Home CĐ Việt Du Học Mỹ Đại Học Mỹ Sinh viên Mỹ ngày càng oằn vai dưới gánh nặng học phí

Sinh viên Mỹ ngày càng oằn vai dưới gánh nặng học phí PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Tâm   
Thứ Hai, 23 Tháng 7 Năm 2012 17:35

Chi phí đại học lên cao cũng ảnh hưởng tới quyết định ghi danh đi học của sinh viên

HOA KỲ (NV) - Sinh viên hiện đang phải gánh thêm trách nhiệm tài chánh, qua hình thức đi làm nhiều hơn để có tiền chi trả học phí hoặc mượn các món nợ lớn hơn nữa, theo kết quả một cuộc nghiên cứu do Sallie Mae công bố mới đây.

 

Sinh viên trong lễ ra trường. Hình minh họa. (Hình: Robert Spencer/Getty Images)

 

Trong cuộc thăm dò thường niên, ngân hàng tư nhân cho sinh viên vay tiền học lớn nhất nước Mỹ thấy rằng thành phần sinh viên bậc cử nhân phải tự mình chịu tới 30% chi phí đi học trong năm qua, tỉ lệ lớn nhất trong bốn năm trở lại đây.

Trung bình, họ trả khoảng $2,555 từ lợi tức có được hay tiền để dành và mượn số nợ khoảng $3,719, theo bản báo cáo.

Trong khi đó, bậc phụ huynh cũng phải vất vả lắm mới duy trì được mức trợ giúp tiền học cho con em mình.

Dù rằng các bậc cha mẹ vẫn còn trả tới hơn 1/3 chi phí đi học đại học, họ nay trông cậy nhiều hơn vào việc mượn nợ. Số tiền giới cha mẹ tự bỏ từ túi ra để giúp chi trả học phí cho con cái giảm xuống còn 28%, so với con số cao nhất vào hai năm trước đây là 37%.

Bản báo cáo này cho hay “có sự thay đổi lớn lao trong lãnh vực chi tiêu” và được nhìn thấy ở mọi mức lợi tức khác nhau. Ðiều này đang xảy ra giữa khi có cuộc tranh luận khắp nước về số nợ tiền học lên tới $1 ngàn tỉ và số người mắc nợ không trả nổi.

 Cuộc thăm dò của Sallie Mae cho thấy các gia đình Mỹ đang tính toán cách giải quyết chi phí đại học của họ như thế nào.

“Họ lấy tiền để dành ra để trả tiền học phí” ngay sau khi có cuộc trì trệ kinh tế, theo Sarah Ducich, phó tổng giám đốc đặc trách chính sách tại Sallie Mae. Nay, theo lời bà Ducich thì các gia đình này cũng đang điều chỉnh lại cách chi trả.

Các gia đình Mỹ cũng phải đối phó với tình trạng sút giảm số tiền học bổng và tiền trợ giúp sinh viên. Sallie Mae thấy rằng các nguồn tài trợ này trả cho khoảng 29% các chi phí trong niên khóa vừa qua, so với con số 30% năm trước.

Ngân sách gia đình eo hẹp cũng buộc nhiều gia đình phải nghĩ ra cách tiết kiệm chi phí học đai học. Cuộc điều tra thấy rằng lần đầu tiên có hơn 50% sinh viên sống ở nhà với cha mẹ trong khi đi học đại học. Bên cạnh đó, có thêm nhiều sinh viên quyết định ở chung phòng với một bạn khác hay đi làm nhiều giờ hơn để có tiền trả cho chi phí đi học. Theo Sallie Mae, các gia đình Mỹ trung bình chi khoảng $20,902 cho đại học niên khóa vừa qua, giảm 5% so với năm trước.

Chi phí đại học lên cao cũng ảnh hưởng tới quyết định ghi danh đi học của sinh viên.

Có khoảng hơn 50% gia đình sinh viên cho hay họ quyết định loại một số trường khỏi danh sách nạp đơn xin học thuần túy vì lý do tài chánh. Có tới 69%, một con số kỷ lục, các ứng viên loại bỏ trường sau khi nhận được bản tính toán chi phí và số tiền nhà trường có thể trợ giúp.

“Họ đang thu hẹp sự lựa chọn của mình trong tiến trình chọn trường vì lý do tài chánh,” theo lời Ducich. “Chúng tôi thấy ngày càng nhiều người coi yếu tố tài chánh rất quan trọng.”

Tuy nhiên, cuộc thăm dò cũng thấy rằng bậc cha mẹ và các sinh viên vẫn coi học vấn đại học rất có giá trị.

Có khoảng 53% các gia đình được hỏi, hoàn toàn đồng ý rằng họ sẵn sàng cố gắng hơn nữa để chi trả cho phí tổn đi học, tăng 2% so với năm ngoái.

 Tuy nhiên, số người đồng ý mạnh mẽ rằng đại học xứng đáng với thời giờ và tiền bạc bỏ ra, bất kể là tiền kiếm được trong tương lai như thế nào, giảm từ 24% xuống còn 19%.