Mỹ cắt giảm ngân sách giáo dục có ảnh hưởng du sinh Viêt Nam? |
Tác Giả: Việt Hà, phóng viên RFA | |||
Thứ Sáu, 26 Tháng 3 Năm 2010 19:00 | |||
Ngày 4/3 vừa qua, sinh viên và giáo viên của các trường đại học tại nhiều tiểu bang của nước Mỹ đã đồng loạt biểu tình để phản đối việc tăng học phí, cắt giảm lớp học và cho giáo viên nghỉ dạy.
Sinh viên Đại học Berkeley, California, Hoa Kỳ. Những người biểu tình cho rằng những hành động thắt lưng buộc bụng của chính quyền đối với giáo dục sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, khiến nhiều người không có cơ hội được học đại học hoặc phải bỏ dở. Những thay đổi này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các sinh viên quốc tế đến du học tại Mỹ. Nhân dịp này, Việt Hà xin được gửi đến quý vị một số ý kiến về giáo dục đại học Mỹ hiện nay của một số sinh viên và du sinh Việt Nam tại California, tiểu bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của khủng hoảng kinh tế. Bảo vệ giáo dục công “Nó không chỉ liên quan đến sinh viên, nó còn liên quan đến giáo viên, những người làm công tác nghiên cứu, nhân viên trong trường. Nó ảnh hưởng đến rất nhiều người.(SV Diệu Huỳnh) Sinh viên Diệu Huỳnh, sinh viên trường đại học UCLA, điều phối viên của hội sinh viên Việt Nam ở Mỹ, người cũng tham gia vào cuộc biểu tình, nói về mục đích mà sinh viên Mỹ biểu tình vào ngày 4 tháng 3 vừa qua như sau: Diệu Huỳnh: Đây là cuộc biểu tình trên toàn quốc, không chỉ ở riêng Caliornia. Mục đích là để bảo vệ giáo dục công. Thông điệp đưa ra là chúng ta phải duy trì nền giáo dục công bởi vì có nhiều trường học đã bị tư hữu hoá, ngân sách bị cắt giảm, đầu tư cho giáo dục công ít đi, học phí mà sinh viên phải trả bị tăng lên trong khi chất lượng đào tạo giảm xuống. Giáo dục là một trong những lĩnh vực phải ưu tiên đối với mọi người nhưng giờ đây dường như nó không còn phải vậy. Và điều này là không đúng. Vì thế cuộc biểu tình này nhằm chỉ ra cho họ thấy là chúng tôi vẫn quan tâm, rằng rất nhiều người dân vẫn quan tâm đến giáo dục. Khủng hoảng kinh tế tại nước Mỹ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng loạt các tiểu bang ở nước Mỹ. Các tiểu bang phải đối mặt với thiếu hụt ngân sách. Trong đó California là tiểu bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hiện tiểu bang này đang phải tìm cách để giải quyết khoảng 20 tỷ đô la thiếu hụt ngân sách. Cách thức mà tiểu bang này chọn là cẳt giảm chi tiêu cho một loạt các dịch vụ công trong đó có y tế và giáo dục. Để đối phó với tình hình thiếu hụt ngân sách, đến lượt các trường công đồng loạt tăng học phí, cắt giảm số lớp học, cho nghỉ việc giáo viên. Sinh viên tại Mỹ biểu tình phản đối cắt giảm ngân sách giáo dục. Photo courtesy of dailycal.org Sinh viên Diệu Huỳnh cho biết cuộc biểu tình lần này thu hút được đông đảo người tham gia bao gồm cả giáo viên, những người làm việc trong trường đại học vì những cắt giảm quá lớn trong giáo dục và việc tăng học phí đã ảnh hưởng đến cuộc sống của tất cả mọi người. Diệu Huỳnh: Nó không chỉ liên quan đến sinh viên, nó còn liên quan đến giáo viên, những người làm công tác nghiên cứu, nhân viên trong trường. Nó ảnh hưởng đến rất nhiều người. Hãy nghĩ đến các gia đình, họ cũng có người tham gia vào giáo dục đại học, con cái họ bị ảnh hưởng, những nhân viên trong trường bị ảnh hưởng thì gia đình họ bị ảnh hưởng. Du học sinh gặp khó khăn Khoa Trần: Ngày xưa 2 học kỳ là mùa xuân và mùa thu, có hai mùa phụ là mùa nghỉ lễ là ngay sau giáng sinh thì nó có hơn 1 tháng để người ta lấy lớp, hoặc mùa hè để lấy lớp. Cái mùa lễ vừa rồi không có coi như bỏ hẳn luôn. Rồi hè này người ta nói sẽ bỏ nữa. Ngày xưa học trường cộng đồng một học trình khoảng một trăm chín mấy giờ lên hơn 2 trăm. Theo Khoa thì nếu tính từng học trình mức tăng không quá lớn nhưng để học hết một học kỳ là 12 học trình thì tổng số tiền cũng không nhỏ đối với các sinh viên quốc tế có gia đình không phải dư giả. Không những thế vì số lớp giảm nên học sinh mỗi lớp lại tăng lên. Khoa Trần: Ngày xưa chẳng hạn mình lấy lớp toán nó có khoảng 6 hay 7 lớp, ví dụ thế, có nhiều giờ khác nhau, có nhiều người không phải vội, mùa này cắt xuống cỡ 3 hay 4 lớp mà nhét vô phòng nhỏ xíu nên ai cũng phải đăng ký cho lẹ, bởi vậy cho nên mùa năm nay rất nhiều người không có lớp học, lấy không kịp. “Quen ở Việt Nam rồi, bao giờ cũng vậy. Phản ứng chẳng làm được gì. giờ họ đưa xuống rồi thì phản ứng sao được, chẳng lẽ nghỉ học? Nghỉ học thì visa mình sao, thôi chịu thôi.(SV Khoa Trần) Tuy nhiên các sinh viên quốc tế lại dễ chấp nhận những thay đổi mà đối với sinh viên bản địa là khó chấp nhận. Khoa Trần giải thích: Khoa Trần: Chuyện tiền bạc tăng thì dĩ nhiên nó đã phản ứng rồi nhưng mà cái phản ứng của việc tăng học phí lên chủ yếu là của những sinh viên ở đây. Còn sinh viên ngoại quốc món tiền họ bị tăng lên thì họ vào họ phàn nàn chút xíu vậy thôi họ cũng phải chịu. Em nghĩ theo cá nhân em thôi là giờ mình có phản ứng thì đâu có giải quyết được cái gì đâu. Đó là tâm lý của một đứa Việt Nam, quen ở Việt Nam rồi, bao giờ cũng vậy. Phản ứng chẳng làm được gì. giờ họ đưa xuống rồi thì phản ứng sao được, chẳng lẽ nghỉ học? Nghỉ học thì visa mình sao, thôi chịu thôi. Một trong các giải pháp mà các sinh viên bản địa ở tiểu bang California đề xuất để giải quyết vấn đề cắt giảm đầu tư vào giáo dục công là thay đổi hiến pháp của tiểu bang này, trong đó quy định để thông qua chi tiêu ngân sách và tăng thu cần phải có 2/3 phiếu ủng hộ. Các sinh viên cho rằng quy định như vậy đã mặc nhiên để cho một thiểu số nghị sĩ có thể quyết định ngược lại nguyện vọng của đa số người dân và những nghị sĩ khác. Vì thế các sinh viên và giáo viên ở tiểu bang này đang kêu gọi lấy đủ 1 triệu chữ ký để đưa ra một dự luật nhằm thay đổi điều này trong hiến pháp của tiểu bang, dự kiến sẽ bỏ phiếu vào tháng 11 năm nay. Sinh viên tại Mỹ biểu tình. Photo courtesy of sfgate.com Sinh viên quốc tế là nguồn thu Diệu Huỳnh: Hiện tại các trường đại học nghĩ đến các sinh viên quốc tế như là một nguồn thu tiền. Để đi học tại trường UCLA họ phải trả khoảng gần 55.000 đô la một năm. Nếu chúng ta đầu tư vào giáo dục công, thì học phí sẽ giảm xuống, sinh viên từ các tiểu bang khác, từ nước khác đến sẽ không phải trả quá nhiều nữa. Và nếu có tiền cho các học sinh có điều kiện kinh tế khó khăn thì có nghĩa là trường sẽ có tiền để cấp học bổng cho các sinh viên. Vì thế nó sẽ không chỉ giúp cho sinh viên nghèo mà còn giúp cho nhà trường có điều kiện làm nhiều việc hơn và cấp học bổng cho nhiều sinh viên hơn. “Hiện tại các trường đại học nghĩ đến các sinh viên quốc tế như là một nguồn thu tiền. Để đi học tại trường UCLA họ phải trả khoảng gần 55.000 đô la một năm.(SV Diệu Huỳnh) Đối với Khoa Trần, bạn cho rằng mặc dù có những cắt giảm trong đầu tư giáo dục tại Mỹ, nhưng không vì thế mà chất lượng đào tạo ở đây suy giảm vì theo bạn việc học tập vẫn là do chủ quan của sinh viên là chính. Khoa Trần: Em thấy thầy cô nào cũng vậy. Chất lượng thì em nghĩ không thay đổi đâu. Họ vẫn dạy kiến thức, sách như thế. Mà giáo viên như vậy rồi thì đâu có ảnh hưởng gì đâu, chỉ cắt lớp mà dồn học sinh vô một phòng thì hơi khó chịu. Ngoài ra, theo Khoa thì những bạn học sinh có ý định đi du học tại Mỹ trong thời gian tới cần phải rất cẩn thận bởi vì mức học phí tăng có nghĩa là sẽ khó khăn hơn về vấn đề tài chính. Đối với các sinh viên, việc kiếm việc làm giờ đây cũng không còn dễ dàng như trước, đó là chưa kể xin giấy phép đi làm ở Mỹ khó hơn so với một số nước khác. Một lời khuyên nữa của Khoa dành cho các bạn định đi du học ở Mỹ là có thể xem xét một số tiểu bang khác chẳng hạn như Texas vì học phí ở đây dù có tăng vẫn không cao bằng California, và đó cũng là nơi có rất đông người Việt sinh sống. Hiện vẫn chưa có trả lời chính thức nào từ phía chính quyền đối với các yêu sách của sinh viên Mỹ. Tuy nhiên sinh viên Diệu Huỳnh nói rằng họ sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến khi có những cải tổ cần thiết cho nền giáo dục công. Diệu Huỳnh tin chắc nước Mỹ sẽ sớm có giải pháp thoả đáng đối với vấn đề này.
|