81- TỪ TỔ CHỨC MỤC VỤ CHO NHÓM ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI ĐẾN CẤM CẢN MỤC VỤ CHO GIÁO DÂN VIỆT NAMTrong báo The Herald, Monterey, California, số ra ngày 22-3-1989 có đăng một bài nhan đề ‘Thánh Lễ được tổ chức cho nhóm đồng tính luyến ái’ nói về việc Đức Giám Mục Du Maine, giáo phận San Jose đã quyết định tổ chức mục vụ riêng cho nhóm đồng tính luyến ái trong giáo phận của Ngài. Tin này đã làm cho nhiều người thắc mắc về chính sách mục vụ của Đức Giám Mục Du Maine. Khi còn ở Việt Nam, ít khi ta nghe thấy từ ngữ ‘đồng tính luyến ái’ dùng để chỉ những người chỉ ưa giao hợp với người đồng tính (đàn ông với đàn ông, đàn bà với đàn bà – theo tự điển của Nguyễn Văn Khôn). Tuy bài báo đó không nói rõ lý do nào đã khiến Đức Giám Mục Du Maine có quyết định này, nhưng dĩ nhiên Ngài phải có lý do riêng của Ngài cũng như Ngài đã có lý do riêng khi Ngài bổ nhiệm Linh Mục Lưu Đình Dương làm chánh xứ Họ Đạo Việt Nam (Theo Bản Thông Cáo chung của của Đức Giám Mục và hai ông Thiện, Bài trong cuộc họp báo ngày 10-5-87) trước sự phản đối kịch liệt của đa số giáo dân. Tôi không muốn phỏng đoán về lý do của Ngài, nhưng tôi muốn hiểu tại sao về phương diện tôn giáo những người đồng tính luyến ái lại cần mục vụ riêng. Nói về giao hợp thì luân lý Công Giáo đã dạy rằng việc đó chỉ được xảy ra giữa vợ chồng mà thôi. Ngoài phạm vi vợ chồng là có tội trọng. Những người đồng tính luyến ái không có thể là vợ chồng được, và như vậy sự giao hợp của họ là ngoài phạm vi vợ chồng, là có tội trọng, trái với điều răn của Chúa, đó là chưa kể đến thói kê dâm hay kê gian (giao hợp với người đồng tính. Tiếng Anh là ‘sodomy’). Tình trạng này làm ta nhớ lại chuyện trong Kinh Thánh về việc Chúa phạt, cho lửa thiêu thành Sôđôma, vì dân thành này tội lỗi dâm dục quá độ nhất là về thói kê dâm. Chữ tiếng Anh Sodomy là do chữ Sôđôma mà ra. Hiện nay có nhiều tiểu bang cấm việc giao hợp giữa người đồng tính, và hình phạt cho tội này cũng rất nặng. Theo tôi, nếu ĐGM cho thiết lập một văn phòng riêng gồm có những người chuyên môn về tâm lý, xã hội học . . . để giúp những người này trở lại nếp sống bình thường thì hợp lý và hợp với luân lý của Giáo Hội hơn là thiết lập mục vụ riêng cho họ. Theo sự hiểu biết hạn hẹp của tôi, nếu thiết lập mục vụ riêng cho những người đồng tính luyến ái và những hoạt động trái với luân lý Giáo Hội thì không khác gì thiết lập mục vụ riêng cho các gái điếm, vì những hoạt động về tính dục của họ cũng trái với luân lý Giáo Hội. Thiệt tình, tôi rất muốn được nghe giảng thuyết về quyết định này của Đức Giám Mục Du Maine. Trong khi ĐGM cho nhóm đồng tính luyến ái được có mục vụ riêng thì Ngài lại cấm việc mục vụ cho giáo dân Việt Nam. Giáo dân Việt Nam bị cấm Thánh Lễ và các Bí Tích chỉ vì họ nhất quyết xin Ngài cho họ hai thỉnh nguyện: (1) giáo xứ thể nhân và (2) xin đổi lại lệnh bổ nhiệm Cha Dương làm chánh xứ. Không ai hiểu được thâm ý của ĐGM. Một trường hợp được kể lại trong bài ‘Lá thư không gửi’, Chính Nghĩa số 82, sau đây cũng thật khó hiểu về ĐGM: Ngày 2-6-1984, Giáo Sư Trần Công Thiện, chủ tịch Ban Chấp Hành Họ Đạo cùng với một số giáo dân do cố Linh Mục Vũ Thanh Tường hướng dẫn đến trình bày với ĐGM về thỉnh nguyện xin thành lập giáo xứ Việt Nam. ĐGM sẵng giọng, quay sang phía Cha Tường nói: “Tại sao các Linh Mục Việt Nam không nói với tôi những điều các ông vừa trình bày?” Cha Tường lúng túng, cúi mặt ấp úng trả lời: “Là người tỵ nạn, con có bổn phận vâng lời Đức Cha.” Đọc đoạn này tôi thấy khó hiểu ĐGM. Tại sao Cha Tường vâng lời ĐGM mà lại bị ĐGM quở trách? Ta biết có nhiều uẩn khúc trong chuyện này và chúng ta đã mổ xẻ trong báo Chính Nghĩa trên hai năm, từ lá thư của ĐGM đề ngày 31-5-84 hoạch định chính sách đồng hoá của Ngài đến các báo cáo của support group do Cha Dương cầm đầu, xu nịnh, muốn lấy điểm với ĐGM và vì ghen ghét Cha Tịnh nên đã báo cáo sai lầm về nguyện vọng của giáo dân. Biến cố San Jose xảy ra là vì mưu mô, chính sách chèn ép, sự khinh thường nguyện vọng của giáo dân, sự thiếu thành thực cởi mở của các Đấng Bề Trên đối với giáo dân. Trở lại việc ĐGM cấm Thánh Lễ và các Bí Tích đối với giáo dân cũng đang tranh đấu cho hai thỉnh nguyện chính đáng của họ. Toà Giám Mục cấm cách, làm khó dễ, chèn ép giáo dân trong cộng đồng bao nhiêu thì lại nâng đỡ, dễ dàng đối với phe Cha Dương bấy nhiêu. Toà Giám Mục để cho phe Cha Dương công khai xưng là giáo xứ Việt Nam trong khi ĐGM chưa hề ra sắc lệnh thành lập giáo xứ cho người Vịêt Nam như các giáo xứ Việt Nam khác trong nước Mỹ. Còn về vấn đề nhà thờ cộng đồng thì đã có nhà thờ từ năm 1981, nhưng Cha Sullivan đòi giáo dân phải có nhà thờ lớn hơn rồi ĐGM mới xét đến việc cho giáo xứ. Điều này khó hiểu, vì Giáo Hội đâu có cần đặt điều kiện này. Miễn làm sao có nơi để giáo dân họp nhau thờ phượng là được, vì nếu không thì phải mượn nhà thờ Mỹ, giờ giấc hoàn toàn phải phụ thuộc vào người ta, làm sao mình có thể tổ chức những nghi lễ truyền thống như ở một nhà thờ Việt Nam được. Cứ xem tuần Phục sinh vừa qua, tại nhà thờ cộng đồng giáo dân tổ chức các lễ nghi cổ truyền như : Rước chiên vượt qua, Ăn thịt chiên, nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Tháo đanh, táng xác, Ngắm Đàng Thánh Giá và kiệu sống lại ngoài trời v.v. . . Giáo dân đã tổ chức những nghi lễ này vào những giờ giấc thuận tiện, thoải mái, rất sầm uất, sốt sắng, đông đảo vì là nhà thờ của mình. Chứ đâu có như bên Cha Dương, phải chờ cho giáo dân Mỹ hết dùng nhà thờ rồi mới cho mình mược thì đã khuya rồi và cũng không tổ chức được những nghi lễ như giáo dân ao ước. Tờ Chân Lý của Cha Dương ngày 2-4-89 có đăng bức thư của Cha Sullivan gửi Cha Dương nói về việc Toà Giám Mục đang xem mua một nhà thờ cho giáo dân Việt Nam. Đó là một tin mừng cho giáo dân VN. Nhưng rồi ai cũng lo ngại cho việc trả nợ nhà băng cộng thêm chi phí hàng tháng lên đến $20.000 (hai mươi ngàn). Đào đâu cho ra số tiền kếch sù này? Ai cũng tự hỏi đây có phải là một việc làm thực tế không, hay chỉ là một ước mơ hão huyền, che mắt thế gian? Tuy vậy, tất cả chúng ta đều cầu nguyện cho việc tạo mãi cho nhà thờ này được có kết quả tốt đẹp và vĩnh viễn, vì nếu mua được mà không trả tiền hàng tháng được thì rồi nhà băng sẽ lấy lạinhà thờ à? Lúc đó càng ố danh sự đạo, càng mang tiếng xấu, càng lộn xộn lục đục. Chúng ta vẫn thấy là Toà Giám Mục và Cha Dương chưa nhìn biết sự thật nên chưa thể giải quyết biến cố này ổn thoả được. Ai cũng nhận thấy là Toà Giám Mục đối xử không công bằng với giáo dân Việt Nam trong cộng đồng. Bên cộng đồng thì bị ĐGM chèn ép, ghét bỏ, cấm cản. Vậy mà họ lại giữ đạo sầm uất, sốt sắng, đông đảo. Còn bên Cha Dương thì được ĐGM nâng đỡ mọi bề mà vẫn èo uột, thưa thớt. Tại sao ĐGM lại chia rẽ, con yêu con ghét như vậy? Rồi khi thấy quyết định của ĐGM đối với nhóm đồng tính luyến ái, chẳng những Ngài cho phép mà còn tổ chức mục vụ cho nhóm này nữa thì những giáo dân trong cộng đồng Việt Nam mà Ngài ghét bỏ, cấm cách mọi sinh hoạt mục vụ càng nhận thấy sự vô lý và bất công của Ngài, khiến cho nhiều người càng ngày càng có nhiều nghi vấn về chính sách mục vụ của Ngài. Chúng ta cứ vững lòng, bền chí, đoàn kết, giữ đạo sốt sắng trong bất cứ nghịch cảnh nào để xứng đáng là con cháu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Tổ Tiên của chúng ta. Monterey ngày 7-4-89 82- TÂM TƯ CỦA MỘT GIÁO DÂNSau khi Đức Giám Mục Du Maine tuyên bố bảo trợ và tổ chức mục vụ riêng cho nhóm đồng tính luyến ái, ký giả Larimer đã phỏng vấn Ngài và viết bài nhan đề “Giám Mục Du Maine, Ông là ai?”, đăng trong báo San Jose Mercury News, số ra ngày 3-4-89. Bài này đã được tuần báo Chính Nghĩa trích dịch nhiều đoạn đăng trongsố 83. Trong những điều ký giả Larimer viết về ĐGM, tôi thấy một câu tuyên bố của Ngài đã làm tôi chú ý và suy nghĩ nhiều. Câu đó nguyên văn như sau: “There is a role for the so-called prophet, the real gadfly . . . But I don’t know if I can do it.” Xin tạm dịch: “Có một vai trò cho kẻ “gọi là” tiên tri, kẻ làm cho người khác khó chịu . . . Nhưng tôi không biết tôi có thể đóng được vai trò đó không” Tuy câu nói trên có vẻ nói đùa, những thật sự nó đã để lộ quan điểm và lập trường của Đức Giám Mục Du Maine. Thời Cựu Ước, tiên tri là người được Chúa sai đi rao giảng, dạy dỗ nhân gian, cảnh cáo họ trở về đường ngay nẻo chính để tránh hình phạt của Chúa, và dọn đường cho Chúa Cứu Thế ra đời. Theo nghĩa hiện nay, tiên tri là người biết trước, đi trước thời đại của mình. Chữ “tiên tri” mà ĐGM dùng trên đây là theo nghĩa mới. Có lẽ Ngài nghĩ rằng phong trào đồng tính luyến ái ngày càng lan tràn và vì vậy, Ngài phải tổ chức mục vụ riêng cho họ. Theo tôi nghĩ thì cho dù thế nào đi nữa, việc tổ chức mục vụ riêng cho họ vẫn là điều không đúng vì theo sự giáo huấn của Giáo Hội, hành động tình dục của người đồng tính luyến ái là sai lầm, là trái với điều răn của Chúa như tôisẽ trình bày ở đoạn sau. Chắc có nhiều người nghĩ rằng Đức Giám Mục là người có quyền và trong giáo phận của Ngài, Ngài muốn làm gì thì làm. Đành rằng Đức Giám Mục có quyền, nhưng là một giáo dân, ta cũng có quyền bày tỏ mối quan tâm của mình. Mối quan tâm của tôi là đưa vào những lời giáo huấn của Giáo Hội. Tôi xin trình bày như sau: Trong những năm ggần đây, phong trào đồng tính luyến ái lăm le lộng hành ngay cả với Giáo Hội Công Giáo. Vì vậy, ngày 1-10-86, Đức Hồng Y Ratzinger, Tổng Trưởng Bộ Thánh Vụ về Đức Tin đã ra một thư chung khuyến cáo các Giám Mục phải dẹp bỏ quan điểm ủng hộ nhóm đồng tính luyến ái và lên án những hành động tình dục của nhóm này. Thư này đã được đăng trong báo chí Mỹ. Tôi đọc về thư này trong báo The Herald, Monterey, California số ra ngày 31-10-86. Sau đây tôi xin dịch một đoạn của bài báo đó liên quan đến bức thư của Đức Hồng Y Ratzinger về vấn đề đồng tính luyến ái để tuỳ độc giả nhận định. “Tin Vatican City – Ngày thứ năm 30-10-86, Toà Thánh Vatican đã ra một tuyên cáo lên án những hành động tình dục của nhóm đồng tính luyến ái. Các giới chức có thẩm quyền trong Giáo Hội đã coi việc lên án này là một lời cảnh cáo trực tiếp những người Công Giáo ở Âu Châu và Bắc Mỹ Châu phải dẹp bỏ ngay những quan điểm cấp tiến của họ về vấn đề tình dục và các vấn đề xã hội khác. Đức Hồng Y Ratzinger, Tổng Trưởng Bộ Thánh Vụ về Đức Tin, đã khuyến cáo các Giám Mục phải loại bỏ những quan điểm ủng hộ nhóm đồng tính luyến ái trong phạm vi Giáo Hội và chống lại mọi mưu mô dùng luật pháp hay những phương tiện khác để dung túng cho sự đồng tính luyến ái. Đức Hồng Y Ratzinger, trong bức thư đã được sự đồng ý của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã khẳng định lại quan điểm của Giáo Hội là, mặc dù khuynh hướng về đồng tính luyến ái của một người, tự nó, không phải là tội, nhưng hành động tình dục của người đồng tính luyến ái hiển nhiên là một điều xấu xa, hỗn loạn về luân lý và đam mê lạc thú. Bức Thư dài 12 trang nhan đề “Thư chung gửi các Giám Mục trong Giáo Hội Công Giáo về việc mục vụ cho những người đồng tính luyến ái” đã thúc giục các Giám Mục rằng: chỉ sau khi các Ngài đã tuyên bố rõ ràng cho những người đồng tính luyến ái biết rằng những hành động tình dục của họ là vô luân thì mới thi hành mục vụ cho họ như cho các giáo dân khác. Bức Thư của Đức Hồng Y đề ngày 1-10-86, được công bố ngày thứ năm, 30-10-86, đã tố cáo những tổ chức đòi quyền lợi của nhóm đồng tính luyến ái là họ đã có những luận điệu tuyên truyền lừa bịp để cố chiếm một chỗ đứng trong Giáo Hội. Bức thư cũng nói rằng có nhiều người, ngay cả trong Giáo Hội phải công nhận đồng tính luyến ái không phải là một hiện tượng bất bình thường và như vậy phải được Giáo Hội chấp thuận. Thánh Bộ Đức Tin là một Bộ có quyền lực mạnh mẽ trong Giáo Hội, có nhiệm vụ bảo vệ Đức Tin của Giáo Hội Công Giáo chống lại mọi mưu toan làm sai lạc Đức Tin của Giáo Hội.” Trong một bài báo khác nhan đề “Thánh Lễ được tổ chức cho nhóm đồng tính luyến ái” đăng trong báo The Herald, Monterey, ngày 22-3-1989 ký giả Steve Wilstein viết: “Tháng Bảy trước (July 88) Uỷ Ban Mục Vụ của giáo phận San Jose đã dự Thánh Lễ với nhóm đồng tính luyến ái San Jose lần đầu tiên và bắt đầu nhiều cuộc thảo luận với nhóm này để tìm hiểu nhu cầu của họ. Nhưng sau đó, Uỷ Ban Mục Vụ giáo phận San Jose, trong một bức thư, đã viết rằng: vì nhóm đồng tính luyến ái, trong kỳ đại hội 1987 của họ, đã tuyên bố chống lại những điều giáo huấn của Giáo Hội về những hoạt động tình dục của họ. Bởi lẽ đó, Uỷ Ban này không thể đề nghị việc mục vụ chính thức (mục vụ riêng) cho nhóm này được”. Xem như vậy thì ta thấy việc Đức Giám Mục Du Maine bảo trợ và tổ chức mục vụ riêng cho nhóm đồng tính luyến ái là không phù hợp với sự giáo huấn của Toà Thánh Vatican. Dĩ nhiên, ĐGM Du Maine có lý riêng mà Ngài không nói ra. Nhớ lại dịp Đức Thánh Cha công du Hoa Kỳ hồi tháng 9 năm 1987, chúng ta thấy vị Cha chung đã bị đau khổ vì những đòi hỏi gần như thách đố quyền lực của Người bởi các phe nhóm có những tư tưởng khác biệt với sự giáo huấn của Giáo Hội, chẳng hạn: các vị Nữ tu muốn làm Linh Mục, các Linh Mục muốn lấy vợ, các Giám Mục muốn dành quyền cho mình v.v . . . Đấy là chưa kể những cuộc biểu tình ồn ào gần như bạo động của nhóm đồng tính luyến ái đòi hỏi Giáo Hội chấp nhận lối sống của họ. Nhìn Đức Thánh Cha ngồi mấy tiếng đồng hồ, cô đơn trên chiếc ghế của Nhà Thờ Chánh Toà San Francisco để nghe họ diễn thuyết, nét mặt Người rầu rĩ nhưng vẫn cương quyết, ta thấy buồn lòng, nhưng ta lại thấy hãnh diện về sự sáng suốt và cương quyết của Người. Là người Công Giáo, ta tin tưởng mãnh liệt ở sự quan phòng của Chúa đối với Giáo Hội mà Đấng Kế Vị Thánh Phêrô, đứng đầu Giáo Hội là Đức Thánh Cha. Vậy nếu có sự bất đồng ý kiến giữa các Giám Mục và Đức Thánh Cha về vấn đề tín lý thì dĩ nhiên chúng ta nên vâng phục Đức Thánh Cha. Chẳng hạn như Đức Tổng Giám Mục Lefèvre hiện đang chống lại Đức Thánh Cha. Những kẻ theo Đức Tổng Giám Mục Lefèvre đang lục tục rời bỏ Ngài để trở về quy phục Toà Thánh Vatican càng ngày càng đông; vì cuối cùng Giáo Hội của Chúa sẽ thắng như Chúa đã phán: “Phêrô, con là đá và Cha xây dựng Hội Thánh Cha trên đá này. Dù hoả ngục dấy lên cũng không phá được”. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hết mọi Đấng bậc được khôn ngoan sáng suốt, nhất là cho Vị Cha Chung là Đức Thánh Cha. Nhất định Giáo Hội của Chúa sẽ thắng vì Chúa đã hứa ở với Giáo Hội mãi mãi cho đến tận thế. Monterey ngày 22 tháng 4 năm 1989. 83- TÔI XEM TIVI ĐÀI 9 VỀ BIẾN CỐ SAN JOSE
Ngày 26-4-89, lúc 8 giờ tối, Tivi đài 9 có chiếu một đoạn phim ngắn có tính cách tài liệu và tường thuật về biến cố San Jose. Tuy ngắn, nhưng nữ phóng viên Elizabeth Farnsworth đã trình bày được một số điểm chính yếu để người ngoại cuộc hiểu được phần nào biến cố này. Sau khi xem phim này, tôi xin ghi lại đây một vài nhận xét về những lời tuyên bố của những nhân vật được phỏng vấn trong phim này. 1. Đức Giám Mục Du Maine: Khi được hỏi về chính sách đồng hoá, ĐGM Du Maine trả lời là trước kia cũng như bây giờ, Ngài không có ý định đồng hoá giáo dân Việt Nam vào các giáo xứ Mỹ, Ngài bị hiểu lầm và nhiều lần Ngài muốn minh xác, nhưng những người chống đối đã xuyên tạc ý Ngài. Theo nhận định của tôi, Ngài đã nhầm khi Ngài nói như trên. Chính sách mục vụ của Ngài đối với giáo dân Việt Nam đã được hoạch định rõ ràng trong bức thư chung của Ngài gửi các Linh Mục Việt Nam đề ngày 31-5-84, trong đó Ngài chia gia đình giáo dân Việt Nam ra làm ba thành phần rõ rệt để sát nhập vào giáo xứ Mỹ. Trong thư đó, Ngài cũng viết. “Niềm xác tín này đã hướng dẫn tôi quyết định đi đến việc thành lập một Trung Tâm Mục Vụ cho giáo dân Việt Nam thay vì một nhà thờ quốc gia cho giáo hữu Việt Nam . . .” Trong một đoạn khác Ngài viết tiếp: “ . . . các Thánh lễ buộc, phéo rửa tội và các nghi thức hôn phối: tất cả những việc sau này phải được thi hành tại các nhà thờ giáo xứ (Mỹ) hơn là tại Trung Tâm Mục Vụ”. Rõ rệt như vậy mà Ngài nói là Ngài bị hiểu lầm thì không đúng. Theo tôi, nếu bây giờ Ngài thay đổi ý kiến về chính sách mục vụ của Ngài thì điều hợp lý nhất là Ngài ra một thông cáo hoặc viết một thư chung gửi các Linh Mục Việt Nam để rút lại hoặc cải chính những điều Ngài đã viết trong bức thư chung đề ngày 31-5-84 nói trên thì giáo dân mới khỏi thắc mắc về chính sách đồng hoá của Ngài, vì từ trước đến nay chỉ có bức thư đó là nóivề chính sách mục vụ của Ngài. Ngoài ra, giáo dân không thấy một văn thư nào khác cả. Một điều hợp lý và giản dị như vậy mà tại sao Ngài không muốn làm? Cha Thiệp, vị “hoà giải” trước kia, sau khi bị áp lực của Đức Giám Mục, cũng nói là giáo dân hiểu lầm Đức Giám Mục. Nhưng khi giáo dân yêu cầu Cha nói cho họ biết phải hiểu thế nào cho đúng ý của Đức Giám Mục thì Cha Thiệp lại im lặng, như vậy thì có nghĩa lý gì không? Còn về Giáo Xứ Thể Nhân, Cha Dương luôn luôn nói rằng Đức Giám Mục đã cho giáo xứ Việt Nam rồi (theo tờ Chân Lý), nhưng tuyệt nhiên ta chưa hề thấy văn thư nào của Đức Giám Mục nói là Ngài cho giáo xứ Việt Nam cả. Như vậy mà muốn giáo dân tin mình thì làm sao giáo dân tin được. Qua biến cố này, giáo dân đã trở nên trưởng thành, không còn ngây ngô như trước nữa. 2. Sơ Marilyn. Thấy Sơ trong bộ y phục nữ tu, gương mặt hiền hoà, nói năng điềm đạm, tôi không thể nào nhận ra được đó là Sơ Marilyn nếu nữ phóng viên không giới thiệu trước, vì tôi chỉ được thấy Sơ trước đây trong dịp Toà Giám Mục và cảnh sát đưa Cha Dương về Trung Tâm. Dịp đó Sơ mặc áo rằn ri, quần “cao bồi”, đi lại, ăn nói hung hăng và dịp lễ “tấn phong” Cha Dương ở nhà thờ Maria Goretti, Sơ đã làm một việc bất hợp pháp là khám xét giáo dân trước khi cho họ vào nhà thờ. Tôi nói “bất hợp pháp” vì Sơ không phải là một nhân viên công lực nên không có quyền khám xét ai cả. Sơ Marilyn trả lời nữ phóng viên là sau khi vụ giết chó xảy ra, Sơ thấy khiếp sợ và mỗi tối đọc kinh trước khi đi ngủ, Sơ cám ơn Chúa vì không có vụ sát hại nào đã xảy ra trong ngày hôm đó. Tôi muốn Sơ biết rằng Sơ không phải lo gì những chuyện như thế về phía giáo dân cộng đồng. Nhưng Sơ nên lo về phía bên Cha Dương vì họ có thể vu cáo cho giáo dân cộng đồng làm những việc mà giáo dân không làm. Một bằng chứng cụ thể: tháng 8-1987, giáo dân cộng đồng đi hành hương ở Carmel, nơi có mộ Á Thánh Serra. Cha Sở Carmel cho phép Cha Tổng Tuyên Uý Cộng Đồng được làm phép rửa tội cho tân tòng và cử hành thánh lễ ngày trong Vương Cung Thánh Đường Carmel. Thế mà báo Tín Hữu của bên Cha Dương, số 25, trang 18, đã dám nói bịa đặt là giáo dân rửa tội chui. Họ còn trơ trẽn vu cáo là “theo nguồn tin của giới an ninh thẩm quyền thì những người này (giáo dân cộng đồng) tụ tập tại Monterey không phải với mục đích cử hành Bí Tích Thánh Tẩy mà là để nghiên cứu địa hình địa vật và những chiến thuật đột kích nhân ngày công du của Đức Giáo Hoàng vào tháng 9 sắp tới”. Những việc rõ rệt như ban ngày, vậy mà họ còn dám bịa đặt, vu cho giáo dân cộng đồng thì những việc mờ ám như vụ giết chó, người ta có thể đặt nhiều câu hỏi về thủ phạm và mưu mô trong vụ này. 3. Ông Vũ Đức Vượng, giám đốc định cư, San Francisco. Khi được hỏi về biến cố San Jose, Ông Vượng đã trả lời rằng những người lãnh đạo của nhóm chống đối đang dùng biến cố tôn giáo này như một lý do bề ngoài (pretext) để đạt những mục tiêu khác. Tôi thấy ông Vượng đã phạm một lỗi lầm lớn khi ông dùng chữ “pretext” (lý do bề ngoài) để chỉ rằng giáo dân San Jose không tranh đấu cho mục tiêu như họ nói mà chỉ dùng cái đó như cái “diện” để tranh đấu cho mục tiêu khác. Ông Vượng dựa vào cái gì mà dám nói như vậy vì ông không đưa ra được bằng chứng nào cả. Câu trả lời của ông đã tỏ ra ông là người thiếu chín chắn, không xứng đáng với địa vị của một người giám đốc định cư như ông. Thật ra, câu trả lời của ông không làm giảm giá trị cuộc tranh đấu của giáo dân mà nó lại làm hại nhiều đến uy tín của ông vì người ta thấy ông là người có thiên kiến. Một người có thiên kiến là một người thiếu tư cách, không đáng được dân chúng tin cậy. Ông Vượng còn nói tiếp là ông muốn có những cuộc đối thoại để làm sáng tỏ các vấn đề để tránh những sự chửi bới lẫn nhau . . . Ý kiến này rất hay. Giáo dân trong cộng đồng đã nhiều lần đề nghị đối thoại với các anh em bên Cha Dương, nhưng họ vẫn làm ngơ. Ông Nguyễn Đạt Thịnh, cựu chủ bút Dân Việt, cũng đã đưa ý kiến như vậy. Giáo dân tán thành ý kiến của ông Thịnh và xin ông giúp đỡ để có đối thoại, nhưng rồi ông Thịnh cũng im lặng luôn. Ông Hồng Phong, đặc phái viên nguyệt san Ngày Nay đã “ân cần xin phỏng vấn LM Lưu Đình Dương để Ngài có dịp nói lên quan điểm của mình, nhưng LM Dương nhất định từ chối”. (Ngày Nay số 72, tháng 12-88, trang 32). Vậy xin Ông Vượng cố gắng tổ chức được sự họp mặt của đại diện hai bên để đối thoại hầu tìm ra lẽ phải thì thật là may mắn cho giáo dân. 4. Ông Hoàng Thế. Ông Thế đã nói là họ hàng của ông theo bên kia (bên Cộng Đồng) không nói chuyện với ông nữa. Vậy ông Thế nên biết rằng đại diện giáo dân cộng đồng luôn luôn sẵn sàng nói chuyện với các ông. Xin các ông cho biết ý kiến để rồi hai bên định nơi, ngày giờ gặp nhau đối thoại. Mong lắm thay. Ông Thế còn nói là bên giáo dân (cộng đồng) đánh đập người bên các ông trong và ngoài nhà thờ. Chắc ông Thế còn nhớ là hai người bên các ông bị cảnh sát bắt giữ trong vụ xô xát ở nhà thờ St. Lucy’s Campbell. Hồ sơ án lệnh còn tại đó. Còn bên cộng đồng có ai bị thành tích đánh đập người bên các ông bao giờ đâu? Ông Thế cũng nói là có cộng sản trong giáo dân cộng đồng. Xin ông đừng rở trò chụp mũ hủ lậu này ra nữa. Nó hèn hạ và lạc hậu quá rồi, chẳng lừa bịp được ai đâu. Ông “Thuốc Sát Trùng” trong Văn Nghệ Tiền Phong đang chụp mũ cộng sản cho chính các ông đấy, ông có biết không? Nếu ông không biết thì tôi xin kể ông nghe: Dịp tháng 5-87, Đức Giám Mục và hai ông Thiện, Bài có cuộc họp báo hoà giải, “Thuốc Sát Trùng” viết về các ông trong Văn Nghệ Tiền Phong số 316, trang 86, cột 1 như sau: “Nay nghe ông B. đã hoà giải với Đức Cha, bọn người đứng về phe Đức Cha Du Maine trước kia lại phản đối sự giao hoà ấy. Thế là cái đuôi con chồn đỏ đã lộ ra quá rõ: xui nguyên, giục bị, đấu tranh để đấu tranh, đấu tranh để phá hoại sự đoàn kết của đối phương. Chiến thuật ấy ai cũng biết là nó phát xuất từ đâu’. Các anh em phe Cha Dương nghĩ sao về nhận định này của “Thuốc Sát Trùng”? Các anh thường chụp nón cối cho giáo dân cộng đồng. Bây giờ người khác lại chụp nón cối cho các anh đấy. “Gậy ông đập lưng ông”. Thật là mỉa mai! Cái vòng chụp mũ luẩn quẩn chỉ lợi cho cộng sản. Chỉ có giáo dân trong cộng đồng là không chụp nón cối cho ai cả vì giáo dân không có thói xấu ăn nói hồ đồ, bậy bạ, không ngây thơ để cộng sản lợi dụng chia rẽ dân Việt Nam mình, làm lợi cho chúng. Tôi đã gửi bài phản đối ông Thuốc Sát Trùng rồi nhưng không biết VNTP có muốn đăng bài của tôi không. 5. Ông Nguyễn Hoà. Ông Hoà than phiền rằng đêm nào ông cũng nhận được điện thoại đe doạ giết ông, lúc nửa đêm hay một, hai giờ sáng. Ông Hoà nói thế mà nghe được à? Ai mà đe doạ giết ông làm gì, mất công, mất thì giờ vô ích. Tôi không tin được. Nhưng tôi tin chuyện sau đây: Trước đây độ 2 năm, một Linh Mục Việt Nam ở xa gọi điện thoại cho tôi nói là Ngài vừa bị một người xưng tên là Hoà từ San Jose gọi điện thoại nói với Ngài một cách rất hỗn xược và tục tĩu, vì thư của Ngài đăng trong báo Chính Nghĩa. Linh Mục đó kể lại rằng Ngài nói với ông Hoà: “Nếu tôi làm điều gì sai thì ông cứ tố cáo với Đức Giám Mục của tôi đi. Việc gì ông phải nói tiếng Đan Mạch (Đ.M.) với tôi?” Nếu ông Hoà không tin thì ông cứ hỏi, tôi sẽ cho bằng chứng, kẻo viết ra đây làm phiền độc giả vì nó bỉ ổi quá. 6. Ông Trương Tiến Đạt. Tôi thấy trong phim mộ người trông giống ông Đạt, tay giơ ngang, miệng nói nhiều, nhưng không nghe thấy tiếng vì mi-cro không quay về phía ông. Nếu thật người đó là ông Đạt thì tôi rất ngạc nhiên vì tôi tưởng ông không còn mặt mũi nào ra mắt thiên hạ nữa, nhất là sau khi Tập san Địa ốc số Mùa Xuân 89 đăng tin ông vừa bị mất bằng hành nghề địa ốc vì vi phạm những tội phạm tham lam tiền của khách hàng, gian lận khi hành nghề v.v . . . Lẽ ra tôi không nên nhắc lại chuyện ông Đạt, nhưng vì thây ông ăn nói hăng hái quá nên muốn khuyên ông “tốp” lại kẻo rởm tai người ta. Một người có thành tích như ông thì còn ai tin nữa mà lên tiếng làm gì cho mất công. 7. Bà Nguyễn Hoa. Khi được hỏi về nhà thờ của cộng đồng, bà Hoa đã trả lời: “Nhà thờ này được coi là quê hương của chúng tôi ở đây. Chúng tôi muốn duy trì phong tục, tập quán cổ truyền của chúng tôi”. Ý tưởng này của bà cũng là ý tưởng của mọi người trong cộng đồng. 8. Bà Nguyển Chen nói nghẹn ngào trong nước mắt. Bà nói bà khóc mờ cả mắt mấy năm nay vì lo buồn. Bà chỉ ước mong Đức Giám Mục chấp thuận hai thỉnh nguyện cho giáo dân. Ước mong của bà cũng là ước mong của mọi người trong cộng đồng. 9. Ông Thiện, Ông Bài, Ông Nhựt đã thẳng thắn trả lời cho cô phóng viên là giáo dân trong cộng đồng đang tranh đấu cho hai thỉnh nguyện chính đáng trong vòng giáo luật và pháp luật, ĐGM Du Maine chèn ép giáo dân vì trong nước Mỹ này các Đức Giám Mục đã cho lập 17 giáo xứ Việt Nam rồi. Các ông bác bỏ luận điệu vu khống của bên Cha Dương nói là giáo dân trong cộng đồng có cộng sản và bạo động. Các ông cho đó là chiến thuật của kẻ đuối lý. Ông Nhựt bằng một giọng cương quyết nói rằng không bao giờ ông có thể thân cộng được và ông lại còn là Đồng chủ tịch của liên minh các cử tri trong quận hạt Santa Clara nữa. Về phần cuối phim, tôi thấy một cụ bà, người gầy còm, mặt áo trắng cụt, quần đen, đi dép, đang cầm chổi quét dọn phía trước tượng Đức Mẹ ở đầu Nhà Thờ cộng đồng. Cái cảnh này đơn sơ nhưng thật cảm động. Nó tiêu biểu tinh thần đồng tâm nhất trí của mọi người già trẻ lớn bé, các thanh thiếu niên nam nữ trong cộng đồng. Ai nấy đều một lòng, âm thầm làm việc hy sinh cho cộng đồng không cần ai biết đến tên tuổi của mình, miễn sao cho cộng đồng được bền vững, phát triển. Monterey, ngày 29-4-1989 84- THƯ NGỎ GỬI ÔNG HỒ ANH, CHỦ NHIỆM BÁO VĂN NGHỆ TIỀN PHONGMonterey ngày 5-3-1989 Thưa ông: Tôi xin gửi đến quý báo bài ‘TRẢ LỜI THUỐC SÁT TRÙNG VỀ VỤ SAN JOSE’ kèm theo đây. Nếu có thể được, xin quý ông cho đăng trong mục ‘DIỄN ĐÀN TỰ DO’. Nếu quý ông không định đăng thì làm ơn cho tôi biết càng sớm càng tốt bằng điện thoại collect trước 7:30 sáng tức là trước 10:30 sáng, giờ Virginia. Xin cám ơn quý ông. Kính thư, Đỗ Văn Hiến Ông Hồ Anh đã không cho đăng bài nói trên, không trả lời trong báo như họ thường làm và cũng không trả lời bằng điện thoại collect như đã yêu cầu trong thư. 85- TRẢ LỜI “THUỐC SÁT TRÙNG”, KÝ GIẢ VĂN NGHỆ TIỀN PHONG VỀ VỤ SAN JOSETrong câu kết bài ‘GÓP Ý VỚI ÔNG NGUYỄN KHẮC RINH’, VNTP 315, trang 20, tôi có viết rằng: “Giáo dân VN Sn Jose sẵn sàng đón nhận những ý kiến xây dựng từ mọi phía, nhưng nhất định chống lại những cách nói vu vơ, miệt thị, chụp mũ quàng xiên vì nó gây chia rẽ, phá hoại, đáng khinh, không xứng đáng với những người hiểu biết.” Tôi viết bài này theo chiều hướng đó. THUỐC SÁT TRÙNG, tác giả loạt bài ‘SÁCH LƯỢC PHÁ ĐẠO CÔNG GIÁO CỦA CỘNG SẢN VIỆT NAM’, VNTP 316, đã có những nhận định sai lầm về vụ San Jose, và bôi nhọ Linh Mục VN. Tôi xin trình bày như sau: Sau khi viết, “Nhiều Linh Mục tội lỗi công khai, giáo dân trong vùng ai cũng biết . . .” (tôi sẽ trở lại vấn đề này ở phần sau) THUỐC SÁT TRÙNG viết tiếp, “Về phía giáo dân vụ tai tiếng nhất là vụ San Jose.” Những điều THUỐC SÁT TRÙNG (Từ đây tôi xin viết tắt là TST) đưa ra để bôi bẩn vụ San Jose chẳng có gì mới lạ. Thật ra TST chỉ lập lại những luận điệu mà những kẻ chống đối giáo dân trước đây đã đưa ra. Mỗi lần những ke này vu cáo giáo dân thì tôi có viết bài trả lời những luận điệu vu khống, xuyên tạc, thiên vị của họ và yêu cầu họ, vì luật lệ công bằng của báo chí, đăng bài của tôi trong báo của họ để độc giả được nghe thêm một tiếng chuông khác; nhưng họ đều làm lơ, không trả lời và cũng không đăng. (Tôi hy vọng là VNTP sẽ đăng bài này vì VNTP đã tự nguyện “làm diễn đàn chung, vô tư, để mọi người có liên hệ của cả đôi bên có cơ hội lên tiếng . . .” TST cũng như những kẻ chống đối giáo dân trước đây đã chỉ nhìn một chiều và cứ khư khư bám lấy luận điệu “chống Cha là chống Chúa v.v . . .” TST không muốn tìm hiểu xem nguyên nhân nào đã gây ra biến cố này. Tôi đã nhiều lần trình bày vụ San Jose trong báo Chính Nghĩa và gần đây nhất, trong bài ‘Góp ý với ông Nguyễn Khắc Rinh’, trong VNTP số 315, tôi đã tóm lược biến cố San Jose với hy vọng là để độc giả xa gần có một ý niệm về vụ này để rồi theo dõi tìm xem phải trái ở chỗ nào. Tôi không muốn nhắc lại ở đây nữa vì sợ nhàm tai độc giả . Thật ra, nếu ai theo dõi vụ này một cách khách quan thì chắc là hiểu được vụ này một cách đích thực. TST cũng như những kẻ chống giáo dân đã không chịu tìm hiểu kỹ càng, đã vội vàng vu cho giáo dân có cộng sản nấp đàng sau giật dây. Tôi đã nghe những luận điệu vu cáo này nhiều lần rồi và tôi cũng đã lên tiếng yêu cầu bất cứ ai, nếu biết có cộng sản giật dây trong vụ này thì xin phanh phui ra cho mọi người biết để cùng nhau diệt kẻ thù chung. Nhưng tuyệt nhiên không có ai đưa ra được bằng chứng nào cả. Đã vậy, những kẻ chống giáo dân lại thiên vị một cách trắng trợn như TST. Tôi xin đưa ví dụ sau đây về luận điệu của TST: TST tố cáo giáo dân: “Họ giơ cao các khẩu hiệu chống đối trong nhà thờ . . .” Nhưng TST lại tuyệt nhiên không hề nhắc đến việc Đức Giám Mục Du Maine cho chó và cảnh sát vào nhà thờ, gần Cung Thánh, cảnh sát mang vũ khí quay lưng lên bàn thờ, mặt lầm lì nhìn giáo dân. Xin độc giả nhận định xem cảnh nào ô uế hơn. Một ví dụ khác: TST nhắc lại lời Cha Nguyễn Đức Thiệp: “Tôi được nghe dư luận cho rằng có bàn tay cộng sản nằm vùng chủ mưu xách động quần chúng. Nhưng tôi không dám quyết đoán vì không có bằng chứng cụ thể.” Dịp Cha Thiệp về San Jose, Cha được thấy tận mắt, nghe tận tai giáo dân Trung Tâm đưa bằng chứng cụ thể về việc Cha Dương chống đối giáo xứ thể nhân và là tác giả thư nặc danh nói xấu Cha Tịnh. Giáo dân sẵn sàng đối chứng với Cha Dương (Chính Nghĩa số 13, ngày 27-9-86) Tại sao TST nêu ra một việc không bằng chứng và lờ đi một việc có bằng chứng? Viết như vậy, thiên vị như vậy mà mong là độc giả tin mình được sao? Vu cho vụ San Jose là có cộng sản giật dây làm chia rẽ cộng đồng, là mắc mưu cộng sản, là làm lợi cho cộng sản. Đọc bài của TST tôi thấy TST còn đi xa hơn những kẻ chống đối giáo dân trước đây. Bằng chứng như sau: Tôi chưa hề nghe thấy ai nói rằng phe Cha Dương (phe ủng hộ chính sáh đồng hoá của ĐGM) cũng bị cộng sản xúi giục. Thế mà TST dám nói như thế đó. Xin độc giả đọc những hàng chữ sau đây của TST, VNTP số 316, trang 86, cột 1: “Ngay nghe ông B, (Ông Bài. Chữ trong ngoặc này do tôi thêm) đã hoà giải với Đức Cha Du Maine, bọn người đứng về phe Đức Cha Du Maine trước kia lại phản đối sự giao hoà ấy. Thế là cái đuôi của con chồn đỏ đã lộ ra quá rõ: xui nguyên, giục bị, đấu tranh để đấu tranh, đấu tranh để phá hoại sự đoàn kết của đối phương. Chiến dịch ấy ai cũng biết nó phát xuất từ đâu.” Các anh em phe Cha Dương nghĩ sao về nhận định này của TST? Các anh thường chụp nón cối cho giáo dân tranh đấu. Bây giờ TST lại chụp nón cối cho các anh đó. Thật là mĩa mai! Cái vòng chụp mũ luẩn quẩn chi có lợi cho cộng sản. Chỉ có giáo dân tranh đấu là không chụp nón cối cho ai cả vì giáo dân không có thói xấu ăn nói hồ đồ, bậy bạ, không ngây thơ để cộng sản lợi dụng chia rẽ cộng đồng, làm lợi cho chúng. Nhân tiện tôi xin góp ý với TST về một sự kiện mà tôi đã đề cập tới trong bài “Góp ý với ông Nguyễn Khắc Rinh”, VNTP số 315. Sự kiện đó như sau: Đức Giám Mục Du Maine lập Uỷ Ban Hoà Giải gồm có người của cả hai bên. Uỷ Ban họp được 4, 5 lần nhưng chưa đi đến được một sự thoả thuận nào cả thì Đức Giám Mục ngưng họp mà không tuyên bố lý do.” Theo sự suy luận của TST trên đây thì ĐGM Du Maine cũng bị cộng sản xúi giục nên mới huỷ bỏ cuộc hoà giải ngang xương như vậy? TST nghĩ sao về cách suy luận này? TST có nghĩ là các cố vấn của ĐGM Du Maine là những tên cộng sản, vì thế khi thấy cuộc hoà giải sắp thành công thì chúng liền bịa đặt chuyện này chuyện nọ để giật dây ĐGM huỷ bỏ cuộc hoà giải để kéo dài sự chia rẽ trong Giáo Hội, có lợi cho cộng sản. Từ trước đến nay giáo dân tranh đấu luôn luôn kêu gào xin ĐGM hoà giải mà ĐGM vẫn làm ngơ. TST có nghĩ là ĐGM Du Maine bị cộng sản xúi giục không? Tôi thấy những nhận xét của TST về vụ San Jose thật là hời hợt, nông cạn, thiên lệch. Giáo dân tranh đấu San Jose sẵng sáng đối thoại với bất cứ ai kể cả TST để TST có một cái nhìn đúng đắn, vô tư. Có như vậy, những điều TST viết ra mới có giá trị và làm cho độc giả tin mình. Bằng không, TST chỉ đổ dầu vào lửa, gây chia rẽ, có lợi cho cộng sản. Tôi muốn chứng minh thêm về sự hời hợt, nông cạn nếu không nói là vô trách nhiệm của TST khi TST viết về vụ San Jose: TST viết, “Kẻ núp sau lưng ông T. và ông B. (Ông Thiện và ông Bài. Chữ trong ngoặc này do tôi thêm) FBI biết rõ, nhưng vì kẽ hở pháp luật Mỹ, họ đành bó tay.” Tôi không tin là TST đã thành thực với mình khi viết câu này. Tôi xin chứng minh như sau: Theo câu này tôi phải kết luận là một trong ba trường hợp sau đây đã xảy ra: 1. TST đã được nhân viên FBI phụ trách điều tra cho biết vụ này, nên mới chắc như thế. Tôi không tin được điều này, vì tác phong và lương tâm nghề nghiệp của FBI không bao giờ cho phép nhân viên được tiết lộ những công việc của họ với ai trừ những người cấp trên mà họ phải báo cáo. 2. Chính TST là nhân viên FBI được phụ trách điều tra vụ San Jose nên mới nói chắc như thế. Tôi cũng không tin được điều này, vì nếu thật sự TST là nhân viên FBI thì lại càng không được tiết lộ công việc của mình ra với ai cả trừ cấp trên trực tiếp của mình, chứ đừng nói gì là dám viết trên báo chí, trên giấy trắng mực đen, còn lưu truyền mãi mãi. 3. Nếu hai trường hợp trên đây không đúng – và tôi tin là không đúng – thì tôi phải kết luận là TST đã bịa ra chuyện FBI này, có lẽ vì có sẵn định kiến chống vụ San Jose và vì muốn làm ra vẻ ta đây biết nhiều, huênh hoang “cho chúng nó sợ.” Đây là một trường hợp rất dại dột và nguy hiểm cho TST. Vậy nếu tôi suy luận sai về chuyện FBI này, tôi xin TST cho tôi biết. Tôi xin cám ơn. Tôi đã tham khảo với cơ quan FBI và được biết rằng tác phong và lương tâm nghề nghiệp của nhân viên FBI không bao giờ cho phép họ được tiết lộ việc làm của họ ra với bất cứ ai trừ cấp có thẩm quyền đối với họ. Tôi thành thật khuyên TST phải cẩn thận và tôn trọng sự thật, đừng bịa đặt kẻo có ngày mang hoạ vào mình. Bây giờ tôi xin trở lại việc TST bôi nhọ Linh Mục Việt Nam. TST đã viết rằng “Tâm lý của một số Linh Mục VN là muốn Họ Đạo họ trở thành giáo xứ.” Vì “Ông Linh Mục coi họ đạo chỉ được coi là ông Cha phó của một giáo xứ nhà thờ Mỹ. Tiền thu trong các ngày lễ phải đem về nhà xứ và Linh Mục phó xứ chỉ được hưởng bổng lộc của một cha phó như đã quy định. Tục ngữ Việt Nam có câu: Làm đầu gà còn hơn làm đuôi heo.” (VNTP số 316, trang 16) TST viết như thế là sỉ nhục các Linh Mục này. Tại sao TST lại có thể đánh giá trị các Linh Mục VN thấp kém quá như vậy? Nói thế có khác nào bảo các Linh Mục này chỉ xôi thịt chứ không cần đếm xỉa gì đến sự sống đạo của giáo dân. Tôi rất buồn là TST đã nghĩ như thế về các Linh Mục VN. Thật tình, tôi thấy trong đám người tỵ nạn, các Linh Mục là những người đau khổ nhất. Người dân thường cònđược đi học, có công ăn việc làm; nếu chưa có công ăn việc làm thì được hưởng trợ cấp xã hội, có gia đình, họ hàng để an ủi nhau. Còn Linh Mục thì sao? Một số may mắn được giáo dân đưa về làm việc. Tuy vậy, mối liên lạc nhiều khi cũng nhạt nhẽo, có khi còn bị bạc đãi. Nhiều vị đã phải long đong vất vả: việc làm không có, tiền cũng không, lại không muốn khai lĩnh trợ cấp xã hội. Đa số các Ngài không có gia đình, bà con thân thuộc. Cái cảnh tu cô đơn lại càng cô đơn hơn trong hoàn cảnh tỵ nạn. Tôi thấy TST đã có những nhận xét bất công đối với Linh Mục VN. Các Ngài không cần ai thương hại các Ngài cả. Nhưng các Ngài có quyền đòi hỏi mọi người phải có một thái độ “biết điều” đối với các Ngài. Nhân tiện tôi cũng muốn nhắc đến bài “Sách lược phá đạo Công Giáo của CSVN” trong VNTP số 315 của TST. TST đã sỉ vả một Linh Mục VN vừa tới Hoa Kỳ. Sau khi viết tràng giang đại hải, tố cáo, giảng dạy cho Linh Mục này, TST đã lên giọng nói một câu tàn bạo: “Xem như thế thì ở đây chúng tôi không cần Ngài, chỗ của Ngài ở bên kia bờ đại đại dương đúng hơn.” Đọc bài này tôi thấy bất bình với TST. Tôi không biết Linh Mục này là ai. Tôi chỉ biết về Ngài qua bài “Nhận xét của một Linh Mục mới ra khỏi VN” của ông Nguyễn Trọng trong VNTP số 308, trang 6. Trong bài đó ông Trọng nói ông tạm giấu tên LM này. Ông Trọng kể lại là năm 1975 LM trí thức khoa bảng này (Ngài có 6 bằng Thạc Sĩ và 12 cử nhân, đứng hàng thứ ba trong thế giới về bằng cấp) đã “từ chối sự giúp đỡ của bạn bè để lên trực thăng di cư mà sẵn sàng ở lại chung sống với người cộng sản. Ông tin rằng bằng sự học vấn uyên thâm của ông, bằng thiện chí hy sinh tất cả cho chính nghĩa, bằng tình yêu tha nhân của một Linh Mục . . . ông có thể thành công trong nhiệm vụ đem tôn giáo vào trong chủ nghĩa Mác Lê để làm cho nó biến thể. Ông cho VNTP biết là ông đã lầm.” Tôi không phải là người di cư; nhưng tôi rất thông cảm với hoàn cảnh của họ. TST phải biết rằng bất cứ ai, khi làm một điều gì, đều có lý do của mình. Các Linh Mục ra đi năm 1975 hay sau 1975 cũng đều có lý do của các Ngài. Đọc bài của TST tôi được biết là TST cũng ra đi sau 1975. TST cũng có lý do của mình. Sự ra đi của Linh Mục khoa bảng này có khác gì sự ra đi của các Linh Mục trong năm 1975 hay sau 1975. Tại sao TST lại có thể nặng lời với Ngài như thế? Tại sao TST lại muốn hạ nhục Ngài như vậy? Tôi biết rằng đại đa số giáo dân VN đều biết ơn các Linh Mục VN, vì nếu không có các Ngài thì sự sống đạocủa họ sẽ gặp nhiều khó khăn và bị thiệt thòi. Tôi mong là TST suy nghĩ lại và có thái độ đúng đắn đối với vụ San Jose cũng như đối với các Linh Mục VN. TST nên biết rằng một khi độc giả thấy những điều mình viết là thiên vị, là bất công; sự suy luận của mình nông cạn, có định kiến thì họ sẽ mất tin tưởng nơi mình và như vậy những bài vở của mình chỉ mang lại những kết quả tiêu cực. Thêm vào đó, nó còn gây ra tai hại to lớn hơn nữa, đó là làm chia rẽ, gây hiềm khích trong cộng đồng dân chúa và làm lợi cho cộng sản. ĐỖ VĂN HIẾN 86- DIỄN VĂN CỦA GS. ĐỖ VĂN HIẾN, TÂN PHÓ CHỦ TỊCH CĐCGVN Nhân Dịp Công Bố Kết Quả Bầu Cử Ban Chấp HànhMonterey ngày 5 tháng 3 năm 1989 Kính thưa Cha Tổng Tuyên Uý, Trong ngày Chúa Nhật, 23-7 tức là ngày bầu cử của Cộng Đồng, trước giờ Thánh Lễ, Cha đã nhắc nhở mọi người hãy cầu nguyện cho cuộc bầu cử được tốt đẹp. Nay kết quả đã được như lòng mong muốn của Cộng Đồng. Chúng con xin cám ơn Cha. Cha là sức mạnh tinh thần, là cột trụ cho Cộng Đồng chúng con nương tựa. Nhiều lúc chúng con tự hỏi: “Nếu không có Cha, chúng con biết làm sao đây?” Kính thưa nhị vị Chủ Tịch và quý vị trong hai Ban Chấp Hành, Kính thưa cụ Chủ Tịch và quý vị trong Hội Đồng tuyển cử. Kính thưa quý vị đại diện các đoàn thể, Kính thưa toàn thể quý vị, Hai tuần trước đây, cũng ở chỗ này, tôi được hân hạnh đúng trước mặt quý vị để nhận sự đề cử của quý vị. Tôi đã bày tỏ với quý vị nỗi lo âu của riêng tôi. Hôm nay, tôi được phấn khởi vì nhận thấy rằng quý vị đã thông cảm những khó khăn đó và sẵn sàng giáo trách nhiệm cho chúng tôi. Cuộc bầu cử vừa qua đã diễn ra một cách rất trật tự, quy củ, tốt đẹp. Đó là nhờ sự tổ chức khéo léo và chu đáo của Hội Đồng Tuyển Cử. Cuộc bầu cử này đã thể hiện sự đồng tâm nhất trí, tinh thần đoàn kết và lòng cương quyết của cộng đồng nhất định thắng vượt mọi khó khăn từ mọi phía để hoàn thành mục tiêu tối hậu là xây đắp một cộng đồng vững mạnh cho chính chúng ta và con cháu chúng ta trong những thế hệ mai sau. Kính thưa quý vị, chúng ta vẫn còn có những khó khăn to lớn, nhưng Chúa lại cho chúng ta những tấm lòng to lớn hơn để đối phó với những khó khăn này. Việc xây đắp cộng đồng còn có nhiều chông gai, nhưng Chúa cho chúng ta có nhiều thiện chí để vượt qua những chông gai này. Với ơn Chúa và sự cầu bàu của các Thánh Tử Đạo, chúng ta sẽ thắng vượt được tất cả. Kính thưa quý vị, nhớ lại thời điểm này 3 năm trước đây, nhìn lại những biếncố đã xảy ra cho cộng đồng ta và nhất là cho hai vị đại diệncủa ta (Ông Thiện và Ông Bài), ai dám nghĩ rằng chúng ta lại có thể tồn tại được cho đến ngay nay. Vậy mà nhờ ơn Chúa quan phòng, chúng ta vẫn tồn tại, và tồn tại mạnh mẽ. Nhà Thờ của cộng đồng ta 3 năm trước đây hiu quạnh vì vắng bóng chủ chiên. Chúng ta đã họp nhau để âm thầm cầu nguyện trong nghẹn ngào buồn tủi. Ngày nay Chúa gửi Cha Nhân Lành đến, ngày đêm ở với chúng ta. Bây giờ chúng ta đến đây thờ phượng Chúa và cầu khấn cùng các Thánh Tổ Tiên ta một cách hiên ngang và cùng với Ca Đoàn, chúng ta vang lời ngợi khen Chúa và các Thánh. Những buổi rước kiệu, những đại lễ trọng thể, chúng ta nô nức tham gia sốt sắng trongmột khung cảnh tưng bừng, đầy tình tự quê hương dân tộc. Hội Dòng Ba Thánh Phanxicô khó khăn cũng tìm được môi trường sinh hoạt để phát huy lòng đạo đức của giáo dân. Trung Tâm của chúng ta 3 năm trước đây là nơi kín cổng cao tường. Anh em chúng ta ngày nay mất ăn mất ngủ để đề phòng kẻ gian phá hoại. Ngày nay Trung Tâm này, cổng mở thênh thang, đường xe rộng rãi, ai nấy ra vào thật thong dong thoải mái. Các con em chúng ta 3 năm trước đây, tuy được các anh chị hướng dẫn, dạy dỗ giáo lý và tiếng mẹ đẻ, nhưng trong cảnh thiếu thốn phòng ốc. Nhiều khi phải học ngoài trời, mùa Đông lạnh lẽo, mùa Hè nắng bỏng. Ngày nay, các em có chỗ học hành thoải mái dưới những mái nhà mùa đông ấm cúng, mùa hè mát mẻ. Tất cả những thành công đó là do ơn Chúa, là nhờ sự kiên trì, chịu đựng, đoàn kết, hy sinh của mọi người trong cộng đồng, từ các cụ, các ông bà, anh chị em, ai nấy đều hy sinh, yêu thương, đùm bọc lấy nhau, nâng đỡ nhau, an ủi nhau, hợp nhất thành một khối sắt đá, dù cho giông tố phủ phàng cũng không lay chuyển được. Kính thưa quý vị, tuy chúng ta đã gặt hái được khá nhiều thành công, nhưng những thỉnh nguyện chính đáng của ta vẫn chưa được Bề Trên chấp thuận. Chúng ta vẫn tiếp tục bền vững trong những thỉnh nguyện này. Chúng ta kính xin Bề Trên nhìn nhận lòng thành thực của chúng ta và chấp thuận những nguyện vọng của chúng ta để chúng ta được sống đạo dễ dàng hơn, sốt sắng hơn, mưu ích lợi cho phần rỗi chúng ta và như vậy, chúng ta thực thi được những điều giáo huấn của Giáo Hội và những lời khuyên nhủ của Đức Giáo Hoàng, vị Cha chung khả kính, khả ái của toàn thể người Công Giáo chúng ta. Kính thưa quý vị, sau 3 năm gian khổ, ngày nay chúng ta đã tạo được một chỗ đứng và bây giờ chúng ta bắt đầu sang giai đoạn xây dựng và phát triển. Giai đoạn này còn nhiều chông gai, vẫn còn đòi hỏi chúng ta nhiều nỗ lực, hy sinh và trên hết là tình đoàn kết. Nhìn vào cảnh bầu cử tưng bừng vui vẻ ngày 23-7 vừa qua, chúng ta đã tỏ cho mọi người biết rằng khối cộng đồng này, trước sau như một, vẫn một lòng gắn bó keo sơn, kề vai sát cánh vì ích lợi chung của cộng đồng. Kính thưa quý vị, trước lòng ưu ái và tín nhiệm của quý vị trong cuộc bầu cử này, chúng tôi xin chân thành cảm tạ quý vị. Xin quý vị thêm lời cầu nguyện chung cho cộng đồng và tiếp tục ủng hộ chúng tôi để chúng ta cùng nắm tay nhau tiến bước mạnh mẽ trong công cuộc xây đắp cộng đồng ngày một bền vững. Xin cảm ơn và kính chào quý vị, ĐỖ VĂN HIẾN
|