Mỹ bị nước khác cạnh tranh du học sinh |
Tác Giả: Lê Tâm (theo Wall Street Journal) | |||
Thứ Ba, 12 Tháng 10 Năm 2010 23:08 | |||
Hiện đang có sự cạnh tranh gắt gao trong lãnh vực giáo dục đại học trên thế giới, về việc lôi kéo sinh viên, thu hút giáo sư tài giỏi, tạo dựng uy tín cũng như sự phát triển của trường. Một giảng đường đại học Univerisiti Teknologi Petronas ở Malaysia, nơi đang thu hút du học sinh từ Nam Á, khối Ả Rập, và cả Âu Châu. (Hình: Skyscaper City) Từ nhiều thập niên qua, Hoa Kỳ thu hút khoảng hơn một phần tư sinh viên du học vào các trường đại học hoặc các chương trình cao học trở lên. Nhưng thời gian gần đây, mức độ này có phần suy giảm. Trong khi phong trào du học ngoại quốc tiếp tục phát triển, vốn có vẻ không bị ảnh hưởng bởi cuộc suy thoái kinh tế, có nghĩa là số sinh viên ngoại quốc đến Hoa Kỳ tiếp tục gia tăng, số phần trăm thị phần sinh viên ngoại quốc của Hoa Kỳ nay giảm xuống còn có 18.7 phần trăm, theo một báo cáo gần đây của Tổ Chức Hợp Tác Phát Triển Kinh Tế (Organization for Economic Co-operation and Development OECD). Vậy thì các sinh viên đó đi đâu? Một số quốc gia loan báo có sự gia tăng trong số sinh viên ngoại quốc đến du học ở nước họ gồm có Úc, New Zealand và... Nga. Nhưng đằng sau các con số về sự chuyển dịch của sinh viên ngoại quốc từ những quốc gia truyền thống sang đến những quốc gia mới là những vấn đề phức tạp, không thuần túy là việc các quốc gia giàu có hút chất xám của các quốc gia nghèo. Một viên chức thuộc Ngân Hàng Thế Giới (World Bank), Jamil Salmi, chuyên theo dõi các vấn đề giáo dục, nói rằng sự khác biệt ngày càng thấy rõ ràng hơn là sự chuyển dịch nay khác hẳn hơn lúc trước - không còn là hai chiều rõ rệt gửi sinh viên và nhận sinh viên mà lại rẽ ra nhiều hướng khác nhau. Ở Âu Châu, sinh viên khởi sự du học ngoại quốc từ thời Trung Cổ, với các trường đại học ở Paris, Bologna, Ý và Salamanca, Tây Ban Nha, thu hút sinh viên khắp lục địa Âu Châu, cũng giống như các trường Oxford và Cambridge ở Anh. Gần đây hơn, Hoa Kỳ và Anh trở thành hai quốc gia hàng đầu trong lãnh vực đón nhận sinh viên du học, một phần vì đây là hai quốc gia đầu tiên có kế hoạch thu hút sinh viên, theo Andreas Schleicher, người đứng đầu nỗ lực phân tích giáo dục của OECD. Nhưng nay có rất nhiều cạnh tranh, ông cho hay. Căn cứ theo Ben Wildavsky, thuộc cơ quan nghiên cứu Kauffman Foundation, nền giáo dục đại học thế giới cũng bị ảnh hưởng bởi những tác động toàn cầu hóa từng lay chuyển mọi lãnh vực của nền kinh tế toàn cầu. Ông cho rằng Hoa Kỳ chẳng nên lo ngại về chiều hướng này vì dù cho số phần trăm có giảm xuống, con số sinh viên ngoại quốc đến quốc gia này vẫn sẽ tiếp tục gia tăng. Nhưng Giáo Sư Stuart Tannock, thuộc đại học University of Cardiff, lo ngại rằng sự cạnh tranh thu hút sinh viên quốc tế vẫn trong hình thức chiếm đoạt vì “các quốc gia vẫn muốn sử dụng sức lao động của các cá nhân có học thức mà họ không phải chi trả cho việc huấn luyện. Trong hoàn cảnh đó, cuộc chiến giành tài năng của thế giới là hình thức để người ngoài chi trả chi phí cho mình, giảm thuế và cắt giảm nền giáo dục công lập, trong khi tránh những ảnh hưởng tức thời của việc giảm đầu tư vào nền giáo dục trong nước.” Tuy có sự bất đồng ý kiến về ảnh hưởng của điều này, mức độ gia tăng về con số các sinh viên ngoại quốc là điều không chối cãi được. Hiện nay có khoảng 2.5 đến 3 triệu sinh viên ngoại quốc và con số này sẽ lên đến 8 triệu vào năm 2025. Sự gia tăng trong mức giàu có thịnh vượng cũng đóng góp vào việc toàn cầu hóa hiểu biết. Các quốc gia như Trung Quốc và Nam Hàn nay đang ra sức thành lập các đại học hàng đầu thế giới. Ðây cũng là những quốc gia từ trước đến nay vẫn gửi nhiều sinh viên đến Mỹ, và họ vẫn tiếp tục điều này, nhưng nay họ cũng là điểm đến của nhiều sinh viên khác trong vùng, tìm một sự lựa chọn khác hơn là Hoa Kỳ hay các quốc gia Âu Châu. Ông Wildavsky cho hay Trung Quốc nay nhận vào nhiều sinh viên ngoại quốc hơn là số sinh viên họ gửi ra ngoại quốc. Một số trường ở Malaysia như Univerisiti Teknologi Petronas nay đón nhận không chỉ các sinh viên ở Nam Á, khối Ả Rập mà ngay cả các sinh viên Âu Châu. Dĩ nhiên là lúc nào cũng có các sinh viên muốn vào Harvard hay Oxford, nhưng các quốc gia như Trung Quốc đang dần lấp vào khoảng trống này, theo ông Schleicher ở OECD. “Trong thập niên 50 và 60 chúng ta cứ chế nhạo xe Nhật vì chúng quá rẻ. Nay chúng vừa rẻ lại vừa tốt.”
|