là các sinh viên do đó có khuynh hướng ỷ lại, không chịu tự suy nghĩ cho chính mình,” ông nói. “Nếu họ không trở thành người lớn khi theo học đại học thì đợi đến khi nào đây?” Sự xuất hiện tràn lan của các trang mạng xã hội cũng khiến các sinh viên đôi khi thiếu khả năng nói chuyện trao đổi khi đối diện với người khác. Các bạn sống cùng phòng, nhiều khi đang ngồi trong phòng với nhau nhưng lại bày tỏ những gì không đồng ý qua các text. Tuy nhiên, ở một phương diện khác, các trang mạng xã hội cũng góp phần tạo sự cảm thông giữa các sinh viên từ ngay trước khi họ bước chân vào trường, qua trang Facebook chẳng hạn.
|