Một nửa tân cử nhân không có việc làm hay làm không đúng nghề |
Tác Giả: Eric Risberg/AP | |||
Thứ Hai, 30 Tháng 4 Năm 2012 22:04 | |||
Bị ảnh hưởng bởi cả tình trạng học phí tăng cao và thị trường việc làm suy thoái WASHINGTON D.C. (AP) - Các tân cử nhân niên khóa 2012 sẽ gặp phải một thực tế phũ phàng khi đi kiếm việc làm. Tình trạng thị trường lao động yếu kém đã khiến khoảng 50% cử nhân tốt nghiệp một hai năm trở lại đây không kiếm ra việc làm hay phải làm các công việc dưới khả năng của họ. Ngày càng có nhiều người trong thành phần trẻ với tấm bằng cử nhân mới tinh đang phải kiếm sống qua ngày qua các công việc với đồng lương thấp-như phục vụ trong nhà hàng, các cửa hàng bán lẻ, nhân viên lễ tân-làm tan hy vọng có bằng cấp sẽ giúp họ vươn lên trong đời sống dù rằng phải trả tiền học phí cao và mượn nhiều nợ. Kết quả một cuộc phân tích dữ kiện của chính phủ cho thấy các sinh viên cử nhân ra trường trong ngành khoa học, giáo dục và y tế dễ dàng kiếm việc hơn so với những người có bằng về nghệ thuật hay nhân văn. Lương căn bản của những người có bằng cử nhân trong lãnh vực này cũng giảm xuống so với mức lương năm 2000. Phần lớn các công việc có nhiều trong tương lai được cho biết là gồm những ngành không đòi hỏi trình độ cao như phụ giúp chăm sóc y tế tại nhà (home health aides) vì số người cao niên ở Mỹ ngày càng nhiều. “Thường thì bạn có thể kiếm nhiều tiền hơn nếu có bằng đại học, nhưng điều đó không đúng với tất cả mọi người,” theo lời kinh tế gia tại Ðại Học Harvard, ông Richard Freeman. “Nếu bạn chưa biết mình muốn gì thì có lẽ nên kiếm một việc làm nào đó-nếu có việc-rồi xem là mình muốn học gì ở đại học.” Andrew Sum, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Thị Trường Lao Ðộng tại đại học Northeastern University, người nghiên cứu các dữ kiện của chính phủ, nói rằng nhiều sinh viên tốt nghiệp với bằng cử nhân bị ảnh hưởng bởi cả tình trạng học phí tăng cao và thị trường việc làm suy thoái. Nói chung, vùng cao nguyên phía Tây nước Mỹ (Mountain West) là nơi có nhiều tân cử nhân thất nghiệp hay làm không đúng việc, vào khoảng 3/5. Tiếp theo đó là khu nông thôn ở vùng Ðông Nam, kể cả Alabama, Kentucky, Mississippi và Tennessee. Vùng Thái Bình Dương, kể cả Alaska, California, Hawaii, Oregon và Washington cũng có số thất nghiệp cao. Nhưng ở vùng Nam nước Mỹ, đặc biệt là ở tiểu bang Texas, là nơi có nhiều sinh viên tốt nghiệp trong những ngành đòi hỏi khả năng cao hơn. Khoảng 1.5 triệu, tức 53.6%, những người có bằng cử nhân dưới 25 tuổi hồi năm ngoái cho biết là họ không có việc làm hay làm không đúng khả năng, con số cao nhất từ 11 năm qua. Và trong số 1.5 triệu người này, có một nửa nói rằng họ đang phải làm việc không đúng khả năng, tăng cao hơn con số năm trước. Nếu tính theo công việc làm, thì số người trẻ vừa có bằng cử nhân tăng thêm trong các công việc đòi hỏi chỉ có bằng trung học hay thấp hơn nữa. Một ước tính do chính phủ Mỹ công bố hồi tháng trước cho thấy chỉ có 3 trong số 30 nghề với số công việc làm cao nhất vào năm 2020 là cần có bằng cử nhân hay cao hơn (giáo viên, giáo sư đại học, kế toán). Phần lớn là các công việc như bán hàng, bán trong các tiệm fast food, và lái xe vận tải... nghĩa là những công việc khó có thể thay thế bằng máy điện toán. Chuyển ngữ: Văn Giang/Người Việt
|