Ngày đầu của cuộc thương thuyết có mặt của XUÂN ÁNH VÂN và BẠC TRANG đại diện cho phe CHÂN LÝ VÀ THÁI BÌNH trong khi Triều đình cử XÚ UẾ VÂN và một Quan Luật sĩ tên là PHI LÝ Phó hội.
CHƯƠNG III
THỜI KỲ THƯƠNG THUYẾT
3.1 TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN
Lúc bấy giờ có một người bản xứ tên là XUÂN ÁNH VÂN đang làm quan LUẬT SĨ cho Vương Quốc THIÊN THẦN cách Vương Quốc HỒ SINH hơn 400 dặm về phía Nam biết được tự sự liền tình nguyện đứng ra giúp đỡ người HOÀI QUỐC. Được biết Vương Quốc THIÊN THẦN cũng là một nơi mà người HOÀI QUỐC đến định cư lập nghiệp rất đông sau khi lìa bỏ cố quốc. Vì đã tiếp xúc rất nhiều với người HOÀI QUỐC tại Vương Quốc của Ông nên XUÂN ÁNH VÂN có một cảm tình đặc biệt với giống dân kiên cường nhưng nhiều bất hạnh này. Quan LUẬT SĨ XUÂN ÁNH VÂN sau khi nghiên cứu tài liệu và được cắt nghĩa rõ ràng về tình hình Doanh TUẪN GIÁO cùng những thỉnh nguyện của nhóm chống đối, Ông liền đứng ra soạn thảo những đơn từ kiện tụng liên hệ để trình quan Án Sát của HỒ SINH. Hoàng Đế THẠCH ĐỖ MA khi biết được BANG PHÒNG THỦ CHÂN LÝ VÀ THÁI BÌNH đã kết nạp được một Quan Luật Sĩ người bản xứ thì bắt đầu nao núng. Hơn nữa nếu để các Quan Án Sát của Vương Quốc THẾ TRẦN giải quyết nội vụ thì danh dự của Vương Quốc HỒ SINH sẽ bị tổn thương nặng nề và nhất là Đại Đế GIANG PHONG Đệ II sẽ không lấy gì làm hài lòng cho lắm. Do đó Hoàng Đế THẠCH ĐỖ MA ra lệnh cho Tể Tướng XÚ UẾ VÂN thành lập một phái đoàn thương thuyết để tìm một giải pháp ôn hoà cho cuộc tranh chấp. Cuộc thương nghị bắt đầu từ ngày 28 tháng 9 năm Bính Dần 1986 và địa điểm của cuộc hoà đàm là trường Quốc Tử Giám SANH PHÁ TRẠCH cạnh Triều đình của Hoàng Đế THẠCH ĐỖ MA.
Ngày đầu của cuộc thương thuyết có mặt của XUÂN ÁNH VÂN và BẠC TRANG đại diện cho phe CHÂN LÝ VÀ THÁI BÌNH trong khi Triều đình cử XÚ UẾ VÂN và một Quan Luật sĩ tên là PHI LÝ Phó hội. Cuộc thương thuyết trong ngày đầu và những ngày kế tiếp không đưa đến kết quả như mong muốn. Phe CHÂN LÝ VÀ THÁI BÌNH cương quyết đòi cho bằng được cả hai thỉnh nguyện vì họ cho rằng cả hai đều hợp tình hợp lý. Trái lại Triều đình có vẻ nhượng bộ một phần nào về thỉnh nguyện Thể Nhân Trấn nhưng lại cương quyết bác bỏ thỉnh nguyện liên quan đến LỘ DUNG vì đó là thể diện của Triều đình. Sau đó XUÂN ÁNH VÂN có ghé lại sảnh đường của Doanh TUẪN GIÁO để tham dự một Tiểu DIÊN HỒNG HỘI của nhóm CHÂN LÝ VÀ THÁI BÌNH. Tiểu DIÊN HỒNG HỘI được tổ chức hàng đêm tại sảnh đường của Doanh TUẪN GIÁO nhằm mục đích hâm nóng và gìn giữ khí thế quyết tâm của toàn dân. Ngoài ra đây cũng là cơ hội để thông báo tin tức và trao đổi những ý kiến của tất cả mọi người trong việc đệ trình thỉnh nguyện. Việc hội họp tại sảnh đường của Doanh TUẪN GIÁO đã làm cho Triều đình lo lắng và đây cũng là lý do khiến Hoàng Đế THẠCH ĐỖ MA xúc tiến việc trục xuất dân chúng ra khỏi sảnh đường càng sớm càng tốt. Sau khi được toàn thể dân chúng trong sảnh đường vỗ tay tỏ lòng biết ơn về sự giúp đỡ vô vị lợi cho đại cuộc, XUÂN ÁNH VÂN đã tận mắt trông thấy sự quyết tâm của mọi người không thừa nhận LỘ DUNG bằng bất cứ giá nào. Sau đó nhóm CHÂN LÝ VÀ THÁI BÌNH phát động chiến dịch góp quỹ để có tài chánh làm án phí cho các Quan Luật Sĩ trong việc đưa Triều đình ra trước Quan Án Sát của Vương Quốc THẾ TRẦN. Việc làm này là một sự bắt buộc để ngăn ngừa sự trục xuất của Hoàng Đế THẠCH ĐỖ MA và đồng thời tái xác nhận chủ quyền của nhân dân trên Doanh TUẪN GIÁO. Cũng trong đêm ấy, số tiền được dân chúng hứa đóng góp lên đến hơn 11 vạn quan. Những ngày sau, cuộc thương thuyết đi vào chỗ bế tắc vì sự cứng rắn của cả hai phe nhất là Triều đình có thái độ lần lựa không quyết tâm giải quyết vấn đề. Trong một lần đàm đạo với hảo hán HỒ QUANG NGUYỆT, Quan Luật Sĩ XUÂN ÁNH VÂN đã tức giận trách móc về tư cách của Tể Tướng XÚ UẾ VÂN: “Ta không ngờ một vị quan Thất Phẩm của một Vương Quốc theo THIÊN GIÁO lại có những lối hành xử như thế. Ta nghĩ Ông ta đã chọn lầm nghề; đáng lý ra Ông ta phải là một tay lái buôn đang xuôi ngược trên thương trường.”
Nghe được những lời ấy, người HOÀI QUỐC thuộc phe CHÂN LÝ VÀ THÁI BÌNH lắc đầu thở dài. Họ tiên liệu thấy kết quả không mấy tốt đẹp của cuộc thương thuyết, và một giải pháp ổn thoả cho một cuộc tranh chấp bắt đầu xa dần, mờ nhạt, thăm thẳm như đường về cố quốc.
3.2 THUẾ ĐỀN THỜ
Vương Quốc HỒ SINH cũng như tất cả các Vương Quốc lấy THIÊN GIÁO LÀM Quốc Giáo đều trông cậy vào các sắc thuế do dân chúng đóng góp để́ có nguồn tài chính cho mọi công việc của Triều đình. Các sắc thuế nầy không có tính cách bắt buộc và ấn định rõ ràng như thuế của Vương Quốc THẾ TRẦN nhưng do lòng tự nguyện của tất cả mọi người đang sống trong lãnh thổ của Vương Quốc.
Trong cuộc binh biến Bính Dần 1986, nhóm CHÂN LÝ VÀ THÁI BÌNH đã áp dụng một trong những phương thức thượng đẳng để làm áp lực với Triều đình THẠCH ĐỔ MA. Đó là chiến dịch kêu gọi dân chúng ngưng đóng tất cả các sắc Thuế Đền Thờ. Nguyên nhân đầu tiên của chiến dich nầy là khi Triều Đình cho rằng sự chống đối chỉ do một nhóm thiểu số, Bạc Trang liền cho thi hành quyết định trên để chứng tỏ cho Triều đình thấy rằng họ không phải là một nhóm nhỏ như Triều đình lầm tưởng. Quả nhiên điều này đã mang đến kết quả trước mắt. Được biết tại Doanh TUẪN GIÁO có hai loại thuế: Thứ nhất là thuế hàng tuần được thâu nạp trong những buổi lễ tế tự cuối tuần tại các Đền Thờ, thứ hai là thuế Góp Quỹ Dựng Đền do những người hảo tâm tiếp tục đóng góp hàng năm để có chi phí trả nợ cho Nguyện Đường của Doanh TUẪN GIÁO. Loại thuế này được tính trên căn bản là 15 quan tiền một tháng cho những người đã có công ăn việc làm. Người HOÀI QUỐC là một dân tộc có tinh thần hy sinh, rộng rãi trong các việc bác ái, từ thiện. Trước ngày có cuộc tranh chấp, Doanh TUẪN GIÁO thâu được từ 7 cho đến 8000 quan mỗi tháng do hai sắc thuế kể trên. Tuy nhiên kể từ ngày chiến dịch ngưng đóng góp có hiệu lực, số thâu tại cácc Đền Thờ tụt xuống chi còn vào khoảng 1000 quan mà thôi. Hoàng Đế THẠCH ĐỖ MA thấy được sự khó khăn của vấn đề tài chánh nên luôn luôn tìm cách kêu gọi thần dân đóng góp trở lại nhưng vô hiệu.
Tục truyền rằng những bộ hạ thân tín của LỘ DUNG đã góp phần không nhỏ trong việc thất thu các sắc thuế kể trên. Trong những ngày đầu khi cuộc chống đối vừa bùng nổ, ĐÈN HOA TẶC TỬ đã ba hoa chích choè với “HỒ SINH THUỶ NGÂN CÔNG BÁO” là nhóm chống đối chỉ có 20 ngưòi, trong khi phe ủng hộ Triều đình quy tụ hơn 4.000 dân. Để hoá giải thực lực của phe chống đối, THAM MƯU BỘ của LỘ DUNG cho người lên núi tìm đến lang y tài ba THỎ VÀNH chuyên khoa về độc dược. Tên này tìm ra một độc chất bằng bột trắng có tên là “MÊ MẪN TÁN” (ngưòi bình dân gọi là thuốc lú) khi đốt lên sẽ tạo một luồng khói khiến những ngưòi ngửi phải nó quên trời quên đất và quên luôn cả những mục tiêu đang theo đuổi. Bọn thủ hạ của LỘ DUNG hí hửng mang về và cho xông hơi độc này một cách bí mật vào nhóm CHÂN LÝ VÀ THÁI BÌNH tại các buổi tế tự. Quả nhiên hơi độc mang lại hiệu quả: Những người chống đối đã mơ mơ màng màng quên hết mọi sự. Tệ hơn nữa họ quên cả việc mở hầu bao để đóng thuế Đền Thờ như trước kia. Thế là LỘ DUNG thất thu. Thấy kế hoạch độc chất bị đòn phản, KHUYỂN NGÔN ĐẦU ĐÀ xỉ vả thuộc cấp thậm tệ và ra lệnh cho thủ hạ đổi chiến thuật. Lần này họ cũng tìm đến THỔ VÀNH để nài nỉ cho bằng được một loại thuốc khác khả dĩ làm cho những ngưòi chống đối phải luôn luôn tỉnh táo để nhớ việc đóng thuế Đền Thờ. ĐÈN HOA TẶC TỬ mang về một bầu linh dược bằng chất nước màu đen có tên là “SÁO SẬU THUỶ”. Linh dược này khi uống vào sẽ thức trắng đêm, đầu óc thật tỉnh táo và nhớ vanh vách mọi sự. Bọn thủ hạ của LỘ DUNG cho pha vào giếng nước của Doanh TUẪN GIÁO. Quả nhiên nhóm chống đối hoàn toàn mất ngủ, luôn luôn tỉnh thức và đặc biệt họ có một trí nhớ lạ thường. Họ nhớ như in trong lòng, tạc trong dạ hình ảnh của LỘ DUNG với những công việc Ông đã làm trước đây, và chính vì luôn luôn nhớ đến Ông mà trong buổi Tế GIẢI HOÀ và LỄ TRAO GƯƠM, họ đã tràn ngập Đền Thờ đến nỗi LỘ DUNG không biết đàng nào mà chạy. Người đời sau gọi loại linh dược màu đen uống vào tỉnh như sáo sậu này là “cà phê”. Rút kinh nghiệm hai lần thất bại kể trên, thủ hạ LỘ DUNG liền tự tay chế biến lấy một loại kích thích tố khác mà không tìm đến lang y THỎ VÀNH như hai lần trước. Lý do họ phải dùng số tiền còn lại để đóng bù vào số tiền thuế thất thu do nhóm CHÂN LÝ VÀ THÁI BÌNH gây ra. Loại kích thích tố mà họ tự chế biến có màu đỏ, được rút ra từ máu bò mộng, uống vào rất hăng, dành cho những cao thủ đang tập bài quyền “QUYẾT TÂM NẠP”. Lần này họ cho người len lỏi vào sảnh đường của Doanh TUẪN GIÁO và ướp vào thức ăn của nhóm CHÂN LÝ VÀ THÁI BÌNH. Quả nhiên khi ăn phải thức ăn có tẩm chất kích thích trên, nhóm chống đối quyết tâm nạp tiền như điên để làm án phí cho các Quan Luật Sĩ đưa Triều đình ra trước tụng đình mà thôi.
Thấy cả ba lần đều thất bại, LỘ DUNG chán nản như người mất hồn. lúc nào cũng thấy trầm tư mặc tưởng. Có những hôm Ông ngồi trong bóng tối liên tưởng đến ngày về làm Tổng Trấn của Doanh TUẪN GIÁO với một THAM MƯU BỘ đếm trên đầu ngón tay không bao giờ lo việc quang minh chính đại mà chỉ loay hoay với những chai lọ đựng toàn bùa mê thuốc lú. Ông cố nén tiếng thở dài. 3.3 TÌNH HÌNH CÁC TRẤN
Trong suốt tuần lễ cuộc thương thuyết đang diễn tiến, nhóm dân của BANG PHÒNG THỦ CHÂN LÝ VÀ THÁI BÌNH đã cố gắng bình thường hoá mọi sinh hoạt và không tổ chức một hình thức chống đối công khai nào để tỏ thiện chí hoà giải. Đêm mồng 5 tháng 9 năm Bính Dần 1986, BẠC TRANG Hán Tử cho công bố lời kêu gọi của Triều đình, yêu cầu phe chống đối cố gắng giữ sự ôn hoà và không nên có những hành động nhằm biểu dương lực lượng vào cuối tuần lễ ấy. Lý do người HOÀI QUỐC có thông lệ mừng kính các ANH HÙNG TUẪN GIÁO của họ thật long trọng vào đầu tháng 9 mỗi năm. Lo sợ cho một cuộc xáo trộn có thể xảy ra, Triều đình có một yết thị thông báo rằng vì tình hình đặc biệt cho nên các buổi lễ kỷ niệm chỉ được tổ chức một cách âm thầm tại Đền Thờ các Trấn mà thôi. Trái lại BANG PHÒNG THỦ CHÂN LÝ VÀ THÁI BÌNH phối hợp với BANG HÀNH SỰ cho tổ chức cuộc lễ trên một cách trọng thể tại Doanh phủ. Mặc dầu có lời kêu gọi phe chống đối nên có thái độ ôn hoà, Triều đình lại cho phép phe LỘ DUNG mở đầu chiến dịch Tổng nổi dậy tại khắp các Trấn.
3.4 VI PHẠM VIỆC PHỔ BIẾN HỊCH “TRUYỀN TIN”
Hịch “TRUYỀN TIN” là tờ thông báo tin tức về mọi sinh hoạt của Doanh TUẪN GIÁO được phổ biến hàng tuần tại các Đền Thờ. Kể từ ngày LỘ DUNG được bổ nhậm làm Tổng Trấn, phe CHÂN LÝ VÀ THÁI BÌNH phủ nhận mọi văn kiện có dấu triện của LỘ DUNG trong đó gồm cả hịch TRUYỀN TIN do Ông phổ biến. Thay vào đó, BANG HÀNH SỰ cho phân phát một tờ hịch TRUYỀN TIN khác và cho rằng đó mới là hịch chính thức của Doanh TUẪN GIÁO. Trong những tuần lễ đầu của cuộc binh biến, việc phổ biến hịch của LỘ DUNG đã gây nên những xáo trộn tại các Đền thờ. Cả hai phe chống đối và ủng hộ đã giằng co, cãi vã gây rối loạn tại các nơi ấy. Để ngăn ngừa các cuộc tranh chấp kể trên, Triều đình ra lệnh cho Phó Tổng Trấn ĐẬU LƯ và CHÁNH NGUYÊN không được phân phát hịch như trước mà phải để trên bàn Tế Tự để người dân có thể lên lấy nếu họ muốn.
Vào buổi chiều ngày mồng 6 tháng 9, LỘ DUNG ra lệnh cho một thuộc hạ của Ông là TỊNH THUYỀN SƯ, trước kia đã từng phục vụ dưới trướng của Ông ở cố quốc, mở màn cho cuộc Tổng nổi dậy. TỊNH THUYỀN SƯ cho gia nhân đón đường Phó Tổng Trấn ĐẬU LƯ và yêu cầu Ông hãy giao việc phân phát hịch TRUYỀN TIN cho họ lo liệu. Lợi dụng lúc KHA Trưởng HOÀNG NGỌC CHƯƠNG đang đàm đạo với Phó Tổng Trấn ĐẬU LƯ trước giờ Tế Tự trong phòng xiêm y, thủ hạ của TỊNH THUYỀN SƯ công khai phân phát hịch TRUYỀN TIN của LỘ DUNG trong Đền Thờ SANH GIANG của Trấn MIÊU PHÁ THẠCH. HOÀNG NGỌC CHƯƠNG vô cùng tức tối vì đã bị bọn thủ hạ của TỊNH THUYỀN SƯ qua mặt. Đến cuối buổi tế tự, trong lúc đang kiểm điểm tiền thuế với ĐẬU LƯ thì HOÀNG NGỌC CHƯƠNG được mật báo hai tên gian phi lại giở trò phân phát hịch lậu một lần nữa ở cuối Đền Thờ. Ném vội giỏ tiền xuống đất, Ông tung mình phi thân ra khỏi cửa sổ không quên cắp theo thẻ bài KHA Trưởng có con dấu của NHÂN DÂN đỏ chót. Cùng lúc ấy, hai tên gian phi vừa mới phóng lên lưng ngựa để tẩu thoát. HOÀNG NGỌC CHƯƠNG nhanh như ánh sao xẹt, phóng sát lại ngựa của hai tên gian phi miệng oang oanh ra lệnh cho chúng phải hạ mã. Sau khi xuất trình thẻ bài KHA Trưởng sáng chói, HOÀNG NGỌC CHƯƠNG cảnh cáo hai tên gian phi không được làm những hành động trái phép vừa kể. Mặt mày tái mét vì lo sợ, hai tên thủ hạ của TỊNH THUYỀN SƯ phân bua rằng chúng chỉ làm theo lệnh của Phó Tổng Trấn ĐẬU LƯ mà thôi. Với chủ trương ôn hoà cố hữu của phe CHÂN LÝ VÀ THÁI BÌNH và nhất là nhận thấy kẻ gian chỉ là những con chốt nhỏ trên bàn cờ, HOÀNG NGỌC CHƯƠNG không muốn bị bẩn tay của một KHA Trưởng nên đành nuốt giận phóng thích chúng sau khi đã cảnh cáo thêm một lần nữa, hai tên thủ hạ của TỊNH THUYỀN SƯ riu ríu leo lên chiến mã, sờ lại đầu thì thấy vẫn còn nằm trên cổ, thì hoàn hồn thúc ngựa lao vào bóng tối trong khi mồm vẫn còn lảm nhảm lời Kinh VỰC SÂU.
HOÀNG NGỌC CHƯƠNG quay trở lại phòng xiêm y gặp ĐẬU LƯ liền phản đối quyết liệt sự vi phạm trắng trợn này của phe LỘ DUNG. Ông nói nếu sự việc trên còn xảy ra, Ông sẽ không bảo đảm trật tự trong Đền Thờ nữa và ĐẬU LƯ hứa sẽ cố tránh việc ấy. Về sau người ta phát giác ra lúc HOÀNG NGỌC CHƯƠNG đang chất vấn hai tên thủ hạ của TỊNH THUYỀN SƯ thì cách đó chừng một trượng, nghĩa tế của Ông là một cao thủ võ lâm của CHÁNH ĐẠO trong võ phục gọn gàng với chiếc thắt lưng màu đen trên có năm sáu sọc trắng đang vận nội công, hăm nóng các bắp thịt, bẻ các đốt ngón tay kêu răng rắc để đề phòng mọi bất trắc.
3.5 MANH NHA CƯỚP QUYỀN
Mặc dầu Hoàng Đế THẠCH ĐỖ MA cương quyết bãi nhiệm BANG HÀNH SỰ của Giáo Học THIỀN TRANG từ sau ngày LỄ TRAO GƯƠM cho LỘ DUNG, đã sợ nhân dân thuộc phe CHÂN LÝ VÀ THÁI BÌNH vẫn tiếp tục ủng hộ và yêu cầu các Kha trưởng và Kha phó tiếp tục nhiệm vụ tại các Đền Thờ ở các Trấn. Các Phó Tổng Trấn ĐẬU LƯ và CHÁNH NGUYÊN vì Đức Vâng Phục của THIÊN GIÁO đã nhiều lần tuyên đọc nghiêm lệnh cấm BANG HÀNH SỰ nhúng tay vào các nghi lễ tế tự. Tuy nhiên những đại diện dân cư nầy vẫn tiếp tục thi hành những công việc mà họ xét thấy có thể làm được để thể hiện sự hiện hữu của một cơ chế dân chủ đương nhiệm. Điển hình là việc sắp xếp cho người đi thu thuế các Đền Thờ và tuyên đọc các yết thị, thông tư của BANG HÀNH SỰ. Sự đối chọi giữa Triều đình và nhóm CHÂN LÝ VÀ THÁI BÌNH vào thời kỳ nầy được gọi là cảnh “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”.
Nằm trong kế hoạch “Tổng nổi dậy” cũng vào buổi tối ngày 6 tháng 9 năm Bính Dần 1986, Triều đình chính thức cắt cử bốn nữ binh thuộc hai đạo quân LA SƠN và VĨNH SANH lãnh nhiệm vụ thâu thuế tại Đền Thờ NỮ VƯƠNG THÁI BÌNH ở Trấn ÁNH DƯƠNG. Được biết những nữ binh kể trên là những phụ nữ đã từ bỏ mọi vật chất, thế trần đầu quân vào những tu viện THIÊN GIÁO, ngày ngày dùng câu kinh tiếng kệ và tu luyện để mai sau ra làm công việc xã hội giúp đời. Trong lúc cuộc đấu tranh đang đến hồi quyết liệt, để có người thay thế những công việc của BANG HÀNH SỰ tại các Đền Thờ, Triều đình chính thức sử dụng các nữ binh của hai đạo quân trên. Một số các nữ binh cố tình phò Tổng Trấn LỘ DUNG nên liều thân xông vào chốn thế trần tục luỵ, nhắm mắt nhảy vào chỗ mũi đạn lằn tên để thi hành những chỉ thị của Triều đình. Và họ đã học được bài học “Tu là cõi phúc, tiền là giây oan”.
Tối hôm ấy các nữ binh phi ngựa đến Đền Thờ NỮ VƯƠNG THÁI BÌNH thật sớm từ trước giờ Dậu và xông vào đi lấy những giỏ thâu thuế của Đền Thờ cất vào một nơi riêng biệt. Khoàng một khắc sau, những người trong BANG HÀNH SỰ thuộc nhóm ÁNH DƯƠNG phát giác ra ý đồ của nhóm nữ binh Triều đình liền tức tốc cho người đi lấy lại các giỏ và để vào chỗ cũ.
Tuy nhiên nhận thấy sự tranh chấp về vấn đề thâu thuế không lấy gì làm thiệt hại cho cuộc tranh đấu và nhất là đa số nhân dân vẫn triệt để tuân hành chiến dịch ngưng đóng thuế Đền Thờ, nhóm CHÂN LÝ VÀ THÁI BÌNH quyết định mang những giỏ thâu thuế để lại chỗ của các nữ binh đã cất giấu trước kia. Trước đó ít phút các nữ binh có đi kiểm soát thấy những giỏ đã biến mất thì cho rằng những người trong BANG HÀNH SỰ cố tình ngăn chận công việc của họ. Đến lúc thâu thuế cả hai bên BANG HÀNH SỰ lẫn các nữ binh đều không bên nào động thủ vì bên này tưởng rằng bên kia sẽ lo.
Đến khi thấy không có ai đi thâu, Phó Tổng Trấn CHÁNH NGUYÊN có kêu gọi ca viên của hai nhóm nhạc công trong Đền Thờ thâu giúp nhưng họ đều từ chối. Cả đến lần thâu thế đặc biệt thứ nhì cho Giáo Hội HOÀI QUỐC cũng không ai chịu đảm trách. Kết quả không một xu nào thu được trong buổi tế tự hôm ấy.
Sau buổi lễ, một số phụ nữ của CHÂN LÝ VÀ THÁI BÌNH đã tức giận về sự hàng hai của các nữ binh Triều đình nên đã thốt ra những lời mai mỉa như: “Cớ sao các Hiền Tỉ lại dây dưa vào chuyện tiền bạc hôi tanh này. Tu hành mới là việc của các Hiền Tỉ, còn chuyện đó để chúng tôi lo; can chi đến các Hiền Tỉ mà phải nhọc công liễu yếu đào tơ vất vả cành vàng lá ngọc như vậy”. Hoặc chua chát hơn: “Ngày xưa các Nữ tướng xông pha nơi chốn lằn tên mũi đạn cốt để dựng bảng chiêu phu. Vì lẽ gì mà các Hiền Tỉ xông xáo ở chốn đao binh này cho miệng lưỡi người đời thị phi”. Các nữ binh khi nghe những lời châm chọc ấy cảm thấy nhức óc nhưng không làm gì được đành rút trong bọc vải ra những viên linh dược ‘TÁI LỆ NÔN” bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến rồi nuốt chửng.
Tục truyền rằng: Đêm hôm ấy LỘ DUNG đã loay hoay hàng giờ với chiếc túi vải mang về từ Đền Thờ NỮ VƯƠNG THÁI BÌNH. Ông cầm chiếc túi trên tay, lộn trái rồi lại lộn phải đến năm bảy lượt, nắn nắn bóp bóp mà không thấy đồng xu nào rớt ra. Ông nghĩ đến những tay phù thủy tài ba trong NHÓM YỂM TRỢ của Ông đã hô phong hoán vũ, làm phép cho biến mất BÌNH VIỄN AN khỏi Doanh TUẪN GIÁO. Ông lẩm nhẩm đọc câu thần chú hy vọng có một số tiền xuất hiện trong chiếc túi để mai lên nộp cho Hoàng Đế THẠCH ĐỖ MA. Ông mỉm cười đắc chí về phản ứng lanh lợi này. Nếu nói : “Hô biến!” thì vật trong túi sẽ mất, Ông quyết định nói ngược lại. Sau tiếng hét thật to : “Hô hiện”, Ông vò vò chiếc túi và nghe có tiếng xột xoạt như những mãnh tiền giấy chạm vào nhau. Ông mừng rỡ ra vội vàng mặt thò tay vào túi rút một tờ ra xem thì đó là mãnh giấy có hàng chữ quen thuộc : “LỘ DUNG: bác”.
3.6 ẢI ĐỊA ĐẦU TRONG CƠN BINH LỬA
Trấn CẨM BÁO với hơn 30 trang trại của người HOÀI QUỐC còn được gọi là ẢI ĐỊA ĐẦU. Trong quá khứ, mỗi khi nhắc đến tên CẨM BÁO, BÌNH VIỄN AN cảm thấy lạnh xương gáy vì sự chống đối dữ dội của vùng đất xa xôi này.
Trong cuộc binh biến Bính Dần 1986 BANG PHÒNG THỦ CHÂN LÝ VÀ THÁI BÌNH cũng vất vả không kém trong nhiệm vụ chống trả với phe LỘ DUNG để giữ dân giữ đất. Với một lực lượng hùng hậu ủng hộ LỘ DUNG cầm đầu bởi bộ ba “TAM XÀ ĐỞM” là LU ĐÀNH PHẾ, LỆCH LẠC NGUYÊN và ÁC NGƯƠN chuyên sử dụng CÀN NGÔN PHÁP hợp cùng với NGỌC MA TỈ cùng đạo quân YÊU THẬP TỰ sở trường về NGƯ SẤU LỆ và LÊ GIA TRANG với bầy nghịch tử chuyên môn về “LÁO LẾU LIÊN HOÀN TRẬN”. Để cân bằng lực lượng tại ẢI ĐỊA ĐẦU, CHÂN LÝ THÁI BÌNH giao toàn quyền thống lĩnh cho “TAM ĐẠO NHÂN” gồm có TƯ MÃ Ý, NGŨ MẠNH SAN và BẠCH THỦ THIỀN SƯ NGŨ CỐT luôn luôn cứng rắn dưới dương quyền “QUYẾT TÂM THỦ”.
Thêm vào đó có sự góp mặt của LIÊM ĐẠI KHẨU với thuật “SÁT NHĨ TRUYỀN THANH” và HÙNG TRANG ĐẠI HIỆP thượng thừa trong “TRỤC XUẤT CHẢO” đã biểu diễn ngoạn mục trong ngày LỘ DUNG tấn công Doanh TUẪN GIÁO và trong ngày tên lang băm THỎ VÀNH đột nhập sảnh đường để án loát Hịch TRUYỀN TIN cho LỘ DUNG. Nếu phái HẮC MA có LÊ GIA TRANG thì phe CHÂN LÝ THÁI BÌNH cũng không chịu nhường bước với sự xông xáo của nhóm anh thư BÌNH GIA TRANG đã hăng say tận tình trong các buổi phát Hịch CHÁNH ĐẠO.
Sáng ngày 7 tháng 8 năm Bính Dần 1986, trong buổi tế tự hàng tuần tại sảnh đường SANH LƯU XINH thuộc Trấn CẨM BÁO, nhóm CHÂN LÝ VÀ THÁI BÌNH phát hiện toàn thể THAM MƯU BỘ của Tổng Trấn LỘ DUNG dẫn đầu bởi KHUYỂN NGÔN ĐẦU ĐÀ và VÕ CỔN TÚ TÀI rón rén xâm nhập sảnh đường. Đây là một sự lạ vì chưa bao giờ bọn này xuất hiện cùng một lúc tại những buổi tế tự tại CẨM BÁO này. Lập tức các toán Phòng Vệ của CHÂN LÝ THÁI BÌNH trải mỏng ra, dàn quân cho trấn giữ những nơi quan yếu và nhất là bám sát các tên đầu não trong THAM MƯU BỘ. Nhất cử nhất động của bọn người ủng hộ LỘ DUNG đều được theo dõi cẩn mật. Bị canh chừng từng ly từng tí, THAM MƯU BỘ của LỘ DUNG không dở trò gì được đành âm thầm rút lui trong buổi tế tự đang diễn ra.
Về sau người ta được biết Triều đình cho áp dụng kế hoạch “thả lỏng cương” để hai bên có dịp so tài đọ sức. Ngoài ra phe LỘ DUNG cũng bí mật cho mang uế khí vào sảnh đường ném bừa bãi vào các lối đi để những người có trách nhiệm trong BANG HÀNH SỰ phải dọn dẹp. Với những cuộc chạm trán gây rối loạn ở các Đền Thờ và với sự phóng uế mất vệ sinh tại các sảnh đường, chắc chắn các Tổng Trấn bản xứ sẽ xuống lệnh huỷ bỏ các buổi tế tự của người HOÀI QUỐC ngay lập tức. Phe LỘ DUNG đã nhìn thấy sự thất bại nên cho áp dụng phương thức hạ cấp này để gây chia rẽ giữa người HỒ SINH và nhóm nhân dân của Doanh TUẪN GIÁO.
Tình hình dân chúng hai phe trong buổi tế tự vô cùng ngột ngạt. Hai bên gầm gừ nhau như hai con thú tranh mồi. Cuối cùng sự giận dữ không còn kềm hãm được nên bùng nổ khi tiếng Kinh Cảm Tạ chấm dứt. Hai phe kéo nhau ra ngoài sân sảnh đường dùng khẩu chiến giao đấu ác liệt. Tại một góc sân, LÊ GIA LÃO BÀ áo quần xốc xếch, mồm mép liên hồi, tay dùng Nhất Dương Chỉ xỉa xói vào người ĐỊNH THIẾU GIA của ẤU NHI ĐOÀN. Bà cho rằng nhóm CHÂN LÝ THÁI BÌNH đã vô phép, phản loạn, chống đối với Hoàng Đế và những quan lại đã có THẤT PHẨM của Triều đình và nhất định đòi hạ thủ ĐỊNH THIẾU GIA đang đứng trước mặt. ĐỊNH THIẾU GIA xưa nay vẫn được tiếng là ôn hoà, hiền lành, cũng trở nên bực tức hét trả lại: “Lão bà đừng có coi trời bằng vung, lão thử đụng đến người của Thiếu gia xem sao!”, vừa nói vừa xuống tấn chuẩn bị cho ngón đòn quỹ khóc thần sầu “MỘC TÚC CƯỚC”. LÊ GIA LÃO BÀ liên tưởng đến những chiếc xương sườn dập nát vì cú đá cứng như gỗ của ĐỊNH THIẾU GIA nên đành phi thân ra ngoài.
Ở bên hông sảnh đường, một mụ già vô danh tiểu tốt, không phải cao thủ của phái HẮC MA đã lên ngựa định phóng đi nhưng thấy đấu tràng đang sôi động liền nóng máu, tiếc rẻ nhảy trở xuống. Mụ già phùng mang trợn má, ống quần chân thấp chân cao, khẩu chưởng xối xả vào đám dân CHÂN LÝ THÁI BÌNH làm bụi tung mù mịt. Thấy võ công của mụ già quá non nớt, CHÂN LÝ THÁI BÌNH cho THẮNG THIẾU GIA của TÙNG GIA TRANG nhảy vào đấu tràng. Là một thiếu niên khôi ngô tuấn tú, THẮNG THIẾU GIA đã sớm rèn luyện tâm tính, rèn luyện võ công bất hư của dòng họ TÙNG, luôn luôn xả thân phục vụ dưới lá cờ Vương Đạo. Mụ già thấy một cậu bé nhảy vào đối diện với mình thì cảm thấy tức giận vội dùng “CÀN KHÔN CHƯỞNG” đánh tới tấp vào THẮNG THIẾU GIA.
Không thua kém gì với những cao thủ của CHÁNH ĐẠO, cậu bé dùng toàn lực áp đảo cụ già vào sát chiến mã. May cho mụ già còn biết sợ nằm xà liêm vì tội đả thương trẻ vị thành niên nên không có thủ pháp hung bạo nào chạm vào người cậu bé. Trong lúc bối rối, mụ già lại tung “CÀN KHÔN CHƯỞNG” một lần nữa chỉ vào người cậu bé bảo : “Cha mẹ đâu, sao không biết dạy con cái?” Bấy giờ có một cao thủ của CHÂN LÝ THÁI BÌNH đứng gần đấy đỡ nhẹ “CÀN KHÔN CHƯỞNG” của mụ già dùm cậu bé: “Thiếu gia đây nếu có điều gì thất lễ hoặc xử sự không đúng đạo làm người thì song thân của thiếu gia sẽ chỉ giáo lại. Còn tứ thân phụ mẫu của mụ đã khuất núi từ lâu, lấy ai mà răn dạy mụ nếu mụ làm bậy. Buồn thay!” Mụ già định trả lời là mụ không cần đến cha mẹ nữa, chỉ cần LỘ DUNG dạy dỗ là đủ rồi. Nhưng sực nhớ LỘ DUNG còn quá trẻ chỉ đáng con mụ nên đành lẳng lặng hậm hực phóng ra khỏi đấu tràng.
Cuối sảnh đường cạnh phòng xiêm y, HOẢ TÂM ĐẠI HIỆP TRƯƠNG VÕ HUỲNH rượt nà theo VÕ CỔN TÚ TÀI dùng “ĐOẠT HỒN PHÁP” chất vấn tên ác ma về thủ thuật “NẶC DANH THƯ” mà hắn vẫn dùng trong những lần giao đấu trong bóng tối. Mặc dầu ẩn mình dưới bộ võ phục 3 mảnh dầy cộm VÕ CỔN TÚ TÀI cảm thấy một luồng khí lạnh thấm vào sống lưng vội dùng “PHỦ NHẬN NGÔN” lắc đầu như máy. TRƯƠNG VÕ HUỲNH liền rút kiếm biểu diễn vài thế trong bài “SÁT THỦ KIẾM” cảnh cáo VÕ CỔN TÚ TÀI nếu còn sử dụng “NẶC DANH THƯ” thì chỉ còn cách nhờ người khác viết chúc thư vì không còn ngón tay để cầm Phán Quan Bút viết lách gì nữa. Khi ra về, VÕ CỔN TÚ TÀI có ghé lại tửu điếm cạnh vệ đường gọi tửu bảo mang một bầu rượu và hai cân thịt để điểm tâm nhưng không tài nào nuốt được vì uất khí nghẹn ở cổ họng.
Ở giữa khoảng sân đang cột những con chiến mã của hai phe, một lão già của phe LỘ DUNG đang hung hăng thoá mạ nhóm CHÂN LÝ THÁI BÌNH là những kẻ trốn thuế. BẠCH THỦ THIỀN SƯ tức giận, vận mười thành công lực hãm khí đan điền, bụng phình to như cái trống chầu, ưỡn bụng thúc sát người địch thủ trong thế “TRỐNG ĐỒNG NGỌC LŨ” miệng hét lớn: “Cha chả! Hay cho tên loạn ngữ dám cả gan buông lời ngược ngạo trước mặt “BẠCH THỦ lão gia. Nhà ngươi huênh hoang láo lếu với võ lâm là có hơn ngàn người ủng hộ, tại sao lại nao núng trong việc đóng thuế cho Triều đình. Cứ về bảo dân ngươi è cổ ra mà đóng, tại sao lại bảo dân ta đóng thuế như chúng bay được. Hay là các ngươi từ xưa đến nay chỉ lo phá phách, chẳng lo đóng góp thuế má để đến bây giờ Triều đình cần tiền thì chúng bay lại nhao nhao lên thế này thế nọ.”
Lão già bị BẠCH THỦ THIỀN SƯ nói trúng tim đen thì ngượng ngùng tìm cách lủi vào đám đông trốn mất. Về sau được biết lão già của phe LỘ DUNG đã bị THAM MƯU BỘ của ông ra lệnh phải đóng thuế gấp đôi gấp ba bù lại những thiếu hụt do chiến dịch ngưng đóng góp gây nên. Vì xót của nên lão già trút tất cả hằn học lên đầu những người thuộc phe CHÂN LÝ THÁI BÌNH nhưng không ngờ gặp phải BẠCH THỦ THIỀN SƯ tụng cho một bài kinh chí lý.
Thấy đấu tràng ngày càng sôi động, bọn CẢNH BỊ của Vương Quốc THẾ TRẦN vội phi ngựa vào sân sảnh đường để điều tra hư thực. Đám đông vội tản mác thành hai phe riêng biệt đứng dọc hai bên con lộ đá tiếp tục dùng khẩu chiến giao đấu. Ánh nắng phản chiếu xuống mặt đường, lấp lánh như một dòng sông bạc. Người HOÀI QUỐC ngậm ngùi liên tưởng đến dòng sông định mệnh ngăn đôi sơn hà ở ĐỆ THẬP THẤT VĨ TUYẾN. Mười một năm sau ngày lìa cố quốc, cảnh nồi da xáo thịt lại tái diễn vì tham vọng của kẻ không nghĩ đến tình cốt nhục, nghĩa đồng bào.
3.7 CUNG ĐÀN LỖI NHỊP
Cũng nằm trong kế hoạch Tổng nổi dậy, Đền Thờ NHẤT THỂ TAM VỊ tại Trấn BẮC HỒ SINH cũng có những xáo trộn nhưng không ác liệt như những nơi khác. Chiều ngày mồng 7 tháng 9 năm Bính Dần 1986 trong buổi tế tự vào khoảng giữa giờ Mùi, bọn thủ hạ của LỘ DUNG công khai lãnh nhiệm vụ thâu THUẾ ĐỀN THỜ. Những tên thủ hạ này đã từng mai danh ẩn tích, âm thầm hoạt động trong đám nhạc công lấy tên là NHẤT THỂ TAM VỊ. Đoàn hát này trước kia đã được nhân dân ở Doanh TUẪN GIÁO khai sáng và giúp đỡ lúc ban đầu.
Về sau vì có những sự bất mãn với những người đang giúp việc trong Doanh Phủ nên một số ca viên đã đang tâm trở mặt. Khi thấy các nữ binh của đạo quân VĨNH SANH không dám thâu thuế vì lo sợ những người của phe CHÂN LÝ THÁI BÌNH tấn công như tại Đền Thờ NỮ VƯƠNG THÁI BÌNH tại Trấn ÁNH DƯƠNG, bọn nhạc công của LỘ DUNG đã liều mạng xách giỏ đi thâu thuế mặc cho sự chống đối của BANG HÀNH SỰ và nhân dân đang có mặt trong Đền Thờ. Đêm hôm ấy, trong buổi Tiểu DIÊN HỒNG HỘI tại sảnh đường của Doanh TUẪN GIÁO, toàn thể nhân dân đã quyết liệt tẩy chay nhóm ca viên kể trên và yêu cầu BANG HÀNH SỰ công khai có thái độ đối với những đứa con phản nghịch này.
3.8 CUNG NGHINH HÀI CỐT CÁC TIỀN NHÂN ANH HÙNG
Vào giờ Dậu ngày 7 tháng 9 năm Bính Dần 1986, hưởng ứng lời kêu gọi của BANG HÀNH SỰ, hàng ngàn dân cư từ các Trấn trong những bộ áo quần sạch sẽ lũ lượt kéo nhau về Doanh TUẪN GIÁO để tham dự cuộc cung nghinh hài cốt các Anh Hùng TUẪN GIÁO của HOÀI QUỐC. Mặc dầu không có những nghi lễ tế tự long trọng như mọi năm, lễ đài của buổi cung nghinh có vẻ đồ sộ và đẹp mắt hơn. Cờ quạt rợp trời, khói hương nghi ngút, trống chiêng vang dậy làm sống lại không khí linh thiêng và nô nức của những ngày lễ tại cố quốc.
Điều làm cho Triều đình tức giận nhất là sự tham dự đông đảo của hàng ngàn người. Tôn nghiêm và trật tự là hai điểm nổi bật nhất trong cuộc rước. Tất cả mọi người sốt sắng dâng lời cầu nguyện cho sự bình an sớm trở về với Vương Quốc. Tiếng hát lời kinh vang vọng thật xa như nhắn nhủ với ai kia rằng: dầu đang ở trong một hoàn cảnh cực kỳ đen tối, lòng nhiệt thành của họ vẫn không bao giờ bị suy suyển. Họ đã nêu gương sáng Đức Tin cho những người cố tình hủy diệt họ.
Tục truyền rằng trong cuộc cung nghinh kể trên, một tên thủ hạ tâm phúc của LỘ DUNG sau khi dọ thám tình hình đã phi ngựa như bay về cấp báo với Ông như sau: Phe CHÂN LÝ VÀ THÁI BÌNH chắc chắn sẽ hố to phen này. Họ đang vận động xin phong thần cho 117 vị Anh Hùng TUẪN GIÁO HOÀI QUỐC. LỘ DUNG cũng hớn hở ra mặt vì sự hớ hênh của phe chống đối.
Trong bản danh sách mới nhất xin phong Thần của THAM MƯU BỘ của Ông mới đệ trình có ghi tất cả là 118 vị. Số thứ tự 118 có hàng ghi chú như sau: “Tổng Trấn LỘ DUNG sắp sửa được Tử Đạo theo ước muốn tại Doanh TUẪN GIÁO. Xin được cứu xét theo thủ tục khẩn cấp.” Tuy nhiên để chứng tỏ cho tên thủ hạ thấy sự hiểu biết sâu rộng của mình, Ông dõng dạc nói: “Thật ra Ta không cần đứng chung danh sách với 117 vị kia; họ đã có Đại Đế GIANG PHONG lo liệu rồi. Còn ta, nếu có mệnh hệ nào thì có Hoàng Đế THẠCH ĐỖ MA sẽ tổ chức một buổi lễ long trọng phong Thần cho ta tại Đền Thờ ĐỒNG TÂM lần nữa. Và ta bảo đảm với ngươi phen này sẽ không có một tên CHÂN LÝ THÁI BÌNH nào lọt được vào Đền Thờ. Lý do ta đã nghe phong phanh là toàn thể SỞ CẢNH BỊ sẽ đứng chật như nêm cối trong Đền Thờ và tất cả khuyển ngao của HỒ SINH sẽ nhận được chiếu chỉ mới về dự Tế. Chắc chắn Ta sẽ thắng.
3.8 QUYỀN SỞ HỮU TRÊN DOANH TUẪN GIÁO
Sau hơn hai tuần lễ cố gắng tìm giải pháp ổn thoả cho cuộc tranh chấp, Quan Luật Sĩ Xuân Ánh Vân hoàn toàn bất lực vì thái độ thiếu nghiêm chỉnh và không thực tâm giải quyết vấn đề về phía Triều đình. Nhận thấy giải pháp ôn hoà khó có thể thành tựu nhanh chóng, Ban Phòng Thủ Chân Lý và Thái Bình quyết định đốt giai đoạn và đẩy mạnh cuộc tranh chấp vào một khúc quanh mới. Trước hết Bạc Trang Hán Tử liên lạc với một Quan Luật Sĩ khác cũng người bản xứ tên là A Lịch Mây và cũng cư ngụ tại Vương Quốc Thiên Thần.
A Lịch Mây là một Quan Luật Sĩ nổi tiếng thời bấy giờ trong cộng đồng người HOÀI QUỐC. Ông đã đứng ra biện hộ cho hai người HOÀI QUỐC can tội cố sát hai tên tay sai của bọn Rợ Hồ, và Ông đã thành công trong hai vụ án kể trên. Ngoài ra, trước kia Ông đã từng cầm quân dẹp giặc HỒ trên quê hương của người HOÀI QUỐC. Với một quá khứ lâu dài nhiều liên hệ với người HOÀI QUỐC, A Lịch Mây xem cộng đồng đau khổ này như là cộng đồng riêng của Ông và vẫn ước ao có cơ hội giúp đỡ cho nhóm dân bất hạnh đang sống lưu đày trên mảnh đất của Ông. Vì thế sự có mặt của A Lịch Mây bên cạnh Bang Phòng Thủ Chân Lý và Thái Bình không là điều lạ đối với người HOÀI QUỐC; tuy nhiên Triều đình cảm thấy không an tâm cho lắm.
Về chủ trương làm việc, vì đã từng là một võ quan, A Lịch Mây luôn luôn áp dụng đường lối cứng rắn, rất ít khi đề cập đến vấn đề thương thuyết. Ông muốn thấy chiến trường được kết thúc nhanh chóng bằng biện pháp mạnh và chỉ nói chuyện thương thuyết khi nào đối phương đã tơi tả trên bãi chiến.
Sau khi nghiên cứu tất cả tài liệu do Chân Lý và Thái Bình cung cấp, A Lịch Mây cho quân mang một phong thư hoả tốc đến Quan Luật Sĩ Phi Lý của Triều đình. Trong thư A Lịch Mây cho Triều đình một thời hạn ngắn là hai ngày để giải quyết vấn đề. Đến ngày thứ ba nếu Triều đình không có thái độ dứt khoát Ông sẽ trình nội vụ ra trước Quan Án Sát của Hồ Sinh.
Vào buổi chiều ngày 11 tháng 9 năm Bính Dần 1986. A Lịch Mây từ Vương Quốc Thế Trần vượt hơn 400 dặm đàng đến Hồ Sinh để đàm đạo với Bạc Trang và Thiền Trang đồng thời tham dự Tiểu Diên Hồng vào buổi tối tại sảnh đường của Doanh Tuẫn Giáo. Ông đã nhắc nhở ngưòi Hoài Quốc về sự quan trọng của thỉnh nguyện Thể Nhân Trấn vì thỉnh nguyện này sẽ làm cho công luận có một cái nhìn rõ ràng và thuận lợi cho là Bang Phòng Thủ Chân Lý và Thái Bình. Nếu thỉnh nguyện Thể Nhân Trấn được công luận cho là chính đáng thì việc không chấp nhận Lộ Dung trong thỉnh nguyện thứ hai sẽ dễ giải thích cho người Hồ Sinh hơn.
Ngoài ra A Lịch Mây cũng đã dùng rất nhiều thời giờ để giải thích về tính cách pháp lý và chủ quyền của người Hoài Quốc đối với Nguyện đường của Doanh Tuẫn Giáo. Sáng ngày 12 tháng 9 năm Bính Dần 1986 Quan Luật Sĩ A Lịch Mây có đến thăm xã giao Tể Tướng Xú Uế Vân và vào giờ Tỵ hôm ấy, A Lịch Mây đã thay ngưòi Hoài Quốc tại Vương Quốc Hồ Sinh đặt bút ký vào văn kiện lịch sử để trình Quan Án Sát của của Vương Quốc Thế Trần: Đó là lá đơn khiếu nại Triều đình Thạch Đỗ Ma hăm doạ trục xuất người Hoài Quốc ra khỏi Doanh Tuẫn Giáo và tái xác nhận chủ quyền trên cơ sở này.
Tục truyền rằng Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma khi biết tin A Lịch Mây đã nộp đơn phản kháng Triều đình với Quan Án Sát của của Vương Quốc Thế Trần thì cảm thấy trong người nóng hừng hực như hoả nhập. Ông vội đi bách bộ ra vườn Thượng Uyển để tìm một chút gió mát. Vừa đến góc vườn, Ông gặp con mèo trắng mà Ông hằng nâng niu chăm sóc đang vờn vờn cục thịt mỡ béo ngậy bằng những móng vuốt sắc bén. Chú mèo đang định hất cục thịt mỡ vào miệng thì bất ngờ từ trong góc vườn có một chú chuột nhắt phóng vụt ra. Nhanh như cắt, chú chuột ngoạm lấy cục thịt mỡ thơm phức và chui qua lỗ dậu mất dạng. Chú mèo đứng khựng lại, ngơ ngác vừa tiếc vừa giận. Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma thấy cảnh ấy liền tức giận chạy như bay đến chỗ chú mèo trắng, dùng hết sức bình sinh đá tung con vật văng vào góc vườn, miệng lẩm bẩm: “Đồ vô tích sự! Đã đến miệng mà còn để sẩy.” Đoạn Ông hậm hực quay trở vào.
A Lịch Mây sau khi rời khỏi công đường vội tức tốc phi ngựa về Doanh Tuẫn Giáo. Tại đây Ông cùng với Bạc Trang Hán Tử và Giáo Học Thiền Trang mở một cuộc Hội Công Báo để thông báo và giải thích những việc làm của Bang Phòng Thủ Chân Lý và Thái Bình cũng như Bang Hành Sự cho các Truyền Ảnh Trạm và Công Báo trong vùng. Ông nhấn mạnh đến sự hợp pháp của việc quản trị cơ sở Doanh Tuẫn Giáo của ngưòi Hoài Quốc và cho rằng hành động nạp đơn khiếu nại Triều đình Thạch Đỗ Ma là một điều bắt buộc chỉ có tính cách tự vệ mà thôi.
Bấy giờ có một tờ Công Báo viết bằng ngôn ngữ Hoài Quốc vẫn thường bênh vực chính sách của Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma đưa ra những câu hỏi nhằm ám chỉ cuộc tranh đấu do Bang Phòng Thủ Chân Lý và Thái Bình chủ trương có bàn tay của bọn Rợ Hồ giật dây. Lập tức A Lịch Mây đả phá lập luận kể trên một cách quyết liệt và thêm rằng: Sự đoàn kết chống lại áp bức bất công của ngưòi Hoài Quốc tại bất cứ nơi nào trên thế giới cũng đều là mối đe doạ cho bè lũ Rợ Hồ.
Trong lúc cuộc Hội Công Báo đang diễn tiến tại Doanh Tuẫn Giáo thì Triều đình Thạch Đỗ Ma cho công bố một bảng yết thị quan trọng: Sứ giả của Quan Khâm Sai Phụng Lễ Nghi của Đại Đế Giang Phong Đệ II sẽ đến Hồ Sinh để làm trung gian hoà giải cho cuộc tranh chấp.
3.9 ÁNH SÁNG CUỐI ĐƯỜNG HẦM
Nhận thấy tình hình tại Vương Quốc Hồ Sinh càng ngày càng trở nên đen tối, Đại Đế Giang Phong Đệ II ra lệnh cho Quan Khâm Sai Phụng Lễ Nghi xúc tiến nhanh chóng công việc hoà giải giữa Triều đình Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma và Bang Phòng Thủ Chân Lý và Thái Bình. Đại Đế Giang Phong Đệ II không hiểu Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma đã áp dụng chính sách cai trị như thế nào mà thần dân của Ông nổi lên chống đối mãnh liệt như thế. Ông lại càng ngạc nhiên hơn nữa vì sự chống đối này lại nhóm do dân Hoài Quốc, một nhóm dân mà lúc nào Ông cũng dành cho họ một cảm tình đặc biệt.
Lịch sử Thiên Giáo tại Hoài Quốc đã chứng tỏ cho Đại Đế Giang Phong Đệ II biết dân Hoài Quốc có một tinh thần sống đạo rất cao, luôn luôn trọng lễ nghĩa và nhất là không bao giờ có tư tưởng chống lại Thiên Giáo. Họ là con cháu của hơn mười ba vạn Anh Hùng Tuẫn Giáo thì có lý nào trong một sớm một chiều họ lại làm hoen ố dòng máu oai hùng đó sao. Trái lại những tờ sớ về tình hình Hồ Sinh do Phụng Lễ Nghi đệ trình cho thấy Triều đình Thạch Đỗ Ma đã có những hành động thái quá. Thứ nhất là việc cấm cản các nghi lễ tế tự và đóng cửa Chầu Gia tại Doanh Tuẫn Giáo. Thứ hai, đưa các Phó Tổng Trấn ra khỏi Doanh Phủ, bỏ ngõ Nguyện đường và sảnh đường. Thứ ba, cố tình thực hiện Lễ Trao Gươm trong tình trạng hỗn loạn và nhất là vi phạm toàn bộ chủ thuyết Thiên Giáo trong việc đưa Cảnh Bị và khuyển ngao vào Đền Thờ hỗ trợ cho Lễ Trao Gươm. Cuối cùng là việc ra Tuyệt Thông Án cho hai thần dân của Ông kéo theo cả một Tự Điển Thư với gần ba ngàn chữ ký đồng lòng xin chịu chung bản án. Tất cả những sự sai lầm trong chính sách cai trị của Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma chỉ vì cố tình né tránh hai thỉnh nguyện của người Hoài Quốc.
Đối với Đại Đế Giang Phong Đệ II, thỉnh nguyện về Thể Nhân Trấn của người Hoài Quốc hoàn toàn hợp lý và chính đáng, phù hợp với những điều đã được nêu ra trong bộ Tân La Luật. Riêng về thỉnh nguyện thứ hai, Ông thắc mắc vô cùng. Tổng Trấn Lộ Dung là người như thế nào? Có lẽ Ông đã làm điều gì không phải đạo đến nỗi dân chúng của Ông chống đối mãnh liệt như vậy. Thế là Ông tức tốc ra lệnh cho Quan Khâm Sai bắt tay ngay vào việc điều tra và giải quyết tình trạng bế tắc tại Hồ Sinh. Sau khi tham khảo ý kiến với những quan lại có nhiều kinh nghiệm về người Hoài Quốc trong Triều đình, Phụng Lễ Nghi yêu cầu Quan Chưởng Môn Nguyên Đức Thiệp của Phái Thông Công lãnh ấn sứ giả của Đại Đế Giang Phong Đệ II.
Nguyên Đức Thiệp là người Hoài Quốc, được sắc phong Thất Phẩm đã lâu và đang giữ chức Chưởng Môn của Phái Thông Công, một môn phái chuyên lo việc phổ biến phong trào tôn kính Nữ Vương của Thiên Giáo. Với chức vụ Chưởng Môn Ông có quyền điều động hàng chục các quan từ Nhất Phẩm cho đến Thất Phẩm cùng giám sát hàng trăm Đệ tử và môn sinh. Tiếng nói của Ông rất có giá trị đối với người Hoài Quốc.
Sau khi thông báo cho Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma biết quyết định của mình, Quan Khâm Sai Phụng Lễ Nghi tức tốc sai Chưởng Môn Nguyên Đức Thiệp lên đường đến Hồ Sinh. Không để mất thời giờ, Nguyên Đức Thiệp cỡi Thần Điêu Bô Inh Thất Nhị Thất đến Ải Phi Tràng của Hồ Sinh. Điều làm cho Nguyên Đức Thiệp ngạc nhiên vô cùng là khi Thần Điêu xà xuống Ải Phi Tràng Ông đã thấy đoàn người ngựa của Lộ Dung túc trực tại đấy tự lúc nào để nghênh rước Ông. Ông còn nhận thấy Quản Giáo Trưởng Xà Đầu có mặt trong đoàn quân ấy. Thế là Ông khỏi tốn hao nội lực để xách túi hành lý vào chỗ cột chiến mã vì mọi việc đã có Lộ Dung sắp đặt.
Nguyên Đức Thiệp sực nhớ lại cách đó một năm, trong khi đi tháp tùng tượng Nữ Vương Du Hành về Doanh Tuẫn Giáo, Diệp Ngà Trang đang giữ chức Giám Lĩnh Đền Thờ Nữ Vương của môn phái Thông Công có báo cáo với Ông là mặc dầu Tổng Trấn Bình Viễn An có mời Lộ Dung về tham dự cuộc cung nghinh năm lần bảy lượt mà Lộ Dung vẫn tảng lờ như không hay biết. Thế mà lần này đích thân Lộ Dung lại hăm hở ra tận Ải Phi Tràng xa xăm này để đón rước Ông. Quả là điều lạ.
Tục truyền rằng: Khi mới bắt đầu đối diện với Lộ Dung tại Ải Phi Tràng, Nguyên Đức Thiệp cảm thấy một luồng ngoại lực lạ thường xâm nhập vào thân thể của Ông. Đồng thời Ông bắt gặp nhãn quan của Lộ Dung đang thi triển “Thôi Miên Pháp” trong bộ “Đoạt Hồn Chân Kinh” của Phái Hắc Ma. Biết Lộ Dung muốn thử công lực và cố tình chiêu dụ mình ngay từ lúc đầu, Chưởng Môn Nguyên Đức Thiệp vội vận chân khí phong toả các huyệt đạo trong người, đồng thời thò tay vào túi móc thẻ bài Chưởng Môn tung lên cao. Quả nhiên Lộ Dung khi thấy ánh sáng lấp lánh của thẻ bài vội vàng thâu hồi “Thôi Miên Pháp” lại, đoạn vả lả vài lời xã giao với Nguyên Đức Thiệp. Trong khi đi đường, Nguyên Đức Thiệp bí mật lấy Chiếu yêu kính rọi vào người của Lộ Dung để tìm hiểu con người của vị Tổng Trấn như thế nào. Nếu là người ngay thẳng thì trong gương sẽ không có hình ảnh gì hiện lên. Khi soi gương vào Lộ Dung, Nguyên Đức Thiệp dụi mắt không tin vào những điều xảy ra trước mắt. Quả là một sự khác thường.
Sáng hôm sau Nguyên Đức Thiệp tiếp xúc với từng Phó Tổng Trấn và các quan Thất Phẩm người Hoài Quốc và đàm đạo với họ rất lâu. Sau hai ngày, một giải pháp cho cuộc tranh chấp của Doanh Tuẫn Giáo thuộc Vương Quốc Hồ Sinh bắt đầu thành hình trong óc của Vị Chưởng Môn.
3.10 THIỆN CHÍ HOÀ GIẢI
Mặc dầu đã nạp đơn phản kháng Triều Đình Thạch Đỗ Ma về chủ quyền trên Doanh Tuẫn Giáo, Bang Phòng Thủ Chân Lý và Thái Bình đã chấp thuận lời đề nghị của Quan Án Sát A Lịch Mây bày tỏ thêm một dấu hiệu hoà giải khác để Triều Đình có cơ hội giải quyết vấn đề một cách êm thắm mà không cần đưa nhau ra trước công đường. Hơn nữa sự có mặt của Quan Chưởng Môn Nguyên Đức Thiệp tại Hồ Sinh chứng tỏ Đại Đế Giang Phong Đệ II và Quan Khâm Sai Phụng Lễ Nghi cũng muốn có một giải pháp trong tình huynh đệ của Thiên Giáo. Bạc Trang Hán Tử gia hạn cho Triều Đình thêm hai tuần lễ để cứu xét nội vụ đồng thời yêu cầu nhân dân thuộc phe chống đối bắt đầu đóng thuế Đền Thờ trở lại để tỏ thiện chí.
Bảng yết thị về việc tái đóng thuế được phổ biến một cách khẩn cấp trong Hịch Chánh Đạo cũng trong tuần ấy. Ngày 13 và 14 tháng 9 năm Bính dần 1986, sinh hoạt tế tự tại các Đền Thờ ở các Trấn hầu như đã trở lại bình thường. Hai nữ binh của đạo quân Vĩnh Sanh định trực tiếp tham gia vào những công việc của Bang Hành Sự tại Đền Thờ Nhất Thể Tam Vị nhưng bị Phó Tổng Trấn Đậu Lư không cho phép. Một vài cuộc cãi vã nhỏ xảy ra tại Trấn Cẩm Báo nhưng không đến nỗi ác liệt như tuần lễ trước. Nhóm người trong Tham Mưu Bộ của Lộ Dung hầu như đã tránh mặt trong những buổi tế tự. Bang Hành Sự của Doanh Tuẫn Giáo không gặp một sự quấy phá hay ngăn cản nào của phe Lộ Dung. Những giỏ tiền thuế đầy ắp lại thấy xuất hiện trong các buổi tế tự. Hai Phó Tổng Trấn Đậu Lư và Chánh Nguyên đã mỉm cười vui vẻ mơ đến ngày thái bình gần kề.
Tục truyền rằng đêm hôm đó, Lộ Dung chong đèn thức tới khuya để đóng tiền thuế do nhân dân Doanh Tuẫn Giáo đóng góp. Từ ngày nhận chiếu chỉ Tổng Trấn, Ông chưa bao giờ thấy đống bạc kết sù như thế. Ông mơ màng nghĩ đến ngày Ông thật sự nắm giữ quyền hành, Ông sẽ cho phá gian đại sảnh mà nhóm Chân Lý và Thái Bình vẫn thường nhóm họp hằng đêm chống đối ông. Ông sẽ cho xây cất lại kiên cố hơn và biến nó thành kho bạc để chứa tiền thuế của Doanh Tuẫn Giáo. Dưới ánh sáng lung linh của ngọn bạch lạp trăm nến, Lộ Dung mải miết đếm. Một ngàn năm trăm, một ngàn sáu trăm, một ngàn bảy trăm . . . Ôi! Tiền nhiều vô kể? Tiếng trống báo hiệu canh năm từ xa vọng về. Tay Ông mỏi nhừ vì lâu ngày không có dịp đếm. Mệt mỏi, Ông ngả người trên chiếc trường kỷ. Bọn thủ hạ vội vã mang chai dầu nóng ra thoa bóp hai bàn tay của vị chủ tướng.
3.11 HÀNH ĐỘNG KHIÊU KHÍCH
Để tiếp tục bày tỏ thiện chí hoà giải, dân chống đối thuộc phe CHÂN LÝ THÁI BÌNH cố gắng bình thường hoá mọi sinh hoạt tại Doanh Phủ. Mọi hoạt động được thu gọn vào những tiểu DIÊN HỒNG HỘI vào buổi tối tại sảnh đường để thông báo tin tức và trao đổi ý kiến. Tuy nhiên, buổi sáng ngày 20 tháng 9 năm Bính Dần 1986, Phó Tổng Trấn CHÁNH NGUYÊN cho phổ biến một khẩu lệnh khẩn cấp của Tể Tướng XÚ UẾ VÂN, tuyệt đối cấm các Kha Trưởng và Kha Phó lên gần Chánh Điện và sử dụng hệ thống phóng thanh để đọc thông tư yết thị của BANG HÀNH SỰ trong các Đền Thờ. Lệnh cấm vừa được ban ra đã gặp sự chống đối mãnh liệt của toàn dân. Họ tức giận vì thái độ khiêu khích, thiếu thiện chí của XÚ UẾ VÂN; đồng thời hỗ trợ cho BANG HÀNH SỰ trong các buổi tế tự cuối tuần đó.
Tại Đền Thờ NỮ VƯƠNG THÁI BÌNH ở Trấn ÁNH DƯƠNG, KHA Phó NGŨ MẠNH SAN được tăng cường từ Trấn CẨM BÁO, trước giờ tế tự đã hùng dũng bước lên bục cao bên phải Chánh Điện tuyên đọc những thông tư yết thị của BANG HÀNH SỰ mặc cho Phó Tổng Trấn CHÁNH NGUYÊN hết lời can gián. Trong lúc NGŨ MẠNH SAN đang làm nhiệm vụ bên ngoài thì BẠCH THỦ THIỀN SƯ NGŨ CỐT đơn thân độc mã trấn gữ hệ thống âm thanh trong phòng xiêm y ở phía sau của Đền Thờ. Một tên tiểu ma đầu của LÊ GIA TRANG khi nghe NGŨ MẠNH SAN oang oang trong Đền Thờ liền chạy vào phòng xiêm y đinh thi hành lệnh của XÚ UẾ VÂN.
Vừa ló đầu vào, hắn bắt gặp BẠCH THỦ THIỀN SƯ đang sừng sững như pho tượng đồng đen, hai mắt sáng quắc đề phòng bất trắc. Nhận thấy một mình không thể nào áp đảo được THIỀN SƯ, tên tiểu ma đầu phóng vội ra ngoài gọi thêm đồng bọn. Lần này, vừa thấy hai bóng người thấp thoáng ngoài chấn song, BẠCH THỦ THIỀN SƯ gầm lên một tiếng thật to như hỗ dữ nhớ rừng, mười ngón tay cứng như thép nguội nắm chặt lại trong thế “THÔI SƠN PHÁ THẠCH”. Nghe tiếng gầm đinh tai nhức óc, hai tên tiểu ma đầu của LÊ GIA TRANG hồn phi phách tán liền đứng khựng lại. Chúng ước lượng những quả đấm ngàn cân của BẠCH THỦ THIỀN SƯ sẽ tới tấp giáng trên đầu chúng và liên tưởng đến những con cua đồng bị bẹp dúm dưới cái chày to bằng gỗ mà LÊ GIA Lão Bà vẫn thường nấu riêu cho chúng ăn. Thế là không ai bảo ai, cả hai tên đều quay đầu phóng nhanh vào bóng tối mất dạng.
Tại Đền Thờ, SANH GIANG ở Trấn MIÊU PHÁ THẠCH, Phó Tổng Trấn ĐẬU LƯ cương quyết thi hành khẩu lệnh của viên Tể Tướng ngang ngược. Ông đi xăm xăm vào phòng xiêm y và hí hoáy thế nào mà toàn bộ hệ thống âm thanh đều tê liệt. Dầu vậy Kha Trưởng HOÀNG NGỌC CHƯƠNG vẫn hiên ngang tiến lên gần Chánh Điện, vận mười thần công lực, hãm tụ chân khí đầy lồng ngực và tuyên đọc những quyết định của BANG HÀNH SỰ. Sau đó, Phó Tổng Trấn ĐẬU LƯ bắt đầu cuộc lễ mà không có phần âm thanh khuếch đại như thường lệ. Người HOÀI QUỐC lại có dịp sống lại những giây phút thoải mái xa xưa ở quê nhà khi mà nền văn minh điện khí chưa xâm nhập vào những làng quê hẻo lánh. Họ gọi buổi tế tự hôm ấy là một tiến bộ giật lùi.
Ngày 21 tháng 9 năm Bính Dần 1986, tại các Trấn CẨM BÁO và BẮC HỒ SINH, các Kha Trưởng và Kha Phó sở tại được sự tăng cường hùng hậu của nhân dân đã làm chủ tình hình và không gặp những trở ngại nào về âm thanh. Hai Phó Tổng Trấn ĐẬU LƯ và CHÁNH NGUYÊN có lẽ thấy sự vô lý của Triều Đình và sự cương quyết của những vị đại diện dân nên đành thúc thủ. Riêng về Thuế Đền Thờ trong tuần đó, dân chúng vẫn tiếp tục thi hành quyết định của BANG PHÒNG THỦ CHÂN LÝ VÀ THÁI BÌNH nên đã tận tâm đóng góp như thường lệ và kết quả lên đến trên một ngàn ba trăm quan tiền.
3.12 THĂM DÂN CHO BIẾT SỰ TÌNH
Vào khoảng giờ Thân ngày 21 tháng 9 năm Bính Dần 1986, trên con đường dẫn về Doanh TUẪN GIÁO có hai bóng chiến mã trên có hai kỵ sĩ đang thong thả hướng về Doanh Phủ. Vẻ ung dung của hai kỵ mã trên tương phản với hình ảnh sôi động ồn ào cách đó hai tháng: cũng trên đoạn đường này vào buổi chiều ngày 21 tháng 7, Tổng Trấn LỘ DUNG đã thống lĩnh một đạo quân hùng hậu, ào ạt tấn kích Doanh TUẪN GIÁO cả hai lần nhưng đều thất bại. Một trong hai người kỵ mã là một thanh niên, vận y phục thứ dân, dáng dấp nhanh nhẹn có vẻ như một người hướng đạo, vừa đi vừa quan sát địa hình địa vật, thỉnh thoảng lại cuối xuống chăm chú tìm đường trên bức địa đồ bằng da. Người thứ hai tuổi trạc ngũ tuần, dáng dấp đạo mạo, oai phong trong bộ nhung phục màu đen của Quan Thất Phẩm, cổ đeo thẻ bài màu trắng. Nét mặt nghiêm trọng của Ông chứng tỏ một sứ mạng quan trọng Ông đang theo đuổi. Thỉnh thoảng Ông lại nhíu mày, mặt thoáng vẻ đăm chiêu như đang suy tư về một vấn đề khó giải quyết. Hai con chiến mã thong thả đi lần đến chiếc cổng lớn có khắc ba chữ đại tự “DOANH TUẪN GIÁO” liền đứng lại. Hai kỵ mã phóng tầm mắt quan sát một lượt đoạn cho ngựa khoan thai tiến vào.
Lúc bấy giờ sân Doanh Phủ vắng vẻ im lìm. Ánh nắng của một buổi chiều thu gần tắt. Gió nhẹ hiu hiu thổi. Một vài chiếc lá vàng cố gắng cất mình lên khỏi mặt đất, bay được một khoảng ngắn rồi lại rơi xuống nằm bất động cách đó không xa. Cạnh chiếc cổng lớn của sảnh đường, BẠCH THỦ THIỀN SƯ NGŨ CỐT đang ngồi truyện vãn với Trại Chủ PHÙNG TẤT THẠNH, một người có trang trại sát bờ thành của DOANH TUẪN GIÁO. Khuôn mặt của họ lộ vẻ mệt mỏi, uể oải sau hai tháng bất đắc dĩ làm công việc “trấn thủ lưu đồn”. BẠCH THỦ THIỀN SƯ thấy khuôn mặt xa lạ của kỵ mã trẻ tuổi đang tiến về phía mình thì liên tưởng ngay đến thủ hạ của LỘ DUNG định giở trò ám muội. Nhưng người này chỉ hỏi thăm lối vào Nguyện đường rồi đi thẳng, khuôn mặt không có vẻ dáo dác như những thủ hạ của LỘ DUNG mà BẠCH THỦ THIỀN SƯ vẫn thường gặp. Vị quan từ từ xuống ngựa, vẫn khoan thai, thong thả đi về hướng Trại Chủ PHÙNG TẤT THẠNH. Khi còn cách độ hai mươi trượng, trống ngực PHÙNG TẤT THẠNH bắt đầu đập loạn xạ. Đúng là LỘ DUNG không sai. Cũng tầm thước đó, cũng dáng dấp hao hao không thể lầm lẫn được, và nhất là bộ nhung phục màu đen quen thuộc hôm nào, PHÙNG TẤT THẠNH định phi thân bay vào sảnh đường để phi báo nhưng Ông đành ngưng lại vì kịp nhận ra sự khác biệt của vị quan Thất Phẩm trước mặt. Thoáng nghĩ có lẽ đây là một võ quan từ phương xa nửa đường ghé thăm Doanh Phủ, PHÙNG TẤT THẠNH vội vàng thi lễ và hỏi thăm danh tánh. Thoáng nụ cười nhẹ trên môi, vị quan trong nhung phục của THIÊN GIÁO ôn tồn nhưng không kém phần oai vệ: “Ta là Quan Chưởng Môn NGUYÊN ĐỨC THIỆP, phái THÔNG CÔNG, từ Vương Quốc MINH SƠN.
Trại Chủ PHÙNG TẤT THẠNH như từ trời rơi xuống, trống ngực đập liên hồi, bàng hoàng không biết xử trí thế nào. Ông không ngờ con người đang mang sứ mạng quan trọng làm trung gian hoà giải cho cuộc xung đột giữa Triều Đình và BANG PHÒNG THỦ CHÂN LÝ VÀ THÁI BÌNH hiện diện bằng xương bằng thịt trước mặt Ông. Ông phải làm gì bây giờ. NGUYÊN ĐỨC THIỆP cũng hỏi thăm lối vào Nguyện đường, PHÙNG TẤT THẠNH vội hướng dẫn Vị Chưởng Môn vào cổng sảnh đường đồng thời ra hiệu cho Trại Chủ phu nhân đang đứng gần đó chạy về phi báo cho dân chúng. Khoảng một khắc sau, dân chúng từ các Trấn lũ lượt kéo vào Doanh Phủ.
Chờ cho Vị Chưởng Môn cầu nguyện xong, PHÙNG TẤT THẠNH hướng dẫn Chưởng Môn NGUYÊN ĐỨC THIỆP vào gian phòng ăn của sảnh đường. Sau khi an vị bên cạnh chiếc bàn dài, NGUYÊN ĐỨC THIỆP nói rõ ý định của Ông là muốn thăm Doanh Phủ và nhân dân của DOANH TUẪN GIÁO. Ông cũng cho biết thêm là chuyến đi thăm có tính cách bất ngờ vì Ông muốn quan sát và điều tra tình hình một cách trung thực. Trong khi chờ đợi dân chúng kéo đến, BẠCH THỦ THIỀN SƯ và PHÙNG TẤT THẠNH cố gắng áp dụng “sa luân chiến” trình bày tất cả những sự kiện liên quan đến cuộc binh biến đang xảy ra. Sau đó không lâu, hảo hán HỒ QUANG NGUYỆT được tin cấp báo sự hiện diện của Quan Chưởng Môn vội hối hả phi ngựa như bay về Doanh Phủ. Ông bước vào sảnh đường và mời NGUYÊN ĐỨC THIỆP ra gian đại sảnh để có chỗ cho dân chúng trình bày nguyện vọng vì lúc bấy giờ dân chúng kéo đến càng đông. Có tất cả mười sáu người đại diện cho mọi giới sĩ, nông, công, thương lần lượt trình bày những sự độc đoán của Triều đình THẠCH ĐỖ MA và hài tội LỘ DUNG trước Quan Chưởng Môn NGUYÊN ĐỨC THIỆP. Vị Chưởng Môn có cảm tưởng như mình là Quan Án Sát đang nghe bảng cáo trạng dài dằng dặc về những tội ác của vị Tân Tổng Trấn. Tuy nhiên ông vẫn giữ đúng tư cách và tác phong của một sứ giả đi hoà giải, chỉ im lặng ghi nhận tất cả các lời phát biểu. Những tiếng nói uất ức vì bị áp bức, những giọt nước mắt buồn tủi vì thế cô, những phiền muộn vì đối đãi bạo ngược của những người lãnh đạo là những hình ảnh sống động mà vị sứ giả ghi nhận được trong buổi thăm dân hôm đó. Cuộc trình bày nguyện vọng kéo dài từ giờ Thân cho đến cuối giờ Mùi thì tạm ngưng để NGUYÊN ĐỨC THIỆP quá bộ về trang trại của Trại Chủ PHÙNG TẤT THẠNH dùng bửa cơm thanh đạm. Sau đó, Ông trở lại sảnh đường của DOANH TUẪN GIÁO để khuyên nhủ nhân dân tiếp tục thỉnh nguyện ôn hoà trong tinh thần THIÊN GIÁO, gia tăng lời cầu nguyện thì kết quả tốt đẹp hơn.
Ánh nắng bên ngoài đã tắt hẳn, màn đêm buông dần trên Doanh TUẪN GIÁO. Gió thu bắt đầu thổi mạnh mang theo cái lạnh lẽo của những ngày binh biến. NGUYÊN ĐỨC THIỆP cảm thấy tâm hồn giao động. Trước khi phi ngựa ra khỏi cổng thành, Ông còn bắt gặp đỉnh cao chót vót của cây Thập Tự nổi bật trên nền trời đang ngã màu xám. Ông thấy hình ảnh cây Thập Tự của Doanh TUẪN GIÁO như một chứng tích oai hùng, ngạo nghễ như tinh thần của người dân HOÀI QUỐC.
Tục truyền rằng: Đêm hôm ấy NGUYÊN ĐỨC THIỆP chong đèn làm việc rất khuya trong một gian phòng nhỏ ở trang trại của một người thân. Dưới ánh nến lung linh của ngọn bạch lạp, Ông đúc kết lại những chi tiết của buổi đi thăm dân lúc ban chiều. Tờ đúc kết sẽ được viết lại thành Sớ và sẽ được quan Khâm Sai khán trước khi đệ trình Đại Đế GIANG PHONG Đệ II . Tờ đúc kết được tóm lược như sau:
Những lời cáo buộc Tổng Trấn LỘ DUNG: - Hội họp bí mật với NHÓM YỂM TRỢ, vu khống, xuyên tạc đường lối của Tổng Trấn BÌNH VIỄN AN và đề nghị Triều đình cách chức vị “Tiền nhiệm khả kính”. (Tài liệu mật và “Sáo ngữ tâm thư”). - Sử dụng “Nặc danh thư” để bôi nhọ BÌNH VIỄN AN. (Nhân chứng sống) - Không làm tròn nhiệm vụ của một quan Thất Phẩm của THIÊN GIÁO: Từ chối ngồi Toà Cáo Lỗi, từ chối việc dạy dỗ người muốn tòng giáo (Nhân chứng sống) - Không muốn hợp tác với người HOÀI QUỐC trước khi nhậm chức Tổng Trấn. (Sớ khiếu nại của các Bang, Hội . . . ) - Chủ tâm tận diệt cơ chế dân chủ hợp pháp là BANG HÀNH SỰ nếu được về làm Tổng Trấn (Nhân chứng sống) - Không muốn về phục vụ tại Doanh TUẪN GIÁO trước ngày được bổ nhậm vì lập luận “cai trị Trấn HOÀI QUỐC như đi làm dâu trăm họ”. (Nhân chứng sống) - Không biết tự xử theo liêm sĩ của một Võ quan THIÊN GIÁO, luôn luôn viện dẫn “Đức Vâng Phục” để thực hiện ý đồ (Hịch Chánh Đạo và Nhân chứng sống)
Ngoài ra còn rất nhiều lời cáo buộc mà NGUYÊN ĐỨC THIỆP không đủ can đảm để đọc thêm nữa. Chẳng hạn như những việc cho thi hành lệnh cấm tế tự, đóng cửa Chầu gia, quản thủ tiền bạc, hỗ trợ cho thủ hạ viết “Nặc danh thư” . . . Vị Chưởng Môn nhớ lại hình ảnh sống động của những lão bà, tráng niên, thiếu nữ . . . đã không nén được cơn xúc động khi bày tỏ những điều u uất, thầm kín qua những giọt nước mắt chân thành. Ông nhìn đến chồng hồ sơ cao ngất nghễu trên án thư. Những hàng chữ dày đặc như nhảy múa trước đôi mắt mệt mỏi của Ông. Làm sao có một giải pháp ổn thoả cho đôi bên. Cái hố sâu ngăn cách đã quá to lớn, thăm thẳm dịu vợi không dễ gì lấp cho bằng. Giờ đây phải có sự chọn lựa. Một là thể diện của Triều đình, hai là đời sống tinh thần của hàng ngàn thần dân. Phải chọn một. NGUYÊN ĐỨC THIỆP cố gắng suy nghĩ nhưng không có lối thoát. Ông cảm thấy bất lực, nhỏ bé trước sứ mạng cao cả này. Ông chấp tay thầm thỉ xin Ơn Trợ Lực. Mí mắt của Ông nặng trĩu, mệt mỏi Ông gục đầu trên Án Thư và thiếp vào cơn mê lúc nào không hay. Trong giấc mơ, NGUYÊN ĐỨC THIỆP thấy có một Vị Thần khuôn mặt thật hiền từ hiện đến, trên tay có cầm một cây gậy đang trổ những hoa huệ trắng. Nhận thấy khuôn mặt của Vị Thần rất quen thuộc nhưng NGUYÊN ĐỨC THIỆP không làm sao nhớ ra được. Ông định lên tiếng hỏi thăm lai lịch thì Vị Thần đã nghiêm nghị phán: “Sự Thật vẫn là Sự Thật”. Cán cân Công Lý sẽ nghiêng về những người theo Lẽ Phải, những người đã chọn con đường Chánh Đạo.” Nói xong Vị Thần biến mất. NGUYÊN ĐỨC THIỆP bàng hoàng tỉnh mộng. Dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn bạch lạp gần tàn, ông đọc thấy hai chữ đại tự đỏ tươi “CHÁNH ĐẠO” nổi bật trên tờ hịch màu trắng của nhóm CHÂN LÝ THÁI BÌNH. Tiếng gà gáy sáng từ một thôn sớm gần đó đưa Ông về thực tại. Ông bóc vội tờ lịch, miệng lẩm bẩm: “Lại qua thêm một ngày!”
3.13 CỐT NHỤC TƯƠNG TÀN
Trong lịch sử người Hoài Quốc có hai dòng sông định mệnh đã từng phân chia Vương Quốc bé nhỏ nầy ra làm hai miền Nam Bắc. Hai dòng sông oan nghiệt đó đã chứng kiến bao cảnh huynh đệ tương tàn giữa những người đồng chủng đồng huyết thống. Mười một năm sau ngày dòng sông ở Đệ Thập Thất Vĩ Tuyến không còn chia đôi sơn hà, vì cả giang sơn hoàn toàn bị nhuộm đỏ, người Hoài Quốc trên mảnh đất Hồ Sinh lại ghi vào trang sử đau thương của họ dòng sông thứ ba cũng mang cùng mục đích: chia Nam xẻ Bắc. Phát xuất từ đỉnh núi kiêu căng vô tận, dòng nước chảy qua khu rừng âm u Hận Thù chất ngất, ầm ầm lao xuống bờ vực Tham Lam thăm thẳm. Được tiếp sức bởi những phụ lưu Bất Mãn, Oán Hờn, Ganh Tị, dòng Tham Vọng như con mãng xà hung tợn tàn phá những gì mà người Hoài Quốc đã cố gắng xây dựng sau những năm tháng bị lưu đày nơi đất khách quê ngưòi. Sức tàn phá của con thuỷ quái Tham Vọng được thể hiện rõ rệt trong một số gia đình có sự bất đồng quan điểm về cuộc khủng hoảng Bính Dần 1986.
Lần phân hoá thứ ba này có tác dụng thê thảm hơn hai lần trước. Mặc dầu không có cảnh máu đổ đầu rơi như hai cuộc nội chiến năm xưa, vết thương do cuộc binh biến Bính Dần 1986 gây ra còn đau đớn gấp trăm gấp ngàn lần. Đó là sự đau khổ về dằn vặt nội tâm, tinh thần luôn luôn bị giao động và nhất là anh em họ hàng hoàn toàn bị ly tán. Ở khắp các Trấn, cảnh vợ chồng, cha mẹ, anh em, họ hàng, bạn bè bất hoà, xung đột, cãi vã lẫn nhau về đường lối mỗi người đang theo đuổi được gọi là cảnh “dở khóc dở cười”. Có gia đình chỉ độc nhất hai anh em may mắn đến được phần đất tự do trong khi cha mẹ còn đang bị gông cùm dưới ách tham tàn của bọn Rợ Hồ. Thế mà chỉ trong một sớm một chiều, anh đứng về phe ủng hộ Lộ Dung trong khi em chiến đấu trong hàng ngũ Chân Lý Thái Bình. Từ ngày anh em ở hai bên chiến tuyến, những lúc gặp mặt nhau trong gia đình hay những bửa cơm thân mật bên nhau không còn là những cơ hội hàn huyên đầm ấm đầy yêu thương nữa. Trái lại đó là những bãi chiến trường nho nhỏ nhưng sôi động ác liệt gây nên biết bao đau thương cho những người cùng huyết nhục.
Có những thiếu niên rời bỏ trang trại thân yêu của mình để suốt ngày quanh quẩn trong sảnh đường của Doanh Tuẫn Giáo vì không muốn thấy cảnh người thân hội họp bàn tán ủng hộ chính sách của Triều đình. Lại cũng có cảnh cha mẹ giọt vắn giọt dài, khóc than cho số phận hẩm hiu vô phúc vì có con cái mù quáng đi theo tiếng gọi của vị Tổng Trấn mất lòng dân. Một số các gia tộc lâm vào cảnh dở khóc dở cười vì sự phân hoá quá rõ rệt: anh em dứt tình dứt nghĩa, chú cháu lên án lẫn nhau, họ hàng cố tình tránh mặt . . . , tất cả càng làm người Hoài Quốc tuyệt vọng. Lại có một vài trường hợp thật là khó xử trí. Một người đang ủng hộ lập trường của Phe Chân Lý Thái Bình, đồng thời định gã con gái cho một gia đình giàu có ở cùng thôn. Tuy nhiên, gia tộc đàng trai lại thề sống chết với Tổng Trấn Lộ Dung. Họ nhà gái không biết xử trí thế nào. Cuối cùng vị sợ con gái của mình lâm vào cảnh ế ẩm như buổi chợ chiều, bên cô dâu đành cắt đứt liên hệ với phe Chánh Đạo để thực hiện cho bằng được cái đám cưới hằng mong muốn, mặc dầu biết rằng làm như thế là chống lại với đa số nhân dân. Còn cảnh bạn bè thoáng chốc trở nên thù địch, lạnh nhạt, cố tình tránh né gặp gỡ nhau để khỏi phải tranh luận đôi co về lập trường khác biệt là cảnh thường thấy nhất tại Hồ sinh thời bấy giờ.
Một đàng khư khư ôm ấp chiêu bài “Vâng phục tuyệt đối” trong khi nhân dân cương quyết nói lên tiếng nói đã phá bất công. Thực ra như đã nói ở trên, nguyên nhân gần cũng như xa gây ra cảnh cốt nhục tương tàn chỉ vì tham vọng của một người. Về sau trong tất cả sử liệu của ngưòi Hoài Quốc, người ta nhận thấy có sự thay đổi quan trọng. Tất cả các sử gia hầu như có khuynh hướng không muốn dùng danh từ “Tham Vọng” để gọi tên con sông phân hoá năm Bính Dần 1986. Không ai bảo ai, tất cả những nhà viết sử đều thích dùng danh từ cụ thể và rõ ràng hơn. Thay vì gọi là con sông “Tham Vọng”, họ dùng tên “Lộ Dung” để nói về dòng sông lịch sử đã gây nên cảnh huynh đệ tương tàn năm xưa.
|